Giang hồ tứ quái - Hồi 57 phần 1
Hồi 57: Người Thiếu Phụ Ăn Xin
Chưa đến hoàng
hôn nhưng cũng sắp hoàng hôn.
Bóng mặt trời tuy đã sụp xuống rồi, nhưng mặt
đất hãy còn hơi hơi nóng, những viên đá nhỏ bên đường bốc tới nghe hãy hừng
hừng.
Đó là khí trời ngày hạ.
Phía trước, dưới một bóng mát của tàng cây lớn,
một người thiếu phụ tiều tụy, rách rưới, tay dắt đứa con nhỏ, lưng đai đứa nhỏ
hơn đang cúi đầu cóm róm xin ăn với khách qua đường…
Quách Đại Lộ đi ngay lại, hắn móc một số bạc vụn
nhỏ bỏ vào cái rổ con của người thiếu phụ.
Đó là hành động tự nhiên của hắn, bất cứ nơi
nào, bất cứ hắn đi với ai hay một mình cũng thế, cứ gặp hành khất là hắn không
khi nào đắn đo, dầu hắn chỉ còn ít bạc lẻ để chi dụng, hắn cũng không ngần ngại
cho luôn.
Có nhiều người cũng khá rộng rãi, nhưng khi cho
hành khất thì họ vẫn xem người, vì theo họ, phải cho những người đáng cho, chứ
không để lầm những người giả đò để làm giàu bằng cách xin ăn.
Quách Đại Lộ không bài bác lý lẽ đó.
Nhưng riêng hắn, hắn nghĩ khác.
Bất cứ người nào, cho dù mạnh khỏe nhưng vì
lười, hoặc vì muốn sống lừa thiên hạ, hoặc hắn biết rõ người đó đang giàu nhờ
vào nghề “ăn xin”, hắn vẫn không hề suy tính.
Theo hắn, bất cứ người nào, khi ngửa tay xin
người khác, hành động đó, đối với số tiền bố thí cũng đã xứng đáng lắm rồi.
Có người xin là hắn cứ cho, ai hiểu sao cũng
mặc.
Hắn không để bị lừa trân tráo, nhưng khi lỡ bị
lừa, hắn cũng chẳng than phiền, huống hồ gì người ta ngửa tay xin là hắn cứ
cho.
Yến Thất đứng nhìn chồng, mắt nàng thật dịu
dàng, đồng tình và ngưỡng mộ.
Nàng chợt thấy hãnh diện có người chồng như thế.
Nàng không thích lối bố thí có tính cách quảng
cáo cho mình.
Cò nhiều người gặp hành khách rên rỉ van xin, họ
đã chẳng những không cho mà nhiều lúc còn nạt nộ bằng đủ mọi danh từ khắc bạc.
Nhưng, cũng những con người ấy, mỗi khi có những
cuộc lạc quyên linh đình, họ không cần biết số tiền lạc quyên ấy có tới tay nạn
nhân hay không, họ vẫn vung tay cho không tiếc, tới tay nạn nhân hay không, họ
đâu có cần, vì họ bố thí cốt để mua danh chứ đâu phải vì người bị nạn.
Những kẻ đứng ra làm cuộc lạc quyên mệnh danh là
từ thiện cũng không phải hoàn toàn vụ lợi, nhưng “năm con bảy cháu”, số lạc
quyên đến tay nạn nhân nhiều lắm cũng chỉ được một phần mười, còn lại bao nhiêu
thì là… chia chác.
Yến Thất không phản đối những cuộc lạc quyên có
tính cách rộng lớn, gặp khi có tiền, nàng cũng sẵn lòng phụ vào đó một tay,
nhưng nàng xem đó là thứ yếu, nàng trọng nhất là cho người trực tiếp.
Nàng biết chuyện lớn lao kia cũng là chuyện cần,
nhưng nàng cũng biết cái tính chất lừa đảo không tránh khỏi của nó.
Không phải bây giờ, không phải “mèo khen mèo dài
đuôi”, từ trước cũng thế, nàng rất bằng lòng hành động của Quách Đại Lộ.
Người thiếu phụ lí nhí mấy lời cảm tạ, nhưng khi
sửa soạn cho số bạc vào túi, người đàn bà vô ý ngẩng mặt lên và vụt khựng lại
trợn trừng khi thấy Quách Đại Lộ.
Gương mặt xanh xao của thiếu phụ chợt như co rút
lại.
Đôi mắt thất thần mệt mỏi của người thiếu phụ
như muốn lồi hẳn ra ngoài, y như bị người thọc một mũi dao vào tận trái tim.
Mỗi khi cho tiền hành khất, Quách Đại Lộ luôn
luôn gởi theo một nụ cười an ủi, đồng tình, nhưng lần này, nụ cười chưa nở trọn
là đã tắt ngay.
Hắn nhìn trân trối người thiếu phụ và buột miệng
kêu lên:
- Cô… sao nàng lại đến thế này?…
Người thiếu phụ dùng hai tay che mặt, giọng nói
lạc hẳn:
- Đi đi, anh đi đi, tôi không có quen.
Giọng của Quách Đại Lộ như đầy chua xót:
- Nhưng tại làm sao cô lại đến nỗi này?
Người thiếu phụ vẫn cứ khoát tay:
- Chuyện của tôi không quan hệ đến anh.
Hình như nàng cố kềm giữ, nhưng toàn thân cứ lẩy
bẩy như ngọn đèn trước gió…
Quách Đại Lộ nhìn hai đứa bé mũi giải lòng
thòng, hắn hỏi thật dịu:
- Hai đứa bé này là con của cô với hắn đây phải
không? Hắn đâu?
Người thiếu phụ bưng mặt khóc:
- Hắn lừa tôi, hắn lấy hết tư trang và tiền bạc
của tôi rồi hắn bỏ đi… hắn để lại cho tôi hai cục nợ này…
Càng nói, hình như càng động mối thương tâm,
người thiếu phụ gào lên:
- Trời ơi là trời…. Tại làm sao tôi phải khổ như
thế này… tại làm sao…
Khọng ai có thể thay nàng giải đáp, chỉ có mỗi
mình nàng hiểu rõ và tự giải đáp lấy thôi.
Phải chăng cái bi thảm mà nàng đang chịu là do
chính nàng mang lại?
Quách Đại Lộ thở dài, hắn cũng không biết phải
nói làm sao.
Yến Thất chậm chậm nhẹ bước lại gần nắm chặt lấy
tay chồng, nàng muốn cho chồng biết rằng bất luận trong trường hợp nào, nàng
cũng vẫn đứng bên chàng, tuyệt đối tín nhiệm chàng mà không hề có ý nghĩ nào
sai quấy.
Không gì cảm kích bằng một người vợ hoàn toàn
hiểu rõ lòng mình, hoàn toàn tín nhiệm nơi mình…
Có đôi khi, trong một trường hợp không thể biện
phân, tự người chồng đã làm cho mình mất đi phần tín nhiệm, nhưng đó là lỗi ở
người chồng, đối với người vợ, muốn bảo toàn hạnh phúc là đừng bao giờ cho
chồng biết là mình không còn tín nhiệm, vì thái độ đó càng làm cho người đàn
ông lún xuống nhiều hơn.
Nhất là sự cảm thông, không ai hiểu vợ hơn chồng
và ngược lại, nếu mất đi phần đó hay cố tình không chịu hiểu, khoảng cách tình
cảm vợ chồng ngày một xa thêm…
Yến Thất quả là một người đàn bà biết nắm hạnh
phúc trong tay, dầu nàng biết không ai có thể giữ cho toàn vẹn.
Chính cái đó đã làm cho người đàn ông cảm kích.
Quách Đại Lộ nhìn Yến Thất và do dự hỏi:
- Em biết nàng là ai rồi chứ?
Yến Thất gật gật đầu.
Người đàn bà đối với người yêu của mình, cảm
giác của họ luôn luôn bén nhạy vô cùng, người ta gọi đó là giác quan thứ sáu.
Nàng đã phảng phất thấy rằng người đàn bà khốn
khổ kia với chồng mình có mối quan hệ không phải tầm thường.
Và khi nghe hai bên nói với nhau chỉ ngăn ngắn
mấy câu, nàng biết ngay đó là người trước kia đã phụ rẫy chồng mình, người đã
lừa gạt chồng mình và cuối cùng dứt bỏ.
Quách Đại Lộ lại nhìn Yến Thất và thở ra:
- Thật anh không ngờ lại gặp nàng tại nơi đây,
mà gặp trong sự thế này…
Hắn không đả động đến chuyện ăn xin, chuyện thảm
hại của người thiếu phụ, nhưng lời lẽ của hắn chứng tỏ lòng hắn vô cùng bất
nhẫn.
Yến Thất dịu dàng:
- Nàng đã là bạn của anh, anh cần phải hết sức
giúp đỡ cho phải lẽ.
Người thiếu phụ vùng ngừng khóc, nàng ngẩng mặt
lên nhìn Yến Thất và hỏi Quách Đại Lộ :
- Người này là ai?
Yến Thất dịu dàng rước nói:
- Tôi là vợ anh ấy.
Người thiếu phụ trừng mắt nhìn Quách Đại Lộ, sắc
mặt nàng biến đổi lạ thường và nàng vụt rít lên:
- Anh đã có vợ rồi?
Quách Đại Lộ điềm đạm gật đầu:
- Phải, tôi đã thành hôn.
Người thiếu phụ nhìn Yến Thất bằng đôi mắt đỏ
ngầu, tia mắt tật đố, ganh ghét pha lẫn so bì oán hận và nàng vụt chụp lấy chéo
áo của Quách Đại Lộ la lên:
- Đáng lý anh phải cưới tôi, tại sao anh lại đi
cưới người khác? Tại sao? Hả?
Quách Đại Lộ đứng lặng thinh, da mặt hắn trắng
nhợt, trong tình trạng này, hắn thật không biết làm sao ứng phó…
Yến Thất âm thầm siết tay chồng thật chặt hơn và
nàng nói với người thiếu phụ :
- Tại vì chị lìa bỏ anh ấy, chứ không phải anh
ấy lìa bỏ chị, chuyện ngày xưa đáng lý chị phải nhớ rõ hơn.
Người thiếu phụ vụt cười ré, giọng cười nghe oán
độc dị thường:
- Nhưng hắn lừa tôi… lừa con đàn bà khốn khổ
này… Cô bác bà con hãy xem, hãy phê phán dùm coi…
Những người khách qua đường, những kẻ không biết
đầu đuôi, những kẻ nông nổi đều xi xô liền miệng, họ cho rằng Quách Đại Lộ đã
phụ rẫy người đàn bà đau khổ ấy.
Da mặt trắng nhợt của Quách Đại Lộ vụt đỏ rần,
mồ hôi trên trán bắt đầu tươm chảy.
Thế nhưng Yến Thất thì vẫn thản nhiên, giọng
nàng vẫn êm dịu:
- Anh ấy không hề lừa chị, từ trước cũng không
hề lừa chị lần nào, chỉ có điều đáng tiếc là bây giờ chị không phải là người
trước kia nữa, chuyện đó tự nhiên chị cũng hiểu rõ hơn ai hết.
Người thiếu phụ nhảy dựng lên:
- Tôi không hiểu gì hết… không hiểu cái gì hết…
tôi không muốn sống… tôi chết… nhưng tôi cũng sẽ làm cho tên đàn ông không có
lương tâm này cùng chết với tôi… hu hu…
Gặp hạng đàn bà ăn ngang nói ngược này thì bất
cứ ai cũng đành phảichịu thua…
Họ chỉ ong óng cái miệng của họ để lấp liếm lỗi
lầm và lấn lướt người khác, họ không cần phải quấy, họ lý sự theo cái ngang
ngược của họ, họ không thèm nghe lời phải của bất cứ một ai.
Quách Đại Lộ cũng chưa từng đối phó với đàn bà,
nhất là hạng đàn bà như thế, hắn đứng chết trân, tức vì đất không nẻ ra để cho
hắn “độn thổ” cái cho rồi.
Yến Thất trầm ngâm và nàng chợt lấy sợi dây
chuyền trên cổ xuống chìa trước mặt người đàn bà:
- Chị có biết vật này chăng?
Người thiếu phụ hơi lựng khựng và vụt lớn tiếng:
- Sao không biết? Của tôi đó.
Yến Thất gật đầu:
- Vì thế nên bây giờ tôi trả lại cho chị, nhưng
tôi cũng cho chị biết rằng vì để bảo vệ sợi dây chuyền này, anh ấy đã chịu đói
chịu khát, chịu cho bằng hữu xỉ vả chê cười, chuyện đó, anh ấy vì lẽ gì, chắc
chị cũng rõ hơn ai hết.
Người thiếu phụ nhìn sợi dây chuyền, tia mắt oán
độc lần lần chuyển màu hổ thẹn…
Yến Thất nói tiếp:
- Chị dùng sợi dây chuyền này để làm chút vốn,
cố gắng nuôi dưỡng hai đứa bé…
sau này chị nhất định sẽ gặp được một người đàn
ông tốt, chỉ cần là chị đừng lừa dối bất cứ một ai thì người khác sẽ không bao
giờ lừa dối chị.
Người thiếu phụ toàn thân run rẩy, nàng quay lại
nhìn hai đứa bé…
Hai đứa bé sợ xanh mặt từ nãy giờ, chúng há
miệng muốn khóc, thế nhưng sợ quá khóc cũng không ra tiếng.
Yến Thất lại càng dịu giọng hơn nữa:
- Chị đừng quên là chị đã là mẹ. Chị cần phải
nghĩ đến con của chị. Sau này rồi chúng cũng sẽ lớn lên, hãy làm cho chúng có
được một niềm hãnh diện bởi người mẹ của chúng.
Người đàn bà lại run lên, nàng phục xuống đất
khóc rống:
- Trời ơi là trời… tại làm sao ông lại để cho
tôi gặp hắn, tại làm sao? Tại làm sao tôi lại khổ đến mức này…
Cũng không ai trả lời được câu hỏi đó.
Gieo thứ gì thì thu hoạch thứ đó, trồng đậu được
đậu, trồng hoa được hoa còn…
gieo gió tự nhiên là gặt bão!
* * * * *
Hoàng hôn.
Bóng tịch dương từ sáng lạn chuyển sang đạm bạc,
u trầm.
Quách Đại Lộ chầm chậm bước đi, sắc diện cũng
như tâm tình của hắn thật là trầm trọng.
Yến Thất lặng thinh đi bên hắn, nàng không nói
gì mà cũng không khuấy động.
Nàng biết bất cứ ai, có lúc rất cần yên tịnh.
Nhất là đối với chồng, người vợ cần hiểu rõ từng
hoàn cảnh, hoặc để trợ giúp, để an ủi hoặc để… lặng thinh.
Lặng thinh là một thái độ, hay đúng hơn là một
hành động cần thiết trong một hoàn cảnh cần thiết.
Người đàn bà phải nên biết giá trị của “lặng
thinh”.
Đối với chồng, nhiều khi lặng thinh còn hơn muôn
ngàn lời nói.
Qua một lúc thật lâu, Quách Đại Lộ nói bằng một
giọng trầm trầm:
- Em đã chuộc sợi dây chuyền ra bao giờ thế? Sao
em không cho anh biết?
Yến Thất cười:
- Không cho anh biết là vì em đâu có… chuộc hồi
nào?
Quách Đại Lộ nhướng mắt:
- Không có chuộc?
Yến Thất nói:
- Sợi dây chuyền em đưa cho chị ấy vừa rồi không
phải là sợi dây mà anh đã đưa cho em cầm.
Quách Đại Lộ càng ngạc nhiên hơn nữa:
- Không phải?
Yến Thất cười:
- Đó là vật mà mấy chị em của chị Mai Lan tặng
em trong ngày cưới đó.
Quách Đại Lộ hỏi:
- Thế sao em lại đưa ra? Tại sao em lại làm thế?
Yến Thất nói:
- Bởi vì là đàn bà, em hiểu đàn bà hơn anh
nhiều!
Quách Đại Lộ hỏi:
- Có phải em nghĩ rằng khi thấy vật cũ, nàng sẽ
nhớ thái độ tốt của anh đối với nàng trước kia và vì thế nàng mới chịu buông
tha anh?
Yến Thất cười:
- Dây chuyền vàng vốn tương tự như nhau, chính
anh cũng không nhận rõ, nàng làm sao nhận được?
Nàng ngưng lại mà cười với Quách Đại Lộ thật dịu
dàng.
Bởi vì nàng biết sợi dây chuyền vàng là vật
tượng trưng cho chuyện xưa.
Bây giờ, chính “đương sự” đã không nhận ra rõ
vật ngày xưa thì chuyện ngày xưa hiển nhiên đã phai lạt lắm rồi.
Kể ra cũng không thể trách gì Yến Thất, đàn bà
ai cũng như nhau, không ai muốn chồng mình nhớ lại… chuyện ngày xưa.
Quách Đại Lộ vẫn băn khoăn:
- Thế nhưng khi gặp lại anh, đáng lý nàng nhớ
lại chuyện ngày xưa…
Yến Thất lắc đầu:
- Nàng đối đãi với anh như thế cũng không phải
vì nhớ hay không nhớ chuyện ngày xưa, mà là nàng tật đố, nàng ganh tỵ.
Quách Đại Lộ cau mặt:
- Tật đố?
Yến Thất gật đầu:
- Lòng người lạ lắm, nhất là lòng dạ đàn bà, có
khi người ta muốn giành lại một cái gì, không chắc người ta vì ưa thích cái đó
mà vì ganh: muốn giành lại người yêu cũ hay tỏ ra muốn giành lại cũng thế,
nhiều khi không phải vì còn yêu thương mà là ganh ghét, “không lấy cũng khuấy
cho hôi”, chắc anh có nghe câu đó chứ?
Nàng thở dài và nói tiếp:
- Anh không làm sao tưởng tượng được đâu, đàn bà
lạ lắm, có nhiều khi người ta hối tiếc một việc đã qua, nhưng hối tiếc mà không
hối hận, nếu hối hận thì người ta tự trách, đàng này thì không thế, người ta
chỉ hối tiếc rồi đem tất cả sự đổ vỡ ban đầu đổ trút tội lỗi lên đầu kẻ khác,
chứ không chịu thấy lỗi của mình. Nếu có bị vạch ra quá rõ, thì họ lại cũng bảo
rằng tại thế này, tại người nọ, họ không khi nào chịu nói tại chính mình –
Chính vì thế, vì cái hối tiếc chứ không tự trách ấy đã làm cho họ từ lỗi lầm
này sang lỗi lầm khác chứ không khi nào tự giải tỏa được nỗi khổ cho mình.