Hồ - Chương 03
Tôi không kể với Nakajima rằng nguyên nhân khiến tôi chia tay người tình trước là do tôi không đáp ứng được đòi hỏi tình dục của anh ta.
Công việc của anh ta vô cùng bận rộn, nên nếu gặp được nhau thì chỉ có thể là vào thứ Bảy, Chủ nhật. Vì thế, như một lẽ tất nhiên, anh ta sẽ đường đột tìm đến vào khoảng nửa đêm của những ngày trong tuần hoặc không thì chập tối ngày Chủ nhật. Sau đó chúng tôi sẽ ngủ với nhau, nhưng tôi rất, rất không có tâm trạng đó. Phải nói đấy là một người đàn ông cực kỳ sung sức, anh ta thèm được làm chuyện ấy ở mọi nơi, mọi lúc dù là sáng hay tối. Những khi khỏe khoắn thì như thế cũng vui, nhưng sẽ chẳng còn gì vui nữa khi có việc khác phải làm. Nghĩa là tôi hoàn toàn chẳng yêu gì con người ấy. Anh ta giống một bạn sex tình cờ gặp được khi bỗng nhiên nổi cơn thèm muốn. Trong khí thế hăng hái của những ngày đầu nảy sinh tình cảm, dường như tôi đã lầm tưởng sự thèm muốn ấy là tình yêu đối với anh ta.
Tôi nhận ra điều này bằng cách nào? Quả thật tôi đã không tự ý thức được mãi cho tới khi phát hiện thấy: hễ có anh ta ở trong phòng là tôi không muốn mở cửa sổ.
Vì tôi không muốn Nakajima trông thấy anh ta có những cử chỉ tự nhiên trong phòng mình.
Dù là với ai, nhưng nếu cứ cái kiểu như thế thì tôi nghĩ là mình không thể làm nổi.
Nói vậy, song chính bản thân tôi dạo gần đây cũng phải thừa nhận rằng, đúng là không khỏe thì không thể làm nổi chuyện ấy, mặc dù Nakajima mà tôi quý mến suốt ngày loanh quanh trước mặt. Ở cạnh một chàng trai trẻ trung thế mà tôi chẳng thấy rạo rực, cũng không có gì cần kìm nén. Vì thế nên tôi hoàn toàn không nghĩ gì đến nội tâm của Nakajima.
Tôi chỉ mơ hồ cảm thấy rằng biết đâu mình có thể thích hắn.
Tôi nghĩ mình không đời nào tin vào điều ấy, nhưng trong mọi chuyện, ở Nakajima luôn tỏa ra một bầu không khí đặc biệt khiến người ta dần bị thuyết phục, và khi ngâm mình trong bầu không khí ấy thì mọi sự dị dạng đều sẽ trở thành bình thường.
Chẳng hạn, từ khi ở cùng Nakajima, lần đầu tiên tôi nhận thức được một cách rõ ràng những suy tư trước đây và những ý định sau này của mình. Đó là bởi trong cách sống của hắn không bao giờ có sự chênh chao. Tôi sáng tỏ ra nhiều điều: ví dụ con người tôi cứ luôn thay đổi theo những ý nghĩ thất thường hết ngày này qua ngày khác, hoặc cố tự giày vò bản thân bằng cảm giác day dứt vì những ấn tượng cay nghiệt về tình cảnh của bố mẹ hay về cuộc đời của mẹ… Chẳng hạn, tôi luôn thầm cảm thấy có lỗi vì không thể thông cảm được với người mẹ lúc nào cũng cố gắng làm tất cả, tuy nửa vời, để chiều lòng thế gian, nhưng chưa đạt được điều ấy thì đã mất. Tôi đã luôn tự nhủ: Mình phải biết cảm thông với mẹ, bởi đã là con người thì ai cũng yếu đuối. Ở nhà quê, người ta không thể sống mạnh mẽ như thế được. Mình chỉ có một mình, lại sống ở thành phố nên gần như đã quên mất điều này, nhưng ở quê, mối liên hệ giữa con người vẫn còn quan trọng lắm, mà mẹ thì thuộc về nơi ấy. Mình đúng là một kẻ quá ngạo mạn, mình phải thay đổi.
Tuy nhiên, sau khi gặp Nakajima, nhìn hắn miệt mài sống mỗi ngày chỉ để làm những điều mình thích, lần đầu tiên tôi nhận thấy, hóa ra mình cũng cùng một dạng với mẹ: “Vốn không có khả năng đó, nhưng vì không dám khác người, nên lúc nào cũng cố tìm cách để chiều lòng thế gian.”
Khi tự hỏi lối sống ấy sẽ đem lại gì cho cuộc đời mình sau này, tôi nhận ra rằng cuộc đời của mẹ và tôi, dù nhìn từ phía nào, cũng hoàn toàn khác nhau. Thời đại, suy nghĩ, những thứ được cho là quý giá, tất thảy đều đổi khác. Nhưng không có nghĩa là tôi không yêu mẹ, không kính trọng mẹ hay không thể tha thứ cho mẹ.
Sau khi cẩn trọng bóc đi từng lớp sự cảm thông giả tạo bề ngoài thì sẽ thấy một cảm giác tha thứ tinh khôi, nhẵn mịn như vừa khởi sinh từ đó.
Tôi phát hiện ra một tình cảm mới mẻ trong mình và giác ngộ: “Ồ, vậy là mình đã lớn.” Đến lúc này, lần đầu tiên tôi ý thức được rằng: vì sống độc lập, từ lâu Nakajima đã là một người lớn.
Hắn không chỉ rất người lớn, mà còn rất đàn ông mặc cho vẻ bề ngoài yếu đuối.
“Đấy là lý do tại sao tớ lại như thế này, chứ không phải là tại Chihiro không hấp dẫn. Tớ xin lỗi.” Nakajima nhìn tôi trong bóng đêm, nói vẻ ngượng ngùng.
“Có gì đâu. Mà ai bảo tớ mong đợi điều ấy nào? Làm sao cậu biết được tâm trạng của tớ?”
“Thế á? Tớ cứ nghĩ con gái là như vậy đấy. Đã thân thiết rồi mà không ra tay là thể nào các nàng cũng giận.” Nakajima nói.
“Giờ thì tớ chưa giận đâu. Với lại, bọn mình mới đang bắt đầu trở nên thân thiết, nói thế nào nhỉ, mà thật ra tớ chẳng có những suy nghĩ kiểu như thế.” Tôi đáp. “Cậu yên tâm đi.”
“Ừ. Mà này, thực sự đã có rất nhiều việc xảy ra với tớ. Ngày xưa ấy. Vì thế tớ sợ chuyện đó lắm, sợ đến phát run lên. Sợ da trần đụng chạm với người khác. Sợ nhìn người khác trần truồng. Sợ quá nên không dám đến nhà tắm công cộng hay suối nước nóng nữa. Cậu có tin tớ không?”
Tôi không biết đã có chuyện gì, nhưng chắc là nghiêm trọng.
“Nghe một câu chuyện trắc trở của người khác cũng giống như cầm tiền của người ta vậy, không thể chỉ nghe xong để đấy. Bởi khi đã nghe nghĩa là ta đã nhận lấy trách nhiệm.”
Đó là câu mẹ thường nói. Mặc dù nghĩ vậy thì khó sống quá, nhưng tôi phải thừa nhận có thể thế thật. Thành thử tôi mắc một cái tật, ấy là hễ người khác định nói ra điều gì quan trọng, tôi sẽ lập tức co mình lại.
Vì có mẹ làm nghề tiếp khách, ngay từ nhỏ tôi đã biết rất rõ chẳng có giới hạn nào trong những câu chuyện trắc trở. Nên khi trở thành sinh viên, nghe những câu chuyện bất hạnh mà đám bạn gái thường tỏ ra vòng vo mỗi khi tâm sự, tôi chỉ coi như trò trẻ con. Đây là một loại kinh nghiệm tôi có được do phải nghe quá nhiều.
Rồi cả những chuyện kiểu: cậu đã làm tình bao giờ chưa, vân vân, thì ngay từ khi còn rất trẻ tôi đã hiểu được rằng, thật ra ở một mức độ nào đó, nó chẳng có gì ghê gớm.
“Đừng nói nữa vậy. Những chuyện khó mở lời thì càng chẳng nên nói ra.” Tôi ngăn. “Nếu tớ thực sự muốn chuyện ấy trong khi Nakajima bất lực, thì tớ đã đuổi thẳng cổ cậu ra khỏi nhà và đi kiếm bạn trai khác rồi, không vị tình hay nhân nhượng gì đâu. Nên cậu khỏi phải bận tâm. Bây giờ chưa phải lúc để có tâm trạng đó. Thật đấy.”
“… Ừ.”
Nakajima lặng lẽ khóc.
Tôi bỗng thấy thắt lòng như nhìn một đứa trẻ nhỏ. Vì hắn khóc như một đứa trẻ. Tiếng khóc không lối thoát, như đang tỏ bày với riêng Thượng đế. Tôi muốn ôm hắn vào lòng, nhưng nghĩ biết đâu làm thế cũng sẽ khiến hắn sợ nên bảo: “Để tớ nắm tay cậu ngủ nhé!”, rồi cầm lấy tay Nakajima. Bàn tay còn lại vẫn bưng mắt không rời, cứ như vậy Nakajima càng lúc càng thổn thức. Tôi nắm mãi, thật chặt bàn tay gầy, lạnh và khô của hắn.
Nhiệt độ bàn tay hắn nói với tôi về một cái gì đó bất lực, không thể vãn hồi. Tôi không hiểu lắm, nhưng tôi đoán dễ là ngày xưa hắn từng bị ngược đãi tình dục. Tôi nghĩ đã có cái gì đó bị hủy hoại một lần đến tan nát tới nỗi không thể chữa lành được nữa, hoặc để chữa lành sẽ phải mất nhiều thời gian.
Tôi nhận ra mình đã phạm phải sai lầm. Tôi thật không nhạy cảm trước những việc mình chưa từng trải qua. Tôi đã không hình dung ra được mức độ méo mó trong con người Nakajima.
Hẳn là từng biểu hiện thân mật nhỏ nhoi của một cô gái bình thường như tôi thể hiện ra với hắn đã gây cho hắn những dồn nén.
Nhìn gương mặt đầm đìa mồ hôi lúc Nakajima thổ lộ những lời ấy, tôi thấy hơi sợ, sau đó lại là cảm giác nặng trĩu. Giờ đây tôi vẫn còn đang kiệt sức, tôi quá mệt mỏi để bắt đầu một điều gì đó, nhưng tôi định chỉ ít lâu nữa thôi sẽ yêu, sống trẻ trung và vui tươi hơn. Tôi định sẽ đi xem phim, cãi vã, hẹn hò, ăn những thứ ngon lành bên ngoài (cái thế giới bên ngoài mà Nakajima rất ghét), sử dụng thời gian của cuộc đời mình một cách phung phí và hào hứng như vậy. Tôi không muốn đối diện với những thứ nặng nề. Tôi ước được như thế, nhưng nếu yêu con người này, tôi sẽ không thể đi tắm suối nước nóng và sex sẽ trở thành khổ hạnh. Vào khoảnh khắc ấy, tôi vẫn còn suy nghĩ rất đơn giản rằng: mình không thích thế, mình muốn sống vui vẻ cơ.
Nhưng Nakajima đã cất tiếng bảo tôi, bằng giọng mũi và đôi mắt như của một nam sinh tiểu học.
“Tớ thử được chứ? Để xem mình có làm được không. Nếu không phải bây giờ, tớ có cảm giác cả đời mình sẽ không thể làm được nữa.”
Và rồi tôi đáp: Có gì đâu mà không được.
Vì hắn sợ phải cởi hết quần áo nên chúng tôi vẫn mặc nguyên đồ ngủ, đụng chạm nhau trong tiếng sột soạt. Nakajima có một cơ thể khác thường và hình như chẳng lấy gì làm thích thú. Sex gì mà cứ như giả vờ, khiến tôi có cảm giác đang làm tình với một người đang nghĩ mình làm việc xấu.
Tôi vừa nghĩ về cơ bản chắc là mình phải thay đổi quan điểm nếu muốn làm chuyện này lâu dài với hắn, vừa thấy một cảm giác thật kỳ lạ.
Tuy nhiên, ở chỗ này chỗ kia trong những cử động của chúng tôi cũng có một vài tia sáng, chứ không phải hoàn toàn vô vọng. Kỷ niệm về cái đêm đầu tiên của hai đứa là như vậy đấy.
Sau khi tiễn mẹ về bên kia thế giới, dòng chảy của biết bao thứ đột ngột thay đổi.
Tôi không phải thường xuyên về quê nữa, Nakajima đã sang nhà tôi chơi. Dường như mỗi ngày tôi đều bắt gặp một giấc chiêm bao lạ lùng với câu hỏi: mọi chuyện đã như thế từ khi nào? Và cảm thấy mình đang sống trong giấc mơ của một người không quen biết. Tôi mơ hồ nhớ lại về hài cốt, về nhà hỏa táng và tự hỏi: điều đó đã xảy ra thật ư?
Thế rồi tôi nhận được một công việc quan trọng.
Tôi vốn là một họa sĩ làng nhàng chuyên vẽ bích họa.
Một vài lần được giới thiệu trên ti vi nhờ cách phối màu lạ mắt, lại là phụ nữ đơn thân có thể đi bất cứ đâu (nhưng tôi thường phải thuê người do không biết lái xe), thành thử tôi nhận được khá nhiều công việc ở khắp nơi. Mặc dầu chẳng mấy tiếng tăm, song nhu cầu đối với công việc này lúc nào cũng sẵn, nên tôi liên tục phải đi để vẽ lên những tường nhà, góc vườn, hay bức tường sắp đổ của bảo tàng hải dương học, nhà kho của hội đồng thôn. Mục đích của tôi là được vẽ tranh ngoài trời, do đó về cơ bản tôi không đáp ứng những yêu cầu phải vẽ một cái gì cụ thể. Nhưng rồi tôi cũng chấp nhận những đề nghị chung chung kiểu như vẽ hoa quả, động vật hay biển v.v… Cho tới giờ, tôi đã vẽ lên hai mươi bức tường, nhà kho và đồ chơi công viên.
Nói vậy nhưng nếu hỏi tôi có thực sự muốn kiếm sống bằng cách này không thì câu trả lời là: không hẳn. Nhận được sự khen ngợi sau một lần làm thử là lý do duy nhất khiến tôi tiếp tục.
Tôi chỉ đơn giản là thích cái cảm giác của cuộc sống trong lúc vẽ tranh tường nên không đặt nặng giá trị nghệ thuật.
Bởi đằng nào rồi cũng có ngày bức tường bị phá đi, hoặc sơn lại do những dự tính của nhà nước nên tôi hoàn toàn không để tâm tới chi tiết. Có được những giây phút vẽ tranh thật vui, vừa vẽ vừa trò chuyện hoặc kết thân với mọi người xung quanh, rồi để bức vẽ làm ấm lòng những người dân sống gần đó trong ít lâu, với tôi như thế là đủ.
Bức tường người ta nhờ tôi vẽ lần này nằm trong khuôn viên trường Đại học Nghệ thuật mà tôi từng theo học. Đó là một bức tường thấp, ngăn cách khuôn viên trường đại học với không gian xung quanh tòa nhà trước đây là vườn trẻ nhưng nay đã trở thành lớp vỡ lòng tư thục. Mặt tường phía trường đại học có một bức bích họa đã cũ, nhưng phía lớp vỡ lòng thì chỉ sơn vàng, vì vậy họ nói cứ vẽ gì tùy thích.
Địa điểm vẽ ngay gần nơi tôi ở, lại là tòa nhà đã lưu giữ nhiều kỉ niệm, nên khi Sayuri, cô bạn hồi đại học hiện đang dạy dương cầm tại lớp vỡ lòng đó đưa ra đề nghị, tôi đã phấn khởi nhận lời.
Tòa nhà của lớp vỡ lòng tuy đã cũ nhưng cũng dễ thương, nó được một kiến trúc sư người thành phố này dồn bao tâm sức xây dựng vì lũ trẻ, với mong muốn tạo nên một tòa nhà lưu lại cho hậu thế.
Từ hồi còn học ở trường, tôi càng nhìn càng yêu biết bao hình dáng của bức tường và tòa nhà, cùng với khoảng sân và ngọn núi giả xinh xắn được làm cho lũ trẻ, tôi thường tựa lưng vào bức tường đó ăn cơm hộp trong lúc ngắm nhìn điệu bộ của chúng. Một tòa nhà ấm cúng đến độ tôi ước mình được học ở đó nếu tôi là một đứa trẻ.
Quá trình xuống cấp diễn ra nhanh chóng đến mức nguy hiểm, mà sửa chữa thì rất tốn kém nên ở đâu đó người ta đã bàn tới chuyện dỡ bỏ, ngay đài truyền hình cũng đưa tin. Tôi còn cùng nhóm người muốn bảo vệ các công trình của địa phương trả lời phỏng vấn về chủ đề liên quan tới việc vẽ tranh tường mà tôi được họ nhờ.
Tuy nhiên, tôi chẳng can dự sâu vào những chuyện mang tính chính trị như vậy, mà chỉ quan tâm tới tòa nhà, vì xét về tính chất thì đó là nơi lúc nào cũng đầy ắp trẻ thơ, nên tôi muốn ghi lại trên tường cái cảm xúc khi nhìn vào những đôi mắt ấy trong lúc vui đùa với chúng. Tôi định sẽ dành cả mùa xuân này cho việc đó nên chưa nghĩ đến việc nào xa hơn. Mà có nghĩ xa cũng chẳng ích gì.
Công việc sáng tạo là như vậy, ta cứ tưởng ta đang tự mình xoay vần mọi thứ và cảm hứng sẽ tìm đến với ta, nhưng sự thực ta chẳng thể làm gì một mình.
Chắc chắn lũ trẻ sẽ giúp tôi tạo ra bầu không khí. Chúng sẽ cùng khắc sự vĩnh hằng lên tường. Sự vĩnh hằng ấy sẽ còn mãi cho dù bức tường bị phá bỏ. Như vậy là đủ.
Dạo gần đây, tôi đã phải làm nhiều việc mình không quen, nào chăm mẹ ốm, nào tổ chức tang lễ, những thứ giống như cặn ghét của người đời từ đó bám vào tôi, nên tôi muốn lao đầu vào công việc để rũ sạch tất cả.
Những khi cật lực chăm sóc mẹ, đầu óc tôi chỉ có mỗi một ý nghĩ là mình thật vất vả, nhưng thực tế thì hoàn toàn không, vì lúc nào tôi cũng hướng suy nghĩ của mình về những điều tốt đẹp, hoặc là về phía ánh sáng. Tôi chỉ lấy làm lạ là, nhiều lúc nảy ra điều gì đó thì lại không thể trò chuyện được với mẹ.
Tôi đã lo lắng và làm biết bao điều vì mẹ, vậy mà mẹ hoặc đang trong trạng thái hôn mê hoặc thẫn thờ, chẳng tỏ vẻ quan tâm. Đó là điều duy nhất khiến tôi đau lòng.
Cuộc trao đổi chiều nay diễn ra suôn sẻ.
Tôi đã trò chuyện cởi mở với người chủ của lớp vỡ lòng, một cặp vợ chồng từng làm việc tại vườn trẻ bên Mỹ, và đi đến thống nhất là sẽ vẽ những con vật sống động, tuy còn băn khoăn đôi chút về nhiều chỗ lồi lõm trên tường, nhưng tôi hiểu rằng nếu trát lại sẽ vô cùng tốn kém cả về thời gian cũng như tiền bạc, nên thay vào đó, có thể tạm khắc phục bằng sơn lót, hơn nữa lại không cần trải bạt vì dưới chân tường là nền đất.
Như vậy công việc dễ thở hơn nhiều, phí tổn do thành phố chi trả, tôi sẽ nhận được tổng cộng năm trăm ngàn yên, số tiền để một đứa không biết lái xe như tôi dư sức thuê một người phụ việc trong vài ngày. Trong trường hợp thuê người, họ sẽ cung cấp xe luôn, như thế việc hàng ngày phải vận chuyển hai mươi thùng màu nước cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Thang thì tôi đã mượn được của trường, nếu khéo ra còn có thể cất tạm dụng cụ trong chỗ trống của nhà kho. Một khởi đầu tốt hơn tôi tưởng. Phân nửa những công việc như thế này được thực hiện ở nơi công cộng nên một khi đã vướng mắc thì sẽ dằng dai mãi. Nhưng lần này cảm giác thật dễ chịu.
Trong lúc khảo sát chiều dài bức tường, tôi tự hỏi chẳng biết hôm nay Nakajima có sang ngủ nữa không?
Tôi không háo hức, nhưng thấy cảm giác ấm áp lan tỏa trong lòng.
Như một kẻ vừa có người yêu mới.
Rồi tôi lại chợt tự hỏi: nếu sau này xuất hiện một người mà tôi yêu đến cuồng nhiệt khiến sự có mặt của Nakajima ở nhà tôi trở nên bất tiện thì sao? Bây giờ thì tôi chưa thể nói gì được. Hắn có một sức ảnh hưởng mang tính quyết định tới tôi, nhưng sức ảnh hưởng và tình yêu có lẽ là hai thứ khác nhau.
Thời gian này còn đang vui vẻ nên tôi chưa nghĩ tới chuyện ấy, nhưng nếu nó xảy ra khi quan hệ giữa hai đứa đã trở nên sâu sắc thì vấn đề không còn đơn giản nữa.
Vả lại, nếu vì thế mà tôi đuổi hắn ra khỏi nhà thì hắn sẽ ra sao? Liệu hắn có tự sát hay phát điên không?
Bản thân tôi không có vết thương lòng nào sâu sắc, thành thử tôi không thấm thía được tâm trạng của một con người đã phải trải qua những điều kinh khủng trong quá khứ. Và ắt là tôi không được phép cho rằng mình hiểu. Thừa nhận mình không hiểu những chuyện mình thực sự không hiểu chính là tôn trọng người đó.
Nhưng, tôi tự nhủ, cũng chẳng sao nếu mình tiếp tục thích Nakajima.
Chúng tôi đã khởi đầu quá mức thận trọng, và tôi đang bắt đầu thích Nakajima. Về chuyện này, dù cho khiêm tốn cũng phải công bằng mà nói, nếu là người khác thì chúng tôi đã dừng lại rồi. Ở hắn có cái gì đó mang tính quyết định.
Khi định xây nhà, một số người muốn tự mình tìm đất, thuê người thiết kế, lựa chọn từng loại vật liệu làm tường. Nhưng tôi không phải típ người như vậy, tôi thích ngắm nghía kỹ càng theo một cách riêng những gì mình tình cờ phát hiện ra.
Vẽ tranh tường cũng vậy, có người sau khi đã trát kín mạch vữa, biến bức tường thành một tấm toan trắng tinh, cân nhắc sự hài hòa với màu sắc xung quanh, lựa chọn mô típ, dựng sẵn phác thảo rồi mới phóng lên tường.
Nhưng tôi lại thuộc kiểu người chỉ lấy vẽ tranh làm vui nên cứ hăng say vẽ cái đã, chẳng cần cả nghĩ, tới chừng nào việc sáng tác gặp trở ngại, tôi sẽ bằng mọi cách giải quyết để hoàn thành. Tóm lại, tôi theo chủ nghĩa cứ tới nơi rồi hẵng tính, mọi thứ đều đã sẵn sàng ở hiện trường, và hoàn toàn không tin vào những gì đã nghĩ sẵn trong đầu. Tôi muốn vừa quan sát hình dáng các sự vật và dòng chảy của thời gian, vừa vận động cơ thể, cố gắng ở ngoài trời càng lâu càng tốt.
Thế là, trong phần lớn các trường hợp, một sự hài hòa đến bất ngờ sẽ tự nhiên thành hình sau khi mọi thứ hoàn tất. Những lúc ấy, tôi tưởng như mình vừa thể hiện xong một vũ điệu thời gian thực cùng thế giới.
Cảm giác như mình đã nhảy cuồng nhiệt, bằng cả cơ thể, với nơi chốn đó, với miền đất đó… Và rồi nói lời chia tay mãi mãi, để hướng tới miền đất tiếp theo.
Tất nhiên, tôi thừa hiểu rằng đây là một phong cách không tinh tế. Nhưng với tôi, bích họa chỉ là thú vui chứ không phải một nghề chính thức. Do đó, tôi tạm hài lòng với hiện tại. Tôi vẫn đang cân nhắc xem mình có định chọn nó làm nghề nghiệp tương lai hay không, vả lại những trở ngại do cách làm hiện nay gây ra cũng sẽ được cải thiện theo cách riêng của tôi tùy theo từng trường hợp. Biết đâu cứ như thế rồi một ngày kia tôi sẽ trở thành họa sĩ tranh tường chuyên nghiệp. Tôi tin nếu trau chuốt để phong cách ấy trở thành điêu luyện và mọi chuyện thực sự thuận lợi, thành quả sẽ đến với mình. Còn lúc này vẫn là giai đoạn âm thầm tiến về phía trước.
Tất nhiên không khỏi có người bài xích cách làm của tôi. Đại khái như: ôi dào, kỹ thuật như thế, tranh thì nguệch ngoạc như thế mà cũng đòi lên truyền hình trả lời phỏng vấn như thể nghệ sĩ tiếng tăm không bằng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là tôi chỉ làm theo một phương pháp duy nhất, đã được mài giũa và tuyệt đối không nhượng bộ.
Đó là luôn suy xét xem những bức tranh, vì được vẽ ở ngoài trời, liệu có lỗi thời sau hàng chục năm hay không?
Trước tiên, cần quan sát thật kỹ dòng chảy của cái tinh thần lẩn khuất trong mỗi khung cảnh và nơi chốn, thì rồi tự nhiên những màu sắc và mô típ phù hợp sẽ hiện ra. Nếu tôi nắm bắt chính xác điều đó, tạo được sự hài hòa thực sự với mọi thứ xung quanh và tinh thần của tôi không rệu rã thì bức tranh sẽ chẳng bao giờ lỗi thời cho dù mười năm, hai mươi năm, thậm chí hàng trăm năm trôi qua. Riêng về điều này thì tôi tự tin tuyệt đối, và đã xác định một cách rõ ràng, giống như người thợ nề tự hào về ngôi nhà do mình cất lên. Tôi đã xác định, tuyệt nhiên không dao động. Không mơ hồ. Tôi đang thách thức thế giới bằng việc khắc lên một dấu ấn nhỏ của mình, giống như lũ chó đái để đánh dấu lãnh địa của chúng.
Tôi không biết có nên đánh đồng tình yêu với cái gọi là sự chuẩn bị, hoặc kế hoạch, hoặc ảo tưởng hay không, tuy nhiên giữa tôi và Nakajima không hề tồn tại sự chuẩn bị, kế hoạch hay ảo tưởng ấy. Chỉ khi có Nakajima trước mặt, ở chỗ nào có hai đứa, chúng tôi mới thúc đẩy việc ấy.
Đâu còn cách nào khác khi mà chúng tôi luôn sống dựa vào những cảm giác thực tế.
Tôi nghĩ, người như Nakajima, một người khác thường đến vậy, trên đời này chắc chỉ có một mà thôi.
Tôi chưa từng thấy ai khác đứng bên cửa sổ đêm mà im lìm nhường ấy. Ngay từ đầu hắn đã không tin vào xã hội và con người, nên chỉ đứng bên lề. Dáng đứng ấy vừa bi ai vừa mạnh mẽ khiến tôi cứ phải mãi ngắm nhìn.
Giờ đây nhớ lại, tôi thấy mình dạo đó giống một nữ sinh cấp hai đang ôm mộng đơn phương khi ngắm cái bóng ngược sáng của Nakajima bên cửa sổ. Tôi muốn khắc sâu hình ảnh ấy vào đáy mắt. Tôi chỉ nghĩ, dáng hắn đứng sao mà đẹp thế.
Nao lòng quá…
Tôi nghĩ vậy trong lúc ngước nhìn những cành cây khô. Chúng có hình những bàn tay xòe rộng, ánh sáng yếu ớt đặc trưng của lúc giao mùa từ đông sang xuân đang rọi xuống qua những kẽ hở.
Dạo trước tôi qua đây hằng ngày nên nắm rất rõ địa điểm này. Chắc sẽ không có chuyện tôi vẽ ra những thứ kỳ quặc. Tuy nhiên tôi vẫn đứng thêm một lát để xem mình có bỏ sót gì không. Tôi quyết định vẽ một bức tranh vừa hơi buồn, vừa hơi vui. Một phác họa lờ mờ đã hiện trên bức tường, giống như một cái bóng tuyệt đẹp.