Sao chiếu mệnh - Chương 19 - 20

Chương 19

Gian phòng vũ hội của khách sạn Waldorf Astoria đông chật những người bảo trợ của Hội trường Carnegie. Lara nhớ lại cuộc đàm thoại vài ngày trước đó

- Chào cô Cameron, tôi là Phillip Adler.

Cổ họng nàng đột nhiên khô lại.

- Tôi xin lỗi là đã không cảm ơn cô ngay được về việc cô góp một khoản tiền cho Quỹ. Tôi mới ở châu u về nên bây giờ mới biết tin.

- Tôi rất vinh hạnh được đóng góp vào Quỹ, - Lara nói. Nàng cố kéo dài cuộc đàm thoại để được nghe giọng nói của chàng. - Và… và thật ra tôi còn muốn biết thêm về hoạt động của Quỹ. Tôi có thể gặp ông trao đổi về việc đó được không, thưa ông Adler?

Đầu dây bên kia im lặng một lúc.

- Sắp có bữa tiệc từ thiện ở khách sạn Waldorf vào tối thứ Bẩy này. Ta có thể gặp nhau tại đó. Cô có rảnh tối hôm ấy không, thưa cô Cameron?

Lara liếc nhanh vào lịch làm việc. Tối thứ Bảy nàng đã hẹn dùng bữa với chủ nhà băng Texas. Nàng quyết định rất nhanh.

- Được. Tôi rất vui được đến đó.

- Tuyệt vời. Tôi sẽ để sẵn một giấy mời cho cô ở chỗ người soát vé.

Lúc đặt điện thoại xuống, Lara mặt mày rạng rỡ.

Lara không thấy Phillip Adler đâu. Nàng đi khắp cả gian phòng rộng, lắng nghe những câu chuyện bàn tán của mọi người. Họ bàn luận, bình phẩm về Stravinsky, Bartok, Chopin… bằng thứ ngôn ngữ Lara không hiểu. Kia rồi? Nàng đã nhìn thấy Phillip đang bị vây chặt giữa những người hâm mộ chàng.

Lara lách qua đám đông. Một cô gái trẻ đang nói:

- Lúc ông đàn bản Sônát si bêmol thứ, tôi tưởng như Rachmaninoff đang mỉm cười. Tiếng đàn của ông, những luyến láy đúng là kỳ diệu… Kỳ diệu - Cảm ơn, - Phillip cười. Và chàng đã nhìn thấy Lara.

- Ôi, xin lỗi. - Chàng nói.

Chàng bước đến chỗ nàng đứng, nắm bàn tay nàng. Sự đụng chạm hai làn da làm Lara rạo rực.

- Chào cô Cameron. Rất mừng thấy cô đến.

- Cảm ơn, - nàng nhìn xung quanh. - Ở đây đông người quá.

- Đúng vậy, - chàng nói. - Tôi thấy rõ cô yêu nhạc cổ điển, đúng thế không, thưa cô Cameron?

Lara nghĩ đến những bản nhạc nàng quen nghe hồi nhỏ. Toàn là những ca khúc hoặc nhạc Jazz.

- Ồ vâng, - nàng nói. - Cha tôi dạy tôi yêu nhạc cổ điển.

- Một lần nữa tôi xin cảm ơn cô về sự hảo tâm.

- Quỹ của ông có mục đích rất cao quý. Tôi muốn được biết thêm về tôn chỉ, hoạt động của Quỹ. Nếu như…

- Ôi, Phillip yêu quý. - Đám người hâm mộ lại bâu lấy chàng. Lara cố nói to để chàng nghe thấy được.

- Nếu như ông rảnh một buổi tối nào đó trong tuần tới? - Phillip lắc đầu:

- Rất tiếc. Mai tôi phải bay sang Rome.

Lara đột nhiên thấy hụt hẫng.

- Nhưng ba tuần nữa tôi sẽ có mặt ở đây. Có thể đến lúc đó…

- Tốt quá! - Lara nói.

- Ta sẽ dành một buổi tối trao đổi về âm nhạc cổ điển…

Lara cười:

- Vâng. Tôi sẽ rất nóng lòng mong đến ngày đó.

Câu chuyện giữa họ bị hai ông trung niên đến cắt ngang. Một người buộc tóc sau gáy, một người đeo máy nghe ở một bên tai.

- Phillip? Anh phân xử hộ cho vụ này. Lúc anh đàn Liszt, anh coi thứ nào quan trọng hơn: gõ phím mạnh để tạo mầu sắc hay lướt nhẹ để tạo thanh thoát?

Lara không hiểu họ nói chuyện gì. Họ tranh luận rất lâu và nàng nhận thấy vẻ sôi nổi trên khuôn mặt Phillip lúc chàng nói và nàng thầm nghĩ. Đó là thế giới của chàng. Mình phải cố gắng để đi vào được thế giới ấy.

Sáng hôm sau, Lara đến Trường nhạc Manhattan.

Nàng nói với bà thường trực ở quầy tiếp tân.

- Tôi muốn gặp một giáo sư âm nhạc.

- Cụ thể là ai?

- Tôi chưa biết nên gặp ai.

- Thôi được. Cô chờ cho một lát, - bà nhân viên sang một phòng khác.

Vài phút sau, một người đàn ông tóc hoa râm, nhỏ thó ra tiếp.

- Chào cô, tôi là Leonard Meyers. Tôi có thể giúp gì được cô?

- Tôi muốn đi vào âm nhạc cổ điển.

- Vậy là cô muốn vào học? Cô chơi nhạc cụ gì?

- Tôi không chơi đàn. Tôi chỉ muốn học để hiểu âm nhạc cổ điển thôi.

- Tôi e cô đến không đúng chỗ rồi. Đây là trường dạy cho những người mới học.

- Tôi xin trả ông năm ngàn đô-la để ông dành cho tôi hai tuần lễ.

Giáo sư Meyers sa sầm nét mặt:

- Tôi rất tiếc thưa cô… À, xin lỗi, tôi chưa được biết quý danh.

- Tôi là Cameron. Lara Cameron.

- Cô muốn trả tôi năm ngàn đô-la để tôi trao đổi với cô về âm nhạc cổ điển trong hai tuần lễ? - Ông ta lắp bắp mãi mới nên lời.

- Vâng, đúng thế. Giáo sư có thể dùng số tiền đó làm gì tùy ý. Có thể tặng cho quỹ học bổng chẳng hạn.

Giáo sư Meyers hạ thấp giọng:

- Điều đó không cần thiết. Đây chỉ là chuyện giữa tôi và cô, được chứ, cô Cameron?

- Vâng, được.

- Vậy bao giờ… bao giờ cô muốn bắt đầu?

- Ngay bây giờ.

- Bây giờ tôi đang lên lớp. Nhưng thôi được. Cô đợi cho năm phút.

Lara và giáo sư Meyers ngồi trong phòng học bỏ trống.

- Ta đi từ đầu. Cô đã biết gì về âm nhạc cổ điển chưa?

- Ít lắm.

- Tôi hiểu. Vậy thì… có hai cách để hiểu nhạc cổ điển, - giáo sư bắt đầu nói. - Nhận thức bằng óc và cảm bằng tim. Có người đã nói, nhạc gợi lên cho người nghe những cảm xúc thầm kín mà bình thường họ không thấy được. Những nhà soạn nhạc thiên tài làm được công việc đó.

Lara chăm chú lắng nghe.

- Cô có quen nghe nhạc của một nhạc sĩ sáng tác nào không, cô Cameron?

Lara mỉm cười:

- Ít lắm.

Vị giáo sư cau mày:

- Nếu quả vậy thật tôi chưa hiểu tại sao cô lại quan tâm đến nó?

- Tôi muốn có những hiểu biết cơ bản để có thể trò chuyện với một nhạc công chuyên nghiệp về nhạc cổ điển. Tôi… tôi đặc biệt quan tâm đến đàn piano.

- Tôi hiểu, - giáo sư Meyers suy nghĩ một lát. - Tôi sẽ hướng dẫn cô cách bắt đầu. Cô hãy nghe một số đĩa.

Ông đến tủ, lấy xuống một số đĩa hát compact.

- Ta bắt đầu bằng đĩa này. Tôi muốn cô nghe cẩn thận đoạn allegro trong bản Concerto dành cho piano của Mozart số 21 gam đô, số hiệu K.467 và đoạn adagio trong bản Concerto sô 2 gam đô thứ dành cho piano của Rachmaninoff, số hiệu 18, và cuối cùng là đoạn romanze trong bản Concerto số 1 của Chopin dành cho piano. Tất cả đều đã được đánh dấu.

- Vâng.

- Cô có thể đem về nhà nghe và vài ngày nữa mời cô quay lại đây…

- Mai tôi sẽ quay lại.

Hôm sau, lúc Lara đến Trường nhạc, nàng đem theo nửa tá đĩa các bản Concerto và Rectal do Phillip Adler đàn.

- Hay lắm! - Giáo sư Meyers nói. - Nhạc sư Adler thì nhất rồi. Cô thích nghệ thuật trình diễn của ông ta lắm phải không?

- Vâng.

- Nhạc sư Adler có in khá nhiều đĩa sonat do ông ta biểu diễn.

- Sonat?

Giáo sư Meyers thở dài:

- Cô không hiểu thế nào là sonat ư, cô Cameron?

- Tôi e là không.

Sonat là nhạc phẩm có nhiều loại tiết tấu và lấy một mô hình âm nhạc nhất định làm nền tảng. Và khi mô hình đó được ứng dụng vào nhạc phẩm cho một cây đàn độc tấu, thí dụ piano hoặc violon thì nhạc phẩm đó gọi là sonat. Còn giao hưởng là sonat dùng cho toàn bộ dàn nhạc.

- Tôi hiểu, - Thì ra phạm vi hiểu biết để tiếp thu âm nhạc cũng không đến nỗi mênh mông lắm.

Cây đàn piano thoạt đầu được hiểu là piano - forte, tiếng Italia có nghĩa là "dịu dàng và mạnh"…

Hai thầy trò dùng mấy ngày tiếp theo vào việc phân tích những đĩa do Phillip biểu diễn nhạc của Beethoven, Liszt, Bartok, Mozart, Chopin.

Lara lắng nghe, thấm từng lời và ghi nhớ.

- Ông ấy thích Liszt. Giáo sư nói tôi nghe về Liszt đi.

Và cứ thế, giáo sư Meyers kể dần với nàng về Liszt, Beethoven, về Chopin và những nhạc sĩ thiên tài khác. Ông giảng cho nàng hiểu đặc điểm tính cách và những giá trị sáng tạo của từng nhà soạn nhạc, về sự khác nhau giữa họ.

Một lần giáo sư Meyers giảng cho nàng tỉ mỉ về đặc điểm của nghệ thuật trình diễn, tất nhiên chủ yếu về cây đàn piano. Ông nói:

- Có sự khác nhau giữa các nhạc công piano Pháp và nhạc công piano Mỹ. Người Pháp thích rõ ràng, trong sáng, lịch sự, còn người Mỹ thích truyền cảm.

Và những lời giảng của giáo sư đều kèm theo thí dụ cụ thể trên đĩa. Hai thầy trò vừa trao đổi, vừa nghe. Cuối tuần lễ thứ hai, giáo sư Meyers nói:

- Tôi phải thú nhận rằng tôi đã rất ngạc nhiên. Cô là người học trò chăm chỉ, thông minh và thật sự tha thiết muốn hiểu biết, cô Cameron. Có lẽ cô nên học một thứ nhạc cụ nào đó chăng?

Lara cười vang:

- Ta không nên đi quá xa, - nàng đưa giáo sư tấm ngân phiếu. - Xin cảm ơn giáo sư.

Nàng không thể ngồi nhà chờ cho đến lúc Phillip quay về New York được

Chương 20

Mở đầu ngày hôm đó đã có liên tiếp những tin tức mới. Terry Hill gọi điện đến:

- Lara đấy phải không? - Người luật sư hỏi trong máy.

- Có chuyện gì vậy?

- Uỷ ban phòng chống cờ bạc lậu đã chấp thuận cấp giấy phép mở cửa sòng bạc cho chị rồi.

- Tuyệt vời, Terry.

- Tôi chưa kịp hỏi chi tiết cho chị thì được tin họ đã bật đèn xanh…

- Vậy là rất tốt. Cảm ơn anh, - nàng nhìn vào lịch làm việc. - Anh hãy bay đến đó và tiến hành những công việc cần thiết ngay thứ Ba này. Tôi muốn ta bắt đầu kinh doanh ở đấy càng sớm càng tốt.

Tiếng Kathy trong máy truyền âm:

- Ông Adler muốn nói chuyện với bà chủ trong máy số hai. Vậy tôi trả lời ông ta là bận nhé?

Lara đột nhiên choáng váng:

- Ấy không. Tôi sẽ nói chuyện với ông Adler, - nàng nhấc máy điện thoại - Anh Phillip đấy ư?

- Chào Lara. Tôi đã về rồi.

- Hay quá. Tôi mong anh quá.

- Tôi biết cô đang rất bận, nhưng tối nay cô có thu xếp để đi ăn với tôi được không?

Nàng đã hẹn đi ăn tối với Paul Martin.

- Vâng, được.

- Tuyệt vời. Cô muốn ta đến nhà hàng nào?

- Nhà hàng nào cũng được.

- Cote Basque được không?

- Được - Hẹn tối nay.

Khi đặt máy xuống. Lara bật cười.

- Phillip Adler đấy phải không? - Howard hỏi.

- Vâng tôi sẽ lấy anh ấy.

Howard ngạc nhiên nhìn Lara.

- Cô nói thật đấy chứ?

- Nghiêm chỉnh.

Howard hơi choáng váng. Vậy là mình đã mất Lara. Howard Keller thầm nghĩ. Rồi anh nghĩ tiếp. Thì có gì lạ đâu? Dù sao mình cũng không thể lấy được Lara kia mà.

- Lara! Nhưng cô đã biết gì nhiều về anh ta đâu?

- Mình đã biết anh ấy từ thuở mình còn nhỏ kia.

- Tôi nghĩ có thể cô đã quyết định sai lầm đấy.

- Không đâu. Tôi…

Điện thoại riêng của nàng reo, điện thoại nàng lắp để nói chuyện riêng với Paul Martin.

- Chào anh!

- Lara? Mấy giờ ta đi ăn tối?

Nàng bỗng thấy mình có lỗi.

- Anh Paul ạ… Em sợ tối nay em không đi được. Có chuyện cần đến em. Em đang định gọi điện cho anh.

- Vậy à? chuyện gì trục trặc à?

- Không. Chỉ là có người ở Rome vừa mới bay tới New York, - đó cũng có phần đúng với sự thật. - Em phải gặp họ. Số anh không may rồi. Vậy tối hôm khác nhé?

- Tất nhiên.

- Anh nghe nói khách sạn Reno đã có giấy phép kinh doanh rồi phải không?

- Vâng.

- Chỗ ấy sẽ hay lắm đấy.

- Em cũng tin là như thế. Xin lỗi anh về buổi tối hôm nay nhé, Paul? Mai em sẽ gọi điện cho anh.

Lara đặt máy xuống. Howard đang nhìn nàng.

Lara thấy vẻ không tán thành trên gương mặt anh.

- Anh băn khoăn chuyện gì phải không, Howard?

- Đúng thế. Về trang bị quá hiện đại trong phòng giấy của cô.

- Anh nói gì vậy?

- Quá nhiều máy điện thoại.

Lara giật mình.

- Nhưng chẳng sao đâu, anh đừng lo, Howard. Có chuyện gì nữa không?

- Không, - Howard lắc đầu.

- Vậy ta bắt đầu làm việc.

***

Phillip đã đợi sẵn trong nhà hàng Cote Basque lúc nàng đến. Thấy nàng vào, mọi người xung quanh quay hết cả lại nhìn. Phillip đứng lên chào và Lara tưởng như tim nàng sắp nhẩy ra khỏi lồng ngực.

- Tôi không đến muộn đấy chứ, Phillip? - Nàng nói.

- Không muộn chút nào hết, - Phillip nhìn nàng thán phục. Cặp mắt chàng trìu mến. - Trông cô đáng yêu quá!

Lara đã thử đi thử lại đến một tá bộ đồ, cuối cùng nàng mới quyết định chọn bộ đồ nhãn Dior giản dị này.

- Cảm ơn anh.

Lúc cả hai đã ngồi xuống, Phillip nói:

- Tôi cảm thấy tôi như một thằng ngốc.

- Ôi, tại sao vậy?

- Tôi vẫn chưa rõ lắm. Cô có phải là Cô Cameron, chủ cả một mạng lưới khách sạn với bao nhiêu toà nhà không? Trên đường đi biểu diễn, tôi đã nhìn thấy tên cô ở rất nhiều nơi.

- Thế là tốt. Vì như vậy anh sẽ nhớ đến tôi.

Phillip chăm chú quan sát nàng:

- Chẳng cần phải thấy những thứ đó tôi mới nhớ đến cô. Cô có khó chịu khi gặp ai, người ta cũng khen cô đẹp không, Lara?

Nàng đã định nói "tôi rất vui khi nghe thấy câu đó ở miệng anh" nhưng nàng lại đáp:

- Anh có vợ chưa, Phillip? - Và nói xong nàng tự cắn lưỡi một cái.

- Chưa, - Phillip mỉm cười. - Tôi không thể lấy vợ được.

- Tại sao? - nàng phải cố nín thở. Nghĩa là anh ấy chưa…

- Bởi quanh năm tôi trên đường biểu diễn. Đêm nay ở Budapest, đêm mai đã ở London, Paris hay Tokyo rồi.

Lara thở phào nhẹ nhõm:

- Phillip! Anh kể về anh cho tôi nghe đi.

- Cô muốn biết về gì nào, Lara?

- Mọi thứ về anh.

Phillip cười vang.

- Thế thì chỉ năm phút là đủ.

- Không, tôi nói nghiêm chỉnh đấy. Tôi muốn biết mọi thứ về anh, Phillip.

Phillip hít một hơi thở sâu:

- Chỉ có thế này thôi? Cha mẹ tôi là người thành phố Vienne(1). Cha tôi là nhạc trưởng, mẹ tôi dạy đàn piano. Hồi Hitler lên cầm quyền, cha mẹ tôi chạy sang Mỹ, sống ở Boston. Tôi sinh ra ở đó.

- Từ nhỏ anh đã muốn thành nhạc công piano rồi à?

- Đúng thế.

Lên sáu tuổi Phillip đàn piano và cha chàng quát ầm lên: "Không được! Không được! Con không phân biệt được hoà âm trưởng khác với thứ là thế nào à?”

Và ông ngồi ngay xuống đàn, đưa những ngón tay lông lá chỉ vào bản nhạc.

- Đây là hoà âm thứ, con hiểu chưa?

- Thưa ba, cho phép con đi chơi được không ạ? Mấy đứa bạn con đang chờ ngoài kia.

- Không được. Con phải ngồi đây tập cho đến khi nào con đánh đúng.

Phillip lên tám. Sáng hôm đó cậu ngồi đàn liền bốn tiếng đồng hồ. Và nổ ra một cuộc xung đột dũ dội với bố mẹ.

- Con căm thù cây đàn piano, - cậu hét lên - Không bao giờ con sẽ ngồi vào đàn nữa.

Mẹ cậu nói:

- Thôi được. Bây giờ con đánh lại cho mẹ nghe đoạn Andanto một lần nữa thôi.

Năm cậu mưởi tuổi. Căn nhà đầy khách, đại đa số là bạn bè ngày xưa của cha mẹ cậu, từ hồi còn ở Vienne. Tất cả đều là nhạc công.

- Cháu Phillip sẽ đàn một bản nào đó cho chúng ta nghe, - mẹ cậu tuyên bô.

- Chúng tôi đều muốn nghe cháu Phillip đàn, - họ nói bằng giọng khuyến khích.

- Con đàn Mozart đi.

Phillip nhìn vào những khuôn mặt chăm chú và cậu rầu rĩ miền cưỡng ngồi vào đàn. Mọi người thì thào khẽ với nhau.

Phillip bắt đầu đàn, những ngón tay cậu lưởt trên dẫy phím. Tiếng trò chuyện đột nhiên im bặt. Cậu đàn bản sonat của Mozart. Tiếng nhạc tươi vui rộn rã. Trong lúc đó, cậu trở thành Mozart và khắp gian phòng tràn ngập tiếng đàn thần kỳ của nhà nhạc sĩ thiên tài.

Lúc các ngón tay của Phillip đập xuống hợp âm cuối cùng, cả phòng khác lặng đi như tờ. Bạn bè của cha mẹ cậu ùa đến vây xung quanh cậu, thi nhau nói. Họ không tiếc lời ca ngợi cậu. Phillip nghe tiếng vỗ tay tán thưởng của họ và lần đầu tiên cậu hiểu thiên chức của cậu trên đời là gì và cậu sẽ hiến dâng cuộc đời cho cái gì.

- Đúng thế, - Phillip nói. - Ngay từ nhỏ tôi đã mơ ước trở thành nhạc công piano.

- Anh học đàn ở đâu?

Mẹ tôi dạy cho đến năm tôi mười bốn tuổi. Sau đấy ba mẹ tôi gửi tôi đến học Trường nhạc ở Philadelphia.

- Anh thích học ở đấy chứ?

- Rất thích.

Phillip mười bốn tuổi, một mình trong thành phố, không có bạn bè. Trường nhạc Curtis chiếm bốn toà nhà cũ xây từ cuối thế kỷ trước gần quảng trường Rittenhouse của Philadelphia. Đấy là nhạc Hoa Kỳ nổi tiếng ngang với các Nhạc viện ở Matxcơva của Viardo, Egorov và Toradze. Nhạc công Samuel Barber, Lconard Bernstein, Gian Carlo Menotti, Peter Serkin và hàng chục nhạc công nổi tiếng khác đã tốt nghiệp ở Trường nhạc này.

- Ở đó anh có cô đơn không?

- Không.

Phillip ở đó rất buồn. Từ nhỏ cậu chưa xa nhà bao giờ. Cậu thi vào trưởng nhạc Curtis và khi đỗ, cậu bỗng nhiên nghĩ rằng cậu sắp bước vào một quãng đời khác hẳn, sẽ không bao giờ quay trở về nhà nữa.

Các thầy công nhận ngay cậu sinh viên mới này có biệt tài. Thầy dạy piano của cậu là Isabelle Vengerova và Rudolf Serkin. Ngoài piano Phillip còn học lý thuyết âm nhạc, hoà âm, phối khí và thổi sáo.

Ngoài giờ học, cậu chơi nhạc thính phòng với các sinh viên bạn.

Piano là nhạc cụ cậu đã tập từ năm lên ba tuổi, bây giở trở thành trung tâm của cuộc đời cậu. Đối với Phillip đó là cây đàn thần để cậu thể hiện những rung động của trái tim mình. âm nhạc là thứ ngôn ngữ toàn thếgiới.

- Năm mười tám tuổi tôi biểu diễn lần đầu tiên trên sân khấu với dàn nhạc giao hưởng Detroit.

- Hôm ấy anh có sợ không?

Phillip rất hoảng. Chàng thấy chơi đàn cho bè bạn nghe là một chuyện nhưng biểu diễn trước cả một hội trưởng đông kín những người bỏ tiền ra mua vé lại là chuyện hoàn toàn khác.

Chàng đang đi đi lại trong hậu trưởng để ghìm cơn hoảng sợ thì người chỉ huy đêm biểu điễn túm cánh tay chàng, nói:

- Đến lượt cậu rồi đấy.

Phillip còn nhớ mãi cảm giác lúc chàng bước ra sân khấu và công chúng vỗ tay đón chào chàng. Phillip ngồi xuống trước cây đàn và bao nỗi hồi hộp tan biến sạch. Từ hôm đó, cuộc đời chàng là một chuỗi dài bất tận các buổi trình diễn. Chàng đã biểu diễn khắp châu u, châu Á, và sau mỗi chuyến đi như vậy danh tiếng chàng lại tăng lên.

William Ellerbee, một ông bầu nghệ thuật cỡ lớn nhận "lăng xê" Phillip. Và trong vòng chưa đầy hai năm, Phillip Adler đã thành nhạc công được các rạp hát tới tấp mời chào.

Phillip nhìn Lara, mỉm cười với nàng:

- Sợ chứ. Bây giờ trước mỗi lần biểu diễn tôi vẫn còn sợ.

- Anh tả cảm giác của anh mỗi lần biểu diễn đi.

- Lần nào tôi cũng hồi hôp khủng khiếp. Một lần tôi đi lưu diễn với dàn nhạc giao hưởng Philadelphia. Chúng tôi đến Brussels và trên đường, chúng tôi dừng lại biểu diễn ở London. Sân bay bị đóng cửa vì sương mù quá dầy, thế là người ta dùng xe ca chở chúng tôi đến sân bay ở Amsterdam. Người dẫn đoàn đi giải thích rằng máy bay họ thuê rất nhỏ nên mỗi người chỉ được mang, hoặc nhạc cụ hoặc hành lý. Tất nhiên mọi người đều chọn nhạc cụ. Chúng tôi đến London vừa sát giờ biểu diễn. Thế là tôi lên ngay sân khấu vẫn còn mặc quần Jean, áo len và chưa cạo râu.

Lara bật cười:

- Tôi tin rằng như thế thính giả lại thích hơn.

- Đúng thế. Một lần chúng tôi trình diễn ở bang Indiani, đàn piano bị cất trong một căn phòng mà không ai có chìa khoá. Chúng tôi đành phá cửa để vào lấy đàn.

Lara cười khúc khích.

- Năm ngoái, theo chương trình, tôi trình diễn một bản concerto của Beethoven. Một nhà phê bình âm nhạc viết trên báo:

"Phillip Adler đã cho chúng ta một buổi trình diễn quá ngẫu hứng. Phần cuối bản nhạc ông đã dùng tiết tấu quá kéo dài, làm sai lạc cả mạch nhạc của tác giả".

- Thật tồi tệ, - Lara thốt lên:

- Nhưng điều còn tồi tệ hơn nữa là hôm đó tôi không biểu diễn. Tôi bị lỡ chuyến bay!

Lara dướn người lên phía trước sôi nổi.

- Anh kể nữa đi, Phillip.

Một lần ở thành phố San Paulo thì đúng giữa bản sonat của Chopin, bàn đạp piano bị tuột ra ngoài.

- Thế anh xử trí thế nào?

- Tôi chơi tiếp cho hết bản sonat mà không dùng bàn đạp. Một lần khác, đang đàn, chiếc piano cứ thế trôi sang góc bên kia sân khấu.

Khi kể về những buổi biểu diễn, giọng Phillip rất sôi nổi, hào hứng.

- Tôi là người diễm phúc. Còn gì tuyệt vời bằng rung động được công chúng, dẫn họ vào một thế giới khác. âm nhạc đem đến cho mọi người những giấc mơ. Đôi khi tôi nghĩ rằng, may mà trong cõi đời ô trọc hôm nay vẫn còn lại được một thứ, đó là âm nhạc, - chàng cười sảng khoái. - Tôi không định ăn to nói lớn đâu, Lara.

- Không, anh nói rất đúng. Anh làm cho hàng triệu con người được hưởng sung sướng. Tôi rất yêu cái cách anh biểu diễn, - nàng hít một hơi thở sâu. - Lúc nghe anh đàn bản Những cánh buồm của Debussy tôi cảm thấy như mình đang tha thẩn một mình trên bãi biển và nhìn thấy xa xa một cánh buồm đang lướt trên sóng…

Chàng mỉm cười:

- Lúc đó tôi cũng nhìn thấy đúng như vậy.

- Và khi nghe anh chơi nhạc Scarlatti, tôi thấy mình đang ở giữa thành phố Naples, nghe thấy tiếng ngựa hí, tiếng banh xe lộc cộc và những con người tấp nập trên đường phố… - nàng nhìn thấy được vẻ thích thú hiện lên trên gương mặt Phillip khi chàng nghe nàng nói.

Lara đang phục hồi lại trong trí óc những bài giảng của giáo sư Meyers.

- Lúc nghe anh đàn Bartok, tôi thấy như anh đang đưa tôi đến những làng quê của miền Trung u đến với những người dân thôn quê Hungary. Anh vẽ nên những bức hoạ và tôi lạc lối trong đó.

- Ôi cô quá khen, - Phillip nói.

- Không đâu, tôi không nói sai một lời nào hết.

Ăn xong, Phillip nói:

- Lara, sao chúng ta chỉ toàn nói về tôi thôi? Cô hãy kể tôi nghe về cô đi! Xây cất những toà nhà khổng lồ trên khắp đất nước có ý nghĩa thế nàó đối với cô?

Lara im lặng một lúc.

- Câu anh hỏi khó trả lời quá. Anh sáng tạo bằng hai bàn tay. Còn tôi, bằng cái đầu. Tôi không trực tiếp xây cất lên những toà nhà ấy mà tôi chỉ tạo điều kiện để những toà nhà đó được xây cất. Tôi mơ thấy giấc mơ của gạch, xi măng, sắt thép và tôi biến những giấc mơ ấy thành sự thật. Tôi tạo công ăn việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn con người: kiến trúc sư, thợ nề, nhà thiết kế, thợ mộc, thợ làm ống nước… Nhờ tôi mà họ kiếm được tiền nuôi gia đình. Tôi tạo cho người ta một khung cảnh đẹp đẽ để họ sống và làm việc. Tôi làm cho điều kiện ở của họ thoải mái dễ chịu hơn. Tôi xây những cửa hiệu hấp dẫn để người ta có thể mua và bán những thứ họ cần. Tôi xây những công trình cho tương lai, - nàng mỉm cười, ngượng nghịu. - Tôi không định diễn thuyết đâu, Phillip.

- Cô nói rất hay, cô có biết như vậy không?

- Tôi rất muốn anh hiểu cho.

Đó là một buổi tối diệu kỳ và đến lúc chia tay. Lara chợt hiểu rằng đây là lần đầu tiên nàng yêu.

Bao năm qua nàng rất lo là mình sẽ suốt đời phải thất vọng. Nàng đã hết hy vọng được gặp được người nào giống như nàng vẫn lờ mờ thấy trong mộng.

Nhưng bây giờ nàng đã gặp được chàng bằng xương bằng thịt hẳn hoi.

Về đến nhà, Lara vui đến mức không sao ngủ được. Nàng thầm ôn lại buổi tối hôm nay nhớ lại từng lời trong cuộc trò chuyện và cứ nhẩm lại mãi.

Phillip Adler là người đàn ông hấp dẫn nhất, chưa bao giờ nàng gặp. Chuông điện thoại reo. Nàng mỉm cười nhấc máy. Nàng vừa buột miệng.

- Phillip…

Thì Martin đã nói luôn.

- Anh muốn xem thử em đã về nhà an toàn chưa thôi.

- Vâng, - Lara nói, - Cuộc gặp thế nào?

- Rất tốt.

- Vậy là yên. Tối mai ta ăn tối với nhau nhé?

Lara ngập ngừng.

- Vâng.

Và nàng băn khoăn: Không biết Martin có gây rắc rối gì không.

Chú thích:

(1) Thủ đô Áo, nơi nổi tiếng là thành phố của âm nhạc cổ điển.