Búp bê Bắc Kinh - Chương 03 - 04

3. LÝ KỲ

Anh ta nói với tôi tên anh là Lý Kỳ. Người Sơn Đông. Nguyên tên là Lý Tiểu Lai. Học tại Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn. Thích văn học, hội họa, âm nhạc, đã từng lập ra một ban nhạc tên là “Ruột thừa” (với ý là một cái gì đó thừa ra, vô dụng), đã từng biểu diễn ở vài nơi.

Tôi biết rằng những thứ trên đây đọc chẳng khác gì một thông báo tìm người mất tích. Nhưng tôi nghĩ cách tốt nhất là giới thiệu anh càng sát thực càng tốt.

Anh có một cô bạn gái, người cùng thôn; anh đã cho tôi xem ảnh cô bạn gái đó một lần, chẳng có gì đặc biệt, nhưng gây ấn tượng đó là một người biết phải sống như thế nào. Anh cũng cho tôi xem những tấm ảnh họ chụp chung, cả hai đều tươi cười, mà Lý Kỳ trông rất trẻ con, với vẻ dễ mến của một đứa trẻ hư đang nũng nịu với vú nuôi của nó, khiến cho cô bạn gái của anh ta càng có vẻ nghiêm nghị. Một trong số các tấm ảnh đã bị đốt cháy mất một phần, điều tôi có thể thấy rõ từ các vệt đen; phần bị đốt mất chắc phải là hậu quả của một thảm kịch hoặc một xung đột nào đó. Anh nói mối tình giữa họ đã chết. Anh không nói là anh đã từng yêu cô ta, anh chỉ nói, “Anh có thể làm gì được? Anh không thể rời bỏ cô ấy”, bởi vì cô ta đã định tự sát không dưới một lần, và còn nói với anh rằng nếu anh còn quan hệ với người khác hoặc bỏ cô thì cô ta sẽ tự tử. Giọng điệu của anh tỏ vẻ chấp nhận số phận. Với tôi, sự cùng quẫn của cô ta là hạ tiện, nhưng anh lại bảo đó là một mối quan hệ đã bị hỏng, không thương yêu nữa nhưng vẫn vật vã với ý tưởng chấm hết “tình yêu”. Làm thế nào mà một người theo chủ nghĩa hoàn mỹ như tôi lại có thể chấp nhận được điều đó?

Lý Kỳ cũng thường xuyên làm thơ. Đó là vào mùa đông năm 1998, khi anh còn chưa thành danh, và hầu bao thường xuyên ở trong tình trạng tệ hại. Phần lớn những bữa ăn trưa, anh thường phải trông vào lòng tốt của người lớp trưởng, mua hộ một bát cơm, rồi lại ăn ké vào phần thức rau và thịt của một người bạn khác. Tiền không có, còn làm gì được. Anh suy sụp. Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng anh vẫn có ý định tự sát. Anh một lần nói với tôi rằng anh đã viết xong một bài thơ và muốn đọc chúng cho tôi nghe. Anh thật sự hãnh diện về một bài trong số đó. Bài đó hình như là, “Một con chim bay đến và đậu lại trên ngón tay ta…”, tiếp đến là gì gì đó, cho đến câu cuối cùng thì là, “Con chim thứ ba bay đến làm ta vui mừng.” (Ha, không biết tôi nhớ có nhầm không, đã lâu lắm rồi!). Anh hỏi tôi thấy thế nào, nhưng thật kỳ lạ, tôi chưa bao giờ quan tâm lắm đến thơ của anh. Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa rõ điều gì đã thu hút tôi đến với anh. Có thể chẳng là gì cả. Nhưng có ngày nào mà không phải một giấc mộng.

***

Một tối Chủ nhật tôi nói với Quả Đống bạn tôi rằng tôi muốn gặp anh ta. Lúc này anh ấy đang làm biên tập viên của tờ Đời sống Âm nhạc. Chúng tôi hẹn gặp nhau trước cơ quan của anh ở cổng Phụ Thành, và tôi đến nơi giữa lúc nửa buổi của một chiều rực rỡ, khi không khí thực mát mẻ, thanh sạch. Quả Đống đang dựa vào bờ tường bao quanh cơ quan anh và chờ tôi. Tôi mặc bộ quần áo hồng bình thường; anh mặc áo jacket xám và quần jean xanh. Tóc anh cắt ngắn, tựa như một thiếu niên ngây thơ chưa tường thế sự. Tôi chạy tới, và hai chúng tôi cùng dạo bước về phía quảng trường Thiên An Môn. Đối với chúng tôi, đó là một chốn thiêng liêng. Lúc này các cửa hàng giải khát hai bên đường đã bật đèn, bầu trời gần như xanh trong, còn lòng tôi lại trăn trở tan nát. Điều vừa xảy ra giữa Lý Kỳ và tôi vào đêm hôm trước vẫn còn in dấu trong đầu tôi, và tôi bị bóp nghẹt bởi một trạng thái mà ngay hiểu được tôi cũng cón không thể, nói gì đến việc mô tả. Điều đó thật tệ hại đến nỗi tôi cảm thấy ngột ngạt khó thở, đầu óc đờ đẫn.

Tôi quyết tâm vào đề. “Quả Đống, em có chuyện muốn nói với anh.”

Quả Đống tỏ vẻ bối rối. Mặt tôi tái nhợt đi khi tôi nói với anh chuyện mà Lý Kỳ và tôi đã làm, từ đầu đến cuối. Anh đã kinh ngạc y như tôi đoán, anh vừa nghe tôi nói vừa tỏ vẻ bồn chồn. Rồi anh nói với tôi rằng anh vẫn còn trong trắng. Có thể vì thấy tôi chân thành, nên anh cũng muốn thổ lộ. Anh nói rằng anh đã phải lòng một cô gái, một nữ hộ lý xinh xắn chừng mười sáu hoặc mười bảy tuổi, và cô gái cũng thích anh, cho dù anh chưa thổ lộ với cô tình cảm của mình. “Vì cô ấy còn quá trẻ,” anh vừa nói vừa cúi đầu. “Anh không muốn làm điều gì thương tổn đến cô ấy”. Lúc ấy chúng tôi đã đi đến đại lộ Trường An, và tôi nhận ra rằng nói chuyện với Quả Đống vẫn chẳng hề khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi hiểu rằng điều tôi thật sự mong muốn là nói chuyện với Lý Kỳ, rằng lòng tôi đang cảm thấy trống trải. Hiển nhiên là những gì đã xảy ra là một sự việc ghê gớm đối với tôi, nhưng chẳng một ai có để mà nghe đìều tôi muốn thổ lộ.

Tôi đến lớp học vào thứ hai như thường lệ. Vẫn là con đường ấy, nhưng không khí hình như đã đổi khác. Lòng tôi trĩu nặng, cùng lúc có một thứ gì đó không thể cưỡng được đang làm rối loạn đầu óc tôi. Cái tên Lý Kỳ đã chen vào trong ý thức tôi, và điều đó xảy ra nhanh đến nỗi tôi chẳng có thời gian để mà điều chỉnh. Có cái gì đó ở mãi đáy sâu khiến tôi như ngồi trên lửa đốt, và tôi chẳng thể nào tập trung được vào bất cứ thứ gì đang diễn ra xung quanh, và tôi cũng bất lực không xua nổi những gì đã diễn ra ra khỏi tâm trí, nơi đang đầy ắp những ý tưởng điên rồ, lẫn lộn. Và chúng còn trở nên tệ hại hơn nữa. Tôi sợ rằng những xúc cảm và trạng thái tâm hồn hỗn loạn mà Lam Thảo đã khuấy động trong tôi hồi lớp chín sẽ lại xuất hiện. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất mà tôi thấy chẳng khác nào cái cảm giác choáng váng khi bạn hít phải khói thuốc, ánh sáng mặt trời, nỗi khủng khiếp chói lòa. Tôi thật sự bàng hoàng, run rẩy.

***

Tôi đi gặp Lý Kỳ vào thứ bảy. Trong lúc cả hai cùng nằm trên giường, anh nói với tôi rằng cô bạn gái cũ hôm qua đã đến gặp anh.

“Đó là Thái Vân ư?” tôi lo lắng hỏi.

“Không phải, một người khác.” Anh châm một điếu thuốc lá, rít một hơi rồi tiếp tục: “Cô ấy đến trường tìm anh. Cô ta gọi anh là Tiểu Lai. Em có nhớ anh đã nói với em rằng trước đây anh đã mang cái tên Lý Tiểu Lai không? Cô ấy đến vào buổi trưa, khi anh không có ở đó, vì vậy lớp trưởng đã chỉ cho cô ấy nơi anh ở. Cô ấy đã đến gặp anh vào tối hôm đó.”

Tôi im lặng lắng nghe không nói một lời. Anh liếc nhìn tôi. “Chỗ này chẳng ấm áp chút nào, em biết đấy, nên anh quyết định dẫn cô ấy đến qua đêm chỗ lớp trưởng.”

“Thế anh ta thì sao?”

“Anh ta đến đây ngủ.”

“Hai người có làm tình với nhau?”

“Dĩ nhiên.” Anh ta có vẻ thực sự ngạc nhiên khi tôi còn hỏi câu đó.

“Sao lại thế?”

“Cô ấy đã cất công đến thăm anh, thật là tội nghiệp, vì thế anh phải làm cho cô ấy cảm thấy được an ủi…”

“Anh cho rằng cách đó khiến cô ta cảm thấy được an ủi?”

“À, anh không muốn làm cô ấy buồn khổ.”

“Thế anh…”

“Cô ấy đã cất công đến thăm anh, đi xa vất vả như vậy, hỏi thăm mãi để đến chỗ của anh. Anh không biết bây giờ cô ấy làm gì… có thể cô ấy là gái làm tiền.”

Trong lúc chúng tôi nằm trên giường, Lý lại châm một điếu thuốc nữa, một vẻ buồn buồn hiện trên mặt anh. Tôi nghĩ đến những tâm sự của mình.

“Anh yêu em không?” tôi hỏi anh.

“Không.” Anh ta nói không chút do dự. “Anh chẳng yêu ai cả.”

Hỡi trời! Trái tim thiếu nữ của tôi! Nước mắt tôi cứ trào ra. Anh ta thẳng thắn đến vậy, trung thực đến vậy, nhưng đó chẳng phải là điều tôi muốn nghe. Cái đèn bàn tỏa ra một thứ ánh sáng vàng câm lặng. Những cái bìa cứng của những album nhạc, những cuốn sách triết học Lý xếp ở phía giường tôi nằm chọc mãi vào người tôi, nhưng tôi cố giữ mình không động đậy, mà im lặng, mặc cho nước mắt tuôn trào.

“Anh xin lỗi.” Lý nói.

“Đừng nói nữa.” Tôi cố ngừng khóc, nhưng chẳng ăn thua gì, và tôi chỉ nằm đó và lau đi dòng nước mắt đau khổ.

***

Tối hôm sau, lúc nói chuyện với Tử Dư, người bạn rất tốt của tôi, tôi quyết định hỏi cậu ấy xem có đi cùng với tôi để gặp một người hay không. Tôi không muốn đi một mình. Cậu ta do dự, và tôi nghĩ cậu ta có thể đã lờ mờ đoán tất cả những chuyện này là thế nào. Nhưng một lúc sau cậu ta nói, “Được rồi, chúng ta đi đứng thế nào đây?”

“Đi tàu điện. Đến Tích Thủy.”

Chúng tôi chẳng hề nói năng gì trên đường đến ga tàu điện ngầm. Tử Dư là một người biết những câu hỏi nào thì không nên hỏi. Chúng tôi giữ một khoảng cách dễ chịu trong quan hệ, trong sáng và rõ ràng, như nước tinh khiết vậy, cho dù lúc này hay lúc khác tôi thành thật ước muốn cậu ta hỏi tôi một điều gì đó riêng tư.

Khi chúng tôi rời ga tàu điện ngầm, tôi dặn Tử Dư rằng nếu Lý Kỳ có ở nhà thì cậu ấy không cần phải quanh quẩn ở đó. Còn nếu Lý đi vắng, thì cậu ấy và tôi có thể cùng quay về.

Tử Dư nói được.

Cậu ấy luôn luôn nói được, bất kể tôi đòi hỏi cái gì. Kể cả những yêu cầu vô lý. Tôi đã nói rồi, cậu ấy là một người bạn tốt.

Tôi nói cậu ấy đợi ở ngoài khu nhà tập thể của Lý. “Nếu quá năm phút không thấy tớ ra thì cậu cứ về trước.”

“Đây, tớ có cái này cho cậu.” Tử Dư đưa cho tôi một tờ giấy gấp. Cậu ta trông chẳng có gì là khác thường, vẫn điềm tĩnh và vô tư, ngoại trừ một chút khích động hoặc thậm chí có thể là đau khổ trên khuôn mặt. “Đừng mở ra vội, hãy chờ sau khi tớ đi khỏi đây đã,” cậu ta nói, nhịp thở nhanh dồn dập. Tôi nhìn thấy nụ cười đầy răng của cậu ta trong bóng tối.

“Ô kê.” Tôi cầm lấy tờ giấy, vẫn còn âm ẩm từ bàn tay đẫm mồ hôi của cậu ta. “Đợi năm phút. Nếu tớ không ra, cậu cứ việc đi.”

Tôi bước vào sân chung cư. Có một cái khóa trên cửa phòng của Lý Kỳ. Thất vọng và lo lắng tràn ngập lòng tôi.

Tử Dư ngạc nhiên nhìn thấy tôi quay trở ra. “Chuyện gì vậy? Không có ở nhà ư?”

“Không, thế mới là lạ,” tôi nói. “Cậu thử nghĩ xem anh ta giờ này có thể đi đâu?”

“Tại sao chúng ta không chờ một lúc xem sao?” Tử Dư gợi ý.

“Cứ như vậy nhé.” Tôi vẫn nhưngắm chặt tờ giấy còn chưa mở và tựa vào tường. Những vệt sáng mỏng mảnh màu da cam từ đèn đường trượt qua những tán cây đầy bóng tối. Chừng một phần tư giờ sau, chúng tôi nhìn thấy bóng của hai người đang bước về phía chúng tôi.

“Có phải em là Xuân Thụ không?” Trưởng lớp của Lý Kỳ nhìn thấy tôi trước. Tôi bước tới.

“Xin chào.”

“Em đến có chuyện gì?” Lý hỏi tôi.

“Em chỉ cảm thấy muốn đến thăm anh.”

“Thôi, tớ đi đây,” Tử Dư nói, liếc nhìn tôi rồi bước đi. Áo trắng của cậu ấy bừng lên dưới ánh đèn.

Còn lại chúng tôi bước vào phòng của Lý. Tôi đã thở thật sâu để hít ngửi mùi vị của căn phòng, tôi gắng hít thở nhiều không khí ở đây. Mới chỉ có một ngày tôi chưa được gặp mặt anh nhưng lúc ấy tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ chẳng bao giờ rời bỏ anh, vì bất cứ thứ gì.

Sau một lúc, lớp trưởng của Lý nói tạm biệt, để lại hai chúng tôi ngồi đối diện với nhau.

“Em đến có chuyện gì?” Lý lại hỏi.

Tôi cười, nhưng không trả lời.

Rồi một lần nữa, tôi lại ngoan ngoãn nằm dưới anh, trần truồng, tôi lại nhận ra rằng hai chúng tôi phải làm chuyện này cho đến cùng.

Rã rời, chúng tôi cùng ngủ lịm đi. Vào chừng khoảng mười một giờ đêm, anh đánh thức tôi. “Xuân Thụ, anh xin lỗi, nhưng bây giờ thì em phải về đi.” Tôi trèo ra khỏi giường và mặc quần áo, và anh đi cùng tôi đến ga tàu điện ngầm. Anh vẫy chào tôi từ phía trên, tôi vẫy lại, rồi anh quay người và đi khỏi.

Nhưng khi tôi đến quầy vé, người bán vé trả lời tôi rằng chuyến tàu cuối cùng đã rời khỏi đây khoảng chừng một phút trước. “Shit!” Tôi rủa thầm trong bụng, sau đó thì chạy đuổi theo Lý Kỳ. Anh đang lững thững đi phía trước, tay xách túi ni lông trong có hai quả táo anh vừa mua. Tôi nhanh chóng đuổi kịp anh. “Này!” Tôi bổ đến, bám vào vai anh.

“Anh tưởng em đã đi rồi chứ.” Tôi nhận thấy anh ngạc nhiên một cách dễ chịu.

“Em đến thì chuyến tàu cuối đã chạy rồi,” tôi nói.

“Làm thế nào bây giờ? Mai em còn phải đi học. Anh sẽ lấy xe đèo em về.” Anh cười.

“Không cần đâu.”

Để anh lấy xe đưa tôi về có nghĩa là tôi mắc nợ anh, và tôi không muốn như thế. Cứ thế này tốt hơn, không ai nợ ai cái gì.

Vậy là chúng tôi trở về phòng của anh và ăn táo. Trong khi gọt táo bằng một con dao, anh nói một cách lạnh lùng, “Quay lại thế này là em đã trực tiếp làm tổn hại đến kinh tế của anh.”

“Ý anh muốn nhắc đến táo?”

“Đúng vậy.” Giọng Lý không có vẻ gì là đùa cợt.

“Bố khỉ! Anh không có ý ấy chứ,” tôi nói vui vẻ.

Trước lúc đi ngủ, tôi mở xem tờ giấy đầy bụi bẩn mà Tử Dư đã đưa cho. Tử Dư đã viết những dòng sau bằng nét chữ thanh nhã, nắn nót của cậu ấy: “Đêm nay nhất định có một thảm kịch. Trên đường trở về, sẽ có một vụ nổ trên đường tàu điện ngầm, và tôi sẽ là người duy nhất sống sót. Ha ha, vĩnh biệt mãi mãi!”

Đêm hôm đó tôi nằm trằn trọc ngủ không đẫy giấc. Chúng tôi không làm tình thêm lần nữa. Thực tế, chúng tôi hầu như không chạm vào nhau, và người này càng dịch ra mép giường cách xa người kia càng tốt. Đều cùng chán. Chúng tôi đã mất hứng thú với nhau. Với tôi, còn có thực tế kinh khủng là tôi đã ra ngoài chơi bời suốt cả đêm, cộng với áp lực phải dậy sớm vào hôm sau để đến trường, điều đó khiến tôi lo lắng. Tôi đã khao khát được ở cả một đêm với Lý Kỳ, nhưng giờ đây khi tôi đã có cơ hội, cảm giác ham muốn anh đã bay đi đâu mất. Tại sao đột nhiên tôi chẳng còn thấy tí chút tình yêu nào đối với anh? Kỳ lạ. Tôi cứ nằm đó ngẫm ngợi những ý nghĩ điên khùng ấy. Lại còn Tử Dư nữa – cậu ta đã phải biết điều gì đang xảy ra giữa tôi và Lý Kỳ, và tôi tự hỏi không biết cậu ấy cảm thấy ra sao trong chuyện này. Buồn? Lo lắng cho tôi? Có thật chúng ta chỉ là bạn bè “tốt” hàng ngày mà thôi? Ngày mai tôi biết nói với mẹ thế nào? Đêm qua con đã… tôi thở gấp gáp, dồn dập, miệng tôi khô khốc, tôi trằn trọc, lật qua lật lại suốt cả đêm. Không một giấc mơ. Đây là một trong những đêm dài nhất của đời tôi.

Tôi lên chuyến tàu điện ngầm đầu tiên vào sáng hôm sau và đi thẳng về nhà. Khi mẹ tôi nghe thấy tiếng khóa mở cửa, bà chạy vào phòng khách vừa đúng lúc nhìn thấy tôi bước vào, chuẩn bị sẵn một vẻ hối lỗi, với mặt mũi bẩn thỉu, tóc tai bơ phờ. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi không ngủ ở nhà mà ở ngoài cả đêm, và cơn giận của mẹ ngay lập tức bốc lên ngùn ngụt, mẹ mắng mỏ tôi té tát.

“Mẹ im đi được rồi đấy, con nghe đủ lắm rồi,” tôi cãi lại. “Con mệt lắm rồi, và con cần hai mươi tệ để đi taxi đến trường. Sắp muộn học mất rồi.” Tôi chìa tay ra.

Mẹ tôi đờ người ra mất một lúc, rồi lấy hai mươi tệ ở trong ví ra đưa cho tôi rồi về phòng ngủ tiếp, vừa đi vừa rủa xả tiếp. Tôi chắc đã phải làm mẹ thất vọng lắm, nhưng tôi đã quá mệt mỏi ko sức đâu mà để ý đến điều đó

4. CÔ TỊCH

Trái tim tôi tan nát, nhưng tôi chẳng có băng keo.

- Tiểu Thúy -

Có tuyết rơi vào thứ Bảy, khi Lý Kỳ và tôi ở cùng nhau tại chỗ của anh. Tôi tới vào lúc tám hoặc chín giờ sáng, trời còn chưa sáng hẳn, và anh ở trên giường, chờ tôi. Tôi chui vào dưới tấm chăn ấm bẩn thỉu để trùm kín thân thể lạnh giá của mình. Như thường lệ, anh vòng tay ôm chặt lấy tôi, như sợ rằng tôi sẽ chạy đi hoặc là bốc hơi mất. Chúng tôi chẳng bao giờ có thể kìm nén được ham muốn và dục vọng. Căn phòng tối như hắc ín, nên tôi lén nhìn ra ngoài cửa sổ nơi bầu trời xam xám ảm đạm. Khi tôi thấy khát, tôi vớ lấy cái ca của anh và định uống, nhưng Lý đã chộp lấy nó, đổ luôn nước lạnh xuống đất, rồi rót đầy nước nóng vào ca cho tôi. Anh nói thật là ngốc khi đi uống nước lạnh khi em đang thế này.

Sau bữa trưa, tôi cùng anh đi gặp người lớp trưởng, căn phòng đã khóa cửa, nên sau khi chúng tôi đứng chờ dưới tuyết một lúc thì bỏ đi. Tôi bảo anh nói cho tôi hay sự khác nhau giữa “Punk” và “Grunge” khác nhau thế nào. Vào mỗi tuần, Lý thường cho tôi mượn những đĩa nhạc của các ban như Green Day, Blur, R.E.M., The Pixies và Sonic Youth. Tôi trả chúng lại khi cả hai ở cùng nhau vào thứ Bảy sau đó. Anh cào móng tay vào một viên gạch trên bờ tường, ấp úng giải thích sự khác biệt giữa chúng. Cuối cùng anh nói anh cũng không chắc chắn lắm.

Chúng tôi cất bước trên tuyết trở về chỗ của anh. Tuyết bám trên những cành cây, trước khi bám đầy trên chiếc áo vét của tôi. Mặt đất dưới chân nhanh chóng đổi thành một màu xám ảm đạm, sũng nước. “Tại sao chúng ta không đi dạo một lúc,” tôi gợi ý. Lý không trả lời. Chúng tôi đi đến một cửa hiệu bán đĩa hát và video đối diện với ngõ của anh, nơi những đĩa copy trộm nhạc rock’n’roll Hồng Kông chỉ bán với giá năm tệ một cái. Tôi thậm chí chẳng có nổi năm tệ. Sau một hồi lục lọi hàng chồng đĩa mà cả hai chúng tôi không ai định mua cái nào, tôi nói, “Về nhà thôi.”

“Sao lúc nãy em bảo muốn đi dạo kia mà?”

“Thôi đi vậy,” tôi nói. “Em không thích nữa.”

Tôi không còn hứng thú để đi dạo.

Trở về phòng của anh, chúng tôi trèo lên giường nói chuyện phiếm và xem sách. Anh trở nên rất triết lý. Anh bảo tôi nên chăm chú vào việc học tập, nhưng chỉ nguyên nói đến trường lớp là tôi đã muốn phát điên, cho dù tôi rất hiểu điều anh muốn nói. Chỉ có điều tương lai đối với tôi là một thứ huyền bí; tôi không hề có một ý niệm nào về việc mọi thứ sau này sẽ ra sao. Lý Kỳ muốn rằng tôi phải sống một cuộc sống đúng đắn và không giẫm chân vào con đường của anh. Anh không muốn tôi một ngày sau sẽ có kết cục như anh bây giờ, cô độc một mình nơi đất khách, túng quẫn, thất nghiệp, không sự nghiệp, không tình yêu. Sống nhờ vào tiền bố thí của gia đình. Anh nói tôi nên thi vào một trường Đại học, rồi tìm một công việc kha khá. Hiển nhiên là anh không được sống sung sướng, và sống ở Bắc Kinh khiến anh luôn cảm thấy bất an, vô vọng. Nhưng tôi không phải như thế. Tôi muốn một cuộc sống sung sướng, tràn đầy ý nghĩa. Thế nhưng tôi đã chẳng học hành gì cả suốt năm lớp chín ở trường phổ thông cơ sở, không toán, không lý, không hóa gì cả. Có thể là mọi thứ đều do hormone thời trẻ đang tác oai tác quái. Tôi chỉ viết tiểu thuyết, và thầy giáo chủ nhiệm luôn cho tôi là một con điên, chỉ thiếu nước giết chết tôi. Giờ thì tôi lại ghi danh chui vào một ngôi trường tàn bạo khác, nơi tôi phát sợ cả các giáo viên, hiệu trưởng, và tất cả các chủ nhiệm. Quá thu mình trong nội tâm, tôi thấy thật khó để thể hiện bản thân, và càng khó hơn khi giao tiếp. Tôi quá thành thực.

Cô đơn biết bao, nhưng đời là thế.

Lúc này hay lúc khác, tôi để Lý Kỳ đọc một vài đoạn văn và bài thơ tôi viết, nhưng anh nghĩ chúng không xứng đáng để anh phải đọc. Có thể đối với anh tôi chỉ là một đứa trẻ. Tôi thực sự chưa bao giờ có một ý nghĩa gì đối với anh. Sau này anh đã nói với một người khác rằng khi đó tôi ăn mặc giống như một thằng bé con.

Triết lý của Lý đại để là mấy câu thế này: “Thượng đế tạo ra sự sống không phải là xuất phát từ lòng tốt, chắc chắn là như vậy, và ban tặng trí tuệ cho nhân loại chỉ là một hành động ác ý. Tất cả là phi lý. Nếu kẻ nào muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, thì nói chung kẻ đó đang mắc bệnh khác thường, và Thượng Đế cũng chỉ là thứ chó chết tệ hại khác thường…”. Những từ mà anh thích nhất đại loại như là huy hoàng, phi lý và năng lượng vô dụng. Tính lập dị u ám của anh đã chặn hết mọi khả năng dính mắc tình cảm thật sự đối với một ai khác, đặc biệt là tình yêu. Nhưng kể cả là như vậy, vào thời gian ấy, trái tim tôi hoàn toàn gắn chặt với anh. Tôi không gọi anh là bạn trai, vì anh chẳng phải, nhưng khi anh nói về Thái Vân và vẫn tiếp tục nhắc đến cô ta như là bạn gái của mình, đó là một sự hành hạ tuyệt đối. Nhưng điều đó vẫn không nhăn được tôi muốn gặp anh càng nhiều càng tốt, muốn ở cùng với anh. Tôi đến chỗ anh vào mỗi thứ Bảy, mang theo đủ loại quà bánh, thức ăn theo người – như ô mai, bánh quy, kẹo gôm, đại loại vậy. Anh bảo tôi tiết kiệm tiền, và lần sau thôi đừng mang những thứ thế này đến. Nhưng điều đó không ngăn anh lần nào cũng người ngốn ngấu mấy thứ đó một cách sung sướng. Tôi thậm chí còn vui thích với ý định mua cho anh đệm mới, rồi chăn, rồi vỏ gối. Ngày này đến ngày khác, tôi luôn nghĩ đến việc làm gì đó cho anh, điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc khó tả, phấn chấn khó tả.

Thoạt đầu người đần bà tóc bạc bó chân – bà chủ nhà của anh – đưa mắt nhìn chúng tôi như một con diều hâu bất cứ khi nào chúng tôi ra ngoài ăn cơm. Nhưng về sau, bóng dáng của chúng tôi không còn gây chú ý với bà ta nữa, và bà ta đã coi tôi như bạn gái chung sống với Lý Kỳ. Lúc trước bà ta còn coi Lý Kỳ như thằng nhãi ngố, bây giờ thì không dám nữa. Anh nói đùa rằng từ giờ trở đi, mỗi khi tôi đến thì tốt nhất là tôi nên dán một tờ giấy ở cửa, ghi rõ ràng, “Đang bận thảo luận, xin chớ quấy rầy.” Anh cho rằng điều đó thật buồn cười, và đã lấy ra một mảnh giấy, thật cũng là một loại người ngốc, viết nguệch ngoạc lên đó mấy chữ đại tự, rồi dán lên cửa. “Thế này hay đấy. Sẽ không có ai quấy rầy chúng ta nữa,” anh nói. Trưa và tối chúng tôi thường đi ăn sủi cảo và cháo; có khi ăn mì hoặc vằn thắn. Mỗi thứ bảy chúng tôi đều như thế, và tôi chẳng bao giờ chán.

Sau khi ở cùng nhau, tôi tiếp tục gửi thư cho anh, cho dù anh đã thôi viết cho tôi. Thỉnh thoảng vào giờ học đánh máy, trong cơn bốc đồng, tôi gõ vội trên máy chữ một bức thư với thứ tiếng Anh khủng khiếp. Đối với tôi, điều đó thật lãng mạn, còn với anh, nó có lẽ chứng tỏ tôi ngốc nghếch đến thế nào.