Lá cờ ma - Chương 01 - Phần 2

Tôi hoàn tất những việc cần làm: phô tô, scan bức ảnh, trả sách rồi vui vẻ bước ra khỏi Thư viện Thượng Hải. Nội dung chính của bài báo đã có, bố cục ra sao cũng đã hiện ra trong đầu, việc tiếp theo chỉ là tìm gặp và phỏng vấn những người đã từng sống trong “khu ba tầng” và từng trải qua trận oanh tạc năm xưa, nghe họ kể chi tiết về huyền thoại đã xảy ra ngày ấy. Đến đây thì nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành. Theo ghi chép trong tài liệu, năm xưa, khi bốn anh em nhà họ Tôn mua lại bốn mảnh đất này có thỏa thuận rõ với những người chủ cũ, sau khi xây xong bốn tòa nhà sẽ dành một số gian phòng nhất định cho họ về ở, vì thế, cũng có một vài người dân thường lại quay trở về nơi ở cũ sau khi “khu ba tầng” được xây xong. Hành động này chứng tỏ, tuy anh em nhà họ Tôn làm ăn buôn bán trong lĩnh vực gì không ai biết, song họ vẫn có phong thái của “nhà tư bản đỏ[3].”

[3] Nhà tư bản đỏ: là từ để chỉ những nhà tư bản yêu nước cống hiến cho lợi ích quốc gia, vì hòa bình dân tộc thống nhất đất nước.

Buổi chiều, tôi tới đầu ngõ ngõ 85 đường Dụ Thông và dễ dàng tìm thấy một trong hai tòa nhà ba tầng hiện còn lại. Trước khi đi vào ngõ, tôi đứng ở cổng chụp một bức ảnh. Tôi cần một bức ảnh chụp của thời điểm hiện tại để so sánh với bức ảnh chụp cách đây 67 năm khi đăng bài viết.

Bây giờ, đứng ngay trước tòa nhà, tôi mới thấy trạng thái của nó giống hệt hình ảnh bốn tòa nhà hiện lên trong bức ảnh chụp cận cảnh được in trong cuốn sách ở Thư viện Thượng Hải, chỉ trừ bức tường xám xịt bên ngoài khiến người ta cảm nhận được sự già nua, cũ kĩ của nó. Thật thế, nó là một tòa nhà ba tầng hết sức bình thường, không có một nét độc đáo nào về mặt kiến trúc hay nghệ thuật thẩm mĩ. Tòa nhà ba tầng này chỉ có một điểm đặc biệt duy nhất, đó là mỗi tầng nhà của nó được xây rất cao, độ cao của tòa nhà tương đương với một tòa nhà năm tầng bây giờ. Nếu không tìm được bức ảnh của sáu mươi bảy năm về trước làm điểm dẫn thì tôi thực sự không thể tìm ra bất kì lí do nào để thuyết phục người ta đừng nên phá bỏ nó.

“Tổ dân phố khu nhà ba tầng” nằm ở tầng một của tòa nhà ba tầng này. Bác tổ trưởng Chu không có mặt ở văn phòng nên bác tổ phó Dương tiếp tôi. Bác Dương hồ hởi giới thiệu với tôi về tòa nhà, chỉ có điều những gì bác nói tôi đều biết cả. Phải hơn nửa tiếng sau, tôi mới có cơ hội ngắt lời bác, hỏi bác xem còn khoảng bao nhiêu cư dân cũ hiện nay còn sinh sống trong “khu ba tầng.”

“Ý anh muốn nói là những người bắt đầu sống ở đây từ khi nó mới xây cho tới tận bây giờ?”, bác Dương nhíu mày hỏi tôi.

Bác ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo, những cư dân cũ như thế hiện còn rất ít. Người dân trong khu hiện giờ phần lớn là những gia đình mới chuyển đến ở từ trước hoặc sau “Cách mạng văn hóa[4]”, những gia đình cũ người thì chuyển đi, người thì đã khuất, bởi lẽ từ ngày ấy đến nay đã qua hơn sáu mươi năm thăng trầm.

[4] Cách mạng văn hóa, hay còn gọi là Đại cách mạng văn hóa giai cấp vô sản, là một giai đoạn lịch sử xã hội hỗn loạn và tình trạng vô chính phủ diễn ra trong vòng mười năm, từ năm 1966 đến năm 1976 ở Trung Quốc, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của đời sống, chính trị, văn hóa, xã hội của Trung Quốc. Ngoài ra, cuộc cách mạng này đã làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức của quốc gia này một cách sâu sắc và toàn diện.

“Ở tòa nhà này thì không còn ai đâu anh ạ, nhưng ở tòa nhà phía sau thì còn hai người đấy, lão Trương gàn dở ở tầng hai và Tô lão tiên sinh Tô Dật Tài ở tầng ba, cả hai đều ngoài tám mươi rồi.”

Tôi chú ý tới sự thay đổi thoáng qua trong cách gọi tên của bác tổ phó Dương. Cả hai ông lão đều ngoại bát tuần, vậy mà bác Dương lại dùng hai cách xưng hô khác nhau. Hình như bác không mấy tôn trọng lão Trương gàn dở thì phải.

“Tô lão tiên sinh thật đúng là một người có lòng từ bi rộng mở, không thể kể hết những việc thiện mà ông lão đã làm trong suốt bao nhiêu năm qua, dù những việc ấy ông lão làm trước người khác hay làm sau người khác. Nghe nói, ông lão đã quyên góp cho Công trình hi vọng[5]mấy trăm nghìn Nhân dân tệ. Năm ngoái, anh con rể nhà ông Lí bị ung thư gan, lão Tô cũng âm thầm tặng ba mươi nghìn tệ. Còn lão Trương gàn dở ấy à, không có được thiện tâm như thế. Lão ta thích sống cô độc, chẳng mấy khi quan tâm tới người khác.” Bác tổ phó Dương bắt đầu giới thiệu với tôi về hai ông lão.

[5] “Công trình hi vọng” là cách gọi khác của “Quỹ phát triển thanh thiếu niên Trung Quốc” ra đời vào năm 1989. Từ khi mới thành lập cho đến nay, “Công trình hi vọng” đã giúp cho hàng vạn trẻ em thất học có cơ hội trở lại trường học.

“Lão Trương gàn dở tên đầy đủ là gì ạ?”, tôi không thể để nguyên cách xưng hô này trong bài viết, nếu phải trực tiếp hỏi ông lão thích sống lẻ loi ấy tên của ông lão, thà rằng tôi hỏi luôn bác tổ phó Dương cho rõ ràng.

“Lão ta tên là Trương Khinh. Nói thật lòng nhé, tôi thấy hai ông lão này cũng thật kì quái, từ bao nhiêu năm nay, hai ông lão ấy đều sống một mình, không người nào thành gia lập thất, vả lại người dân trong khu chưa bao giờ nhìn thấy cha mẹ, họ hàng thân thích của hai ông lão, hai ông ấy cứ lủi thủi một mình. Hơn nữa, họ cũng không hề hé răng chuyện ngày xưa, không biết hôm nay, hai ông lão có kể cho anh không.”

Quý tộc độc thân tuổi ngoài tám mươi ư? Tôi bất giác sững người. Một việc hiếm thấy, vậy mà ở đây lại xuất hiện hai con người như thế. Họ chưa bao giờ nhắc tới quá khứ ngày xưa… bức ảnh của sáu mươi bảy năm về trước lại lướt qua trong trí óc tôi.

Tôi cố gắng kìm nén mối nghi hoặc trong lòng, đứng dậy nói lời cáo biệt với bác tổ phó Dương. Chưa tiếp xúc chưa thể nói gì được, biết đâu hai ông lão lại vui vẻ tiết lộ điều gì đó với một anh phóng viên như tôi thì sao.

“Anh phải đi thêm một đoạn khá xa nữa vào trong ngõ mới nhìn thấy tòa nhà cần tìm thấy”, bác tổ phó Dương nhắc nhở tôi.

Đột nhiên, tôi nhớ tới một chuyện bèn hỏi bác: “Bác ơi, cháu nghe nói, bốn tòa nhà ba tầng này vốn dĩ được xếp đặt theo kiểu hình tam giác với một tòa nhà làm trung tâm, hai tòa nhà hiện còn bây giờ là hai tòa nhà nào thế ạ?”

“Tòa nhà ba tầng mà anh đang định đến chính là tòa nhà trung tâm, còn tòa nhà này là tòa nhà hướng về phía Tây Bắc, là một trong ba tòa nhà phía bên ngoài.”

Tôi đi dọc theo ngõ 85 đường Dụ Thông và chợt hiểu khoảng cách thật sự của từ “khá xa” trong câu nói ban nãy của bác tổ phó Dương. Tôi đi một mạch tới cuối ngõ, không, nói đúng hơn là đi xuyên qua con ngõ, mãi tới tận lúc ra tới đường Phổ Tề, tôi mới nhìn thấy tòa nhà ba tầng cần tìm. Tôi nhẩm tính, cũng phải một, hai trăm mét.

Tôi lấy tay gõ trán, tình hình này kể ra cũng lạ thật đấy!

Từ tòa nhà trung tâm tới tòa nhà bên rìa đã xa như vậy, thì ba tòa nhà bên rìa, mỗi tòa nhà cách nhau ít nhất cũng phải ba trăm mét, thậm chí xa hơn ư? Tôi nhẩm tính vị trí của bốn tòa nhà, nếu hai tòa nhà ba tầng đã bị phá bỏ vẫn còn tồn tại, rất có thể một tòa nằm trên đường Dân Lập hoặc đường Cộng Hòa, một tòa có lẽ nằm ở gần đường Hán Trung.

Thực ra, lúc xem bức ảnh, tôi đã có cảm giác các tòa nhà cách nhau khá xa, bây giờ đi bộ trên thực địa mới thấy, khoảng cách khá xa như vậy thật không hợp logic chút nào.

Bốn anh em cùng xây bốn tòa nhà, chẳng lẽ không muốn xây gần kề nhau hay sao? Vì sao họ lại thiết kế bốn tòa nhà cách xa nhau như vậy? Nếu mối quan hệ giữa bốn anh em họ Tôn không được tốt thì tại sao họ lại muốn xây bốn tòa nhà giống hệt nhau trên cùng một mảnh đất? Thật không sao hiểu nổi!

Sau mấy cái gõ trán, bước chân tôi đã dừng trước tòa nhà trung tâm trong khu nhà ba tầng.

Tòa nhà này được thiết kế hết sức bình thường từ ngoài vào trong. Khả năng lấy ánh sáng của tầng một hơi kém, vì thế khi bước vào tòa nhà người ta thấy rất nhiều chỗ âm u mặc dù mới đang là buổi chiều. Tôi bước lên chiếc cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên. Những mảnh gỗ dưới chân kêu cọt kẹt.

Nếu là tôi, chắc chắn tôi sẽ thiết kế tòa nhà nhỏ hơn một chút với hai tầng nhà, nhưng sẽ xây đẹp và kiên cố hơn thế này nhiều. Tôi thiết nghĩ, thay vì xây bốn tòa nhà, chỉ nên dồn toàn bộ số tiền tập trung xây một tòa nhà khang trang và bề thế, bốn anh em sống chung trong cùng một tòa nhà vẫn được hưởng thụ một cuộc đời sung túc, dư dật là được.

Miên man trong suy nghĩ ấy, không biết tôi đã đặt chân lên tầng hai từ lúc nào.

Tòa nhà xây theo kiểu cũ nên không có biển đề số phòng ở ngoài cửa, tôi chỉ có thể hỏi thăm nơi ở cụ thể của “lão gàn dở” Trương Khinh.

“Bác ơi cho cháu hỏi, bác Trương Khinh sống ở phòng nào ạ?”, tôi hỏi một người phụ nữ đang bước ra từ phía cửa bên trái.

“Trương Khinh á?”, người phụ nữ hỏi lại tôi với giọng nói pha chút khẩu âm Ninh Ba. Tôi thấy bác ta hơi cau mày, hình như bác không nghĩ ra ai cả.

“Là lão Trương gàn dở ấy bác.”

Người phụ nữ như sực tỉnh, bèn chỉ tay về phía khung cửa màu đỏ son đang đóng kín mít ở phía trước bên phải.

Bên ngoài căn phòng không có chuông, tôi đành gõ cửa.

“Ai đấy?”, mãi một lúc sau, tôi mới nghe thấy một giọng nói trầm đục và pha tạp vang lên bên trong cánh cửa.

Cánh cửa mở ra cùng với những tiếng kít két. Trước mặt tôi là hình ảnh một ông lão thấp bé, dáng vẻ khôn ngoan và mái đầu bạc trắng. Thân hình gầy guộc của ông lão tưởng chừng có thể bay theo làn gió, nhưng đôi mắt lại rất có thần. Ông lão trông trẻ hơn mười tuổi so với cái tuổi ngoài tám mươi.

“Cháu chào bác, bác có phải là bác Trương không ạ? Cháu là Na Đa, phóng viên của báo Ngôi sao buổi sớm”, vừa nói tôi vừa giơ thẻ phóng viên cho ông xem.

Đôi mắt bác Trương Khinh lướt qua cái thẻ phóng viên trên tay tôi một lượt rồi hỏi: “Có chuyện gì không?”

“Dạ thưa bác, bác là người đã sống ở tòa nhà này suốt từ khi nó mới xây dựng cho tới tận bây giờ, hiện nay tòa nhà này đang đứng trước nguy cơ bị phá bỏ, tin tức đã được đăng trên báo Tân Dân buổi tối, số ra ngày hôm qua, tòa soạn chúng cháu cũng muốn theo sát tình hình với hi vọng có thể làm một điều gì đó khiến các ban ngành hữu quan thay đổi quyết định và bảo tồn nguyên vẹn hai tòa nhà ba tầng còn sót lại này ạ.”

“Ồ, thế thì anh phải đi hỏi tổ dân phố chứ, tôi chẳng có gì để nói cả.” Ông lão không hề tỏ ý muốn mời tôi vào trong phòng nói chuyện tỉ mỉ hơn.

“Nhưng bác là người cũ của nơi này, có một số chuyện các bác trong tổ dân phố không biết, cháu đành phải hỏi bác. Cháu không làm mất quá nhiều thời gian của bác đâu ạ, chỉ khoảng nửa tiếng thôi.” Tôi hơi cúi người, miệng nở một nụ cười cung kính.

“Anh muốn tìm hiểu cái gì cơ?” Ông lão thấp giọng hỏi nhưng vẫn đứng chắn trước cửa, chẳng buồn cử động.

“Dạ, cháu tìm được một bức ảnh trong một cuốn sách ở Thư viện Thượng Hải, ghi lại hình ảnh bốn tòa nhà vẫn bình yên vô sự sau ngày quân Nhật trút bom xuống thành phố Thượng Hải hồi năm 1937. Đây thật sự là một kì tích và cháu không thể nào hình dung được kì tích ấy đã xảy ra như thế nào nên cháu…”

Đôi đồng tử của lão Trương gàn dở bất giác co lại, đảo khắp người tôi suốt một lượt rồi chỉ sau một khoảnh khắc, thần thái trong đôi mắt ấy bỗng trở nên quyết liệt, khiến những lời tôi chực nói ra miệng đột nhiên ngừng bặt.

“Chẳng có gì để nói cả, tôi phải ngủ trưa đây.”

Cánh cửa màu son khép lại ngay trước mắt tôi, đến cửa nhà người ta mà tôi chưa bước qua được.

Cực chẳng đã, tôi đành cất bước lên tầng ba.

Tôi hỏi phòng ở của ông lão Tô Miễn Tài rồi bước tới bấm chuông.

Người mở cửa là một cụ ông dáng vẻ phúc hậu, mái tóc và đôi lông mày trắng như tuyết, những nếp nhăn trên mặt, đặc biệt là những nếp nhăn trên trán hằn sâu như những nhát dao cứa.

“Cháu chào bác, cháu là Na Đa, phóng viên của báo Ngôi sao buổi sớm, cháu có thể xin bác một chút thời gian được không ạ?” Tôi thay đổi chiến thuật, cứ phải tìm cách vào trong nhà người ta trước đã rồi tính tiếp.

“Ồ, được thôi, mời anh vào trong nhà.” Ông cụ mỉm cười dẫn tôi vào trong phòng.

Căn phòng rộng chừng mười lăm, mười sáu mét vuông, khá sáng sủa, không bày biện quá nhiều đồ đạc, nổi bật nhất là mấy tủ sách kê quanh bốn mặt tường. Trên chiếc bàn Bát Tiên ngay sát cửa sổ trải một bức lụa viết tay còn chưa ráo mực, chiếc bút lông nằm yên trên nghiên mực đặt bên cạnh. Hình như chủ nhân của bức lụa vẫn chưa hoàn thành tác phẩm của mình và đang hong khô nó dưới ánh nắng chan hòa. Tôi ngắm qua bức lụa, những chữ viết trên đó có lẽ là kinh Phật, phần lạc khoản[6] ở trang cuối cùng có ghi “Viên Thông kính lục.”

[6] Lạc khoản: chỉ việc đề chữ hoặc ghi tên trên bức vẽ hoặc tặng phẩm.

Trong lúc tôi chú ý đến phần kinh Phật chép tay, ông lão Tô Miễn Tài bắt đầu thu kinh Phật lại, cất vào trong tủ sách. Tôi hướng ánh mắt dõi theo động tác của ông lão và không khỏi sững sờ khi nhận ra bên trong tủ sách hầu hết là những cuốn kinh Phật chép tay như thế.

“Bác theo đạo Phật ạ?”, tôi cất tiếng hỏi nhân lúc ông lão Tô Miễn Tài mời tôi ngồi xuống trước chiếc bàn Bát Tiên.

Ông lão Tô Miễn Tài mỉm cười, hỏi lại: “Ban nãy anh nói, anh là…”

Những người già cả như ông lão Tô Miễn Tài không biết tới những tờ báo mới nổi như báo “Ngôi sao buổi sớm” của tôi cũng là chuyện thường tình. Bởi thế, tôi bèn nhắc lại nghề nghiệp của mình một lần nữa và giơ thẻ phóng viên cho ông lão xem. Ông lão xua tay như muốn bảo tôi cất thẻ phóng viên đi. Xem ra, ông lão Tô Miễn Tài dễ gần hơn ông lão dưới tầng hai nhiều.

“Thưa bác, bác là một trong những người sống ở tòa nhà này nhiều năm nhất, lần này cháu tới đây là muốn hỏi bác một số chuyện liên quan đến tòa nhà. Dù sao tòa nhà này cũng có giá trị lịch sử nhất định, nếu bị phá bỏ thì thật là đáng tiếc, cháu hi vọng nhờ sự cố gắng của giới truyền thông mà ‘khu nhà ba tầng’ này có thể được giữ lại.”

“Sống ở đây lâu năm nhất không chỉ có mình tôi, xem chừng anh đã gõ cửa căn phòng dưới tầng hai rồi chứ gì?”, ông lão Tô Miễn Tài vừa nói vừa cười ha hả.

Tôi cũng cười: “Ôi, cháu còn chưa được bước qua cửa nhà bác Trương ấy cơ ạ.”

“Thực ra lão Trương cũng là người tốt, chỉ có điều tính tình hơi quái gở một chút. Anh muốn tìm hiểu những chuyện gì?”

Tôi thầm nghĩ, ông lão trước mặt có lẽ là đối tượng phỏng vấn lí tưởng nhất, tình nguyện kể chuyện năm xưa lại không thích nói tầm phào, mong sao trí nhớ của ông lão vẫn còn minh mẫn, có thể chia sẻ với tôi nhiều chi tiết nhất có thể.

“Rất nhiều năm sau ngày quân Nhật dội bom oanh tạc Thượng Hải hồi năm 1937, ‘khu ba tầng’ vẫn là công trình kiến trúc cao nhất quận Sạp Bắc và cũng chính vì thế mà ‘khu ba tầng’ có thể nhắc nhớ lịch sử. Lúc tới Thư viện Thượng Hải tìm tư liệu, cháu có được xem một bức ảnh chụp sau trận mưa bom bão đạn ấy không lâu. Cảnh tượng trong bức ảnh thật quá thần kì, bốn bề xung quanh ngói tan gạch nát, chỉ riêng ‘khu ba tầng’ vẫn còn vẹn nguyên. Điều này làm cháu vô cùng tò mò, không biết kì tích đó đã xảy ra như thế nào…”

Nói xong những lời này, tôi thấy trong lòng mình bất giác có một dự cảm không lành. Nụ cười trên gương mặt ông lão Tô Miễn Tài đã biến mất.

“Thời gian qua lâu quá rồi, tôi cũng đã già, kí ức mơ hồ lắm.”

“Cháu nghe nói là khi ấy, người nước ngoài sống trong ‘khu ba tầng’ giương lá cờ ngoại quốc…”, tôi có ý thăm dò ông lão.

Nét mặt ông lão Tô Miễn Tài bỗng trở nên nghiêm nghị: “Xin lỗi, ban nãy tôi nói dối anh, không phải là tôi không nhớ rõ.”

Tôi như mở cờ trong bụng, xem ra ông lão với trái tim hướng Phật này có thể giúp ích nhiều cho tôi đây. Thế nhưng, câu nói tiếp theo của ông lão khiến nụ cười của tôi chết trân trên gương mặt.

“Nhưng tôi không muốn nhắc đến kí ức đó nữa, thế nên chỉ có thể nói lời xin lỗi với anh thôi.”

Tôi ra khỏi tòa nhà ba tầng trung tâm, hướng bước chân thẳng tiến về phía tòa nhà ba tầng nơi có văn phòng làm việc của “Tổ dân phố khu ba tầng.” Chà, chuyến đi này của tôi chẳng những không thu hoạch được gì mà ngược lại, càng kích thích trí tò mò muốn tìm hiểu rõ ngọn ngành sự việc của tôi.

Hai lần gõ cửa mà không đạt kết quả gì cũng chẳng thể bịt lấp mọi con đường của tôi, bởi một tay phóng viên lão luyện như tôi vẫn còn nhiều cách để điều tra chân tướng sự việc.

Phản ứng kì quặc của lão Trương gàn dở và ông lão Tô Miễn Tài khiến tôi mơ hồ cảm thấy, chắc hẳn có điều gì đó đã xảy ra trong trận oanh tạc Thượng Hải sáu mươi bảy năm về trước và nó không những có thể bảo vệ “khu ba tầng” nguyên vẹn trong mưa bom bão đạn mà còn khiến những người từng tận mắt chứng kiến phải câm lặng.

Ngẫm lại tôi mới thấy, có quá nhiều điều bất thường xoay xung quanh “khu ba tầng.” Dĩ nhiên, nghi vấn lớn nhất là vì sao nó “may mắn thoát nạn” trong trận ném bom của quân Nhật, nhưng xem ra ngay cả bốn anh em nhà họ Tôn cũng mang nhiều bí ẩn, vì sao họ lại xây bốn tòa nhà cách nhau xa như thế, vì sao lại xếp đặt theo kiểu hình chữ phẩm…

Tôi về đến văn phòng làm việc của “Tổ dân phố khu ba tầng”, bác Dương tổ phó vất vả một hồi lâu cuối cùng cũng tìm được tư liệu tôi cần.

Tuy hai vị cư dân cũ sống trong tòa nhà ba tầng hiện còn kiên quyết không chịu tiết lộ chuyện năm xưa nhưng tôi vẫn chưa quên còn có hai tòa nhà ba tầng mà tôi chưa ghé thăm. Ý tôi muốn nói hai tòa nhà ba tầng đã bị phá bỏ.

Liệu có nhân chứng lịch sử nào của năm xưa sống trong hai tòa nhà đó không nhỉ?

Tổ dân phố làm việc hết sức cẩn thận nên dù những người dân sống trong hai tòa nhà ba tầng đó đã chuyển chỗ ở, nhưng địa chỉ và số điện thoại nơi ở mới của họ vẫn được ghi chép rất đầy đủ.

Tôi có thêm ba cái tên nữa.

Chung Thư Đồng, Dương Thiết và Phó Tích Đệ.

Tôi thật không ngờ lại trông thấy cái tên Chung Thư Đồng ở đây. Tài liệu ghi chép của tổ dân phố đã chứng minh rõ ràng, tôi không nhìn lầm. Chính là bác ấy. Hồi còn học đại học, tôi đã được nghe bài diễn giảng về lịch sử thời Tam Quốc[7] của bác một lần, cực kì đặc sắc. Bác Chung Thư Đồng chuyển nhà đi nơi khác không phải do tình cảnh bắt buộc tòa nhà bị phá bỏ. Vốn dĩ bác sống tại tòa nhà ba tầng trung tâm, khoảng bảy, tám năm trước, bác mua nhà mới nên chuyển chỗ ở.

[7] Thời Tam Quốc: là một thời kì trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc vào năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tam Quốc gồm ba nước là Ngụy, Đông Ngô và Tây Thục.

Bác Chung Thư Đồng, một ông lão ở tuổi cửu tuần thật xứng với danh xưng núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu trong giới sử học Trung Quốc hiện nay. Bác nghiên cứu tất cả các thời kì trong lịch sử Trung Quốc, nhưng chuyên tâm nghiên cứu sâu hơn về thời Lưỡng Hán[8], nhất là thời kì sau nhà Đông Hán đến nhà Tấn[9] mà người ta vẫn quen gọi là thời Tam Quốc. Kiến thức của bác về giai đoạn lịch sử này của Trung Quốc uyên thâm đến nỗi bất kì một nhà lịch sử học nào cũng phải trầm trồ thán phục. Rất nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học của bác ban đầu bị đánh giá là không phù hợp với quy tắc thông thường của khoa học và rồi những thành quả to lớn mà bác thu được khiến những phương pháp này được ngày càng nhiều nhà lịch sử học thời nay vận dụng. Mỗi khi nhắc đến tên bác, nhiều học giả thường dùng câu “Dường như ông ấy là người đã từng sống ở thời đó” để ví von sự hiểu biết đáng kính nể của bác về thời Tam Quốc.

[8] Lưỡng Hán: tức thời Tây Hán (năm 202 TCN - 09) và thời Đông Hán (năm 23 - 220).

[9] Nhà Tấn (năm 265 - 420), triều đại tiếp sau thời Tam Quốc và Nam Bắc triều.

Vì thế, như một lẽ tự nhiên, tôi gọi điện thoại cho bác Chung Thư Đồng trước tiên.

Tiếc thay, tôi được thông báo trong điện thoại rằng, bác Chung Thư Đồng sang Paris tham dự một hội thảo khoa học về Lịch sử và văn hóa phương Đông, phải ít ngày nữa mới trở về. Tôi thất vọng tràn trề nhưng cũng bất giác thấy ngạc nhiên và vô cùng khâm phục bác. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bác Chung Thư Đồng năm nay đã chín mươi hai tuổi, thế mà bác vẫn có thể đáp chuyến bay đường dài sang tận Paris tham dự hội thảo khoa học.

Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải liên hệ để phỏng vấn hai người còn lại.

Thật thê thảm cho tôi! Tòa soạn báo “Ngôi sao buổi sớm” của tôi nằm ở ngoại ô thành phố, mà bác Dương Thiết thì chuyển tới công viên Thế kỉ trong khu Phố Đông, còn bác Phó Tịch Đệ lại sống ở khu Tân Trang. Như thế cũng có nghĩa, tôi muốn đi từ tòa soạn tới nơi nào trong hai nơi ấy cũng phải rong ruổi trên quãng đường gần hai mươi cây số.

Điều này hẳn cũng có mặt tích cực của nó. Tôi lặn lội từ xa như thế tới phỏng vấn họ, tất nhiên họ sẽ không nỡ đuổi thẳng tôi về, mà sẽ kể với tôi một vài thông tin nào đó chứ.

Thế sự vẫn luôn nằm ngoài sự dự liệu của con người. Cuộc phỏng vấn của tôi với bác Dương Thiết và bác Phó Tịch Đệ vô cùng thuận lợi, chỉ trừ việc phải chạy đôn chạy đáo trên đường.

Hai lần phỏng vấn vô cùng thuận lợi hôm trước lại càng làm cho mọi việc xảy ra năm xưa trở nên mông lung trong đám mây nghi vấn nặng nề.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay