Khoảng trống - Phần I - Chương 01 phần 8 - 9 - 10

VIII

Nhà Giáo Sĩ Cũ là dinh thự to nhất đứng cuối dãy nhà xây theo phong cách Victoria trên phố Church Row. Nó đứng chót hàng, đối diện nhà thờ Thánh Michael và Các Thánh, với khu vườn rộng rãi ngay góc đường.

Bà Parminder đi vội, thậm chí chạy gằn khi tới gần nhà, lập cập mở ổ khóa cứng ngắc bước vào. Bà phải tìm ai đó để hỏi lại cho chắc hòng tin nổi chuyện vừa nghe, bất kỳ ai cũng được, nhưng chưa kịp làm gì thì điện thoại trong bếp đã réo lên như điềm gở.

- Vâng tôi nghe?

- Anh Vikram đây.

Chồng bà Parminder là bác sĩ phẫu thuật tim. Ông làm việc tại bệnh viện Trung tâm Tây Nam đặt ở Yarvil, thường chẳng mấy khi ông gọi điện từ chỗ làm về nhà. Parminder nắm chặt cái ống nghe đến nỗi tay phát đau.

- Anh mới nghe kể về vụ đột quỵ. Nghe triệu chứng thì có vẻ do phình mạch. Anh nhờ Huw Jeffries ưu tiên đẩy ca này lên mổ khám nghiệm trước rồi. Phải cho chị Mary biết rốt cục nguyên nhân là gì. Chắc giờ đang mổ cho ông ta rồi đấy.

- Vâng. - bà Parminder khẽ đáp.

- Tessa Wall đang bên đó. Em gọi cô ấy đi.

- Vâng. - Parminder đáp. - Được rồi.

Nhưng khi gác máy xong, bà chỉ còn đủ sức ngồi sụp xuống chiếc ghế trong bếp, nhìn trừng trừng vô định vào cánh cửa sổ mở ra vườn sau, áp tay lên miệng.

Thế giới đã tan vỡ. Dù bức tường, những chiếc ghế, tranh bọn trẻ vẽ treo trên tường trông vẫn như thế. Vô nghĩa. Từng phần tử nhỏ bé của thế giới đã nổ tung rồi lập tức tái hợp lại, cái vẻ vững chắc trường cửu bề ngoài kia thật nực cười; mọi thứ đột nhiên trở nên mong manh khôn tả, chỉ cần một cú chạm, nó sẽ vỡ vụn.

Bà không kiểm soát nổi ý nghĩ của mình nữa. Có vẻ như chúng cũng đã bể nát, những mẩu ký ức đây đó lướt qua rồi mất hút: Lần khiêu vũ cùng Barry tại tiệc mừng năm mới tại nhà Wall, những câu chuyện không đầu không đuôi họ chia sẻ khi đi bộ về sau cuộc họp gần đây nhất của hội đồng địa phương.

- Nhà anh trông như mặt con bò ấy. - Bà từng nói với ông ấy như thế.

- Mặt bò ấy à? Thế nghĩa là sao?

- Thì phần trước nhà hẹp hơn phần hậu. Như thế là tốt. Nhưng anh không để ý cái góc chữ T à, thế không may đâu.

- Thế thì hên xui vừa khéo bù trừ. - Barry đáp.

Có khi ngay lúc đó đó, động mạch trong đầu ông ấy đã phình ra một cách đáng báo động rồi, thế mà hai người họ không ai biết gì cả.

Parminder đờ đẫn dời bước từ bếp sang phòng khách tối âm âm dù trời nắng hay mưa, vì bị rợp bóng cây thông giống Scotland ở vườn trước. Bà ghét cái cây đó nhưng đành cứ để thế, vì hai vợ chồng đều biết hàng xóm sẽ làm ầm lên nếu hạ nó.

Không bình tĩnh nổi, bà lại đi dọc hành lang xuống bếp, nhấc máy gọi cho Tessa Wall nhưng cô không nghe máy. Chắc đang bận. Bà lại run rẩy buông mình xuống ghế.

Nỗi đau buồn quá lớn như con quái thú điên cuồng xông ra từ lòng đất ập vào bà. Barry bé nhỏ, Barry râu rậm, người bạn của bà, chiến hữu của bà.

Cha bà cũng ra đi đúng như thế. Năm đó bà mười lăm tuổi, khi đi phố về, bà thấy ông nằm úp mặt trên bãi cỏ, máy cắt cỏ còn bên cạnh, ánh mặt trời chói chang rọi vào gáy. Parminder ghét cái chết bất ngờ. Ai khác sợ viễn cảnh chết dần chết mòn, thì bà lại thích chuyện đó; dù gì cũng còn có thời gian để mà sắp xếp mọi việc, nói lời vĩnh biệt...

Đôi tay bà vẫn đang áp chặt lấy miệng. Bà nhìn gương mặt trơ trơ dịu dàng của Guru Nannak trong tranh.

(Vikram không thích bức tranh này.

- Em treo cái đó làm gì?

- Em thích thế. - Bà ngang ngạnh đáp.)

Barry, đã mất rồi.

Bà nuốt xuống cơn nghẹn ngào mãnh liệt với sự sắt đá lúc nào cũng làm mẹ bà buồn lòng, nhất là khi cha bà vừa qua đời, khi các cô con gái khác, cả các cô và cháu trai cháu gái đều khóc lóc đấm ngực. “Khi xưa bố cưng con biết bao nhiêu mà!”. Nhưng Parminder vẫn khóa chặt những giọt lệ ấy trong tim, ở đó dường như chúng được chuyển hóa sao đó, và phát lộ ra ngoài theo từng cơn thịnh nộ mà bà trút lên lũ trẻ và mấy nhân viên tiếp tân trong phòng khám.

Vẫn hiển hiện trước mắt bà hình ảnh Howard và Maureen phía sau quầy hàng, một gầy một béo, đầy vẻ hạ cố khi báo tin bạn bà đã chết. Bà căm hờn nghĩ, Bọn chúng đang vui mừng. Bọn chúng nghĩ giờ thì thắng chắc.

Bà đứng thẳng dậy, bước vào phòng khách, rút từ kệ cao nhất tập một cuốn Sainchis mới nguyên. Bà mở hú họa một trang và đọc mà không hề ngạc nhiên, chỉ thấy như đang nhìn vào chính khuôn mặt méo mó của mình trong gương. “Ngay lúc này, thế giới là cái hố đen sâu thăm thẳm. Từ khắp mọi phía, cái Chết giăng sẵn lưới vây.”

IX

Căn phòng dành làm phòng tư vấn của trường Winterdown Comprehensive tách biệt hẳn với thư viện trường. Phòng không có cửa sổ, chỉ được chiếu sáng bởi bóng đèn neon độc nhất.

Tessa Wall, là trưởng phòng tư vấn và là vợ của thầy hiệu phó, bước vào phòng lúc mười giờ rưỡi, người đờ ra vì mệt, tay cầm cốc café hòa tan pha đặc lấy từ phòng giáo viên. Cô có dáng người thấp mà thô, mặt bè bè, mái tóc tự cắt bắt đầu ngả xám, mái trước lam nham không đều, trang phục quê mùa, mê các loại đồ thủ công, kiểu như trang sức bằng gỗ và hột. Cái váy dài cô mặc hôm nay tựa như làm bằng vải bao bố, lại thêm cái áo khoác dày cộp cục mịch màu xanh lá. Tessa hầu như không bao giờ soi gương lớn và cô cũng cạch mặt cửa hàng nào gắn gương loại ấy.

Để phòng tư vấn đỡ giống xà lim, cô treo một tấm thảm Nepal có được từ hồi sinh viên: Tấm thảm sặc sỡ in hình mặt trời và mặt trăng vàng rực tỏa ra những đường gợn sóng tượng trưng cho tia sáng. Bề mặt tường trơ trụi còn lại đính đầy áp phích chứa những lời khuyên hữu ích để tự xốc dậy tinh thần, kèm số điện thoại để liên lạc khi cần tư vấn ẩn danh về sức khỏe và tâm lý. Trong lần ghé thăm phòng tư vấn vừa rồi, cô hiệu trưởng đã nhận xét với vẻ hơi châm biếm: “Nếu có gì trục trặc thì cứ gọi Đường Dây cho Trẻ em, tôi hiểu rồi.” Cô vừa nói vừa chỉ vào tấm áp phích nổi bật nhất.

Tessa buông mình xuống ghế, rên lên một tiếng, lần tháo cái đồng hồ siết chặt lấy cổ tay rồi quẳng nó lên bàn giữa đống giấy tờ ghi chép đủ loại. Cô chẳng rõ hôm nay mình có đủ sức tư vấn cho học sinh không, cũng chẳng biết liệu Krystal Weedon có đến không. Thường cứ mỗi lần buồn bực hay chán nản là con bé lại bỏ ra ngoài. Có khi chưa ra đến cổng nó đã bị thộp cổ dẫn vào, vừa đi vừa la hét chửi rủa ầm ĩ; cũng thi thoảng con bé lẻn ra được rồi cúp học luôn một hơi nhiều ngày. Đã mười giờ bốn mươi, tiếng chuông vang lên, Tessa bắt đầu đợi.

Krystal chạy xộc vào lúc mười giờ năm mươi phút, sập cửa đánh sầm. Con bé ngồi phịch xuống trước mặt Tessa, tay khoanh lại trước vòng một nảy nở, đôi bông rẻ tiền đong đưa trên tai.

- Cô đi mà nói với ồng cô rằng, - Giọng nó run run vì kích động. - tui không cười cái quái gì hết, rõ chưa?

- Đừng có chửi thề trước mặt cô thế, Krystal. - Tessa bình tình đáp.

- Tui không có cười, - được chưa? - Krystal gào lên.

Một đám học sinh cuối cấp ôm bìa hồ sơ đến thư viện. Chúng nhìn qua ô kính trên cửa, một đứa cười nhăn nhở khi nhận ra Krystal trong đó. Cô Tessa đứng dậy buông rèm che kín cửa sổ, rồi quay về chỗ ngồi trước tấm thảm có hình mặt trăng và mặt trời.

- Được rồi, Krystal. Em kể cô nghe chuyện vừa rồi đi.

- Ông chồng cô kể cái gì đó về ông Fairbrother, đấy, tôi có nghe ông ấy nói cái quái gì đâu, thế rồi con Nikki nó dụ tôi, rồi tôi không nhịn được cái mẹ nó...

- Krystal!

- ... Thì tui giật mình, thế, tui hét lên chứ có cười gì đâu! Tui không hề, mẹ nó...

- Krystal!

- Tôi không có cười, được chưa? - Krystal lại hét lên, hai tay khoanh chặt, chân bắt chéo.

- Cô nghe rồi, Krystal.

Làm việc trong phòng này, Tessa đã quen thấy bọn trẻ nổi nóng. Nhiều đứa thiếu cả những lễ phép tối thiểu: nói dối, quậy phá, bịp bợm thường xuyên, nhưng hễ bị buộc tội oan là chúng thực sự nổi khùng. Tessa thấy cái hằn học đó lại đáng tin cậy hơn vẻ giả tạo mà Krystal rất giỏi nặn ra khi vờ vĩnh. Thật ra âm thanh Tessa nghe trong buổi sinh hoạt toàn trường nghe có vẻ sốc và hốt hoảng chứ không có vẻ thích thú; cô đờ cả người khi Colin gọi đó là tiếng cười trước mặt cả trường.

- Tui thấy ông thầy Tủ...

- Krystal!

- Tui đã bảo ông chồng chết tiệt của cô...

- Krystal, cô nói lần cuối cùng đấy nhé, đừng có văng tục trước mặt cô.

- Tui đã nói là tôi không có cười, tui có nói mà! Thế mà ổng vẫn phạt tui cấm túc, bà nó!

Con bé tức phát khóc, cặp mắt tô chì đậm đen nhòe nước. Máu dồn hết lên mặt nó đỏ bừng, nó trừng trừng nhìn Tessa, sẵn sàng chạy đi, chửi thề, chĩa ngón tay thối vào cô như đã làm sáng nay. Sợi dây tin cậy mong manh hai bên vất vả lắm mới xây dựng được suốt hai năm qua căng lên như sắp đứt phựt.

- Cô tin em, Krystal. Cô tin em không cười. Nhưng em ráng đừng có văng tục với cô chứ.

Con bé đột nhiên giơ mấy ngón tay mũm mĩm lên dụi cặp mắt lem luốc. Tessa rút ra nắm khăn giấy trong hộc bàn đưa cho Krystal, nó cầm lấy, không buồn cảm ơn, ấn lên mắt rồi xì mũi. Bàn tay của Krystal là phần đáng yêu nhất trên người nó, móng tay vừa ngắn vừa rộng, sơn màu lem nhem, và cách con bé cử động có gì đó trông thơ ngây như đứa bé.

Tessa chờ cho Krystal nguôi bớt rồi bảo: “Hẳn là em cũng rất buồn vì ông Fairbrother đã qua đời...”

- Vâng, đúng. - Tessa sốt ruột ngắt ngang. - thế thì sao?

Tự nhiên Tessa hình dung Barry đang lắng nghe cuộc trò chuyện này. Cô nhìn thấy ông cười buồn bã, nghe ông nói rõ ràng “cầu chúa phù hộ cho trái tim con bé”. Tessa nhắm đôi mắt nhức nhối, không nói nổi nên lời. Cô nghe tiếng Krystal sốt ruột cọ quậy, nhẩm đếm chậm từ một tới mười rồi mở mắt. Krystal vẫn ngồi khoanh tay nhìn cô đầy vẻ thách thức.

- Cô cũng rất buồn vì ông Fairbrother đã ra đi. - Tessa nói. - Ông thật sự là người bạn lâu năm của mọi người ở đây. Chính vì vậy mà thầy Wall hơi...

- Tui đã bảo ổng là tui không...

- Krystal, để cô nói hết đã. Hôm nay thầy Wall cực kỳ đau buồn, có lẽ vì vậy mà thầy ấy... thầy ấy hiểu nhầm hành động của em. Cô sẽ nói chuyện với thầy.

- Ổng sẽ không đổi cái lệnh phạt chết tiệt...

- Krystal!

- Thì thôi, nhưng ổng không đổi ý đâu.

Krystal tức tối rung chân lia lịa, thúc cả vào chân bàn Tessa đang ngồi. Cô rút tay không tỳ vào bàn nữa để tránh bị rung theo rồi lặp lại: “Cô sẽ nói chuyện với thầy Wall.”

Cô cố giữ vẻ trung lập, kiên nhẫn đợi Krystal chịu nghe lời trở lại. Con bé hậm hực ngồi im, đá chân bàn, nuốt khan liên tục.

- Thế ông Fairbrother bị sao vậy? - Cuối cùng nó hỏi.

- Bác sĩ nói động mạch não bị vỡ. - Tessa đáp.

- Sao lại thế?

- Vì ông ấy có dị tật bẩm sinh mà không biết.

Tessa hiểu Krystal quen đối mặt với những cái chết bất ngờ hơn cô nhiều. Những người qua lại với mẹ Krystal đột tử liên tục tới nỗi ngỡ như họ tham gia vào trận chiến bí mật nào đó mà chẳng ai hay biết. Năm Krystal sáu tuổi, con bé từng kể nhìn thấy trong nhà tắm của mẹ có xác một thanh niên. Đó là một trong nhiều lý do khiến con bé dọn sang ở hẳn với bà cố nội Nana Cath. Bà có mặt trong phần lớn những chuyện Krystal kể thời nhỏ, với nó, bà khắc nghiệt nhưng lại là vị cứu tinh duy nhất.

- Giờ cả đội coi như chìm mẹ nó rồi. - Krystal lên tiếng.

- Không đâu. - Tessa đáp. - Với lại, đừng có văng tục chứ, Krystal.

- Nó chìm chắc rồi. - Krystal đáp.

Tessa muốn phản đối nhưng cô kiệt sức không cất lời nổi. Krystal nói đúng, một phần lý trí trong Tessa thầm công nhận như vậy. Đội đua thuyền tám tay chèo sẽ tan rã. Chẳng ai ngoài Barry đưa được Krystal Weedon vào một nhóm và giữ chân nó trong đó. Con bé sẽ bỏ đội, Tessa biết, mà có lẽ tự Krystal cũng rõ. Họ cùng ngồi yên lặng một lúc, Tessa quá mệt, không nghĩ ra được lời nào để thay đổi không khí. Cô thấy run rẩy, yếu đuối, đau nhức tới tận xương tủy vì thức suốt hai mươi tư giờ qua.

(Samantha Mollison gọi điện từ bệnh viện lúc 10 giờ, ngay lúc Tessa vừa ra khỏi bồn tắm để xem tin tức trên kênh BBC. Cô mặc vội quần áo trong khi Colin lẩm bẩm gì đó không rõ, vấp vào hết thứ này đến thứ khác. Hai vợ chồng gọi với lên lầu cho con trai, báo ra ngoài, rồi hấp tấp chạy ra xe. Colin phóng xe điên cuồng tới Yarvil, như muốn vượt qua mặt thực tại để lừa nó thay đổi.)

- Nếu cô không nói gì nữa thì tui đi đây. - Krystal nói.

- Đừng có bất lịch sự thế Krystal. - Tessa bảo. - Sáng nay cô mệt rã rời. Thầy Wall với cô đã ở trong bệnh viện suốt tối qua với vợ ông FairBrother. Hai vợ chồng họ đều thân với nhà cô.

(Khi Tessa tới, Mary đã hoàn toàn suy sụp, chị ta ôm chặt lấy cô, vùi mặt vào cổ cô mà thất thần nức nở. Cả trong lúc nước mắt cô rơi xuống tấm lưng mảnh dẻ của Mary, cô vẫn nghe rõ tiếng gào khóc của bạn. Thân hình mảnh mai hấp dẫn mà Tessa thường ghen tị giờ run rẩy trong tay cô, không chịu nổi gánh thương đau ập xuống.

Tessa không nhớ vợ chồng Miles và Samantha ra về lúc nào. Cô chẳng thân với nhà đó, và nghĩ rằng họ cũng khá mừng khi được rời đi.)

- Em gặp vợ ông ấy rồi. - Krystal nói. - Tóc vàng. Bà ấy tới xem tụi em đua.

- Ừ. - Tessa đáp.

Krystal gặm gặm đầu ngón tay.

- Ông ấy định cho em phỏng vấn với báo chí. - Đột nhiên con bé nói.

- Chuyện gì kia? - Tessa không hiểu.

- Ông Fairbrother. Định mời người phỏng vấn em. Mình em thôi.

Khi trước tờ báo địa phương từng có bài về đội đua thuyền trường Winterdown đoạt giải nhất cấp vùng. Krystal khi ấy vốn đọc kém nên mang bản sao bài báo đến nhờ Tessa, cô đã đọc to bài ấy lên, tự thêm vào nhiều lời khen ngợi động viên. Đó là buổi tư vấn vui vẻ nhất của cô.

- Báo phỏng vấn em về vụ đua thuyền à? - Tessa hỏi. - Phỏng vấn cả đội à?

- Không. - Krystal đáp. - Chuyện khác kia. Thế đám tang là khi nào? - Con bé hỏi thêm.

- Còn chưa biết được. - Tessa đáp.

Krystal lại gặm móng tay, Tessa quá mệt để có thể làm gì đó phá vỡ bầu không khí im lặng này.

X

Mẩu thông báo về cái chết của Barry đăng trên website của hội đồng địa phương chìm nghỉm không tăm tích trong làn sóng tin tức xôn xao. Sáng thứ Hai đó, đường dây điện thoại tại Pagford đồng loạt bận, từng nhóm nhỏ người đi đường tụ tập trên vỉa hè hẹp để hỏi đi hỏi lại tin nghe được bằng giọng kích động.

Tin tức lan đi cùng vài chuyện kỳ quặc phát sinh. Chữ ký của Barry hãy còn rải rác trong các hồ sơ tại văn phòng và dưới email gửi vào inbox cả núi người ông quen biết giờ nhuốm màu sắc bi thương như mẩu vụn bánh mì thằng bé lạc trong rừng để lại. Nét ký tháu từ những ngón tay nay đã vĩnh viễn bất động vẫn làm người ta sởn gai ốc. Gavin bắt đầu bực bội khi thấy tin nhắn từ ông bạn đã chết còn trong điện thoại. Rồi có cô bé trong đội đua thuyền, khi rời buổi sinh hoạt toàn trường hãy còn khóc, đột nhiên tìm thấy trong cặp tờ đơn Barry từng ký, thế là suýt phát điên vì sợ.

Cô phóng viên hai mươi ba tuổi làm cho tờ Yarvil và District Gazette không hề biết rằng bộ óc bận rộn của Barry nay đã nằm bèo nhèo như miếng bọt biển trên khay kim loại tại bệnh viện Trung tâm Tây Nam. Cô đọc email Barry gửi mình độ một giờ trước khi chết rồi bấm số di động của ông nhưng không ai trả lời. Barry đã chiều ý vợ tắt điện thoại khi đi đến câu lạc bộ golf, giờ nó nằm yên lặng cạnh lò vi sóng trong bếp cùng với những món đồ cá nhân bệnh viện gửi người nhà đem về. Không ai chạm vào chúng. Thẻ chìa khóa, điện thoại di động, chiếc ví cũ sờn, những món đồ quen thuộc ấy như một thành phần thực sự thuộc về người đã khuất, cũng như ngón tay hay lá phổi của ông.

Tin tức về cái chết của Barry cứ thế tỏa ra khắp hướng từ những người có mặt trong bệnh viện. Nó bay tới tận Yarvil, lọt vào tai những người chỉ mới thấy hay nghe qua danh tiếng của Barry. Dần dà, tin ấy mất đi những điểm chính, thậm chí bị bóp méo đi. Lắm lúc, tin buồn về một người đã ra đi biến thành mớ hổ lốn các chi tiết giật gân, biến Barry thành một đống co giật vừa nôn vừa són, rốt cục có vẻ như kiểu báo tin ấy làm người ta thấy có cái gì đó không phải phép, thậm chí buồn cười đến lố bịch trong cái chết chẳng lấy gì làm đẹp mắt của ông ta tại câu lạc bộ golf nhỏ bé ấy.

***

Simon Price sống trong căn nhà trên đỉnh đồi, từ đó nhìn bao quát được khắp Pagford. Gã là một trong số những người đầu tiên nghe tin về cái chết của Barry, nhưng tin tức mới quanh vụ này lại đến từ xưởng in Harcourt - Walsh, nơi gã làm việc suốt từ khi rời ghế nhà trường. Tin này xì ra từ tay tài xế xe nâng trẻ suốt ngày nhóc nhách nhai kẹo cao su. Một chiều muộn nán lại làm việc, Simon phát hiện nó lẩn lút cạnh cửa phòng làm việc khi gã đi toilet về.

Lúc đầu, thằng nhóc chẳng nói gì về vụ Barry.

- Cái món ông anh nói có khi muốn mua. - Nó rì rầm sau khi theo chân Simon vào phòng và cửa đã đóng lại. - Thứ Tư thằng này mang tới được đấy, nếu ông anh còn khoái.

- Thế hả? - Simon ngồi xuống ghế sau bàn làm việc. - Chẳng phải chú mày bảo hàng sẵn sàng hết rồi sao?

- Thì thế, nhưng mà tới thứ Tư mới sắp xếp đi lấy được.

- Nói lại xem, hôm trước chú mày bảo bao nhiêu tiền?

- Tám chục vé, tiền mặt.

Thằng nhãi nhai kẹo cao su tòm tọp, Simon nghe được cả tiếng nước miếng nhóp nhép. Nhai kẹo cao su là một trong nhiều thứ Simon ghét cay đắng.

- Phải đáng tiền đấy nhé? - Simon đòi hỏi. - Rác rưởi thì khỏi chơi nhé.

- Lấy từ kho ra luôn mà. - Thằng nhóc vặn vẹo chân và vai - hàng thật đấy, còn nguyên trong thùng.

- Thế được rồi. - Simon bảo. - Thứ Tư mang đến đây.

- Cái gì, ở đây hả? - Nó đảo mắt. - Không, giao ở chỗ làm không được đâu... Thế ông sống ở đâu?

- Pagford. - Simon đáp.

- Pagford mà chỗ nào chứ?

Simon không thích nhắc tới nhà cửa vì một niềm tin gần như là mê tín. Gã ghét khách khứa không chỉ vì xem đó là bọn chuyên xâm phạm sự riêng tư, có khi còn phá hoại tài sản gia chủ, mà còn vì tự cho Nhà Trên Đồi của mình là nơi thanh khiết bất khả xâm phạm, tách hẳn khỏi Yarvil và xưởng in ầm ĩ.

- Mai hết giờ làm tao qua lấy. - Simon làm như không nghe câu hỏi. - Chú mày để nó ở đâu.

Thằng nhóc có vẻ không vui. Simon nhìn nó chòng chọc.

- Thế thì cho thằng em lấy tiền mặt trước. - Tên lái xe trì hoãn.

- Khi tao có hàng thì chú mày có tiền.

- Có ai làm ăn vậy đâu ông anh.

Sinmon bắt đầu thấy đau đầu. Gã không gạt được cái ý nghĩa mà bà vợ vô ý gieo vào đầu hồi sáng này, rằng trong đầu người ta có khi giấu trái bom nhỏ tí hàng nhiều năm không ai hay biết. Rõ ràng tiếng máy chạy rầm rập ngoài kia chẳng có lợi cho gã chút nào, có khi nhiều năm nay nó đã bào mỏng thành động mạch của gã rồi cũng nên.

- Thôi được. - Gã càu nhàu, nhích mông rút ví. Thằng nhãi tiến lại cạnh bàn xòe tay ra.

- Ông anh có sống gần sân golf Pagford không? - Hắn hỏi trong khi Simon đang đếm tiền. - Tối qua thằng bạn tui bên đó thấy có gã lăn ra ngoẻo. Cứ thế phun vòi ra rồi gục luôn trong bãi gửi xe.

- Ờ, tao có nghe nói. - Simon đáp, miết tay vào tiền trước khi đưa phòng hai tờ tiền dính vào nhau.

- Ủy viên hội đồng biến chất, cái tay mới chết ấy. Gã đi đêm với bên Grays để cho cánh ấy nhận thầu.

- Thế hả? - Simon hỏi cầm chừng dù đang dỏng cả hai tai lên.

Barry Fairbrother làm thế, ai mà ngờ chứ?

- Tìm ông anh sau nhá. - Thằng nhóc vừa nói vừa nhét kĩ tám chục bảng vào túi sau. - Ta cùng đi lấy hàng, thứ Tư này.

Cửa văn phòng đóng lại. Simon quên hẳn cơn nhức đầu thoáng qua vì mải phấn khích với cái tin Barry đi đêm. Barry Fairbrother, người bận rộn như thế, hòa đồng như thế, nổi tiếng và nhiệt huyết như thế, ấy mà hồi giờ vẫn ăn của đút từ Grays.

Giả như tin này đến tai những người quen khác của Barry hẳn họ sẽ bất ngờ hơn Simon gấp nhiều lần. Nhưng Simon thậm chí không vì chuyện này mà thấy Barry kém cỏi đi, ngược lại, gã càng thêm kính trọng người đã khuất. Bất kỳ ai có não cũng đều đang liên tục và ngấm ngầm làm mọi cách để vơ vét về mình càng nhiều càng tốt, Simon biết thế. Gã đờ đẫn nhìn bảng tính trên màn hình máy tính, tai lại ù đặc vì tiếng máy ầm ầm đằng sau cánh cửa sổ đầy bụi.

Một khi đã có gia đình thì anh chẳng có cách nào khác là cắm đầu cày cuốc mỗi ngày từ chín giờ sáng tới năm giờ chiều. Nhưng Simon biết, luôn có lựa chọn khác hay ho hơn: viễn cảnh cuộc sống thoải mái dư dật lơ lửng trên đầu hắn như quả bầu đất đựng quà, chỉ cần hắn kiếm được cây gậy đủ to và đập đúng chỗ là lấy được thứ bên trong. Simon vẫn giữ một niềm tin rất trẻ con rằng những người còn lại ngoài gã ra chỉ tồn tại để mà kéo lê cho hết bi kịch của riêng họ mà thôi; rằng vận mệnh treo trên đầu gã, chăng đường chỉ lối cho gã. Ngay lúc này, gã không kìm được cảm tưởng rằng gã đã được ban cho một dấu hiệu, một cái nháy mắt từ thiên đàng.

Trước đây, không ít lần những lời chỉ dẫn siêu nhiên này là nguồn cơn những quyết định viển vông của Simon. Nhiều năm trước, khi còn là anh thợ học việc hạng bét trong xưởng in, vợ gã đang có thai, lại thêm gánh nợ cầm cố gắng lắm mới xoay xở nổi, thế mà nhân giải đua ngựa Grand National, gã dám cược cả trăm bảng cho con ngựa rất được ưa thích thời đó tên Bé Cưng của Ruthie, con này rốt cục về áp chót. Chẳng bao lâu sau hai vợ chồng mua được Nhà Trên Đồi, Simon cầm 1.200 bảng mà Ruth dự tính dùng để sắm sửa rèm và thảm để đầu tư dạng sở hữu thời gian sử dụng (time-share) với một người quen cũ ở Yarvil, tay này hóa ra là kẻ bịp bợm, nên khoản đầu tư của Simon bốc hơi cùng tay giám đốc. Lần đó Simon nổi điên, chửi bới, còn đá thằng con nhỏ lăn từ cầu thang xuống đất vì tội vướng chân gã, thế nhưng lại không hề báo cảnh sát. Trước khi đầu tư, gã biết lề lối kinh doanh của công ty có nhiều chỗ bất thường, nên thế nào cảnh sát cũng hỏi nhiều câu khó đỡ khi nhúng tay vào điều tra.

Dù thế, cũng có lúc gã gặp may, linh cảm đúng như thần mách, thế nên khi đong đếm thì Simon vẫn chọn tin vào những điềm báo này. Cũng chính vì thế mà gã vẫn tin cậy vào ngôi sao chiếu mệnh, vẫn vững lòng rằng vũ trụ này hẳn còn dành sẵn thứ gì đó cho gã, chứ không thể nào cứ mãi kiếp làm thuê với đồng lương bèo bọt tới tận khi nghỉ hưu rồi chết. Gian lận, đi lối tắt, nhờ vả rồi đền đáp, ai cũng làm thế cả thôi, kể cả Barry bé nhỏ, giờ cháy nhà mới ra mặt chuột là thế.

Trong căn phòng làm việc chật chội, Simon Price thèm khát nhìn trừng trừng vào cái ghế khuyết trong guồng máy đó, nơi mà tiền vẫn đổ xuống chỗ trống nhưng không có ai chờ hứng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3