Những người khốn khổ - PHẦN I - Quyển VII - Chương 03 phần 2

Ông tiếp tục tự vấn. Ông nghiêm khắc tự hỏi mình định nói gì với câu “mục đích đã đạt”? Ông nhận rằng đời mình có một mục đích thực, nhưng mục đích gì? Giấu tên giấu tuổi à? Che mắt bọn cảnh sát à? Chẳng lẽ đã làm những việc như mình đã làm, là chỉ vì một điều nhỏ mọn như thế? Thế không còn mục đích nào khác, cao cả, chân chính nữa sao? Cứu vớt lấy linh hồn, chứ không phải thể xác. Trở lại thành người ngay thẳng và nhân từ. Thành con người chính trực! Đó có phải là điều mình ước mong và là điều độc nhất mình ước mong không? Đó có phải là điều ông giám mục khuyên bảo không? Đoạn tuyệt với dĩ vãng à? Trời ơi! Có đoạn tuyệt đâu, thế là nối lại đấy, bằng một hành động khốn nạn đấy! Thế là trở lại thành một thằng ăn cắp đáng khinh ghét nhất! Mình đã ăn cắp cái sinh mệnh của người ta, cả cuộc đời, cả sự yên ổn, cả cái chỗ đứng của người ta dưới ánh sáng mặt trời! Mình thành một tên sát nhân! Không phải giết bằng gươm đao, mà giết bằng tinh thần một con người khốn nạn. Buộc người ta phải chịu một cái chết thê thảm, cái chết dần chết mòn, chết không mồ không mả, ngay giữa cảnh thanh thiên bạch nhật, tức là cảnh tù ngục. Trái lại, ra thú đi, cứu cho người ta khỏi cái tai ách bị lầm lẫn ghê gớm, lấy lại cái tên cũ, theo nghĩa vụ mà trở lại thằng khổ sai Giăng Vangiăng, đấy mới thực là hoàn thành cái việc tái tạo và vĩnh viễn thoát khỏi chốn địa ngục là nơi mà mình mới vừa bước chân ra khỏi. Vào tù lại, trông thì như là sa trở vào địa ngục, nhưng thực tế thì thoát khỏi! Phải làm như thế mới đúng! Nếu không thì bao nhiêu điều đã làm đều coi như không có. Cả sự nghiệp trước thành vô ích, cả cuộc đời hối lỗi đều bỏ đi, mình chỉ còn tự bảo mình một lời: ích gì? Ông thấy hình như có ông giám mục ở trước mặt. Ông giám mục đã mất, nên nay lại hiện ra rõ rệt. Ông đang nhìn đăm đăm và bảo rằng ông thị trưởng Mađơlen có tiếng là đạo đức, té ra lại thật là bỉ ổi, còn tên tù Giăng Vangiăng thì sẽ lại trong sạch, đáng quý biết bao. Người đời chỉ trông thấy cái mặt nạ của ta, nhưng ông giám mục thì nom thấy rõ được mặt thật. Người đời chỉ nom thấy cuộc sống bên ngoài của ta, nhưng ông giám mục thì trông suốt đến cả lương tâm. Thế thì phải đi Arát, giải thoát cho Giăng Vangiăng giả kia và tố giác tên Giăng Vangiăng thật! Than ơi! Đó là sự hy sinh cao cả nhất, một cuộc chiến thắng thương tâm nhất, cái bước sau cùng khó khăn nhất. Nhưng cần phải bước qua cái bước ấy. Đau đớn thay là số mệnh! Muốn thành người trong sạch trước mặt Chúa, lại phải chịu làm kẻ ô nhục trước mặt người đời!

“Dứt khoát rồi, phải theo con đường ấy! Phải làm bổn phận của mình. Phải cứu người ấy”.

Ông cao giọng nói to câu ấy mà không biết.

Ông giở sổ sách ra, kiểm soát lại và sắp xếp cho gọn ghẽ. Ông lấy bó văn tự mượn nợ của những người buôn bán nhỏ túng thiếu ném vào lửa. Ông viết một bức thư, niêm phong lại và đề ngoài phong bì: “Gửi ông Laphít chủ ngân hàng phố Actoa, Pari”.

Ông mở ngăn bàn giấy lấy ra một cái ví đựng một ít giấy bạc và tờ thông hành ông vừa dùng đi bầu cử trong năm ấy.

Ai trông thấy ông làm các việc ấy mà nét mặt không thôi trầm ngâm tư lự, chắc thừa hiểu trong bụng ông đang suy nghĩ nhiều lắm. Chốc chốc, thấy môi ông hơi mấp máy; có lúc ông lại ngước nhìn chăm chú vào một chỗ nào đó trên vách, dường như ở đó có cái gì phải hỏi han, phải làm cho sáng tỏ.

Viết xong một bức thư, ông bỏ cả thư và ví vào túi áo rồi lại đứng dậy đi bách bộ.

Dòng suy nghĩ của ông không hề chệch hướng. Ông vẫn thấy rất rõ bổn phận của ông được viết thành chữ sáng, đang rực chói trước mắt; nhìn đến đâu cũng thấy dòng chữ ấy: - Đi ngay! Đến mà khai đi! Thú đi!

Trước nay có hai ý nghĩ coi như hai nguyên tắc chi phối cuộc đời ông: cất giấu họ tên và tu dưỡng tâm tính. Lần này là đầu tiên ông thấy hai ý nghĩ ấy cựa quậy như những hình bằng xương bằng thịt và hiện ra khác nhau rành rọt, cách biệt hẳn nhau. Một ý trong đó hoàn toàn đúng, còn ý kia thì có thể trở thành xấu; ý này là vị tha, ý nọ là cá nhân! Đây là vì đồng loại, đó là vì bản thân; cái này bắt nguồn từ ánh sáng, cái kia bước ra từ bóng đen.

Hai lực lượng ấy tranh chấp nhau và ông là người chứng kiến. Ông suy nghĩ chừng nào thì nó lại lớn lên chừng ấy và bây giờ thì nó to như núi; một bên là nữ thần, một bên là nữ khổng lồ, hai bên quần nhau trong người ông, trong cái cõi vô biên vô tận, lẫn lộn vừa ánh sáng vừa bóng tối như trên đây đã nói.

Người ông hoảng hốt nhưng ông có cảm tưởng như phía ý nghĩ đúng thắng thế và ông đang đi đến một bước quyết định cho lương tâm và cho số phận nữa đây. Trước kia ông giám mục đã mở đầu cho ông giai đoạn đầu của cuộc đời mới, đến nay thì lão SăngMáchiơ này lại đánh dấu cho giai đoạn thứ hai. Cơn khủng hoảng to lớn đã qua, trận thử thách gian nan lại đến.

Cơn sốt trong người một lúc đã nguôi nguôi, nay dần dần trở lại. Muôn nghìn ý nghĩ thoáng qua đầu nhưng chỉ làm cho ông vững tâm thêm trong quyết định của mình.

Ông tự bảo: “Mình xét việc quá ư nóng vội, cái lão SăngMáchiơ ấy, xét cho cùng cũng chẳng có gì đáng để ý, và thật ra lão có ăn trộm thật”. Rồi ông lại tự trả lời: “Ví thử lão ta có trộm táo đi nữa thì cũng chỉ một tháng tù. Từ đó đến khổ sai còn xa biết mấy. Với lại biết đâu đấy? Lão có ăn trộm thật không? Có gì làm bằng? Cái tên Giăng Vangiăng đã làm chết lão, hình như người ta chẳng còn cần bằng chứng gì nữa. Các vị chưởng lý của nhà vua chẳng hay làm như thế là gì? Lão ta vốn là tù khổ sai, thì nhất định lão ta có ăn trộm”.

Lúc khác ông lại nghĩ rằng, sau khi ông ra tự thú, rất có thể người ta sẽ chiếu cố đến hành vi dũng cảm của ông, xét đến cuộc đời lương thiện của ông trong bảy năm qua và công lao của ông đóng góp cho xứ sở lâu nay, mà tha bổng cho ông. Nhưng giả thiết ấy tan mau như khói. Ông mỉm cười chua chát mà nhớ ra rằng ông cướp đồng hào của bé Giecve là mắc vào tội tái phạm, việc này nhất định sẽ bị lôi ra và như thế, đúng theo hình luật, ông sẽ bị khép vào tội khổ sai chung thân.

Ông xua tan mọi thứ ảo tưởng kia đi. Tách mình dần ra khỏi cuộc đời thấp hèn và đi tìm cho mình sự an ủi và sức mạnh ở một nơi khác. “Nhất định ta phải làm theo bổn phận ta”, ông tự bảo: “Làm xong bổn phận chắc gì đã khổ hơn là trốn tránh không làm?” Nếu ông cứ để mặc kệ và ông cứ ở Môngtơrơi, thì uy tín của ông, tiếng tăm của ông, những cống hiến của ông cho xã hội, lòng thương người, đức tính gần gũi mọi người, cuộc sống trong sạch, thậm chí sự giàu có của ông, rồi lòng kính yêu, trọng vọng của mọi người, tất cả những cái đó dường như pha trộn tội ác. Và những thứ cao quý kia mà lẫn cái vật ghê tởm này thì mùi vị sẽ ra làm sao nữa! Trái lại, nếu ông dám hy sinh, thì dù thân có ở lao tù, xiềng xích, người có phải khổ sai tạp dịch, chẳng bao giờ được nghỉ ngơi mà luôn luôn bị quở phạt, dù đến thế đi nữa thì trong mỗi bước gian truân ấy vẫn bật lên một ánh sáng thần tiên!

Nhưng cuối cùng ông lại tự nhủ rằng sự việc hình như phải thế, số phận của ông trên trời đã định sẵn, ông không có quyền xáo trộn mọi thứ trên cao đã sắp đặt, mà chỉ được phép lựa chọn mà thôi: hoặc bên ngoài đạo đức mà bên trong nhục nhã hoặc bên trong cao quý mà bên ngoài nhục nhã.

Dằn vặt mãi với bao ý nghĩ bi thảm, lòng can đảm của ông vẫn vững vàng, nhưng trí óc ông cảm thấy mệt mỏi. Bất giác ông bắt đầu nghĩ đến những điều khác, những điều không dính dáng gì đến việc kia.

Mạch hai bên thái dương đập dữ dội. Ông vẫn đi đi lại lại không ngừng. Đồng hồ điểm mười hai giờ phía thị sảnh, rồi phía nhà thờ. Ông tẩn mẩn đếm theo từng tiếng hai cái đồng hồ ở hai nơi rồi lại so sánh tiếng chuông với nhau. Ông sực nhớ mấy hôm trước ông thấy ở một cửa hàng đồ sắt một cái chuông cũ trên có đề cái tên: Ăngtoan Anhbanh đơ Rômanhvin.

Ông thấy lạnh, bèn đến bên lò nhóm một ít lửa, nhưng quên không nghĩ đến việc đóng cửa sổ lại.

Một lúc lâu, ông thấy đầu óc mình trở lại mụ mẫm. Phải cố gắng hết sức mới nhớ ra được mình đã nghĩ những gì trước lúc chuông đồng hồ đánh mười hai tiếng. Cuối cùng ông nhớ ra được và tự nhủ:

“À phải, lúc nãy ta đã quyết định đem ta ra tố cáo mà”. Bỗng ông sực nghĩ đến Phăngtin.

“Ờ nhỉ! Còn người đàn bà tội nghiệp này nữa!”

Đến đây một cơn khủng hoảng khác lại nổ ra. Phăngtin bỗng nhiên hiện ra trong tâm trí như đem đến một tia sáng bất ngờ. Mọi vật xung quanh hình như không còn cái cảnh sắc như trước nữa. Ông kêu lên: à, mà sao từ nãy đến giờ ta chỉ nghĩ đến mình ta? Ta chỉ tính toán đến những điều vừa ý ta thôi! Hoặc là cứ yên lặng, hoặc là ra tự thú, - ẩn núp cho yên thân hay là cứu vớt lấy linh hồn, - làm một ông thị trưởng đáng khinh mà được tôn trọng hay là một thằng tù khổ sai ô nhục mà lại đáng kính, đó vẫn là chuyện của ta, luôn luôn là của ta, độc một mình ta! Nhưng trời ơi! Đó chỉ là chuyện ích kỷ! Hình thức này hay hình thức khác đi nữa, cũng chỉ là ích kỷ. Sao ta không nghĩ đến người khác một tí? Nghĩ đến người khác là điều thiện đầu tiên. Nào, thử xét lại xem. Để riêng ta ra, quên hẳn ta đi, thì rồi sẽ ra sao? - Ta mà ra tự thú nhé! Thì họ bắt ta, họ thả tên SăngMáchiơ ra, họ đưa ta đi đày, vậy là phải rồi. Rồi sao nữa? Ở đây sẽ xảy ra những việc gì? À, ở đây có cả một vùng, một thành phố, những xưởng may, một nền công nghiệp, có bao nhiêu là thợ thuyền, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, những người thật đáng thương! Ta đã xây dựng nên tất cả, ta đã nuôi sống cho tất cả, chỗ nào có khói tỏa trên mái nhà là do chính tay ta đã đem củi cho mà đốt, đem thịt cho mà nấu; nhờ ta có sự no ấm, có sự giao lưu, có tiền của; trước ta, nào có gì đâu; ta đã phục hưng lại; làm sống lại; làm cho sầm uất, làm cho phồn thịnh, làm cho nhộn nhịp, làm cho giàu có cả một xứ; ta mà thiếu đi là thiếu cả một linh hồn. Ta mà cất ta đi thì sẽ chết hết thảy - Lại còn người đàn bà kia đã chịu bao nỗi đau khổ, đã có bao điều đáng quý trong bước sa ngã! Cuộc đời đau khổ của chị đều do ta vô tình gây ra cả. Lại còn đứa bé mà ta định tìm về, ta đã hứa hẹn với mẹ nó nữa! Đối với chị, ta lại không có chút gì để đền bù hay sao? Ta mà không còn ở đây nữa thì rồi sẽ ra sao? Người mẹ tất chết. Đứa con rồi ra sao thì ra. Đấy, nếu ta đi tự thú, thì rồi sẽ như thế đấy.

“Hay là ta đừng đi thú tội nữa? Xem nào, hay là đừng đi?”

Tự hỏi xong câu ấy, ông ngừng lại như có một chút rụt rè, run sợ. Nhưng phút ấy chỉ thoáng qua. Ông lại bình tĩnh tự trả lời:

- Được, lão ta đi tù khổ sai, điều đó có thật, nhưng có sao đâu, lão ta ăn trộm kia mà! Ta có cố tình nói lão không ăn trộm thì lão cũng đã ăn trộm rồi! Còn ta, ta ở đây ta tiếp tục công việc của ta. Mười năm nữa ta sẽ có mười triệu, ta sẽ đem mười triệu ấy rải ra khắp xứ. Ta chẳng giữ gì cho ta cả, có tiền hay không có tiền, điều ấy có hề gì? Có phải vì ta mà ta làm việc đâu? Khi ấy mọi người cứ càng sung túc lên, các đồng nghiệp bừng dậy và kích thích nhau, công xưởng nhà máy đông lên, mọi gia đình, hàng trăm, hàng nghìn gia đình được sung sướng; dân chúng trong vùng đông lên, những chỗ này mới là trại của tá điền, sẽ có làng xóm mọc lên, những chỗ nay còn hoang vu sẽ có trại tá điền xuất hiện. Bấy giờ đói nghèo không còn nữa và cùng với đói nghèo cũng mất luôn những tệ nạn trụy lạc, đĩ điếm, trộm cắp, giết người, tất cả những tật xấu, thói hư, tất cả những tội ác! Ấy, cả một vùng sẽ trở nên giàu có và lương thiện! Và người mẹ tội nghiệp ấy có đủ điều kiện để nuôi con mình.

Ơ kìa, ta đã điên, ta đã quá vô lý, tại sao lại nói đến chuyện đi tự thú? Thật đấy, phải suy nghĩ cho kỹ, chớ có hấp tấp. Quái nhỉ! Chỉ vì ta muốn làm một kẻ vĩ nhân, một người nghĩa khí - trò tuồng thôi! Chỉ vì muốn tránh hình phạt cho một tên trộm cắp vu vơ, chắc là ngốc nghếch nữa, - hình phạt có lẽ hơi quá đáng, tuy về căn bản là đúng, - mà lại để cho cả một xứ phải điêu tàn! Để cho một người đàn bà đáng thương phải chết ở phòng bệnh! Một đứa nhỏ phải chết đường chết chợ như chó chết. A, thật là tàn nhẫn! Mẹ không được thấy mặt con! Con không được biết có mẹ! Như thế chỉ vì một thằng lưu manh già đáng đi đày, không vì tội ăn trộm táo này thì rồi cũng vì tội khác! Thật là những tư tưởng đạo đức hão, đi gỡ tội cho kẻ phạm tội để hy sinh những người vô tội! Mà lão thì còn sống được vài năm nữa là cùng và có vào tù thì cũng chẳng khổ hơn chui rúc ở túp nhà nát. Hy sinh tất cả nhân dân một vùng, bao nhiêu người mẹ, bao nhiêu người vợ, bao nhiêu trẻ con, để đi cứu một lão già lang thang. Cả con Côdét tội nghiệp chỉ còn trông mong có ta, chắc là lúc này nó đang rét tím người ở cái xó lều của vợ chồng Tênácđiê. Lũ này cũng là đồ chó chết đấy! Như thế là ta đã trốn nhiệm vụ đối với những con người khổ sở ấy! Ta lại nỡ tự đi thú à? Sao ta lại định làm cái việc khờ dại thế? Cứ cho là xấu xa hẳn đi! Thí dụ coi đó là một điều bất nhân, mà lương tâm ta rồi đây sẽ trách mắng. Vì lợi ích của kẻ khác, mà chỉ mình mình chịu trách mắng, chỉ mình mình chịu làm điều xấu xa để thiệt riêng cho linh hồn mình, thì như thế mới gọi là bác ái, mới gọi là đạo đức chứ.”

Ông lại đứng lên, đi đi lại lại. Lần này ông thấy như được thỏa mãn. Tìm kim cương phải đi sâu vào lòng đất, cũng như tìm chân lý phải đi sâu vào ý nghĩ. Dường như ông đã đi vào những tầng sâu như vậy và sau một thời gian khá lâu mò mẫm ở những nơi tối nhất, ông đã tìm ra được một trong những hạt kim cương ấy, một trong những chân lý ấy và ông đang giữ trong tay, ngắm nghía, sung sướng đến lóa mắt.

“Phải - ông nghĩ - như thế mới phải. Ta đã đi đúng đường, ta phải nắm được cách giải quyết. Mọi sự rồi ra cũng phải có một chỗ để mà dựa chứ. Ta đã quyết định rồi. Cứ để mặc! Không lung lay nữa, không lùi nữa. Đó là vì lợi ích của mọi người, không phải lợi ích của riêng ta. Hiện nay ta là ông Mađơlen, ta cứ giữ là Mađơlen. Còn đứa nào là Giăng Vangiăng thì mặc xác nó. Giăng Vangiăng không phải là ta nữa. Ta không biết hắn là ai, hắn ta là gì ta cũng không hiểu nữa. Bây giờ ai là Giăng Vangiăng thì kẻ ấy cứ mà lo liệu lấy, chẳng can cập gì đến ta. Cái tên ấy bây giờ như là một định mệnh, nó đang phất phơ trong đêm tối, nó có dừng lại và giáng xuống đầu ai cũng thây kệ nó!” Ông soi mặt vào cái gương con trên lò sưởi và nói: Té ra quyết định xong thực nhẹ cả mình! Bây giờ ta thấy khác hẳn lúc nãy.

Ông đi dăm bước nữa rồi đứng sững lại:

- Thôi, ta đã quyết thì dù có sao đi nữa cũng không nên trù trừ làm gì. Còn nhiều dây nhợ giữa ta với cái tên Giăng Vangiăng này đây. Phải cắt đứt nó đi! Ngay trong phòng này có mấy đồ vật có thể buộc tội ta, có những thứ vô tri có thể lên tiếng làm chứng chống lại ta. Thôi dứt khoát phải thủ tiêu tất cả.

Ông lục túi lấy bọc tiền, mở ra lấy chiếc chìa khóa con. Ông tra vào một cái ổ khóa bé tí lờ mờ lẩn vào giữa những nét vẽ tối sầm phủ lên mặt giấy dán tường. Một khoảng trống trong tường hiện ra. Đó là một thứ tủ giả ẩn vào một bên là góc tường, một bên là lò sưởi. Trong lòng tủ giấu mấy cái quần áo rách, cái áo bành tô cũ và cây gậy to hai đầu bịt sắt. Ai đã được thấy Giăng Vangiăng hồi tháng 10 năm 1915 khi đi qua Đinhơ sẽ nhận ra được ngay những đồ cũ nát tồi tàn đó.

Ông đã giữ gì những đồ vật ấy. Cũng như giữ gìn cả đôi đèn nến bằng bạc để luôn nhớ đến ngày mình bắt đầu làm lại cuộc đời mình. Song ông lại giấu những thứ mang từ nhà tù ra, còn đôi đèn của ông giám mục thì ông đem bày ở giữa nhà.

Ông nhìn trộm ra cửa, sợ cửa đã cài then mà vẫn còn có thể mở được. Rồi không thèm liếc nhìn đến những thứ đồ vật mà bao lâu nay ông bất chấp cả nguy hiểm giữ gìn một cách thành kính, ông vội vàng hấp tấp ôm cả đống quần áo, ba lô, gậy gộc kia vất cả vào đống lửa.

Ông khép cái tủ giả lại. Để được cẩn mật hơn - kể cẩn mật cũng vô ích, vì trong ấy không còn gì nữa - ông cũng cứ đẩy một cái bàn vào góc tường để che chỗ ấy đi.

Mấy phút sau, ánh lửa đỏ bập bùng chiếu sáng cả gian phòng và bức tường trước mặt. Tất cả đều bắt lửa. Cây gậy nổ lách tách và bắn tàn ra đến tận giữa phòng. Cái ba lô đựng quần áo rách cháy thành tro, để lộ một cái gì sang sáng, cúi xuống thì có thể thấy rõ là một đồng hào. Chắc là đồng bốn mươi xu ăn cướp của thằng bé Giecve.

Nhưng ông không nhìn chỗ lửa cháy, mà cứ đi bách bộ đều đều. Bỗng ông thấy đôi chân đèn có ánh lửa làm lóe sáng ở trên lò sưởi.

- Kìa, dấu vết Giăng Vangiăng hãy còn rành rành ở cái này đây, phải hủy nốt đi chứ.

Ông bèn cầm lấy đôi chân đèn. Đống lửa hãy còn đủ để làm cho nó mềm đi, dễ nắn thành một cục không còn phân biệt được hình thù gì nữa.

Ông cúi xuống sưởi một lúc, thấy ấm áp dễ chịu. Ông nói: - “Lửa ấm quá!” Rồi lấy một cây đèn cời than. Chỉ một phút nữa thôi là hai cây nến sẽ nằm giữa đống lửa. Lúc ấy ông nghe hình như trong mình có tiếng gọi:

- Giăng Vangiăng! Giăng Vangiăng!

Ông rợn cả người, hoảng hốt như đang nghe một cái gì ghê gớm. Tiếng gọi tiếp:

- Ừ, phải đấy, làm nốt đi! Đã làm thì làm cho trót! Hủy những cây đèn này đi! Thủ tiêu vật kỷ niệm này đi! Quên ông giám mục đi! Quên hết đi! Mặc xác thằng SăngMáchiơ cho nó chết! Hừ! Giỏi đấy. Mày tự khen mày đi! Thế là giải quyết rồi, nhất định rồi, xong rồi. Thế là người ấy, ông già ấy sẽ bị bắt, bị kết án thay cho mày và sẽ phải mang kiếp sống đầy ô nhục và khủng khiếp. Mà ông ta có hiểu đầu đuôi ra làm sao đâu, có lẽ ông ta cũng chẳng làm gì nên tội; ông ta chỉ bị oan. Chính cái tên mày đã làm nên tai vạ. Chính cái tên này đã đè trĩu lên người ta như một tội lỗi nặng nề. Được đấy. Còn mày thì mày cứ ở yên mà làm người lương thiện. Cứ vẫn làm ông thị trưởng đáng kính trọng, trông nom những trẻ mồ côi. Cứ sống sung sướng đạo đức để cho mọi người ca ngợi. Trong khi ấy, trong khi ở đây mày sống vui tươi và ánh sáng thì có kẻ phải mặc áo tù, phải đeo tên mày trong cảnh ô nhục, phải mang xiềng cho mày ở chốn ngục hình! Ừ! Thật khéo xếp đặt đấy. Đồ khốn nạn!

Mồ hôi chảy ướt cả trán. Ông giương mắt ngơ ngác nhìn đôi đèn. Những tiếng nói bên trong vẫn chưa dứt. Nó tiếp tục:

- Giăng Vangiăng! Sao đấy, chung quanh mày sẽ có bao nhiêu tiếng nói làm ầm lên, kêu to lên để ca tụng công đức của mày. Nhưng có một tiếng nói không ai nghe thấy cả, nó sẽ nguyền rủa mày trong bóng tối. Mày nghe đây, đồ khốn kiếp! Bao nhiêu lời ca tụng ấy chưa lên đến trời đã rơi rụng hết, chứ lời nguyền rủa kia sẽ lên được tới tai Chúa.

Tiếng nói ấy từ trong đáy lương tâm mà ra. Ban đầu còn nhỏ, nhưng dần dần rõ lên và ghê rợn như văng vẳng ngay bên tai. Hình như nó đã thoát khỏi người ông và bây giờ ông nghe nó từ bên ngoài nói lại. Câu sau cùng nghe rõ mồn một, khiến ông sợ hãi ngơ ngác nhìn quanh phòng và quát hỏi:

- Có ai ở đây không?

Rồi ông bật cười, cái cười ngây ngô của đứa ngốc:

- Mình rõ khỉ! Có ai vào đây được nữa.

Có người thật đấy, nhưng là người mà con mắt trần không thể nhìn thấy được.

Ông đặt đôi đèn lên lò sưởi.

Ông trở lại điệu bách bộ đều đều và buồn thảm khiến cho con người đang ngủ ở bên trong ông bị kinh động và choàng tỉnh dậy. Ông thấy vừa dễ chịu vừa có gì say say. Hình như vào những lúc bối rối nhất người ta lại muốn cử động nhiều may ra trong khi đi lại có thể tìm thấy một lời khuyên răn, mách bảo trong những gì mình gặp. Ông đi đi lại lại như thế một hồi và không biết mình đã suy nghĩ đến đâu.

Ông đã lần lượt có hai quyết định khác nhau, nhưng bây giờ thì ông đâm sợ cả hai. Bởi vì cái nào xem ra cũng chẳng hay ho gì đối với ông. - Trời ôi! Sao mà trớ trêu! Sao lại sinh ra cái chuyện lão SăngMáchiơ này! Chúa như đã cho theo một con đường để đi tới tốt lành, nay bỗng dưng cũng trên con đường ấy lại bị xô xuống vực!

Có lúc ông thử nhìn về tương lai. Tự thú, tự nộp mình, trời ơi! Một niềm chán nản mênh mông như chiếm lấy tâm hồn ông. Biết bao nhiêu điều ông phải từ bỏ, biết bao nhiêu điều ông phải nhận lại! Ông phải từ giã cuộc sống tốt lành, trong sạch, tươi sáng biết bao! Từ giã luôn cả tự do, vinh dự, cả lòng tôn kính của mọi người! Ông sẽ không còn được đi dạo ngoài đồng, sẽ không còn được nghe chim hót đầu xuân, sẽ không còn có dịp được cho tiền trẻ, ông sẽ không còn có dịp được trông thấy những cặp mắt dịu dàng nhìn ông với lòng biết ơn và thương mến. Ông sẽ rời khỏi ngôi nhà do ông dựng lên, rời khỏi căn phòng này, căn phòng nhỏ hẹp này! Sao lúc này cái gì cũng đáng yêu! Ông cũng sẽ không còn được đọc những cuốn sách này, ông cũng sẽ không còn được ngồi viết ở cái bàn con bằng gỗ xấu này! Bà gác cổng, người giúp việc duy nhất của ông, mỗi sáng sẽ không còn mang cà phê cho ông nữa. Thay vào tất cả những cái này, trời đất ơi! Là nhà giam, là gông xiềng, là áo tù, là xà lim, là phản gỗ, tất cả những thứ ghê người mà ông đã từng được nếm mùi vị! Lại vào lúc tuổi đã cao và lúc ông đã có địa vị như hiện nay! Giá như còn trẻ thì lại là một nhẽ! Đằng này, có tuổi, mà bất kỳ ai cũng gọi thằng nọ thằng kia, lúc nào cũng bị cai tù lục soát được, đánh đập được, rồi phải xỏ chân vào giày đanh, sáng sáng chiều chiều phải chìa chân cho thợ sắt nện chiếc búa tạ vào xiềng để kiểm tra, phải cúi đầu chịu đựng những cặp mắt tò mò của những người xa lạ, lắng nghe bọn lính ngục chỉ mình mà nói: “Tên đó chính cái tên Giăng Vangiăng ghê gớm đã từng làm thị trưởng ở Môngtơrơi!”. Rồi chiều đến, cả người rã rời, mồ hôi nhễ nhại, chiếc mũ xanh trễ xuống tận mắt, từng cặp một cùng bạn tù lại leo lên chiếc thang dây của cái nhà lao bồng bềnh trên mặt nước, dưới làn roi của tên cai ngục! Trời ơi là khổ! Có thể nào số mệnh lại độc ác như một sinh vật có trí tuệ và tai quái như lòng dạ con người!

Ông vùng vẫy hết cách nhưng không sao thoát khỏi cái song quan luận ở sâu dưới sự nghĩ ngợi hoặc ở lại thiên đường nhưng trở thành quỷ dữ! Hoặc bước xuống địa ngục nhưng lại trở nên thiên thần!

Biết làm thế nào, hở trời! Biết làm thế nào?

Cơn giày vò đau khổ, vất vả bao nhiêu ông mới thoát khỏi, lại một lần nữa ùn ùn kéo đến. Mọi ý nghĩ lại rối tinh lên. Trong lòng như thất vọng nên trí óc như thảng thốt, không còn suy nghĩ gì được nữa. Cái tên Rômanhvinh cùng hai câu thơ trong một bài hát nghe tự ngày nào lại văng vẳng bên tai. Trong trí ông Rômanhvinh là một khu rừng nhỏ gần Pari, trai gái yêu nhau đến đó hái hoa vào buổi đầu xuân.

Ông lảo đảo ở thân thể cũng như cả trong đầu óc. Ông bước chệch choạng như đứa trẻ được thả cho đi một mình.

Có lúc ông cố sức cưỡng mệt mỏi, để lấy lại cái sáng suốt của mình. Một lần sau cùng, ông cố đặt lại và giải quyết dứt khoát vấn đề đã làm ông mệt mỏi đến gần như kiệt sức. Có nên đi tự thú không? Có nên yên lặng ngậm miệng không?

Ông cũng không phân biệt được cái gì rõ ràng cả. Những lý lẽ thoáng qua trong óc từ nãy đến giờ đều thành mờ ảo, lung linh và lần lượt tan dần đi như mây khói. Song ông cảm thấy dù mình có quyết định bề nào đi nữa thì trong người mình cũng có cái gì đó sẽ chết đi, nhất định là thế, không cách nào tránh được. Mình đang sa vào huyệt, cái bên trái hay bên phải gì cũng thế. Mình đang hấp hối đây, không biết là hạnh phúc của mình hay đạo đức của mình hấp hối. Trời! Thế là tất cả bao nhiêu băn khoăn lưỡng lự đều ùa lại chiếm lấy tâm hồn ông. Từ chập tối đến giờ chẳng thấy ông tiến được chút nào.

Ấy, con người khốn khổ ấy đã để tâm hồn mình vật vã trong kinh hoàng như vậy đó. Mười tám thế kỷ trước con người bất hạnh này, đấng thần bí hiện thân của tất cả những thanh cao và đau khổ của nhân loại cũng đã trải qua một cơn dằn vặt. Trong khi các rặng ô liu run rẩy trước gió của vô biên phũ phàng, người cũng đã có lúc ngập ngừng khá lâu, đưa tay gạt cái cốc đáng sợ tràn đầy bóng tối và đêm đen trong những cõi thẳm sâu đầy tinh tú.