Khoảng trống - Những ngày xưa cũ
Những ngày xưa cũ
Kẻ xâm lấn
12.43 Nhằm chống lại kẻ xâm lấn (theo nguyên tắc, kẻ bị coi là xâm lấn khi chiếm đất đai và tài sản trên đất của người khác khi tìm thấy)…
Charles Arnold-Baker
Điều lệ Ban quản trị hội đồng địa phương
In lần thứ bảy.
I
Xét về tầm quy mô, hội đồng khu Pagford là một thế lực đáng kể. Mỗi tháng hội đồng họp một lần tại hội trường ngôi nhà thờ xinh đẹp xây kiểu Victoria, và mọi nỗ lực nhằm cắt giảm ngân sách, hạ bớt vây cánh hay sáp nhập hội đồng vào bất kỳ nhất thể nào đều vấp phải sự phản kháng mãnh liệt và dai dẳng suốt nhiều thập kỉ qua. So với các hội đồng khu dưới sự quản lý chung của hội đồng hạt Yarvil, hội đồng Pagford tự hào là thế lực bất trị nhất, mạnh tiếng nhất và độc lập nhất.
Trước buổi tối Chủ Nhật định mệnh đó, hội đồng vẫn gồm mười sáu thành viên cả nam lẫn nữ. Có vẻ các cử tri trong thị trấn đều cho rằng ngồi vào ghế hội đồng nghĩa là đủ năng lực làm việc, nên lúc trước mười sáu thành viên đó nhận ghế mà không có ai tranh giành.
Nhưng lối kết nạp kiểu chỉ định êm thắm này đang bị đe dọa. Nguồn cơn gây nên niềm oán giận của Pagford trong hơn sáu mươi năm qua đã tới giai đoạn chín muồi, các phe cánh bắt đầu tập hợp quanh hai nhà lãnh đạo có sức hút nhất.
Muốn tường tận đầu đuôi của mâu thuẫn này, trước hết phải hiểu nỗi căm ghét và nghi ngờ sâu sắc của dân Pagford đối với thành phố Yarvil nằm phía bắc thị trấn.
Các cửa hiệu, doanh nghiệp, nhà máy và bệnh viện Trung tâm Tây Nam cung cấp vô số việc làm cho dân Pagford. Cánh thanh niên trong thị trấn nhỏ này thường cứ tối thứ Bảy là đổ về Yarvil xem phim hay vào các câu lạc bộ. Thành phố có một thánh đường lớn, nhiều công viên và hai khu mua sắm khổng lồ, toàn những nơi rất thích hợp với những người đã ngán vẻ quyến rũ kiêu kỳ của Pagford. Thế nhưng dân Pagford chính gốc chỉ coi Yarvil là kẻ láng giềng chẳng đặng đừng. Ngọn đồi cao trên đỉnh có tu viện Pargetter như một thứ biểu tượng cho sự ghẻ lạnh đó, nó chắn Yarvil khỏi tầm mắt của dân Pagford và làm người dân thị trấn sống trong cái ảo tưởng dễ chịu rằng thành phố ấy ở xa họ hơn khoảng cách thực rất nhiều.
II
Đồi Pargetter cũng tình cờ che khuất một nơi nữa, nhưng thái độ của dân Pagford với nơi này khác hẳn: họ coi nó như một phần thị trấn. Đó là Dinh thự Sweetlove, tòa nhà tinh tế xây kiểu nữ hoàng Anne sơn màu vàng nâu tọa lạc giữa khu đất trồng cây và trang trại rộng hàng mấy héc-ta. Dinh thự thuộc địa phận Pagford Parish, ở khoảng giữa thị trấn và Yarvil.
Suốt gần hai trăm năm qua, ngôi nhà được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong dòng dõi quý tộc nhà Sweetloves, nhưng đến đầu thập kỉ hai mươi, dòng họ này không còn hậu duệ nào nữa. Ngày nay, những chứng tích còn lại của mối liên hệ lâu dài giữa nhà Sweetloves và Pagford chỉ là tấm bia lớn nhất trong sân nhà thờ Thánh Michael và các Thánh, vài dấu gia huy kèm chữ cái đầu tiên viết tắt họ tên rải rác đây đó trong sổ sách và các tòa nhà địa phương như dấu chân và phân hóa thạch của một sinh vật đã tuyệt chủng.
Sau khi người cuối cùng của dòng họ Sweetloves qua đời, dinh thự đổi chủ nhanh đến chóng mặt. Lúc nào dân Pagford cũng lo có nhà đầu tư nào đó mua hẳn rồi làm tổn hại tới cái biểu tượng thân yêu đó. Rồi vào quãng thập niên năm mươi, Aubrey Fawley mua khu đất này. Chẳng bao lâu sau, ai cũng biết Fawley có tài sản riêng kếch xù nhờ mấy mối làm ăn bí ẩn trong thành phố. Ông đã có bốn đứa con và khi ấy chỉ mong ổn định lâu dài. Pagford hết sức hài lòng vì có tin đồn rằng thật ra Fawley là họ hàng xa được nhà Sweetloves cho thừa kế dinh cơ này. Như vậy rõ ràng một nửa của ông ta đã là người xứ này rồi, vậy tự nhiên ông ấy sẽ ngả về Pagford chứ không phải Yarvil. Những người cố cựu của Pagford tin rằng sự xuất hiện của Aubrey Fawley sẽ lại mở ra một thời kỳ may mắn mới. Ông sẽ là người đỡ đầu kỳ diệu cho thị trấn, như tổ tiên ông từng chiếu cố và phô nét quyến rũ trên những con đường rải sỏi nơi đây.
Howard Mollison hãy còn nhớ cảnh mẹ mình lao vào căn bếp tí xíu trong ngôi nhà trên đường Hope để thông báo rằng Aubrey được mời làm giám khảo chợ hoa địa phương. Đám đậu đũa bà trồng được giải rau củ ba năm liên tiếp, thế nên bà xiết bao mong muốn được nhận chiếc cúp chạm hoa hồng mạ bạc từ tay người đàn ông mà bà coi là biểu tượng của dấu xưa đẹp đẽ.
III
Thế nhưng một sự kiện đen tối đã xảy ra làm cho câu chuyện cổ tích thành ra không có hậu.
Trong khi dân Pagford còn đang ngây ngất vui mừng vì Dinh thự Sweetlove được trao vào bàn tay đáng tin cậy thì Yarvil miệt mài xây hàng loạt nhà cho thuê ở miệt phía nam thành phố. Pagford lo lắng nhận thấy rằng những khu phố mới sẽ chiếm vài khoảng đất nằm giữa thành phố và thị trấn.
Ai cũng biết sau chiến tranh, nhu cầu nhà ở giá rẻ tăng vọt. Thị trấn nhỏ bé này sau lúc xao lãng tạm thời vì sự xuất hiện của Aubrey Fawley bắt đầu xôn xao nghi ngờ ý định của Yarvil. Biên giới tự nhiên là con sông và ngọn đồi từng giữ cho Pagford tách biệt và độc lập, nay dường như không chặn nổi bước tiến của hàng loạt căn nhà gạch đỏ. Yarvil lấp đầy từng tấc đất trong phạm vi của mình và chỉ chịu ngừng lại trước lằn ranh phía bắc Pagford Parish.
Cả thị trấn thở phào, nhưng chẳng mấy chốc họ nhận ra đã vui mừng quá sớm. Khu Cantermill nhanh chóng bị cho là không đủ đáp ứng nhu cầu của cư dân, vì thế thành phố này tìm cách chiếm thêm nhiều đất đai nữa.
Rồi chính Aubrey Fawley (khi đó vẫn là một biểu tượng huyền thoại trong lòng dân địa phương) đưa ra quyết định dẫn tới nỗi oán giận âm ỉ suốt sáu mươi năm qua.
Xét thấy không dùng tới vài cánh đồng cằn cỗi nằm ngoài khu xây dựng mới, ông đã bán đất cho hội đồng thành phố Yarvil với giá hời rồi dùng tiền đó tu bổ ván sàn đã hỏng của Dinh thự Sweetlove.
Cơn thịnh nộ của dân Pagford thật vô bờ bến. Những cánh đồng đất của Sweetlove từng là một phần thành trì chống lại cuộc xâm lấn của thành phố; giờ đây ranh giới cổ xưa ấy của vùng này cũng đã bị đám dân Yarvil khố rách áo ôm vượt qua. Người ta tổ chức nhiều cuộc họp om sòm trong hội trường thị trấn, đổ hàng núi thư sôi sục tới tòa báo và hội đồng Yarvil, ra sức vận động những người có thế lực trong vụ này, nhưng tất cả đều không thể giúp lật ngược thế cờ.
Những khu nhà chính quyền xây cho thuê lại dấn thêm một bước theo kiểu khác. Sau khi xây xong khối nhà đầu tiên, hội đồng thành phố tạm dừng một thời gian ngắn, rồi nhận ra rằng có thể hạ giá thành xây dựng hơn nữa. Thế là khu nhà mới mọc lên, chỉ có điều gạch đỏ đã bị thay bằng bêtông cốt thép. Khu nhà thứ hai đó nay được dân địa phương gọi là khu Fields (Khu Đồng Cỏ), theo tên vùng đất cũ nơi nó được xây dựng. Xét về mặt thiết kế lẫn vật liệu xây dựng, nó thấp cấp hơn nhiều so với khu Cantermill Estate được xây ban đầu.
Chính tại một trong những căn nhà bê tông khung thép đã bắt đầu rệu rã vào cuối thập niên sáu mươi ấy, Barry Fairbrother ra đời.
IV
Dù hội đồng thành phố Yarvil từng ngon ngọt vuốt ve rằng họ sẽ gánh mọi chi phí duy tu bảo trì khu nhà mới, nhưng đúng như dự đoán của ban đầu của những người dân giận dữ, chẳng bao lâu Pagford cũng phải nhận hóa đơn. Tuy phần lớn dịch vụ cho khu Fields lẫn chi phí sửa sang bảo trì nhà cửa do hội đồng Yarvil thanh toán, nhưng những khoản khác lại bị thành phố ngạo mạn đẩy sang cho thị trấn, đúng theo cái kiểu trịch thượng vốn dĩ của nó như sửa sang lối đi bộ công cộng, hệ thống thắp sáng và ghế ngồi, cả ngân sách cho xe buýt và những khu vực công cộng.
Những cây cầu trên đường từ Pagford đến Yarvil phủ đầy hình vẽ; xe buýt ở khu Fields bị phá hoại; đám choai choai khu Fields vứt đầy vỏ chai bia trong khu vui chơi và ném vỡ đèn đường. Rồi những con đường đi bộ vốn rất được khách du ngoạn ưa thích trở thành nơi đám trẻ ở Fields tụ tập và “làm nhiều trò bậy bạ khác nữa”, theo lời mẹ của Howard Mollison cay đắng nói. Thế là hội đồng khu Pagford phải dọn dẹp, sửa chữa, thay thế những cái vỡ hỏng, mà phần ngân sách Yarvil rót xuống ngay từ đầu đã không đủ cho thời gian và chi phí bỏ ra.
Dân Pagford cay cú nhất là đám trẻ khu Fields giờ thuộc khu vực được đăng ký học tại trường tiểu học thuộc nhà thờ Thánh Thomas. Bọn chúng đã có quyền khoác lên người bộ đồng phục xanh trắng kiêu hãnh, chơi trong sân cạnh tảng đá móng do quý bà Charlotte Sweetlove đích thân đặt xuống và làm điếc tai cả phòng học nhỏ bé với cái giọng sệt Yarvil chói lói.
Dân Pagford nhanh chóng nhận thấy rằng những căn nhà trong khu Fields trở thành đích nhắm của các gia đình Yarvil sống nhờ trợ cấp có con trong độ tuổi đi học; và làn sóng dịch chuyển lớn từ Cantermill Estate không ngừng vượt qua ranh giới, cứ như dân Mexico đổ vào bang Texas. Ngôi trường Thánh Thomas xinh đẹp, thỏi nam châm cuốn hút những người Pagford làm việc tại Yarvil với những lớp học xinh xắn, bàn nắp xếp, tòa nhà bằng đá lâu đời và bãi cỏ xanh mướt mát, giờ đây đứng trước nguy cơ quá tải, lúc nhúc con cái của bọn trộm cắp, nghiện ngập và lắm khi cùng mẹ mà chẳng biết cha.
Viễn cảnh ác mộng đó hóa ra không bao giờ đến, vì trường Thánh Thomas hiển nhiên chất lượng cực tốt, nhưng bù lại học sinh phải bỏ tiền mua đồng phục hoặc điền vào hàng đống đơn để chứng tỏ đủ điều kiện được trợ cấp; phải mua thẻ xe buýt, phụ huynh lại còn phải dậy sớm để lo cho bọn trẻ đến trường đúng giờ. Vài gia đình trong khu Fields thấy mấy vụ đó thật phiền hà quá sức, nên gửi con vào trường tiểu học rộng rãi được xây sau này cho dân khu Cantermill, nơi cho phép mặc thường phục. Phần lớn trẻ khu Fields một khi đã vào trường Thánh Thomas thì hòa nhập khá nhanh với bạn bè Pagford, một số đứa thậm chí còn được khen là cực ngoan. Barry Fairbrother đã trải qua thời đi học ở trường này như thế, cậu là cây chọc cười thông minh và rất được yêu mến trong lớp, chỉ thảng hoặc nhận thấy nụ cười của các bậc phụ huynh Pagford trở nên cứng đơ khi cậu nói về nơi mình ở.
Dù vậy, thi thoảng trường Thánh Thomas cũng buộc phải nhận vài đứa trẻ bất trị khu Fields. Lúc đến tuổi đi học, Krystal Weedon sống cùng bà cố ở đường Hope, vì thế trường buộc phải nhận con bé dù năm lên tám nó trở về Fields sống cùng mẹ, rành là người ta chỉ mong con bé rút khỏi trường Thánh Thomas cho rảnh nợ.
Krystal ì ạch bò qua các cấp lớp như con dê chui vào bụng trăn, nghĩa là cực kỳ lồ lộ và hai bên đều không lấy gì làm thoải mái. Nói thế không có nghĩa rằng Krystal lúc nào cũng ngồi trên lớp, dù nó phải học phần lớn các môn trong lớp một kèm một với giáo viên chuyên biệt.
Xui xẻo là Krystal lại học chung với với Lexie, cháu gái lớn của Howard và Shirley. Krystal từng tát Lexie Mollison mạnh đến rớt hai cái răng. Dù rằng hai cái răng sữa đó vốn đã lung lay lắm rồi mà chưa rụng, nhưng đối với cha mẹ ông bà của Lexie, tình tiết đó cũng chẳng giảm nhẹ tội con bé được bao nhiêu.
Viễn cảnh con gái mình phải học chung với nguyên cái lớp ấy tới tận trường cấp ba Winterdown Comprehensive đã khiến Miles và Samantha Mollison quyết định chuyển hai cô con gái về trường tư thục nội trú Yarvil, mỗi tuần về nhà một lần. Và Howard nhanh chóng lấy việc cháu gái mình vì Krystal Weedon mà phải chuyển khỏi trường đúng tuyến làm ví dụ ưa thích về ảnh hưởng kinh tởm của khu dân cư mới đến đời sống người dân Pagford.
V
Những phản ứng giận dữ ban đầu của người dân Pagford nén lại thành mối bất bình kín đáo hơn nhưng không kém phần sôi sục. Người khu Fields đã làm ô nhiễm và phá hỏng cảnh quan yên bình xinh đẹp nơi đây, và cư dân địa phương quyết phải cắt cụm dân cư đó khỏi lãnh địa của mình. Nhưng mấy lần hội họp để định lại ranh giới không đi tới đâu, việc cải cách chính quyền địa phương cũng không đưa lại tác dụng gì: Khu Fields vẫn dính nhằng nhẵng vào Pagford. Những cư dân mới khác trong thị trấn nhanh chóng hiểu được rằng cứ phải tỏ ra căm ghét khu dân cư kia thì mới được lòng nhóm dân cố cựu vốn điều hành mọi thứ tại Pagford này.
Đằng đẵng hơn sáu mươi năm kể từ khi ông Aubrey Fawley trao cho Yarvil khoảng đất tai hại đó, sau hàng mấy thập kỉ kiên nhẫn bền bỉ, bàn mưu tính kế, kiến nghị này kia, sắp xếp thông tin lẫn vận động các ủy ban cấp dưới, cuối cùng nhóm phản đối dân khu Fields nhận thấy đã tới thời điểm bước ngoặt.
Cuộc suy thoái buộc chính quyền địa phương phải cắt giảm và tái cơ cấu cho hợp lý hơn. Mấy tay chóp bu trong hội đồng quận Yarvil đã đánh hơi thấy lợi thế trong cuộc bầu cử tới, vì dãy nhà còm cõi đó nhiều khả năng chỉ sống được lay lắt dưới chính sách thắt lưng buộc bụng của nhà nước, nên nếu “hốt” về thì đám dân bất mãn sẽ trở thành cử tri của họ.
Đại diện riêng của Pagford tại Yarvil là ông hội đồng quận Aubrey Fawley. Ông “Aubrey trẻ” này là con trai của cụ Aubrey bán khu Fields ngày xưa, ông thừa hưởng Dinh thự Sweetlove nhưng suốt tuần bận quản lý một ngân hàng thương mại ở tận London. Cái cách Aubrey sốt sắng với chuyện trong khu này có vẻ nhuốm màu ăn năn, như thể ông gắng bù đắp cho lỗi lầm ông bố lỡ gây ra cho thị trấn nhỏ bé này. Ông cùng vợ mình là bà Julia đứng ra tài trợ và tặng giải thưởng tại hội chợ nông nghiệp, tham gia vào tất cả các ủy ban này nọ trong vùng, và tiệc Giáng Sinh nhà ấy tổ chức hàng năm thì ai cũng mong được dự.
Howard rất lấy làm tự đắc lẫn khoái chí mỗi khi nghĩ Aubrey và lão đang sát cánh bên nhau trong công cuộc đẩy khu Fields về lại cho Yarvil, vì tuy cùng là dân kinh doanh thật, nhưng Howard phải nể vì Aubrey ở đẳng cấp khác hẳn. Cứ thử nghĩ mà xem, tối tối sau khi đóng cửa hàng là lão phải trút cái ngăn kéo cũ kĩ ra mà ngồi đếm từng xu mẻ bạc lấm trước khi bỏ cả vào két. Còn Aubrey chẳng bao giờ phải động tay đến tiền thật cả, ông ta chỉ ngồi trong ngân hàng mà ra lệnh chuyển hàng núi tiền xuyên lục địa. Ông ta làm xiếc với tiền, nhân nó lên gấp bội, rồi khi thời vận có vẻ xấu đi thì ngạo nghễ nhìn nó bốc hơi. Trong mắt Howard, từ Aubrey tỏa ra không khí thần bí truyền kỳ mà dù ngành tài chính thế giới có đổ sụp đi nữa thì vầng hào quang ấy cũng không mảy may sứt mẻ. Ông chủ hiệu thực phẩm sẵn sàng quặc ngay những kẻ nào đổ cho cánh ngân hàng như Aubrey làm đất nước rơi vào khủng hoảng thế này. Lúc mọi chuyện suôn sẻ thì có ai than vãn gì đâu, Howard luôn nghĩ thế, và vẫn coi trọng Aubrey như vị tướng quân chẳng may thọ thương trong trận chiến không dành cho người thường.
Ngược lại, khi giữ chân ủy viên hội đồng quận, Aubrey được biết mọi số liệu thống kê hay ho và kể cho Howard đủ thứ tin tức về khúc ruột thừa khó ưa của Pagford. Cả hai đều biết rõ dù chẳng thu lại lợi ích hay thấy được tiến bộ gì rõ rệt, quận vẫn đã đổ ra biết bao nhiêu tiền của công sức vào mấy con phố xơ rơ xác rác ở khu Fields, và rằng trong khu ấy chẳng ai sở hữu nổi căn nhà đang trú cả (trong khi đó phần lớn những căn nhà gạch đỏ tại khu Cantermill đã được người ta mua đứt, và được cải tạo đẹp đến khó nhận ra với bồn hoa, cổng vòm và bãi cỏ cắt tỉa gọn gàng ở sân trước); rồi thì gần hai phần ba dân khu Fields sống nhờ hoàn toàn vào trợ cấp chính phủ, và cả đống dân nghiện từng phải ra ra vào vào trung tâm cai nghiện Bellchapel.
VI
Howard lúc nào cũng ghim trong đầu hình ảnh như ác mộng của khu Fields: những cánh cửa sổ đóng ván nhằng nhịt đủ thứ hình tục tĩu; đám choai choai phì phèo thuốc lá lê la ở nhà chờ xe buýt nhếch nhác; chảo vệ tinh lỉa chỉa khắp nơi đâm lên trời như cùi nhụy trơ trụi của những bông hoa sắt kinh tởm. Lão thường đay đi đay lại, làm sao mà cái đám dân đó không biết sắp xếp dọn dẹp khu mình sống cơ chứ, nghèo thì nghèo, sao không gom góp tiền rồi mua một cái máy cắt cỏ dùng chung? Nhưng chuyện như thế không bao giờ xảy ra: dân khu Fields chỉ trông đợi vào hội đồng quận và hội đồng khu xuống giúp họ dọn dẹp, sửa sang, bảo dưỡng; ban phát, giúp đỡ nhiều hơn nữa.
Howard nhớ hồi nhỏ sống ở phố Hope, nhà nào nhà nấy chỉ có mỗi mảnh vườn sau bé tí, nhỉnh hơn tấm khăn trải bàn chút ít, thế mà hầu như vườn nhà nào, kể cả nhà mẹ lão, cũng đều trồng kín đậu đũa với khoai tây. Dưới con mắt của Howard chẳng có gì cản trở đám dân khu Fields tự trồng rau tươi hay dạy dỗ đám con cái lưu manh hỗn xược lúc nào cũng sùm sụp mũ; đâu có gì cản họ chung tay dọn dẹp rác rưởi, làm đẹp cộng đồng; càng không gì ngăn cản họ tự tắm rửa cho sạch sẽ rồi nhấc mông đi kiếm việc làm; không gì cả. Thế nên Howard đi đến cái kết luận tất yếu rằng người khu đó tự chọn cách sống như thế, và cái không khí rời rã phảng phất mùi đe dọa trong khu nhà chẳng qua là cái mùi của sự ơ hờ và biếng nhác.
Ngược lại, Pagford trong tâm trí Howard sáng lấp lánh trong ánh hào quang đạo đức, như thể linh hồn của cộng đồng dân cư nơi đây hiển lộ qua những con phố rải sỏi, những ngọn đồi, và những căn nhà đẹp như tranh vẽ. Với Howard, nơi lão sinh ra không chỉ là khu đất có nhiều tòa nhà cũ xưa với dòng sông nước xiết giữa hai hàng cây soi bóng, có tu viện trang nghiêm phủ bóng hay những giỏ hoa treo trên quảng trường. Đối với lão, thị trấn là nơi lý tưởng, là lối sống, là khoảnh đất văn minh nhỏ bé trụ vững giữa mớ be bét của cả nước.
- Tôi là dân Pagford, - Lão thường bảo thế với du khách đi nghỉ hè. - sinh ra và lớn lên tại đây. Ẩn sau câu kể bình thường ấy là cả một niềm tự hào sâu sắc. Lão sinh ra và rồi sẽ chết đi ở mảnh đất này, lão chưa khi nào mơ tới chuyện dời đi chỗ khác; chưa từng khao khát ngắm nhìn cảnh vật nào khác ngoài cảnh mùa thay sắc trên những cánh rừng và dòng sông, hay cảnh quảng trường tưng bừng sắc hoa vào mùa xuân hay lấp lánh dịp Giáng Sinh.
Barry Fairbrother biết rõ chuyện đó, và có lần nói toạc luôn ra. Trong một lần họp, từ bên kia chiếc bàn họp trong sảnh nhà thờ, ông cười thẳng vào mặt Howard “Ông biết không Howard, với tôi, ông đích thị là dân Pagford”. Còn Howard, chẳng hề bối rối mảy may (vì lão đã quen bị Barry đùa cợt kiểu thế) đáp luôn: “Tôi coi đó là lời khen rất ý nghĩa đấy, Barry, dù anh có hàm ý gì đi nữa.”
Giờ thì lão cười được rồi. Ước vọng trong quãng đời còn lại của Howard giờ đã trong tầm tay: Khả năng đẩy khu Fields trở lại cho Yarvil là chuyện chắc chắn xảy ra trong ngày một ngày hai.
Hai ngày sau khi Barry Fairbrother gục chết trong bãi gửi xe, Howard nhận tin từ nguồn đáng tin cậy cho biết đối thủ đó của ông đã vứt ráo mọi quy tắc cuộc chơi mà gửi cho tờ báo địa phương một bài viết, rằng cho phép Krystal Weedon được hưởng nền giáo dục ở trường Thánh Thomas là một điều phúc thiện đáng quý.
Giả mà Barry không thực sự nghiêm túc đến thế trong chuyện này thì cái viễn cảnh đặt Krystal Weedon nghễu nghện trước mắt bao nhiêu độc giả tờ báo như một điển hình cho mối liên kết giữa khu Fields và Pagford có vẻ thật nực cười (như lời Howard). Hẳn là Fairbrother đã mớm lời trước cho con bé, làm chẳng ai biết đó là một con bé vừa chửi bậy như ranh, vừa bày đủ trò trong lớp, làm đám bạn học phát khóc lại còn liên tục bị đuổi rồi nhận lại.
Howard tin ông đồng hương của mình quả có ý tốt, nhưng lão lo ngại trò đảo điên của báo chí lẫn sự can thiệp của đám thích-làm-người-tốt ngây thơ. Lão phản đối khu Fields vì động cơ khách quan lẫn chủ quan: lão hãy còn chưa quên cảnh đứa cháu ngoại khóc lóc trong lòng, miệng mồm đỏ lòm vì răng gãy, trong khi lão thì ra sức dỗ đành, hứa hẹn về một phần quà hậu hĩnh gấp ba lần từ cô tiên răng.