Thuyền trưởng tuổi 15 - Phần 2 - Chương 04 - 05 - 06 - 07
Chương 4
MƯA NGẬP TỔ TRÚ
Lúc đó, độ mười một giờ, Đíchsơn thấy mệt và buồn ngủ. Nhưng chú cẩn thận nằm ngay cạnh cửa tổ mối để có thể biết ngay những bất trắc xảy ra từ bên ngoài mà kịp thời đối phó. Thế rồi Đíchsơn thiếp đi. Không biết giấc ngủ đó dài được bao lâu. Chợt nghe vai mình thấm lạnh, chú choàng dậy, thấy nước đang tràn vào cửa tổ. Nước ùa vào nhanh quá, chỉ trong vài giây đã lên tới tầng của Tôm và Ecquyn đang nằm. Đíchsơn đánh thức hai người dậy và cho biết nước đang tràn vào. Già Tôm thắp đèn soi. Mực nước lên cao tới một thước rưỡi rồi dừng. Bà Uynxton nằm ở tầng trên nghe thấy dọn dẹp lục đục liền hỏi Đíchsơn.
- Gì thế, con?
Đíchsơn đáp:
- Không có gì cả ạ. Nền tổ bị nước chảy vào một ít. Mưa to nên nước sông gần đây tràn qua bờ vào cánh đồng.
Ecquyn nói:
- Như vậy càng hay, vì ta biết rõ gần đây có sông con!
Đíchsơn nói:
- Phải đấy, sông sẽ đưa chúng ta ra bờ biển.
Đíchsơn bảo mấy người da đen xếp khí giới và thực phẩm lên điểm cao.
Già Tôm hỏi:
- Nước do cửa rò vào đây à?
Đíchsơn đáp:
- Phải. Vì thế không khí trong lò không có lối thay đổi nữa.
- Vậy ta mở một lỗ ở thành trên mực nước cho thoáng hơn?
- Có thể được… nhưng nếu trong lò mực nước là hai thước thì ở ngoài mực nước có thể cao hơn, khoảng hai thước rưỡi, ba thước, không biết chừng.
- Sao gì biết được?
- Tôi đoán rằng khi tràn vào lò, nước đã dồn ép không khí lên phía đỉnh lò một ít, bây giờ không khí đó chắn không cho nước lên cao hơn nữa. Nay nếu ta chọc thủng một lỗ, không khí bị nén trong này sẽ phì ra, như vậy nước trong lò sẽ lên cao bằng mực nước bên ngoài, hoặc nước lại dồn ép chỗ không khí còn lại cho đến mức mà không khí bên trong đủ sức cản lại. Chúng ta ở trong lò này chẳng khác gì những người thợ lặn ngồi trong “chuông lặn” của họ.
Bên ngoài mưa gió, sấm sét vẫn còn ì ầm không dứt. Già Tôm nhìn mực nước trong lò và nói:
- Hình như nước cứ lên dần dần.
- Phải. Mặc dù không khí trong này không thoát ra được, khối nước bên ngoài quá lớn có thể ép thêm không khí mà lấn dần lên. Bây giờ điều cần nhất là ta phải biết nước bên ngoài có bao phủ cả cái tổ mối này hay không. Ta có thể chọc một cái lỗ ở đỉnh lò là biết ngay. Nhưng việc làm đó rất nguy hiểm vì nếu nước đã trùm cả cái tổ mối này thì nó sẽ chảy vào đầy lò, chúng ta sẽ chết đuối hết. Dù sao, ta cũng có thể dò từng đoạn một…
Già Tôm nói:
- Chúng ta hãy làm luôn xem thế nào?
Lúc này tình hình thật nguy ngập: nước cứ từ từ lên, không lẽ chịu bó tay? Hơn nữa mọi người đã thấy mệt vì trong tổ quá nhiều thán khí. Đíchsơn liền dùng cái que sắt nhọn vẫn để lau nòng súng, khoan một lỗ nhỏ ở thành lò. Không khí xì ra ngoài, đồng thời mực nước bên trong lên tới lỗ khoan thì đứng. Như vậy lỗ khoan thấp quá, thấp hơn mức nước bên ngoài, Đíchsơn liền lấy đất sét vít luôn lỗ khoan lại. Khoảng trống trong lò lại bị giảm đi hơn hai mươi phân. Mọi người khó thở vì dưỡng khí bắt đầu thiếu. Ngọn đèn đỏ và kém sáng hẳn. Đíchsơn lại khoan lỗ thứ hai co hơn một chút, không khí trong lò lại phì ra như tiếng sáo, tức thì nước đùn lên hơn ba mươi phân nữa. Lỗ khoan thứ hai chưa gặp khoảng bên ngoài. Đíchsơn nói:
- Toàn bộ lò này ở cả dưới nước rồi chăng?
- Muốn biết rõ hãy khoan lỗ thứ ba ngay chỗ đỉnh lò.
Nhưng cả đoàn sẽ bị ngạt, sẽ chết hết nếu lần thí nghiệm cuối cùng này không đem lại kết quả mong muốn. Bao nhiêu không khí còn lại bên trong sẽ bị phụt hết lên lớp nước trên và lớp nước bên dưới sẽ chiếm đầy lò. Trong khi đó, đèn tắt vì thiếu dưỡng khí, trong lò tối đen như mực. Đíchsơn liền trèo lên vai Ecquyn đang đứng bấm vào một tầng lò và chỉ có cái đầu nhô lên khỏi mực nước.
Đíchsơn tìm chỗ đỉnh lò và đẩy mũi khoan vào đất sét. Lớp đất này dày hơn, rắn hơn thành lò nên khó làm hơn. Đíchsơn vừa khoan vừa lo vì từ cái cửa sổ cuối cùng này, một là không khí sẽ đem sự sống vào, hai là nước sẽ dâng lên với cái chết. Chợt Đíchsơn kêu to.
- Chú ý!
Tức thì một tiếng rít kéo dài phát từ đỉnh lò do không khí ép thoát ra, đồng thời một tia sáng lọt vào. Nước từ từ dâng lên hai mươi phân nữa thì ngừng hẳn. Thế là mực nước bên trong và bên ngoài bằng nhau. Chóp là còn cao hơn mặt nước. Đíchsơn và cả nhóm thoát chết. Đíchsơn liền bảo mấy người da đen lấy dao trổ nên nóc cửa để ra. Những mãng đất rớt xuống lõm bõm. Một lát sau, đã trông thấy nền trời xanh. Đíchsơn leo lên nóc lò trước tiên. Vừa thò đầu ra, Đíchsơn nghe những tiếng “vút”, “vút” lướt bên tai. Những tiếng này rất quen thuộc đối với những du khách qua châu Phi: đó là tiếng tên bay! Đíchsơn cũng thoáng nhìn thấy cách đó độ trăm thước có một trạm gác trên đồi và chung quanh lò, chỉ cách chừng mười thước, có những thuyền dài đầy người bản xứ. Chính những cánh tay đã xuất phát từ một trong những thuyền này.
Đíchsơn báo động ngay cho cả nhóm biết. Ecquyn, Antôn và Pát liền lấy súng theo Đíchsơn leo lên nóc lò và bắn một loạt vào chiếc thuyền đã phục kích đầu tiên. Nhiều người trong thuyền ngã gục. Nhưng một nhóm bốn, năm người dù dũng cảm đến đâu cũng không sao chống được với hàng trăm người có đủ vũ khí vây quanh mình.
Vì thế, tổ mối bị chiếm ngay. Mọi người trong đoàn đều bị bắt một cách tàn nhẫn, không kịp nói với nhau một lời hoặc bắt tay nhau lần cuối cùng. Chiếc thuyền thứ nhất đưa bà Uynxton, em Giắc và ông Binđác về thẳng trạm gác. Còn Đíchsơn, u già Năng, Ecquyn, Pát, Antôn, và già Tôm bị ném xuống chiếc thuyền thứ hai và đưa đến một chỗ khác ở chân đồi. Hai mươi người bản xứ điều khiển chiếc thuyền này. Lại có năm chiếc thuyền khác đầy người theo sau để áp giải.
Đến nước này kháng cự cũng vô ích. Tuy nhiên, Đíchsơn và mấy bạn da đen không chịu để họ chở đi và đánh trả mấy người bị trọng thương. Nếu không có lệnh cấm sát hại thì đoàn Đíchsơn đã bị bọn người bản xứ đánh cho nhừ tử rồi.
Một lát sau, thuyền tới chân đồi, chưa kịp áp mạn thì Ecquyn đã gạt mọi người và nhảy tót lên bờ chạy mất. Hai người bản xứ rượt theo, anh khổng lồ liền quay báng súng quật lại như trời giáng, hai người vỡ sọ chết lăn quay. Lát sau, Ecquyn mất hút sau đám cây rừng, giữa làn mưa đạn bắn theo. Trong khi đó, Đíchsơn và các bạn bị giải lên bờ và bị còng tay xích chân như những người nô lệ vậy.
Chương 5
TRẠI TẠM TRÚ TRÊN SÔNG QUANGĐA
Cái trạm gác mà Đíchsơn trông thấy khi mới ở tổ mối thò đầu ra đóng trên một quả đồi. Ở đỉnh đồi có một cây phong lớn, sống tới mấy ngàn năm, cành lá xòe ra một vùng rộng lớn và có thể làm chỗ trú ẩn rất tốt cho năm trăm người. Những ai chưa từng trông thấy giống cây khổng lồ của miền Trung Phi này có thể tưởng tượng được, phạm vi bao la của cành lá nó sum suê, rậm rạp như rừng, một người lạc vào không biết lối ra.
Chính ở dưới cây cổ thụ này, một đoàn nô lệ được đưa đến nghỉ, đây là một chỗ trú chắc chắn và kín đáo. Đoàn nô lệ này gồm toàn những dân bản xứ do bọn tay sai của trùm Angve bắt ở các làng về để bán ở chợ Cadôngđê.
Vì thế, ngay khi giải đến trạm nghỉ, Đíchsơn và các bạn đương nhiên bị coi là nô lệ. Đối với già Tôm cùng con trai là Pát, Ốttanh, Antôn và u già Năng, tuy không phải là người Phi nhưng vì da đen nên vẫn bị xếp vào nhóm nô lệ bản xứ.
Sau khi bị tước hết khí giới, cứ hai người bị đóng chung một gông vào cổ. Mỗi cái gông dài độ thước rưỡi, hai đầu uốn khoằm và có then ngang khóa lại, bị móc bằng thứ gông này, nạn nhân chỉ đi hàng một, nghĩa là người sau phải theo kẻ trước và không đi chệch sang bên phải hoặc bên trái được. Để chắc chắn hơn, người ta xích hai người vào nhau bằng một cái xiềng nặng bằng sắt ở ngang lưng. Đíchsơn không bị ghép với ai cả, vì là người da trắng nên có lẽ chú còn được nể.
Đíchsơn bị tước súng, tay chân được tự do, nhưng bên cạnh vẫn có một người quản thúc. Chú biết rằng không thể trốn thoát được và cũng không thể dò hỏi ai tin tức mọi người. Biết bao giờ lại trông thấy bà Uynxton? Không biết họ đưa đoàn nô lệ này đi đâu? Đến chợ nào? Tuy không hiểu ngôn ngữ của những tên chỉ huy nói với nhau bằng tiếng Trung Phi, nhưng Đíchsơn nhận thấy có một danh từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là danh tư “Cadôngđê”. Chắc hẳn đó là tên một điểm “chợ bán người”. Số phận Đíchsơn và những người bị bắt sẽ do vị lãnh chúa của vùng này hoặc những tên trùm buôn nô lệ xử trí.
Đíchsơn muốn cho các bạn da đen biết qua tình hình nhưng họ lại ở cả phía bên phải của trạm, cách chỗ Đíchsơn chừng năm mươi bước. Riêng già Tôm và con trai may sao lại được xích với nhau. Antôn và Ôttanh cũng vậy. Đíchsơn tìm cách đến chỗ già Tôm. Còn độ vài bước nữa thì tới. Tên tay sai trông thấy chạy đến lôi Đíchsơn lại một cách tàn nhẫn. Đíchsơn hăng máu giật lấy súng, hai bên giằng co gãy cả vũ khí. Nghe tiếng kêu cứu, sáu bảy tên lính chạy lại. Nếu không có tên chỉ huy can thiệp thì bọn lính đã đập chết Đíchsơn rồi. Tên chỉ huy này là người Ả Rập, thân hình cao lớn, vẻ mặt hung ác, chính là tên Ip Amít mà Ali đã có lần nhắc đến.
Sau đó, Đíchsơn bị đưa ra phía sau trạm. Còn bọn già Tôm thì bị chuyển sang mé bên trái trạm. Nhân việc này, Đíchsơn nhận thấy hai điều: một là đã có một mật lệnh cấm cho Đíchsơn trao đổi với các bạn da đen; hai là không được động chạm đến Đíchsơn. Vậy ai là người đã ra lệnh đó, nếu không phải là Ali hoặc Nego?
Lúc đó vào khoảng chín giờ sáng (ngày 19 tháng tư), chợt có tiếng tù và nổi lên, kế đến tiếng trống đánh dồn dập báo hiệu giờ nghỉ đã hết. Mọi người từ chỉ huy, cai, phu vác đồ và những người lô lệ chuẩn bị lên đường. Cả bọn cầm tù và hợp thành một toán, mỗi toán có một tên cai cầm một lá cờ và một chiếc còi dài. Đoàn nô lệ bắt đầu đi.
Chương 6
TỪ NHỮNG TRANG NHẬT KÝ CỦA ĐÍCHSƠN
Năm chục lính đi trước mở đường, đoàn tù nhân đi giữa, mỗi bên có một lính đi kèm. Sau cùng là những phu tải lương thực và năm chục lính đi làm hậu vệ. Một tù nhân dù không bị xiềng xích cũng khó lòng trốn thoát được. Mỗi ngày, đoàn khởi hành từ lúc rạng đông, đến trưa được nghỉ một giờ. Tù nhân vì mỏi mệt nên những lúc nghỉ trưa ngắn ngủi, nhất là trong những đêm mưa tầm tã, không sao ăn ngủ được. Vì thế sau khi rời Quangđa được tám ngày, có đến hai mươi người chết lả ở dọc đường và bị ác thú cắn xé.
Dưới đây là những trang nhật ký do Đíchsơn ghi chép cuộc hành trình từ Quangđa đến Cadôngđê.
Đường đi dài hai lăm dặm được chia làm hai lăm đoạn. Mỗi ngày phải đi một đoạn kể cả nghỉ trưa lẫn nghỉ đêm.
“Từ 25 đến 27 tháng tư, thấy một hàng cây lau sậy rất cao. Sáng hôm sau mọi người phải đi qua một con sông rộng chừng một trăm năm mươi mét, nước chảy xiết, cầu nổi làm bằng cây rừng buộc lại với những cọc gẫy nửa chừng. Cá sấu lượn chung quanh gầm cầu, miệng há lớn chờ đợi những kẻ sẩy chân.”
“Ngày 23 tháng tư – Mưa lớn. Đường ngập. Đi rất cực khổ.”
“Ba đêm, tiếng sư tử, tiếng báo gầm gừ. Một tiếng nổ do người bản xứ bắn báo hiệu. Không biết Ecquyn bây giờ ra sao?
“Ngày 29 và 30 tháng tư – Trời bắt đầu lạnh. Sương đẫm cỏ cây. Nước ngập đồng.”
“Không có tung tích gì của bà Uynxton và ông Binđác. Hai người có bị đưa đi Cădôngđê trước không? Có bị lặn lội như thế này không? Buồn quá! Em Giắc với khí hậu này thế nào cũng bị sốt lại, không biết em có còn sống không?
“Từ mồng một đến mồng sáu tháng năm: đoàn lội nước từ trạm nọ tới trạm kia. Nhiều khi nước đến thắt lưng. Hàng triệu con đỉa bám sát vào da. Vẫn phải bước đều.
“Đồng nước bao la, không tìm được chỗ nghỉ chân. Phải lội hoài trong đêm tối. Trời sáng, nhiều người thấy vắng mặt trong đoàn. Khổ ai biết chừng nào! Khi người ta đã ngã rồi, còn đứng dậy để làm gì?”
“Phải, đứng dậy để làm gì? Nhưng còn bà Uynxton và em Giắc, ta không có quyền bỏ rơi bà và con bà! Ta sẽ phấn đấu đến cùng. Đó là nghĩa vụ của ta.”
“Có tiếng kêu ghê hồn trong đêm khuya. Đàn cá sấu đến tấn công. Chừng mười hai đến mười tám con cá quỷ, nhân lúc đêm tối nhảy chồm ra ở sườn đoàn, đớp người ta đi.”
“Ngày 7 và 8 tháng năm – Sáng sớm hôm sau người ta kiểm lại: hai mươi người nô lệ đã mất tích. Lúc sáng rõ, tôi đưa mắt tìm già Tôm và các bạn da đen, phúc làm sao họ hãy còn sống! Hôm nay, đoàn tù thoát khỏi cánh đồng sâu mà họ đã phải dầm mình lội nước trong hai tư tiếng đồng hồ. Nghỉ lại trên một ngọn đồi. Người ta cho ăn. Nhưng chao ôi! Thức ăn! Một ít sắn và vài nắm ngô! Nước uống đục ngầu. Trong số những người nằm dài ra đất, có biết bao nhiêu người không trở dậy nữa!”
“Không! Nhất định bà Uynxton và con bà không phải chịu những đau khổ này. Thượng Đế tất run rủi cho bà đến Cadôngđê bằng một con đường khác. Nếu không, bà mẹ khốn khổ đó sẽ không sao đương nổi cảnh khốn cực này.”
“Ngày 9 tháng năm – Lại tiếp tục đi từ sáng sớm. tôi thấy u già Năng tiều tụy quá. Tôi cố rảo bước để lên chỗ u già. Toàn thân u run lên trong manh áo tả tơi. Tôi định đỡ u thì một bàn tay kéo tôi lại. Một ngọn roi quất vào vai u để đi cho thẳng hàng. Tôi muốn nhảy lên đánh tên cai hung ác… Chợt tên chỉ huy Ả rập hiện ra, giữ tôi lại, chờ cho đoàn người đi hết rồi đẩy tôi vào hàng cuối cùng và nói câu gì tôi không hiểu chỉ nghe thấy tiếng “Nego! Nego!”. Thì ra Nego đã dặn tên chỉ huy Ả Rập nhẹ tay với tôi hơn so với các bạn tôi. Hắn sẽ dành cho tôi một số phận như thế nào?
“Ngày 10 tháng năm – Chiều đến. Đêm xuống, cắm trại dưới một đám cây to. Ba bốn tù nhân bẻ khóa, bẻ xích trốn đi hôm trước đã bị bắt và bị đánh đập rất tàn nhẫn. Việc canh chừng của lính và cai lại gia tăng. Đêm đến, tiếng sư tử gầm, tiếng chó sói oang oang, chen lẫn tiếng phì phì của những con hà mã. Có lẽ gần đây có sông hoặc hồ lớn chăng?
“Người mỏi mệt quá vẫn không chợp mắt được, tôi nghĩ lan man nhiều điều. Chợt tôi nghe như có tiếng sột soạt trong bụi cỏ cao. Ác thú chăng? Chúng cả gan dám vào trại à? Tôi lắng nghe mà không thấy gì. Nhưng rõ ràng có tiếng sột soạt lướt trong bụi lau. Tôi không có súng, nhưng tôi quyết chống cự lại.”
“Trời không có trăng, tôi nhìn sâu vào trong bóng tối. Có hai con mắt lóe ra sau hàng cây chỉ thảo. Mắt chó sói hay mắt heo? Nó biến mất… Rồi lại hiện ra… Chợt có tiếng cỏ rào rào: một con vật nhảy vọt vào chỗ tôi. Tôi chực kêu lên. May sao tôi lại thôi. Tôi không tin mắt tôi nữa. Kìa, con Đinhgô! Nó đến được đây à? Nó đi bằng cách nào? Làm sao mà nó có thể tìm được tôi? Có lẽ đó là do bản năng. Bản năng có đủ để chứng minh lòng trung thành phi thường của nó không? Nó liếm tay tôi. Thực là quí hóa. Nó là bạn độc nhất của tôi trong lúc này! Thế là bọn chúng chưa thủ tiêu được nó à? Tôi vuốt ve nó, nó hiểu. Nó chực sủa lên… Tôi vội bịt lấy miệng nó, sợ lộ chuyện. Nhưng mà sao nó cứ cọ cổ nó vào tay tôi? Nó muốn bảo tôi “Tìm đi”? Tôi tìm và thấy một vật gì buộc vào cổ nó. Đó là một ống sậy cột chặt vào vòng cổ nó vẫn có hai mẫu tự S-V mà tôi chưa tìm ra lý do. Tôi liền gỡ ống sậy và bẻ ra, trong có một mẩu giấy. Nhưng mẩu giấy này, tôi không sao đọc được. Phải đợi đến sáng… Tôi muốn giữ Đinhgô, nhưng con vật có nghĩa kia vừa liếm tay tôi vừa muốn tháo lui. Tôi hiểu nhiệm vụ của nó đã hoàn thành. Thoắt một cái, nó biến mất trong đám cỏ rậm. Chắc hẳn nó lại trở về với người đã sai nó đem giấy cho tôi. Mảnh giấy đó tôi vẫn chưa đọc được. Nóng ruột quá! Ai đã viết giấy cho tôi? Bà Uynxton hay Ecquyn? Làm sao con Đinhgô lại gặp được một trong hai người ấy?
“Trời lâu sáng quá! Nhưng rồi cũng phải sáng. Trời sáng rõ ngay vì ngày ở miền xích đạo hình như không có bình minh. Tôi lừa lúc bọn nó không chú ý đến bèn mở giấy ra đọc. Đó là thư của Ecquyn, viết bằng bút chì:
“Bà Uynxton và Giắc đã được đưa đi bằng cáng. Ali và Nego đi cùng Binđác. Họ đi trước đoàn tù nhân ba bốn bộ đường. Tôi không bao cho bà Uynxton được. Tôi đã tìm được Đinhgô, nó bị thương nhưng đã khỏi. Cậu Đíchsơn ơi, vững lòng hy vọng! Tôi luôn luôn nghĩ đến cậu và mọi người. Tôi trốn đi mong giúp ích cho mọi người. ECQUYN”.
“A, bà Uynxton và em Giắc còn sống! Bà và bé Giắc không phải chịu gian khổ ở dọc đường như chúng tôi. Cái cáng ở đây tức là một thứ giường làm bằng cỏ khô treo vào một cái đòn, trên phủ vải, do hai người phu khiêng đi. Bà và Giắc được nằm trong đó không phải lội bùn. Ali và Nego định làm gì bà, Giắc và Binđác? Hay chúng đưa bà đi Cadôngđê? Được rồi! Thế nào ta cũng được gặp bà. Trong những cái khổ, tin này quả là một tin hay.
“Từ 11 đến 15 tháng năm – Đoàn người tiếp tục đi. Tù nhân ngày càng lê bước khó nhọc. Phần đông để lại những vết máu theo bước đi. Tính ra còn mười ngày nữa mới tới Cadôngđê. Từ đây đến đó sẽ còn bao nhiêu người thoát khỏi sự đau khổ? Nhưng tôi, tôi phải đến nơi, tôi sẽ đến.”
“Đoàn người đi bỏ lại những xác chết rải rác trên đường.”
“Từ 16 đến 24 tháng năm – Tôi đã kiệt lực lắm rồi. Nhưng tôi không có quyền chán nản, yếu mềm. Tuần mưa đã dứt. Người ta tổ chức những “độ đường cứng rắn”, nghĩa là không nghỉ trưa và phải đi rảo bước, mặc dầu đường lên dốc khá cao, xuyên qua những bụi cỏ “nát si” lá sắc quật rách mặt, hạt nhọn bắn vào người là nhức thịt da. May sao giày tôi còn tốt nên đỡ rách chân.
Hôm nay hơn hai mươi người ốm yếu không thể đi được nữa. Những tên cai lấy búa đập cho mỗi người một nhát. Tên chỉ huy Ả Rập trông thấy thế cũng không nói gì. Tội nghiệp cho u già Năng cũng bị chung số phận với hai mươi người kia. Tôi oán hận không sao đắp cho u già một nắm đất! Đó là người thứ nhất trong số những người sống sót của thuyền Hải Âu đã chết.”
“Đêm nào tôi cũng ngóng Đinhgô. Nó không trở lại nữa. Hay nó gặp nạn? Ecquyn bị rủi ro? Không! Không! Tôi không tin điều đó. Sở dĩ nó không trở lại đây có lẽ vì Ecquyn không có tin gì mới để báo cho tôi. Hơn nữa, chắc Ecquyn cũng phải thận trọng và coi chừng.
Chương 7
CHỢ CADÔNGĐÊ
Ngày 25 tháng năm, đoàn nô lệ đến Cadôngđê. Lúc đó mười hai giờ trưa. Tiếng trống, tiếng tù và lẫn tiếng súng vang động một góc trời. Đoàn tù đến nơi còn có hai trăm năm mươi người, phần nhiều trông hom hem, ốm yếu chỉ còn da bọc xương. Họ bị xua như xua một đàn cừu vào trại. Trại là những lều thấp bằng ván trông như những chuồng bò tồi tàn. Ở đây đã có chừng một nghìn rưỡi nô lệ khác bị giam đã lâu và sẽ được đem bán tại Cadôngđê.
Những “tù nhân mới” được tháo gông và chỉ bị đeo xích thôi. Pát ôm lấy cha mà khóc. Antôn và Ốttanh cũng như tất cả mọi người đều bắt tay nhau. Họ chỉ nhìn nhau và không dám nói năng gì. Vì phỗng họ có nói được thì lời thổ lộ không ngoài câu than vãn chua xót. Antôn, Ốttanh và Pát, cả ba đều có sức lực, quen làm việc nặng, có thể chống lại với mọi lao khổ ở dọc đường. Già Tôm đã lớn tuổi, lại thêm ăn uống kém nên yếu và gầy. Nếu hành trình kéo dài thêm dăm ngày nữa, già Tôm có thể bỏ xác bên đường, hoặc làm mồi cho ác thú như cái chết của u già Năng. Nhóm già Tôm khi đến nơi bị giam vào một lều riêng, ngoài khóa cẩn thận.
Đíchsơn được ở ngoài, nhưng vẫn bị một tên chó săn theo dõi. Yên trí là bà Uynxton, em Giắc và ông Binđác đã đến Cadôngđê từ mấy hôm trước rồi, nên việc đầu tiên của Đíchsơn là nhìn khắp mọi nơi quanh trại cả đến những đường phố trong thị trấn cùng với những ngõ hẻm khi được đi qua, xem có thấy tung tích bà Uynxton ở đâu không. Tuyệt nhiên không thấy gì cả. Chắc bà Uynxton không có ở đây!
Đíchsơn chán nản quá. Nếu em không giúp ích cho những người thân yêu, thì thực là vô vị. Đíchsơn không muốn sống nữa. Những cay đắng và thử thách lớn lao vừa qua đã đào luyện em thành người cứng rắn, phút nản chí đó chỉ thoáng qua mà thôi.
Tiếng kèn rước và tiếng hò reo nổi lên ở đầu phố. Đích sơn đang ngồi bệt trên bãi cỏ đứng phắt dậy xem trong đám đông này có bà Uynxton hay không. “Angve! Angve!”. Dân trong tình và lính kéo ùa đến và bảo nhau thế. Con người – chủ nhân của nhiều số phận đã đến. Rất có thể những hạ thủ của hắn – Nego và Ali – cũng có mặt. Đíchsơn đứng thẳng người, mắt mở to, vẻ cao ngạo. Hai tên kia sẽ được trông thấy chàng thủy thủ mười lăm tuổi đứng đàng hoàng, cương nghị, nhìn thẳng vào mặt chúng. Đời nào thuyền trưởng của Hải Âu lại run sợ trước tên đầu bếp cũ!
Một cái võng che bằng hai mảnh màn vá và bạc màu đã hiện ra ở đầu phố chính. Một tên da đen già ở trên võng bước xuống. Đó là Angve – tên trùm buôn người – cùng mấy người tùy tùng theo sau, xun xoe hầu hạ.
Ngay lúc đó người bạn của Angve là Koimbra cũng đến nơi. Tên này là một tên vô lại nhất vùng và là tay chân đắc lực của Angve. Đíchsơn nhìn mãi không thấy Ali và Nego đâu. Đíchsơn chán quá, định quay đi, chợt một tên cai chạy lại đẩy Đíchsơn đến trước mặt Angve.
Trong khi đó, tên chỉ huy Ả Rập là Amít đưa bọn già Tôm đến trình diện Angve và Koimbra.
Nhân lúc ba tên mải nói chuyện với nhau, Đíchsơn đưa mắt cho già Tôm và lẩm bẩm như nói một mình:
- Các bạn! Ecquyn cho Đinhgô đưa thư cho tôi. Ali và Nego đã đưa bà Uynxton, Giắc và ông Binđác đi rồi! Họ ở chỗ nào? Ở đây không thấy! Các bạn hãy nhẫn nại, can đảm đợi dịp.
Già Tôm hỏi:
- U Năng đâu?
- Chết rồi!
- Người thứ nhất!...
- Và cũng là người cuối cùng.
Chợt một bàn tay vỗ vào vai Đíchsơn và một tiếng nghe quen quen nói ở sau lưng:
- Ê, nếu tôi không lầm, đây là anh bạn trẻ của tôi! Rất hân hạnh gặp lại anh!
Đíchsơn quay lại. Đó là Ali.
Đíchsơn tiến sát mặt Ali và hỏi:
- Bà Uynxton đâu?
Ali giả bộ thương hại đáp:
- Tội nghiệp bà ta! Gian truân thế, làm sao sống được đến bây giờ!
Đíchsơn nghẹn ngào đáp:
- Chết rồi à? Còn con bà?
Vẫn một giọng giả nhân giả nghĩa, Ali đáp:
- Thương cho đứa bé! Chịu sao nổi những cực khổ ở dọc đường!
Căm thù bốc trong người. Không sợ gì hết, Đíchsơn xông lại, giật con dao đeo ngang lưng Ali đâm luôn một phát trúng trái tim thằng phản phúc.
Ali chỉ kịp kêu:
- Đồ khốn khiếp!
Rồi ngã gục xuống.