Những người khốn khổ - PHẦN I - Quyển I - Chương 08 - 09

VIII

TRIẾT LÝ SAU BỮA ĂN

Ông thượng nghị sĩ nói đến trên kia là một người thông minh, linh lợi. Ông đã bước đi trên đường đời với một nguyên tắc cứng rắn là không thèm để ‎ý đến những trở lực có khi vấp phải mà người ta gọi là lương tâm, công lý, bổn phận, lời thề danh dự. Ông đã đi thẳng đến đích, không một lần nào chệch khỏi con đường thăng quan, tiến lộc. Ông ta nguyên là một biện lý, say sưa với sự hanh thông, tính tình cũng không đến nỗi nào, được thì giúp ích chút đỉnh cho con, cho rể, cho bà con, cả cho bạn bè nữa. Quả là ông đã khéo chọn phía tốt của cuộc đời, các dịp may, các dịp hiếm có. Còn lại ông coi như là ngu ngốc cả. Tính ông ta hóm, hiểu biết sách vở đủ để tin mình là đồ đệ của Epicuya, kỳ thật chỉ là một sản phẩm của Pigôn Lơbrăng. Ông sẵn sàng chế giễu một cách ý vị những cái gì vô biên, vĩnh viễn, những “chuyện hão huyền của ông cụ già giám mục”. Có lúc, ông đem ra cười cợt với một vẻ tin tưởng dễ thương, trước mặt chính ông Mirien để ông này nghe.

Trong một dịp lễ nửa công, nửa tư gì đó, bá tước… (ông thượng nghị sĩ) và ông Mirien phải dùng cơm ở nhà ông tỉnh trưởng. Đến lúc tráng miệng, ông thượng nghị sĩ vui miệng, mặc dù vẫn giữ đúng tư thế, nói to:

- Hay quá, ông giám mục à, ta nói chuyện đi. Thượng nghị sĩ và giám mục nhìn nhau khó mà không chớp mắt. Ông với tôi như hai thầy bói. Tôi có một điều muốn thú thật với ông. Tôi có triết lý riêng của tôi.

- Ông nói đúng - ông giám mục đáp lại. - Người ta vừa nằm vừa triết lý. Ông đang nằm trên đệm tía đó, thưa ông thượng nghị sĩ.

Được khuyến khích, ông thượng nghị sĩ tiếp:

- Xin nói chuyện thật tình.

- Thật bụng nữa - ông giám mục nói.

- Tôi xin nói với ông - ông thượng nghị sĩ nói lại - rằng hầu tước Acgiăng, Pirông, Hốpbơ và Negiông không phải là những thứ tầm phơ. Trong tủ sách nhà tôi có đủ các triết gia tôi thích, đều gáy mạ vàng cả.

- Cũng như ông vậy, ông bá tước ạ - ông giám mục ngắt lời.

Ông thượng nghị sĩ nói tiếp:

- Tôi ghét Điđơrô, ông ta là một nhà duy ý, một tay cao đàm, một người cách mạng, xét kỹ là có tin Chúa và sùng đạo hơn Vônte. Vônte thì chế nhạo Nitham và như thế là sai lầm, vì những con lươn của Nitham chứng minh rằng Chúa chẳng có ích lợi gì hết. Một giọt dấm đổ vào một thìa bột, tức là sáng thế rồi chứ gì nữa. Giả dụ cái giọt to hơn và cái thìa lớn hơn, thì chúng ta có thế gian. Con người, chỉ là con lươn. Thế thì cần gì có Chúa vĩnh viễn? Thưa ông giám mục, giả thuyết Giêhôva chán lắm. Chẳng qua nó chỉ tạo ra được những bộ xương rỗng tuếch. Đả đảo cái tất cả cao siêu, nó chỉ làm rầy người ta! Muôn năm cái số không vì nó để cho người ta được yên tĩnh! Từ ông đến tôi và để nói thật hết, với lại để được xưng tội với vị cha linh hồn như lẽ thường, tôi thú thật với ông là tôi có lương tri. Tôi không mê cái ông Giêsu nhà ông lúc nào cũng khuyên khổ hạnh và hy sinh. Đúng là khuyên thằng khố rách phải hà tiện. Khổ hạnh! Tại sao lại phải khổ hạnh? Hy sinh! Hy sinh cho cái gì? Tôi chưa hề thấy con chó sói nào chịu hy sinh cho hạnh phúc của con sói khác. Hãy sống theo luật tự nhiên vậy. Chúng ta là vật thượng đẳng, chúng ta có nền triết lý thượng đẳng. Ở trên cao mà làm gì, nếu không nhìn được xa hơn sống mũi kẻ khác? Chúng ta nên sống vui vẻ. Sống là tất cả. Còn cái chuyện người ta có một tương lai khác, ở chỗ khác, ở trên cao kia, hay ở dưới ấy, đâu đấy, tôi cóc tin tí nào. Ối dào! Người ta căn dặn tôi hy sinh và khổ hạnh, tôi phải chú ý mọi việc tôi làm, tôi phải nát óc vì cái thiện cái ác, vì cái đúng cái sai, cái nên cái không nên. Vì sao? Bởi vì tôi phải trả lời về hành vi của tôi. Lúc nào? Sau khi tôi chết. Thật là hão huyền! Tôi chết rồi, có thánh mà chộp được tôi. Thử bảo một bóng bàn tay vốc lấy một vốc tro xem. Nói hẳn cái có thật, chúng tôi là những kẻ hiểu đời, chúng tôi đã từng biết chuyện đời, không có gì là thiện là ác cả; chỉ có sự sống. Chúng ta phải tìm cái có thật. Phải đào sâu, tìm đến cùng chứ! Phải biết đánh hơi chân lý, bới đất lên và chộp lấy. Có thế mới thật là vui thích. Và bấy giờ tha hồ mà khoe tài, đắc chí. Tôi vốn là một người dứt khoát. Thưa ông giám mục, vấn đề bất tử của con người là một chuyện phỉnh trẻ con. Ôi chao! Lời hứa hấp dẫn làm sao! Anh cứ tin tưởng. Số ông Ađam thật là may! Bây giờ là linh hồn, mai kia là thiên thần, có cánh màu xanh ở xương vai. Nào, ông giúp tôi với, có phải Tectuyliêng nói rằng những kẻ hưởng phúc đời đời sẽ chu du từ hành tinh này sang hành tinh khác không? Vâng, cứ coi là thế. Người ta sẽ trở thành châu chấu giữa các vì sao. Và, người ta gặp Chúa Trời. Chà chà chà! Tất cả các thứ thiên đường ấy đều nhảm nhí tuốt. Chúa Trời là một trò đùa khổng lồ. Nhất định là tôi không nói cái đó trên tờ Người huấn luyện đâu, nhưng trong bạn bè thì chúng tôi cứ rỉ tai nhau. Interpocula hy sinh cuộc sống trần tục để cầu thiên đường thì chẳng khác nào thả mồi bắt bóng. Để cho vô biên lừa phỉnh, dại gì! Tôi không gì cả. Tên tôi là bá tước Hư vô, thượng nghị sĩ. Trước khi tôi sinh, có tôi không? Không. Sau khi tôi chết đi, còn tôi không? Không. Tôi là gì? Một nhúm bụi dính nhau trong một cơ thể. Tôi làm gì trên trái đất này? Tùy tôi chọn. Chịu đau khổ hoặc hưởng thụ. Chịu khổ sẽ đưa tôi đến đâu? Đến hư vô. Nhưng tôi đã chịu khổ. Còn hưởng thụ thì sẽ đưa đến đâu? Cũng đến hư vô. Nhưng tôi đã được hưởng thụ. Tôi đã chọn rồi đấy. Ở đời hoặc phải ăn hoặc phải bị ăn. Tôi thì tôi ăn. Làm trâu tốt hơn làm cỏ. Cái đạo đức của tôi là thế. Còn sau nữa nước chảy thuyền trôi, cửa mồ rộng mở, điện Păngtêông[12] cho tất cả chúng ta. Tất cả đều rơi tõm xuống cái hố huyệt lớn. Thế là chấm dứt. Finis.

[12] Panthéon: điện thờ danh nhân, xây dựng ở Pari vào thế kỷ XVIII.

Thanh toán hoàn toàn. Đây là bắt đầu chỗ tiêu tan. Chết là hết, tôi nói đúng như thế. Ở chỗ này mà có kẻ còn muốn nói với tôi một điều gì, chỉ nghĩ đến điều đó thôi tôi đã thấy buồn cười. Chuyện bịa của vú em. Ngáo ộp cho trẻ con, Giêhôva cho người lớn. Không, mai sau của chúng ta thuộc về đêm tối. Đằng sau ngôi mộ chỉ còn có những hư vô ngang nhau. Anh đã là Xácđanapan, anh đã là Vanhxăng đơ Pôn, cái đó cũng thành con số không như nhau.[13]

[13] Sardanapale: nhân vật truyền thuyết của thành quốc Babylone, nổi tiếng hư hỏng và hèn nhát; Saint Vincent de Paul: Thánh tử vì đạo trong thế kỷ I ở La Mã, nổi tiếng là người đạo đức, đã viết nhiều chương trong Tân ước.

Đó là cái có thật. Vậy thì hãy sống, sống trên hết. Hãy dùng lấy cái tôi khi nó còn trong tay anh. Nói thật, tôi xin thưa với ông, ông giám mục ạ, rằng tôi có triết lý của tôi và triết gia của tôi. Tôi không bị mê hoặc bởi những lời nói nhảm nhí. Cố nhiên, rồi cũng phải có gì cho kẻ ở dưới, những người chân đất, những người mài dao, những kẻ khốn khổ. Người ta tọng cho họ nuốt những thần thoại, những ảo tưởng, nào linh hồn bất tử, nào thiên đường, các vì sao. Họ cứ mà nhai các thứ ấy, cứ mà phết lên mẩu bánh không. Kẻ không có gì cả thì đã có Chúa Trời. Đúng đó là phần ít ỏi nhất. Tôi không ngăn trở điều đó, nhưng tôi giữ cho ông Negiông. Chúa Trời là cái rất tốt cho dân chúng.

Ông giám mục vỗ tay:

- Nói như thế mới là nói! - Ông reo lên - Quý hóa biết bao, thật là tuyệt diệu cái duy vật ấy! Chả phải ai muốn là có được đâu. À! Có nó thì không bao giờ còn bị lừa nữa, không còn khờ dại mà để bị đày biệt xứ như Catông, bị ném đá như Êchiên, càng không để bị thiêu sống như Gian Đác. Kẻ nào tạo được cho mình cái duy vật quý hóa ấy sẽ lấy làm vui thấy mình chẳng chịu trách nhiệm về cái gì cả. Mình có thể nuốt tươi tất thảy không chút băn khoăn, những chức vụ, những nghề ăn không ngồi rồi, những tước vị, những quyền hành tóm được chính đáng hay không chính đáng, những cách nói lời rồi lại ăn lời để hốt bạc, những sự phản bội bổ ích, những sự đầu hàng ý vị của lương tâm. Và cuối cùng thì bước xuống mồ sau khi dạ dày đã tiêu sạch mọi thứ. Thật là thú vị! Những điều đó, không phải là tôi nói ông đâu, ông thượng nghị sĩ ạ. Tuy nhiên, tôi không thể nào mà không khen ngợi ông. Các ngài quyền cao chức cả, chính miệng các ngài nói ra, các ngài có triết lý riêng của mình và cho mình, một thứ triết lý hay ho, tế nhị, chỉ riêng người giàu sang mới hiểu nổi và dùng để nấu món gì cũng được, nhất là để nêm tiêu muối cho các khoái lạc ở đời thì càng tuyệt. Cái triết lý ấy lấy từ đáy sâu và có những nhà thám hiểm đặc biệt moi móc lên. Nhưng các ngài cũng có lòng từ thiện, các ngài không đến nỗi cho là xấu cái việc dân chúng lấy việc tin vào Chúa làm triết lý của mình, giông giống như món ngỗng hầm hạt dẻ là món gà nhồi nấm của người nghèo.

IX

CÔ EM TẢ ÔNG ANH

Để mọi người có một ý niệm về cuộc sống gia đình của ông giám mục và cách hai bà phụ nữ đem mọi hành động, mọi ý nghĩ, cả mọi bản năng phụ nữ rất hay giật thót của mình, phục tùng những thói quen và những ý định của ông giám mục, mà không cần ông phải mất công nói ra lời, chúng tôi thấy không gì tốt hơn là sao lại đây bức thư của cô Baptistin gửi cho bà tử tước Boasơvrông, người bạn từ thời thơ ấu của mình. Bức thư ấy hiện chúng tôi đang giữ.

“Đinhơ, 16 tháng 12 năm 18…

Bà chị kính mến, không ngày nào chúng tôi không nhắc đến bà chị. Cái đó kể ra đã thành thói quen, nhưng cũng có một lý do nữa. Bà chị cứ tưởng tượng dùm cho là bà Magơloa trong khi chùi rửa, quét bụi trần nhà và cái bức vách, lại có những phát hiện đấy. Hai buồng chúng tôi đều phất giấy cũ quét vôi trắng, giá như ở trong một lâu đài như của bà chị chắc cũng không đến nỗi làm cho nó xấu đi. Bà Magơloa đã xé tất cả chỗ giấy. Bên dưới có nhiều thứ. Các phòng khách của tôi, ở đấy chẳng có bàn ghế gì, chúng tôi dùng để phơi quần áo vừa ngâm xong, cao năm thước và rộng trên năm thước, có trần xưa kia quét sơn, dát vàng với nhiều xà ngang như ở nhà bà chị. Hồi nhà này còn là nhà thương, chung quanh phòng đều lót vải. Có cả những bức chạm gỗ thời bà cụ nội chúng ta. Nhưng chính là phải xem buồng của tôi kia. Bà Magơloa đã tìm thấy dễ thường dưới mười lớp giấy dán chồng nhau, nhiều bức tranh sơn, không đẹp lắm nhưng coi được. Có bức hình Minecvơ phong kỵ sĩ cho TêlêMác, có bức cũng hình TêlêMác trong vườn cây. Tôi quên mất tên. Cái nơi các bà người La Mã cũng đến trong một đêm. Tôi nói gì với bà chị nữa nhỉ? Tôi có đủ những đàn ông, đàn bà La Mã (chỗ này có một chữ không đọc được) và một đám tùy tùng. Bà Magơloa đã lau rửa sạch sẽ các thứ ấy và mùa hè này bà ấy sẽ chữa lại đôi chỗ hư hỏng tí chút, rồi sơn lại một loạt, thế là cái buồng của tôi trở thành một nhà bảo tàng thật sự. Bà ấy cũng tìm được trong một xó kho thóc hai cái bàn chân quỳ kiểu xưa. Thợ họ đòi hai ê-quy sáu phơrăng mới sơn lại, nhưng tốt hơn là để tiền ấy cho kẻ nghèo; với lại cái bàn ấy trông cũng xấu xí, tôi thích một cái bàn tròn bằng gỗ đào hoa tâm hơn.

Tôi thấy mình luôn được sung sướng. Ông anh tôi tốt quá. Ông đem tất cả cho kẻ khó và người ốm đau. Vì thế chúng tôi khá lúng túng. Xứ này mùa đông lại gay gắt mà cũng phải làm một cái gì cho những kẻ thiếu thốn. Chúng tôi chỉ còn vừa đủ tiền củi sưởi và dầu đèn. Bà chị thấy không? Như thế cũng rất dễ chịu!

Ông anh tôi lại có cái thói quen riêng. Lúc chuyện trò, ông nói rằng một ông giám mục phải như thế mới được. Bà chị cứ hình dung cho là nhà chẳng bao giờ đóng cửa. Muốn vào thì cứ vào và một bước là ở ngay trong buồng ông ấy. Ông chả sợ gì cả. Ban đêm cũng vậy. Ông cho đó là dũng cảm riêng của ông.

Ông không muốn tôi sợ giùm cho ông, mà cũng không muốn cho bà Magơloa phải sợ. Ông xông pha mọi thứ nguy hiểm nhưng lại không muốn chúng tôi có vẻ để ý đến. Cũng phải biết cái lối của ông ấy là thế.

Trời mưa ông cũng đi, gặp nước ông cũng lội, mùa đông ông vẫn đi xa. Ông chẳng sợ gì đêm tối, đường xá không an toàn ông cũng mặc; ông cũng chẳng ngại gì đụng đầu với những tên vô lại.

Năm ngoái, ông đi một mình đến một vùng trộm cướp. Ông không muốn đem chúng tôi theo. Ông vắng biệt những nửa tháng. Lúc ông trở về, hóa ra chẳng có chuyện gì xảy ra cả, người ta tưởng ông chết thì ông lại rất khỏe mạnh. Ông nói: “Người ta đã cướp bóc tôi như thế này đây!” Và ông mở chiếc hòm đựng đầy các bảo vật của nhà thờ Ămbroong, mà bọn cướp đã tặng ông.

Lần ấy, trên đường về, chẳng là tôi cùng một số bạn bè của ông đã đi hai dặm để đón ông, tôi không kìm mình được nên có cằn nhằn ông một chút, nhưng đã chú ý chỉ nói lúc chiếc xe kêu lạch cạch để không một ai nghe thấy.

Thời gian đầu tôi tự bảo: “Không có nguy hiểm gì làm ông chùn bước, ông này tợn thật”. Bây giờ thì rồi tôi cũng quen đi. Bà Magơloa có định cản trở ông thì tôi ra hiệu bảo bà ấy dừng. Mặc ông muốn xông pha nguy hiểm thì ông cứ làm. Phần tôi, tôi kéo bà Magơloa đi, rồi tôi về buồng mình, tôi cầu nguyện cho ông và tôi thiếp đi. Tôi vẫn yên tâm, vì tôi biết rằng nếu có tai biến gì xảy ra cho ông thì đời tôi cũng chấm dứt. Tôi sẽ đi về với Chúa cùng ông anh và đức giám mục của tôi. Bà Magơloa thì có vất vả hơn mới làm quen được với cái mà bà gọi là sự bất cẩn của ông. Nhưng bây giờ thì đã thành nếp rồi. Hai chúng tôi cùng cầu kinh, cùng sợ với nhau và cùng nhau ngủ thiếp đi. Quỷ có vào nhà thì cũng mặc xác nó muốn làm gì thì làm. Nói cho cùng, chúng tôi còn sợ cái gì trong nhà này? Luôn luôn chúng tôi đã có một người nào đó bên cạnh và người đó lại là người có quyền lực nhất. Quỷ có thể tạt qua, còn kẻ ở thường trực lại là Chúa.

Như vậy đối với tôi là đủ. Bây giờ ông anh tôi cũng chẳng cần nói với tôi một tiếng nào. Ông không nói tôi cũng hiểu và chúng tôi phó mình cho Thượng đế.

Đó là cách cư xử của một con người có cái vĩ đại trong đầu óc.

Bà chị ạ, tôi đã hỏi ông anh tôi để tìm hiểu về dòng họ Phô mà bà chị có nhờ tôi. Rõ là cái gì ông cũng biết và ông cũng nhớ nhiều kỷ niệm lắm, vì ông luôn vẫn trung thành với nền quân chủ. Đúng đó là một thế gia Nóocmăng rất xưa trong quận Căng. Cách đây năm trăm năm trong gia đình ấy đã có một vị là Raun đơ Phô, một vị là Giăng đơ Phô và một vị là Tômát đơ Phô, cả ba đều là quý tộc, trong đó có một là lãnh chúa ở Rơsơpho. Người cuối cùng trong họ là Ghi Êchiên Alêchdăng, chỉ huy trung đoàn và cũng giữ chức vụ gì đó trong kỵ binh của Brơtanhơ. Con gái ông này là Mari Luidơ lấy Adriêng Saclơ đơ Gramông, con trai công tước Lui đơ Gramông, đại tá vệ binh và chuẩn tướng trong quân đội. Tên họ này có thể viết nhiều cách khác nhau nhưng cũng là Phô cả.

Bà chị quý mến ơi, mong bà chị trình với Đức Khâm mạng trong hàng thân thích tôn kính của bà chị, nhớ giùm tên chúng tôi trong lời cầu kinh của ngài. Còn cô Xivani yêu quý của bà chị, cô ấy đã làm một việc mà không dùng những phút ngắn ngủi cô ấy được gần bà chị mà viết thư cho tôi. Cô ấy sức khỏe, học hành vừa ý bà chị và vẫn yêu tôi luôn luôn. Đó là tất cả những điều tôi mong muốn. Nhờ bà chị mà tôi nhớ đến cô ấy. Tôi lấy làm sung sướng dạo này sức khỏe tôi không đến nỗi tồi lắm, nhưng cứ ngày càng gầy thêm. Đến đây, bút cùn mực cạn, xin từ biệt bà chị. Kính chúc bà chị mọi sự tốt đẹp. Kính chào.

Baptistin

T.B. - Cô em dâu của bà chị vẫn ở đây với gia đình mình. Cậu cháu trai của bà chị kháu lắm. Bà chị chắc không ngờ là cậu ta sắp lên năm nhỉ! Hôm qua cậu ta thấy một con ngựa đi ngang qua, đầu gối quấn bao vải, cậu ta nói: con ngựa có cái gì ở đầu gối thế nhỉ? - Cậu bé ngoan quá! Em trai cậu kéo lê một cái chổi cùn quanh phòng như kéo xe và nói: “Nào! Nào!”

Cứ cái thư này thì thấy rõ hai người đàn bà đã biết khuôn mình theo cách ăn ở của ông giám mục với cái biệt tài của phụ nữ, nó giúp họ hiểu người đàn ông hơn cả người đàn ông. Ông giám mục có cái vẻ người hiền lành, hồn nhiên, không bao giờ thay đổi, nhưng có lúc lại có những hành động lớn lao táo bạo và hết sức đẹp đẽ mà hình như chính ông cũng không ngờ đến. Hai bà run sợ nhưng cứ để tự nhiên. Cũng có khi bà Magơloa thử có đôi lời trách móc trước khi ông làm, nhưng khi ông đang làm và làm xong thì không bao giờ bà có lời nào. Tuyệt nhiên không ai làm rầy ông, khi việc đã bắt đầu, dù chỉ bằng một dấu hiệu. Một đôi lúc, ông chẳng cần nói, có lẽ ông cũng không có ý thức rõ rệt, vì đức giản dị của ông quá hoàn toàn, hai bà cảm thấy một cách mơ hồ rằng ông đang hành động như một giám mục chân tu; và như thế hai bà chỉ còn như hai cái bóng đi lại trong nhà. Hai bà phục vụ ông một cách ngoan ngoãn và nếu phục tòng là giấu mặt thì hai bà luôn luôn giấu mặt. Nhờ có một năng khiếu tinh tế rất đáng phục, hai bà biết rằng có những sự săn sóc nào đó lại làm cho người ta khó chịu. Vì vậy mà ngay lúc cảm thấy ông đang lâm nguy, hai bà hiểu rất rõ, không phải chỉ ý nghĩ mà bản chất của ông, nên không còn giữ gìn cho ông nữa mà phó thác cho Chúa.

Với lại cô Baptistin cũng từng nói, như trên đây đã thấy, hễ ông anh bà có mệnh hệ nào thì bà cũng không sống nữa. Bà Magơloa thì không nói ra, nhưng bà cũng hiểu như vậy.