Lớn lên trên đảo vắng - Phần I - Chương 06
I - Chương 6
NGÀY CHỦ NHẬT VÀ NHỮNG TRÒ CHƠI BỔ ÍCH – ĐẶT TÊN CHO CÁC CƠ SỞ MỚI – TRỞ LẠI NHÀ DƯỚI LỀU – KHOAI TY – DỨA – SỢI CA-RA-TÁT – MẸO BẮT NGỖNG, VỊT RẤT THẦN TÌNH – CHIẾC XE QUẸT – CHIM RI – LẠI SANG NHÀ DƯỚI LỀU.
Trời vừa sáng, cả nhà đã vùng dậy, tươi cười và sẵn sàng bắt tay vào việc. Lũ trẻ gọi tôi:
- Bố ơi! Hôm nay chúng ta làm gì?
- Chẳng làm gì cả, các con ạ, chẳng làm gì cả!
- Ồ, bố ơi! Bố nói đùa cho vui đấy chứ?
- Không, các cậu ơi! Tôi không nói đùa đâu! Chúng ta sẽ hoàn toàn nghỉ ngơi hôm nay vì là chủ nhật. Vậy thì, sau khi chăm sóc lũ gia súc, chúng ta ăn sáng rồi tụ họp trên đám cỏ xanh im mát ở quanh “biệt thự” để vui chơi.
Tôi thả thang dây, trèo xuống trước tiên, buộc chặt cái dóng cuối cùng cho thang vững rồi vợ con tôi lần lượt theo xuống. Cả nhà ngồi xúm quanh trên bãi cỏ xanh, tôi đứng giữa trên một mô đất thấp, suy nghĩ giây lát rồi kể một câu chuyện nhằm giáo dục đạo đức làm người. Câu chuyện có vẻ khô khan nhưng cả nhà tôn trọng người kể mà cố gắng lắng nghe.
Tôi trao cho bọn trẻ bộ cung tên hôm trước. Éc-nét vốn thích cung tên hơn súng đạn, đã dùng rất thạo và bắn được vài chục con chim giống như loài cu xanh đã kéo đến đậu hàng đàn trong đám cành phía trên mái nhà. Cây này là một loại cây đa, quả rất nhiều và khá ngon tuy hơi nhạt. Mùa này quả đã chín, lũ chim kia mới kéo đến ăn, đây là loại chim Ăng-ti, thịt ngon nổi tiếng.
Chiến quả của Éc-nét tiên sinh khiến mấy đứa kia cũng ham thích bắn cung. Ruýt-ly và ngay cả chú bé Phrít nài tôi làm cho mỗi đứa một bộ như thế. Tôi rất vui lỏng thỏa mãn ý muốn của chúng, phần vì muốn chúng luyện tập thứ khí giới này. Tổ tiên xưa đã dùng nó trước khi phát minh ra thuốc súng, bây giờ đối với chúng tôi, nó rất có thể thay thế cho súng đạn. Sớm muộn cũng hết thuốc nổ, lúc đó súng đạn sẽ trở nên vô dụng, chúng tôi cần phải lo xa kiếm khí giới thay thế. Cùng với hai chiếc cung, tôi còn làm cho chúng hai ống đựng tên bằng một miếng vỏ cây mỏng và dẻo, cuốn tròn lại, đáy bằng vỏ cây, có dây đeo. Được trang bị như thế, hai đứa trẻ rất hí hửng với khí giới mới.
Mấy việc ấy cũng chiếm mất của tôi buổi chiều chủ nhật. Bữa cơm tối có thịt chim ri do Éc-nét bắn, trứng gà nhà đẻ ra ngay trong ổ cỏ khô lót sẵn, lại thêm dăm lát thịt đùi lợn sấy rán lên, thức ăn vừa đủ vừa ngon. Trời đã tối, chẳng còn làm được việc gì đáng kể, chúng tôi trò chuyện kéo dài bữa ăn. Trong khi bàn bạc cách tô điểm thêm cho ngôi nhà mới, tôi đưa ra một ý kiến khiến bọn trẻ thích thú vô cùng: đặt tên cho những địa điểm chính của xứ sở mới. Lũ trẻ reo lên:
- A, thú quá! Ý kiến hay quá! Nhưng mà, bố ơi! – Ruýt-ly nói – Ta tìm những cái tên thật khó và thật lạ như kiểu Dăng-di-ba, Cô-rô-măng-đen (Những địa danh ở châu Phi, châu Á), Mô-nô-mô-ta-pa chứ?
- Không đâu con ạ, chúng ta sẽ dùng tiếng chọn trong tiếng mẹ đẻ và có ý nghĩa đối với nơi được đặt tên. Còn gì đẹp hơn tiếng nói của đất nước thân yêu mà lại phải đi tìm kiếm đâu đâu những tên rắc rối để đặt cho những nơi đó!
- Vậy thì con xin đồng ý! – Thằng bé láu táu vội trả lời – Nhưng mà bây giờ bắt đầu từ chỗ nào?
- Trước hết là cái vịnh, nơi chúng ta đổ bộ lên đất liền! Nào, các con chọn tên gì cho nó?
Mỗi đứa đưa ra một ý kiến và tôi cũng thấy lý thú là qua những ý kiến có ít nhiều chất ngây thơ đó, tôi có thể biết thêm một vài nét về cá tính mỗi đứa. Vợ tôi cũng có ý kiến như sau:
- Theo tôi, đó là nơi đã cứu sống chúng ta, ta có thể gọi là Vịnh cứu sống.
Ý kiến đó được toàn thể mọi người tán thành. Chúng tôi tiếp tục dựa theo trường hợp tự nhiên hoặc bất ngờ mà đặt tên cho những địa điểm khác. Bởi vậy, mỏm cao mà chúng tôi tìm đi tìm lại mãi không thấy dấu vết các bạn đồng hành thì gọi là Mũi hy vọng tiêu tan, ngọn suối mang tên Suối chó núi, bởi vì chúng tôi đã gặp một con chó núi chết trên bờ suối. Cái cầu mới bắc gọi là Cầu gia đình, kỷ niệm sự đóng góp của cả nhà vào đó. Ngoài ra còn có Đầm hồng hạc, Cánh đồng nhím, liên tưởng đến những sự việc đã xảy ra khiến phải chú ý đến những chỗ đó. Nhưng nơi khó đặt tên nhất lại là cơ sở mới nhất của chúng tôi, tòa “lâu đài trên không” trên cây khổng lồ. Có người muốn gọi là Lâu đài trên cây, một tên khác: Xóm quả đa, Phrê-đê-rích đưa ra cái tên đẹp và hung: Tổ phượng hoàng, nhưng Éc-nét phản đối với lý do rất xác đáng là phượng hoàng chẳng bao giờ làm tổ trên cây.
Đến lượt tôi, tôi nói:
- Bây giờ thì bố dàn xếp thế này nhá! Ta sẽ đặt tên cho chỗ ở mới này là Tổ chim ưng. Các con là một tổ chim non táo bạo liều lĩnh nhưng có truyền thống tốt đẹp, có nhiều khả năng về hiểu biết, về kỷ luật, đầy dũng cảm và linh hoạt cũng như chim ưng. Vả lại, Éc-nét tiên sinh cũng sẽ không có lý do gì để bác cái tên ấy, bởi vì thường thường chim ưng cũng làm tổ trên những ngọn cây sồi cao to…
Ý kiến của tôi được cả nhà hoan nghênh. Bây giờ chỉ còn chọn tên cho nơi ở đầu tiên trên bờ biển và chúng tôi đã gọi chỗ đó là Nhà dưới lều, nhớ lại những ngày sống dưới chiếc lều vải đơn sơ.
Như vậy, vừa chuyện trò vui vẻ, chúng tôi vừa đặt những cơ sở đầu tiên cho phần địa lý của quê hương mới.
Mặt trời lặn, khí trời dịu dần, chúng tôi cùng nhau đi dạo mát và sẽ đi cho đến tối. Có nhiều ý kiến khác nhau về hướng đi. Nhưng nhận thấy lương ăn đã cạn, chúng tôi đồng ý đi sang Nhà dưới lều, đến kho thực phẩm, lấy thêm đem về. Để cuộc dạo mát khỏi nhàm, chúng tôi chọn một lối đi khác con đường mọi ngày.
Con đường mới đi ngược dòng suối, quả là vô cùng thích thú. Cây to che bóng mát rượi, mặt đường bằng phẳng phủ một lớp cỏ thấp và dày, dễ đi và rất êm chân. Chúng tôi đi thong thả dạo mát nhiều hơn là nhằm tiến lên phía trước. Bọn trẻ la cà đây đó theo ý thích. Nhưng ra khỏi rừng, chúng tôi thấy miền này có vẻ hơi trống trải. Tôi vừa định gọi bọn trẻ trở lại thì bỗng thấy chúng theo nhau chạy về, Éc-nét dẫn đầu và gọi ầm lên, thở hổn hển và mắt ánh lên vẻ thích thú:
- Bố ơi! Thích quá!
Và nó đưa cho tôi một cành cây có hoa có lá, lủng lẳng nhiều củ tròn màu xanh nhạt.
- Ồ, khoai tây! – Tôi kêu lên, ngạc nhiên và mừng rỡ. Hoa ấy, lá ấy, củ ấy đối với tôi đã quá quen thuộc, rõ ràng là loại cây quý giá đó, không còn nghi ngờ gì nữa. – Các con ơi! Sao mà hạnh phúc đến thế! Trong chốn hoang vu này chúng ta sẽ không lo thiếu lương ăn, bởi vì đã có khoai tây mọc ở đây rồi! Éc-nét ạ, con đã đảm bảo đời sống của mọi người trên đảo này đấy! Nhưng mà con tìm thấy vật báu này ở đâu thế?
- Ở kia kìa, sau cánh rừng có cả cánh đồng mọc đầy cây khoai tây.
Chúng tôi vội vàng chạy tới, bồn chồn khôn tả. Quả nhiên trước mắt chúng tôi trải ra một cánh đồng khoai tây mênh mông, đám thì đã già, đám còn có hoa. Ôi! Những bông hoa này, mặc dầu bề ngoài có vẻ tầm thường, đối với chúng tôi vẫn đẹp hơn tất cả những bông hồng Ba Tư (Nay là I-ran) lộng lẫy nhất. Chúng tôi bới một ít củ, đựng đầy tất cả những túi lớn mang theo rồi lại tiếp tục đi tới Nhà dưới lều.
Con đường lại len vào giữa những đám cỏ cao, lách qua rất khó khăn và sau đó chúng tôi đặt chân vào một khu vực phong cảnh ngoạn mục, bên trái là dãy núi đá, bên phải là biển ở xa xa.
Thành núi đá trông như một cái sườn lồng kính trồng cây xứ nóng ở châu u mà người ta đã cất hết khung đi rồi. Trên tất cả những mỏm đất đều san sát các loại cây cỏ rất lạ và rất phong phú, nhô ra từ những đường nứt trong thành núi. Nhưng chúng tôi sung sướng nhất khi thấy ở đây mọc rất nhiều “Bà chúa các thứ quả”, quả dứa rất quý giá. Chúng tôi ăn dứa thả sức, thích thú không thể tả. Trước đây chúng tôi chỉ mới được nghe và được thấy hình vẽ mà thôi, giờ đây mới biết nó ngon và thơm lạ lùng, mùi hương ngọt ngào, vị dơn dớt chua. Vợ tôi, bao giờ cũng hết sức chú ý đến sức khỏe các con, luôn luôn dặn dò lũ trẻ đừng có ăn ngấu nghiến như thế, sợ có thể đau bụng. Nhưng cũng khó mà ngăn ngừa được mấy tướng ham ăn ấy. Sau khi hướng dẫn Cờ-níp tiên sinh – đó là tên đặt cho con khỉ nhỏ vì nó vừa nhỏ lại vừa có những cử chỉ tức cười, - chúng đã sai con khỉ đi hái những quả dứa to nhất và chín nhất.
Trong khi lũ trẻ say sưa với cái việc nhọc nhằn đó thì tôi lại tìm ra được cây ca-ra-tát, loại cây rất quý, có thể lấy sợi ở lá và bùi nhùi ở thân cây. Bùi nhùi này bắt lửa dễ dàng và còn dùng để ném xuống nước đánh cá rất tốt, vì nó làm cho cá say dừ ra, có thể lấy tay vớt lên được. Vợ tôi thích nhất khi biết là có thể tước sợi ở lá ấy ra được. Bà nói giọng vui sướng:
- Hạnh phúc cho chúng ta biết bao, may mà bố các con đã đọc sách kỹ càng đến thế! Nếu chúng ta ngu dốt thì chúng ta đi sát ngay bên cái kho tàng quý báu này mà chẳng hiểu gì giá trị nó cả.
Vừa đi vừa bàn bạc về những vẻ đẹp và sự giàu có của thiên nhiên, về sự cần thiết phải luôn luôn chú ý quan sát và suy nghĩ để mở rộng kiến thức, chúng tôi đã tới bờ Suối chó núi. Chúng tôi bước trên những hòn đá lởn rải rác trong lòng suối mà sang bên kia chứ không mất thì giờ trở lại chỗ cầu mới bắc. Chúng tôi đặt chân vào Nhà dưới lều và thấy không có gì suy suyển. Ai nấy đều lo thu thập những thứ cần thiết. Phrê-đê-rích chạy đến chỗ để thuốc súng và đạn chì; tôi đục thủng một thùng bơ, rồi vợ tôi và Phrít múc bơ đựng đầy một xô bằng sắt tây; Éc-nét và Ruýt-ly mò ra vịnh định bắt ngỗng và vịt. Nhưng lũ gia cầm ấy được thả lâu ngày đã bắt đầu trở thành chim trời khiến hai đứa nhỏ chật vật mãi mà không bắt được. Về sau Éc-nét nghĩ ra một mẹo thần tình. Chúng nó cắt nhỏ một miếng phó mát đem buộc từng mẩu vào đầu sợi dây gai ném xuống nước làm mồi, hai anh em giữ chặt những đầu dây kia. Vừa trông thấy phó mát, bọn ngỗng con và vịt liền ùa lại nuốt chửng mẩu bánh và đầu dây buộc. Hai đứa trẻ cứ việc kéo từng con vật bướng bỉnh ấy lại gần bờ, trói hai chân lại, thế là chúng hết đường chạy. Tôi khen mẹo cao và lý thú nhưng phải khéo tay lắm mới rút được sợi dây khỏi cổ họng lũ chim háu ăn đó. Về sau, chúng tôi phải cắt dây ngang mỏ chúng như thế là tiện hơn cả. Sau khi đã phân công mang các món ấy về, chúng tôi lại vui vẻ quay trở lại Tổ chim ưng qua Cầu gia đình và chẳng mấy chốc đã về tới tổ ấm.
Vợ tôi nhóm bếp lên và nấu khoai tây để dọn bữa chiều. Sau đó, bà vắt sữa bò và sữa dê. Trong lúc đó, tôi đem lũ ngỗng vịt thả ra cho chúng ở ngay trên bờ suối sau khi đã phòng xa cắt bớt long dài ở cánh không cho chúng bay. Cơm tối đã dọn xong trên bàn: một đĩa lớn đầy khoai tây nóng sốt, một liễn đất đầy sữa, thêm bơ mặn và phó mát, đó là thực đơn. Bữa ăn tuy thanh đạm nhưng vẫn rất ngon lành sau một ngày khá mệt mà vui vẻ.
Hôm qua, trên bãi biển, tôi đã chú ý tới những tấm gỗ cong, tàn tích của một chiếc sà-lúp vỡ nào đó, rất thích hợp để đóng một cái xe quẹt. Tôi vẫn mơ ước một chiếc xe như thế để chở từ Nhà dưới lều về Tổ chim ưng những thùng lớn, những hòm lương thực mà cánh tay yếu đuối của chúng tôi, cộng cả sức con lừa cũng không thể nào đem về được. Tảng sáng, tôi yên lặng trở dậy, khẽ thức Éc-nét dậy cùng đi, cho nó quen dần dậy sớm, vì thằng bé vốn lười và cũng hay dềnh dàng buổi sáng. Mặt khác theo ý tôi, để Phrê-đê-rích ở nhà trông coi bảo vệ gia đình trong khi tôi vắng mặt thì vẫn hơn Éc-nét. Chúng tôi nhẹ nhàng trèo xuống gốc cây. Cả nhà vẫn đương ngủ kỹ. Chúng tôi lặng lẽ cởi con lừa, kéo nó ra khỏi máng cỏ rồi cùng nhau vui vẻ lên đường. Chẳng mấy chốc đã đến bãi biển. Trong đám gỗ ngổn ngang chất đống trên bãi cát, tôi tìm rất dễ dàng những thứ thích hợp với dự định. Chúng tôi lấy dây thừng buộc những tấm gỗ ấy với nhau rồi mắc vào con lừa, con vật kéo cái mảng gỗ này cũng dễ dàng và nhẹ nhõm. Để cho vừa sức chở, chúng tôi đặt lên thêm một cái hòm gỗ dạt trên cát rồi cùng nhau trở về Tổ chim ưng. Éc-nét dắt cương lừa, tôi lấy một thanh gỗ bắn mảng gỗ lên khi nó vấp phải hòn đá hay mô đất để giúp nó trượt đi dễ dàng.
Về tới nhà, mới đầu vợ tôi cũng trách vài tiếng về cuộc đi “lén lút” đó. Nhưng nhìn thấy kết quả chuyến đi và hy vọng sẽ có một chiếc xe quẹt có thể tải về được tất cả những thứ cần thiết cho cuộc sống ở đây, bà cũng dịu dần. Tôi mở cái hòm gỗ đem về theo mảng gỗ và thấy bên trong chỉ đầy những quần áo thủy thủ và một ít đồ lót đã đẫm nước biển. Nhưng chính vợ tôi lại thích những thứ đó vô cùng vì bã đã lo xa tới lúc chúng tôi phải có quần áo thay thế.
Trong khi tôi đi vắng, hai thằng nhỏ Phrê-đê-rích và Ruýt-ly đã tổ chức săn chim ri, nhưng vụng về và đen đủi hơn Éc-nét, chúng nó chỉ hạ được độ ba bốn chục con mà lại đốt phí mất khá nhiều thuốc súng. Tôi phải giảng giải cho chúng hiểu rằng một sự phung phí lớn như thế trong hoàn cảnh này là một điều hết sức dại dột. Rồi đây, liệu kiếm đâu thêm được thuốc đạn rất cần thiết để bảo vệ chứ chưa nói đến săn bắn. Để thay thế, tôi bày cho chúng nó làm các kiểu dò và thòng lọng để bẫy chim. Những sợi dây lấy từ cây ca-ra-tát dùng vào việc đó rất tốt. Mọi người bắt ngay tay vào việc; trong khi vợ tôi và hai đứa nhỏ làm bẫy chim thì tôi và hai đứa lớn xúm vào đóng xe quẹt. Chúng tôi chỉ dừng tay để ăn cơm trưa.
Chiều đến thì xe quẹt đóng xong, gồm hai thanh gỗ cong song song ở hai bên, nối với nhau bằng ba then ngang nằm ở giữa. Phía trước uốn cong như đôi sừng và phía sau cũng vểnh lên, chắn không cho những chiếc thùng tròn cũng như mọi thứ chất trên xe có thể lăn xuống được. Tôi buộc dây thừng vào hai đầu thanh gỗ để mắc vào con bò cái và con lừa cho chúng kéo xe đi.
Vừa buông tay, tôi thấy cả nhà đương xúm xít vặt lông vô số chim ri mắc dò hôm đó. Tôi phàn nàn như thế là phí phạm quá, nhưng vợ tôi nói cho tôi yên lòng ngay. Thì ra không phải làm thịt để ăn cả vào bữa chiều nay mà chính là để luộc qua rồi ướp trong bơ để dành, như là tôi đã dặn. Nhân đã xong cái xe quẹt chở đồ, vợ tôi bèn nhờ tôi đi lấy thùng bơ còn lại bên kho đem về. Éc-nét cho biết giống chim ri này là một loại chim di cư, nó chỉ qua đây có mùa, vậy phải hết sức nắm lấy thời cơ chúng tập trung đông để trữ một số lớn thức ăn dùng về sau.
Lý lẽ quá đúng, không còn cãi vào đâu nữa. Nhất định sáng sớm mai phải trở lại Nhà dưới lều. Bữa cơm chiều hôm nay chủ yêu là món thịt chim vừa tươi vừa béo, thật ngon miệng. Theo lệ thường, chúng tôi dọn dẹp ngăn nắp và sạch sẽ mọi thứ rồi mới đi ngủ.
Tảng sáng, chúng tôi đã thức dậy và sẵn sàng ra đi. Lần này vẫn cứ Éc-nét cùng đi với tôi còn Phrê-đê-rích thì ở lại nhà bảo vệ mẹ và các em nhỏ.
Chúng tôi đi ven bãi biển vì xe quẹt lướt trên cát dễ dàng hơn là trên cỏ cao và chẳng mấy chốc đã qua Cầu gia đình và tới Nhà dưới lều. Thả hai con vật ra, chúng tôi chất các thứ lên xe. Trước hết là cái thùng lớn đựng bơ, tất cả pho mát, bánh khô và đồ dùng, thuốc đạn còn lại. Chúng tôi lại chất luôn lên xe tất cả những thứ gì có thể cần đến ít nhiều. Sau khi hai con vật đã được nghỉ ngơi đầy đủ, chúng tôi lại đóng chúng vào xe rồi cùng trở về Tổ chim ưng.
Tới nhà, chúng tôi bày ra la liệt tất cả những thứ đem về. Bơ và thức ăn được vợ tôi hoan nghênh hơn cả. Phrê-đê-rích thì có vẻ tiếc đã hụt một chuyến đi thú vị. Thấy thế, tôi bèn bảo nó:
- Bố khen con ở nhà biết làm tròn nhiệm vụ được giao phó. Đến mai, con sẽ đi cùng với bố. Chuyến đi ấy sẽ quan trọng hơn. – Tôi hạ thấp giọng để vợ tôi khỏi nghe thấy – Bố đương định đi ra chiếc tàu bị nạn một chuyến nữa và bố cần có con giúp đỡ.