Anh em nhà Karamazov - Phần 6 - Chương 2 - P1

Chương 2: Truyện trưởng lão Zoxima tạ thế trong Chúa (thuật theo lời Alecxei Fedorovich Karamazov)

a. Người anh trẻ tuổi của trưởng lão Zoxima

Thưa các cha và các thầy yêu quý, tôi sinh ra ở một tỉnh miền bắc xa xôi, thị trấn N, bố là quý tộc, nhưng không phải là người quyền quý, mà chỉ là viên chức thường. Bố tôi mất khi tôi mới chỉ hai tuổi, tôi không nhớ gì về Người. Người để lại cho mẹ tôi một căn nhà gỗ nhỏ và một số vốn không lớn, nhưng đủ cho mấy mẹ con sống không túng thiếu. Chúng tôi có hai anh em: tôi Zinovi và anh tôi, Marken. Anh hơn tôi tám tuổi, nóng tính và hay cáu kỉnh, nhưng tốt bụng, không ưa cợt đùa, ít nói lạ lùng, đặc biệt là ở nhà, với tôi, mẹ và gia nhân. Ở trong, tôi học khá nhưng không hòa hợp với các bạn, này không cãi cọ với ai, ít ra theo mẹ tôi nhớ thì như vậy. Nửa năm trước khi anh tôi mất, khi ấy anh đã mười bảy tuổi, anh thường lui tới với một người sống tách biệt ở thị trấn chúng tôi, hình như là một người tù chính trị bị lưu đày từ Moskva đến thị trấn chúng tôi vi có tư cưỡng tự do. Người bị lưu đầy ấy nguyên là một triết gia uyên bác và nổi tiếng ở trường đại học tổng hợp. Không hiểu vì sao ông yêu Marken và tiếp anh. Anh thường ở nhà ông ta suốt buổi tối cứ như thế cả mùa đông cho đến khi người đi đày được gọi về giữ một chức vụ nhà nước ở Peterburg, theo sự thỉnh cầu của chính ông, vì ông có những người che chở. Bắt đầu tuần chay lớn, Marken không ăn chay, nhiếc móc và nhạo báng việc ăn chay: “Toàn chuyện nhảm nhí, chẳng có Chúa Trời nào hết,” - anh làm cho cả mẹ và gia nhân đều kinh hãi, cả tôi cũng hãi vì tôi tuy mới lên chín, nhưng nghe những lời như thế tôi khiếp sợ lắm. Gia nhân nhà tôi toàn là nông nô, bốn người, mua của một địa chủ quen biết. Tôi còn nhớ, trong bốn người ấy mẹ tôi đã bán chị bếp Afimia thọt, đứng tuổi với giá sáu mươi rúp tiền giấy, và thay vào đó bà thuê một đầy tớ gái là người tự do. Sang tuần chay thứ sáu, anh tôi bỗng đau yếu hơn, anh vốn hay ốm, yếu phổi, tạng người yếu ớt, dễ lao phổi; tầm vóc nhỏ, thanh mảnh, còm cõi, nhưng khuôn mặt thì rất cao quý. Đâu như anh bị cảm lạnh, bác sĩ đến và nói nhỏ với mẹ tôi rằng đây là lao phổi cấp và không qua được mùa xuân đâu. Mẹ tôi khóc, lựa lời để không làm anh hoảng sợ, bảo anh đi lễ và chịu phép ban các bí tích, bởi vì lúc ấy anh vẫn còn đi lại được. Nghe xong anh nổi giận, chửi rủa nhà thờ nhưng rồi anh nghĩ lại: anh đoán ra ngay là anh mắc bệnh hiểm nghèo, vì thế mẹ bảo anh đi lễ nhà thờ và chịu phép ban thánh thể trong lúc anh còn đủ sức đi. Tuy nhiên anh cũng biết mình ốm từ lâu, từ trước đó một năm, có lần ngồi ở bàn, anh đã nói với mẹ và tôi bằng giọng điềm nhiên. “Số con không sống được với mẹ và em, có lẽ con không sống nổi một năm nữa đâu,” dường như anh đã nói lời tiên tri. Ba ngày sau bắt đầu tuần lễ thánh. Từ sáng thứ ba anh đi lễ nhà thờ. “Mẹ ơi, chỉ vì mẹ mà con làm như thế, chỉ cốt cho mẹ vui và yên lòng,” - anh nói với mẹ. Mẹ tôi khóc vì vui sướng và đau xót: “Chắc ngày tận số của nó sắp đến rồi thì nó mới thay đổi đột ngột như thế chứ.” Nhưng anh đi nhà thờ chẳng được bao lâu, anh ốm liệt giường, vì vậy anh xưng tội và chịu phép ban bí tích ở nhà. Bắt đầu những ngày tươi sáng, ngát hương thơm, cuối kì, lễ Phục sinh. Tôi nhớ, suốt đêm anh ho, kém ngủ, vậy mà sáng ra bao giờ anh cũng mặc chỉnh tề và thử ra ngồi ghế bành mềm. Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh như thế: anh ngồi đấy, bình lặng, hiền hòa, mỉm cười, anh đang ốm mà vẻ mặt vui tươi, sung sướng.

Anh đổi khác hẳn trong tâm hồn, ở anh đột nhiên có sự thay đổi kì diệu như thế đó! Bà vú già vào phòng anh, “Cậu ơi, cậu cho phép tôi thắp đèn thờ trước ảnh thánh trong phòng cậu nhé.” Trước kia anh không cho thắp, thổi tắt ngay. “Cứ thắp lên, vú thân yêu cứ thắp lên, tôi là con quái vật, vì trước ba tôi đã cấm thắp đèn thờ. Vú cứ thắp lên mà cầu nguyện Chúa, còn tôi sẽ vui sướng cầu nguyện cho vú. Như vậy chúng ta cùng cầu nguyện một Chúa Trời.” Chúng tôi lạ lùng về những lời đó, mẹ tôi lui về phòng riêng, và cứ khóc hoài, chỉ khi trở lại chỗ anh, mẹ tôi mới lau khô nước mắt và làm bộ vui vẻ. “Mẹ ơi, đừng khóc, mẹ thân yêu,” - đôi khi anh nói, - “con còn sống lâu, còn vui vầy nhiều với mẹ và em, còn cuộc sống, cuộc sống vui vẻ, sung sướng biết bao!” “Ôi chao, con yêu dấu, con vui làm sao được, ban đêm con sốt nóng hầm hập và ho tưởng rách lồng ngực.” “Mẹ ơi,” - anh trả lời, - “mẹ đừng khóc, cuộc sống là thiên đàng, và tất cả chúng ta đang ở thiên đàng, vậy mà chúng ta không muốn biết điều đó, chứ nếu ta muốn biết thì ngày mai cả thế gian này sẽ thành thiên đàng.” Mọi người đều ngạc nhiên về lời anh nói, anh nói điều đó một cách hết sức kì lạ và kiên quyết, ai nấy đều cảm động và khóc. Người quen đến thăm chúng tôi, “Các bạn thân mến ơi,” - anh nói, - “tôi có gì đáng được các bạn yêu mến, vì lẽ gì các bạn yêu tôi khi tôi như thế này, làm sao trước kia tôi lại không biết, không quý trọng điều đó nhỉ?” Gia nhân vào, anh nói: “Các bạn yêu quý ơi, vì sao các bạn hầu hạ tôi, tôi có đáng được các bạn hầu hạ không? Nếu Chúa Trời gia ơn cho tôi còn được sống thì tôi sẽ hầu hạ các bạn, vì mọi người phải hầu hạ nhau.” Nghe anh nói, mẹ lắc đầu: “Con yêu quý của mẹ, con ốm đau nên mới nói như vậy.” “Mẹ ơi, mẹ là niềm vui sướng của con,” - anh nói, - “không thể không có chủ và tớ, nhưng nếu vậy thì con sẽ hầu hạ đầy tớ của con như họ vẫn hầu hạ con. Mẹ ạ, con còn xin nói thêm với mẹ rằng mỗi người chúng ta đều có lỗi với tất cả mọi người khác về tất cả mọi việc, còn con thì có lỗi hơn cả.” Mẹ tôi mỉm cười, khóc và mỉm cười: “Làm sao con lại có lỗi hơn ai hết trước tất cả mọi người? Có những kẻ giết người, cướp bóc, con đã kịp phạm tội gì như thế đâu mà từ quy tội cho mình hơn ai hết?” “Mẹ ơi, mẹ ruột thịt của con,” - anh nói (dạo này anh bắt đầu thốt ra những lời cao nhã, bất ngờ như thế), - “mẹ ruột thịt thân thương, vui vẻ của con, mẹ nên biết rằng mỗi người thực sự có lỗi với tất cả mọi người khác về mọi sự. Con không biết giải thích điều đó với mẹ như thế nào, nhưng con đau lòng cảm thấy như thế. Làm sao có thể sống mà cứ cáu giận, không hề biết gì cả?” Mỗi ngày cứ ngủ dậy anh càng cảm động hơn, vui sướng hơn, lòng tràn ngập tình yêu xao xuyến. Đôi khi bác sĩ đến - ông già Ayzenxmit người Đức: “Thế nào, thưa bác sĩ, tôi còn sống được một ngày nữa trên đời không ạ?” - Anh bông đùa với ông ta. “Không phải một ngày, mà anh sẽ sống thêm nhiều ngày nữa,” - bác sĩ đáp, - “nhiều tháng và nhiều năm nữa.” “Cần gì phải hàng năm, hàng tháng!” - anh kêu lên, - “mà cần gì phải hàng ngày, chỉ cần một ngày là đủ để con người biết được tất cả hạnh phúc. Hỡi những người yêu mến của tôi, cớ gì chúng ta cãi cọ nhau, khoe khoang nước mặt nhau, oán hận nhau: chúng ta cứ đi thẳng vào vườn, dạo chơi và nô đùa với nhau, yêu mến và khen ngợi lẫn nhau, hôn nhau và cảm tạ cuộc sống của chúng ta.” “Cậu con trai bà không sống được bao lâu nữa đâu.” - Bác sĩ nói với mẹ tôi, khi bà tiễn ông ra đến bậc tam cấp. - “Bệnh tật làm cho cậu ấy lẫn trí.” Cửa sổ buồng anh trông ra vườn, vườn nhà chúng tôi rợp bóng mát, có những cây cổ thụ, cây cối đã nảy lộc xuân, chim chóc đầu mùa kéo đến, líu lo ríu rít bên cửa sổ buồng anh. Anh ngắm nhìn chim và bỗng xin chúng thứ lỗi cho anh: “Hỡi các chú chim trời sướng vui, xin thứ lỗi cho tôi, vì tôi có lỗi với các chú.” Hồi ấy không ai trong chúng tôi hiểu nổi anh, còn anh khóc vì vui sướng. “Phải rồi,” - anh nói, - “xung quanh tôi bao nhiêu là vinh hiển của Chúa Trời: chim chóc, cây cối, đồng cỏ, bầu trời, chỉ riêng tôi sống trong ô nhục, chỉ riêng tôi làm ô danh vạn vật, hoàn toàn không biết đến cái đẹp và sự vinh hiển.” “Con tự nhận lấy nhiều tội lỗi quá đấy,” - đôi khi mẹ tôi khóc. “Mẹ ơi, mẹ là niềm vui sướng của con, con khóc vì vui mừng, chứ không phải vì đau xót đâu. Chính con muốn mình có tội với vạn vật, có điều con không giải thích với mẹ được; bởi vì con không biết phải yêu vạn vật như thế nào. Thì cứ cho là con có tội với vạn vật, và vạn vật tha thứ cho con, thế thì đấy là thiên đàng rồi. Chẳng phải là hiện giờ con đang ở thiên đàng sao?” Còn nhiều chuyện nữa, không thể nhớ và ghi lại hết được. Tôi nhớ, có lần tôi một mình vào buồng anh, chẳng có ai ở đấy cả. Một buổi chiều sáng sủa, mặt trời đã bắt đầu lặn, căn buồng tràn ngập ánh sáng chênh chếch. Nhìn thấy tôi, anh vẫy tay tôi lại gần, đặt hai tay lên vai tôi, nhìn vào mắt tôi với vẻ cảm động, trìu mến. Anh không nói gì, chỉ nhìn tôi như thế một lát: “Thôi bây giờ em đi chơi đi, hãy sống thay cho anh!” Thế là, tôi ra ngoài chơi. Sau này nhiều lần trong đời, tôi nhớ lại câu anh bảo tôi sống thay cho anh mà rớt nước mắt! Anh còn nói nhiều lời tuyệt diệu như thế mà hồi ấy chúng tôi không hiểu. Anh mất vào tuần thứ ba sau lễ Phục sinh, lúc chết vẫn tỉnh táo, tuy đã không nói được nữa, nhưng cho đến phút chót anh vẫn không thay đổi: vẻ nhìn đầy vui sướng, ánh mắt vui vẻ, anh đưa mắt nhìn chúng tôi mỉm cười với chúng tôi, gọi chúng tôi. Trong thị trấn người ta nói nhiều về cái chết của anh. Bấy giờ tất cả những điều đó khiến tôi bàng hoàng, nhưng không quá lắm, tuy tôi khóc rất nhiều lúc mai táng anh. Hồi ấy tôi còn non trẻ, thậm chí là trẻ con, nhưng tất cả mọi việc in lại dấu vết không phai nhòa trong tim tôi, tình cảm vùi sâu trong đáy lòng. Đến lúc nào đó tất cả hẳn phải trỗi dậy và lên tiếng. Quả đúng như thế.