Cô Lâu Quái Kiệt - Hồi 23 - Phần 1
Hồi 23: Hạ lan đẫm lệ
Gia Cát Ngọc hay tin Âm Sơn Quỉ Tẩu đã rời bỏ Vạn Thú Cung nên liền cáo từ Vạn Thú Thần Quân, một con người đã biết hối lỗi để quay về đường thiện, rồi cùng Tư Đồ Uyển, hối hả nhắm hướng Hạ Lan Sơn đi rút tới.
Hai người đi hối hả suốt ngày đêm, từ Hà Nam vào Thiểm Tây, rồi lại nhắm hướng Bắc đi lên. Lúc đó, gió thu đã thổi mạnh, chim nhạn ở miền Bắc cũng đã bắt đầu bay về Nam.
Mặc cho thời tiết thay đổi, trong lòng Gia Cát Ngọc vẫn tràn đầy niềm hân hoan. Ngọn gió Tây thổi vi vu, cũng như bao nhiêu cánh lá vàng tuôn đổ xào xạc, đối với chàng đều trở thành tiếng nhạc vui trong cảnh non tiên cả.
Lòng thương yêu, mong nhớ người từ mẫu đã khiến cho tâm chàng không còn thấy sự u sầu trong trời đất này nữa...
Chàng lúc nào cũng mơ đến cảnh tượng vui mừng, lúc gặp lại được mặt mẹ hiền. Chừng ấy, chàng sẽ quỳ dưới gối người mẹ hiền, im lặng hưởng thụ tình thương ấm áp như ánh nắng xuân của từ mẫu.
Chàng sẽ đem tất cả bao nhiêu chuyện mình gặp gỡ trong suốt mấy năm qua noi rõ đầu đuôi cho mẹ mình được biết. Và, chàng sẽ đưa Uyển tỷ tỷ, một cô gái xinh đẹp và dịu dàng đến ra mắt mẫu thân mình...
Đoạn đường lữ thứ diệu vợi như cảnh mộng kia, rồi cũng dần dần rút ngắn qua những câu chuyện âu yếm thân mật giữa đôi bạn tình. Đến cuối thu, thì hai người cũng đã đến Linh Võ...
Họ dừng lại nghỉ, rồi bỏ ngựa, mang theo lương khô, dắt tay nhau thẳng vào núi sâu.
Hạ Lan Sơn phía Nam bắt đầu từ Linh Võ, và chạy dài đến sông Hoàng Hà ở phía Bắc. Dãy núi chớm chở kéo dài hàn mấy trăm dặm, xem chẳng khác nào một mảnh trăng liềm. Trên núi, cây cỏ rất kỳ lạ, đứng từ xa nhìn, thấy cây cối có một màu xanh nhợt nhạt, tựa hồ như có một lớp sương mỏng phủ lên.
Đó đây là những thác nước từ trên cao đổ ầm ầm, rừng núi rậm rạp, biết nơi nào mới là nơi ẩn cư của Mạc Sầu Tiên Tử?
Cứ đi tìm kiếm. Chàng vì thiết tha muốn gặp mặt mẹ hiền, nên dù cho có phải dẫm chân khắp cả hàng vạn trái núi, hay hàng nghìn sơn cốc đi nữa, chàng cũng bằng lòng.
Hai người vượt qua một khe nước sâu chảy róc rách, rồi lại tiếp tục vượt qua một vách đá cao sừng sững...
Khắp nơi trong Hạ Lan Sơn, đâu đâu cũng nghe tiếng chim kêu, tiếng thú gầm, gió thổi xào xạc, mây bay dưới chân.
Núi non hoang dại, không hề trông thấy một con đường mòn, hay một vết tích chi của con người cả.
Ồ. Mà không. Dưới bóng tịch dương mùa thu, trên một ngọn núi xa, lúc ấy bỗng xuất hiện mấy cái bóng đen.
Đấy là ai thế? Chẳng sai tí nào cả. Đấy chính là nhân vật võ lâm. Bóng người của họ vừa xê dịch, là đã trông thấy có ánh thép lóe lên chiếu sáng ngời, chứng tỏ số người ấy đều có mang vũ khí theo người.
Bọn họ là ai thế? Bọn họ có biết nơi cư ngụ của Mạc Sầu Tiên Tử không? Ờ, ta phải đuổi theo họ để hỏi cho rõ mới được.
Gia Cát Ngọc kéo lấy cánh tay nõn nà của Tư Đồ Uyển, vượt qua suối, lướt qua rừng, tiếp tục chạy bay tới trước.
“Thần hành vô ảnh bộ” quả thực chẳng phải tầm thường, chớ nói chí tới bước chân của Gia Cát Ngọc trông nhẹ nhàng lanh lẹ như đang lướt gió tung mây, mà ngay đến bước chân của Tư Đồ Uyển dựa vào những bộ pháp mà nàng đã học được ít nhiều nơi Thiết Chỉ Cái, thế mà giờ đây xem ra cũng nhẹ nhàng, ung dung, chẳng khác nào một tiên nữ đang lướt qua mặt sóng.
Hai người chỉ cố chạy tới như bay, nhưng nào biết được trên núi Hạ Lan Sơn tĩnh mịch này, lúc bấy giờ đang ngấm ngầm chứa đầy rẫy những nguy cơ khắp chung quanh.
Gia Cát Ngọc và Tư Đồ Uyển tiếp tục chạy như bay tới trước, nên chẳng mấy chốc là đã lướt qua được nửa dặm đường. Đến nơi, chàng vừa nhìn rõ được đối phương, thì không khỏi lộ sắc kinh ngạc.
Chàng trông thấy đây là bốn bóng người, gồm có một tăng nhân, một người trần tục và hai lão đạo sĩ. Bốn người này đang từ sườn núi lướt xuống chân núi, nhưng khi bọ họ nhìn thấy Gia Cát Ngọc thì bỗng dừng chân đứng cả lại.
Trước tiên, bọn họ lộ vẻ kinh ngạc, nhưng sau đó lại cất tiếng “Hừ” lạnh lùng, rồi bất thần quay mặt bỏ đi.
Hai lão đạo sĩ và người trần tục kia, Gia Cát Ngọc đều không biết mặt, nhưng riêng người tăng nhân, thì chàng có gặp qua tại từ đường họ Trương trước đây. Và, lão ta không ai khác hơn là Đại Phong Thiền Sư, người mà trong giới giang hồ đồn đãi là đã bị mất tích trong Tiềm Long Bảo từ lâu.
Trong khi Gia Cát Ngọc hãy còn kinh ngạc, thì bốn người ấy đã vượt qua sườn núi rồi. Bởi thế, chàng liền vung tay, sử dụng thân pháp “Vân Long Cửu Chuyển” lướt tới xa ba trượng, đuổi rút theo bọn người ấy ngay.
Tư Đồ Uyển là người rất tế nhị, trông thấy tình trạng đó, thì biết chi khác lạ, nên cất giọng trong trẻo nạt to rằng:
– Ngọc đệ đệ...
Nàng vốn có ý ngăn Gia Cát Ngọc lại, nhưng vì thân pháp “Vân Long Cửu Chuyển” quá ư nhanh nhẹn, nên câu nói của nàng chưa dứt thì Gia Cát Ngọc đã từ sườn núi lướt đến nhanh như một cơn gió lốc, và đã lao đi xa rồi.
Tư Đồ Uyển trông thấy thế hết sức kinh hãi, nhanh nhẹn xoay mình liền, rồi đuổi gấp theo chàng...
Nhưng, thân hình nàng vừa mới di động, thì bên tai đã nghe có tiếng vạt áo giũ trong gió, và liền đó, một đạo sĩ đứng tuổi, mình mặc áo đen, lưng giắt trường kiếm, từ phía sau một tảng đá to, phi thân lướt ra. Giữa lúc người của đối phương chưa lướt tới nơi thì đã vung chưởng ra đánh liên tiếp ba thế võ, cuồng phong cuốn tới nghe ào ào.
Tư Đồ Uyển nhanh nhẹn lắc đôi vai, thối lui ra sau ba bước.
Lão đạo sĩ nọ liền thu chưởng về, đáp nhẹ nhàng xuống mặt đất cách xa nàng tám thước.
Tư Đồ Uyển vì đang cuống quít trước sự an nguy của Ngọc đệ đệ, nên liền nhướng cao đôi mày nạt rằng:
– Ông chặn đường tôi để làm chi thế?
– Tôi tuân mệnh lệnh của vị chưởng môn, xin mời cô nương hãy trở về sơn trang.
– Vị chưởng môn? Vị chưởng môn nào thế?
– Đấy là Nhất Diệp Đạo Trưởng trong phái Võ Đang.
– Tôi không phải là đệ tử của phái Võ Đang, vậy ông ấy không có quyền chi với tôi cả.
– Nhưng, lệnh tôn...
– Cha tôi như thế nào? Ông ấy cũng đến đấy rồi sao?
– Tư Đồ sư thúc đi đến phái Võ Đang, thì vị chưởng môn đã rời khỏi núi lâu rồi. Nếu như ông ấy có mặt tại đây, thì đâu lại để cho cô nương đi chung cùng Gia Cát Ngọc, một tên hèn mạt trong giới giang hồ ấy bao giờ.
Qua lời nói đó, nàng nên nhẫn nhịn với đối phương hay không? Tư Đồ Uyển nghe người đạo sĩ ấy nhục mạ người yêu của mình thì trong lòng hết sức tức giận, đôi mày liễu nhướng cao, sắc mặt lạnh lùng, rồi cất tiếng cười nhạt bực tức nói:
– Gia Cát Ngọc là kẻ hèn mạt trong giới giang hồ, vậy còn ông là chi? Nếu ông còn đặt điều nói bá láp nữa, thì chớ trách tại sao tôi không thủ lễ với ông đấy.
– Dù cho cô nương không thủ lễ với tôi, tôi vẫn vị nể mặt sư thúc, mà không hề trách cứ cô bao giờ. Chỉ cần từ nay, cô nương không đi chung cùng Gia Cát Ngọc nữa...
– Tôi nhất định đi chung mãi với anh ấy, vậy xem ông có thể làm chi được tôi?
Nói đoạn, nàng khẽ lắc thân người, rồi lướt qua sát mình của lão đạo sĩ. Bộ pháp của cô hết sức tinh diệu, khiến đạo sĩ ấy nhìn thấy không khỏi kinh hãi.
Song, lúc bấy giờ, trong khắp vùng Hạ Lan Sơn, đã bố trí đông đặc các cao nhân của sáu môn phái lớn ở Trung Nguyên, vậy thử hỏi cô ta làm thế nào vượt đi được dễ dàng? Do đó, trong khi thân hình của nàng chưa kịp đứng yên trên mặt đất, thì tại phía trước ngực, đã có hai bóng người nữa lướt ra.
Hai người ấy, gồm một lão già cày ruộng, mình mặc áo vải, đầu đội nón tre, và một vị hòa thượng mình mặc tăng bào, chân đi giày gai, tuổi độ ba mươi. Cả hai người ấn đường đều gồ cao, chứng tỏ võ công không phải kém.
Vị hòa thượng ấy vừa buông mình đứng yên trên mặt đất thì liền chấp hai tay, cất tiếng nói:
– A di đà phật. Nơi này không phải là nơi cô nương nên xâm nhập, vậy hãy nghe theo lời khuyên nhủ, mau trở về đi thôi.
Tư Đồ Uyển trông thấy thế hết sức kinh hãi, biết rằng lời nói của Thạch Kinh Thiên là hoàn toàn đúng. Số người ăn mặc khác nhau mà nàng gặp hiện giờ chắc chắn kéo đến đây với mục đích để đối phó cùng Ngọc đệ đệ. Nàng căm tức vì không thể lướt thẳng đến sát bên cạnh, vì cho dù nàng không giúp được cho chàng một tay, thì cũng phải...
Nàng vừa nghĩ ngợi đến đây, thì không nói không rằng chi cả, nhẹ nhàng vung hai cánh tay ngọc lên, phía trái dùng chỉ, phía phải dùng chỉ, công thẳng vào đối phương ba thế võ liên tiếp.
Chưởng lực của nàng chính là tuyệt học của phái Võ Đang mà nàng được người cha già của mình đích thân truyền dạy, còn chỉ lực chính là thế biến của thế giáo do Thạch Kinh Thiên, minh chủ lục lâm khắp mười ba tỉnh vừa truyền dạy cho. Cả hai đều vô cùng cao thâm tinh diệu, không phải tầm thường.
Vị hòa thượng ấy trông thấy thế, không khỏi giật mình kinh hãi, nhanh nhẹn đưa chân lách ngang rồi xô thẳng chưởng ra, đánh trả hai thế “La hán quyền” của phái Thiếu Lâm.
Lão già ăn mặc theo người cày ruộng kia, cũng nhanh nhẹn rùn thấp người xuống, rồi vung tay đánh ra hai luồng kình phong mãnh liệt.
Thế võ của hai người ấy, tựa hồ đều muốn đẩy lui Tư Đồ Uyển, nên tuy hết sức nhanh nhẹn, nhưng không hề hiểm hóc với ác ý muốn hại đối phương.
Tư Đồ Uyển trông thấy đó là một sơ hở của hai người trước mắt, nên nhanh nhẹn lắc đôi vai rồi sử dụng ngay bộ pháp “Thần hành vô ảnh bộ”, đưa hai chân trái và phải tràn về phía tả ba bước, rồi lại tràn trở lại phía hữu bốn bước nhanh như chớp, luồn tránh một cách tài tình giữa bóng chưởng chợp chờn, và chưởng phong ào ạt của đối phương...
Xem ra, nàng chắc chắn có thể lướt qua sự ngăn chặn của hai người trước mặt. Nhưng, không ngờ ngay lúc đó, lại có một bóng người bay thoắt tới, và người ấy không ai khác hơn là đạo sĩ môn hạ của phái Võ Đang vừa rồi.
Nói về võ công, thì Tư Đồ Uyển so với bất cứ người nào trong số ba người đối phương, đều kém hơn nửa bậc, bởi thế, giờ đây cả ba người tràn tới bao vây, thì dù cho “Thần hành vô ảnh bộ” có tài tình đến đâu, nàng cũng không làm sao vượt qua sự ngăn chặn của họ được.
Chính vì vậy, nàng cảm thấy hết sức sốt ruột, cất giọng trong trẻo quát nạt không ngớt.
Thế nhưng, ba đối phương mặc dù đang chiếm ưu thế, nhưng thế võ của họ đánh ra đều cẩn thận, tựa hồ chỉ ngắm mục đích ngăn Tư Đồ Uyển lại mà thôi. Do đó, đôi bên cứ giằng co mãi, không ai bại ai thắng cả.
Giữa lúc đó, Gia Cát Ngọc đã vượt qua khỏi sườn núi, chàng trông thấy số người của Đại Phong Thiền Sư đã lẫn khuất vào một cánh rừng rậm rạp, nên bèn cất giọng cười lạnh lùng, rồi tiếp tục phi thân đuổi theo.
Nhưng không ngờ đôi chân của chàng vừa mới đứng yên trên mặt đất, thì đã nghe tiếng vèo vèo vang lên không ngớt bên tai. Tức thì, từ trong cánh rừng, bất thần có mười mấy bóng người nối gót nhau phi thân lướt ra, chẳng khác nào như ong vỡ tổ.
Người cầm đầu số ấy là một đạo sĩ lưng giắt trường kiếm, sắc mặt úa vàng.
Lão ta nhìn Gia Cát Ngọc rồi nhướng cao đôi mày nói:
– Cát hạ có phải là Gia Cát Ngọc thiếu hiệp hay không?
Gia Cát Ngọc không khỏi sửng sốt, vội vàng nói:
– Thực lấy làm hân hạnh được bề trên hỏi đến. Tại hạ chính là Gia Cát Ngọc đây. Chẳng hay đạo trưởng danh hiện gọi là chi?
– Bần đạo là Nhất Diệp trong phái Võ Đang.
– Ồ. Thì ra là vị chưởng môn phái Võ Đang. Chẳng hay tiền bối không ngại đường xa nghìn dặm đến đây, là có việc cần thiết chi?
– Vô lượng thọ phật. Bần đạo sở dĩ lặn lội trăm suối nghìn đèo thế này, chẳng qua có ý lĩnh giáo với thiếu hiệp mấy đường tuyệt học mà thôi.
Thái độ của đối phương tỏ ra rất gay gắt, lời nói ẩn chứa một sự đối địch, khiến cho Gia Cát Ngọc không khỏi giật mình, vội vàng nói:
– Thưa tiền bối...
Câu nói chàng chưa dứt, thì bỗng trông thấy có một đạo sĩ trên dưới năm mươi tuổi, mặt vàng như nghệ, từ sau lưng Nhất Diệp Đạo Trưởng bất thần nhảy thoắt tới, gàn giọng quát:
– Gia Cát Ngọc, ngươi không biết thực hay giả vờ như thế?
Sắc mặt của Gia Cát Ngọc liền trở thành lạnh lùng, nói:
– Lời nói của đạo trưởng là có nghĩa gì?
Đạo sĩ ấy ngửa mặt cười khô khan nói:
– Ha ha. Có nghĩa gì à? Thương Lãng tiền bối và một vị đạo trưởng khác nữa của bổn phái, chẳng lẽ lại không phải chết dưới tay của ngươi sao?...
Gia Cát Ngọc nghe lão ta nhắc đến Thương Lãng Vũ Sĩ, thì trong lòng lửa giận không khỏi cháy bừng bừng, tuy nhiên, chàng vẫn cố đè nén, cất giọng ôn tồn nói:
– Xin đạo trưởng chớ nên hiểu lầm, Thương Lãng tiền bối và một vị chủ chùa khác, thực sự đã chết dưới tay của Huyết Hải Địa Khuyết kia...
– Hừ. Huyết Hải Địa Khuyết? Ngươi lại chối bỏ tất cả tội lỗi của mình như thế sao? Gia Cát Ngọc ngươi chính là nha trảo của Huyết Hải Địa Khuyết, hiện trong khắp bốn biển, cửu châu, có ai là không biết việc đó.
Qua câu nói ấy, vô tình đã làm cho Gia Cát Ngọc phát bực mình, cá tính ngạo mạn của chàng cũng vì đó mà nổi dậy. Chàng ngửa mặt cười dài, tiếng to vang dội cả nơi nơi, chẳng khác chi tiếng rồng gầm. Qua một lúc sau, chàng mới im tiếng cười lại, trong khi đôi mày lưỡi kiếm đều dựng đứng, gằn giọng nói rằng:
– Đúng thế. Gia Cát Ngọc ta dù cho có thật sự là nha trảo của Huyết Hải Địa Khuyết đi chăng nữa thì ông định làm gì?
– Ta chỉ muốn ngươi dùng máu để trả lại món nợ máu ấy mà thôi.
Nói đoạn, lão ta bèn tràn tới, vung hai chưởng xô mạnh ra, khiến kình phong cuốn tới ồ ạt như muôn ngàn đợt sóng to.
Gia Cát Ngọc cất tiếng cười nhạt, rồi vung chưởng lên xô thẳng tới...
Qua thế xô ấy, tuy chàng chưa dùng hết sức của mình nhưng bất thần chàng lại nhớ đến vị cha già của Uyển tỷ tỷ là Xích Diệu Thần Long, cũng là đệ tử tại gia của phái Võ Đang, nên sợ hành động liều lĩnh, sẽ đưa đến tình trạng bứt dây động rừng nên vội vàng thu về ba thành chân lực vừa đánh ra.
Qua một tiếng nổ ầm thực to, vị đạo sĩ ấy đã bắn ra sau ba bước rồi mới gắng gượng đứng yên trở lại. Song, sắc mặt của lão ta đã trở thành tái nhợt, hơi thở hổn hển, tựa hồ đã bị thương khá nặng.
Nhất Diệp Đạo Trưởng trông thấy thế, không khỏi kinh hãi, nhưng gượng cười nói:
– Gia Cát thiếu hiệp quả không hổ danh là người tài cao trong giới võ lâm, vậy bần đạo không ngại là mình hèn kém, muốn dùng kiếm thuật để lĩnh giáo ít thế võ.
Kiếm thuật của phái Võ Đang, bấy lâu vang danh trong khắp Cửu Châu. Riêng Thương Lãng Vũ Sĩ đã nổi danh là “Thiên hạ đệ nhất kiếm”. Trong khi đó, Nhất Diệp Đạo Trưởng là người giữ địa vị chưởng môn, chắc chắn không phải tầm thường. Thế nhưng lão ta đã hiểu lầm trong việc này, khiến Gia Cát Ngọc lấy làm khó xử. Chàng định sẽ lên tiếng giải bày hơn thiệt. Nhưng e rằng làm như vậy, người ta sẽ cho rằng mình khiếp sợ đối phương.
Bởi thế, chàng đã tỏ ra do dự trong một lúc khá lâu, và cuối cùng gằn giọng nói:
– Tại hạ xin tiền bối hãy chỉ giáo.
Nhất Diệp Đạo Trưởng vung tay tuốt thanh trường kiếm. Trong khi đó, trong tay Gia Cát Ngọc không hề có món binh khí chi cả, nên chàng liền bẻ một cành cây để thế cho lưỡi kiếm.
Không khí chung quanh liền trở nên nặng nề, ngột ngạt.
Tay phải của Nhất Diệp Đạo Trưởng siết chặt cán gươm, trong khi đó lưỡi gươm nằm dài theo bắp tay, mũi chỉ xéo lên trời. Đấy chính là thế kiếm khởi đầu của “Thiên cương kiếm pháp” trong phái Võ Đang, gọi là thế “Hồng môn vị phân”.
Gia Cát Ngọc là người chỉ sở trường về chưởng và chỉ, riêng kiếm pháp thì chàng không am hiểu tí chi cả, tuy nhiên, võ học trong thiên hạ, mặc dù dùng vũ khí khác nhau, song thế võ cũng không phải khác nhau mấy. Bởi thế, với trình độ võ công của chàng, vẫn có thể vận dụng được lối đánh bằng kiếm, không có chi là trở ngại.
Trong lúc đó, Gia Cát Ngọc đang cầm một nhành cây dài độ ba thước, tay trái đưa lên cao, còn tay phải thì để dưới thấp, thế không ra thế, đường không ra đường, vừa nhìn qua chẳng thấy chi là bí hiểm lạ lùng cả. Bởi vậy, ngay đến Nhất Diệp Đạo Trưởng, là người chưởng môn của một môn phái, cũng không thể nhận ra chỗ tuyệt diệu trong thế võ đó.
Giữa lúc mọi người chung quanh, ai lấy đều đang cảm thấy lấy làm lạ, thì Gia Cát Ngọc đã cất tiếng khẽ gọi rằng:
– Xin lão tiền bối hãy ra tay chỉ dạy cho.
Nhất Diệp Đạo Trưởng cất giọng khiêm tốn đáp lời, rồi thân mình cùng tràn tới một lúc với lưỡi kiếm, gây thành bảy đóa kiếm hoa sáng ngời, nhắm ngay vào năm đại huyệt trên vai trái của Gia Cát Ngọc.
Với địa vị chưởng môn của phái Võ Đang, chắc chắn là đường kiếm của Nhất Diệp Đạo Trưởng lúc nào cũng đánh ra một cách thận trọng vô cùng.
Nào ngờ đâu khi đụng đầu với Gia Cát Ngọc thì thế kiếm lạ lùng ấy của lão ta suýt nữa phải bị thất bại thảm thương.
Vì, trong lúc lão ta tràn tới tấn công, thì Gia Cát Ngọc vẫn đứng yên không nhúc nhích, chờ cho luồng kiếm phong của lão ta chạm tới lớp áo, thì cành cây trên tay chàng mới đưa sang bàn tay kia, trở lộn đầu lại rồi búng thẳng ra. Đồng thời, đôi chân chàng cũng khẽ lách ngang, sử dụng luôn một lúc hai thứ bộ pháp tuyệt diệu trong chốn võ lâm, tránh khỏi được thế công của đối phương một cách dễ dàng.
Liền sau đó, một luồng kình lực từ đầu nhánh cây đã bắn ra, ồ ạt tấn công thẳng vào các huyệt đạo trên người của Nhất Diệp Đạo Trưởng.
Nhất Diệp Đạo Trưởng hết sức kinh hoàng, vội vàng hạ thấp lưỡi kiếm, rồi thối lui ra sau, chớp nhoáng công trở lại ba thế võ mới cứu vẫn được tình trạng nguy kịch.
“Thiên cương kiếm pháp” bấy lâu nay xưng hùng trong giới võ lâm, quả là có chỗ độc đáo của nó. Hơn nữa, nhớ Nhất Diệp Đạo Trưởng là người võ công cao cường, sử dụng chẳng hề bị sơ hở, và ngầm chứa nhiều sự biến hóa khó lường, nên lại càng hiểm độc hơn.
Trong khi đó, Gia Cát Ngọc phải đối phó với đối phương, bằng một ngành võ học mà chính mình kém sút, nên không tránh khỏi hết sức luống cuống, tuy chẳng bị hại, nhưng muốn thủ thắng cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Đôi bên đánh nhau quyết liệt, khiến kiếm khí trùm kín cả một vùng, kình phong không ngớt tung bay tà áo, và chỉ trong chớp mắt là họ đã đánh nhau trên hai mươi thế võ...
Nhất Diệp Đạo Trưởng tỏ ra hết sức thận trọng, và đang cố suy nghĩ để tìm một phương pháp hạ đối phương.
Nhưng bỗng Gia Cát Ngọc tươi cười nói:
– Xin tiền bối hãy xem chừng.
Nhất Diệp Đạo Trưởng nhận xét qua lời nói và nét mặt của Gia Cát Ngọc, trong lòng vừa mới giật mình, thì đã thấy thế võ của chàng diễn biến ngay. Nhành cây trong tay chàng vung lên vun vút, gây thành những luồng cuồng phong như bão táp, kiếm khí trùm kín cả không gian và cuốn tới ào ào như sóng to ngoài bể cả.
Nhất Diệp Đạo Trưởng là một người nổi danh về kiếm thuật, nhưng từ trước đến nay vẫn chưa từng thấy kiếm pháp của ai lại cao sâu kỳ tuyệt như thế. Chỉ trong nháy mắt là kình phong đã trùm kín cả người lão ta, khiến tay chân của lão ta đều luống cuống, khiếp sợ đến mồ hôi toát lạnh cả người.
Nào ngờ đâu, giữa lúc lão ta không còn chống trả được chi nữa, kiếm phong chung quanh người bỗng dưng dịu lại, rồi tắt hẳn. Trong khi đó, Gia Cát Ngọc cũng nhẹ nhàng nhảy lùi ra sau tám bước, siết chặt cành cây trong tay, miệng mỉm cười...
Xem qua thái độ của chàng, tựa hồ chàng muốn lên tiếng nói chi. Nhưng, lúc bấy giờ, Nhất Diệp Đạo Trưởng vì đã quá thẹn thuồng, nên trở thành tức giận, sắc mặt không ngớt thay đổi. Lão ta không chờ chàng mở miệng nói chi, liền gằn giọng quát rằng:
– Đệ tử phái Võ Đang, hãy theo ta trở về núi.
Nói đoạn, lão ta bèn lắc mạnh thân người, dẫn trên mười mấy đạo sĩ, sắc mặt hầm hầm, quay người bỏ đi nhanh như gió hốt.
Tình trạng ấy thật hết sức bất ngờ đối với Gia Cát Ngọc, nên nhất thời, chàng không biết nên hành động ra sao.
Thì ra, hai thế kiếm tuyệt nghệ mà chàng vừa sử dụng, chính là hai thế kiếm mà Thương Lãng Vũ Sĩ truyền dạy cho chàng trước đây. Trong khi Thương Lãng Vũ Sĩ truyền dạy cho chàng hai thế kiếm này, có dặn, nếu gặp một dịp may nào, thì chàng nên mang nó truyền dạy lại cho Nhất Diệp Đạo Trưởng.
Trong khi đánh nhau với đối phương, chàng bất ngờ sực nhớ lại chuyện ấy, nên sau khi lên tiếng cảnh cáo đối phương, chàng bèn sử dụng hai thế kiếm đó tấn công về phía đối phương ngay lập tức.
Sở dĩ chàng hành động như vậy, một là làm tròn lời ủy thác của Thương Lãng Vũ Sĩ, hai là thừa dịp đó chứng tỏ cho Nhất Diệp Đạo Trưởng biết, Thương Lãng Vũ Sĩ bằng lòng truyền dạy cho chàng những đường kiếm tuyệt nghệ ấy, thì việc ông ta bị sát hại, chắc chắn không phải do chàng gây ra.
Chàng bất thần trông thấy Nhất Diệp Đạo Trưởng không nói một lời nào, quay người bỏ đi, thì cũng liền nhanh nhẹn lao mình đuổi theo...
Chàng vốn có ý chặn lấy Nhất Diệp Đạo Trưởng lại, để giãi bày mọi sự thật chung quanh việc ấy. Nhưng, nào ngờ thân hình chàng vừa mới di động, thì bỗng nghe từ phía sau lưng có một chuỗi cười như cuồng dại vọng đến rằng:
– Gia Cát Ngọc, ngươi muốn bỏ chạy hay sao? Phái Võ Đang sợ ngươi, chứ Thiếu Lâm Tự không hề sợ ngươi bao giờ. Vậy, nếu ngươi muốn bỏ đi, thì hãy để cái mạng của ngươi lại đây trước đã.
Gia Cát Ngọc kinh hãi quay đầu nhìn lại, thì trông thấy có ngoài mười nhân vật võ lâm, đang sánh vai đứng đông nghẹt tại sau lưng mình.
Người cầm đầu số ấy chính là Phi Long Thiền Sư thuộc phái Thiếu Lâm.
Ngoài ra, lại còn có ba lão đạo sĩ trong Thái Sơn Quan và một người tay cầm thiết phiến cùng một lão già ăn mặc theo lối người cày ruộng.
Tuy Gia Cát Ngọc không biết hai người ấy chính là Thiết Phiến Tẩu và Mục Dã Thần Canh Điền Trường thuộc phái Chung Nam, nhưng nhìn qua dáng điệu của họ, chàng cũng có thể đoán biết họ đều là những người nổi danh trong võ lâm cả.
Bởi thế, trong lòng chàng vừa mới giật mình, thì đã trông thấy lão già tay cầm thiết phiến, thân hình rắn rỏi kia, lách mình lướt tới, cất giọng lạnh lùng cười khanh khách nói:
– Ngươi có phải là vị chủ nhân mới của Kim Cô Lâu, tức Gia Cát Ngọc đấy không?
– Đúng thế. Gia Cát Ngọc chính là tại hạ đây, chẳng hay ông có điều chi chỉ dạy?
– Ta chỉ muốn xem quả tim của thằng bé ngươi có màu chi cho biết.
Qua một tiếng “soạt”, chiếc quạt sườn sắt của lão ta đã lóa lên một vừng ánh thép, rít gió nghe vèo vèo, công thẳng đến lồng ngực của Gia Cát Ngọc.
Gia Cát Ngọc trông thấy thế, liền cất giọng lạnh lùng phì cười nói:
– Chỉ với tại nghệ ấy của ông, thì trong kiếp sống này chớ mong làm gì được đâu.