Những người khốn khổ - PHẦN I - Quyển II - Chương 04 - 05 - 06

IV

CHI TIẾT VỀ NHỮNG XƯỞNG PHO MÁT Ở PÔNGTÁCLIÊ

Đến đây chúng tôi xin sao lục một đoạn trong bức thư của cô Baptistin gửi cho một bà bạn kể lại tỉ mỉ mà hơi ngây ngô câu chuyện giữa ông giám mục và người tù khổ sai, để hình dung quang cảnh bữa ăn tối hôm ấy:

“…Người ấy không chú ý đến ai cả. Anh ta ăn ngốn ngấu như người sắp chết đói. Tuy thế dùng xong món xúp, anh ta nói:

- Cụ xứ của Đức Chúa lành ạ, các món ăn này đối với tôi đã là quá ngon, nhưng thật tình thì cái bọn phu xe tải ban nãy không muốn cho tôi cùng ăn, bọn ấy họ còn ăn sướng hơn cụ nhiều.

Chỗ chị em tôi nói riêng với bà là câu nói đó, tôi thấy có hơi trái tai. Anh tôi trả lời:

- Họ làm ăn vất vả hơn tôi.

Khách đáp:

- Họ có nhiều tiền hơn. Cụ thì nghèo, tôi thấy rõ. Có lẽ cụ chưa đến chức cha xứ. Cụ đã được đến chức cha xứ chưa? Ồ, sao lại vô lý thế nhỉ! Chúa mà công minh thì cụ phải lên cha xứ rồi mới phải.

Anh tôi đáp:

- Chúa còn hơn là công minh đấy, ông ạ.

Một lúc sau, anh tôi lại thêm:

- Ông Giăng Vangiăng, ông đi Pôngtácliê phải không?

- Vâng, hành trình, họ lại định trước cho nữa đấy.

Tôi nhớ hình như anh ta nói thế. Rồi anh ta lại tiếp:

- Mai, tang tảng sáng tôi lại phải đi ngay. Đi đường lúc này vất vả lắm. Đêm lạnh mà ngày thì nóng bức.

Anh tôi nói:

- Vùng ông đi về là một vùng dễ sống đấy. Hồi Cách mạng, gia đình tôi sa sút, lúc đầu tôi có lánh sang Phơrăng Côngtê và sống bằng lao động chân tay ở đấy ít lâu. Tôi có chí. Tôi tìm được việc làm. Kể ra thì tha hồ mà chọn. Ở đấy, nào là nhà máy giấy, nhà máy thuộc da, nhà máy rượu, nhà máy dầu, xưởng chế tạo đồng hồ hàng loạt, xưởng nấu thép, đúc đồng, ít nhất là hai mươi nhà máy luyện sắt và bốn nhà ở Lốt, Satiông, Ôđanhcua và Bơ thì thật là đồ sộ…

Có lẽ tôi không nhớ sai đâu, anh tôi đã kể đến tên tất cả các xứ đó rồi ngừng lại hỏi tôi:

- Này cô, ta có ai là bà con xứ ấy không nhỉ?

Tôi đáp:

- Trước kia có đấy, như ông Luyxơnê chỉ huy đạo quan phòng thành ở Pôngtácliê hồi chế độ cũ.

Anh tôi nói:

- Phải, nhưng hồi năm 93 thì chẳng còn thân thích nào nữa, mình chỉ còn cậy vào sức mình. Tôi đã ra sức làm việc. Ông Giăng Vangiăng này, ở xứ Pôngtácliê mà ông sắp đến, có một nghề gia truyền thật là dễ ưa, cô nhỉ! Cái nghề làm pho mát ấy mà - Anh tôi vừa tiếp cơm khách, vừa cắt nghĩa cho nghe tỉ mỉ về những xưởng làm pho mát ở Pôngtácliê. Có những hai loại: những hai loại: những xưởng to của nhà giàu, nuôi đến bốn năm mươi bò sữa, sản xuất ra mỗi vụ hè từ bảy đến tám nghìn bánh pho mát; những xưởng hợp tác thì thuộc người nghèo. Nông dân nghèo ở lưng chừng núi đem bò nuôi chung rồi chia nhau sản phẩm. Họ chung nhau thuê một người làm thợ pho mát. Người này thu sữa của các xã viên một ngày ba lần và đánh dấu số lượng trên một miếng gỗ, vào cuối tháng tư thì các xưởng làm pho mát bắt đầu hoạt động, đến giữa tháng sáu thì những người thợ pho mát lại đánh bò lên núi.

Ăn vào, nét mặt khách dần dần tươi tỉnh lại. Anh tôi cứ rót rượu mời khách, thứ rượu vang cũ xứ Môvơ ấy, chứ riêng mình thì không nếm đến, cho là thứ rượu đắt tiền. Anh tôi nói chuyện vui vẻ, lưu loát như bà đã từng biết, đem kể mọi chi tiết cho khách nghe, thỉnh thoảng lại quay nhìn tôi một cách thân mến. Anh tôi nhắc đi nhắc lại chuyện làm pho mát như có ý mong để khách hiểu, chứ không lấy lời trực tiếp và cứng cỏi khuyên anh ta rằng đó là nơi có thể dung thân được. Có một điều làm tôi ngạc nhiên. Người khách ấy là người thế nào thì tôi đã nói với bà rồi. Thế mà trong suốt bữa cơm suốt cả buổi tối, ngoài mấy câu về Chúa Giêsu lúc khách mới vào, anh tôi không hề có một lời nhắc khách nhớ lại khách là người như thế nào và nói rõ cho khách nhớ lại khách biết, anh tôi là ai. Bà tính, rõ ràng đó là cơ hội để giảng một chút về đạo lý và lấy đức độ ông giám mục ấn mạnh lên tâm hồn anh tù để anh ta ghi nhớ mãi buổi gặp gỡ này. Một người khác gặp được kẻ khốn khổ như thế, tất đã vừa cho phần xác ăn uống no nê lại vừa cho phần hồn được nghe những lời phê bình, có mùi vị khuyên bảo, răn dạy, hoặc những lời thông cảm thương hại kèm theo mấy câu khuyến khích người ta sửa chữa về sau. Anh tôi thì không hề hỏi một câu về quê quán, lai lịch của khách. Vì trong lai lịch ấy tất nhiên có tội lỗi đã qua, cho nên hình như anh tôi có ý tránh không muốn nhắc cho khách nhớ đến. Thậm chí, khi nói chuyện về người miền núi Pôngtácliê họ làm ăn thoải mái ở những vùng cao gần trời và họ rất sung sướng vì tâm hồn họ trong trắng, anh tôi bỗng ngừng bặt, sợ câu nói lỡ lời đó có điều gì làm phật lòng khách chăng. Nghĩ kỹ ra, tôi mới đoán được bụng anh tôi. Ý hẳn anh tôi thấy rằng con người ấy - anh ta tên Giăng Vangiăng - tâm trí lúc nào cũng nghĩ ngợi đến nỗi khốn khổ của mình rồi, tốt hơn hết là làm cho người ta khuây khỏa và làm cho người ta tin tưởng, dù chỉ trong chốc lát, rằng người ta cũng là một con người như mọi người khác vì thấy mình đối xử với người ta cũng tự nhiên như đối với mọi người. Có phải như thế là hiểu đúng nghĩa chữ thương người không nhỉ? Có phải cách anh tôi giữ gìn ý tứ tuyệt nhiên không nói gì đến đạo lý, nhân nghĩa, không nói gì xa xôi bóng gió cả, cách ấy có cái gì thật là tế nhị, thật là từ bi không bà chị? Có phải cách thương người thắm thiết nhất khi đứng trước một người đau khổ là đừng đả động gì đến điều đau khổ ấy phải không? Theo tôi, hình như thâm ý của anh tôi hôm ấy là thế. Dù sao, tôi chỉ thấy một điều rất rõ là dù anh tôi có nghĩ như vậy đi chăng nữa, anh tôi cũng chẳng hề tỏ ra cho ai biết cả, với tôi cũng thế. Suốt buổi tối hôm ấy anh tôi vẫn một thái độ như thường ngày, ngồi ăn với cái anh Giăng Vangiăng ấy vẫn niềm nở, thận trọng như ngồi ăn với ông Lơ Prêvô hay cụ xứ bản hạt vậy.

Lúc gần xong bữa, ăn đến món vả thì có người gõ cửa. Mụ Giécbô ẵm đứa con nhỏ vào. Anh tôi hôn vào trán đứa bé, hỏi vay tôi mười lăm xu đưa cho mụ. Lúc ấy, khách không hề để ý gì hết, chẳng nói chẳng rằng, ra dáng mệt mỏi lắm. Mụ Giécbô ra rồi, anh tôi đọc kinh cầu nguyện rồi quay bảo khách: “Chắc ông cần nghỉ lắm rồi!” Bà Magơloa thu dọn bàn thật nhanh. Tôi hiểu là phải cáo lui để khách đi nghỉ nên bà Magơloa và tôi đều lên gác ngay. Sau đó, tôi sai bà Magơloa đem xuống cho khách một tấm chăn da hươu vẫn để trong phòng tôi, vì tháng ấy đêm lạnh lắm. Đắp nó mới đủ ấm. Chỉ hơi phiền một tí là cái chăn đã cũ, sờn hết cả lông. Anh tôi mua từ hồi còn ở Tôtlingien, gần nguồn sông Đanuyp, bên nước Đức ấy, một lần với con dao cán ngà tôi vẫn thường dùng.

Bà Magơloa xuống một chốc rồi trở lên ngay; chúng tôi cùng cầu nguyện ở chỗ căn phòng thường phơi quần áo, rồi ai về phòng nấy không trò chuyện gì với nhau cả”.

V

TĨNH MỊCH

Ông Mirien chúc cô em ngon giấc xong, cầm một cây đèn bạc trên bàn lên, đưa cây kia cho khách và nói:

- Nào, tôi xin đưa ông về phòng.

Khách bước theo.

Như đã nói ở đoạn trên, ta biết rằng theo cách bố trí trong nhà ấy, hễ muốn đi vào phòng nguyện trong đó có ngăn kê giường khách hay muốn từ đó ra ngoài là phải qua buồng ngủ ông giám mục.

Giữa lúc hai người đi qua chỗ phòng ngủ ấy, bà Magơloa đang xếp cất bộ đồ bạc vào ô ở chỗ đầu giường. Bữa nào, trước khi đi ngủ, bà cũng nhớ làm công việc thu dọn cuối cùng ấy.

Ông giám mục đưa khách vào tận chỗ ngủ. Ở đây giường đã trải khăn trắng tinh. Khách đặt cây đèn xuống chiếc bàn con. Ông giám mục bảo:

- Thôi, chúc ông ngủ cho ngon giấc. Sáng mai, trước khi lên đường, mời ông xơi một cốc sữa thật nóng, bò nhà nuôi.

- Cám ơn cha.

Vừa nói xong câu nói hòa bình ấy, đột nhiên hắn thay đổi một cách lạ lùng, không ngờ được. Giá bây giờ có hai bà già hiền lành ở đấy thì hai bà hẳn đến chết khiếp. Cho đến nay chúng tôi khó mà hiểu cái gì đã khiến hắn như thế. Hắn muốn báo trước hay là muốn đe dọa? Hay là hắn chỉ nghe theo một sức mạnh gì của bản năng mà chính hắn cũng không sao hiểu được? Hắn quay phắt về phía ông già, khoanh tay lại, giương đôi mắt dữ tợn nhìn trừng trừng vào mặt ông ta và cất giọng khàn khàn:

- Ồ, như thế này thật à? Để tôi ngủ trong nhà ở ngay cạnh ông thế này à?

Hắn ngừng lại, cười một cách ghê tợn, rồi tiếp:

- Ông đã nghĩ kỹ chưa? Ai bảo ông rằng tôi không phải là kẻ sát nhân?

Ông giám mục ngước mắt lên trần nhà, đáp:

- Điều ấy đã có Chúa lo.

Nói đoạn, ông nghiêm trang giơ hai ngón tay bên phải lên làm phép ban phúc cho khách, miệng lẩm bẩm như người cầu kinh hay tự nói với mình. Nhưng khách vẫn đứng yên không cúi đầu. Xong, ông trở về phòng mình, không hề quay đầu nhìn lại.

Mỗi khi nhà chái có khách nghỉ, một tấm màn vải rộng ngăn đôi phòng nguyện che kín bàn thờ. Qua trước tấm màn, ông giám mục quỳ xuống, đọc một đoạn kinh ngắn.

Một lúc sau, ông ra vườn đi đi lại lại, vừa nghĩ vơ vẩn, vừa ngắm cảnh, tâm trí để cả vào bao nhiêu vẻ lớn lao huyền diệu của trời đất bày ra dưới đất, bày ra dưới mắt người thao thức lúc đêm khuya.

Còn khách thì mỏi mệt quá đến nỗi chẳng nghĩ gì đến chăn đệm sạch sẽ, ấm áp nữa. Hắn phồng mũi thổi đèn theo thói quen của tù khổ sai rồi cứ để nguyên quần áo lăn vào giường ngủ như chết.

Ông giám mục ở ngoài vườn bước về phòng mình thì đồng hồ gõ mười hai tiếng. Ít phút sau, trong nhà ngủ im cả.

VI

GIĂNG VANGIĂNG

Vào khoảng nửa đêm, Giăng Vangiăng thức giấc dậy.

Giăng Vangiăng sinh ra ở một gia đình nông dân nghèo xứ Bri. Lúc nhỏ, anh ta chẳng được học hành gì. Lớn lên anh làm nghề xén cây ở Phavơrôn. Mẹ anh là bà Gian Máchiơ, cha là ông Giăng Vangiăng hoặc là Vola Giăng, có lẽ do chung quanh gọi đùa là Vola Giăng mà thành tên ấy.[36]

[36] Voila Joan có nghĩa là: “Giăng đấy” hay “Đấy là Giăng”

Giăng Vangiăng tính hay tư lự mà không buồn: chỉ những người giàu tình cảm mới như thế. Nói đúng ra, nhìn bề ngoài thì thấy anh ta cũng lừ đừ và chẳng có gì xuất sắc. Cha mẹ anh mất từ hồi anh còn nhỏ dại. Mẹ anh chết vì một cơn sốt xuống sữa mà không biết cách thuốc thang. Cha anh trước cũng làm nghề xén cây, sẩy chân nên thiệt mạng. Vangiăng chỉ còn một người chị góa chồng, trên tay bảy đứa con dại, vừa trai vừa gái.

Bà chị ấy đã nuôi Giăng và lúc sinh thời ông anh rể, Giăng vẫn ăn ở trong nhà chị. Lúc anh rể chết. Lũ con, đứa lớn nhất mới lên tám, đứa út mới đầy năm. Giăng năm ấy vừa đúng hai mươi lăm tuổi. Thế là Giăng thay anh rể đi làm giúp chị nuôi các cháu. Rất là giản dị: anh coi đó là một bổn phận phải làm, nhưng vẫn càu nhàu vì bản tính. Cả thời trai trẻ, anh làm quần quật suốt ngày mới tìm nổi cái ăn nên chẳng nghe nói anh ta có nhân tình nhân ngãi gì, vì thời giờ đâu mà nghĩ đến chuyện yêu đương.

Tối đến đi làm về mệt nhoài, anh lẳng lặng ngồi ăn xúp. Bà chị thỉnh thoảng lại chọn những miếng ngon trong đĩa anh, miếng thịt, lát mỡ, cái nõn cải, lấy đút cho con. Còn anh, anh để tóc xõa cả ra quanh đĩa, che kín cả mặt, cứ cắm đầu ngồi ăn, mặc kệ, làm như không thấy gì. Ở Phavơrôn, gần nhà Vangiăng, phía bên kia đường đi, có nhà chị tá điền Mari Cơlốt. Lũ trẻ nhà Vangiăng ngày nào cũng ăn đói. Đôi khi chúng chạy sang nhà chị ta, nói dối là mẹ sai sang vay ít sữa rồi đem nhau lại chỗ sau hàng rào hoặc ở đầu ngõ, tranh giằng nhau húp vội húp vàng làm sữa đổ cả ra quần áo. Bà Vangiăng mà biết được thói vụng trộm ấy thì mỗi đứa cũng được trận đòn. Giăng có nóng nảy, cau có, nhưng lại giấu chị, đến trả chỗ tiền sữa cho chị Mari Cơlốt và như thế là các cháu khỏi phải đòn.

Về mùa xén cây, anh kiếm được mỗi ngày hai mươi bốn xu. Hết mùa anh quay ra đi giặt thuê làm mướn, chăn bò, khuân vác, gặp việc gì làm được thì làm. Phần bà chị cũng cố gắng làm lụng, nhưng một nách bảy đứa con dại thì làm được mấy nỗi? Cảnh nhà thật thiểu não, quanh năm túng thiếu và mỗi ngày một nghèo ngặt thêm. Một năm, trời làm rét quá, Giăng không có việc làm. Trong nhà không có lấy một mẩu bánh. Đúng y như thế. Không một mẩu bánh mà những bảy đứa trẻ thơ.

Một buổi tối chủ nhật, trong nhà lão Môbe Ydabô chủ hàng bánh mì trước nhà thờ Phavơrôn đã dọn dẹp sắp đi ngủ. Chợt thấy có tiếng đập mạnh ở chỗ mặt ngoài cửa hàng có chăng lưới thép và lắp kính. Lão chạy ra và kịp thấy một cánh tay thò qua chỗ kính vỡ và dây thép đứt, đang vơ lấy một chiếc bánh và lôi ra ngoài. Lão vội chạy ra: tên ăn trộm sải chân chạy trốn; lão đuổi theo và tóm được. Tên trộm đã vứt bánh đi nhưng cánh tay có máu me đầm đìa. Thì ra chính là Giăng Vangiăng.

Việc ấy xảy ra năm 1795. Giăng bị đưa ra tòa truy tố về tội “ăn trộm ban đêm có phá cửa trong một nhà có người ở”. Anh lại có một khẩu súng săn và bắn rất giỏi, thỉnh thoảng vẫn đi bắn trộm chim chóc trong rừng. Điều ấy làm hại anh thêm. Đối với kẻ đi săn trộm chim muông, người ta vẫn có thành kiến là đúng, vì kẻ đi săn trộm cũng như người buôn lậu thì không xa bọn kẻ cướp là mấy. Có điều nhân tiện cũng nên nói rằng giữa hạng người này và bọn giết người cướp của đáng ghê tởm ở thành thị vẫn khác nhau một trời một vực. Kẻ săn trộm chim sống trong rừng, tay buôn hàng lậu sống ở trên núi hoặc dưới biển. Thành thị làm cho con người thối tha, do đó trở nên độc ác. Còn núi rừng, biển cả thì có tạo ra những con người man rợ, có phát triển phần hung dữ, nhưng không thủ tiêu phần nhân tính họ. Tòa án tuyên bố Giăng Vangiăng có tội. Luật lệ đã rành rành ra đấy, không có cách gì khác. Trong xã hội văn minh của chúng ta có những giờ phút đáng sợ, là những lúc luật pháp tuyên án đẩy người ta vào một cuộc trầm luân. Còn gì thê thảm bằng cái phút giây mà xã hội lánh xa và dứt khoát vứt bỏ một con người biết suy nghĩ! Giăng Vangiăng bị kết án năm năm khổ sai.

Ngày 22 tháng 4 năm 1796 người ta loan báo khắp Pari tin chiến thắng Môngtơnốt của đạo quân đánh ở Ý. Thông điệp của Hội đồng đốc chính gửi cho viện Ngũ bách ngày 2 tháng hoa nở năm Cộng hòa thứ tư, gọi người tổng chỉ huy đạo quân ấy là Buyônapác (Bấy giờ viện Ngũ bách- 500 đại biểu là viện lập pháp Hội đồng đốc chính - 5 đốc chính, là cơ quan hành pháp tối cao; Tức tháng 5, theo lịch mới của chế độ Cộng hòa). Cùng ngày ấy, ở nhà ngục Bixết người ta đã xích trong một dây xích tù thật lớn, Giăng Vangiăng bị khóa vào dây xích đó. Một người lính canh ngục cũ, năm nay đã gần chín mươi tuổi, còn nhớ như in con người đáng thương ấy bị cùm vào cuối dây người thứ tư ở góc phía bắc sân nhà ngục. Anh ta ngồi bệt xuống đất như mọi người khác. Chừng như anh ta cũng không hiểu tình cảnh mình ra làm sao nữa, chỉ biết là kinh khủng quá. Trong ý nghĩ lờ mờ của con người ù ù cạc cạc với tất cả mọi việc như anh, có lẽ anh cũng mang máng thấy rằng trong việc đó có cái gì quá đáng.

Trong khi người ta quai mạnh búa để tán chiếc đinh trên cái gông cổ phía sau gáy, anh khóc lên, nghẹn ngào không nói nên lời, chốc chốc mới thốt được một câu: “Tôi làm nghề xén cây ở Phavơrôn”. Rồi anh vừa nức nở và giơ tay lên, hạ xuống bảy lần, mỗi lần mỗi hạ thấp hơn, trông như anh đang lần lượt sờ đầu bảy đứa trẻ lớn nhỏ khác nhau. Trông cử chỉ ấy người ta đoán biết anh đã làm điều phi pháp gì đó cũng là vì miếng cơm manh áo của bảy đứa bé con.

Anh bị giải đi Tulông. Hai mươi bảy ngày ròng rã trên một chiếc xe bò, xiềng xích luôn mang trên cổ. Đến Tulông, anh thay áo tù khổ sai. Cả quãng đời của anh trước đây đều bị xóa mờ, xóa mờ cả tên tuổi; anh không còn là Giăng Vangiăng nữa, anh là con số 24.601. Còn bà chị anh rồi ra sao? Bảy đứa bé rồi ra sao? Ai là người chăm lo cho cái gia đình ấy? Cái cây non đã cưa mất gốc, nắm lá sẽ thế nào?

Thì ra chuyện đời vẫn cứ thế. Những con người đáng thương ấy, những sinh linh của Chúa ấy, từ đây không nơi nương tựa, không kẻ dìu dắt, không chỗ trú chân lang thang trôi giạt, rồi biết đâu sẽ không mỗi người mỗi ngả, dần dần vào cái đám sương mù lạnh lẽo đã chìm đắm bao nhiêu kiếp người cô đơn, cái cõi tối tăm thê lương đã làm mất bóng bao nhiêu cuộc đời bất hạnh trong bước đường âm u của nhân loại! Họ bỏ làng ra đi. Cái gác chuông ở nơi gọi là làng quê cũ quên họ đi. Cái bờ ruộng ở nơi gọi là cánh đồng làng quên họ đi. Sau vài ba năm trong tù, ngay cả Giăng Vangiăng cũng quên nốt họ đi. Vết thương trong lòng anh đã thành sẹo. Thế là hết. Trong cả thời gian ở Tulông, chỉ có mỗi một lần anh được nghe tin tức bà chị. Hình như là vào khoảng cuối năm thứ tư sau khi anh vào tù. Cũng không rõ tin tức ấy đã đưa đến bằng cách nào. Chỉ biết có người trước kia có quen anh ở quê nhà một lần có gặp bà chị. Bà ở Pari, trong một xóm nghèo gần nhà thờ Xanh Xuynpit, phố Gianhđơrơ. Bà chỉ còn đem theo có mỗi một đứa con, thằng con trai út. Còn sáu đứa kia hình như chính bà cũng không biết chúng ở đâu nữa. Sáng sáng bà đến một xưởng in ở phố Xabô, nhà số 3, làm việc gấp giấy và đóng sách. Mùa đông trời chưa sáng, sáu giờ đã phải có mặt. Trong xưởng có một trường học. Đứa bé lên bảy, bà đem theo gửi học ở đấy. Có điều, sáu giờ bà đã vào xưởng mà đến bảy giờ trường mới mở cửa, nên thằng bé phải chờ ngoài sân ngót giờ đồng hồ, phải, ngót giờ đồng hồ ngoài trời mùa đông trong lúc còn tối mịt. Người ta không muốn cho nó vào xưởng, bảo là làm vướng bận công việc. Thợ thuyền sáng sớm qua đó, thấy thằng bé ngồi xổm ngoài hè, ngủ gà ngủ gật, có khi thiếp đi trong xó tối, gập người trên chiếc giỏ mây. Gặp hôm trời mưa, bà cụ gác cổng thương hại, nhặt nó vào trong túp lều của bà. Trong lều độc có một cái phản, cái guồng quay sợi và hai cái ghế gỗ. Thằng bé ngủ lăn ra ở một xó nhà, tay ôm con mèo cho đỡ rét. Đến bảy giờ trường mở cửa, nó mới vào học.

Người ta nói với anh có bấy nhiêu. Nhưng lúc anh nghe mấy lời ấy, thì dường như trong phút giây, trong chớp mắt, có cánh cửa sổ nào bỗng dưng đã mở toang cho anh nhìn thoáng thấy cuộc đời của mấy người thân yêu, rồi sau đó lại khép lại, tối tăm mù mịt. Từ đó anh chẳng còn nghe tin tức gì về những người thân yêu ấy nữa. Mà cũng chẳng bao giờ anh thấy lại họ, chẳng bao giờ anh còn gặp họ. Ở những đoạn tiếp theo của câu chuyện thương tâm này ta cũng không còn tìm thấy họ nữa.

Vào khoảng cuối cái năm thứ tư ấy thì đến lượt Giăng Vangiăng vượt ngục. Ở chốn lao tù sầu thảm này, bọn đồng cảnh vẫn thường giúp đỡ nhau việc đó. Anh trốn ra được và lang thang hai ngày ngoài cánh đồng. Nếu tự do nghĩa là: sau lưng có người truy nã, lúc nào cũng phải ngoái cổ nhìn lại, hơi có tiếng động là giật mình thon thót, thấy cái gì cũng sợ, từ mái nhà tỏa khói, người đi qua đường, tiếng chó sủa, tiếng ngựa phi, tiếng chuông đồng hồ, đến ban ngày vì ban ngày người ta nom rõ, ban đêm vì ban đêm không trông thấy gì, đến con đường lớn, cái lối mòn, đến bụi cây, giấc ngủ, cũng đều sợ tuốt thì hai ngày ấy anh ta được tự do. Đến tối ngày thứ hai thì anh ta bị bắt lại, sau ba mươi sáu tiếng đồng hồ chẳng ăn chẳng ngủ gì. Sau đó, tòa án thủy quân phạt thêm ba năm khổ sai. Năm thứ sáu lại đến lượt anh được vượt ngục; anh nắm ngay cơ hội nhưng trốn không trót lọt. Điểm danh thấy thiếu, người ta bắn phát súng đại bác báo hiệu và đến đêm thì lính tuần tìm được anh trốn dưới chiếc vỏ tàu đang đóng dở. Lúc bị bắt anh chống cự lại với lính coi ngục. Thế là cái tội vừa vượt ngục vừa kháng cự kẻ thừa hành ấy, theo hình luật đặc biệt, phải xử giam thêm năm năm nữa trong đó có hai năm phải đeo xiềng đôi. Cộng là mười ba năm. Đến năm thứ mười lại đến lượt anh trốn nữa và anh cũng không bỏ lỡ cơ hội. Nhưng lần này cũng không may gì hơn. Lại ba năm nữa, thành mười sáu năm. Sau cùng hình như đến năm thứ mười ba, anh lại thử một lần chót nữa nhưng chỉ ra ngoài được bốn tiếng đồng hồ thì bị bắt lại. Ba năm nữa với bốn tiếng đồng hồ ấy. Cả thảy mười chín năm. Anh vào tù từ năm 1796 mà mãi đến tháng mười năm 1815, anh mới được thả ra. Như thế chỉ vì anh đập một miếng kính và lấy một cái bánh mì.

Đến đây cần mở một dấu ngoặc. Trong khi xét về hình luật và việc luật pháp đày đọa con người, lần thứ hai tác giả lại gặp một vụ trộm bánh mì xuất phát điểm của một kiếp trầm luân. Cơlốt Gơ đã lấy trộm một chiếc bánh. Giăng Vangiăng cũng lấy trộm một chiếc bánh. Một thống kê tại Anh cho biết trong năm vụ trộm, có bốn vụ trực tiếp do đói mà ra.

Lúc vào tù Giăng Vangiăng run sợ, khóc lóc, đến khi ra, anh thành người thản nhiên, trơ như đá. Lúc vào lòng anh tuyệt vọng, nay ra, lòng anh đen tối. Cái gì đã xảy ra trong tâm hồn anh?