Đêm trắng - Chương 1 - Phần 1

Chương 1: Đêm thứ nhất

Đó là một đêm kì diệu, một đêm mà có lẽ chỉ có thể có được khi chúng ta còn trẻ, hỡi bạn đọc thân mến. Bầu trời đầy sao, một bầu trời lộng lẫy đến mức ngước nhìn lên nó ta phải bất giác tự hỏi mình: chẳng lẽ những con người cau có, trái tính trái nết đủ loại lại có thể sống dưới một bầu trời như thế? Đây cũng là một câu hỏi của tuổi trẻ, hỡi bạn đọc thân mến, một câu hỏi rất trẻ, nhưng cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn thường xuyên hơn câu hỏi ấy!... Còn nói về những quý ngài trái tính trái nết và cau có đủ loại thì tôi không thể không nhớ lại cách xử sự hợp lẽ của tôi trong cả ngày hôm đó. Ngay từ sáng sớm tôi đã bị một nỗi buồn kì lạ hành hạ. Tôi bỗng nhiên có cảm giác rằng tôi, một kẻ cô đơn, đang bị tất cả bỏ rơi, xa lánh. Tất nhiên, bất kì ai cũng có quyền hỏi: tất cả là ai? Bởi vì tôi sống ở Peterburg(1) đã tám năm nay mà hầu như chưa hề làm quen được với một người nào. Nhưng tôi phải làm quen để làm gì? Không có việc đó thì cả thành phố Peterburg cũng đã quen thuộc với tôi rồi; mà chính vì thế nên tôi mới cảm thấy tất cả đều bỏ rơi tôi khi toàn bộ thành Peterburg bỗng đột ngột kéo nhau ra các nhà nghỉ ngoại thành. Ở lại một mình tôi rất sợ, và suốt ba ngày dài tôi lang thang khắp thành phố trong nỗi buồn nặng nề và tuyệt nhiên không hiểu cái gì đang xảy ra với mình. Dù xuôi đại lộ Nevxki, dù vào công viên hay lang thang dọc con đường bờ sông - không một khuôn mặt nào tôi vẫn quen gặp ở những nơi đó vào một giờ nhất định trong suốt cả năm qua. Tất nhiên mọi người không biết tôi, nhưng tôi lại biết họ. Tôi biết họ khá rõ; tôi gần như đã nghiên cứu từng khuôn mặt họ - tôi thích thú ngắm nhìn họ khi họ vui vẻ, và tôi buồn khi họ rầu rĩ u ám. Tôi gần như đã kết bạn với một ông mà tôi vẫn gặp hàng ngày vào một giờ nhất định ở Đài Phun Nước. Ông ta có vẻ mặt trang trọng, trầm tư, lúc nào cũng lẩm bẩm nói chuyện một mình và vung vẩy tay trái, còn trong tay phải là cây gậy dài có nhiều mấu, tay cầm bịt vàng. Ông ta thậm chí đã nhận ra tôi và tỏ vẻ thân thiện đối với tôi. Nếu như vào cái giờ nhất định đó mà tôi không có mặt ở cạnh Đài Phun Nước thì chắc là ông ta cảm thấy buồn. Chính vì vậy mà có khi chúng tôi đã gần như nghiêng người chào nhau, nhất là vào những hôm cả hai thấy trong lòng sảng khoái. Một lần cách đây không lâu, suốt hai ngày chúng tôi không gặp nhau, đến ngày thứ ba vừa trông thấy nhau chúng tôi đã suýt túm lấy vành mũ, nhưng kịp nhớ lại và hạ tay xuống, đi ngang qua nhau với mối đồng cảm trong lòng. Cả những ngôi nhà cũng quen biết tôi. Khi tôi đi ngang qua, chúng dường như chạy ra đón gặp, nhìn tôi bằng tất cả các cửa sổ và hình như nói với tôi: “Chào anh, sức khỏe anh thế nào? Còn tôi, nhờ trời vẫn khỏe, đến tháng Năm này tôi sẽ có thêm một tầng nữa.” Hay là: “Anh có khỏe không? Còn tôi ngày mai sẽ được sửa chữa.” Hoặc: “Hôm rồi tôi suýt cháy rụi, làm tôi sợ quá”, và vân vân... Trong số đó có những ngôi nhà tôi yêu thích, có những ngôi nhà là bạn thân thiết của tôi; có một ngôi nhà mùa hạ này sẽ nhờ kiến trúc sư chạy chữa. Tôi sẽ cố hàng ngày ghé qua thăm để người ta, cầu chúa ban ơn, chạy chữa cho nó đến nơi đến chốn... Và không bao giờ tôi quên câu chuyện xảy ra với ngôi nhà nhỏ màu hồng tươi cực xinh xắn. Đó là một ngôi nhà bằng đá dễ thương, đối với tôi hết sức niềm nở và nhìn những hàng xóm xấu xí của mình kiêu hãnh đến mức mỗi khi đi qua nó tôi thấy tim mình rộn lên vui sướng. Bỗng nhiên tuần trước khi đi trên phố, vừa nhìn thấy người bạn quen thì tôi chợt nghe một tiếng kêu não ruột: “Mà người ta sắp quét sơn vàng lên tôi đấy!” Quân độc ác! Lũ người man rợ! Họ không thương tiếc một cái gì hết: cả những dãy cột tròn, cả những mái đua, và người bạn của tôi vàng ệch ra như một con chim hoàng yến. Tôi suýt lộn ruột lên vì chuyện ấy và đến giờ không dám đến nhìn lại mặt người bạn đáng thương dị dạng của tôi đã bị trét lên cái màu của các hoàng đế Trung Hoa(2).

(1) Peterburg: thành phố trên bờ biển Naltich do Piot r Đại đế xây dựng vào đầu thế kỉ XVIII, một thời là thủ đô của nước Nga, sau Cách mạng Tháng Mười được đổi thành Leningrad, hiện nay được lấy lại tên cũ.

(2) Các nhà vua Trung Quốc mặc hoàng bào màu vàng.

Vậy giờ chắc bạn đọc đã hiểu là tôi quen biết với cả thành phố Peterburg như thế nào.

Tôi đã nói rằng tôi bị một nỗi bất an hành hạ suốt ba ngày trước khi tôi đoán ra nguyên nhân của nó. Ở ngoài phố tôi cảm thấy rất tồi tệ (không thấy người này, chẳng gặp người kia, người nọ cũng biến đi đâu mất?) - mà ở nhà tôi cũng thấy bứt rứt. Suốt hai buổi tối tôi cố tìm xem: tôi còn thiếu cái gì trong xó xỉnh của tôi? Sại sao tôi lại cảm thấy bất tiện khi ở trong nhà mình? - và tôi cáu kỉnh săm soi những bức tường ố xanh ố xám, cái trần nhà chăng đầy mạng của những chú nhện được Matrena cho tha hồ trú ngụ, săm soi toàn bộ số đồ gỗ tôi có, săm soi đến từng chiếc ghế ngồi một, nghĩ không biết nguyên do có phải ở đó không? (Vì rằng ở trong phòng tôi dù một chiếc ghế nằm không đúng chỗ như hôm qua đã nằm cũng khiến tôi khó chịu.) Rồi tôi nhìn ra cửa sổ, nhưng tất cả đều vô ích - tôi không hề cảm thấy dễ chịu hơn chút nào! Thậm chí tôi đã gọi Matrena đến và bằng giọng bề trên quở mắng bà ta về chuyện mạng nhện và về sự luộm thuộm trong nhà nói chung, nhưng bà ta chỉ ngạc nhiên nhìn tôi rồi bỏ đi mà không nói một lời nào, nên những tấm mạng nhện đến nay vẫn đang yên bình treo nguyên chỗ cũ. Cuối cùng, mãi đến sáng nay, tôi mới đoán ra được nguyên do. Thì ra là vì thiên hạ bỏ tôi tếch cả ra các nhà nghỉ ngoại thành! Xin lỗi vì cách diễn đạt thô thiển, nhưng tôi không còn bụng dạ nào để tìm lời hoa mĩ nữa... vì rằng tất cả những gì có ở Peterburg đều đã đi hoặc đang trên đường đi ra nhà nghỉ ngoại thành, vì rằng mỗi một quý ngài đáng kính có vẻ ngoài tử tế hễ cứ gọi thuê một chiếc xe ngựa là ngay trước mắt tôi đã biến thành một ông bố đáng kính của gia đình sau khi hoàn thành các chức trách công vụ thường ngày nhẹ nhàng về với tổ ấm của mình ở nhà nghỉ ngoại thành; vì rằng ở mỗi một người qua đường giờ đây đều có cái vẻ hết sức đặc biệt, cái vẻ đó như muốn nói với người gặp mặt: “Thưa các ngài, chúng tôi chỉ ghé qua đây chốc lát, sau hai giờ nữa chúng tôi sẽ đi ra nhà nghỉ ngoại thành rồi!” Gặp một cánh cửa sổ mở ra - trước đó có những ngón tay thon trắng muốt như đường gõ gõ lên mặt kính, và thò ra mái đầu của một cô gái xinh đẹp cất tiếng gọi gã bán chậu hoa rong, - và tôi lập tức nghĩ rằng người ta mua những chậu hoa này không phải để thưởng thức mùa xuân và hoa cỏ trong các căn hộ ngột ngạt ở thành phố mà để sắp tới mang theo ra nhà nghỉ ngoại thành. Còn hơn thế nữa, tôi đã thu được những thành công trong loại khám phá mới mẻ và đặc biệt này đến mức chỉ cần nhìn qua tôi đã đoán không sai là người nào sống ở khu nhà nghỉ nào.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Những cư dân Đảo Đá và Đảo Thầy Lang hay dọc con lộ Petergof thì nổi bật với phong cách hào hoa trau chuốt, với những bộ y phục mùa hè sang trọng và những cỗ xe tuyệt đẹp mà họ dùng khi đi vào thành phố. Những người ở Pargolov và những vùng xa hơn mới thoạt nhìn đã gây nên ấn tượng là những kẻ khôn ngoan và đĩnh đạc; còn những người ở đảo Thập Tự thì hồn nhiên vui vẻ. Hoặc giả tôi gặp một đoàn dài đám xà ích tay cầm dây cương uể oải bước cạnh những cỗ xe chở đầy đồ đạc chất như núi, nào ghế, nào bàn, nào đi văng Thổ Nhĩ Kỳ và không Thổ Nhĩ Kỳ và đủ các thứ vật dụng gia đình khác, và thêm vào đó ngật ngưỡng trên đỉnh xe là một bà đầu bếp ốm o khư khư giữ tài sản của chủ còn hơn con ngươi của mắt mình, hoặc giả tôi nhìn những con thuyền chất đầy đồ gia dụng trôi theo dòng Neva hay kênh Đài Phun Nước để đến Suối Đen hay ra các đảo - thì số xe và số thuyền dường như tăng gấp mười, gấp trăm lần trong mắt tôi; dường như cả thành phố đứng lên và ra đi, dường như cả thành phố kéo đoàn kéo lũ ra nhà nghỉ ngoại thành; dường như toàn bộ Peterburg sắp biến thành hoang mạc, đến nỗi rốt cuộc tôi cảm thấy xấu hổ, bực bội và chán nản: tôi tuyệt đối chẳng có nơi nào và chẳng có việc gì để đi ra nhà nghỉ ngoại thành cả. Tôi sẵn sàng đi với bất kì cỗ xe nào, với bất kì quý ngài có vẻ ngoài đáng kính đã thuê xe nào, nhưng không một ai, tuyệt nhiên không một người nào mời tôi cả; dường như thiên hạ đã quên phắt tôi rồi, dường như đối với họ tôi thật sự là một người xa lạ!

Tôi lang thang rất nhiều và rất lâu đến mức, như thường lệ, đã kịp quên mất mình đang ở đâu, thì bất chợt thấy mình đã đứng ngay cửa ô. Tôi lập tức cảm thấy sảng khoái; và tôi vội vã vượt qua rào chắn, dạo bước giữa những thửa ruộng đã gieo hạt và đồng cỏ, không cảm thấy mệt mỏi, chỉ cảm thấy bằng toàn bộ thân thể là vừa trút đi được một gánh nặng trong lòng. Tất cả những người qua đường đều nhìn tôi niềm nở đến mức gần như sắp sửa cúi chào nhau; tất cả đều như vui sướng với một điều gì đó, tất cả, không trừ một ai, đều hút xì gà. Tôi cũng cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm vui trước đây tôi chưa hề. Dường như đột nhiên tôi được đến Italia - thiên nhiên đã tác động mãnh liệt đến tôi, một kẻ thị dân ốm yếu đang gần như ngột thở giữa những bức tường thành phố. Có một cái gì đó cảm động không giải thích được trong phong cảnh thiên nhiên Peterburg của chúng ta khi mùa xuân về bỗng phô bày toàn bộ tiềm năng, toàn bộ sức lực được trời phú cho của mình, lộng lẫy, xanh tươi, rực rỡ trăm hoa... Bất giác nó khiến tôi liên tưởng đến một cô gái gầy gò ốm yếu mà đôi khi chúng ta nhìn với vẻ thông cảm, đôi khi với lòng thương hại, và nhiều khi đơn giản là không nhìn thấy cô ta; thế rồi bỗng nhiên cô gái đó, trong một khoảnh khắc, bất ngờ trở nên xinh đẹp lạ lùng, không tả nổi, và chúng ta kinh ngạc, ngây ngất, đến mức tự hỏi mình: cái sức mạnh nào đã khiến cho cặp mắt u buồn, trầm tư kia rực lên ngọn lửa như thế? Cái gì khiến máu dồn lên làm hồng đôi má gầy tái nhợt kia? Cái gì khiến những đường nét dịu dàng trên khuôn mặt kia cháy lên vẻ đam mê như vậy? Vì sao bộ ngực kia dâng lên phập phồng? Cái gì mang đến sức lực, nhựa sống và vẻ đẹp cho gương mặt cô gái đáng thương kia khiến nó rạng rỡ và sinh động trong tiếng cười long lanh, rộn rã? Và ta nhìn quanh, ta tìm ai đó, ta phân vân phỏng đoán... Nhưng khoảnh khắc qua đi, và có thể ngày mai ta lại gặp vẫn ánh nhìn u buồn thờ ơ như cũ, vẫn khuôn mặt nhợt nhạt, vẻ nhẫn nhục và rụt rè trong các cử chỉ ấy và thậm chí cả sự ăn năn, thậm chí cả dấu vết của một sự chán chường và nỗi buồn tang tóc vì nỗi đam mê phút chốc thoáng qua... Và ta cảm thấy tiếc nuối vì cái vẻ đẹp chớp mắt ấy đã tàn đi quá nhanh, không trở lại, vì nó ngời lên giả tạo và phí hoài trước mắt ta, ta nuối tiếc vì ta chưa có đủ thời gian để mà yêu nó...

Nhưng dù sao đêm của tôi vẫn tốt đẹp hơn ngày! Sự thể là thế này:

Tôi trở về thành phố rất muộn, và khi gần đến nhà thì chuông đã điểm mười giờ khuya. Đường tôi đi chạy dọc theo bờ con kênh đào, vào giờ đó chẳng còn ai qua lại. Đúng là tôi ở vào khu vực xa nhất của thành phố. Tôi vừa đi vừa hát, vì rằng khi cảm thấy hạnh phúc tôi nhất thiết phải tự mình khẽ hát với mình một điệu khúc gì đó như bất kì một con người nào cảm thấy hạnh phúc nhưng không có bạn bè, không người thân thiết, và vào giây phút sướng vui không biết san sẻ niềm vui với ai.

Bỗng nhiên tôi gặp phải một cuộc phiêu lưu tuyệt đối bất ngờ. Cách tôi một quãng, cạnh hàng lan can tôi nhìn thấy một bóng phụ nữ đứng tì khuỷu tay lên thành chấn song và hình như đang hết sức chăm chú nhìn dòng nước đục chảy dưới lòng kênh. Nàng đội chiếc mũ màu vàng cực kì dễ thương và mặc áo khoác đen không tay đỏm dáng. “Đây là một cô gái còn trẻ, và chắc chắn là tóc đen”, - tôi nghĩ thầm. Hình như nàng không nghe tiếng bước chân của tôi và thậm chí không nhúc nhích khi tôi nín thở đi ngang qua với tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực. “Quái lạ, - tôi nghĩ, - chắc cô ta đang mải nghĩ một điều gì đó”, và bỗng nhiên tôi khựng lại như trời trồng. Tôi nghe như có tiếng nức nở cố nén lại. Đúng, tôi đã không lầm: cô gái đang khóc, và một phút sau lại liên tiếp vang lên những tiếng thút thít. “Lạy Chúa tôi!” Trái tim tôi thắt lại. Và dù tôi hết sức nhút nhát với phụ nữ, nhưng vào một phút như thế này!... Tôi quay lại, bước đến bên nàng, và có lẽ đã thốt lên “Thưa tiểu thư!” nếu như tôi không biết là những lời đó đã được hàng ngàn lần thốt lên trong tất cả các thiên tiểu thuyết thời thượng Nga. Chính điều đó đã ngăn tôi lại. Nhưng trong lúc tôi cố tìm lời thì cô gái như sực tỉnh ngoái nhìn, định thần lại và cúi mặt lướt tránh qua bên tôi, bước đi dọc theo bờ sông. Tôi lập tức đi theo nàng, nhưng nàng đã đoán ra, rời bờ sông, đi quang qua đường sang vỉa hè bên kia. Tôi không dám đi theo nàng qua đường. Trái tim tôi run rẩy như chim mắc bẫy. Bỗng một việc tình cờ đã giúp tôi.

Phía bên kia vỉa hè, cách cô gái không quen của tôi không xa, bất ngờ xuất hiện một gã đàn ông mặc áo đuôi tôm đã đứng tuổi nhưng với dáng đi không thể nói là đứng đắn. Gã vừa lảo đảo bước đi vừa thận trọng bám vào tường. Còn cô gái thì chạy gần như một mũi tên, vừa vội vã vừa rụt rè, như tất cả những cô gái không muốn để ai ngỏ ý tiễn mình về nhà ban đêm; và tất nhiên gã đàn ông ngất ngư kia không thể nào theo kịp nàng nếu thần số phận của tôi không xui khiến gã tìm những phương thức khôn khéo hơn. Bỗng nhiên, không nói với ai một lời, gã đàn ông lấy đà phóng hết tốc lực chạy đuổi theo cô gái không quen của tôi. Nàng đi như gió cuốn, nhưng gã đàn ông thở hổn hển đã theo sát gót, và cuối cùng đuổi kịp; cô gái hét lên thất thanh - và... tôi tạ ơn số phận đã khiến cho cây gậy nhiều mấu tuyệt vời lần này nằm trong bàn tay phải của tôi. Trong nháy mắt tôi đã ở phía vỉa hè bên kia đường, trong nháy mắt gã đàn ông không mời hiểu ra tình thế, chấp nhận cái lí không thể chối cãi được, đứng đực ra và rớt lại sau, chỉ khi chúng tôi đã đi rất xa gã mới cất tiếng cự nự tôi bằng những thuật ngữ khá là mạnh mẽ. Nhưng những lời của gã khó khăn lắm mới bay đến chỗ chúng tôi.

- Cô đưa tay cho tôi, - tôi nói với cô gái chưa quen của tôi, - và hắn sẽ không dám quấy rầy chúng ta nữa.