Anh em nhà Karamazov - Phần 7 - Chương 1 - P1

PHẦN VII

Chương 1: Mùi xác chết

Thi hài trưởng lão Zoxima đã được chuẩn bị để mai táng theo nghi lễ đã định. Khi các thầy tu và các nhà tu khổ hạnh từ trần, người ta không tắm rửa thi hài, điều đó ai cũng biết. “Khi một thầy tu về với Chúa (trong cuốn sách Lễ đồ sộ có nói), thầy tu được giao trách nhiệm khâm liệm dùng nước nóng lau mình người chết, trước hết cầm miếng bọt biển vạch dấu chữ thập trên trán trên ngực, tay, chân và đầu gối người chết, chỉ thế thôi.”

Cha Paixi đích thân làm tất cả những việc ấy. Sau đó, Cha mặc cho trưởng lão bộ áo thầy tu và bọc ngoài bằng tấm áo choàng lễ; theo quy định, tấm áo lễ bị rạch ra một chút để bọc chéo hình chữ thập. Cha đội lên đầu trưởng lão chiếc mũ phía sau gắn hình chữ thập tám nhánh. Mặt thì phủ tấm sa đen, mũ để lộ ra ngoài. Người ta đặt vào tay trưởng lão bức ảnh tượng Đấng Cứu thế.

Đến sáng, thi hài khâm liệm như thế được nhập quan (quan tài đã làm sẵn từ lâu). Người ta định để quan tài suốt ngày trong trai phòng (căn phòng lớn mà trước đây trưởng lão vẫn tiếp các giáo đồ và khách thế tục), bởi vì người quá cố mang chức sắc ieroxkhimonac(1) nên các thầy tu và thầy tế lễ không đọc Thánh thi mà đọc Phúc âm trong lễ tang. Ngay sau lễ cầu siêu, Cha Ioxif đọc kinh. Cha Paixi muốn sau đó đọc tiếp suốt ngày và suốt đêm, nhưng lúc này Cha rất bận và rất lo ngại cùng với Cha bề trên tu xá, bởi vì trong số giáo đồ của tu viện và những người thế tục ở khách xá của tu viện và từ thành phố kéo đến từng đám đông, người ta bỗng nhận thấy có cái gì lạ thường, càng về sau càng rõ rệt hơn, một sự xôn xao chưa từng thấy và “bất nhã”, một sự chờ đợi nôn nóng. Cha bề trên và Cha Paixi gắng hết sức tìm mọi cách trấn an những người đang xôn xao đến như vậy.

(1) Một hàng giáo phẩm trong đạo chính thống (N.D).

Khi đã sáng rõ, có một số người ở thành phố đến, chậm chí mang theo người nhà ốm đau, đặc biệt là trẻ em; dường như họ chỉ đợi lúc này để làm việc ấy, rõ ràng họ hi vọng có một pháp lực tức thời chữa khỏi bệnh mà họ tin là sẽ thể hiện ra ngay. Đến, bây giờ mới thấy rõ ràng khi trưởng lão còn sống, người ta đã quá quen cho rằng Cha đích thực là vị thánh vĩ đại. Số người đến đây không phải chỉ toàn là dân thường. Sự mong chờ thiết tha của các tín đồ bộc lộ ra một cách vội vã và lộ liễu, thậm chí nôn nóng, Cha Paixi coi đó là chước cám dỗ hiển nhiên, tuy Cha đã cảm thấy trước từ lâu, nhưng thực ra vẫn không ngờ nó lại đến như thế. Gặp những thầy tu quá xúc động, Cha Paixi thậm chí quở trách họ: “Sự chờ đợi nôn nóng đến như thế về một cái gì trọng đại sẽ xảy ra tức thời là thái độ nông nổi chỉ có thể có giữa những người thế tục, không xứng với chúng ta.” Nhưng người ta chẳng mấy để ý đến lời Cha nói, thấy thế Cha lo lắng, mặc dù chính bản thân Cha (nếu nhớ lại mọi việc một cách chân thực), tuy bực bội về sự chờ mong quá nôn nóng, coi đó là nông nổi và phù phiếm, nhưng trong thâm tâm Cha cũng thầm mong như họ, điều mà Cha không dám tự thú nhận với mình. Tuy nhiên Cha đặc biệt khó chịu về một số cuộc gặp gỡ khơi gợi trong Cha những ngờ vực lớn qua một linh cảm nào đó. Trong đám đông chen chúc ở phòng người quá cố, Cha ghê tởm trong lòng khi thấy (điều này Cha cũng tự trách mình) Rakitin chẳng hạn, hay ông khách phương xa - ông thầy tu ở Obdorsk vẫn còn lưu lại tại tu viện, và không hiểu vì sao Cha Paixi cho rằng cả hai người này đều khả nghi, tuy không phải chỉ có họ nom khả nghi. Trong số tất cả những người tỏ ra xúc động, ông thầy tu Obdorsk xem ra chộn rộn nhất. Có thể thấy ông ta ở khắp nơi, chỗ nào cũng có mặt: ở đâu ông ta cũng hỏi han, cũng lắng nghe, cũng thì thầm với vẻ bí ẩn đặc biệt. Vẻ mặt ông ta hết sức sốt ruột, thậm chí dường như cáu kỉnh vì điều mong đợi mãi không xảy ra. Còn về Rakitin thì sau này mới rõ ràng anh ta có mặt trong tu xá từ sớm, theo sự ủy thác đặc biệt của bà Khokhlakova. Bà tà tốt bụng, nhưng tính tình nhu nhược, bà không được phép vào tu xá, nên vừa thức giấc và biết tin trưởng lão qua đời, bà tò mò không chịu nổi, liền phái Rakitin đến tu xá để quan sát mọi việc và viết tường trình gửi ngay về cho bà, cứ nửa giờ một lần, về tất cả mọi chuyện xảy ra. Bà coi Rakitin là một thanh niên sùng đạo và giàu đức tin biết đối xử khéo léo với tất cả mọi người và với mỗi người, anh ta biết tỏ ra mình là người đúng như ý người ta muốn, miễn là anh ta thấy rằng làm như thế có chút ít lợi lộc cho mình: Hôm ấy đẹp trời, trong số người hành hương tới đây có nhiều người tụ tập bên các nấm mồ ở tu xá, những nấm mồ này nhiều nhất là xung quanh nhà thờ, ngoài ra còn rải rác khắp tu xá. Khi đi vòng quanh tu xá, Cha Paixi bỗng nhớ tới Aliosa, đã lâu Cha không nhìn thấy anh, gần như từ đêm tới giờ. Vừa nhớ đến thì Cha thấy anh ở một góc xa nhất trong tu xá, bên bức tường xây, ngồi trên tấm bia mộ của một thầy tu mất tự đời nảo đời nào, nổi tiếng về công đức tu hành. Anh ngồi quay lưng về tu xá, dường như ẩn sau phần mộ. Đến sát tận nơi, Cha Paixi thấy Aliosa hai tay bưng mặt khóc không thành tiếng, nhưng hết sức đau xót, toàn thân rung lên theo từng cơn nức nở. Cha Paixi đứng cạnh anh một lát.

- Thôi đi con thân yêu, thôi đi, anh bạn. - Cuối cùng Cha nói, giọng đầy tình cảm, - con làm sao thế? Phải vui lên, đừng khóc. Hay con không biết hôm nay là ngày trọng đại nhất trong đời Thầy? Bây giờ Thầy ở đâu, lúc này, chỉ cần nhớ tới điều đó!

Aliosa toan ngước lên nhìn Cha, để lộ khuôn mặt khóc sưng húp, nom như mặt trẻ thơ, nhưng anh không thốt lên lời nào, lập tức quay đi và lại đưa hai tay ôm mặt.

- Nhưng có lẽ thế là phải. - Cha Paixi trầm ngâm thốt lên, - có lẽ cứ khóc đi, Chúa Kito cho con những giọt nước mắt ấy. “Những giọt lệ thương cảm của con chỉ làm cho tâm hồn thư thái và làm vui lòng người Thầy thân yêu của con,” - Cha thầm nhủ bỏ đi và trìu mến nghĩ đến Aliosa. Cha đi vội vàng, vì cảm lấy rằng nhìn Aliosa, có lẽ Cha cũng khóc mất thôi. Thời gian vẫn trôi, lễ tang và lễ cầu siêu vẫn tiếp diễn chỉn chu, Cha Paixi lại thay Cha Ioxif bên quan tài và tiếp tục đọc Phúc Âm.

Nhưng gần ba giờ chiều đã xảy ra điều mà tôi đã nhắc đến ở cuối quyển trước, điều không ai ngờ và trái ngược với hi vọng của mọi người, đến nỗi mà, tôi xin nhắc lại, mãi đến bây giờ ở thành phố chúng tôi và khắp các vùng lân cận người ta vẫn hết sức sôi nổi hồi tưởng lại tỉ mỉ câu chuyện phù phiếm về sự việc đã diễn ra. Ở đây một lần nữa tôi xin thêm một ý kiến riêng: tôi hầu như tởm lợm khi nhớ đến cái chuyện phù phiếm và quái gở ấy, thực ra là một việc tầm phào và rất tự nhiên, và cố nhiên tôi muốn bỏ qua không nhắc gì đến trong câu chuyện của tôi, nếu như nó không có ảnh hưởng hết sức mạnh và rõ ràng đến tâm hồn và trái tim nhân vật chính, tuy sau này mới trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của tôi là Aliosa, tạo nên một sự đột biến và đảo lộn trong tâm hồn anh, khiến cho lí trí của anh bị xáo động lớn và trở nên vững vàng hẳn, vững vàng suốt đời và hướng tới một mục đích nhất định.

Vậy xin kể chuyện ấy. Trời chưa sáng, thi hài người quá cố, đã khâm liệm chu tất, được nhập quan, người ta đưa quan tài sang phòng thứ nhất, trước đấy là phòng tiếp khách, khi ấy giữa những người ở bên quan tài xảy ra câu hỏi: có cần mở các cửa sổ không? Nhưng câu hỏi này, do một người không rõ như buột miệng thốt lên, không được ai trả lời và hầu như chẳng ai để ý, trừ có một vài người nhẹ nhàng trách người đó, và trong thâm tâm họ cũng nghĩ như thế, đại ý là: cho rằng thi hài một người như thế có thể rữa nát và bốc mùi thì thật vô lí, đáng tiếc (nếu không phải là đáng cười), vì người hỏi câu đó quả là ít đức tin và nông nổi. Bởi thế người ta chờ đợi điều trái ngược hẳn lại.

Quá trưa một lát, đã xảy ra một việc mà những người vào ra đều nhận thấy nhưng vẫn im lặng, thậm chí không dám nói với bất cứ ai ý nghĩ vừa nảy ra trong đầu mình, nhưng tới ba giờ chiều thì cái đó đã rõ rành rành, không thể nào bác bỏ được, đến nỗi tin đó tức khắc bay khắp tu xá và những người hành hương đến thăm tu xá, lọt tới cả tu viện, khiến cho tất cả mọi người trong tu viện phải ngạc nhiên, và cuối cùng, sau một thời gian rất ngắn, đã truyền đến thành phố, làm cho cả người tin đạo lẫn không tin đều xúc động. Người không tin đạo khoái chí, còn trong số những người tin đạo, có một số người còn khoái chí hơn cả những người không tin, vì “người đời thích thấy bậc công chính sa ngã và bị ô nhục”, như chính trưởng lão quá cố đã nói trong một lần thuyết giáo. Số là từ trong quan tài dần dần có mùi hôi thối bốc ra, càng về sau càng rõ hơn, tới ba giờ chỉều thì đã nồng nặc và mỗi lúc một gớm ghiếc hơn. Đã lâu chưa từng có, thậm chí nhớ lại toàn bộ đời sống trước kia của tu viện cũng không thể tìm ra một sự việc nào quái quỷ, thô bỉ hết mức đến như thế, đến độ trong bất cứ trường hợp nào khác cũng không thể có chuyện như vậy, mà lại bộc lộ ra liền ngay sau biến cố ấy, cho dù ngay giữa các thầy tu đi nữa. Rồi sau đó, thậm chí nhiều năm sau, một số thầy tu có đầu óc, khi nhớ lại tỉ mỉ toàn bộ ngày hôm đó, vẫn ngạc nhiên và khiếp sợ không hiểu làm sao hiện tượng quái đản ấy lại có thể đạt tới mức độ như thế. Bởi vì trước đây có những thầy tu rất mực đạo hạnh và đạo hạnh của họ lồ lộ trước mắt mọi người, những trưởng lão rất kính Chúa mà khi chết, từ quan tài khiêm nhường của họ vẫn xông ra mùi hôi thối tự nhiên như mọi tử thi khác, thế nhưng điều đó không trở thành hiện tượng quái quỷ như thế này và không gây nên mảy may xúc động. Cố nhiên cũng có những người đã qua đời từ lâu mà ở tu viện người ta vẫn còn nhớ rất rõ về họ và theo lời truyền tụng, xác họ không bốc mùi, điều đó có một ảnh hưởng cảm động và bí ẩn đối với giáo đoàn và người ta nhớ mãi, coi đó là điều cao cả và huyền diệu, là lời hứa rằng trong tương lai, phần mộ của họ sẽ càng vinh hiển hơn, nếu như ý Chúa muốn thế. Trong số những người ấy, đặc biệt người ta ghi nhớ trưởng lão Jov, sống tới một trăm linh năm tuổi nhà khổ tu nổi tiếng, người ăn chay và kiêng nói vĩ đại, tạ thế đã lâu, từ những năm thứ mười của thế kỉ này, tất cả những người hành hương lần đầu tiên đến đây đều được người ta chỉ cho xem mộ của ông với niềm tôn kính đặc biệt, phi thường, đồng thời nhắc nhở một cách bí ẩn về những hi vọng cực kì lớn lao. (Đấy chính là nấm mồ mà ban sáng Cha Paixi bắt gặp Aliosa ngồi trên đó.) Ngoài vị trưởng lão đã tạ thế từ lâu ấy, người ta vẫn nhớ như in một đức cha cực kì cao trọng mới mất gần đây, trưởng lão Varxonofi, chính là người mà Cha Zoxima đã kế chân trưởng lão, người mà lúc còn sống, tất cả những người hành hương đến tu viện đều cho rằng đây đích thị là vị thành hài. Người ta vẫn truyền tụng rằng cả hai vị nằm trong quan tài như người còn sống và lúc đem mai táng, xác hoàn toàn không bốc mùi, gương mặt dường như rạng rỡ hẳn lên. Một số người thậm chí còn một mực nói rằng theo họ nhớ thì thi hài các vị ấy tỏa ra mùi hương trầm thơm phức. Nhưng mặc dù có những sự xác nhận long trọng như thế, vẫn khó giải thích được nguyên nhân trực tiếp khiến cho bên quan tài trưởng lão Zoxima lại có thể xảy ra một hiện tượng phi lí và tai ác như thế. Riêng tôi cho rằng ở đây có nhiều nguyên nhân khác nhau tác động đồng thời.

Chẳng hạn trong số đó có cả sự thù địch thâm căn cố đế đối với thể chế trưởng lão, coi như một sự đổi mới tai hại, ở tu viện sự thù địch ấy ẩn sâu trong trí óc nhiều thầy tu. Cuối cùng, cố nhiên là tâm trạng ghen tị về đức thánh thiện của người đã khuất ngay khi Cha còn sống đức thánh thiện ấy đã vững vàng đến nỗi dường như không được phép phản đối, chỉ vì mặc dù vị trưởng lão đã quá cố thu phục được tình cảm của nhiều ngươi, bằng phép lạ thì ít, mà bằng tình yêu thì nhiều hơn, và đã tạo dựng được quanh mình cả một thế giới những người ái mộ mình, tuy nhiên, thậm chí chính vì thế mà tự chuốc lấy những kẻ ghen tị, và tiếp đó cả những kẻ thù dữ dội, công khai và giấu mặt không chỉ trong tu viện, mà cả ở ngoài đời. Chẳng hạn, Cha không làm hại ai, nhưng: “Vì sao ông ta được coi là thánh?” Chỉ vì một câu hỏi ấy, lặp đi lặp lại nhiều lần, rốt cuộc sản sinh ra cả một vực thẳm hận thù không đáy. Tôi cho rằng chính vì thế mà nhiều người khoái chí vô cùng khi nghe tin xác Cha bốc mùi, mà lại chóng vánh như thế, - Cha chết chưa được một ngày; đồng thời trong số những người trung thành với trưởng lão và cho đến lúc ấy vẫn tôn sùng Cha, có những người coi biến cố đó như sự sỉ nhục đối với cá nhân mình. Sự việc diễn ra dần dần như sau:

Ngay từ khi xác chết bắt đầu bốc mùi, chỉ nhìn những thầy tu vào phòng đặt quan tài cũng có thể biết họ đến đó làm gì. Họ vào, đứng một lúc, rồi đi ra để mau mau xác nhận tin ấy với đám đông xúm xít ở bên ngoài. Trong số những người đứng chờ, có những người gật đầu đau xót, số khác thậm chí không buồn che giấu niềm vui sướng của mình lồ lộ trong ánh mắt long lên dữ tợn. Chẳng ai trách họ, chẳng ai lên tiếng bênh vực, người quá cố, kể thì cũng lạ, vì người trung thành với trưởng lão vẫn chiếm đa số trong tu viện. Nhưng rõ ràng là lần này Chúa Trời để cho thiểu số tạm thời thắng thế. Chẳng mấy chốc cả những người thế tục cũng đến để do thám, phần lớn là những người có học. Dân thường ít người vào, tuy họ tụ tập rất đông ở cổng tu xá. Hiển nhiên là chỉ từ sau ba giờ chiều, số người thế tục đổ đến mới nhiều hẳn lên, đấy chính là do cái tin đầy sức cám dỗ. Những người đó hôm ấy có lẽ sẽ hoàn toàn không đến và không có ý định đến, bây giờ họ chủ tâm đến, trong đó có một số nhân vật quyền cao chức trọng. Tuy nhiên, bề ngoài sự trang nghiêm vẫn chưa bị phá vỡ, Cha Paixi vẻ mặt nghiêm nghị, tiếp tục đọc Phúc âm bằng giọng rắn rỏi, rành rọt, dường như không để ý gì đến việc đã xảy ra, tuy từ lâu Cha đã nhận thấy điều gì khác thường. Nhưng rồi những tiếng nói thoạt đầu rất khẽ, nhưng dần dần trở nên dứt khoát và hào hứng, đã đến tai Cha: “Vậy là sự phán xét của Chúa không như sự phán xét của người trần.” - Cha Paixi bỗng nghe thấy. Thốt lên câu ấy trước tiên là một người thế tục, một viên chức thành phố, đã đứng tuổi, được tiếng là người rất ngoan dạo, nhưng nói ra câu đó, chẳng qua ông ta chỉ lặp lại điều mà các thầy tu vẫn rỉ tai nhau từ lâu. Các thầy tu đã buông lời thất vọng từ lâu, nhưng tệ hại nhất là cứ mỗi lúc họ càng có vẻ đắc chí hơn khi nói ra điều đó. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, ngay cả sự trang nghiêm cũng bắt đầu bị phá vỡ, và dường như tất cả mọi người thậm chí đều cảm thấy mình có quyền làm như thế. “Tại sao lại đến nỗi như vậy,” - một vài thầy tu nói, thoạt đầu có vẻ lấy làm tiếc, - “thân hình không lớn, gầy đét, chỉ có da bọc xương, làm sao lại đã có mùi?” “Như vậy là Chúa chủ ý chỉ vạch ra,” - những người khác vội vã nói thêm, ý kiến của họ được chấp nhận tức thời, bởi vì người ta lại vạch ra rằng nếu xác bốc mùi tự nhiên như mọi người trần tục sau khi chết thì cũng phải chậm hơn, chứ không quá chóng vánh như thế, ít nhất cũng phải qua một ngày đêm, còn đây thì lại “đi trước cả diễn biến của tự nhiên”, thành thử ở đây hẳn phải có ngón tay của Chúa Trời chứ không còn ai khác Chúa muốn chỉ rõ. Ý kiến ấy không thể bác lại được. Cha thủ thư Ioxif, con người củ mỉ cù mì được người quá cố yêu mến, lên tiếng bác lại một số kẻ độc mồm rằng “không phải ở đâu cũng thế”, trong đạo chính thống việc xác người công chính không bốc mùi không phải là một tín điều, mà chỉ là dư luận, thậm chí cả trong những nước theo đạo chính thống, như vùng Atox chẳng hạn, ở đây người ta chẳng bối rối gì lắm về mùi xác chết, việc xác chết không bốc mùi chẳng phải là dấu hiệu chủ yếu làm sáng danh những người được cứu rỗi, mà là màu xương, khi xác họ vùi dưới đất đã nhiều năm, thậm chí đã tiêu hết thịt, “và nếu như xương ngả màu vàng như sáp ong thì đấy là dấu hiệu quan trọng nhất tỏ rằng Chúa Trời ngợi khen người công chính đã qua đời, còn nếu xương không vàng, mà đen lại thì nghĩa là Chúa Trời xét rằng người đó không xứng được sáng danh”, - ở Atox là như thế, tại xứ sở bao la này, tự cổ xưa đạo chính thống vẫn là bất khả xâm phạm, vẫn được giữ gìn hết sức trong sáng” - Cha Ioxif kết luận. Những lời lẽ của Cha như gió thoảng ngoài tai, không gây được ảnh hưởng gì, thậm chí còn bị chế giễu: “Đấy toàn là lối phô trương sự thông thái và mới lạ, chẳng đáng nghe làm gì,” - một số thầy tu bụng bảo dạ. “Chúng ta theo lối cũ, bây giờ nảy nòi ra khối cái mới, cái gì cũng theo được ư?” - số khác nói thêm. “Chúng ta có nhiều đức cha thánh thiện không ít hơn họ. Họ ở dưới ách bọn Thổ Nhĩ Kỳ nên đã quên ráo cả rồi. Ở họ, đạo chính thống đã bị vẩn đục từ lâu, họ còn không có cả chuông nữa kia,” những người mạnh mồm giễu cợt nói thêm. Cha Ioxif bỏ đi, trong lòng chua xót, nhất là bản thân Cha nói lên ý kiến của mình không lấy gì làm cả quyết lắm, dường như bản thân Cha cũng chẳng tin gì mấy. Nhưng Cha bối rối vì thấy trước rằng một cái gì tệ hại đang bắt đầu diễn ra, thậm chí sự không tuân lời đang cất đầu dậy. Dần dần, tiếp sau Cha Ioxif, mọi tiếng nói hợp lí đều câm bặt. Và cứ như thể có sự phối hợp, tất cả những người yêu mến trưởng lão đã quá cố và đã từng ngoan ngoãn, cảm động phục tùng thể chế trưởng lão bỗng vô cùng khiếp sợ điều gì không rõ khi gặp nhau chỉ rụt rè nhìn mặt nhau. Những người thù địch thể chế trưởng lão, coi đó như một sự đổi mới, thì cất cao đầu kiêu hãnh. “Trưởng lão Varxonofi khi qua đời không những xác không nặng mùi, mà còn tỏa hương thơm,” - họ hí hửng nhớ lại, - “nhưng không phải vì Cha là trưởng lão mà được như vậy mà bởi vì bản thân Cha là bậc công chính.” Tiếp đó vị trưởng lão vừa qua đời phải hứng chịu những lời chê bai, thậm chí cả những lời kết tội tới tấp: “Cha truyền dạy điều bất chính, chủ trương rằng đời sống là lạc thú vô cùng lớn lao, chứ không phải là sự khuất lụy đẫm nước mắt,” - một số trong những kẻ đần độn nhất nói. “Cha tin theo mốt mới, Cha không thừa nhận ở địa ngục có lửa thiêu thật sự,” - một số kẻ còn đần độn hùa theo. “Cha không nghiêm ngặt trong việc ăn chay, Cha tự cho phép mình dùng của ngọt. Cha uống trà với mứt anh đào, rất thích món đó, các bà gửi biếu Cha. Nhà khổ tu có được phép uống trà không chứ?” - một số kẻ ghen tị nói. “Cha ngồi chễm chệ dương dương tự đắc,” - những kẻ độc bụng nhất tàn nhẫn nhớ lại. - “Cha tự coi mình là thánh, người ta quỳ trước Cha, Cha cho như thế là phải.” “Cha lạm dụng bí tích xưng tội,” - những người chống đối thể chế trưởng lão kịch liệt nhất hằn học rỉ tai nhau, trong số này thậm chí có những thầy tu già lão nhất, nghiêm ngặt nhất trong sự sùng tín, những người chay tịnh và kiêng nói chân chính, vẫn im lặng khi trưởng lão còn sống, bây giờ bỗng mở miệng, đấy mới thật là ghê gớm, vì lời nói của họ có ảnh hưởng mạnh đối với các thầy tu trẻ còn chưa vững vàng hẳn. Ông khách Obdorsk, thầy tu ở tu viện Thánh Xilvextr, lắng tai nghe hết những điều đó, lắc đầu thở dài: “Không, rõ ràng là hôm qua Cha Ferapont xét đoán đúng.” - ông ta nghĩ bụng, vừa đúng lúc ấy Cha Ferapont xuất hiện; dường như ông ta đến đây chính là để làm cho tình trạng chấn động càng trầm trọng thêm.