Những người khốn khổ - PHẦN I - Quyển II - Chương 09 - 10 - 11 - 12

IX

LẠI GẶP BẤT CÔNG

Mãn hạn tù, khi nghe bên tai mấy tiếng lạ lùng: Mày được tự do! Thật là những phút không ngờ, khó tả đối với Giăng Vangiăng. Một tia sáng chói lòa, thứ ánh sáng thật sự của người sống đột nhiên chiếu vào tâm hồn anh. Khốn nỗi, chẳng bao lâu tia sáng ấy lại mờ đi. Ban đầu Giăng Vangiăng quả thực đã quáng mắt khi nghĩ mình được tự do. Anh tin tưởng một cuộc đời mới. Nhưng anh lại thấy ngay giá trị của kẻ mang tờ giấy thông hành vàng.

Ngay từ phút đầu ấy đã có bao nỗi chua cay! Anh đã nhẩm tính số tiền để dành suốt thời gian ở tù thế nào cũng phải đến một trăm bảy mươi mốt phơrăng. Phải nói cho đúng là tính như thế anh không khấu trừ những ngày chủ nhật và ngày lễ bắt buộc phải nghỉ, mười chín năm tức phải trừ mất đi ngót hai mươi bốn quan. Dù sao, số tiền ấy đã bị khấu đi nhiều khoản thu linh tinh, chỉ còn một trăm linh chín phơrăng mười lăm xu, lúc anh ra tù người ta đem tính trả cho anh.

Anh chẳng hiểu tại sao lại chỉ còn có thế và đinh ninh là mình bị ngắt ngọn, hay nói toạc ra, bị đánh cắp.

Hôm sau ngày được tha, đến Gơrat, anh thấy trước cửa xưởng cất nước hoa cam người ta đang dỡ những bao hàng to, anh lại xin làm giúp. Việc đang cần, người ta đồng ý ngay. Anh bắt tay vào việc. Anh thông minh, người khỏe và lanh lợi, lại làm hết sức nên người chủ ra dáng bằng lòng. Một người lính sen đầm đi ngang qua, thấy anh đang làm, để ý, dừng lại hỏi giấy. Xong lại tiếp tục làm việc. Trước đó, anh có hỏi thử đám phu làm như thế tiền công mỗi ngày được bao nhiêu, họ cho anh biết là ba mươi xu. Tối đến, anh đến tìm người chủ xưởng để xin lĩnh tiền công vì hôm sau phải lên đường sớm. Hắn chẳng nói năng gì, xỉa cho anh hai mươi lăm xu. Anh đòi thêm, hắn bảo: Mày mà được bấy nhiêu là tốt quá rồi! Anh nài nữa. Hắn lườm và bảo: Liệu không lại vào nhà đá!

Một lần nữa, anh cho mình đã bị đánh cắp.

Xã hội, Nhà nước, bớt tiền của anh là ăn cắp mẻ to. Bây giờ đến lượt cá nhân ăn cắp của anh từng mẻ nhỏ.

Phóng thích chưa phải là giải thoát và ra tù chứ không ra khỏi hình phạt.

Đó, ở Gơrat, anh đã gặp câu chuyện như thế. Còn đến Đinhơ người ta đối xử với anh như thế nào, chúng ta đã biết.

X

THỨC DẬY

Chuông đồng hồ nhà thờ đánh hai giờ, Giăng Vangiăng thức giấc dậy.

Cái giường êm quá đã làm anh tỉnh dậy. Đã gần hai mươi năm anh không hề được nằm giường, nên, tuy không thay quần áo, cái cảm giác quá lạ làm anh không ngủ yên được.

Anh đã ngủ quên được hơn bốn tiếng đồng hồ. Bao nhiêu mệt mỏi như đã trút sạch. Vả, anh cũng quen chẳng nghỉ ngơi nhiều.

Anh mở mắt, nhìn một lúc lâu trong bóng tối quanh mình rồi nhắm mắt ngủ lại.

Ban ngày cảm xúc miên man, tâm trí nhiều điều lo nghĩ, đến đêm ngủ thiếp đi thì dễ dàng, chứ đã thức giấc thì khó mà ngủ lại được. Giăng Vangiăng đêm ấy có thế thật.

Anh không sao nhắm mắt trở lại được, đâm ra nghĩ vơ vẩn.

Đầu óc như mờ mịt, rối bời, ý nghĩ qua lại chằng chịt. Chuyện xa, chuyện gần đều như lềnh bềnh lộn xộn, giao nhau, lẫn lộn với nhau, khi thì mờ nhạt khi thì hiện to, rồi bỗng nhiên vụt biến đi như chìm xuống dưới làn nước bùn đang xáo động. Nhiều ý nghĩ hiện ra, nhưng chỉ có một ý thường xuyên quấn quít trong óc anh, lấn át tất cả: anh nghĩ về bộ đồ ăn bằng bạc và chiếc môi to tướng của bà Magơloa bày trên bàn ăn, nó đã làm cho anh để ý lúc đầu hôm.

Bộ đồ bạc ấy như ám ảnh anh. Nó ở ngay kia thôi, cách có mấy bước. Lúc từ buồng bên sang đây, anh thấy bà ở già cất nó vào chỗ ô ở đầu giường. Anh đã chú ý đến chỗ ô tường đó. Ngay phía bên phải chỗ cửa từ buồng ăn sang. Bộ đồ bạc, rõ là bằng bạc ròng. Mà lại là bạc cũ. Kể cả chiếc môi, có thể bán ít ra là vài trăm phơrăng. Gấp đôi món tiền anh làm trong mười chín năm trời. Thật ra thì anh có thể kiếm được nhiều hơn thế nếu nhà nước không ăn cắp của anh.

Anh nghĩ tới nghĩ lui, giằng co suốt giờ. Cũng có chút ít do dự và tranh đấu bản thân. Bỗng đồng hồ đổ ba tiếng. Anh mở choàng mắt, ngồi nhổm dậy, với tay sờ cái ba lô quẳng trong xó, rồi thả hai chân xuống đất, ngồi nhổm lên giường lúc nào không biết. Anh ngồi yên như thế một lúc lâu, trong trí suy nghĩ vẩn vơ. Ai thấy anh bấy giờ một mình ngồi thức trong đêm tối khi cả nhà ngủ yên, chắc phải lấy làm ghê rợn. Bỗng anh cúi xuống, tháo giầy đặt nhẹ lên giường, rồi lại ngồi thừ ra nghĩ ngợi.

Việc xấu xa ấy lại bắt anh suy nghĩ miên man. Bao nhiêu ý nghĩ đã nói trên kia lại xáo trộn cả tâm trí, khi ẩn khi hiện, như đắn đo, cân nhắc. Và rồi chẳng biết vì sao, hình ảnh thằng Brêvơ, một bạn tù anh đã biết ở nhà lao với cái quần có độc một dây treo đan bằng sợi, lại đến với anh, lần khân một cách vô cớ như lệ thường khi người ta mơ màng. Hình ảnh các ô vuông trên cái dây treo quần ấy cứ lởn vởn mãi trong óc.

Không có đồng hồ gõ một tiếng báo khắc hay báo nửa giờ gì đó, có lẽ anh sẽ ngồi mãi như thế cho đến sáng. Hình như tiếng chuông ấy thúc giục: cương quyết đi!

Anh đứng dậy, ngần ngại một lát và nghe ngóng: trong nhà im phăng phắc. Anh rón rén bước lại chỗ cửa sổ anh thoáng thấy hé mở. Trời không tối lắm. Từng đám mây lớn bay theo gió trên không, lúc che, lúc để lộ vừng trăng rằm. Cảnh vật bên ngoài lúc sáng lúc tối; còn trong nhà thì như một thứ hoàng hôn. Ánh sáng hoàng hôn. Ánh sáng hoàng hôn ấy không đều do mây lúc ẩn lúc hiện, nhưng cũng đủ để nhận được lối đi. Nó giống như thứ ánh sáng lờ mờ ở trong một cái hầm mà trước cửa thông hơi có người qua lại. Ra đến cửa sổ, Giăng Vangiăng chú ý nhận xét. Cửa không chấn song, quay ra vườn và theo thói quen ở địa phương, chỉ cài cái then nhỏ. Anh mở ra, nhưng vì một luồng khí lạnh ùa vào trong phòng, anh vội đóng lại ngay. Anh nhìn ra vườn bằng cặp mắt xem xét hơn là nhìn ngó. Quanh vườn, một bức tường thấp quét vôi trắng trèo qua rất dễ. Bên kia tường, trông rõ những ngọn cây cách khoảng đều nhau. Rõ ràng bên này là vườn, còn bên kia là đường phố hoặc một ngõ con có trồng cây.

Nhìn xong, anh quả quyết bước lại chỗ giường nằm, xách ba lô lên, mở ra, móc lấy ra một vật gì để lên giường, nhét đôi giày vào túi, buộc ba lô lại đeo lên vai, chụp cái mũ lưỡi trai lên đầu và kéo sụp xuống tận mắt. Anh lần mò tìm cây gậy đem dựng ở cạnh cửa sổ rồi trở lại chỗ giường nằm nhặt lấy cái vật kia: một cái gì giống như một thanh sắt ngắn, một đầu vạt nhọn như cái cọc.

Trong tối không làm sao nhận được thanh sắt ấy rèn ra để làm gì. Một cái đòn bẩy chăng? Hay là một cái dùi cui?

Ra ngoài sáng thì có thể nhận rõ đó chỉ là cái chân đèn của phu mỏ. Thời ấy, thỉnh thoảng người ta sai tù phạm đi lấy đá trên các quả đồi cao quanh Tulông, nên họ cũng thường có trong tay những dụng cụ phu mỏ. Cái chân đèn đúc bằng sắt đặc, đầu dưới nhọn để có thể đóng vào đá được.

Tay phải cầm thanh sắt, anh nín thở, rón rén đi ra phía cửa phòng ngủ ông giám mục bên cạnh. Cửa mở hé, ông giám mục lúc đi ngủ đã không khóa cửa.

XI

HÀNH ĐỘNG

Giăng Vangiăng nghe ngóng. Yên lặng như tờ.

Anh lấy đầu ngón tay đẩy khẽ cánh cửa, nhẹ nhàng, lén lút và ngại ngùng như con mèo muốn tìm lối vào. Cánh cửa êm ái và lặng lẽ rộng thêm một tí.

Chờ một lát, anh lại đẩy thêm cái nữa, lần này mạnh tay hơn.

Cửa lại lặng lẽ mở rộng thêm, đủ cho anh lách mình qua. Nhưng gần đó lại có cái bàn con chìa ra làm vướng lối đi.

Giăng Vangiăng thấy khó khăn. Phải cố làm cho cửa mở rộng hơn nữa.

Anh quả quyết, đẩy cánh cửa lần nữa mạnh hơn hai lần trước. Chiếc bản lề khô dầu tự nhiên kẹt lên một tiếng dài trong đêm tối.

Giăng Vangiăng giật nảy mình. Tiếng kẹt cửa vang vào tai anh nghe to và ghê rợn như tiếng kèn hiệu lệnh ngày phán xét cuối cùng.

Trong phút đầu tiên ấy mọi sự đều phóng đại một cách kỳ quái; anh tưởng chừng như chiếc bản lề vừa tỉnh dậy và đột nhiên do một sức sống đáng sợ, đang sủa lên như chó để báo có trộm vào, đánh thức mọi người.

Anh đứng sững lại, run rẩy, hoảng hốt, bàn chân đang nhón bỗng xịu xuống đất. Mạch máu hai bên thái dương giật như búa bổ, ngực thở phì phò như tiếng gió lùa trong hang núi. Anh đinh ninh thế nào tiếng rít ghê gớm của cái bản lề giận dữ ấy cũng sẽ làm rung chuyển cả nhà cửa như một trận động đất: cánh cửa bị đẩy đã kêu lên để báo động, ông già sắp trở dậy, hai bà già sắp hô hoán lên, xóm giềng sẽ đến tiếp cứu; chỉ mươi mười lăm phút sau, cả thành phố sẽ náo động, cảnh sát sẽ được huy động. Trong giây lát, anh thấy mình nguy đến nơi.

Anh đứng trơ ra như pho tượng, không dám cử động.

Mấy phút trôi qua. Cánh cửa đã mở toang ra rồi. Anh liều nhìn vào trong phòng. Vẫn yên lặng cả. Anh lắng tai nghe. Không có tiếng cựa quậy. Tiếng kẹt cửa không làm ai thức giấc cả.

Cơn nguy hiểm đầu tiên đã qua, trong lòng anh còn hồi hộp lạ thường. Nhưng anh không lùi. Ngay những lúc nguy ngập nhất, anh có bao giờ chịu lùi đâu. Anh chỉ tính làm thế nào cho chóng xong. Anh tiến lên một bước, vào hẳn trong phòng.

Trong phòng im lặng như tờ. Chỉ thấy rải rác chỗ này chỗ kia những hình lờ mờ không rõ. Ban ngày thì rõ đó là mớ giấy bày la liệt trên bàn, những pho sách lớn mở rộng, những chồng sách dày xếp trên chiếc ghế đẩu, chiếc ghế bành chất đầy quần áo, chiếc ghế nguyện, nhưng lúc này chỉ thấy toàn là những khoảng tôi tối và những chỗ trăng trắng. Giăng Vangiăng lần từng bước một, giữ gìn để khỏi đụng vào đồ đạc. Anh nghe rõ hơi thở đều đặn và bình thản của ông giám mục đang ngủ ở cuối phòng.

Bỗng anh dừng lại. Không ngờ anh đã đến sát cạnh giường nhanh đến thế.

Nhiều khi tạo hóa khéo đem những hiện tượng và cảnh tượng thiên nhiên xen vào công việc của người đời rất đúng lúc, như hiểu biết ý người một cách thâm trầm và như có ý muốn làm cho người ta phải suy nghĩ. Đã nửa giờ nay, một đám mây to che khắp trời. Vừa lúc Giăng Vangiăng đến trước giường, đám mây như có dụng ý trước, bỗng hé ra một quãng trống. Ánh trăng xuyên qua cửa sổ, đột nhiên chiếu thẳng vào khuôn mặt trắng của ông giám mục. Ông đang ngủ yên giấc. Đêm ở miền núi trời lạnh nên cả người ông gần như quấn trong chiếc áo len màu nâu dài tay. Đầu ông ngửa trên gối với một dáng điệu nghỉ ngơi thoải mái. Bàn tay có chiếc nhẫn, cái bàn tay phúc đức ấy, lại bỏ thõng ra ngoài. Vẻ mặt có cái gì khoan khoái, tin tưởng và vui đạo làm cho sáng hẳn lên. Trông vào thấy có cái gì tươi hơn một nụ cười, gần như là một vẻ vui thích rạng rỡ. Vừng trán lại như phản chiếu một thứ ánh sáng vô hình khó tả. Rõ ràng là linh hồn người chính trực trong giấc ngủ được chiêm ngưỡng một cảnh trời huyền bí.

Một tia sáng của cảnh trời ấy hiện ra ở nét mặt ông giám mục.

Tia sáng ấy đồng thời cũng là hào quang tỏa từ trong người ông ra chính vì cảnh trời ấy là ở lòng ông, nó là lương tâm của ông.

Lúc ánh trăng như hòa hợp với thứ ánh sáng bên trong ấy, toàn thân ông giám mục đang ngủ yên vụt hiện ra như trong một vùng hào quang. Không chói sáng nhưng mờ mờ, êm dịu vô cùng. Vừng trăng trên cao, cảnh vật im nghỉ, khu vườn không một rung động, ngôi nhà yên tĩnh, lại vào giờ ấy, lúc ấy, sự tĩnh mịch ấy, tất cả đều như thếm vào giấc ngủ đáng tôn kính của vị hiền triết kia một cái gì trang nghiêm khó nói và làm cho mớ tóc bạc phơ, đôi mắt nhắm nghiền, khuôn mặt tràn đầy hy vọng và tin yêu, cả cái đầu của bậc già nua đang ngủ giấc ngủ yên lành của trẻ con, như rực lên trong một vòng ánh sáng uy nghi và trong suốt.

Trong con người ông quả như có cái uy nghi của thần linh mà chính ông không biết.

Giăng Vangiăng vẫn đứng trong bóng tối, tay cầm chiếc chân đèn sứt, sững sờ, bàng hoàng trước cảnh ông già sáng rỡ ấy. Chưa bao giờ anh trông thấy một con người như thế. Nét mặt tin cậy ấy làm anh khiếp sợ. Với tâm trạng bối rối và lo sợ, sắp sa ngã vào một hành động tội lỗi, anh lại chiêm ngưỡng giấc ngủ của một bậc chính nhân, tưởng trong thế giới tinh thần, chưa có cảnh tượng nào lớn lao bằng!

Giữa nơi thanh vắng và bên cạnh một kẻ như anh, giấc ngủ ấy có cái gì cao cả, anh chưa hiểu rõ được, những cảm thấy một cách mãnh liệt.

Không ai biết được tâm trạng anh lúc đó như thế nào. Cả anh cũng vậy. Phải tưởng tượng một cái gì phũ phàng nhất đối với một cái gì dịu dàng nhất, mới hình dung được tâm trạng ấy. Nhìn vào nét mặt anh thì không nhận thấy gì có thể nói chắc được. Một thứ kinh ngạc lơ láo. Anh đứng sững mà nhìn, thế thôi. Nhưng anh đang nghĩ gì? Khó mà đoán ra được. Những thứ cảm xúc ấy bản chất là cảm xúc gì?

Mắt anh không rời hình ảnh ông giám mục già. Cử chỉ và nét mặt để lộ rõ một sự rụt rè lạ lùng. Có thể nói là anh đang lưỡng lự trước hai vực thẳm, một nơi làm người ta sa ngã và một nơi giúp người ta thoát nạn. Hình như anh đương sẵn sàng hoặc đập vỡ sọ ông già hoặc ôm lấy tay mà hôn.

Một lúc sau, anh từ từ giơ tay trái lên ngang trán và giở mũ ra, rồi lại bỏ cánh tay xuống. Anh lại đứng yên, tay trái cầm mũ, tay phải cầm dùi cui, tóc lởm chởm dựng ngược trên cái đầu dữ tợn, mắt ngắm sững ông già.

Ông giám mục vẫn cứ ngủ thiêm thiếp trước cái nhìn đáng sợ ấy. Ánh trăng soi mờ mờ trên cây thánh giá trên lò sưởi. Người ta có cảm giác như tượng Chúa đang dang tay đón lấy cả hai người, để ban phúc cho người này và xá tội cho kẻ kia.

Bỗng Giăng Vangiăng chụp mũ lên đầu, rảo bước lần theo cạnh giường, không nhìn ông giám mục, đến thẳng chỗ ô tường mờ mờ ở đầu kia; anh giơ cái chân đèn sắt lên để nạy khóa; chìa khóa cắm ngay trong ổ; anh mở ra, thấy ngay cái giỏ đựng đồ bạc; anh bê ra, bước vội qua phòng, chẳng cần giữ gìn, không sợ tiếng động, lách ra khỏi cửa, bỏ bộ đồ bạc vào ba lô, vứt cái giỏ đi, chạy qua vườn, vượt qua tường như cọp, rồi cắm đầu chạy.

XII

ÔNG GIÁM MỤC LÀM VIỆC

Sáng hôm sau, mặt trời vừa mọc, ông giám mục đã ra đi bách bộ ngoài vườn. Bà Magơloa hớt hải chạy đến:

- Đức Cha, thưa Đức Cha, Đức Cha có biết cái giỏ đồ bạc ở đâu không?

- Có.

- Lạy Chúa! May quá! Con đang không biết nó chạy đi đâu.

Ông giám mục vừa nhặt được cái giỏ ở trên luống hoa. Ông đưa cho bà.

- Giỏ đây.

- Ô hay! - bà Magơloa kêu - Cái giỏ không! Thế còn bộ đồ bạc?

- À, bà tìm bộ đồ bạc à? Thế thì tôi không biết.

- Trời đất ơi! Bị mất trộm hết rồi! Cái thằng tối hôm qua nó lấy rồi!

Và thoáng một cái, bà chạy vụt vào phòng nguyện, đến chỗ giường khách, rồi đảo trở ra. Ông giám mục đang cúi xuống bồn hoa nhìn mấy cây hoa bị cái giỏ quăng phải đè gãy. Nghe tiếng bà Magơloa kêu, ông ngẩng người lên.

- Thưa Đức Cha, nó đi rồi! Đồ đạc bị mất trộm rồi!

Vừa kêu lên như thế, bà lại nhìn thấy ở góc vườn có vết người mới trèo qua tường làm lở cả bờ vôi.

- Đây này! Nó trèo qua lối này đây. Nó nhảy ra lối phố Cơsơphilê! À, quân khốn kiếp! Nó lấy trộm bộ đồ bạc của nhà ta còn gì.

Ông giám mục yên lặng một lát, ngẩng nhìn bà Magơloa một cách nghiêm trang và ôn tồn bảo:

- Nhưng này, bộ đồ bạc ấy có phải là của nhà ta không đã?

Bà Magơloa ngẩn người ra. Hai người đứng lặng yên một lát, ông giám mục lại nói tiếp:

- Bà Magơloa này, lâu nay ta cứ giữ mãi bộ đồ bạc ấy là sai đấy. Nó là của kẻ khó. Mà người ấy là hạng người nào? Chính là một kẻ khó mà.

- Chao ôi! Lạy Chúa! Tôi với cô Baptistin thì nói làm gì. Chúng tôi thế nào cũng xong. Nhưng còn Đức Cha: Từ nay thì Đức Cha ăn bằng gì?

Ông giám mục nhìn bà, dáng ngạc nhiên:

- Ô hay! Thế không có thìa nĩa thiếc à?

Bà Magơloa so vai:

- Thiếc ăn có mùi tanh.

- Thế thì dùng đồ sắt.

Bà Magơloa nhăn mặt lại:

- Sắt có vị han.

Một lúc sau, ông ăn sáng ở ngay cái bàn chỗ Giăng Vangiăng ngồi hôm trước. Vừa ăn, ông vừa vui vẻ nói chuyện. Cô em trầm tĩnh ngồi nghe và bà Magơloa thì lẩm bẩm càu nhàu một mình. Ông bảo: chấm miếng bánh vào sữa thì cần gì phải thìa nĩa, dù là bằng gỗ đi nữa.

Bà Magơloa vừa đi đi lại lại vừa lẩm bẩm:

- Đời thuở nhà ai lại đi tiếp rước một thằng như thế vào nhà bao giờ! Lại còn cho nó nằm ngay bên cạnh phòng mình. Phúc đức làm sao nó lại chỉ mới lấy của mà thôi! Trời ơi là trời! Cứ nghĩ đến mà rùng mình!

Hai anh em ăn xong sắp đứng dậy thì có người gõ cửa. Ông giám mục bảo:

- Cứ vào.

Cửa mở. Một tốp người kỳ quặc hùng hổ kéo nhau vào. Ba người túm cổ một người. Ba người ấy là lính sen đầm; người kia là Giăng Vangiăng.

Một người đội, ý chừng chỉ huy cả bọn, đứng gần ở cửa. Y bước vào, tiến đến gần ông giám mục, giơ tay chào:

- Bẩm Đức Cha…

Nghe thấy thế, Giăng Vangiăng đương lầm lì và có vẻ thất vọng, ngẩng lên nhìn, kinh hoàng. Anh lẩm bẩm:

- Đức Cha à! Vậy ra không phải là ông cụ xứ…

Một tên lính quát:

- Im! Đây là Đức giám mục.

Lúc ấy, ông giám mục mặc dầu cao tuổi cũng cố bước nhanh tới bên anh. Ông nhìn vào Giăng Vangiăng:

- A, anh đấy à! Thấy anh tôi mừng làm sao! Nhưng này, tôi còn cho anh cả đôi chân đèn nữa kia mà, cũng bằng bạc đấy, có thể bán được hai trăm phơrăng. Sao anh lại không mang đi một thể với bộ đồ ăn?

Giăng Vangiăng giương con mắt nhìn con người đáng kính ấy. Vẻ mặt anh bây giờ tưởng không còn ngôn ngữ nào có thể tả rõ được. Viên đội nói:

- Bẩm Đức Cha, hóa ra tên này nói thật? Chúng tôi gặp nó đang đi như có ý chạy trốn. Chúng tôi bắt giữ lại để khám thì thấy có bộ đồ bạc này…

Ông giám mục cười, ngắt lời y:

- Và anh ấy nói rằng đêm hôm qua anh ấy ngủ ở nhà một ông cố đạo già và ông ấy đã cho anh chứ gì? Tôi đoán ra thế. Rồi các ông giải anh ta đến đây phải không? Lầm rồi.

- Nếu vậy, chúng tôi có thể tha cho hắn đi chứ?

- Hẳn rồi.

Bọn lính buông Giăng Vangiăng ra. Anh lùi lại ngơ ngác như người mơ ngủ, lắp bắp nói không ra tiếng:

- Tha cho tôi thật à?

Một người lính nói:

- Phải, tha cho mày đấy, mày không nghe thấy à?

Ông giám mục lại nói:

- Này, anh cầm nốt hai cây chân đèn rồi hãy đi nhé! Đèn đây.

Ông đến chỗ lò sưởi, lấy hai cây đèn và đem lại cho Giăng Vangiăng. Hai người đàn bà lặng yên đứng nhìn không nói không rằng, không có một cử chỉ nào muốn ngăn trở ông giám mục.

Giăng Vangiăng run bần bật. Như cái máy, anh giơ tay cầm lấy đôi đèn, mặt mày ngơ ngác. Ông giám mục nói:

- Thôi, chúc anh lên đường bình yên. Nhân thể, lần sau anh có trở lại đây, nhớ không cần phải qua phía vườn. Cứ cửa lối qua phố mà đi. Ngày đêm lúc nào ra vào cũng được, cửa chỉ cài có cái then thôi.

Rồi ông quay về phía bọn cảnh sát:

- Thôi, các ông có thể về được rồi.

Bọn lính đi ra.

Giăng Vangiăng như người sắp ngất.

Ông giám mục lại gần, khẽ bảo:

- Đừng quên, đừng bao giờ quên rằng anh đã hứa với ta sẽ dùng chỗ tiền này để trở thành con người lương thiện nhé.

Giăng Vangiăng không nhớ có hứa với ông giám mục điều gì hay không. Anh cứ đứng ngây người ra. Ông giám mục đã nhấn mạnh vào câu mình nói. Bây giờ bằng một giọng thật trang nghiêm, ông lại nói thêm:

- Giăng Vangiăng, người anh em của tôi ơi, từ nay anh không còn là kẻ ác nữa, anh thuộc về phía người lương thiện rồi. Linh hồn của anh, ta đã mua đây, ta đem nó ra khỏi cõi hắc ám, ra khỏi tư tưởng sa ngã, ta đem dâng nó cho Chúa.