Thuyền trưởng tuổi 15 - Phần 2 - Chương 08 - 09 - 10 - 11
Chương 8
NGÀY HỌP CHỢ
Đíchsơn hành động chớp nhoáng nên không ai kịp giữ lại. Mấy người lính bản xứ thấy thế liền nhảy vào túm lấy Đíchsơn định đánh chết. Chợt Nego chạy đến. Y gạt mấy người lính ra và bảo đem xác Ali về trụ sở. Angve, Koimbra giận quá đề nghị giết Đíchsơn ngay lập tức. Nego nói nhỏ với hai người hãy để từ từ rồi hạ thủ cũng không hại gì. Nói xong Nego ra lệnh giam Đíchsơn lại. Chú bị trói và đưa đến một căn lều kiên cố và kín mít mà Angve vẫn dùng để giam những nô lệ nổi loạn.
Đíchsơn ngồi trong lều tối nghĩ lại, không hối hận về việc mình đã làm. Đíchsơn đã trả thù cho những người thân yêu đã khuất. Nay dù số phận ra sao, chú sẵn sàng hứng chịu. Sở dĩ Nego không cho mấy người lính hạ sát Đíchsơn ngay là vì Nego định dành cho Đíchsơn một cái chết ghê gớm mà chỉ có những người bản xứ mới biết.
Hai hôm sau, tức là ngày hai tám tháng năm, là ngày họp chợ, ngày gặp gỡ của những người lái buôn trong hạt và dân ở các tỉnh lân cận. Từ sáng sớm, chợ Cadôngđê đã náo nhiệt. Khó mà tả hết sự nhộn nhịp của phiên chợ. Có tới trên năm mươi ngàn người lũ lượt chen nhau đi xem chợ, chơi chợ. Đối với dân bản xứ, phiên chợ là một ngày hội, nên họ mặc những quần áo mới, đẹp; nếu không ít ra họ cũng đeo vào cổ, tai những đồ trang sức kỳ lạ. Giữa trưa chợ đang náo nhiệt, Angve ra lệnh cho bọn tay sai đưa nô lệ ra chợ bán. Chợ đã đông lại càng đông thêm vì số nô lệ mới đưa ra có tới hai ngàn người. Số này được nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ trong mấy tháng nên đã có sức và dễ coi, đem bán sẽ được giá cao. Còn số mới đến phải nuôi ít ra là một tháng mới lại sức. Tuy nhiên vì nhiều khách hàng đòi hỏi nên Angve không kể tốt xấu, cứ thế đưa ra bán.
Nhóm già Tôm thật là khổ. Người ta trói họ lại và xua ra chợ như đàn nô lệ trước, bao nhiêu sự căm hờn và tủi nhục lộ ra trên gương mặt họ. Pát nhìn xung quanh một lượt rồi nói:
- Đíchsơn không có ở đây.
Antôn đáp:
- Không, người ta không bán Đíchsơn đâu.
Già Tôm nói:
- Đíchsơn sẽ bị giết, mà có lẽ đã bị giết rồi! Còn chúng ta, cầu sao cho cùng một chủ mua về. Chúng ta sẽ được an ủi một phần vì đã không chia lìa nhau.
Pát ôm lấy cha, khóc và nói:
- Nghĩ tới cảnh con phải chia lìa cha và cha phải lao khổ một thân một mình, con không thể sống được.
Già Tôm nói:
- Không. Chắc người ta không chia rẽ chúng ta đâu và biết đâu sau này chúng ta có thể…
Ốttanh nói:
- Giá có Ecquyn ở đây nhỉ!
Nhưng Ecquyn đã biệt tích rồi còn đâu. Sau khi anh báo tin cho Đíchsơn, người ta không còn biết gì về anh cũng như Đinhgô nữa. Như anh thế là may! Dù có chết đường chết chợ, anh vẫn còn sung sướng vì không phải mang xiềng xích nô lệ.
Giữa lúc đó, việc mua bán nô lệ đã bắt đầu. Nhóm già Tôm bị dẫn đến trước mặt hết khách buôn này đến khách buôn khác. Những người lái buôn Ả Rập và trung bộ châu Phi cũng đến xem xét. Chúng nhận thấy số người da đen này không có những đặc điểm của giống người châu Phi da đen, vì họ đã thay đổi từ hai đời trên đất Mỹ rồi. Nhưng họ đều là những người da đen vạm vỡ và thông minh, khác hẳn những người da đen quê ở miền sông Dambe. Chúng nắn thịt, nắn xương, xoay đi xoay lại, chúng xem tóc, xem răng. Sau cùng, chúng ném một cái gậy thật xa, bắt từng người chạy nhả để xem tướng đi thế nào. Tất cả nô lệ đều bị xem xét như thế.
Đừng tưởng những người tù thản nhiên trước việc xem xét vô nhân đạo kèm theo những cái đá, những ngọn roi ấy. Không. Tất cả mọi người, đàn bà cũng như đàn ông, sự tủi hổ hiện rõ trên nét mặc căm hờn của họ. Tuy bị nhục nhã trước hành động dã man của kẻ bán cũng như người mua, nhóm già Tôm không hề tỏ vẻ phản kháng vì theo họ thà bị đày đọa làm nô lệ ở các thuộc địa còn hơn. Vì ở đó, họ còn có hy vọng một ngày kia đòi được quyền tự do, chứ ở đất Phi châu này khó mà ngóc đầu lên được. Cũng may họ được bán vào một lô. Mấy người lái ở Ugihi thi nhau trả giá. Angve vỗ tay. Giá càng lên cao. Cuối cùng, người phú thương Ả Rập mua được, nhưng không phải để nuôi mà để đem đi chợ Dăngdiba bán lại lấy lời.
Nhóm già Tôm sẽ phải đi hơn một ngàn rưỡi dặm đường nữa, phải qua miền Trung bộ châu Phi, nơi núi rừng hiểm trở, khí hậu độc và luôn luôn có những cuộc giao tranh giữa bộ lạc này với bộ lạc khác. Họ đến hồ Tănggaca, rồi từ đó về chợ Đăngdiba. Liệu già Tôm có chịu nổi gian khổ như vậy không? Hay lại bỏ mình giữa đường như u già Năng? Bốn người được đi cùng với nhau, không bị chia xẻ, đó là niềm an ủi lớn làm cho họ thêm phấn khởi và tưởng chừng những xiềng xích dưới chân họ nhẹ hẳn đi.
Người chủ mới cho người đưa họ ở tạm tại một căn lều riêng và chăm sóc họ hơn vì lô hàng hiếm có này hứa hẹn một số lãi lớn khi đến Đăngdiba.
Già Tôm, Pát, Antôn và Ốttanh cùng nhau rời khỏi chợ, không được mục kích tấn kịch sắp diễn ra, kết thúc ngày hội Cadôngđê.
Chương 9
TIỆC RƯỢU MỪNG VUA
Bốn giờ chiều, người ta nghe thấy tiếng trống, tiếng kèn, tiếng thanh la inh ỏi từ đầu phố chính đưa lại. Đức vua Maniu Lunga của miền Cadôngđê ngự giá thăm chợ. Một đoàn tùy tùng khá dài gồm có Hoàng hậu, các cung phi, các quan văn võ, các thầy bùa, binh lính và tôi đòi theo sau. Angve và bọn đàn em chạy đến khúm núm đón chào. Nhà vua ngồi trong cáng bước xuống giữa chợ có hàng chục cánh tay đưa ra đỡ. Nhà vua mới năm mươi tuổi, nhưng trông già như tám mươi. Vua tự cho là người của thần, hưởng mọi lạc thú trên đời không ngán. Ngài thích nhất là rượu, các triều thần của ngài phần đông là những tay bợm rượu, nhưng so với ngài thì chẳng thấm vào đâu. Đó là một ông vua thích rượu đến cực độ. Trong người ngài lúc nào cũng đầy rượu, có thể nói là “bấm” ra rượu được. Các thứ rượu ngon đều do Angve cung hiến cả. Hậu cung ngài gồm có trên năm mươi bà vợ, trẻ đẹp, đủ hạng tuổi. Hoàng hậu Môna trạc bốn mươi tuổi trông có vẻ đanh đá hơn cả, ăn mặc xa hoa hơn các cung phi khác.
Nhà vua vừa bước xuống cáng, tiếng hò reo nổi lên ầm ĩ. Khi ngài an vị, các chỉ huy, các cai đoàn đến quỳ lạy. Angve tiến vào đám đông dâng vua một mâm thuốc lá thượng hạng. Koimbra, Amít và các nhà buôn lớn khác cũng tiến hành thi lễ. Nhà vua ngồi ngây mặt ra, chẳng để ý đến ai cả. Sau đó, Angve đưa Nego vào yết kiến. Nego tâu:
- Sự hiện diện của thánh hoàng đã ban cho chợ Cadôngđê một vinh dự lớn. Kính chúc thánh hoàng vạn tuế.
Nhà vua đáp:
- Ta khát quá!
Angve nói:
- Đức vua sẽ có một phần lợi tức lớn sau buổi chợ.
- Cho ta uống!
- Anh bạn Nego của hạ thần rất sung sướng được đến chầu ngài sau một thời gian vắng mặt khá lâu
- Cho ta uống, mau!
- Bẩm, rượu ý dĩ hay rượu mật ong?
- Không. Không. Rượu mạnh của ông bạn Angve kia! Mỗi giọt rượu nặng sẽ trả bằng…
- Một giọt máu của người da trắng.
Nego nói chen vào và ra hiệu cho Angve. Y hiểu ý ngay. Nghe câu đó, bản tính hung ác vụt trỗi dậy, nhà vua hỏi:
- Một tên da trắng? Giết một tên da trắng hả?
Nego đáp:
- Bẩm vâng. Vì tên da trắng đó đã hạ sát một người thuộc hạ đắc lực của Angve.
Angve nói tiếp:
- Chính thế! Một người thuộc hạ của thần đã bị hạ sát. Hạ thần mong được trả thù.
- Thế thì đưa tên da trắng đó sang cho vua Mátsônggô!
Nego nói:
- Nhưng chính hung thủ đã giết bạn Ali của chúng tôi ở đây.
Angve nói tiếp:
- Hung thủ phải đền tội ở đây.
Nhà vua nói:
- Ở đâu cũng được, bạn Angve ạ. Rượu nặng trước đã.
- Rượu nặng! Bẩm có. Hôm nay hạ thần xin kính dâng bệ hạ một thứ rượu chính danh. Hạ thần sẽ “hỏa thang” rượu đó lên. Thế mới xứng đáng gọi là tiệc rượu của “kẻ ngu thần Angve” cung hiến “Hoàng đế Mani Lungga!”
Nhà vua khoái quá, lấy tay vỗ vào bàn tay Angve tỏ ý hài lòng. Các cung phi, các thị thần đều hò reo thích thú. Họ chưa trông thấy rượu cháy thành ngọn lửa bao giờ. Họ tưởng uống cả lửa chắc thú vị lắm! Sáng kiến kỳ cục mà Angve đưa ra là thết vua một chầu rượu dưới hình thức mới lạ. Angve nghĩ có lẽ rượi cháy và nóng sẽ kích thích một cách đê mê vị giác đã chai cứng của nhà vua. Vì thế, chương trình buổi chiều gồm có một tiệc hỏa tửu và một vụ hành hình.
Đíchsơn bị trói giam trong ngục tối chỉ chờ đợi để ra chịu chết.
Người ta đặt giữa bãi rộng một cái vại bằng đồng lớn có thể đựng được hai trăm lít. Bốn, năm thùng rượu được đem đến. Rượu này là thứ rượu thường nhưng được cô lại nên rất cay nồng. Người ta đổ đầy rượu vào vạc và bỏ thêm nào quế, nào ớt, cùng nhiều gia vị khác cho rượu thêm ngon. Mọi người đứng quây chung quanh vua. Nhà vua lảo đảo bước đến cạnh vạt; dường như mùi rượu có ma lực làm cho vua mê mẩn và muốn nhảy vào. Angve cầm cánh tay giữ nhà vua lại và đưa cho vua một cái que dài đầu có mồi lửa. Angve hớn hở hô:
- Xin đốt!
- Đốt!
Vua Mani Liungga vừa nói vừa đạp mạnh que lửa vào rượu. Tức thì những ngọn lửa xanh bốc lên và bay chập chờn trên mặt vạc. Có lẽ Angve đã pha thêm vào đó vài nắm muối cho rượu cay thêm. Lúc đó, trong ánh lửa xanh chập chờn, những khách dự tiệc, mặt người nào người nấy xanh nhợt như ma quỷ hiện hình.
Angve cầm một cái môi lớn bằng sắt thọc vào vạc lửa, khuấy lên, làm vọt những tia rượu xanh lè bắn cả vào những con khỉ đang mê cuồng đó. Vua Mani Lungga tiến lên, giằng lấy cái môi ở tay Angve nhúng vào vạc múc ra một môi đầy. Rượu tràn ra và rớt xuống những giọt lửa xanh. Nhà vua đưa môi vào miệng để uống. Bỗng ngài hét lên một tiếng. Lửa bất thần bám cả vào người ngài. Thân thể ngài đã bắt lửa như một cái thùng dầu hỏa vậy. Lửa đỏ cháy lem nhem, có vẻ không nóng lắm nhưng thui da thịt rất nhanh.
Một quan thượng thư trông thấy vậy nhảy vào cứu vua. Lửa bắt luôn vào người ông ta và cháy như đuốc. Các triều thần thấy vậy ù chạy tán loạn. Các bà vợ vua xô nhau chạy theo. Angve, Nego cuống quýt không biết làm thế nào. Họ gọi Koimbra thì tên này đã chuồn từ lâu.
Vua và vị thượng thư quằn quại một lúc rồi chết.
Chương 10
ĐÁM TANG VUA
Hôm sau, ngày 29 tháng năm, thành phố Cadôngđê mang một bộ mặt thật khác thường. Khán dân sợ hãi đóng cửa ở cả trong nhà. Họ chưa từng trông hoặc nghe thấy cái chết nào kinh khủng và kỳ lạ đến thế.
Nego nảy ra một ý nghĩ, hắn bàn với Angve rồi phao tin rằng sự băng hà của nhà vua là một sự biến hóa phi thường. Ngọn lửa phát ra từ thân thể của nhà vua cũng như vị thượng thư trung thành kia là một ngọn lửa thiêng liêng sẽ diệt mọi ốm đau, hoạn nạn cho dân. Một số người dân ngu dại tin tưởng và nức lòng. Người ta mai táng vị thượng thư và chuẩn bị tang lễ nhà vua thật trọng thể.
Ở đầu thành phố Cadôngđê có một dòng suối lớn và dốc chảy qua, đó là một phụ lưu của sông Cônggô. Người ta đắp một cái đập chắn ngang suối và khơi một lối tạm thời cho nước chảy quặt vào cánh đồng. Đập đắp xong, nước ở phía ngoài đập rút về suối sâu. Nơi đây người ta đào một huyệt để an táng vua. Sau đó người ta sẽ phá đập để cho nước chảy như thường.
Theo tập tục xứ này, mỗi khi nhà vua băng hà, người ta phải chọn một số người làm vật hy sinh để tỏ lòng sùng kính cố vương và cũng để cho tang lễ được uy nghi. Nego đã dành cho Đíchsơn một chân trong số hy sinh đó. Buổi trưa, Nego đến nhà giam., Đíchsơn bị trói đang nằm trong xó ngục và đã hơn hai tư tiếng đồng hồ chưa được ăn uống gì. Nghe tiếng mở cửa, Đíchsơn cố quay đầu ra, Nego bước vào nói:
- Người nào lượt ấy! Hôm nay ta là thuyền trưởng, là chủ nhân. Cái đời thủy thủ xuống dốc của mày bây giờ ở trong tay ta.
Đíchsơn không sợ hãi đáp:
- Ở tay mày thì mày cầm lấy. Mày phải biết trời có mắt, ác giả ác báo không xa đâu.
- Nếu trời có mắt thì cứu mày đi! Còn thì giờ đấy!
- Ta sẵn sàng hy sinh! Ta không sợ chết đâu!
- Dễ thường mày mong đợi ai đến cứu được chăng? Mày điên rồi! Một cuộc giải cứu ở Cadôngđê này không đời nào có. Mày phải biết Angve và ta là chủ nhân ở đây!
- Trời xui khiến! Biết đâu đấy! Ecquyn còn kìa!
- Ecquyn à? Nó đã vào bụng sư tử đời tám hoánh nào rồi! Ta chỉ tiếc một điều là ác thú đã đi trước sự trả thù của ta.
- Nếu Ecquyn chết thì đã có Đinhgô. Đinhgô hãy còn sống! Ta biết rõ mày, mày hèn nhát lắm. Một ngày kia nó sẽ tìm mày và xé xác mày ra!
- Đồ khốn nạn! Mày nói gì? Ta đã bắn chết nó rồi. Nó đã chết cũng như bọn con mụ Uynxton, cũng như tất cả những kẻ còn sống sót của thuyền Hải Âu.
- Nếu thế thì chính mày cũng sẽ chết!
Câu nói này làm cho Nego xám mặt lại. Hắn xông vào, định bóp cổ cho Đíchsơn chết đi. Nhưng nghĩ thế nào, hắn lại rụt tay lại rồi quay ra bảo người cai ngục phải canh kĩ tội nhân. Thâm ý của Nego là dành cho Đíchsơn một cái chết đau khổ, cái chết từ từ ở lòng suối Cadôngđê.
Câu chuyện vừa rồi đáng lẽ khiến cho Đíchsơn nản lòng, nhưng trái lại đã làm cho tinh thần Đíchsơn thêm phấn chấn hơn. Đíchsơn ngủ một giấc đến hai tiếng đồng hồ. Khi dậy, thấy người khỏe khoắn hơn, Đíchsơn cố dứt được dây trói ở cánh tay. Dễ chịu làm sao khi cánh tay được co duỗi tự do!
Lúc đó đã quá nửa đêm. Người cai ngục uống rượu say, ngủ mệt, bàn tay còn nắm cổ chai. Đíchsơn định chiếm khí giới của y để vượt ngục. Chợt nghe có tiếng cào ở chân cửa, Đíchsơn khẽ bò ra. Tiếng cào vẫn tiếp tục và nghe rõ hơn. Hình như có ai cào đất ở bên ngoài? Người hay vật?
Đíchsơn nghĩ: “Nếu là Ecquyn thì hay quá!”
Đíchsơn quay lại nhìn người cai ngục. Hắn vẫn ngủ như chết. Đíchsơn ghé miệng vào khe cửa định gọi “Ecquyn”. Một tiếng rít nhỏ đáp lại. Đíchsơn tự nhủ: “Không phải Ecquyn! Đó là Đinhgô!”.
Ngay lúc đó, một cái chân thò vào trong cửa. Đíchsơn nắm lấy biết là chân Đinhgô nhưng không thấy thư từ gì. Có lẽ ở cổ nó chăng? Đíchsơn dùng tay đào thêm cho nó lọt đầu vào. Nhưng vừa móc được ít đất thì tự nhiên con chó sủa vang. Không phải tiếng Đinhgô mà là tiếng các con chó khác của bọn Angve. Tức thì mấy phát súng nổ vang báo động. Đinhgô trốn biệt. Người cai ngục mơ màng tỉnh dậy. Đíchsơn không dám tính đến việc vượt ngục nữa vì bên ngoài lính canh đã thức cả. Đíchsơn bò vào chỗ cũ, nằm đợi sáng, một buổi sáng không có ngày mai cho kẻ sa cơ.
Suốt ngày hôm sau, những người đào huyệt làm việc hăng hái. Chiều đến, đám tang khởi hành từ phố chính để ra bờ suối. Đoàn đưa đám khá dài. Đầu tiên là những phu, những lính mang cờ quạt, khí giới, rồi đến các triều thần, một số dân và bọn lái buôn nô lệ Angve, Koimbra, Nego cùng bọn hạ thủ đều có mặt. Sau phường kèn trống là chiếc võng xanh trong đặt thi thể nhà vua liệm trong một tấm khăn bằng vóc đỏ, do nhiều người khiêng. Các cung phi đi hai bên và sau võng, trong đó có vài bà nét mặt buồn rầu vì họ đã bị chỉ định để theo luôn nhà vua xuống suối vàng. Hoàng hậu Môna, mặc đồ tang theo sau một cái kiệu thường gọi là linh xa. Cuối cùng là những thể nữ và quân hầu.
Đám ma đến bờ suối thì trời đã tối. Hàng trăm bó đuốc nhựa thông được đốt lên, sáng đỏ một góc trời. Người ta trông rõ lòng suối cạn. Giữa là một huyệt sâu, hai bên là những thân hình đen đen của những nô lệ dùng làm vật hy sinh và bị xích chân xuống đất. Mấy bà cung phi trẻ tuổi ủ rũ trong bộ xiêm y đại tang cũng được đưa theo xuống chầu vua.
Tại đầu huyệt, về phía đập nước, người ta dựng một hình nộm nhà vua, áo mão đàng hoàng, mắt đeo kính lóng lánh trông như người thật. Xa xa đối diện hình nộm là một cây cột sơn đỏ trồng sâu xuống đất. Trên cột đó, người ta đã trói Đíchsơn vào. Đíchsơn mình trần, lộ rõ những vết thâm tím do Nego hạ lệnh cho tay sai đánh đập trước khi đưa đi hành hình. Đíchsơn vẻ mặt ngang nhiên tựa thẳng vào cột đợi chết.
Giờ an táng đã đến. Người ta rước thi hài vua xuống suối, hạ huyệt và đắp mồ. Mồ đắp xong, hoàng hậu Môna đứng trên bờ, giơ tay ra hiệu, kèn trống nổi vang. Đập được mở ra. Nước đổ xuống ào ào. Tiếng nước chảy chen lẫn tiếng gào khóc của nạn nhân cùng tiếng reo hò ở trên bờ tạo thành một âm thanh hỗn loạn làm náo động một góc trời, lập lòe ánh đuốc. Ác thay! Người ta không phá đập để nước chảy ùa một lúc cho nạn nhân đỡ chết khô. Người ta chỉ xẻ đập cho nước chảy dần dần. Thoạt tiên, nước bén chung quanh mồ, đến chân các nạn nhân, rồi đến ngực, đến đầu. Rồi những điểm đen biến mất dưới làn nước long lanh ánh lửa.
Còn lại Đíchsơn, nước lên tới đầu gối. Đíchsơn cố cựa mạnh để đứt dây trói nhưng không nổi. Rồi nước cứ lên, lên nữa, trùm qua đầu kẻ nạn nhân cuối cùng.
Mọi người kéo nhau ra về. Dòng suối lại cuồn cuộn chảy như cũ. Không con dấu vết gì tỏ ra nơi đây vừa mai táng một ông vua, nơi đây vừa chôn sống bao nhiêu mạng người vô tội để làm vật cúng cho một xác chết.
Chương 11
TRẠI GIAM BIỆT TRANG
Ali và Nego đã nói láo, bà Uynxton hãy còn sống. Bà cùng con và Binđác đang bị giam lỏng tại một căn lều trong biệt thự của trùm Angve.
Sau khi bị bắt ở tổ mối, bà và Giắc bị đưa về trạm Quangđa đến Cadôngđê. Binđác đi sau cáng và có mười hai người lính kèm theo. Suốt trong cuộc hành trình, Ali và Nego không nói với bà một câu nào. Khi tới nơi, họ đưa bà vào biệt trại của Angve, bà và Giắc ở một căn lều, còn Binđác một căn lều khác trong khu vườn rộng mênh mông.
Sau đó, bà không hề thấy Ali và Nego nữa. Bà cũng không thể ra ngoài được vì chung quanh trại có hàng rào vây kín. Sức khỏe của Giắc đã khá nhiều.
Khi nhà thông thái Binđác biết rằng nơi đây không phải châu Mỹ như ông đã tưởng, ông không hề thắc mắc tại sao nơi đây là châu Phi. Ông chỉ bực tức một điều là ông đã có công khám phá và lượm được nhiều mẫu côn trùng lạ, tưởng gốc ở Mỹ châu mới hiếm, ai ngờ những vật đó lại ở châu Phi.
Những cơn bực tức quay đi, ông tự nhủ: nơi đây có nhiều côn trùng, biết đâu ta lại không khám phá ra những giống quý chưa ai biết.
Ông cứ lặp đi lặp lại câu nói đó một mình và nói cho cả bà Uynxton nghe nữa, nhưng nào bà có để vào tai.
Nhà côn trùng học vẫn đàng hoàng với cái hộp sắt đeo bên sườn nhưng cặp kính cận không còn ở trên mũi và cái kính lúp không còn lòng thòng ở dưới cổ nhà thông thái nữa. Kính cận, kính lúp của Binđác đã bị lột để đeo cho hình nộm của vua Môni Lungga rồi.
Mặc dù mất hai thứ đồ nghề cần thiết đó, Binđác rất kiên nhẫn mỗi khi phải quan sát một con sâu, hoặc một con kiến và vẫn mải mê theo dõi côn trùng.
Binđác được tự do đi lại trong trại để tìm côn trùng vì người ta biết ông không thể vượt qua được những hàng rào kiên cố. Chu vi trại dài đến ba ki lô mét cũng đủ để nhà bác học làm những cuộc nghiên cứu khoa học. Giắc thường theo Binđác đi chơi nhưng vườn trại rộng quá em đi không hết. Lúc này, trong trại không còn đông đảo như trước vì những bầy nô lệ đã bị đem bán ở chợ Cadôngđê hết rồi. Trong các nhà kho bây giờ chỉ toàn vải và ngà voi. Vải dùng đem đi các tỉnh trung bộ để đổi lấy nô lệ. Còn ngà voi đã có thị trường lớn ở châu Phi tiêu thụ.
Angve ở ngôi nhà chính trong trại, ít khi thấy mặt. Từ khi bà Uynxton bị giữ ở đây, không thấy hắn trở lại lần nào. Sự im lặng đó khiến bà lo sợ không biết bọn chúng định mưu toan gì. Trong sự ưu phiền đó, bà lại nghĩ và thương chồng, hiện giờ ông đau khổ lắm vì không thấy mẹ con bà. Có lẽ ông đoán rằng mẹ con bà bị nạn đắm tàu và có tìm kiếm chăng nữa thì cũng chỉ dò hỏi ở các đảo Thái Bình Dương hay miền bờ biển Mỹ châu, chứ làm sao tưởng tượng được con thuyền Hải Âu trội dạt đến bờ bắc châu Phi mà tìm?
Mặc dầu đang ở trong sào huyệt quân gian và cách bờ biển hai trăm dặm, bà cũng đã nghĩ đến cách trốn đi. Nhưng trước hết, bà muốn biết âm mưu của Nego ra sao?
Ngày sáu tháng sáu, nghĩa là ba ngày sau lễ an táng vua Môni Lungga, Nego vào trại và đến lều bà Uynxton. Lúc đó có một mình bà. Ông anh họ Binđác đi kiếm côn trùng, Giắc thì được chị Halima, người da đen, đưa đi chơi trong vườn. Nego đẩy cửa lều vào, nói luôn.
- Tôi cho bà biết: bọn già Tôm tôi bán cho người ta đem đi chợ Ugili rồi.
Bà Uynxton lau nước mắt đáp:
- Cầu trời phù hộ cho họ.
Nego nói tiếp:
- U già Năng đã chết ở dọc đường và Đíchsơn cũng đã chết rồi.
Bà Uynxton hoảng hốt kêu lên:
- U Năng chết? Và cả Đíchsơn?
Nego đáp:
- Phải, tên thuyền trưởng mười lăm tuổi của bà đã đền tội vì đã đâm chết Ali bạn tôi… bây giờ chỉ còn mình bà ở Cadôngđê, dưới quyền tên đầu bếp của của thuyền Hải Âu bà ạ.
Bà Uynxton nhìn thẳng Nego nói:
- Thì sao?
- Thưa bà, tôi có thể trả thù bà về những sự bạc đãi mà tôi phải chịu khi tôi còn ở thuyền Hải Âu. Nhưng cái chết của Đíchsơn đủ trả rồi. Bây giờ tôi trở về nghề cũ là làm lái buôn. Và đây là quyết định của tôi về số phận của bà! – Nego đáp.
Bà Uynxton bình tĩnh nhìn Nego và không nói gì. Nego nói tiếp:
- Bà và con bà, và cả tên ngu ngốc chuyên chạy sau những con ruồi đều có giá trị thương mại rất tốt cần phải khai thác. Vì thế, tôi muốn bán bà…
Bà Uynxton đáp giọng cương quyết.
- Tôi là người tự do!
- Nhưng dưới mắt tôi, bà là một người nô lệ!
- Ai lại mua một người đàn bà da trắng bao giờ?
- Có chứ! Có một người mua và tôi đòi bao nhiêu cũng được.
Bà Uynxton cúi mặt xuống không nói gì vì bà biết ở xứ ghê tởm này, bất cứ cái gì người ta cũng có thể làm được. Nego giục:
- Bà đã nghe rõ chưa?
Bà đáp:
- Ông định bán cho người nào?
- “Bán” hay “bán lại” cho người ấy?
- “Người ấy” là ai?
- Người ấy là chủ hãng Hải thuyền… Uynxton chồng bà!
Câu bất ngờ đó làm bà xúc động, thốt lên:
- Chồng tôi!
Phải! Chính chồng bà là người mà tôi định đem bán bà, con bà và cả Binđác nữa, không phải để giao trả mà để lấy một món tiền.
Mới nghe, bà ngỡ như Nego định giăng bẫy đánh lừa bà. Nhưng thấy hắn nói nghiêm chỉnh, bà nghĩ: “Với thằng khốn nạn này, tiền là trên hết” nên bà tin ngay.
- Thế bao giờ ông định làm việc đó?
- Càng sớm càng hay.
- Ở đâu?
- Ngay ở đây! Chắc ông Uynxton sẽ không ngại đến tận Cadôngđê để kiếm vợ con.
- Không. Chồng tôi sẽ không ngần ngại đâu. Nhưng ai là người báo tin cho chồng tôi biết?
- Chính tôi. Tôi sẽ đi tìm chồng bà. Tôi cần bán gấp và bán rất đắt. Một trăm ngàn đô la! Chắc ông Uynxton không tiếc tiền?
- Chồng tôi không tiếc đâu vì coi như của đem cho. Chắc ông sẽ báo tin cho chồng tôi biết là tôi bị bắt cóc ở Cadôngđê, giữa miền Trung Phi?
- Đúng thế!
- Nghe ông nói, biết đúng hay sai? Chồng tôi chẳng dại gì mà đem thân đến đây.
- Chồng bà sẽ đến nếu tôi đem theo một bức thư do chính bà viết, nêu lại tình hình của bà và nói rằng tôi là một người giúp việc trung thành, giúp mẹ con bà thoát khỏi tay bọn mọi dã man.
Bà Uynxton nói ngay:
- Không bao giờ tôi đặt bút viết thư đó.
Nego hỏi:
- Bà không chịu à?
- Phải, tôi không chịu.
Nghĩ đến nỗi gian truân, nguy hiểm mà chồng bà sẽ chịu trên đường đi Cadôngđê và nhất là sự lật lọng của Nego – hắn có thể bắt giữ chồng bà sau khi lấy tiền chuộc, nên phản ứng đầu tiên của bà là từ chối – bà chỉ nghĩ đến sự hy sinh của chính bản thân bà mà quên hẳn số phận của đứa con thân yêu.
Nego lại hỏi:
- Bà sẽ viết chứ?
Bà lại từ chối:
- Không!
Nego nói to:
- A! Coi chừng! Không phải một mình bà ở đây. Con bà cũng như bà đều ở trong tay tôi, tôi có thể…
Bà muốn trả lời rằng bà không thể viết được, nhưng tim bà dồn dập như muốn vỡ ra… Nego nói tiếp:
- Bà nên suy nghĩ kỹ đi. Đừng từ chối ý tốt của tôi. Trong tám ngày nữa, bà sẽ trao cho tôi lá thư gửi cho ông Uynxton, nếu không bà sẽ hối hận.
Nói xong, Nego bước ra, không tỏ vẻ tức giận gì.