Búp sen xanh - Phần 1 chương 11-12

11

Cụ đồ An bị ốm. Ông Sắc xuống làng Chùa ở trong thời gian cụ đồ ốm nặng để thăm bệnh, chạy chữa cho mẹ vợ.

Côn, hằng ngày đi học, về ở dưới làng Chùa với bà ngoại trong những ngày bà ốm. Côn đã từng đau đớn về nỗi ông ngoại chết, mẹ chết, em chết. Lần này bà ngoại ốm nặng, Côn càng sợ hãi, lúc nào cũng cám thấy cái chết chực sẵn bên giường bà.

Chị Thanh, anh Khiêm thường sợ ma lúc tối trời. Côn không biết sợ ma. Côn mắc võng đay nằm gần giường bà để cùng với chị Thanh đêm đêm theo dõi bệnh tình của bà. Tuy ốm nặng, cụ đồ vẫn thèm trầu. Côn nhai trầu cho bà. Cụ đồ vừa nhai trầu vừa nói thều thào với cháu ngoại:

- Ngày cháu mới lọt lòng, bà đã mớm cơm cho cháu. Giừ bà rụng hết răng thì cháu lại nhai trù (trầu) cho bà.

- Bà ơi! Bà thèm ăn thứ chi bà cứ việc nói để chúng cháu làm. Bà cứ coi chúng cháu ở bên bà như mẹ chúng cháu đang còn sống, bà ạ.

- Cháu Côông ơi! Bà được ấm tuổi già chính là ở cha cháu, ở các cháu. Bà không nghĩ cha cháu là con rể mà còn hơn cả con trai nữa kia. Các cháu, nhất là cháu, hợp tính bà lắm. Cháo cháu nấu bà ăn mát lợi. Thuốc cháu sắc, đun nhỏ lửa, lấy nước vừa đúng với lượng thuốc, không lõang quá hoặc đặc quá, dễ uống. Cháu ít tuổi mà ngủ ít, giống bà. Cháu ăn không gắp nặng đũa, nhường nhịn kẻ trên người dưới. Cháu sớm có lòng thương người, thương từng con vật nuôi trong nhà.

- Cháu làm được đôi việc nho nhỏ ấy là bà dạy, cha mẹ cháu dạy cho. Vậy mà chị Thanh, anh Khiêm cháu cứ biểu cháu là đứa cứng đầu, bướng, nghịch trổ trời, hay "lý sự" đó bà ạ.

- Cháu sáng ý, cháu lanh tay, nhạy miệng, khác với những đứa cùng lứa tuổi cháu.

Cụ đồ nói tiếp, giọng rất mệt:

- Bà... rầu héo ruột gan về mẹ cháu. Bà... yên yên cái bụng được đôi phần về các cháu đã qua kỳ trứng nước, sớm biết đường ăn ở. Nhưng bà rất áy náy về cha cháu ở cái tuổi "trẻ chưa qua, già chưa tới" mà... mà đã thất nội trợ! Cháu ơi... người ta thường nói: "Trai thất nội trợ, gái lỡ nhân duyên" là bất hạnh, ấy là... xấu số lắm lắm, cháu ạ.

Nghe bà bộc bạch nỗi lo âu, Côn nằm lặng. Tiếng chim cuốc ngòai đồng sen vọng vào. Nghe tiếng chim đêm, Côn cảm thấy ơn ớn lạnh, nhớ đến tiếng chim cú kêu giữa đêm mẹ ốm tại kinh đô Huế. Giọng Côn lắng sâu:

- Bà ơi, tiếng chim cuốc kêu đêm thì lành hay dữ, hả bà?

- Chim cuốc là giống chim lành, cháu ạ. Không một lòai chim nào có tiếng kêu như nó. Hồi ông ngoại cháu còn sống, ông thường kể: “Vua Đỗ Vũ nước Thục, hiệu là Vọng Đế, bị mất nước, vua đã sầu muộn đến chết hóa thành con chim cuốc. Mỗi tiếng kêu của nó là một giọt máu từ trong tim nhỏ ra..." Bà cũng nghiệm thấy tiếng cuốc kêu khắc khoải như từng giọt máu nhỏ đều đều suốt cả mùa hè. Cháu cứ thử nghiệm mà coi.

Côn lắng cả tâm hồn vào âm thanh đêm hè. Và trước mắt Côn một vầng đêm tối mịt mù đang thấm đọng những giọt quốc... qu

*

* *

Một buổi sáng mùa xuân, Côn được cha giao cho đơn thuốc và tiền đi xuống hiệu thuốc bắc ở Vinh cân thuốc cho bà.

Đi từ lúc chưa tỏ mặt, xuống đến Vinh, hiệu thuốc bắc cha mở cửa, Côn ngồi dưới cây bàng trước cửa hiệu chờ, lòng bồn chồn. Tiếng chim chào nắng sớm trên hàng cây đã tắt. Từng đòan người gánh gồng, mang xách đi chợ Vinh phiên chính. Những người thợ nhà máy diêm đi làm ca đêm đã về. Những ông công chức đi làm cho tòa xứ, cho các công ty hòa trong dòng người đi trên đường phố buổi sáng. Côn thấy có hai đám người khác biệt nhau: đám thợ thuyền gầy gò, rách rưới và mặt mày chân tay lem luốc; các thầy công chức làm ở tòa xứ, ở các công ty thương mại của Pháp thì người nào cũng béo đẹp, mặc sang trọng. Thỉnh thoảng có ông quan người ta, người Tây nằm ngả dài trên chiếc xe người kéo.

Cân được thuốc cho bà, lòng Côn lâng lâng nghĩ đến cái ngày bà khoẻ dậy. Bà sẽ chọn những quả trứng gà ấp không nở được cho hai anh em luộc ăn. Bà dẫn Côn ra vườn chỉ những trái chín, Côn sẽ trèo lên hái xuống và đem vào bàn thờ mẹ thắp hương. Thú vị nhất là được bà sai ra đầm sen lội mò hái ngó về cho chị Thanh nấu mẻ. Lúc bà ngồi ngắt ngó sen, bà thường ngâm câu Kiều:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Côn thấy nhẹ bước, đi như chạy. Dưới ánh nắng cuối xuân, Côn đi một mạch từ Vinh về tới cầu Hữu Biệt thì thấy anh Khiêm đang chạy hối hả về phía mình. Côn hơi chột dạ. Côn chạy dấn lên được mấy bước nữa thì nghe tiếng anh Khiêm vừa gọi vừa khóc: "Côn ơ… i! Bà... bà ch...ế... tồi!"

Côn khựng lại, hai tay Côn ôm lấy mặt. Nấc! Nấc! Khiêm đỡ lấy em vào vòng tay mình để khỏi ngã. Một đám mây như dải băng trắng trôi qua ngọn núi Độc Lôi, che khuất mặt trời. Bóng râm trùm xuống một vùng xâm xẩm tối. Hai anh em Khiêm, Côn bước nặng nề trong vùng bóng râm ảm đạm giữa cánh đồng chiêm mênh mông. Côn nấc từng tiếng: Bà... ơi! Ông ngoại cháu chết! Mệ... cháu... chết! Em cháu... chết! Giờ lại đến lượt bà... chê... ết! Bà... ơi!

12

Chôn cất bà ngoại xong, Côn được cha dẫn đi thăm các bạn thân trước ngày ông phải vào kinh đô nhận chức. Cũng dịp này, Phan Bội Châu đã lập Duy Tân Hội (5-1904).

Những người đề xướng, sáng lập ra Duy Tân Hội có Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Nguyễn Hàm, Nam Xưng, Lê Võ... Các nhà sáng lập Duy Tân Hội đã mời Cường Đế làm hội trưởng để rồi đưa sang Nhật cầu viện.

Trong một thời gian ngắn, ảnh hưởng của Duy Tân Hội đã phát triển rất rộng lớn trong nước. Hầu hết các nhà danh nho, các nhà hằng tâm hằng sản cổ tinh thần yêu nước đều tham gia vào Hội, hoặc ủng hộ Hội tiền của để hoạt động.

Quan phó bảng Sắc là bạn chí thân của Phan Bội Châu, nhưng ông không tham gia Duy Tân Bội. Ông không tỏ thái độ tán thành mà cũng không phản đối con đường của Phan Bội Châu. Ông thường trao đổi với Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý về những nỗi đau mất nước. Ông quan niệm: Cơ trời vận nước bao dâu bể, một chí càn khôn khó chuyển vần. Sự nghiệp thượng y y quốc, lớp người hiện thời như ông chưa thực hiện được mà phải thế hệ sau, con cháu mới có thể gánh vác được công việc lớn lao ấy. Cho nên, ông chỉ có thể làm phần việc trung y y dân.

Côn thường được nghe cha đàm đạo những quan niệm ấy với Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý. Côn còn làm cái công việc liên lạc giữa Phan Bội Châu với những bạn đồng tâm đồng chí của ông và với cha mình. Có lần Côn nghe cha hỏi ông Phan:

- Mục đích của Hội Duy Tân là gì?

- Cái đích lớn của chúng ta là: Quét sạch bọn Tây dương ra khỏi bờ cõi. Có làm được như vậy ta mới có cơ hội xây đắp nên một nước Việt Nam mới, ngang hàng với các nước trên hoàn cầu.

- Đó là nguyện vọng của hai mươi triệu (48) con cháu Lạc Hồng chúng ta. Nhưng lấy cái gì, dựa vào đâu để cái mục đích ấy thành đạt được?

- Chúng ta nhờ nước Nhật tân tiến giúp đỡ.

- Không phải đâu anh San ạ. Vọng ngoại tất vong.(49)

- Dù mục đích của bước đường tranh đấu không thành đạt, thì ta cũng phải dấn thân... Sinh vi nam tử yếu hy kỳ, khẳng hứa càn khôn tự chuyển di... Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế, hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si... (50)

(48) Thời bấy giờ các cụ thường ước tính dân số nước ta độ chừng ấy.

(49) Trông nhờ vào nước ngòai giúp ắt sẽ thất bại

(50) Đã sinh ra tiếng làm trai thì phải khác đời, chẳng lẽ cứ để mặc trái đất xoay vần tới đâu thì tới. Non sông mất rồi, sống thêm nhục, sách thánh hiền tẻ ngắt, càng đọc càng mụ đầu óc...

Sau cuộc bàn luận giữa cha và Phan Bội Châu, Côn trăn trở nghĩ về những điều đã nghe...

Nhân lúc trên đường cùng cha đi tiễn Phan Bội Châu, Côn "chiết tự” về mục đích của Hội Duy Tân mà Phan Bội Châu đã nói với cha. Côn viết lên bàn tay chữ “Vương” biến ra chữ "Tam", chữ "Tây" biến ra chữ "Tứ". Quan phó bảng Sắc đọc những chữ đó trên tay con, nhưng chưa rõ là ý làm sao, hỏi:

- Con muốn nói gì về cách chiết tự này?

- Dạ thưa cha, con nghe chú giải San nói chuyện với cha về công việc "hội kín", trong đầu con bỗng lóe lên cái trò chiết tự, với nghĩa của nó là: Rút ruột vua (bỏ nét sổ), tam dân (51) bình đẳng. Chém đầu Tây (bỏ nét đầu) tứ chủng giai huynh. (52)

(51) Tam dân: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Ý nói: đánh đổ chế độ vua chúa, mọi người bình đẳng.

(52) Tứ chủng: Theo quan niệm ngày xưa có bốn màu da: vàng, trắng, đen, đỏ. TạiĐại hội Đảng lần thứ 3, Bác nói "Quan sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em". Trong "Nhật kí chìm tàu" (1930), Bác viết: "Rằng đây bốn bể một nhà, vàng đen trắng đỏ đều là anh em". Ý nói: Đánh đuổi giặc Tây (Pháp), mọi người đều là anh em.

Quan phó bảng Sắc sửng sốt nhìn con. Ông ngập ngừng giây lát, hỏi:

- Con có nghe ông giải San bàn việc đi cầu viện người Phù Tang (Nhật Bản) không?

- Dạ con có nghe và con cũng ngẫm nghĩ nhiều cái điều ấy cha ạ.

- Con thấy sao?

- Mưu phương, tầm kế cứu nước là vô cùng trọng đại. Đó là công việc của những người tai mắt, của các đấng trượng phu, của người lớn tuổi. Con còn non trẻ, chưa dám nghĩ tới những việc hệ trọng ấy. Nhưng con được nghe lỏm những lời bàn của cha, của các bác, các chú, con lại trộm nghĩ: Ai quốc bất phân nhân, vị bản, anh hùng vô luận thiếu niên do (53).

(53) Tạm dịch: Lòng yêu nước không phân biệt người đó xuất thân là gì; đã có chí anh hùng thì chẳng phải tính đến tuổi nhỏ làm gì.

Từ đó, con gẫm về lịch sử của nước nhà, con thấy cậu bé làng Phù Đổng còn đang tuổi nhi đồng mà đã đứng ra gánh vác việc đánh giặc Ân, cứu nước. Trần Quốc Toản đang tuổi thiếu niên, trộm nghe các bậc cha chú họp đại triều bàn việc chống giặc Nguyên, Toản đã tự mình tập hợp một đạo quân, hợp lực với chư tướng chư quân dưới cờ "Sát Thát” của Hưng Đạo Vương. Con chẳng dám sánh mình với những gương trung nghĩa tự ngàn xưa. Mà chỉ nghĩ mình đã biết cầm đũa lùa cơm ăn, cầm bút viết chữ đọc thì con phải suy xét việc mất, còn của nước mình, của dân mình. Cho nên, cái mục đích của hội kín mà chú giải San nói tới, con rất ưng ý. Nhưng lại dựa ngoại viện để cứu nước nhà, và chỗ dựa ấy là nước Phù Tang thì con chưa có đủ sự hiểu biết mà bàn tới, cha ạ.

Trời mưa lất phất. Quan phó bảng Sắc nghiêng cái ô về phía bên trái che mưa cho con. Nhưng Côn sải bước hơi dài, vượt lên trước cha một chút, đầu Côn đội cái khăn vành rế đã không còn ở dưới chiếc ô của cha nữa. Ông Sắc dấn bước theo con nói bằng một giọng thân mật:

- Hôm nay hai cha con mình đi tiễn ông giải San lên đường tính việc Đông du. Sự suy nghĩ của con cũng giống sự suy nghĩ của cha về công cuộc cứu nước cứu dân của ông giải San. - ông ngập ngừng giây lát - Người xoay chuyển được cuộc thế có lẽ... lớp các con chứ lớp ông nghè, ông cử như cha không gánh nổi đâu. âu đành... Mặc khách tâm minh Chung sơn thạch, bất bình sự phó Cả giang lưu. (54)

Hai cha con quan phó bảng Sắc thở dài, lặng lẽ bước trên con đường mưa bụi.

(54) Đại ý: Tấm lòng trong sáng của kẻ văn nhân xin gửi núi Chung, sự bất bình đành thả theo dòng sông Cả chảy.

*

* *

Từ Đan Nhiễm (quê Phan Bội Châu) ra đường cái quan rợp bóng tre làng. Những giọt mưa bụi đọng trên ngọn cây rơi lộp độp xuống ô quan phó bảng Sắc, ô ông giải San. Côn đi dưới bóng ô của thầy Vương Thúc Quý. Nghe tiếng giọt nước cành cây điểm xuống ô, Côn thầm cảm một âm thanh của thời khắc buổi tiễn đưa

Con đường cái quan từ thị trấn Sa Nam xuống thành Vinh như ngắn lại. Hòn núi Độc Lôi sừng sững bên đường đượm vẻ trầm tư và như đứng chào. Làn gió luôn theo núi quét nhè nhẹ lên hàng cây ven sông, xõa ngọn xuống cầu Hữu Biệt. Phan Bội Châu dừng chân bên núi. Chiếc ô trên tay ông nặng trĩu những giọt mưa rơi và lảo đảo trước ngọn gió lồng. Giọng ông hơi nghẹn ngào:

- Chư huynh (các anh) đi với tôi một đoạn đường đã khá dài. Đây là cầu Hữu Biệt, chứng ta tạm biệt tại đây. Và núi Độc Lôi chứng giám cho tình bằng hữu của chúng ta...

Ông cầm lấy bàn tay Côn, nói:

- Cháu ơi! Hậu sinh khả úy (55). Chú tin cháu sẽ là:

Chim bằng tung cánh xuyên trời thẳm,

Thử sức đại đương thuở cá côn.

(55) Lớp người sinh sau thật đáng sợ (Ý nói: Lớp trẻ có thể làm được việc lớn chưa thể lường trước được).

Chú cảm ơn cháu đã tiễn đưa chú. Chú hy vọng sẽ được gặp cháu trên con đường vì nghĩa lớn...

Côn hơi bối rối:

- Cháu... Cháu cảm ơn chú đã trao gửi cho cháu những tình cảm và niềm tin cao cả ấy. Cháu rất thích bài thơ "Chơi xuân" của chú mà mê nhất là hai câu:

Nước non Hồng Lạc còn đây mãi,

Mặt mũi anh hùng há chịu ri (56)

(56) Ri: Thế này

Phan Bội Châu ôm choàng Nguyễn Sinh Côn, chiếc ô chao qua chao lại trên vai, giọt mưa chảy dài xuống áo hai chú cháu.

Quan phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sập ô xuống, cùng cử nhân Vương Thúc Quý đứng sát bên Phan Bội Châu. phó bảng Sắc lấy từ trong túi áo một tờ giấy quyển, mở ra dưới bổng ô của Vương Thúc Quý, nói:

- Anh cử Quý và tôi có cảm tác mấy hàng, xin tặng anh lúc thượng lộ. Tôi xin đọc:

Độc Lôi sơn hạ

Hữu Biệt kiều tây

Phong vi vi hề chấp quân quyết

Vũ tế tế hề dữ quân biệt. (57)

Mọi người đều sập ô xuống, chắp tay trước ngực, đầu cúi dưới làn mưa.

Tiếng gió hú trên núi. Mọi người đăm đăm nhìn theo bóng Phan Bội Châu đang rảo bước trên con đường mịt mù mưa gió.

(57) Tạm dịch:

Dưới sườn núi Độc Lôi

Mé Tây cầu Hữu Biệt (thuộc xã Nam Giang)

Gió hiu hiu thổi, bịn rịn cầm tay áo anh

Mưa bay lất phất cùng anh tiễn biệt.