Búp sen xanh - Phần 1 chương 04

4

Từ ngày ng đồ Hoàng Xuân Đường tạ thế, nhà bà đồ trở nên eo hẹp tiền tiêu. Cả nhà bảy miệng ăn chỉ trông vào hoa lợi của hơn hai mẫu ruộng mà đã cho cấy rẽ mất một nửa, số còn lại chị nho Sắc và cô An gánh vác. Ngòai ra, hai chị em cô Loan phải kéo sợi dệt vải luôn tay mới có tiền bút nghiên cho anh Sắc học ôn thi. Anh nho Sắc lại nhiều bạn lui tới đàm đạo việc học, việc đời. Có bạn ở tận xa, cách xã, cách huyện, thường đến ở chơi trong nhà cả tuần trăng. Bà đồ thấy ấm dạ vì chồng đã khuất mà nhà không vắng khách văn, có con rể được nhiều người trọng nể. Nhiều hôm khách của anh nho Sắc đến chơi đông, ở lại ăn cơm, mẹ con bà đồ thường phải nấu thêm hai, ba lần mới đủ. Thỉnh thoảng gặp hôm chưa giã kịp gạo, khách ở lại ăn cơm đông, ba mẹ con bà đồ phải nhịn cơm cho khách. Riêng ba chị em bé Thanh, Khiêm, Côn thì được ăn cơm vét nồi, cơm cháy. Bé Khiêm và bé Côn vô ý động bát đũa lớn tiếng, bà đồ khẽ dặn cháu:

- Tụi bây khẽ tay chứ! Có khách đang ăn cơm trên nhà, các cháu phải có ý có tứ.

- Bé Côông là hay khua bát đũa nhất. - Cô An trách yêu bé Côn.

Côn phụng phịu hỏi bà:

- Khách ở mãi trên nớ (kia), chúng cháu ở tận dưới nhà ni, răng lại không được nói to, không được chạm bát đũa, hở bà?

- Khách đang trò chuyện, khách đang ăn cơm mà các cháu làm ồn, đụng chạm sòang soạng dưới nhà thì khách họ cười người nhà mình vô ý, hoặc là có ý đuổi khách về. Cháu bà rõ chưa?

Côn gật gật đầu, hỏi thêm bà:

- Chị Thanh cạo cháy trong nồi mạnh tay cũng bị dì An mắng, vì răng rứa bà?

- Ồ! Cháu của bà còn chưa biết cả cái việc ấy nữa. Cháu ơi!... Khách đang ăn cơm mà các cháu cạo cháy sào sạo tóang lên thì có khác chi ngăn khách đừng ăn nữa, hết cơm rồi. Cháu rõ chưa?

Côn cười xòa, rúc đầu vào nách bà, nũng nịu. Vừa qua giỗ đầu ông Hoàng Xuân Đường, anh nho Sắc đi thi Hương khoa Giáp Ngọ (1894) trường Nghệ (Vinh). Bà đồ làm mâm cơm cúng gia tiên, cầu danh cho con rể. Anh cử Vương Thúc Quý, anh nho Phan Văn San thì đem lễ rượu, hương, trầu đi cúng đền Thánh Cả, chùa Đạt để thần phật phù hộ cho anh nho Sắc thi đỗ. Bà con Nguyễn Sinh cũng như họ Hoàng đều mong ngóng, đợi chờ anh nho Sắc ở khoa thi này. Dân làng Sen, làng Chùa ai cũng biết anh nho Sắc là người học giỏi vào hàng thứ nhất trong vùng, chỉ e "học tài thi phận". ằng ngày nhà bà đồ từ sáng đến tối liên tiếp người đến thăm tin vui ở dưới trường thi về. Bé Côn thấy nhà vui như hội, túm áo anh Khiêm kéo ra sân nhảy lò cò, đánh khăng, bắt anh cõng từ sân ra ngõ, từ ngõ vào sân. Ông Xẩm trải manh chiếu bên ngõ nhà bà đồ, lên dây đàn... Anh em bé Côn và cả đám trẻ trong làng đã ùa đến, đứa ngồi, đứa đứng xúm quanh ông Xẩm. Hôm nay ông ca tích truyện Tống Trân - Cúc Hoa. Cả đám trẻ ngồi lịm. Có đứa mũi thò lò, nước đãi chảy ướt ngực quên cả lau chùi. Các bà già, các chị ở trong nhà đi ngang qua đều ghé lại nghe... Lúc ông Xẩm ca đến đoạn Cúc Hoa bán yếm lấy tiền cho chồng đi thi, nhiều bà khóc. Bé Côn, bé Khiêm thì mắt chớp lia lịa, nhìn đắm đuối cái miệng ông Xẩm dẻo quẹo.

Bà đồ từ trong nhà bưng ra một rá khoai lang, một bát gạo, ghé sát ông Xẩm:

- Nghe ông ca cái tích Cúc Hoa nuôi chồng ăn học, bán yếm lấy tiền lộ phí cho chồng đi thi... tiết nghĩa lắm lắm. Tôi nỏ có chi nhiều, chỉ có mớ khoai, lẻ gạo biếu ông...

Ông Xẩm đón lấy món quà ở tay bà đồ, cảm động nói:

- Xin đội ơn cụ. Được ăn lộc của gia đình cụ thì kẻ hèn mọn ni cũng mở mặt mở mày thêm.

- Tí khoai tí gạo có đáng chi mô mà ông nghĩ ơn huệ, ông!

- Ôi! Thưa cụ, của tuy ít mà lòng nhiều. Một củ khoai của cụ bớt miệng để cho kẻ nghèo khó còn hơn những nhà giàu bá hộ sẻ cả gánh, cả đống của, cụ ạ.

Một người hàng xóm hỏi ông Xẩm:

- Ông hát tích Cúc Hoa nuôi chồng ăn học, bán yếm cho chồng đi thi đỗ tới trạng nguyên. Còn chị Loan làng Chùa ta quạnh năm canh cửi giúp chồng đèn sách, dệt vải may áo cho chồng đi thi thì liệu anh nho Sắc khó đỗ đạt chi không, hở ông Xẩm?

- Con người ta... - ông Xẩm đáp - Tui không giỏi môn tướng số, nhưng tui có linh tính. Trời phú cho kẻ mù mắt một thứ ánh sáng khác để biết việc đời. Từ hôm cậu nho Sắc đi thi, tui nằm ngủ đều mơ thấy mặt trời chiếu vô cái túp lều tranh của tui. Tui là kẻ cùng đinh đến ngụ ở cái làng Chùa ni thì nỏ có đáng chi để mà báo mộng về sự đỗ đạt, thăng quan, tiến chức? Tui nghĩ: Cái báo mộng mặt trời chiếu vô lều tranh ấy là làng Chùa ta sắp có hiền nhân quân tử đến. Người đó hẳn là cậu nho Sắc thi Hương đỗ. Cho nên mấy bữa ni tui chỉ đàn ca những tích truyện về sự học hành thi cử, về người có công cứu nước, cứu đời...

Việc anh nho Sắc đi thi Hương còn được bàn tán ngòai ruộng vụ mười. Chị nho Sắc, cô An gánh mạ, gặp ai trên đồng họ cũng hỏi việc thi cử của anh nho Sắc đã có tin gì vui dưới trường thi đưa về chưa. Có chị em trách chị nho:

- Gớm! Cả năm nay nặng lo đèn sách cho chồng đến nỗi bỏ chị em phường vải chúng mình. Các anh nho San, anh cử Quý vẫn đưa cánh con trai làng Sen, Đan Nhiễm xuống hát với phường vải nhà mình luôn đấy. Cả cái An cũng theo chị bỏ phường, bỏ hát hẳn?

Chị nho Sắc phân trần:

- Mình có bận bịu với đèn sách năm anh ấy đi thi. Nhưng chị em mình nỏ đi hát với phường là vì còn có tang cha.

- Tụi mình biết cái lẽ ấy lắm. Nhưng vắng tiếng hát của Loan, của An, tụi này nhớ mà trách đó thôi...

- Loan này, - một cô bạn hỏi chị nho Sắc - tau nghe nói mi đã bán đôi khuyên vàng để lo việc thi cử cho anh ấy?

- Có vậy. Vì... nhờ trời mà anh ấy đậu Hương thí thì còn vô k để dự Hội thí nữa kia.

- Gái có công thì chồng chẳng phụ, Loan ạ.

Từ cánh đồng sâu cách nơi chị em nho Sắc cấy hai thửa ruộng, một giọng hát trong trẻo cất lên:

Chim khôn ăn trái nhãn lồng,

Gái ngoan nuôi chồng nấu sử sôi kinh.

Thi Hương, thi Hội, thi Đình (21)

Tên chồng trên bảng xướng danh rõ ràng.

Ngày về áo mão vua ban,

Võng anh đi trước, võng nàng theo sau.

(21) Các khoa thi nho học. Hội: Khoa thi mở ở kinh đô để các cử nhân vào thi trước khi thi Đình

Cô An nghe trọn tiếng hát của người bạn gái, cười mỉm, nói với chị mình:

- Mấy đứa ấy, chúng nó ước mơ cuộc sống của anh chị lắm nên mới hát vậy đó.

Chị nho Sắc cầm nắm mạ trong tay, đứng thẳng người nói với sang các cô vừa hát "ghẹo" mình:

- Nạ dòng ni quen đi chân đất, đội nón lá, nỏ dám nằm võng che lọng mô nhớ!

Mọi người đang vui câu chuyện trên ruộng lúa xế chiều thì, từ phía trong làng thấp thóang từng tốp người lớn, trẻ con kéo ra phía đường quan. Chị em thợ cấy đều ngừng tay để mắt cả về phía đó. Chị nho Sắc như có linh tính báo... lòng thấp thỏm, trống ngực nháo động.

Một bóng người chạy tắt cánh đồng về phía ruộng bà đồ. Hai chị em nho Sắc càng hồi hộp... Còn cách mấy đám ruộng, người con ông chú của chị nho đã gọi to:

- Về Chị nho ơi!... Chị An ơi! Anh nho đỗ cử nhân rồi! Về thôi. Cả làng đang ra đường đón quan tân khoa kia kìa.

Hai chị em nho Sắc nhìn nhau. Hai giọt lệ đọng bên khóe mắt chị nho Sắc như giọt sương trên lá răm non. Mấy cô bạn giọng vui mừng giục thoắng:

- Về thôi Loan ơi! Từ rày tụi này nỏ gọi tên, gọi chị nho nữa mô mà gọi là bà cử đó.

- Tụi bay đừng gọi chi khác, cứ tên Loan, tên Sắc mà gọi.

Người em con chú đứng trên bờ, vẻ sốt ruột:

- Hai chị nghỉ tay thôi. Bữa khác rồi cấy nốt. Về nhà còn lo việc trầu nước mời khách họ đến mừng chứ.

Chị nho Sắc đã qua phút giây xúc động, giọng từ tốn:

- An về trước đi em. Chị ở lại cấy cho hết số mạ ni kẻo hỏng mất. Ông nghè ông cống cũng sống về ăn, em ạ.

Đồng quê chiều tím. Chị nho Sắc quảy trên vai đôi gióng nhẹ tênh, lần từng bước theo bờ ruộng chênh vênh.

Gió chiều vuốt nhẹ tấm áo nâu non, nếp váy thâm bạc màu lượn theo dáng người thắt đáy lưng ong của chị. Chị ngóai nhìn thửa ruộng đã cấy kín, niềm hy vọng một vụ lúa tốt đang nảy mầm trong lòng chị. Chị ghé xuống bến Đầm Sen rửa chân tay. Tiếng chim chiều "quốc... quốc..." trong lũy tre rậm rạp như tiếng gọi từ lòng chị vang lên. Chị vừa bước về đầu ngõ đã có tiếng reo: "Ồ! Chị Sắc đã về kia!". Vừa lúc đó vợ chồng anh Nguyễn Sinh Thuyết chạy ra, đon đả:

- Chào thím cử... Răng thím về muộn rứa?

Chị nho Sắc chào và đáp chuyện với anh chồng, chị dâu bằng nụ cười tươi. Và, chị cảm thấy ngường ngượng về cách gọi mới: "thím cử”, "chị cử”. Bé Côn cầm tay bác Thuyết gái đi ra đón mẹ cũng ríu ra ríu rít hỏi:

- Mệ ơi. Cha thi đỗ cử nhân thì được cấy (cái) chi mà ai cũng vui, cũng đến mừng nhà ta, hở mệ?

- Ấy chớ! Con không được hỏi rứa. Cha mắng chết.

- Cháu Côông của chú thím nó sớm khôn lắm. Trời để sống nó còn học sỏi (giỏi) hơn cả cha chứ nỏ bỡn mô, thím ạ.

Chị nho Sắc mời anh chồng lên nhà khách và đón chị dâu vàn nhà dưới, trong đó bà đồ đang trò chuyện với các bà khách đến chúc mừng con rể bà đạt vinh hiển.

Từ thềm nhà trên cho ra tới cuối sân, khách ngồi kín cả hai ghế tràng kỷ, các chõng tre, và nhiều người ngồi xổm, ngồi bệt xuống các khúc gỗ... Trước mặt mọi người là dãy bát nước chè xanh đặc quánh. Những miếng trầu têm cánh phượng, cau đậu được đặt ngay ngắn. Anh Nguyễn Sinh Sắc được mọi người gọi là quan cứ thì ngồi ghế tựa đầu bàn. Hương lý, hào mục ngồi trên hai dãy tràng kỷ...

Anh Sắc giọng từ tốn:

- Thưa các thầy trong hội đồng hương lý! Thưa các bác, các chú, các o, các dì và bà con nội ngoại, xóm làng! Điều trước nhất tôi xin mọi người đừng gọi tôi là quan cử. Sự đỗ đạt của tôi không hẳn là cái thang lên quan. Tôi sinh từ làng Sen. Tôi lớn lênất làng Chùa. Tôi là dân và bao giờ cũng vẫn là người dân của làng ta, của xứ sở ta.

Ông chánh hương hội xoa xoa hai bàn tay, nói:

- Thưa.. Thưa... Thưa..

Bé Côn ngồi trên đùi bác Nguyễn Sinh Thuyết nghiêng cổ nhìn ông chánh hương hội có bộ râu chuột ba chòm cứ thưa mãi mà chưa nói thành câu liền phì cười làm mọi người cười theo. Anh nho Sắc lừ mắt về phía Côn. Côn tựa đầu vào ngực bác Thuyết, giấu mặt. ông chánh hương hội nói ề à:

- Quan... Quan cử đã... đã nói thực tâm như vậy là... là cái gốc của người có đạo nghĩa, ở chỗ "Dân vi quý", ở chỗ "Dân vạn đại, quan nhất thời". Vậy thì, xin được gọi là "ông cử” ạ.

Mọi người vừa uống nước, ăn trầu, vừa nói râm ran, tỏ vẻ đồng tình gọi là "ông cử Sắc". Viên lý trưởng trịnh trọng thay mặt hội đồng hào lý:

- Thưa ông cử tân khoa. Theo tục lệ làng ta, hội đồng hào lý đã họp và quyết định cấp ba sào ruộng "học điền" do ông đã đưa vinh hiển về cho dân, cho xã này...

Anh cử Sắc đã từ chối việc cấp ruộng "học điền". Viên lý trưởng phải giở cuốn hương ước (lệ luật trong làng) và nhắc lại lai lịch:

- Đất Chung Cự quê ta là đất hiếu học lâu đời, người đỗ đạt cũng khá nhiều. Theo sách "Đăng khoa lục" thì từ đời vua Lê Dương Hòa (1635) xã Chung Cự ni đã có người thi đỗ. Tính cả người đi thi Hương, thi Hội cả thảy là 96 khoa, toàn xã ta đã có một trăm chín mươi ba người đậu gồm có hiếu sinh, giám sinh, cử nhân, tú tài. Làng Chùa này có hai mươi chín người, làng Sen đậu năm mươi ba người, làng Ngọc Đình tới những bảy mươi hai người, làng Vân Hội được hai mươi lăm người, làng Cường K̛ có mười người, làng Tỉnh Lý ba người, làng Khoa Cử chỉ có một người đậu. - Viên lý trưởng nhấn giọng: - Đó, tục lệ cấp ruộng "học điền" của quê ta có từ cái thuở xa xưa ấy.

Anh cử Sắc đã không thể từ chối, nói:

- Thôi thì đất lề quê thói, thầy lý đã nói vậy, tôi xin nhận một sào rưỡi thôi ạ. Sào rưỡi ni tôi xin dân làng và hội đồng hào lý được phép bán lấy tiền để sửa lại ngôi nhà thờ họ bị hư hỏng đã lâu ngày.

Cả mặt sân thấu ngòai ngõ dậy lên những tiếng tấm tắc: "Hiếm có người tốt như anh cử Sắc. Trong khi có bao nhiêu kẻ lòng tham không đáy đục khoét của dân, dùng chức vụ đè đầu dân, cưỡi lên cổ dân thì trái lại, anh cử Sắc từ chối "lộc" của làng thưởng cho mình, không chịu nhận cái danh vị mà mình có được". Bé Côn thủ thỉ hỏi bác Thuyết:

- Bác ơi, học điền là cấy chi, hả bác?

- Là ruộng công dành để cấp cho người trong làng học đỗ đạt cao, cháu ạ.

- Còn... lộc là chi rứa, hả bác?

- Lộc là món quà quý, là món tiền, là đồ vật để thưởng cho một người nào. Như cha cháu được dân làng thưởng lộc bằng một số ruộng tốt.

- Răng cha cháu lại nỏ nhận lộc, hả bác?

- Cha cháu là người không có đầu óc hám lợi, hám danh, cho nên cha cháu không muốn nhận ruộng công của dân làng làm của riêng cho nhà mình. Cháu rõ chưa?

Bé Côn ôm chặt lấy người bác ruột gật đầu, mắt chăm chú nhìn cha đang trò chuyện với các ông hương l

*

* *

Khoa thi Hội Ất Mùi (1895), anh Nguyễn Sinh Sắc không đỗ. Từ kinh đô Huế về, lòng anh nặng trĩu bao nhiêu điều nghĩ ngợi trở trăn.

Cha vắng nhà lâu ngày đã về, ba chị em Thanh, Khiêm, Côn chạy ùa ra ôm lấy cha giữa sân. Bé Côn còn vòi cha cõng. Bà đồ đứng ở thềm nhà với con gái, mắng yêu Côn:

- Bé Côông hư nhá! Cha đi đường xa vừa về còn mệt mà đã vòi vĩnh.

Côn hai tay ôm lấy cổ cha, giọng nũng nịu:

- Cháu đang đói bụng, chộ (thấy) cha về mừng đã hết biết đói thì... thì cha cháu chộ cháu cũng đã hết cả mệt rồi chứ, bà à...

Mọi người không nén nổi tức cười và bà đồ vừa cười vừa phân bua:

- Con trai anh nó lý sự như rứa đó.

Anh cử Sắc bế vác bé Côn, vừa đi vào nhà vừa hỏi:

- Ở nhà ba chị em có ngoan với bà, với mẹ, với dì An không?

Bé Thanh thưa:

- Thằng Khơm (Khiêm) ngoan, con ngoan. Còn thằng Côông thì nghịch trổ trời, cha ạ.

Bé Côn lắc lắc đầu:

- Nỏ phải... Chị Thanh nói nỏ phải... nỏ phải.

- Em Cônn nghịch những gì? - Anh Sắc hỏi gạn con gái.

- Nó trèo cau lấy bẹ để làm thuyền này. Trèo cây thị hái quả ương này. Leo cả lên hồi nhà tìm chim sẻ đã sẩy chân giẫm lên bệ bát cổ của bà, làm vỡ một lúc chục cấy đĩa bạt trúc hóa rồng, cha ạ.

Côn thanh minh:

- Bà đã gắn được bảy cái, chỉ có ba cái là vỡ nhiều mảnh thôi, cha ạ.

Anh Sắc giọng ôn tồn:

- Như rứa là Côn đã không ngoan bằng chị Thanh, anh Khiêm. Lần ni thì cha cho qua, lần sau con còn không nghe lời bà, lời mẹ, lời dì An thì cha cho ăn đòn. Côn đã nhớ chưa nào?

- Thưa cha, con nhớ rồi ạ.

- Hôm nọ mẹ con đã dặn con về cái hại của việc leo trèo nghịch ngợm, còn nhớ không?

- Còn nhớ cha ạ.

- Nhớ. Con nhắc lại lời mẹ dặn con, cha nghe coi!

- Mệ nhủ: "Nhà có phúc sinh con giỏi lội, nhà có tội sinh con hay trèo" ạ.

Cả nhà cười vui vẻ. Chị cử Sắc từ nãy quẩn dọn luôn tay, thấy chồng "truy lỗi" bé Côn, chị định đỡ lời cho con ngay, nhưng sợ con lại dựa vào tình thương dễ dãi của mẹ sẽ sinh nhờn sự nghiêm khắc của cha. Chị đặt ấm tích chè xanh trước mặt chồng, nói đỡ cho con:

- Bé Côông được cái khi có lỗi biết nhận lỗi ngay với bà, với mẹ. Thầy cử Quý cũng khen bé Côông sáng dạ nhất đám học vỡ lòng. Mà cũng là đứa nô đùa nhất đám. Được cái là... hễ khi thầy răn một tiếng là biếphép, sửa lỗi ngay. Và dạo rủ bé Côông còn biết đặt những câu vè, bắt chước bà nói có ca, có vần, đáng khen lắm.

Anh cử Sắc hai bàn tay như hai cánh chim ấp vào đôi má bầu bầu của bé Côn:

- Con có ba việc lỗi là leo trèo làm vỡ đĩa của bà, nghịch phá tổ chim, đùa trong lớp học. Việc phạm lỗi, dù phạm lỗi lớn hay lỗi nhỏ, con cũng đã sửa ngay. Tuy con đã sửa lỗi rồi, cha vẫn dặn lại con là đừng có phạm một lần nào nữa về cái lỗi phá tổ chim. Con người ta có ngôi nhà, con chim có cái tổ. Giả thử cái nhà chúng ta đang ở yên thế này lại bị kẻ khác đến phá thì bà này, cha mẹ này, dì An này, các con này... ở vào đâu?

Bé Côn mặt buồn rười rượi, hối hận về việc làm sai trong những ngày cha đi thi Hội. Anh cử Sắc lấy trong khăn gói ra các món quà mua về. Anh bưng hai tay cái đĩa bạt xếp những lạng cao ban long, cao lộc đưa tới phía giường biếu mẹ. Anh tặng em gái vợ, cô An, một bộ dây xà tích bạc. Món quà cho vợ là cái nón Huế, một cặp con thoi bằng sừng. Anh còn đưa cho vợ một số quà để biếu bà con bên nội, bên ngoại và hàng xóm. Trao quà cho người lớn xong, anh cử Sắc mới phát quà cho các con, mỗi đứa một cái vòng bạc có vuốt hổ. Riêng Côn, anh thưởng cho một bộ đèn kéo quân bằng giấy bóng màu. Anh nghiêm khắc với những khuyết điểm nhưng khích lệ tính ham học của Côn:

- Con tuy có nhiều thiếu sót, chưa ngoan bằng chị Thanh, anh Khiêm, nhưng con học chăm, được thầy khen, con lại nhỏ nhất nhà nên cha thưởng cho cái đèn kéo quân này.

Bé Côn nở nụ cười tươi, hai mắt ngời sáng, sung sướng đón nhận quà trên tay cha rồi chạy sang với bà ngoại.

Nghe tin anh cử Sắc vào kinh đô thi Hội đã "về không", bạn bè danh nho, khoa cử ở khắp hàng huyện lần lượt đến với anh. Tuy mới lên năm tuổi, bé Côn rất ham nghe cha bình văn, bàn thời cuộc với bạn. Côn không đi t anh Khiêm cùng các bạn nhỏ trong làng Chùa ra núi Chung săn chim cun cút, chim cuốc và chia phe đánh trận giả, hoặc chồng kiệu rước thần, rước "trạng nguyên vinh quy bái tổ"... Côn bịn rịn bên cha suốt ngày. Có lúc khách của cha đến đông, chật chỗ ngồi, Côn vào buồng ngồi bên khung cửi với mẹ, nhưng tai vẫn lắng nghe chuyện văn chương, thi cử ở nhà ngòai.

Anh cử Sắc đã tường thuật với bạn về chương trình, nội dung đề thi Hội. Nhà vua ra chiếu: Hội thí chia ba kỳ: Kỳ thứ nhất thi môn kinh nghĩa; kỳ thứ hai thi môn thơ, phú, chiếu, biểu; kỳ thứ ba thi môn văn sách. (22)

(22) kinh nghĩa là bài văn giải thích về những câu hỏi trong sách kinh điển. Chiếu là lời vua hiệu triệu, ban bố lệnh cho thần dân, biểu là bài văn của thần dân dâng lên vua để chúc mừng hay tạ ơn, bày tỏ điều gì. Văn sách là bài trả lời những câu hỏi nêu ra.

Nguyễn Sinh Sắc bị đánh hỏng là do bài văn sách của anh đã lồng ý phê phán việc để mất nước ta cho Tây. Anh còn nhận xét về thái độ của các quan trong triều đình Huế đã cam bề thần phục người Tây và đang đua nhau học tiếng Tây cốt để được Tây trọng dụng. Trong những ngày ở kinh đô, Nguyễn Sinh Sắc được một lần nhìn thấy vua Thành Thái ngự thuyền rồng chơi sông Hương. Vua đội khăn vàng, mặc áo gấm, ngực đeo kim khánh nổi bốn chữ "Đại Nam Thành Thái". Nhưng vẻ mặt vua ủ dột, mắt nhìn xa buồn thăm thẳm.

Bé Côn ngồi cạnh mẹ, nghe cha tả về thần sắc của vua khác cái hình ảnh ông vua do bà ngoại kể, hỏi:

- Con nghe bà kể chuyện cổ tích thì ông vua đi đâu có hào quang tỏa sáng, có mây gấm trên trời che cho vua, ai nhìn mặt vua liền bị mù mắt. Sao cha lại nhủ là vua Thành Thái mặt ủ dột, mắt buồn, hả mệ?

- Mệ làm sao biết được cái điều ấy. Con hỏi cha lúc khách về hết. Cha mới có thể biết nổi cái việc con hỏi mệ.

Một hôm người em trai của bà Hà Thị Hy đến chơi với vợ chồng anh cử Sắc. Thông cảm với cảnh nhà của bà đồ và của cháu, ông bàn với anh Sắc:

- Cậu không thể ngờ có một ngày cháu lại là ông cử nhân, là quan cử! Từ một đứa bé mồ côi cha mẹ, chăn trâu cắt cỏ, nhờ phúc ấm của ông bà đồ mà cháu được như ngày nay. Cha mẹ cháu dưới suối vàng hẳn là mát dạ. Nay cậu ngẫm thấy, bà đồ tuổi già, sức yếu, vợ cháu một nách ba con nhỏ, dì An rồi cũng sẽ về làm dâu người ta. Cho nên, cháu cần phải sớm ra làm quan để gia đình được ấm thân, họ hàng mát mặt, cháu ạ.

- Cậu ơi, - anh Sắc giọng chùng xuống, - cháu đi học không phải để làm quan. Nước mất rồi, từ thứ dân tới quân thần đều là một bầy nô lệ.

- Cậu cũng có biết nghĩ về cái điều ấy. Những người có lòng nhân từ, đỗ đạt cao thì cần phải ra gánh vác việc quan để che chở cho dân, thực hiện cái đạo công bằng ở cái thời buổi ni...

Anh Sắc lắc đầu:

- Làm gì có công bằng ở trên đời này, hở cậu - Anh dằn từng tiếng: - Công bằng viễn lộ hà xứ thị (Sự công bằng là con đường xa không biết ở cái xứ nào cả). Lòng tham của con người là vô đáy. Cho nên, đã làm quan là có quyền thì lòng tham càng ghê gớm. Con đường trước mắt cháu là: Cháu còn phải học thêm nữa. Và cháu còn sẽ tiếp tục thi lại đại khoa. Thi là để biết cái vốn học vấn của mình chứ không phải vì cái hàm vị ông nghè, làm quan to. Mục đích của cháu là cốt có nhiều chữ để rồi đây cho con cháu, biết rộng về nghề thuốc mà giữ nhà, chữa bệnh cứu người. Cháu không làm được cái công việc "thượng y y quốc" thì cháu làm cái phần việc "trung y y dân" (23), cậu ạ...

(23) "Thượng y y quốc" đại ý là: chữa được bệnh cho nước, là thầy thuôc bậc cao; "trung y y dân" là chưa đượ bệnh cho dân, là thầy thuốc bậc trung.

Bé Côn đang nằm võng với bà ngoại nghe cha nói với ông trẻ là sẽ đưa vợ con vào kinh đô ở để học thêm. Côn hỏi b

- Bà ơi. Cha cháu vô kinh đô thi Hội, rồi lại trở vô để học, chắc đó là một làng đẹp lắm, bà nhể?

- Kinh đô là kẻ chợ lớn nhất và đó là nơi vua ở, chứ không phải làng, cháu ạ.

- Ồ! Kinh đô là nơi vua ở! Rứa thì... cháu... cháu vô đó với cha cháu để coi mặt vua có khác chi khôông?

- Ấy chết. Cháu chớ nói rứa. Phải tội đó. Vua là con trời, thay trời chăn dân. Ai nhìn mặt vua mà không được vua ưng bụng thì sẽ bị mù mắt, cháu ạ.

- Vậy ra vua là do trời sinh chứ không có mẹ vua sinh ra vua, hả bà?

- Trời chỉ đầu thai xuống trần thế, rồi mẹ vua mới đẻ ra vua. Bà cũng chỉ biết có rứa thôi...

- Kệ, cho mù mắt cháu cũng cứ nhìn vua cho bằng được. Mù mắt chứ có mù tim mô mà sợ ạ!

- Ai dạy mày nói gở rứa Côông?

- Dạ... ông Xẩm nói: "Tao mù mắt không đáng sợ bằng kẻ mắt sáng mà tim mù”, bà ạ.

- Thôi nhớ Cháu chớ nói kiểu quái gở ấy nhớ.

Một đêm thu. Gió chướng thổi dài hun hút tràn qua mái nhà. Tiếng gió hú xa trên đỉnh núi Chung. Ngọn đèn ở giữa nhà ngợp gió run rẩy. Anh cử Sắc, anh cử Quý, anh nho San ngồi quanh ngọn đèn, trên tấm chiếu cạp điều trải kín mặt cái sập gu. Chiếc điếu ống khảm xà cừ, vòi trúc cong vòng đặt cạnh bộ trà Huế mà anh Sắc vừa mua trong chuyến đi thi Hội về. Bên chân sập gu là cái lò than hồng. Siêu nước sôi trên bếp lò thở phì phì. Chè ướp sen được chuyên ra chén tỏa hương ngọt dịu. Đỉnh trầm vẫn lặng lẽ nhả dòng khói mảnh thơm trước ba tâm hồn đang trăn trở. Cả nhà đã ngủ yên giấc. Chỉ có chị cử Sắc vẫn còn ngồi dệt vải ở gian buồng đằng Tây. Vầng trăng nghiêng soi trên khóm chuối ngòai cửa sổ. Côn nằm trên cái chõng tre cạnh khung cửi của mẹ. Ánh trăng như tấm vóc vàng phủ quanh giấc ngủ của Côn. Tiếng anh nho San trầm trầm:

- Từ dạo anh cử Sắc vào kinh Hội thí đến giờ, nghĩa quân liên tiếp bị thất bại. Nghĩa quân đã phải rút lên tận dãy núi Vụ Quang. Và... nghe đâu cụ Đình ngài đang lâm bệnh nặng từ sau cái chết của Cao Thắng!

Ba người cùng thở dài và đầu hơi cúi xuống bên đỉnh trầm tuôn khói vật vờ. Anh cử Quý giọng tin tưởng:

- Mới rồi nghĩa quân đánh một trận lớn ngang dãy núi Trường Vật, giết tại trận được tên quan Tây chỉ huy. Nhưng Hoàng Cao Khải không dụ được quan nghè Phan đã dùng hạ sách khủng bố các gia đình của nghĩa quân và đàn áp dân Hà Tĩnh thật khốc liệt. Hoàng Cao Khải lại còn xúi triều đình triệu tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn về kinh vì nghi ông có cảm tình với cụ.

- Ở trong kinh đô, - anh cử Sắc kể, - nhiều người chưởi công khai việc làm bất nghĩa của Hoàng Cao Khải. Còn cái chuyện tên Cao Ngọc Lễ bán thầy hại nước đã được lưu bia miệng: "Vô địa khả dưng Cao Ngọc Lễ; Thiên kim nan thục Tống Duy Tân". (24)

(24) Không đất để dung Cao Ngọc Lễ, Ngàn vàng khó chuộc Tống Duy Tân. Câu này còn được truyền tụng theo đúng luật đối chỉnh từng từ: "Vô địa khả mai Cao Ngọc Lễ-Hữu tiền nan mãi Tống Duy Tân" (Không có đất để chôn Cao Ngọc Lễ, có tiefn cũng không mua nổi Tống Duy Tân). Cụ Tống Duy Tân là thầy học của tên Cao Ngọc Lễ. Tên Lễ đã lừa mẹo bắt thầy nộp cho bọn Pháp để được thăng quan tiến chức.

- Được lắm. Câu đối được lắm. - Nho San và cử Quý gật gù và mỉm cười.

Nho San như muốn thông báo thêm tình hình với cử Sắc:

- Nghĩa quân miền Trung và ở các nơi đang bị rã đám dần, nhưng ngòai Bắc nghĩa quân Đề Thám còn đứng vững ở Yên Thế. Rất đáng lo là triều đình Mãn Thanh đã bắt tay với bọn Pháp rồi. Chính quân nhà Thanh đã bắt quan thân thần Tôn Thất Thuyết đem đi an trí ở xa vùng biên giới Việt - Tàu và không giúp vũ khí cho các nghĩa quân của ta nữa.

Anh cử Sắc phân trần:

- Quốc vận lạc vong nan hiệu lý (25). Cho nên, tôi đã tính việc học thêm ở Quốc tử giám để rồi lại thi Hội khoa Mậu Tuất (1898).

(25) Việc nước đang suy thì khó mà xoay xỏa.

- Nhưng - anh cử Quý hỏi - loại học trò nghèo như cánh mình làm sao vô nổi cái trường của "hoàng gia, quý tộc ấy"?

- Tôi đã được ông Hồ Sĩ Tạo gửi gắm cho quan thượng Cao nhận là người thân thích. Trường Quốc tử giám đã nhận tôi vào và coi như một "ấm sinh" vậy.

- Vậy thì - nho San nói - tốt rồi. Anh cứ vô kinh đô học, tôi cũng tiếp tục ôn luyện để rồi dự thi Hương nữa. Còn anh Quý thì...

- Tôi vẫn cứ cái công việc - anh cử Quý đỡ lời anh nho San - "đít trẻ roi thầy", chờ thời thế...

Ba người trò chuyện cho tới lúc trăng lặn. Chị cử Sắc cũng đã ghé lưng xuống chõng, ôm bé Côn vào lòng.