Cô Lâu Quái Kiệt - Hồi 21 - Phần 2
Quả nhiên, tiếng nói vừa dứt, thì Cùng Thần liền cất tiếng “Hừ” lạnh lùng nói:
– Khéo nói chơi mà thôi. Cùng Thần tôi không có gia sản, cũng không có con cái, trong lòng chẳng còn vướng bịu đến việc chi, vậy chả lẽ không ở đây chơi với ông được hay sao? Được, chúng ta hãy ở yên đây thêm ba năm nữa xem sao nào?
– Chớ nói chi là ba năm, mà dù cho có đến mười mấy năm nữa cũng chẳng sao cả.
– Ha ha, này Túy Quỉ, ở mãi đến mười năm à? Tôi chỉ sợ ba con sâu men nó đục xương ông ra đấy thôi.
Câu nói ấy của Cùng Thần, dường như làm cho Túy Quỉ nhớ đến rượu, nên khi tiếng nói vừa dứt, thì nghe có tiếng nuốt “ực” thật to. Tuy Gia Cát Ngọc không trông thấy người, nhưng qua âm thanh đó, cũng có thể tưởng tượng được lão ta đang nuốt nước bọt, trông thực là thảm thương.
Gia Cát Ngọc cố đè nén cơn tức cười,, quay về phía Cùng Thần hỏi:
– Người nói chuyện ấy, có phải là Thương lão tiền bối không?
– Chẳng phải là lão ta thì còn là ai nữa.
– Nhưng, chẳng rõ nhị vị lão tiền bối, tại sao lại...?
– Này thằng bé kia, ngươi hãy ngồi yên xuống đây, để ta thong thả nói ngươi nghe.
Gia Cát Ngọc vừa mới ngồi xếp bằng xuống mặt cát trong sơn động, thì trong bức vách đá lại có một giọng say nhừa nhựa vọng đến rằng:
– Thằng bé kia, ngươi hãy nghe ta nói đây...
Gia Cát Ngọc đang luống cuống, không biết trả lời ra sao, thì tiếng nói nhừa nhựa của Túy Quỉ, lại từ phía bên kia vách vọng rõ ràng đến rằng:
– Trước đây ba năm, vào một đêm trước ngày trung thu...
– Không, chính là đêm trung thu.
– Chẳng phải thế, đấy là một đêm trước ngày trung thu.
Gia Cát Ngọc bèn cất tiếng cười, chen vào nói rằng:
– Nhị vị tiền bối chớ nên tranh luận làm gì, theo ý của vãn bối, thì hãy gác lại vấn đề ngày giờ ấy đi, mà trước hết nên nói rõ, nhị vị tại sao lại kéo nhau đến vùng hoang sơn cùng cốc này...?
Cùng Thần không chờ chàng nói hết câu, ngắt lời rằng:
– Được. Vậy để ta nói trước. Đêm hôm ấy, tại ngôi miếu Quan Đế ở Hán Vương...
– Lại sai nữa rồi. Ở trên Hoàng Hạc Lâu tại Võ Xương mới đúng.
– Không. Trong ngôi miếu Quan Đế mới phải.
– Đâu nào? Trên Hoàng Hạc Lâu kia.
– Túy Quỉ, có lẽ đêm đó ông nhậu quá chén, nên ngay cả địa phương ấy là gì, ông cũng không còn nhớ nữa.
– Khéo nói chơi thôi. Nếu Túy Quỉ ta uống say, thì tự mình liền biết say, và càng say, thì lại càng sáng suốt và bình tĩnh. Vậy, chớ nói chi địa phương tôi chẳng khi nào nhầm lẫn, mà ngay đến những vấn đề chi tiết nhỏ nhặt, mãi đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ tất cả. Lúc ấy, tôi đang nâng ly mời trăng, thì chẳng ngờ Cùng lão nhi tìm đến. Lúc đầu, tôi ngỡ ông đến để cùng uống ít ly rượu cho vui...
– Hừ. Chẳng ngờ ông ở trong sơn động này ba năm, mà men rượu vẫn chưa tan hết. Việc chi mà Túy Quỉ ông nhớ rõ hết được thì chẳng lẽ một người tỉnh táo như tôi lại nhớ lầm hay sao? Ngày hôm ấy, trong ngôi miếu Quan Đế, trong khi tôi đang đánh một giấc ngon lành, thì chẳng ngờ Túy Quỉ ông chếch choáng tìm đến, bắt buộc tôi phải cùng tranh tài cao thấp với nhau...
– Chỉ nói bá láp. Ông rõ ràng là nằm mộng giữa ban ngày. Tôi có lúc nào bước chân đến ngôi miếu Quan Đế ấy đâu?
– Ha ha, những câu nói mớ của một kẻ đang nằm mộng, dù sao cũng còn khá hơn lời nói của một người say mèm. Nếu ông không đi đến Quan Đế miếu, thì tôi lại nào có đi đến Hoàng Hạc Lâu bao giờ? Thôi, hãy gác bỏ vấn đề địa điểm lại, mà chỉ nói riêng việc ông tìm tôi để đấu võ chắc là không sai nữa chứ?
Túy Quỉ tựa hồ đang hết sức giận dữ, nên nghe qua lời nói ấy, liền cất giọng lạnh lùng cười khanh khách, đáp rằng:
– Thật không ngờ một trong Càn Khôn Ngũ Bá như Cùng Thần Công Tôn Xú, mà lại đặt điều nói dối như vậy. Được, được. Ông lúc nào cũng nói khéo cả, vậy chẳng lẽ phương pháp tỷ thí hết sức quái dị này, chẳng phải là do ông nêu ra hay sao?
– Lẽ tất nhiên không phải là tôi. Đêm hôm ấy tôi muốn dùng “Hoàng tuyền u phong” để lĩnh giáo với “Lục dương thần cương” của ông, thì nào ngờ ông lại cho rằng trước đây, mình đã đấu nhau bằng võ công ba ngày ba đêm tại Thủy Tín Phong, chứng tỏ về võ công của đôi bên kẻ nửa cân người tám lạng, vậy không cần chi phải đấu trở lại, mà nên thay đổi phương pháp, đấu về sức kiên nhẫn...
– Hừ, hừ. Ông còn có chi để nói nữa không?
– Sao lại không còn? Lúc ấy, tôi hỏi ông làm cách nào để đấu về sức kiên nhẫn, thì ông bảo rằn, ở trong núi Đại Biệt Sơn có hai ngôi động dính liền với nhau, nằm tại Liên Hoàn Cốc, chúng ta kéo nhau đến đó, mỗi người ở một sơn động để lo việc tu tịnh, nếu ai bước chân ra khỏi sơn động trước thì kẻ ấy xem như đã bị thua. Chính ông đã đưa ra luật lệ như thế, vậy chẳng lẽ ông đã quên rồi hay sao?
Túy Quỉ cười nhạt, nói:
– Việc ấy hoàn toàn không có bằng cớ chi cả, và chỉ một mình ông muốn nói xuôi nói ngược sao cũng được, không hiểu sự thực ra sao hết?
Cùng Thần nhướng cao đôi mày, cười to nói:
– Thực là một trò cười. Cùng Thần tôi lại là một con người chuyên bày điều nói ngược hay sao?
Nói đến đây, thì lão ta quay mặt về phía Gia Cát Ngọc nói tiếp rằng:
– Thằng bé kia, bảo có phải là như vậy hay không?
Gia Cát Ngọc cảm thấy lời nói giữa hai người tựa hồ như có một phần bí ẩn khó hiểu, nên đang cau chặt đôi mày để nghĩ ngợi, bỗng nghe câu hỏi của Cùng Thần, nên liền giật mình, vội vàng nói:
– Đúng thế. Đúng thế. Lời nói của lão tiền bối chắc chắn như đinh đóng cột, sao gọi được là nói xuôi nói ngược chứ?
Cùng Thần nghe qua hết sức vui vẻ, nhướng mày cười to rổn rảng, như tiếng sắt đá chạm vào nhau.
Túy Quỉ tựa hồ không chịu phục, nên giận dữ quát rằng:
– Thằng bé kia, chẳng lẽ ngươi muốn bảo kẻ nói xuôi nói ngược lại chính là ta sao?
Thực không sai tí nào cả, Cùng Thần và Túy Quỉ đều là những nhân vật danh vọng tuyệt đỉnh trong võ lâm, thà là chịu chết, chứ không khi nào lại chịu nói dối.
Bởi thế, Gia Cát Ngọc bèn thoáng có một ý nghĩ qua đầu óc, như chợt nhớ ra một vấn đề gì, bèn đáp rằng:
– Lão tiền bối là người rất có tên tuổi trong võ lâm, một lời nói đáng giá nghìn vàng lẽ tất nhiên cũng không phải là người ăn xuôi nói ngược bao giờ.
Câu nói ấy vừa thốt ra, thì Cùng Thần và Túy Quỉ đều buột miệng “hứ” một tiếng lạnh lùng. Qua sự thực đó, chứng tỏ cả hai người đều khinh miệt lời nói của Gia Cát Ngọc.
Lẽ tất nhiên là hai vị kỳ nhân của võ lâm này, lúc ấy xem chàng thiếu niên trước mặt chỉ là kẻ xảo trá, xem gió trở cờ mà thôi.
Trong lòng Gia Cát Ngọc đang có những lý lẽ hết sức vững vàng, nên mỉm cười nói:
– Tại hạ tin rằng nhị vị lão tiền bối đều không có ai nói dối cả.
– Câu nói ấy nghĩa là sao?
Cùng Thần và Túy Quỉ gần như đồng thanh hỏi như vậy.
Gia Cát Ngọc tựa hồ đã hiểu được mọi bí ẩn bên trong vấn đề này, nên khi nghe tiếng hỏi liền cười nhạt đáp:
– Theo sự xét đoán của vãn bối thì sự việc xảy ra năm ấy, cũng đúng vào ngày trung thu, mà cũng đúng vào một đêm trước ngày trung thu như hai vị tiền bối đã nói. Đồng thời, cũng đã xảy ra tại ngôi miếu Quan Đế ở Hán Dương, mà cũng đã cùng một lúc, xảy ra trên Hoàng Hạc Lâu ở Võ Xương nữa...
Cùng Thần và Túy Quỉ kinh hãi, đồng thanh kêu lên rằng:
– Thằng bé kia, có phải ý ngươi muốn nói...?
Gia Cát Ngọc gật đầu, mỉm cười đáp:
– Đúng thế. Vãn bối nói một đêm trước ngày trung thu, cách đây ba năm về trước, có người mạo nhận danh nghĩa của lão tiền bối đi đến miếu Quan Đế ở Hán Dương. Và, qua đêm hôm sau, thì người ấy lại giở mánh cũ, giả danh Công Tôn lão tiền bối, qua sông tìm đến Hoàng Hạc Lâu...
Chàng vừa nói đến đây, thì bỗng nghe Túy Quỉ hét lên rằng:
– Thằng bé kia, sao ngươi lại dám nói thế? Bộ mặt của Công Tôn lão nhi, dù có cháy thành than, ta vẫn nhận ra được, vậy chả lẽ có người giả mạo mà ta không biết hay sao?
– Thuật dịch dung nếu đã tiến tới mức cao tuyệt, hơn nữa, nếu dưới ánh sáng mờ mờ, thì chắc chắn đối phương có thể qua mắt được mọi người. Vả lại, lúc ấy trong lòng lão tiền bối lại đang bực tức, thì đâu có ngờ đối phương lại là kẻ giả mạo?
Cùng Thần nghe qua, không khỏi giật mình, từ trên chiếc giường đá phi thân xuống nói:
– Thằng bé, ngươi nói thật đúng. Đêm đó, ta cảm thấy giọng nói của người đó ít nhiều khác nhau với giọng nói của Túy Quỉ. Hừ, thế mà lúc ấy ta lại cho rằng, vì Túy Quỉ ông uống quá nhiều rượu, nên giọng nói mới khác đi như thế.
Câu nói vừa dứt, thì tiếng nói của Túy Quỉ cũng từ phía bên kia vách đá vọng đến:
– Ồ. Thực là đáng chết. Thực là đáng chết. Đêm hôm ấy tôi trông thấy mặt mày ông xám ngắt, thì lại ngỡ rằng ông không kiếm đủ ba bữa ăn, nghèo rã mùng tơi, nên mới ra hình dáng như vậy... Ôi, này Cùng Thần, hôm nay thì Túy Quỉ tôi xin chịu thua, vì trong hang đá này, tôi không thể sống thêm một ngày nào nữa...
– Túy Quỉ. Nếu ông là người chịu thua, thì ai là người đắc thắng. Chả lẽ Cùng Thần tôi, đến đây ngồi bó gối ba năm trong khám tối với ông, còn chưa mất hết cả danh dự hay sao? Nếu ông không thể tiếp tục ngồi thêm một ngày nữa, thì tôi nào lại chịu ngồi yên hay sao?
Tiếng nói vừa dứt, thì lão ta nhắm bên ngoài động đá lướt nhanh đi như một cơn gió.
Gia Cát Ngọc cũng lắc mạnh đôi vai, rồi cũng bám sát theo lão ta nhanh như một luồng điện chớp.
Khi hai người lướt ra đến cửa động, thì không ai bảo ai, cùng nhắm một đầu vách đá trong sơn động bay vút tới. Tay áo của Cùng Thần giũ trong gió vang rền như sấm động. Gia Cát Ngọc trái lại, phi thân nhẹ nhàng, và nhanh như một mũi tên bắn.
Bọn họ vừa lướt đến đầu vách, thì dưới sơn cốc cũng trông thấy một bóng người bay xẹt lên...
Bóng người ấy, là một thân người hết sức phì nộm, mình mặc áo lam bẩn thỉu, trên khung mặt no tròn, có đôi mắt lèm nhèm hí hí, y như một gã ghiền rượu đang còn say lúy túy.
Nhưng, thân pháp của người ấy hết sức nhanh nhẹn, không thua gì một cơn gió lốc. Khi đôi chân của người ấy đã đạp được lên đầu vách đá, thì bước đi nhanh nhẹn, y như đi trên mặt đất bằng phẳng, nên chỉ trong chớp mắt là đã đến trước mặt hai người. Khi người ấy dừng chân đứng lại, thì liền lên tiếng hỏi rằng:
– Thằng bé kia, ngươi có biết kẻ đã mạo nhận danh nghĩa của ta trước đây ba năm là ai không?
Gia Cát Ngọc biết người đang đứng trước mặt mình chính là Túy Quỉ Thương Huyền, một nhân vật mà tiếng tăm rung chuyển cả hoàn vũ, nên liền cúi mình thi lễ nói:
– Vãn bối vì mới dấn bước giang hồ, nên nhất thời không thể đoán ra việc ấy.
– Tốt lắm. Này thằng bé kia, ngươi hãy nói lại cho ta nghe về đại cuộc gần đây của giới giang hồ đi đã.
Câu nói ấy, cũng chính là một việc mà Cùng Thần muốn tìm hiểu. Gia Cát Ngọc nghĩ ngợi trong giây lát, rồi đem tất cả mọi việc tai nghe mắt thấy trong mấy tháng gần đây, nhất nhất kể lại tỉ mỉ cho hai lão già nghe.
Hai người nghe xong, thì Túy Quỉ trước tiên kêu lên rằng:
– Công Tôn lão nhi, ông có thể đoán biết được trước đây ai đã mạo danh chúng ta hay không?
– Chẳng lẽ lại chính là Thiên... nhưng, vì việc ấy không có bằng cớ xác đáng, nên chúng ta không thể đoán liền được.
– Hừ, theo sự xét đoán của Túy Quỉ tôi, thì đến chín phần mười, người ấy hẳn là Thiên Diện Nhân Ma Đông Phương Tuyệt.
– Lão ta làm như thế có lợi gì cho lão ta chứ?
– Đấy còn chi phải nói nữa? Vì làm như vậy thì lão ta có thể hả cơn tức giận về chuyện xảy ra trước kia ở tại Lữ Lương Sơn, hơn nữa, sẽ dựa vào việc đó, hầu hại cho chúng ta phải ở yên trong sơn động, giữa miền núi đồi hoang dã để lão ta tự do hoành hành trong giới giang hồ, bớt đi được hai kẻ đại địch.
– Túy Quỉ nói rất có lý. Song, nếu nói như vậy, thì khi Ngũ Bá đã im hơi lặng tiếng, thì Đông Phương Tuyệt phải nhân cơ hội đó nổi lên hoành hành, thế tại sao theo lời thuật vừa rồi của thằng bé này, thì mọi hoạt động trong giới giang hồ, lại không nghe đến tên tuổi của lão ta?
Túy Quỉ Thương Huyền nghe thế bèn ngửa mặt lên cười to nói:
– Cùng Thần, xem ra ông càng già lại càng lẩm cẩm. Ông không nghe thằng bé này nói, là trong võ lâm gần đây đang xuất hiện hai Đồng Chung Đạo Nhân hay sao?
– Có phải ông muốn nói Đồng Chung Đạo Nhân giả ấy chính là Đông Phương Tuyệt?
– Hắn ta có thể giả mạo được ông và tôi, thì chả lẽ lại không giả mạo được lão già mũi trâu ấy hay sao? Phương chi, số môn hạ của phái Chung Nam trước kia, vừa rồi tôi cũng phát giác ra được là có tên tiểu tặc trước kia đã lọt lưới.
– Lão đạo sĩ Đồng Chung đã đầu phục Huyết Hải, tự cam tâm lòn cúi bọn ấy, vậy hãy để cho Đông Phương Tuyệt giả dạng lão ta, hầu trừng trị lão ta một mẻ cũng không hề gì.
Túy Quỉ nghe qua, trợn to đôi mắt nói:
– Việc của Đồng Chung lão quỉ, ta không cần biết làm gì. Nhưng, suốt ba năm nay, tôi đã bị con sâu men hành hạ khổ sở, vậy khi nào lại chịu buông tha Đông Phương Tuyệt một cách dễ dàng. Được. Nếu ông sợ hắn, thì để tôi một mình đi tìm hắn vậy.
Nói đoạn, lão ta xoay lưng, nhún đôi chân định phi thân lướt đi.
Cùng Thần cất tiếng ha hả nói:
– Túy Quỉ, xin hãy chậm đã. Hai ta cùng chung một kẻ thù, vậy đâu lại để ông đi tìm cái chết một mình hay sao?
– Đã nói thế thì ông còn đứng đó làm gì? Có lý nào ông lại sợ chết bên vùng núi non này thì khôn có đất vùi thây hay sao?
– Thù thì phải trả, nhưng ân thì cũng chẳng thể quên.
– Túy Quỉ tôi từ xưa đến nay, thà là gây thành mối oán thù sâu tợ biển, chứ tuyệt đối chẳng hề lấy một tý ân nghĩa của ai bao giờ?
– Ha ha. Tôi hỏi ông, ngày hôm nay chúng mình có thể rời khỏi sơn động hoang trong Liên Hoàn Cốc như vầy, thử hỏi nhờ ai?
Túy Quỉ trầm ngâm nghĩ ngợi một chốc, thì bỗng nhiên bước thẳng về phía Gia Cát Ngọc ba bước, nắm lấy cánh tay của chàng lắc mạnh, nói:
– Thằng bé kia, Túy Quỉ ta hôm nay thoát được khỏi cảnh sống như ngục tù này, đều là nhờ cái ơn của ngươi cả. Vậy, ngươi muốn được báo đáp như thế nào, thì cứ thành thực nói rõ ra đi.
Cánh tay của Gia Cát Ngọc bị lão ta xiết lấy, thực chẳng khác nào bị một chiếc kềm bằng sắt kẹp chặt, trong lòng không khỏi kinh hãi, nên nhanh nhẹn xoay người lách ngang, vuột ra khỏi năm ngón tay của đối phương, nói:
– Đấy chỉ là một sự gặp gỡ rất may mắn và bất ngờ của vãn bối, vậy nào dám mong được báo đáp chi?
Gia Cát Ngọc tài nghệ đến mức nào, riêng Cùng Thần đã có dịp thấy qua, nhưng Túy Quỉ thì cảm thấy hết sức bất ngờ. Lão ta thấy Gia Cát Ngọc có thể vuột ra khỏi bàn tay mình dễ dàng như một con lươn, thì không khỏi lộ sắc vô cùng kinh ngạc, nói:
– Thằng bé kia, thực chẳng ngờ ngươi đã được sự chân truyền của Âu Dương Thiên lão ma. Nguyên Túy Quỉ ta có ý muốn truyền dạy cho ngươi vài thế võ, nhưng xem ra, ta không có chi để dạy cho ngươi được nữa.
Gia Cát Ngọc thừa cơ, tươi cười nói:
– Bộ pháp của lão tiền bối tuyệt diệu trong thiên hạ, vậy nếu không chê vãn bối là kẻ ngu si, thì Gia Cát Ngọc này...
Túy Quỉ cất tiếng to, cười ha hả nói:
– Được rồi. Được rồi. Thằng bé kia, chỉ cần ngươi bằng lòng học thì đã là trọng ta rồi đấy. Vậy, thử hỏi ta đã từng này tuổi rồi còn giấu để mang vào hòm hay sao?
Vừa nói đến đây, lão ta bèn xoay mặt lại, nói với Cùng Thần rằng:
– Cùng Thần, ông cũng không thể giấu kín tài nghệ. Hôm nay để xem ba năm qua Túy Quỉ có hoang phí thời giờ hay không?
Nói đoạn, đôi vai của lão ta không hề nhúc nhích, đôi chân cũng không hề di động, là đã đánh ra một luồng chỉ phong nóng bỏng, cuốn thẳng về phía Cùng Thần.
Cùng Thần cất tiếng cười ha hả, trong khi thân hình cao lớn của lão ta đã lách ngang một cách tuyệt diệu, rồi đôi chưởng vung tròn đánh trở lại về phía Túy Quỉ.
Đôi chân của Túy Quỉ xê dịch hết sức nhẹ nhàng. Lão ta không hề đỡ thế công của Cùng Thần, mà chỉ lách người tránh ngang ba bước, rồi mới quay mặt lại vung chưởng phản công.
Gia Cát Ngọc biết giữa hai lão già, đều không ai sử dụng đến chân lực, cũng như thế chưởng của họ đều là những hư thế, mà bộ pháp của họ mới là sự thi thố thực thụ. Hai lão ta chẳng qua mượn danh nghĩa thi tài, hầu lấy đó truyền dạy bộ pháp cao tuyệt trong thiên hạ này cho chàng mà thôi...
Một dịp may đến với mình, thử hỏi Gia Cát Ngọc đâu chịu bỏ qua? Bởi thế, chàng giương to đôi mắt, tập trung tinh thần theo dõi bộ pháp của đôi bên.
Trên đầu bức vách ấy, rộng độ ba thước, dài không ngoài một trượng, thế mà hai người đã vọt lên đáp xuống trên một diện tích chật hẹp hết sức linh động, tài tình. Chỉ trong chớp mắt là đôi bên đã đánh nhau qua hàng trăm thế võ.
Bỗng nhiên một tiếng cười vang dội bất thần nổi lên và hai bóng người cùng một lúc rơi thẳng vào hố sâu nhẹ nhàng như hai cách hoa bay trước gió, chỉ trong chớp mắt là đã lẩn khuất giữa núi rừng hoang dại.
Trên đầu bức vách đá cao, gió thổi lá cây reo xào xạc. Trên mặt đá xanh trơn láng, còn lưu lại dấu chân của hai lão già. Gia Cát Ngọc đưa mắt chú ý nhìn một lúc, rồi bỗng nhiên vọt người lên, căn cứ theo những bước chân sâu cạn không đều nhau ấy, xê dịch thân mình nhanh như bay.
Thời gian đã trôi qua từng giây phút một, nên bất giác mặt trời đã ngả về phía Tây.
Gia Cát Ngọc bỗng nhiên buông người trở xuống, đi nhẹ nhàng trên mặt đá một lúc nữa. Tà áo của chàng tung bay trước gió và giũ nghe rèn rẹt. Chàng vừa đi xong một vòng, thì mặt đá xanh đã tung tóe vô số mảnh đá vụn, và tất cả dấu chân của hai lão già đều bị xóa mất hẳn.
Kế đó, chàng cất tiếng hú dài, cao vút tận mây xanh, rồi nhắm phía chân núi phi thân lướt xuống nhanh như một mũi tên bắn.