Cô Lâu Quái Kiệt - Hồi 20 - Phần 2
Song, dù vị Đồng Chung Đạo Nhân ấy là thật hay giả, Gia Cát Ngọc vẫn có thiện cảm đặc biệt với ông ta. Bởi thế, chàng vừa trông thấy ông ta lao mình lướt đi, thì chàng cũng nhanh nhẹn phi thân đuổi theo ngay.
Thân pháp của hai người đều nhanh nhẹn như điện xoẹt, hơn nữa, vì đồi núi nhấp nhô, cây dại hoang tàn, Gia Cát Ngọc lại chậm hơn một bước, nên không làm sao đuổi theo kịp lão ta nữa. Trong khi chàng còn đang băn khoăn nghĩ ngợi, thì bỗng có tiếng nói vọng đến bên tai rằng:
– Thằng bé kia, ngươi không cần đuổi theo ta nữa, số người trong Huyết Hải rất gian manh sâu độc, võ công lại rất quái dị, chỉ có sức của hai ta thì e rằng không làm chi được. Vậy, ta sẽ đi tìm vị Thạch Cổ Hòa Thượng, còn ngươi hãy mau nhờ hai vị huynh trưởng của ngươi tìm cho được Cùng Thần và Túy Quỉ, và đến trước ngày rằm tháng tám, thì chúng ta sẽ hợp mặt nhau tại Kinh Thần Tự.
o O o
Tại chân trời phía Đông, ánh bình minh đã ló dạng, từ phía xóm xa đã nghe tiếng gà gáy sáng.
Ánh triều dương cũng đã bắt đầu nhô cao.
Lúc ấy, giữa núi rừng hoang vắng, chỉ còn lại một mình Gia Cát Ngọc đứng trơ trọi mà thôi.
Bóng mặt trời đã lên đến ngọn núi phía Đông, khoác lên cho vạn vật một bộ áo vàng kim lóng lánh.
Tại Đại Biệt Sơn, tựa hồ như xảy ra một biến cố to tát chi. Nếu chẳng phải thế, thì đâu lại có người kéo đi đông thế này?
Số người ấy, gồm đủ các thành phần, có tăng nhân, có người trần tục, mà cũng có cả đạo sĩ. Có điều lạ là khi họ vừa nhìn thấy Gia Cát Ngọc thì mặt liền biến sắc, quay đầu đi nơi khác, rồi hối hả bước nhanh.
Gia Cát Ngọc trông thấy thế thì trong lòng hết sức lấy làm lạ...
Chẳng những chàng lấy làm lạ mà thôi, đồng thời, chàng lại băn khoăn không làm thế nào tìm hiểu được nguyên nhân tại sao lại có hiện tượng ấy?
Bởi thế, trong lòng chàng không khỏi bực mình, và định nếu gặp kẻ nào có thái độ như thế nữa thì sẽ túm lấy họ hỏi cho rõ ràng mới nghe.
Chàng tiếp tục đi tới một trượng, rồi hai trượng...
Ngay lúc ấy, bất ngờ có một lão già trên dưới năm mươi tuổi từ phía sau một ngọn đồi đi ra, và khi bốn tia mắt của hai bên vừa nhìn thẳng vào nhau, thì sắc mặt của lão già ấy biến sắc hẳn, vội vàng cúi gằm mặt xuống, định rảo bước bỏ đi nhanh...
Nhưng, Gia Cát Ngọc đã vung tay ra, định chụp lấy lão ta.
Song, trong khi chàng chưa kịp hành động, thì trong óc bỗng lại có một ý nghĩ khác, nên liền đứng yên lại đấy, cau chặt đôi mày có vẻ trầm tư nghĩ ngợi...
Vì lão già ấy có một khung mặt quen thuộc. Da mặt của lão ta nhăn nheo, chẳng khác nào một miếng đất hoang vu lồi lõm, đôi mắt nhỏ của lão ta chiếu ngời ánh sáng lạnh lùng. Chàng nhớ dường như mình đã có gặp lão ta ở đâu rồi?
Ồ. Phải, chắc chắn là lão ta rồi. Hừ...
Cùng một lúc với tiếng “Hừ” lạnh lùng ấy, thân hình chàng đã nhanh nhẹn lao thoát tới, rồi đáp xuống trước mặt của lão già như một vì sao sa.
Lão già ấy kinh hoàng biến sắc, nhanh nhẹn nhảy lùi ra sau hai bước, rồi cất giọng run run nói:
– Ngươi chặn đường của lão phu để làm gì?
Gia Cát Ngọc không trả lời, đôi mắt của chàng sáng quắc như hai đốm lửa, đưa chân bước từ từ về phía lão già...
– Ngươi muốn gì?
Giọng nói của lão già tuy tỏ ra cứng cỏi, nhưng thật sự thì âm thanh đã run run, đôi mắt đã láo liên ngơ ngác, chứng tỏ trong lòng của lão kinh hoàng đến tuột độ.
– Ông sợ chi thế?
Gia Cát Ngọc đã cất tiếng hỏi đối phương. Giọng nói của chàng vừa lạnh lùng vừa cứng rắn, lại sắc bén như một lưỡi dao.
Lão già nghe qua câu hỏi, thì trong lòng lại càng kinh hãi hơn, nhưng gắng gượng ưỡn ngực lên, to tiếng nói:
– Rõ là trò cười, ngươi có chi mà lão phu phải sợ?
– Hừ, nếu ông không sợ, thì mọi việc sẽ rõ ràng hơn.
– Dễ dàng hơn? Ngươi định làm gì?
– Tôi muốn ông trả lời cho tôi mấy vấn đề.
– Nếu ta không nói thì sao?
– Câu hỏi của vị chủ nhân Kim Cô Lâu, thì có ai lại dám không trả lời?
– Kim Cô Lâu. Ngươi... ngươi bảo...
– Ông còn nhận ra tôi chứ?
– Ta, không khi nào quen biết với ngươi.
– Trước đây ba năm, kẻ đã truy đuổi theo vợ yếu con thơ của Bát Đẩu Thư Sinh, tại vùng sa mạc Đại Hoa Bích, chẳng phải chính là ông sao?
Thực không sai tí nào cả, lão già này chính là người mà kẻ thù của gia đình chàng, đã phái ra truy đuổi theo hai mẹ con chàng. Bởi thế, khi lão ta vừa nghe qua câu nói của Gia Cát Ngọc, thì sắc mặt đã tái xám như đất, nhanh nhẹn lùi ra sau hai bước, hai hàm răng khua nghe lạch cạch, nói:
– Không... phải tôi đâu.
Lão ta định chối phăng đi, nhưng khi nhìn thấy tia mắt sắc như dao của Gia Cát Ngọc thì trong lòng không khỏi rờn rợn, nên liền cúi gầm đầu xem như đã mặc nhiên thừa nhận.
Gia Cát Ngọc lại đưa chân bước tới trước hai bước, quát rằng:
– Ai đã phái ông đi như thế?
– Chính ta... tự ta đi mà thôi.
– Khéo nói ba láp. Nếu ông có ý muốn dối gạt vị chủ nhân của Kim Cô Lâu thì hãy coi chừng tôi sẽ làm cho ông phải nếm mùi đau khổ, dở sống dở chết.
– Đấy là... Hàn Thất đã sai tôi.
– Hàn Thất. Có phải là gã đàn ông to lớn tràn đến tấn công tôi đấy không?
– Đúng thế.
– Hiện giờ hắn ta ở đâu?
– Hắn ta đã bị Mạc Sầu Tiên Tử đánh chết ở vùng Hàn Hải rồi.
– Mạc Sầu Tiên Tử là ai thế?
– Tôi không được biết.
– Bà ta hiện giờ ở đâu?
– Tôi cũng không hiểu.
– Lúc ấy, ông thấy bà ta bỏ đi về hướng nào?
– Tôi... trông thấy bà ta mang theo Gia Cát phu nhân, cùng cưỡi trên mình một con kim ưng, bay thẳng về hướng Đông.
Gia Cát Ngọc hỏi đến đây, thì đã đoán ra ba việc. Việc thứ nhất, là bộ xương khô mà những con kên kên tranh nhau xỉa thịt chính là gã Hàn Thất đã bị Mạc Sầu Tiên Tử giết chết. Việc thứ hai là Mạc Sầu Tiên Tử, chắc chắn chính là sư phụ của Liễu Thanh cô nương. Việc thứ ba là nơi cư ngụ của Mạc Sầu Tiên Tử, rất có thể nằm tại chân núi Hạ Lan Sơn.
Như vậy, có lẽ những lời nói của lão già này đều là những lời nói thành thực.
Nhưng, nếu lão ta bảo chính Hàn Thất đã sai khiến lão ta, thì thực hết sức khó tin.
Gia Cát Ngọc nào phải là một thằng ngốc, vậy chàng làm thế nào nghe được câu nói ấy?
Bởi thế, chàng cất tiếng cười nhạt bảo:
– Tôi xem ông có lẽ đã chán hết muốn sống nữa rồi phải không? Trước đây, khi Hàn Thất tràn đến tấn công tôi, tôi nghe rõ ràng ông quát to ngăn hắn lại, bảo hắn chớ quên lời dạy của bang chủ. Tôi hỏi ông, bang chủ mà ông nói đó là ai?
Lịnh ông ta dạy như thế nào?
– Bang chủ... ông ấy...
– Ông ấy là ai?
–...
Bỗng ngay lúc ấy, có tiếng chéo áo giũ trong gió, và tiếng cười nhạt bất thần vọng tới. Tức thì, có ba bóng người ăn mặc theo đạo sĩ, từ trên cao đáp nhanh xuống như một làn gió bốc.
Ba vị đạo sĩ ấy đều ngoài năm mươi tuổi, trong tay mỗi người đều cầm một ngọn “thiết như ý” dài độ hai thước, chiếu ánh thép lóng lánh. Người cầm đầu trán trợt, lưỡng quyền gồ cao, mặt lạnh như băng. Khi lão ta đáp yên trên đất, thì liền đưa ngang ngọn “thiết như ý”, rồi cất giọng the thé cười nhạt, nói:
– Gia Cát Ngọc, ngươi còn nhớ bần đạo không?
Gia Cát Ngọc ngước mắt nhìn lên, mỉm cười nói:
– Có chuyện chi thì hãy nói ngay ra, tại hạ không có rảnh để nói dong dài những chuyện bá láp ấy với ông.
– Hừ, ngươi nói phải lắm. Bần đạo là Vi Trần Tử, dẫn hai Phiêu Bình Tử và Tiêu Dao Tử đi khắp đó đây, hầu tìm ngươi để thanh toán món nợ máu của sư huynh ta, là Phù Du Tử trước kia.
– Ha ha, tốt nhất là ông nên đi tìm hiểu kĩ thêm, Phù Du lão đạo đã bị ai sát hại thì đúng hơn.
– Ngươi chính là nha trảo của Huyết Hải Chuyển Luân Vương, cả giới giang hồ ai cũng biết rõ, vậy bần đạo còn đi tìm hiểu làm gì nữa?
Lời nói ấy, quả là một sự phỉ báng nặng nề, nên Gia Cát Ngọc vừa nghe qua, liền tràn nhanh tới trước hai bước, quát rằng:
– Ông nghe ai nói thế?
– Chỉ cần căn cứ vào “huyết thủ lịnh” mà ngươi đã để lộ trên ngọn núi Quát Thương Sơn còn không đủ nữa hay sao?
– Ha ha, nha trảo của Huyết Hải? Với bọn ngờ nghệch như các ông, thì dù cho ta có là nha trảo của Huyết Hải đi chăng nữa, thử hỏi các ông làm thế nào đòi lại được món nợ máu ấy cho biết?
– Nợ máu thì phải trả bằng máu, chúng ta đây nào sợ ngươi chối bỏ hay sao?
Liền đó, cuồng phong dấy động ào ào, những ngọn “thiết như ý” liền lóe lên ba đóa thép sáng ngời, nhằm ngay lồng ngực của Gia Cát Ngọc công thẳng tới.
Gia Cát Ngọc bèn vung chưởng đánh thẳng trở ra...
Bỗng nhiên, chàng thấy lão già khi nãy, đã nhân cơ hội nghìn năm một thủa đó, nhanh nhẹn ngắm ngay vùng đồi núi hoang dã, bỏ chạy đi mất.
Đứng trước tình trạng đó, chàng không khỏi cân nhắc hai đối phương, xem bên nào quan trọng hơn. Bởi thế, chàng liền thu thế võ trở về, bất thần thối lui ra năm bước.
Nhưng, số lão đạo của phái Thái Sơn nào chịu để cho chàng bỏ đi, nên bèn quát to một tiếng, tức thì Phiêu Bình Tử và Tiêu Dao Tử liền nhanh nhẹn vung ngọn thiết như ý lên, công thẳng tới.
Gia Cát Ngọc trông thấy lão già kia đã lẩn khuất vào giữa núi đồi trùng điệp, thì không khỏi hết sức cuống quít, nên vội vàng lấy hơi đan điền, đánh mạnh ra ba chưởng.
Tức thì, cuồng phong dấy động ào ào, kình lực cuốn thẳng tới như sóng bổ, khiến ba vị đạo sĩ của phái Thái Sơn đều bị đẩy lui ra sau mấy bước.
Gia Cát Ngọc bèn hú lên một tiếng dài, rồi nhanh nhẹn vọt người bay thẳng lên không, xử dụng ngay đến thân pháp “Vân Long Cửu Chuyển” có một không hai trên đời, nhắm ngay hướng lão già vừa bỏ chạy, truy đuổi theo.
Thân pháp của chàng tuy rất mau, nhưng vì đuổi theo quá muộn nên vừa lướt tới nơi, thì chỉ còn thấy đâu đâu cũng cổ thụ cao chọc trời, bóng râm mát dịu, và lão già kia chẳng khác nào một con chim đã sợ cung, một con cá đã lọt lưới, chạy bay đi mất tự bao giờ rồi.
Phải tìm cho kỳ được. Chàng nhất định phải tìm cho ra lão ta mới nghe.
Trong khi chàng vừa mới cất bước bỏ đi, thì bỗng nghe có tiếng hát vọng đến tai. Giọng hát ấy nghe nhừa nhựa không rõ ràng, tựa hồ như đấy là tiếng của người đang say rượu, và cũng tựa hồ như tiếng người đang ngáy ngủ.
Bởi thế, chàng bất giác liền đưa chân bước về hướng có tiếng hát ấy...
Ồ, thì ra nơi ấy là một vùng sơn cốc. Bên trong sơn cốc tuy vách đá trơn láng như đẽo gọt, nhưng phong cảnh lại xinh đẹp như tranh. Nhưng, tiếng hát vừa rồi đã im lặng, không còn nghe nữa.
Qua một lát sau, tiếng hát ấy lại vọng đến lần thứ hai. Và lần này thì giọng hát lại ấm áp vang rền, tựa hồ như có thể xuyên thủng cả vách đá.
Tiếng hát của ai thế? Chẳng lẽ đó là tiếng hát của những người tiều phu trong núi?
Tiếng hát rằng:
Tam Dậu tiên sinh thật đáng thương, Núi hoang không rượu nhớ quỳnh tương.
Nên thèm rỏ dãi tuôn thành suối, Và biến thành sông chảy bốn phương.
Mấy câu hát ấy thực hết sức hài hước, vì nó đã miêu tả tâm trạng thèm rượu của một bợm ghiền thật là lâm ly, khiến Gia Cát Ngọc nghe qua không khỏi phì cười.
Nhưng giọng hát của người ấy nghe sang sảng như tiếng sắt thép va chạm vào nhau, rõ ràng là một cao thủ hiếm có trong võ lâm. Bởi thế, chàng không khỏi giật nảy mình.
Chàng đưa mắt chú ý nhìn, thì đã biết tiếng hát ấy xuất phát từ bên dưới đáy sâu, nên liền vung hai tay lên, rồi ngắm những cụm trúc rậm rạp bay thẳng xuống.
Sau khi chàng đã phi thân lướt đi chẳng bao lâu, thì tại nơi miệng sơn cốc lại có ngoài mười bóng người bất thần xuất hiện. Số người dẫn đầu chính là ba vị đạo sĩ thuộc phái Thái Sơn, và người đi kế đó là một lão già khỏe mạnh, tay cầm một chiếc quạt xếp sườn bằng thép, và phía sau lão già ấy là một đám nhân vật võ lâm đủ hạng tuổi, cao thấp không đều nhau.
Lão già cầm chiếc quạt xếp trong tay, sau khi đã tiến vào sơn cốc, thì liền xếp chiếc quạt nghe một tiếng “soạt”, rồi đánh nhẹ vào lòng bàn tay nói:
– Vi Trần đạo huynh, thằng ranh ấy có phải chạy vào sơn cốc này thực không?
Vi Trần đạo nhân hơi đưa cao ngọn thiết như ý trong tay lên nói:
– Chẳng sai tí nào cả.
– Ha ha, Thiết Phiến Tẩu ta nếu không lột da rút gân được hắn thì thật không còn xứng đáng đối với tổ tông của phái Chung Nam, và lại càng không xứng đáng với vong hồn của Nhị Tuyệt Tiên Ông sư huynh. Này đạo trưởng, chúng ta hãy vào lục soát mau.
Người đông thì ta cũng trở thành bạo dạn, bởi thế, cả đoàn người ùn ùn tràn thẳng vào sơn cốc để truy tìm Gia Cát Ngọc.
Thiết Phiến Tẩu chạy nhanh như bay, và khi vừa đến bức vách đá ở bên trái, thì bỗng nghe một tiếng ho bất thần vọng đến bên tai. Lão ta bèn nhanh nhẹn ngước mặt ngó lên thì trông thấy dưới một tảng đá to có một miệng hang cao vừa đầu người, nên liền phá lên cười to nói:
– Thằng ranh đáng chết kia, ngươi trốn vào cái hang chuột thì tưởng là đã yên thân rồi hay sao? Nếu ngươi thức thời vụ, thì hãy chường mặt ra cho ta, tất được lão phu cho ngươi được chết toàn thây.
Lão ta kêu to lên như thế, nên ngoài mười bóng người kia, đều ùn ùn tràn đến. Một người trong bọn phi thân lướt đến trước tiên, là một lão già râu ria xồm xoàm, ăn mặc theo người rừng núi, thân hình to lớn. Lão này trợn to đôi mắt, rồi cất giọng lạnh lùng cười khanh khách nói:
– Thiết Phiến huynh cần gì phải nói dài dòng với hắn, tôi không tin thằng bé này có tài nghệ bao nhiêu, vậy hãy để Mục Dã Thần Canh tôi xông vào trong ấy, kéo cổ nó ra là được.
Thế là Mục Dã Thần Canh Điền Trưởng, Tiền Đường Ngư Phụ Giang Triều, Tứ Minh Thư Sinh Khổng Càn Phu, và Thiên Đài Tiều Tử Khổng Vân Sơn, tức bốn người hợp lại xưng danh hiệu là Đông Hải Tứ Hữu, liền xăn tay áo lên, định tràn vào sơn động ấy.
Bỗng nhiên, lại có bóng người lao vút đến liên tiếp, thì ra, đấy là hai gã đàn ông to lớn, từ phía sau tràn tới. Trong khi thân hình họ chưa đứng yên trên mặt đất, thì đã cất tiếng cười to ha hả nói:
– Điền đại hiệp, xin hãy chậm đã.
Mục Dã Thần Canh bèn dừng chân đứng lại, cất giọng bực tức nói:
– Nhị vị có điều chi chỉ giáo?
– Giết gà thì cần chi đến dao mổ bò, đối phó với tên tiểu tặc ở trong cái hang chuột này, thì chỉ cần đến sức của hai anh em chúng tôi là đủ rồi.
Nói đoạn, hai người bèn đưa đôi chưởng lên, che chở ngang lồng ngực, rồi rùn người xuống, nhắm ngay bên trong sơn động tràn thẳng vào.
Lúc bấy giờ, ba vị đạo sĩ của phái Thái Sơn, và mười nhân vật võ lâm khác, hết thảy đều dồn hơi xuống đan điền, đưa mắt nhìn chòng chọc vào cửa động, sẵn sàng đối phó...
Một bước... hai bước... ba bước...
Và, hai người ấy chưa kịp bước đến bước thứ tư, thì bỗng nhiên “hự” một tiếng lạnh lùng, rồi nhất loạt nhảy lui trở ra nhanh như bay, đồng thời bắt từ trên cao rơi đánh phịch xuống đất cách xa miệng sơn động ba trượng, mũi mồm đều trào máu tươi, chết ngay tức khắc.
Tất cả mọi người chung quanh, ai nấy đều kinh hoàng sửng sốt.
Liền đó, bỗng có một tiếng gầm to, tức thì, Thiết Phiến Tẩu đã xòe chiếc quạt ra, che ngang lồng ngực, rồi tràn thẳng vào sơn động ba bước. Lão ta bất thần quạt mạnh chiếc thiết phiến trong tay ra gây thành một luồng kình lực mạnh mẽ, trong khi thân người lại nhân đó tràn tới ba bước nữa.
Tiếp đó, mọi người lại nghe một tiếng gầm to thứ hai, tức thì, Thiết Phiến Tẩu lại sử dụng đến cả chưởng lẫn chiếc quạt trong tay. Lão ta vung quạt quét mạnh vào khoảng không hai lượt, và cùng một lúc, lão ta đánh bồi ba chưởng. Thế là, một tiếng nổ ầm thực to liền vang động lên, và thân người của lão ta cũng lại bị hất bay ra khỏi sơn động.
Khi đôi chân của lão ta vừa đứng yên trên đất, thì bỗng ụa to một tiếng, rồi hộc ra một ngụm máu tươi. Lão ta nhanh nhẹn ngồi bẹp xuống đất, không nói chi cả, mà chỉ nhắm nghiền mắt lại, để lo vận dụng chân lực và điều hòa hơi thở, chữa trị vết nội thương.
Thương thế của lão ta hết sức quái dị, tuy miệng trào máu tươi, nhưng sắc mặt không hề tái nhợt, mà trái lại, còn đỏ như gấc, trông như một miếng thịt heo quay.
Tất cả mọi người đều đưa mắt ngơ ngác nhìn nhau, nhưng đều im thin thít...
Không khí hết sức trầm lặng. Khung cảnh hết sức nặng nề. Mọi người ai nấy cũng cảm thấy kinh sợ như quả đất sắp đến hồi hủy diệt...
Gió núi thổi lồng lộng, bóng cây rừng không ngớt oặt òa, máu tươi loang lổ mặt đất, tim người không ngớt nhảy thình thịch...
Thời gian chậm chạp trôi qua, giữa một bầu không khí nặng nề ngột ngạt...
Cuối cùng, Mục Dã Thần Canh quay mặt lại, nhìn thẳng vào ba vị đạo sĩ phái Thái Sơn nói:
– Xin ba vị đạo huynh hãy lược trận giúp cho già, để già xông vào bên trong xem thử.
– Sư thúc, sao chú lại...?
Câu nói ấy đã từ cửa miệng của một gã đàn ông trên dưới ba mươi tuổi thốt ra. Y nói chưa dứt lời, nhưng đôi tia mắt đã tràn đầy ánh sáng van xin. Không cần phải nói rõ cũng đủ biết gã đàn ông ấy muốn ngăn cản không cho Mục Dã Thần Canh liều lĩnh xông vào sơn động.
Chẳng phải thế hay sao? Khung cảnh này quả thật ai cũng phải khiếp sợ.
Thế nhưng, Mục Dã Thần Canh là một trong Đông Hải Tứ Hữu, là nhân vật có tên tuổi trong võ lâm, thì thử hỏi đã lỡ nói ra rồi, lại thay đổi lời nói được hay sao?
Bởi thế, lão ta bèn mạnh dạn khoát tay, rồi xoay mặt một cách quả quyết, có vẻ đầy nghĩa hiệp khí khái, đưa chân bước thẳng vào sơn động.
Những vị đạo sĩ của phái Thái Sơn đưa mắt nhìn nhau một lượt, và cũng liền có một sự quả quyết trong bụng. Họ cùng đưa chân tràn tới, nối gót theo Mục Dã Thần Canh, đi thẳng vào sơn động ấy...
Bốn bóng người, đang mang theo bốn con tim phập phồng hồi hộp, và bốn bầu máu nóng sục sôi, cẩn thận đưa chân bước từng bước một.
Một bước. Hai bước. Ba bước...
Và, bốn người đã tiến được đến bước thứ tám rồi. Do đó, tất cả những người đang đứng bên ngoài lại càng hồi hộp hơn. Tất cả bọn họ đều giương to đôi mắt, nhìn chòng chọc vào sơn động không hề chớp, để theo dõi mọi sự diễn biến sắp xảy ra.
Tiếng bước chân của bốn người ấy không ngớt nện mạnh lên mặt đá trong sơn động, vang lên thành những âm thanh nặng nề nghe rõ mồn một. Cả bọn họ lại tiến thêm được hai bước nữa.
Thế là, bọn họ bắt đầu đưa chân bước tới với bước thứ mười một. Nhưng, bàn chân của họ vừa mới đưa lên, thì Mục Dã Thần Canh đã bất thần kinh hoàng kêu lên thành tiếng...
Tiếng kêu của lão ta rất ngắn ngủi, nhưng lại rất to. Lão ta chỉ kêu có bốn tiếng, nhưng nó kinh khủng không kém chi một ngọn núi lửa đang bùng nổ, khiến ba lão già đi ở phía sau không ngớt kinh hoàng, run rẩy toàn thân.