02. Như đi trên cát

Như đi trên cát

Giáng Sinh năm đó Vĩnh không gửi cho tôi một tấm postcard nào. Cả năm sau cũng nữa cũng vậy. Và tôi biết như thế là mọi điều đã chấm dứt. Chấm dứt thực sự.

Chúng tôi đã thỏa hiệp về sự chấm dứt đó từ lâu rồi, có lẽ là vào mùa hè, khi Vĩnh về Sài Gòn. Sau những ngày lang thang bên nhau trong niềm im lặng đáng nghi hoặc, chúng tôi quyết định viết thư cho nhau. Hai chúng tôi ngồi đối diện trong quán cà phê nhỏ. Quán phủ rèm mỏng tang, liêu xiêu vài tia nắng chiều rọi lại. Vĩnh lấy ra hai tờ giấy, hai cây viết chì và một cục tẩy. Rồi hai chúng tôi cùng viết thư cho nhau khi đang ngồi trước mặt nhau. Tôi bảo Vĩnh cất cục tẩy vô duyên kia đi. Nó khiến người ta có thể xóa đi, lấp liếm, bóp méo những xúc cảm thực sự. Mà sự thật, đó là những gì bây giờ chúng tôi cần nghe từ nhau.

Rốt cục thì chúng tôi trao cho nhau những tờ thư không tẩy xóa. Rốt cục ý muốn cuối cùng trong hai lá thư đều là sự chia tay. Vĩnh viết: “Hai đứa mình cần thời gian.” Bao giờ Vĩnh cũng thế, đầy cẩn trọng. Tôi cay độc hơn: “Mình chia tay đi!” Khi viết xong dòng đó, tôi muốn xóa nó đi ngay. Nhưng không được. Vĩnh đã cất cục tẩy vào ba lô. Giờ thì sự nuối tiếc cuối cùng cũng như cục tẩy nằm đâu đó trong cái ba lô hỗn loạn kia, chìm vào đại dương mênh mông của hoặc nghi, chán nản. Tôi chảy nước mắt khi đọc lại câu mình viết. Rồi tôi tự dỗ lòng mình, người ta luôn cần một sự dứt khoát cay nghiệt để kết thúc. Kết thúc điều gì tôi không rõ, mối quan hệ đã lơi lỏng của chúng tôi hay sự tổn thương trầm trọng của niềm kiêu hãnh trong lòng tôi?!

Ánh mắt tối sầm của Vĩnh khi đọc lá thư tôi viết đem lại cho tôi một dự cảm kì lạ. Tôi tưởng đã kết thúc tất cả, nhưng lúc đó tôi chợt thấy một bắt đầu. Và kinh khủng thay, đó là một bắt đầu buồn bã. Cuối mùa hè ấy, tôi thậm chí không biết ngày Vĩnh đi. Vĩnh biến mất như một cơn gió tan trong những ngày hè nóng nực, không để lại dấu vết.

Bạn bè ở Phần Lan nói Vĩnh không còn ở Helsinki nữa. Cậu ấy đăng ký vào chương trình trao đổi nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc, nghe đâu lần này sẽ hoàn toàn ở bên đó cho đến khi kết thúc chương trình học. Tôi thì vẫn vậy, ở đến chôn chân trong thành phố năm cũ khi chúng tôi quen nhau, tôi chưa từng một lần gọi Vĩnh là anh, vì cậu ấy và tôi bằng tuổi. Hai đứa gặp nhau ở Thư viện tổng hợp, rồi phát hiện ra cùng trường, khác khoa. Tôi ra trường đi làm ở một vị trí nhàm chán nhưng căng thẳng ở một công ty kiểm toán, Vĩnh tiếp tục sang Phần Lan học Master, rồi lên Ph.D. Quen Vĩnh, tôi mới biết trên đời có loại người xem việc học là niềm đam mê như thế. Lần Vĩnh về sau hai năm không gặp, chúng tôi chia tay nhau theo cách đó.

Đăng đến trong cuộc sống của tôi cũng lặng lẽ như cách Vĩnh đi. Anh làm việc ở một công ty du lịch ở cùng với công ty tôi trong tòa nhà. Chúng tôi thường đụng nhau ở pantry giờ ăn trưa, và tôi để ý trong đám kiểm toán viên hay nhân viên du lịch lố nhố luôn đóng khung trong bộ vest công sở nghiêm trang, Đăng ăn mặc một mình một phách. Anh luôn mặc sơ mi hoặc T-shirt bỏ ngoài quần, đi giày thể thao nhìn rất nhàn tản. Sau quen anh tôi cũng chả biết thực sự Đăng làm vị trí gì, chỉ biết cứ mỗi tháng anh biến đi cỡ một tuần cho đến mười ngày, đi xem xét khai thác gì đấy tôi chẳng buồn quan tâm. Đăng luôn ngồi ở cái bàn sát cửa kính nhìn xuống thành phố, đối diện chỗ ngồi quen thuộc của tôi, ăn phần cơm mang theo và uống một ly cà phê nóng. Hơi nóng của tách cà phê bốc mù mịt trên mắt kính của anh, khiến anh ít nhất phải một lần gỡ kính ra lau. Chúng tôi nhìn nhau cười, rồi chào nhau, rốt cục ngồi chung bàn mỗi giờ ăn trưa, mặc kệ bọn đồng nghiệp trêu ghẹo. Chẳng biết giữa chúng tôi là kiểu gì với nhau, nhưng ngoài chuyện không đụng chạm ôm hôn ra, như người ta thấy, thì chúng tôi quả thật là một cặp đôi nơi công sở. Đăng đưa đón tôi đi làm, khi biết anh và tôi chỉ ở cách nhau vài block nhà trong khu căn hộ trả góp ở ngoại ô mà cư dân đa phần là bọn công chức trẻ. Thỉnh thoảng anh lên nhà tôi cùng ăn cơm tối, rồi rửa chén bát thật sạch trước khi ra về. Ở bên anh, tôi thanh thản và dễ chịu. Có khi hai đứa chẳng buồn nói với nhau một câu, cứ cặm cụi nấu ăn, ăn ăn, xem phim rồi dọn rửa. Nhưng trong không gian im lặng đó là cả một sự cân bằng đầy thấu hiểu. Đăng chào tôi ra về, tay lúc nào cũng cầm theo bọc rác để sẵn tiện đem vứt. Anh có sự chu toàn một kiểu rất đàn ông. Là dù anh có cẩn thận kiểu gì đi nữa, thì vẫn không phải là một người hay tập trung vào tiểu tiết.

Mỗi lần đi công tác về, Đăng bỏ vào cái lọ thủy tinh vốn dùng để đựng nước xốt salsa trên bàn làm việc của tôi ở nhà vài đồng xu nơi anh đến. Anh thường xuyên có mặt trong căn hộ của tôi, nhưng luôn ra đi không để lại dấu vết, kể cả túi rác sau khi nấu nướng cũng chẳng hề bỏ lại. Điều duy nhất giợi lên sự hiện diện của anh trong căn hộ này là cái lọ thủy tinh đầy quá nửa những đồng xu. Còn Vĩnh, cậu chưa bước vào căn hộ này bao giờ - tôi bắt đầu trả góp cho nó khi vừa chia tay Vĩnh - nhưng sự hiện diện của cậu ở khắp mọi nơi. Ngoài ban công trồng những rau thơm Vĩnh thích, những cuốn sách trên giá hầu hết là Vĩnh mua tặng tôi, cái cốc gốm có vẽ hình hoa poppy tôi dùng uống trà nóng mỗi ngày là cậu ấy mang từ Nhật về, chiếc bàn làm việc nhỏ nhắn, gọn gàng không bày biện gì là vì Vĩnh thường nói những đồ bày biện làm mình kém tập trung... Chi tiết nào cũng gợi nhắc về Vĩnh. Đến năm hăm lăm tuổi, tôi mới hiểu mấy câu thơ từng vô tình đọc: “Ôi mối tình đầu - Như đi trên cát - Bước nhẹ mà sâu...”

Đôi khi đang làm việc, tôi đổ đồng tiền xu trong lọ ra đếm. Đủ quốc gia, đủ mệnh giá, phảng phất mùi cay hăng của sốt salsa còn chưa bay hẳn khỏi lọ. Tôi không biết chỗ tiền xu này có mua được một miếng đất ở một hòn đảo vắng nào đó trên đời này không. Rồi tôi nghĩ, nếu ra đảo hoang sống, tôi sẽ mang theo ai, Đăng hay Vĩnh. Vĩnh làm tôi cảm thấy cuộc đời này thật đáng sống, và mang đến cho tôi càm giác tột cùng, dù là nỗi đau hay niềm hạnh phúc. Còn Đăng luôn trầm tĩnh và vững chãi. Tôi nghĩ nếu đi với Vĩnh, hai đứa phải đóng bè đi về đất liền càng nhanh càng tốt, vì chỉ cần ít lâu sự nhàm chán vô vị sẽ biến cậu thành một kẻ cáu bẳn đáng ghét. Còn nếu đó là Đăng, chúng tôi dám sẽ ở lại đó sinh con đẻ cái, anh sẽ dạy cho thằng con của hai đứa bắt cá, bơi lội, trèo cây, còn tôi tha hồ nằm trên võng ăn chuối, đọc sách (nếu mà tôi có mang theo sách). Đăng sống động, nhưng vững chãi theo cách của riêng anh. Tôi nghĩ điều ấy ở một người đàn ông đến cùng với tuổi tác. Đăng hơn tôi những sáu tuổi.

Tôi cứ suy nghĩ miên man như thế, làm như mình có thể lựa chọn.

Thực tế là tôi không thể. Đăng chuyển sang văn phòng công ty ở Bangkok. Anh hỏi tôi có muốn theo cùng không. Tôi hỏi vì sao mình nên theo anh, anh trả lời đơn giản, là vì hai chúng mình sống bên cạnh nhau rất yên ổn. Em sẽ chẳng cần làm gì cả, cứ ở nhà làm những thứ mình thích như nấu nướng, viết bài phân tích tài chính gửi cho báo này báo kia. Anh lo được cho cả hai. Tôi bật cười mà ghe tiếng mình cười có phần đớn đau. Có phải rốt cuộc đến một lúc nào đó, người ta chỉ còn cần một người ở bên cạnh mình đơn giản chỉ vì họ có thể sống cùng nhau rất yên ổn. Hăm mấy tuổi, tôi vẫn dại khờ tin rằng tình yêu cũng có thể trở thành một lý do để người ta làm nhiều điều. Như tôi muốn xa Vĩnh vì không chịu nổi sự quạnh quẽ, vì chuyện “tình xa” đến một lúc đã trở nên giống thói quen hơn là tình yêu. Nhưng bây giờ, Đăng chỉ cho tôi thấy một nhu cầu khác giản đơn hơn khi người ta ngày càng đến tuyệt đạo của tuổi tác: tình yêu chỉ là một nguyên cớ lãng mạn, còn sự cân bằng mới làm nên sự lâu dài.

Tôi từ chối đi cùng Đăng, vì bỗng nhiên ngay phút đó khi anh rủ tôi qua Bangkok sống cùng, tôi nhận ra hai chúng tôi không hơn kẻ xa lạ. Tôi chẳng hiểu gì về Đăng, những chuyến đi của anh, ngoài chuyện anh nấu ăn ngon, luôn đi đổ rác và mang về cho tôi những đồng xu đủ loại. Tôi cũng không chắc anh có biết nhiều hơn về tôi hay không.

Bởi khi hai người chia sẻ cuộc đời cùng nhau, sự cân bằng đôi khi hàm ẩn những thờ ơ vô tình đẩy tủi buồn không thể diễn giải bằng lời. Tôi vẫn chưa đến cái đoạn đời có thể hiểu người đàn ông của đời mình chỉ qua những đồng xu anh mang về sau những chuyến ra đi...

Mà cũng đã hết mơ mộng để có thể giữ người mình yêu suốt thời sinh viên sau ngần ấy mùa Giáng Sinh không một dòng tin tức. Tôi ngoái lại chỉ thấy những vết chân sâu trên cát, mà nhìn lên trước mặt thấy trời vẫn mù sương, chỉ có những đồng xu của Đăng cứ lanh canh trong lọ như tiếng chuông hứa hẹn một mùa mới sẽ về.