Cô Lâu Quái Kiệt - Hồi 20 - Phần 1
Hồi 20: Đồng chung thật, đồng chung giả
Đêm đã vào canh ba, bóng trăng sáng vằng vặc, khắp ngọn Kỳ Bàn Phong mông lung như được phủ lên một lớp sương lạnh.
Chung quanh không nghe một tiếng côn trùng, không một tiếng chim đêm, mà chỉ có ngọn gió lạnh thổi rì rào, nghe như tiếng rên rỉ của một kẻ sắp chết.
Giữa bãi đá tảng ngổn ngang nằm về phía trái ngọn núi, có một cặp mắt sáng ngời đang ngó đăm đăm về phía đỉnh núi.
Kẻ có đôi mắt sáng ngời ấy chính là Gia Cát Ngọc, người đã đến đúng theo lời hẹn.
Thời gian trôi qua từng giây từng phút một, trên đỉnh núi vẫn chẳng hề trông thấy một bóng người nào. Gia Cát Ngọc đã bắt đầu sốt ruột. Chả lẽ...?
Chàng đang lo ngại đối phương sẽ thất hẹn, thì bỗng có tiếng chéo áo giũ trong gió nghe rèn rẹt, vọng đến bên tai.
Âm thanh ấy nghe rất khác lạ, người am hiểu võ công vừa nghe qua, là đã biết đối phương chính là một cao thủ võ lâm, chứ không phải tầm thường.
Nhưng, một cao thủ võ lâm khi đã rèn luyện võ công đến mức cao tường tuyệt đỉnh rồi, thì tất cả các hành động đều phải đi đến mức độ không gây ra một tiếng động khẽ nào mới phải, thế tại sao đối phương phi thân lướt đi lại để chéo áo giũ rèn rẹt trong gió như vậy?
Chả lẽ kẻ đó không phải là kẻ mà chàng đang chờ đợi?
Ủa? Mà đây mới thực là lạ. Vì tiếng rèn rẹt ấy bỗng dưng lại im hẳn. Kế đó, chàng lại nghe có những âm thanh hết sức mơ hồ như một làn gió nhẹ thoảng qua trên mặt nước, khiến chàng không thể nhận xét được âm thanh ấy xuất phát từ hướng nào.
Đúng thế. Như vậy mới đáng gọi là một cao thủ bậc nhất trong võ lâm. Nhưng tại sao hành động của người đó lại hoàn toàn khác biệt, y như hai người. Hay là...?
Chàng chưa tự tìm được câu giải đáp, thì trên ngọn núi Kỳ Bàn Phong bỗng có bóng người chập chờn, và xuất hiện...
Khi nhìn kĩ được đối phương, thì không khỏi giật nảy mình, suýt nữa buột miệng kêu thành tiếng.
Người ấy là ai thế?
Thì ra, người đó chính là Đồng Chung Đạo Nhân, kẻ vừa được phong là Huyết Hải Võ Tướng.
Chàng trông thấy lão ta râu dài quá bụng, mình mặc một chiếc áo dài đen chấm đất, tay trái bưng một chiếc chuông đồng cũ kĩ, loang lổ từng đốm đen xanh và đang óng ánh dưới ánh trăng bạc.
Lão ta hẹn mình đến đây để làm gì? Ta nên bước ra gặp lão ta chăng?
Gia Cát Ngọc đang băn khoăn nghĩ ngợi thì bỗng thấy Đồng Chung Đạo Nhân đưa mắt ngắm lên bầu trời, rồi lại co một ngón tay nhắm búng thẳng vào chiếc chuông đồng cũ kĩ.
Boong. Một tiếng ngân trong trẻo và cao vút đến tận mây xanh. Giữa đêm khuya và giữa vùng núi đồi hoang dại này, tiếng chuông lẳng lặng vang mãi không dứt.
Tiếng chuông của lão còn đang ngân dài thì bỗng tại phía chân núi lại có một tiếng chuông thứ hai ngân lên.
Đây là tiếng chuông hồi âm chăng?
Không. Tiếng chuông ấy hơi rè, không trong trẻo như tiếng chuông của Đồng Chung Đạo Nhân.
Chẳng lẽ trong võ lâm lại có một cao thủ thứ hai nào sử đồng chung nữa hay sao?
Đúng thế, không sao một tí nào cả. Bên dưới ngọn Kỳ Bàn Phong lại có một bóng người xuất hiện. Bóng người ấy lướt đi nhẹ nhàng như đàng vân giá vũ, nhắm ngay ngọn núi vượt thẳng lên.
Bóng người ấy cũng mặc áo màu đen, cũng râu dài quá rún, cũng bới một búi tóc cao trên đỉnh đầu, trong tay cũng đang cầm một chiếc đồng chung. Chẳng phải là Đồng Chung Đạo Nhân, một trong Càn Khôn Ngũ Bá mà lại có người dám mạo nhận, thực đây là một chuyện chưa từng nghe xảy ra trong đời. Nhưng, hai người ấy trông y hệt như nhau, ai thực ai giả chẳng làm sao nhận xét được. Hơn nữa, người hẹn với chàng đến đây, lại là người nào?
Gia Cát Ngọc cảm thấy hoang mang, không hiểu ra sao cả.
Trong khi Gia Cát Ngọc còn đang ngơ ngác, thì tâm trạng của Đồng Chung Đạo Nhân cũng nào có khác chi chàng?
Một người đến trước, mình mặc áo đen, râu dài quá rún, cũng búi tóc cao trên đỉnh đầu...
Và một người đến sau cũng mình mặc áo đen, râu dài quá rún, cũng búi tóc cao trên đỉnh đầu...
Cả hai đều giống nhau, giống y hệt như nhau. Nhưng, duy có một điểm khác nhau, chính là chiếc chuông đồng trên tay họ.
Chiếc chuông đồng cũ kĩ trên tay người đến trước đang lấp lánh màu tím ngắt, nhưng chiếc chuông đồng của người đến sau thì ánh vàng chói rực, khiến ai nhìn đến cũng hoa mắt.
Không khí chung quanh, bỗng trở thành im lặng và nặng nề hơn.
Giữa hai lão già ấy, tựa hồ đều đang kinh ngạc trước hình dáng và ăn mặc của đối phương. Hai lão ta không ngớt đưa mắt nhìn nhau, và sắc mặt cũng không ngớt thay đổi. Cuối cùng, bỗng cả hai đều cất tiếng cười nhạt.
Giữa hai tiếng cười ấy, Gia Cát Ngọc đã nhận ra được, người hẹn chàng đến địa điểm này, chính là Đồng Chung Đạo Nhân vừa đến sau.
Khi tiếng cười vừa dứt, thì cả hai lại “Hừ” lạnh lùng, rồi đồng thanh hỏi:
– Các hạ là ai?
Cả hai đều suốt ruột muốn biết đối phương là nhân vật nào, nên đã đồng thanh cùng đặt ra một vấn đề giống hệt nhau.
Cả hai dừng lại trong giây lát, rồi lại đồng thanh đáp rằng:
– Ta là Đồng Chung Đạo Nhân đây.
Hai câu hỏi cũng như hai câu trả lời, đều không khác một tiếng nào. Cả hai lại cùng nói lên một lúc, y như hai kép hát đang hát trên sân khấu. Gia Cát Ngọc đứng ngoài nhìn xem, thấy thế suýt nữa bật cười thành tiếng.
Liền đó, vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau, lại cất tiếng cười nhạt nói:
– Mấy năm qua, bần đạo không dấn bước giang hồ, thực chẳng ngờ cái tên Đồng Chung Đạo Nhân lại bị người ta mạo nhận.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến trước, cất giọng lạnh lùng phì cười, nói:
– E rằng kẻ giả mạo chính là cát hạ chứ không phải tôi.
– Cát hạ lấy chi để làm bằng chứng?
– Thử hỏi cát hạ có biết chiếc “Đoạn Trường Chung” này xuất xứ từ đâu chăng?
– Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, bèn thu tất cả binh khí của lục quốc mang về đúc thành mười hai tượng người bằng thép, và sau đó dùng vàng, y ra lệnh cho một người thợ nổi tiếng, tên là Mộng Châu Sinh lo đúc một cái chuông.
Nhưng, nấu suốt ba ngày bằng lửa đỏ, mà số vàng ấy vẫn không chảy. Sau đó, Mộng Châu Sinh phải bước vào lò để hiến thân thì việc đúc chuông mới thành công. Nhà vua bèn mang chiếc chuông đó đến treo tại cung A Phòng, và ban cho vợ của Mộng Châu Sinh giữ chức vụ đánh chuông hàng ngày. Vì thấy chiếc chuông thì nhớ đến người chồng năm xưa, nên vợ Mộng Châu Sinh quá ư đau đớn, gào khóc luôn ba ngày ba đêm, đứt ruột mà chết. Chính vì vậy, nên chiếc chuông ấy mới được gọi là “Đoạn Trường Chung”. Đến khi nhà Tần bị mất, thì chiếc chuông đó lại rơi vào tay Hạng Võ, rồi lại truyền đến nhà Hán. Vào năm thứ hai thời Hán Vũ Đế, có vị thủy tổ của phái Quát Thương là Hoành Đạo Chân Nhân dẹp yên được giặc Hung Nô, nhưng không chịu nhận quan chức của nhà vua ban, nên nhà vua lấy chiếc chuông ấy để biếu cho ông ta...
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến trước vừa nghe qua, thì bỗng cất tiếng cười to ha hả, nói:
– Đúng lắm. Đúng lắm. Vậy xin hỏi chiếc đồng chung trong tay của ông kia có phải là vật quý giá của đời nhà Tần để lại hay không?
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau, lộ vẻ giật mình, đáp:
– Không phải.
– Ha ha, chiếc đồng chung của ông là vật giả như vậy thì chính con người của ông nào lại có thực được?
– Những vật chung quanh con người, có nhiều lúc không làm thế nào giữ nó mãi bên cạnh, mà không bị thất lạc.
– Thế chiếc đồng chung của ông bị thất lạc trong trường hợp nào?
– Ba năm trước đây, tôi đã tặng nó cho một người ở Lục Chiếu Sơn, thuộc vùng Vân Nam.
– Ông tặng nó cho ai?
– Tôi tặng nó cho một người đàn bà bệnh hoạn yếu đuối.
– Ha ha ha, bửu kiếm thì tặng cho liệt sĩ, cũng như phấn sáp thì phải tặng cho giai nhân, vậy cát hạ lại mang một chiếc chuông đồng biếu cho một người đàn bà đã già nua bệnh hoạn để làm gì? Chả lẽ cát hạ định cho bà ta dùng để chèn hòm hay sao?
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau tựa hồ như tức giận qua câu nói ấy, nên liền bước hẳn đến trước ba bước, gằn giọng đáp:
– Chiếc đồng chung của bần đạo là một chiếc đồng chung giả, vậy chẳng lẽ vật trong tay của ông kia lại là một vật thực hay sao?
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến trước liền cười ha hả, nói:
– Đấy là giả hay thực, cát hạ nhìn qua chắc cũng tự biết rồi.
Lão ta vừa trả lời, nhưng cũng vừa xô mạnh cánh tay trái ra, tức thì chiếc đồng chung cũ kĩ liền bay vèo về phía trước.
Dưới ánh trăng sáng, chiếc đồng chung ấy lập lòe màu sáng tím ngắt, bay tới nghe vèo vèo, kình khí ồ ạt rung chuyển cả màng tai.
Chỉ qua sức xô ra của lão ta, cũng đủ biết nội lực trong người của lão mạnh đến mức nào, quả không dám xem thường được.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau trông thấy thế, bèn cất tiếng cười lạnh lùng, rồi đưa thẳng chưởng phải lên chụp tới rồi hạ thấp xuống, thế là, lão ta đã xiết cứng được chiếc chuông đồng vào trong tay. Lão ta đưa lên nhìn kĩ một lượt, thì đôi mắt bỗng tràn đầy ánh sáng kinh dị.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến trước bèn cất giọng lạnh lùng cười khanh khách, khiến cho vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau không ngớt biến đổi sắc mặt.
Qua tình trạng ấy, không cần hỏi ai cũng đủ biết được chiếc chuông đồng nọ, chính là một chiếc chuông đồng của đời nhà Tần trước kia. Như vậy, giữa hai vị Đồng Chung Đạo Nhân này, ai thực ai giả, cũng có dựa vào chiếc chuông đồng trên tay họ mà quyết định được.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau lộ vẻ trầm ngâm một lúc khá lâu, và cuối cùng liền cất tiếng cười nhạt, rồi vung mạnh cánh tay ra, khiến chiếc chuông đồng xoay tròn và bay thẳng lên không, rít gió nghe vèo vèo, chỉ trong nháy mắt là đã bay cao ngoài mười trượng.
Chiếc chuông đồng ấy khi bay lên thì thật là nhanh, nhưng khi bắt từ trên rơi trở xuống, lại chậm chạp một cách lạ lùng. Nó phiêu diêu một cách nhẹ nhàng trên khoảng không, trông chẳng khác nào một cánh hoa đang bay trước gió.
Gia Cát Ngọc trông thấy thế thì trong lòng hết sức kinh hãi, ngay đến vị Đồng Chung Đạo Nhân đến trước cũng không khỏi biến hẳn sắc mặt. Nhưng, liền đó, lão ta lấy lại được sự bình tĩnh ngay, vung chưởng lên đỡ lấy chiếc đồng chung đang từ trên cao rơi trở xuống.
Khi chiếc đồng chung đã rơi đến tay của lão ta, thì đôi chân của lão ta dường như bị lún mạnh xuống đất, đến cả đôi vai cũng khẽ dao động, tựa hồ trình độ nội công còn kém hơn vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau nửa bậc.
Nhưng, đấy chỉ là những hiện tượng xảy ra rất nhanh chóng, nếu không để ý nhìn thì không làm thế nào nhận thấy rõ được.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau chừng đó mới cất tiếng cười nhạt nói:
– Chiếc đồng chung của ông quả đúng là bảo vật của đời Tần để lại, và ông cũng có thể là Đồng Chung Đạo Nhân thật sự. Nhưng, ông đã là người của phái Quát Thương, vậy tại sao vị chưởng môn của phái ông bị chết dưới tay của Huyết Hải Chuyển Luân Vương, thế mà ông lại không hề có ý nghĩ phục thù, trái lại, còn đi làm tay sai cho kẻ thù một cách không biết nhục nhã?
Lời nói ấy hết sức hữu lý. Gia Cát Ngọc nghe qua thì đã đoán biết được hai việc bí ẩn trong chuyện này.
Việc thứ nhất, là vị Đồng Chung Đạo Nhân đến trước chính là người đã từng đánh nhau với chàng một lần, và hiện đang giữ chức vụ Huyết Hải Võ Tướng.
Việc thứ hai, vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau, chắc chắn là người đã giúp cho đệ tử của Cái Bang đánh chết một số cao thủ của Huyết Hải Địa Khuyết.
Nhưng, giữa hai người, ai là Đồng Chung Đạo Nhân thật, ai là Đồng Chung Đạo Nhân giả?
Chàng băn khoăn mãi, nhưng không làm sao dám xác định cho được.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến trước bỗng cất tiếng cười to rằng:
– Vì đại nghĩa mà diệt trừ người thân, đấy là lời dạy của người xưa. Lục Nhất Đạo Trưởng, chưởng môn phái Quát Thương, đã cãi lại mệnh lệnh của Huyết Hải Chuyển Luân Vương, vị thiên tử của võ lâm, thì dù có chết cũng chưa đáng tội, vậy làm thế nào nói được đến chuyện phục thù?
Những lời ngụy biện ấy khiến Gia Cát Ngọc vừa nghe qua cũng không khỏi mắng thầm lão ta, là một con người vô liêm sỉ.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau, liền ngửa mặt cười nhạt, nói:
– Hạng người hèn mạt như ông, quả là hạng người vô cùng bỉ ổi. Vậy, nếu giờ đây bảo ai thật ai giả, thì không có bằng cớ chi để xác nhận, chi bằng ông hãy đỡ ít thế võ của tôi tất sẽ biết.
Nói đoạn, lão ta liền vung chiếc chuông đồng ra, tức thì ánh sáng vàng kim lóe lên đầy trời, nhắm ngay Đồng Chung Đạo Nhân kia thẳng tới.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến trước bèn cất giọng sâu hiểm cười ngạo nghễ, rồi xoay người lại, vung chiếc đồng chung trong tay quét nhẹ trở ra.
Khi hai chiếc đồng chung va chạm vào nhau, thì liền nghe một tiếng ngân dài đinh tai nhức óc, khiến núi đồi tựa hồ đều lắc lư, cát đá bay tung mịt mù, kình phong cuốn ào ào không ngớt, chẳng khác gì bão táp nổi lên giữa biển khơi.
Sức mạnh ấy, thực từ trước đến nay chưa từng thấy nhân vật nào trong võ lâm có thể gây ra được. Ngay đến cả Gia Cát Ngọc cũng phải chắt lưỡi thán phục khôn cùng.
Bởi thế, sau khi kinh ngạc và sau khi nghe tiếng chuông ngân đã dứt, thì chàng bèn đưa mắt nhìn lên, và không khỏi lại kinh ngạc...
Thì ra, khung cảnh trước mắt lại diễn biến hết sức lạ lùng. Cả hai vị Đồng Chung Đạo Nhân đứng sững nhìn nhau, trong khi hai chiếc chuông cũng dính chặt với nhau giữa không trung, chứng tỏ họ đang dùng chân lực để quyết đầu một trận sống chết.
Gió đêm thổi lồng lộng, tiếng côn trùng kêu rả rích, dưới ánh trăng khuya vằng vặc, Gia Cát Ngọc đã nhận rõ được diện mục của hai đối phương. Tuy gương mặt của hai người trông rất giống nhau, nhưng thái độ thì hoàn toàn khác nhau.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau, có vẻ rất nghiêm trang, nhân từ. Tuy lão ta rất có thể là một người mạo danh kẻ khác, nhưng qua thái độ và nghi dung của lão ta, khiến cho người chung quanh tự nhiên có một sự kính nể.
Trong khi đó, vị Đồng Chung Đạo Nhân đến trước, trên sắc mặt lại có những nét rất hung ác và nham hiểm. Tuy chiếc đồng chung của lão ta là một chiếc đồng chung thực, và do đó, lão ta rất có thể là vị Đồng Chung Đạo Nhân thực, nhưng Gia Cát Ngọc đối với lão ta hoàn toàn không có một tí thiện cảm.
Núi đồi hoàn toàn hoang vắng.
Đêm khuya hoàn toàn phẳng lặng.
Tuy bên ngoài xem khung cảnh chung quanh có vẻ rất yên lành nhưng kỳ thực thì bên trong đang ngấm ngầm chứa một trận xô xát trời long đất lở, và nếu xảy ra, thì thực hậu quả không ai làm sao tưởng tượng nổi.
Hai hàm râu bạc phếu của hai đối phương không ngớt bay phất phơ theo chiều gió. Hai chiếc đạo bào màu đen phồng to lên như một quả bóng bơm đầy hơi...
Trên đầu của hai người đều bốc khói trắng. Trên hai vầng trán cũng đang lấm tấm mồ hôi.
Và quả tim của hai người cũng...
Tóm lại, sự giằng co của hai người đã đến giai đoạn quyết liệt, chỉ cần kéo dài thêm một khoảng thời gian độ dùng xong một chén trà nữa, là có thể quyết định được sự thắng bại giữa hai bên.
Xem ra, vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau, tựa hồ như là một người giả mạo, thế nhưng lão ta lại có thể dùng chân lực để đấu thẳng với vị Đồng Chung Đạo Nhân thật suốt một khoảng thời gian dài, thì đã thấy võ công của lão ta quả thật cao cường đến mức khiếp sợ.
Ông ấy là ai? Tại sao ông ấy lại đi mạo nhận danh hiệu của Đồng Chung Đạo Nhân? Ông ta có thể duy trì được bao lâu nữa? Chẳng lẽ ông ấy có ý hẹn với mình đến đây, để chờ khi ông ta bị nguy cấp thì mình sẽ tiếp tay với ông ta chăng?
Phải. Vị Đồng Chung Đạo Nhân giả này, nếu đem so sanh với Đồng Chung Đạo Nhân thật, thì dễ thiện cảm hơn nhiều, vậy nếu ông ta không thể đối địch nổi với vị Đồng Chung Đạo Nhân thật, thì ta tất sẽ...
Ta nên ra tay giúp đỡ ông ta chăng?
Trong khi chàng còn đang đắn đo nghĩ ngợi, thì thực trạng trước mắt thay đổi dần. Kình phong bỗng dấy động càng mạnh mẽ hơn, gió rít vèo vèo nghe rõ mồn một.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân thật sắc mặt liền biến đổi hẳn, hai khóe miệng khẽ rung động, trong khi chiếc đồng chung cũ kĩ lốm đốm ten xanh của lão ta cũng đang dao động không ngớt như một trái sen đang nhấp nhô trên sóng biếc.
Chàng lại đưa mắt nhìn về phía vị Đồng Chung Đạo Nhân giả, thì thấy sắc mặt ông ta vẫn bình tĩnh như thường, chòm râu bạc trước ngực không ngớt phất phơ theo chiều gió, đôi chưởng đang đỡ chặt lấy chiếc đồng chung chói rọi ánh vàng kim, dốc hết toàn lực đè về phía đối phương...
Gia Cát Ngọc trông thấy thế thì trong lòng hết sức vui mừng, bất giác thở phì ra một hơi nhẹ nhõm.
Bỗng nhiên, giữa bầu không khí tĩnh mịch của đêm khuya, bất thần lại có tiếng chéo áo giũ rèn rẹt trong gió.
Gia Cát Ngọc bỗng lóe lên một ý nghĩ trong đầu óc và hiểu rằng tiếng chéo áo mà chàng nghe được khi vừa mới đến đây chắc chắn là tiếng chéo áo của người này. Và khi đã đến địa điểm, thì người này dừng chân đứng lại, mà chỉ còn một mình Đồng Chung Đạo Nhân lướt tới, nên âm thanh mới trở thành mơ hồ như chàng mới nghe.
Nghĩ thế, chàng liền vọt mình bay lên như một con chim khổng lồ nhắm ngọn Kỳ Bàn Phong lướt thẳng tới.
Cũng may là sự ứng biến của chàng hết sức nhanh nhẹn, nên mọi việc cũng rất kịp thời...
Vì khi thân hình chàng từ giữa lưng chừng trời sa xuống sắp đến nơi, thì ở phía sau ngọn núi đã xuất hiện một bóng người mặc áo đạo sĩ, nhanh nhẹn vung cây phất trần trên tay lên, nhắm ngay lưng của vị Đồng Chung Đạo Nhân giả điểm tới.
Những sợi tơ vàng trên chiếc phất trần rít gió nghe vèo vèo, giương thẳng như những sợi lông nhím, nhắm chụp thẳng vào chín đại huyệt của đối phương.
Thế võ ấy, nếu điểm trúng vào đối phương, thì chớ nói chỉ là con người mà ngay đến như sắt thép, hoặc những pho tượng đúc bằng đồng đi nữa, e cũng khó vẹn toàn thân xác được.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân giả, tuy đang ở vào thế ưu thắng hơn, nhưng cũng không làm thế nào dám thu chân lực về ngay. Bởi thế, xem ra ông ta chắc chắn không làm sao tránh khỏi bị chiếc phất trần của đối phương điểm trúng. Ông ta vì vậy đang cảm thấy tiến thoái lưỡng nan, trong lòng cũng không khỏi kinh hoàng thất sắc...
Gia Cát Ngọc trông thấy vị Đồng Chung Đạo Nhân giả đang lâm vào thế hiểm nguy như chỉ mành treo chuông, thì liền cất tiếng hú dài, rồi vung hai chưởng đánh mạnh vào khoảng không, nhanh như chớp tấn công bất thần vào vị đạo sĩ nọ.
Đấy mới thật là hại nhân nhân hại.
Tuy Gia Cát Ngọc vì quá hối hả nên không xử dụng hết toàn lực, nhưng thế đánh của chàng cũng hất mạnh vị đạo sĩ, khiến cho ông ta phải loạng choạng thối lui năm bước dài.
Khi vị đạo sĩ ấy nhìn rõ kẻ bất thần xuất hiện trước mặt mình, chính là một gã thư sinh tuổi vừa mới mười bảy mười tám thì không khỏi hết sức kinh ngạc, gằn giọng nói:
– Thí chủ là ai?
– Tôi chính là Thiên Nhai Du Tử Gia Cát Ngọc đây.
Đạo sĩ ấy liền biến hẳn sắc mặt nói:
– Giữa ta và vị chủ nhân Kim Cô Lâu ngươi không oán không thù, thế thì tại sao lại can thiệp vào chuyện riêng của phái Quát Thương ta?
Gia Cát Ngọc chưa kịp trả lời, thì bỗng nghe một tiếng “xoảng” ngân dài, tức thì cả hai vị Đồng Chung Đạo Nhân liền vung tay phi thân bay bổng lên cao...
Vị Đồng Chung Đạo Nhân thật vị thế đã bị hất bắn ra sau đến ba thước. Vị Đồng Chung Đạo Nhân giả cũng bị dao động mạnh đôi vai, nhưng liền rùn chân đứng vững lại...
Hai người đưa mắt nhìn nhau trân trối một lúc lâu thì vị Đồng Chung Đạo Nhân bỗng cất tiếng cười to, như muốn xé màng tai mọi người chung quanh.
Tiếng cười vừa dứt thì sắc mặt ông ta trở thành lạnh lùng như băng giá, quay về phía lão đạo sĩ vừa ra tay đánh lén, quát rằng:
– Ông là ai thế?
Vị đạo sĩ ấy liền hừ một tiếng lạnh lùng, nói:
– Ta là Lục Hợp, giữ chức vụ chưởng môn đời thứ mười tám của phái Quát Thương đây.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân giả nghe thế, không khỏi lộ sắc ngạc nhiên, bất thần trấn tới một bước, hỏi rằng:
– Lời nói ấy có đúng sự thật không?
– Làm sao lại không đúng sự thật được?
– Vậy Ngọc Phù đâu?
Lục Hợp đạo nhân cất tiếng cười, rồi nhanh như chớp thò tay vào áo lấy ra một chiếc ngọc phù bằng bạch ngọc, trên tròn dưới vuông rộng, độ hai ngón tay, dài độ ba tấc, bên trên có chạm một cành trúc thướt tha, và tại góc phía trái, có bốn chữ đỏ “Cao phong lượng tiết”.
Vị Đồng Chung Đạo Nhân giả nét mặt không ngớt thay đổi.
Lục Hợp đạo nhân cười lạnh lùng nói:
– Ngươi nếu quả là đệ tử của phái Quát Thương thì chả lẽ lại không nhận ra chiếc “Ngọc phù trúc lệnh” này?
Vị Đồng Chung Đạo Nhân giả tỏ ra đắn đo trong giây lát, liền chấp tay cúi lạy, rồi nhanh như chớp quay mình bỏ chạy bay đi...
Chiếc ngọc phù ấy, tựa hồ là tín vật của chưởng môn phái Quát Thương. Nó hoàn toàn không có chi chứng tỏ là chiếc ngọc phù giả, như vậy, địa vị chưởng môn của lão đạo sĩ này cũng hoàn toàn không có điều chi khả nghi nữa. Vị Đồng Chung Đạo Nhân đến sau, dù cho đã có rời bỏ ngôi chùa khá lâu, nhưng đối với một người có thể lên giữ chức vụ chưởng môn, thì nào phải là một nhân vật tầm thường, thế mà lão ta lại không được biết, vậy đủ thấy lão ta là một người giả mạo, chứ không còn chi ngờ vực nữa.