Tam @ Quốc - Chương 01 phần 1
CHƯƠNG 1
BẢY "CUA" SÁNG NGHIỆP
Cua 1: Vận mệnh là quả trứng chim ưng trong ổ gà
Nói về cuộc đời, thành hay bại đều tại tâm. Nói một cách dễ hiểu, bất kể là con nhà quyền quý hay con nhà nông, xuất thân từ công nhân hay tư sản, mỗi người đều phải đưa ra quyết định của chính mình. Quyết định của bản thân quyết định thành bại, quyết định vận mệnh. Trong tâm lý học có một câu kinh điển giải thích quan hệ qua lại giữa tư tưởng và vận mệnh: "Gieo hạt tư tưởng, thu hoạch hành vi; gieo hạt hành vi, thu hoạch tập quán; gieo hạt tập quán, thu hoạch tính cách; gieo hạt tính cách, thu hoạch vận mệnh." Cuộc đời xuất thân từ bần nông của Lưu Bị là một minh chứng rõ ràng cho câu nói trên.
Lưu Bị là học sinh ở thành phố Trác Châu tỉnh Hà Bắc, vì cha mất sớm, mẹ nuôi rau cháo qua ngày nên cậu sống rất khổ sở. Lên cấp ba, một tối đi học về muộn, thấy mẹ vẫn khâu giày trong ánh đèn mờ mờ, cậu bảo:
- Mẹ, hôm nay trời lạnh lắm, mẹ ngủ sớm chút đi!
Mẹ đáp:
- Sáng mai con đi thi, mẹ cố thêm một đôi là có thêm một đồng cho con vào đại học.
Lưu Bị quỳ trước mẹ, sống mũi cay cay, nước mắt trào ra.
Cậu nức nở:
- Mẹ, lên đại học tốn tiền lắm. Nhà ta nghèo, tiền đó được bao nhiêu? Mẹ đừng trông đợi gì!
Vai rung lên, mẹ hỏi Lưu Bị:
- Lẽ nào con chịu cả đời nghèo đói?
Lưu Bị khổ sở:
- Còn cách nào đâu? Có khi số trời định thế.
Mẹ bỏ giày xuống, nhìn con rồi nói:
- Hồi nhỏ đọc "Tam tự kinh" mẹ vẫn nhớ một số chuyện. Con nói số trời đã định, vậy nghèo đói là nguyên nhân hay là kết quả đây? Mẹ kể chuyện để giúp con giải đáp.
Một quả trứng chim ưng rơi khỏi tổ xuống đống cỏ khô, có người thấy, cho là trứng gà nên mang về nhà, bỏ vào ổ gà. Thế rồi quả trứng chim ưng cùng nở với các quả trứng gà khác.
Từ đó, con chim ưng nhỏ bị coi là gà, nó sinh sống như gà, nhưng vì tướng mạo quái dị nên thường bị khinh rẻ. Nó cảm thấy cô độc và khổ sở.
Một hôm, nó đang ăn cùng bầy gà, bỗng nhiên có một bóng đen trên trời chao qua lượn lại, bầy gà tán loạn tìm chỗ trốn. Khi nguy hiểm qua, cả bọn mới thở phào nhẹ nhõm.
"Vừa rồi là con chim gì vậy? Nó hỏi.
Cả bầy nói: "Là chim ưng, không còn con gì bay cao hơn chim ưng. "
"Ồ chim ưng ghê gớm thật, bay cao sung sướng làm sao!" Nó thán phục. "Một ngày nào đó ta mà thành chim ưng thì hay biết bao!"
"Đồ đần!" Đám gà chung quanh mắng nó: "Mày sinh ra là gà, thậm chí là con gà xấu xí làm cả bầy phải xấu hổ, mày làm sao bay như chim ưng được? "
Kể xong, mẹ nói với Lưu Bị:
- Con trai, vận mệnh là quả trứng chim ưng trong ổ gà. Giờ đây, con quyết định sống như gà hay bay cao như chim ưng?
Lưu Bị ngây ra, rồi hỏi mẹ:
- Mẹ nói con là chim ưng nhỏ lạc lòai trong ổ gà?
Mẹ quả quyết:
- Đúng, con thuộc nòi chim ưng, con phải bay lên tận cùng trời xanh, không nên vì hai ba hột thóc trước mắt mà than thở. Bà nói tiếp với con: Cha của cha của cha của cha của cha của cha của cha con là Lưu Thắng, con của Hán Cảnh đế, ngược lên nữa chính là hậu duệ của Hán Cao tổ Lưu Bang, con có dòng máu hoàng tộc.
Lập tức tỉnh ngộ, Lưu Bị nói với mẹ quả quyết:
- Mẹ, con hiểu ý mẹ, nhất định con không làm mẹ phải thất vọng!
Sau hai năm khổ học, cuối cùng Lưu Bị đỗ vào trường Đại học Quản lý quốc tế Trường Giang. Ngày nhận giấy gọi, hai mẹ con vừa vui vừa buồn, nước mắt trào ra.
Cua 2: Tự cứu rồi trời cứu
Cái tên "Đại học Quản lý quốc tế Trường Giang" có gốc tích từ lời đề từ trong Tam quốc diễn nghĩa: "Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông". Đây là một trường nổi tiếng quốc tế, từng đào tạo không biết bao anh hùng hào kiệt.
Ông chú Lưu Nguyên Khởi hay tin cháu mình đỗ đại học, bèn bảo với chị dâu:
- Thằng này sẽ làm cha nó mát lòng nơi chín suối. Chỉ có chị sẽ thật vất vả. Từ giờ học phí của nó để em lo!
Ông chú có một cửa hàng nhỏ, cô chú cùng lũ em Lưu Bị đều làm cho cửa hàng nên họ có chút tích lũy.
Cả Lưu Bị và mẹ đều mừng rỡ và thấy có điểm kỳ quái. Mừng vì khoản học phí tốn kém tự nhiên có người lo; kỳ quái vì xưa nay ông chú hết sức lạnh nhạt với bà chị dâu nghèo, giờ sao lại đột ngột hào phóng mở túi ra?
Ông chú cười ha hả giải thích:
- Có câu "tự cứu mình rồi trời cứu". Trời còn giúp cháu ta, huống hồ ta là chú nó!
Tự cứu rồi trời cứu? Lưu Bị cảm thấy xúc động. Từ khi vào đại học, cho tới sau khi tốt nghiệp, mỗi lần gặp khó khăn, cậu lại một lần trăn trở và hỏi trời xanh: Tự cứu và được trời cứu liên quan gì đến nhau?
Và cậu tự đưa ra đáp án:
1. Người thật sự tự cứu mình sẽ làm người khác kính trọng. Khi bất chấp khó khăn, khó khăn phía trước anh ta sẽ tự động lùi bước - việc đó như có thần linh giúp đỡ
2. Người thật sự tự cứu mình như con đom đóm trong đêm, không chỉ làm sáng bản thân mà còn khiến người khác đánh giá cao. Khi đã đánh giá cao, họ sẽ giúp đỡ bằng nhiều cách – nó giống như vận tốt tới.
3. Mọi người đều tin rằng, một người thực sự tự cứu mình cuối cùng sẽ thành đạt, giúp đỡ một người sau này thành đạt làm họ sung sướng.
4. Nếu người tự cứu mình là người ân nghĩa, anh ta sẽ càng nhận được nhiều giúp đỡ, vì thế khó khăn trước mắt sẽ giảm đi nhiều.
Đáp án của Lưu Bị giải thích câu nói mang màu sắc mê tín, nó quả nhiên ứng với bao việc sau này. Thấy Lưu Bị nhà nghèo mà vẫn nỗ lực học tập, nhà trường đã giúp cậu bằng rất nhiều cách, đầu tiên là giảm học phí, sau cấp học bổng, rồi tìm cả việc làm thêm cho cậu. Qua bốn năm đại học, chợt ngoảnh lại, cậu đã một hơi trải qua bao gian khổ, hệt như đêm đã qua và ngày đang dần tới.
Cua 3: Tâm huyết thu về hạnh phúc
Người dạy cua thứ ba cho Lưu Bị là nhà kinh tế học nổi tiếng Lư Thực, khi đó cậu vừa bước chân vào trường. Lư Thực bước lên bục giảng, cười với lớp sinh viên mới:
- Là một giảng viên, tôi hy vọng trở thành mentor (cố vấn thân thiết ) để chỉ dẫn, giúp đỡ các anh chị. Còn có thật sự thành tài hay không, quan trọng là các anh chị.
Thầy Lư Thực còn nói, bốn năm đại học không chỉ để đọc sách, càng không phải để kiếm một mảnh văn bằng, mà là thu nhận một vision (tầm nhìn ) cùng tư duy logic.
- Có ai ở đây từng chơi dế chọi chưa?
Một sinh viên nam tên là Công Tôn đáp:
- Em chơi rồi, hay lắm.
Một sinh viên nữ tên là Sái Văn Cơ nói:
- Em biết rồi, dế còn gọi là "xúc chức", ba bảo chọi dế mất nghiệp.
Giảng viên Lư Thực nói:
- Có người bảo chọi dế mất nghiệp, có người bảo dế là niềm vui trong sáng thời con trẻ. Ở đây, ta không bàn chơi dế tốt hay xấu, mà là mục đích của nó. Để tôi kể câu chuyện về một nhà côn trùng học với con dế cùng bạn anh ta, một nhà buôn với đồng xu. Hy vọng câu chuyện giúp mọi người mở ra vấn đề…
Câu chuyện của thầy Lư Thực thật hấp dẫn, theo các động tác của thầy, câu chuyện được mở ra:
Một nhà côn trùng học cùng bạn là nhà buôn vừa đi vừa trò chuyện trong công viên. Bỗng nhiên nhà côn trùng học dừng bước, dường như ông ta nghe thấy điều gì.
"Sao vậy?" Ông bạn nhà buôn hỏi.
Nhà côn trùng học lắng nghe, nét mặt rạng rỡ: "Anh có nghe thấy không? Một con dế đang gáy, đó là một con dế cụ đấy. "
Ông bạn nghe ngóng mãi không ra, đành đáp: "Tôi chẳng nghe thấy gì cả!"
"Anh đợi chút". Nhà côn trùng học vừa nói vừa chạy vào lùm cây gần đó.
Một lát sau, nhà côn trùng học bắt được con dế, ông ta nói với bạn: "Anh thấy không? Một con dế răng trắng, cánh vàng, đó là con dế cực hiếm đấy! Xem xem, tôi nghe có lầm đâu?"
"Đúng vậy, anh nghe cực chuẩn." Nhà buôn khâm phục hỏi bạn: "Anh không chỉ nghe được tiếng dế gáy, mà còn biết được chất lượng dế. Làm sao anh nghe ra được?"
Nhà côn trùng học đáp: "Con dế này gáy chầm chậm, mấy phút mới gáy hai, ba tiếng. Dế nhỏ gáy gấp hơn, tiếng gáy cũng đều. Dế đen, dế đỏ, dế hồng, dế vàng… có tiếng gáy khác nhau. Tiếng kêu của dế vàng có thanh kim. Sự khác biệt trong tiếng dế kêu cực tinh tế, vì thế phải để tâm mới nhận ra được. "
Họ vừa trò chuyện vừa ra khỏi công viên và đi ra đường cái. Bỗng nhiên, nhà buôn dừng bước và nhặt lên một đồng xu. Trong khi đó, nhà côn trùng học không nghe thấy tiếng đồng xu rơi, vẫn phăm phăm bước tiếp.
- Câu chuyện đó nói lên điều gì? Lư Thực hỏi.
Cả lớp nghĩ ngợi, chưa ai giải đáp.
Đợi một lúc, thầy Lư Thực đưa ra đáp án:
- Nhà côn trùng học chỉ để tâm đến côn trùng nên nghe được tiếng dế. Nhà buôn chỉ để tâm đến tiền, vì thế ông ta nghe được tiếng đồng xu rơi. Câu chuyện nói rằng, bạn để tâm vào đâu, sự nghiệp của bạn ở đó.
Thầy Lư Thực nói tiếp:
- Qua bốn năm đại học, các anh chị sẽ theo đuổi sự giàu có. Xin hãy nghĩ kỹ, cái gì là sự giàu có của các anh chị. Để tâm đến sự giàu có ở đâu, các anh chị sẽ có sự giàu có ở đó. Để giúp mọi người hiểu rõ thêm, chúng ta hãy cùng làm một thực nghiệm.
Thầy đưa ra một hộp giấy lớn đầy cát, vừa đưa cho lớp xem vừa nói:
- Trong hộp cát này chôn mạt sắt, đố cả lớp dùng ánh mắt hay đầu ngón tay mà lấy được mạt sắt ra.
Cả lớp lắc đầu.
- Chúng ta không cách gì dùng ánh mắt hay đầu ngón tay lấy mạt sắt ra khỏi cát, nó cũng khó như tìm được khách hàng giữa muôn triệu người. Tuy nhiên, có một loại công cụ có thể giúp ta nhanh chóng lấy mạt sắt ra khỏi cát. Mọi người chắc biết điều đó là gì.
Thầy Lư Thực lấy trong túi ra một thanh nam châm, rà qua rà lại trên mặt cát, mạt sắt lập tức nhô khỏi cát bám vào thanh nam châm. Thầy Lư Thực giơ lên cho cả lớp xem, nói:
- Đó là sức hút của nam châm, dùng ánh mắt hay đầu ngón tay không thể làm thế được, với nam châm lại rất dễ dàng.
Cả lớp tròn mắt chăm chú nhìn một việc đã từng biết. Thầy Lư Thực nói:
- Nếu nói hộp cát này là cuộc sống, là những cuốn sách khô khan, thì khối nam châm chính là trái tim nhiệt huyết. Các anh chị để tâm ở đâu, sự giàu có của các anh chị ở đó - nếu như các anh chị có một trái tim đầy nhiệt huyết. Trái tim nhiệt huyết sẽ hấp thu tri thức và lợi ích từ sách vở và trong cuộc sống tựa như nam châm hút sắt. Song, một trái tim không nhiệt huyết chỉ như đầu ngón tay, dù có cào đi cào lại trên cát cũng không lấy được thứ gì. Có phải vậy không? Chỉ cần có trái tim đầy nhiệt huyết, các anh chị sẽ có khả năng phát hiện, mỗi ngày đều thu hoạch, mỗi ngày đều tích luỹ, mỗi ngày đều có niềm vui.
Thầy Lư Thực vừa giảng vừa để sinh viên đùa nghịch với hộp cát. Thầy khóat tay, giọng sang sảng:
- Để tâm ở đâu, sự giàu có của các bạn ở đó, bất kể khó khăn hay nghịch cảnh, dù hoang mang thế nào cũng cần tin vào điều đó. Bất kể ở đâu, khi nào, nếu có trái tim nhiệt huyết, các bạn sẽ như thanh nam châm. sẽ thu hút được nguồn vốn hữu ích, sẽ có được cuộc sống sung túc và hạnh phúc.
Cua 4: Làm một người được yêu mến
Mới học được một tuần, Lưu Bị bị mời lên phòng giám hiệu vì đánh nhau. Vừa hay thầy Lư Thực đi qua. Thầy nhìn Lưu Bị một cái rồi hỏi thầy giám hiệu:
- Nó làm sao vậy?
Thầy giám hiệu nói:
- Bạn cùng phòng báo cáo nó rất thích gây gổ. Nhập học có mấy hôm đã đánh nhau ba trận. Anh xem cái tướng mạo kia, tóc tai với lông mi cứ dựng ngược lên!
Thầy Lư Thực nói:
- Tôi biết cậu sinh viên này, để nó cho tôi!
Thế là Lưu Bị theo thầy Lư Thực tới văn phòng. Thầy Lư Thực bảo Lưu Bị ngồi, đưa cho ly trà. Lòng Lưu Bị lúc đó nóng như chiếc ly.
- Nói xem, đã xảy ra chuyện gì?- Thầy Lư Thực hỏi.
Lưu Bị trả lời uất ức:
- Chúng nó không coi em ra gì, cứ cố ý trêu tức.
- Vì sao bạn lại trêu em? - Thầy Lư Thực hỏi tiếp.
Lưu Bị gãi đầu đáp:
- Chúng nói gọi em là đồ nhà quê. Mà phòng em bảy đứa thì cả bảy là nhà quê, cớ sao chúng nó còn trêu em?
Thầy Lư Thực đã hiểu chuyện gì xảy ra. Thầy nhìn Lưu Bị bằng ánh mắt chân thành, nói:
- Nếu em không ngại, tôi sẽ kể một câu chuyện.
Sau khi Lưu Bị đồng ý, thầy Lư Thực bắt đầu kể câu chuyện về một con chó.
Đó là một con chó hoang vô tình lạc vào phòng tập của một trường đào tạo người mẫu. Những tấm gương quanh phòng tạo nên vô số bóng con chó.
Thấy một lũ chó đột nhiên xuất hiện, con chó giật mình lùi lại, nhe răng ra sủa ông ổng.
Đàn chó trong gương cũng lùi lại, cũng nhe răng ra sủa ông ổng. Khắp phòng vang lên tiếng chó sủa.
Con chó kinh hoàng lao vào trận chiến, lăn lộn, cắn, đớp… Nó nhảy chồm chồm trong phòng, mỗi lúc một điên cuồng… tới khi người mệt lử và bất tỉnh.
Lưu Bị kinh ngạc hỏi:
- Thầy bảo em là con chó hoang?
- Vậy anh nói sao? - Thầy Lư Thực hỏi lại.
Lưu Bị nói:
- Tính em đúng là hơi khó gần. Song, bạn cùng phòng can hệ gì tới bóng con chó trong gương?
Thầy Lư Thực đáp:
- Em chưa hiểu sao? Trong mắt em, bạn cùng phòng chính là bóng con chó trong gương. Hãy nhớ, nếu ta đối tốt với người, người sẽ đối tốt với ta. Nếu ta khinh khi người, người sẽ "nhe răng". Em nói bạn không coi em ra gì, vậy em coi họ thế nào?
Lư Bị im thin thít.
- Em muốn làm một người được yêu mến, đúng không? Đánh lộn có thành người được yêu mến không? Không thể. - Thầy Lư Thực cười cười, nói:
- Tôi có một bí quyết, chỉ cần em tin theo, ba tháng sau em sẽ thành một người được yêu mến.
Về phòng, Lưu Bị lập tức chép ngay "Bí quyết được yêu mến" trên trang đầu sổ tay:
Thứ nhất: Hàng ngày tập cười trước gương.
Thứ hai: Gặp bạn là chào thân mật.
Thứ ba: Giúp người với động cơ tốt đẹp.
Thứ tư: không phải thánh, có ai không lầm lỗi? Vậy nên đối đãi với người bằng lòng khoan dung, thông cảm.
Thứ năm: Coi lấy thiện – tín đãi người là triết lý sống.
Lưu Bị nghe lời thầy Lư Thực và thành thực làm theo. Chẳng lâu sau, cậu thành người được bạn bè quý mến nhất, người có duyên nhất, người khiêm tốn và khoan hòa nhất. Trong "Tam quốc chí", Trần Thọ đánh giá: "Tiên chúa (Lưu Bị) là người khoan dung, đôn hậu, thực có cốt cách của Cao tổ (Lưu Bang) cùng tinh thần của bậc anh hùng". Ý tứ Trần Thọ cho Lưu Bị là bậc anh hùng trong giới công thương nhờ lòng khoan hòa, đãi người chân thành.
Trong những ngày khởi nghiệp gian nan về sau, dù gặp bao khó khăn, dù chịu bao lênh đênh vất vưởng, Lưu Bị vẫn có người tài nguyện theo bên mình. Nổi tiếng nhất trong những người nguyện đồng cam cộng khổ với Lưu Bị là Quan Vũ là Trương Phi, họ kết nghĩa: "Tuy không sinh cùng năm cùng tháng nhưng nguyện chết cùng ngày".