Những người khốn khổ - PHẦN I - Quyển IV - Chương 02 - 03

II

VÀI NÉT PHÁC HỌA ĐẦU TIÊN VỀ HAI BỘ MẶT KHẢ NGHI

Con chuột mắc bẫy chỉ là con chuột nhắt, nhưng với mèo thì đến chuột còm nó cũng thích.

Vợ chồng Tênácđiê là hạng người gì?

Hãy giới thiệu chung ngay bằng vài nét, sau này sẽ bổ khuyết dần.

Những ngữ ấy thuộc về cái tầng lớp vô thừa nhận gồm có những người thô lỗ giàu xổi lên và những người khôn ngoan sa đọa. Tầng lớp này nằm giữa tầng lớp gọi là trung gian và tầng lớp dưới. Nó hòa lẫn một vài thói hư của lớp dưới với hầu hết những tật xấu của tầng lớp trung gian. Vì thế chúng không có nhiệt tình hào hiệp của người thợ mà cũng vẫn thiếu cái tính ngăn nắp lương thiện của anh tư sản thị dân.

Đó là một hạng người lùn không vươn lên được. Khi bị một dục vọng nào hun đốt thì họ dễ thành yêu quái. Con vợ bản chất thô bạo phũ phàng, còn thằng chồng thì là một thằng khốn kiếp. Cả hai đứa đều có triển vọng tiến khôn cùng trong tội ác. Trên đời có những con người giống như loài tôm tép chỉ muốn giật lùi và đi sâu mãi vào trong bóng tối chứ không muốn tiến lên chút nào. Chúng càng có kinh nghiệm càng thêm xấu xa, chúng tiến sâu vào con đường lầm lỗi, chúng đẫm mình vào chỗ bùn đen ngày một dày đặc. Hai vợ chồng nhà ấy chính ở vào loại này.

Nhất là vẻ mặt lão Tênácđiê thì phải làm cho thầy tướng băn khoăn. Có những người, ta mới trông là phải ngờ vực, đoán thấy đời họ có một cái gì mờ ám. Chúng thậm thọt lo sợ về phía sau lưng chúng và gầm ghè, dọa nạt đằng trước mặt. Chúng có cái gì bí mật. Không ai có thể tin những hành động đã qua và bảo đảm những hành động sắp tới của chúng. Cái nhìn của chúng có một cái gì đen tối có thể tố cáo chúng. Nghe chúng nói một câu, thấy chúng làm một điệu bộ, người ta cũng phảng phát thấy thân thế của chúng có nhiều điều bí ẩn cũng như tương lai còn nhiều chuyện tối tăm.

Tên Tênácđiê này theo lời hắn khoe, đã có lúc ở lính, đóng lon đội. Hắn có tham gia các trận đánh năm 1815 và hình như cũng tỏ ra gan dạ. Để sau này rồi ta sẽ thấy gan dạ thế nào. Cái biển treo trước cửa quán cơm có ý khoe một chiến công của hắn. Hắn tự vẽ lấy, vì nghề gì hắn cũng biết qua một tí, có điều là rất tồi.

Lúc ấy thời kỳ những tiểu thuyết cổ điển tuy vẫn tả những nhân vật quý phái nhưng đã biến thành thứ văn chương dung tục, nung nấu tâm hồn đa tình của các chị gác cổng Pari và một phần nào của các chị ngoại ô. Mụ Tênácđiê vừa đủ trí thông minh để đọc những sách đó. Những tiểu thuyết ấy đã thành món ăn của mụ. Tim óc mụ chìm ngập trong ấy. Vì thế, lúc còn xuân xanh, cả đến khi đứng tuổi, lúc nào mụ cũng có cái dáng điệu trầm ngâm mơ mộng bên cạnh chồng. Thằng chồng thì xỏ lá mà khá thông minh, hay chữ ở ngoài mép, thô lỗ nhưng lại tinh vi trong tình ái, đối với phụ nữ thì có thái độ một tên quých lễ độ và lịch sự. Con vợ kém thằng chồng chừng mười hai, mười lăm tuổi. Đến khi cái mái tóc rũ như lệ liễu trong tiểu thuyết kia đã ngả màu hoa râm, khi người thiếu phụ đú đởn đã trở thành một người đàn bà tai nghiệt, một con nặc nô rồi, thì mụ chỉ là một con mụ béo xị, nanh ác với mớ tiểu thuyết nhảm trong đầu. Đừng tưởng đọc những sách nhảm không hại! Vì sách nhảm, con gái đầu của mụ mang tên Êpônin. Mụ toan gọi con em là Guynna cho trọn bộ tiểu thuyết, may sao mụ lại nghĩ ngay đến một quyển khác nên đặt tên nó là Adenma.

Cái thời ấy kể cũng lạ, như là có một sự đảo ngược trong cách đặt tên. Thật ra, không hẳn tất cả đều buồn cười và nông nổi. Như trên đây đã vạch ra, trong đó có màu sắc tiểu thuyết, nhưng bên cạnh còn thấy dấu hiệu xã hội. Ngày nay, không hiếm những anh dân cày có tên là Actơ, Anphơrê, Anphôngrơ, mà cũng có những bậc danh gia tử đệ - nếu còn có những bậc danh gia tử đệ - lại lấy tên là Tômat, Pie hay Giăccơ. Bình dân mà đặt tên văn hoa, còn quý tộc lại lấy tên quê mùa, cục mịch, sự xáo trộn ấy chẳng có gì khác là một dư ba của phong trào bình đẳng. Ở đây cũng như mọi chỗ khác, ảnh hưởng của luồng gió mới không gì ngăn cản nổi. Bên dưới cái lộn xộn mặt ngoài ấy, là một sự kiện sâu xa, vĩ đại: cuộc cách mạng Pháp.

III

SƠN CA

Muốn làm giàu, độc ác cũng chưa đủ, cho nên hàng cơm của Tênácđiê ngày càng suy.

Nhờ có cái khoản năm mươi bảy phơrăng của Phăngtin, Tênácđiê thanh toán chủ nợ và tránh lôi thôi với mõ tòa. Tháng sau, hắn lại túng tiền. Mụ vợ đem sống áo của Côdét đi Pari, cầm được sáu mươi phơrăng. Khi tiêu hết món tiền rồi, vợ chồng Tênácđiê dần dần coi Côdét như một con bé nuôi làm phúc và đối xử với nó như đứa ăn báo cô. Quần áo của nó đưa đi cầm cả rồi, nó phải mặc những đồ thải của hai đứa con mụ chủ, váy cũ, áo rách, toàn đồ tã. Ăn thì thí cho rặt cơm thừa canh cặn của cả nhà, có hơn con chó một chút nhưng kém con mèo. Vả lại thường thì nó vẫn ăn chung với chúng ở gậm bàn, cũng được dùng một cái bát gỗ như chúng.

Mẹ nó về ở Môngtơrơi cứ mỗi tháng viết một phong thư, hay nói cho đúng là thuê viết một phong thư để hỏi thăm con. Lần nào vợ chồng Tênácđiê cũng trả lời một điệu: con bé hay ăn chóng nhớn lắm.

Khi số tiền trả trước cho sáu tháng đã hết, từ tháng thứ bảy, Phăngtin đều đều tháng nào cũng gửi bảy phơrăng. Nhưng chưa hết năm Tênácđiê đã nói: “Nó làm như thí ăn cho mình không bằng! Có bảy phơrăng thì làm được trò trống gì?” Rồi hắn viết thư đòi mười hai phơrăng. Mẹ thấy nói con ăn chơi mạnh khỏe lại chóng lớn thì cũng bằng lòng và gửi số tiền mười hai phơrăng.

Đời có kẻ hễ có yêu thì đồng thời phải có ghét. Mụ Tênácđiê yêu tha thiết hai đứa con mình, cho nên mụ rất ghét con người ta. Thật là buồn khi thấy rằng tình yêu thương của người mẹ mà cũng có thể có những mặt xấu! Khốn nạn, con Côdét ở nhà mụ thì hết bao nhiêu chỗ, thế mà mụ làm như nó chiếm mất phần của con mụ, nó thở tranh không khí của con mụ. Mụ ấy, cũng như nhiều đứa cùng giống, hằng ngày đã hôn hít vuốt ve thì hằng ngày cũng phải chửi bới đánh đập. Nếu không có con Côdét thì có lẽ mấy đứa con mụ dù được yêu dấu thế nào đi nữa, tất cũng có lúc bị chửi bới đánh đập. Có Côdét ở đấy, Côdét đã gánh vác hộ chúng, chúng chỉ lĩnh những hôn hít vuốt ve. Còn Côdét mỗi lần động chân động tay là một lần bị phạt, bị mắng như tát nước vào mặt một cách thậm vô lý. Con bé hiền lành yếu ớt không hiểu gì về cuộc đời, về Chúa, chỉ thấy mình quanh năm bị phạt, bị mắng, bị hành hạ, bị đánh đập, mà ở cùng nhà, hai đứa nhỏ kia cũng như mình lại sướng như tiên!

Mụ Tênácđiê đã ác với Côdét, thì Êpônin và Adenma cũng ác theo. Ở cái tuổi ấy, con là rập khuôn của mẹ, chỉ khác là con nhỏ, mẹ to mà thôi.

Một năm qua, rồi một năm nữa. Trong làng người ta bảo nhau:

- Vợ chồng Tênácđiê thế mà phúc đức. Nhà đã không có lại còn nuôi thêm một con bé người ta bỏ đi.

Ai cũng tưởng Côdét là đứa con bị mẹ bỏ.

Lúc đó, không biết gã Tênácđiê dò hỏi ở đâu mà biết được rằng Côdét chắc chắn là con hoang nên mẹ nó phải giấu. Hắn bèn đòi phải đưa mười lăm phơrăng một tháng, nói rằng con bé lớn rồi và ăn tốn lắm và dọa nếu không thì đuổi đi. Hắn gắt: “Đừng có trêu vào tay ông! Ông thì ông ném con ranh con về giữa chỗ chúng mày lánh mặt cho mà xem. Phải đưa thêm tiền cho ông”. Thế là Phăngtin phải trả đủ mười lăm phơrăng.

Mỗi năm con bé một lớn lên thì những nỗi đau khổ của nó cũng lớn theo.

Khi còn bé tí, Côdét là cái bung xung của hai đứa con nhà chủ; đến lúc lớn lên được một chút, nghĩa là chưa đầy năm tuổi, thì nó thành ra đứa đầy tớ cho cả nhà.

Năm tuổi, ai tin được!

Than ôi, thế mà quả có như vậy. Khổ cảnh xã hội có từ gì con trẻ!

Chúng ta chẳng thấy vụ án Đuymôla vừa rồi đó sao? Tội phạm là một trẻ mồ côi nay đã biến thành kẻ cướp. Cái tài liệu chính thức cho biết từ hồi lên năm em đã chơ vơ một mình, không thân không thích, phải “lao động và ăn cắp để sống”.

Côdét phải làm các việc vặt, phải quét tước các buồng và sân, cổng, rửa bát, có lúc phải khiêng vác đồ nặng nữa. Gặp phải thời kỳ mẹ nó gửi tiền thất thường, trễ đi vài tháng, vợ chồng Tênácđiê được thể lại càng hành hạ nó.

Nếu Phăngtin trở lại Môngphécmây ba năm sau khi ra đi thì đến nàng cũng không thể nhận ra con mình nữa. Con bé khi vào nhà ấy xinh tươi là thế, mà đến nay thì gầy còm, xanh xao. Dáng đi lại rụt rè, sợ sệt, vợ chồng chúng nó bảo là “gian hiểm”.

Chịu đựng bất công lắm nên con bé hóa ra cảu nhảu, đói khổ quá nó hóa ra xấu xí. Cả người con bé chỉ còn có đôi mắt là đẹp. Ai trông thấy đôi mắt ấy cũng phải thương, vì càng to càng thấy mênh mông nỗi khổ.

Mùa rét, chưa sáng con bé không đầy sáu tuổi ấy đã ra đường quét tước. Nó run lẩy bẩy trong mấy miếng giẻ che thân. Hai bàn tay nhỏ xíu và đỏ nhừ ôm một cái chổi to tướng, trong mỗi khóe mắt, một giọt lệ ngập ngừng. Thật đã não lòng!

Quanh đây người ta gọi nó là con Sơn Ca. Người bình dân hay ví von, đặt cho nó cái tên như thế vì con bé không lớn hơn con chim, run lẩy bẩy, lúc nào cũng sợ sệt, giật mình, trong nhà và cả trong làng sáng tinh sương chưa có ai dậy, đã thấy nó ở ngoài đường hay ra đồng rồi.

Nhưng tội nghiệp Sơn ca này không bao giờ hót cả.