Những người khốn khổ - PHẦN II - Quyển I - Chương 03 - 04 - 05 - 06

III

NGÀY 18 THÁNG SÁU 1815

Xin trở lui về trước - người kể chuyện thường được phép làm như vậy - và đặt mình vào năm 1815, hơn thế nữa, vào trước lúc câu chuyện trong phần một sách này bắt đầu một ít.

Ví thử cái đêm 17 rạng ngày 18 tháng 6 năm 1815 mà trời không mưa thì tương lai châu Âu chắc không phải thế này. Quả là một vài giọt mưa thêm, bớt đã làm cho Napôlêông nghiêng ngả. Té ra đấng cao anh chỉ cần thêm một ít mưa là trang sử vẻ vang bắt đầu từ Auxtéclít đành chấm dứt ở Oatéclô và một đám mây trái mùa bay ngang bầu trời lại đủ làm sụp đổ cả một thế giới.

Trận Oatéclô đến tận mười một giờ rưỡi trưa mới bắt đầu được. Nhờ thế nên Bơ-luyse mới có thì giờ đến kịp. Tại sao lại chậm thế? Là vì trời mưa, đất ướt, phải đợi cho đất se lại một tí thì pháo binh mới vận động được.

Napôlêông trước kia là sĩ quan pháo binh, ông cũng luôn luôn thấy mình là như vậy. Cái căn bản của nhà quân sự vĩ đại ấy, là con người, từ thời Đốc chính khi báo về trận Abukia, đã nói chính xác rằng: quả đạn pháo này đã diệt sáu tên địch. Ở con người này tất cả kế hoạch đánh trận đều phục vụ cho con đường đi của đạn pháo. Nã tập trung pháo vào một điểm nhất định, đó bí quyết của chiến thắng. Ông coi chiến lược của tướng địch như một thành lũy và ông đánh thủng nó bằng pháo binh. Lâm trận, ông cho tập trung pháo vào chỗ bên địch núng thế; ông thắt trận đánh lại hay giải quyết trận đánh đều bằng đại bác. Trong thiên tài của ông có phần xạ kích. Chọc thủng các đội hình vuông, nghiền nát từng trung đoàn, chọc thủng các trận tuyến, đè bẹp, đánh tan những khối tập trung, tất cả chiến thuật của ông là dập, dập mạnh, dập không ngừng và ông dùng đạn đại bác để dập địch. Thật là một chiến thuật đáng sợ. Chiến thuật ấy, đi kèm theo thiên tài quân sự, đã khiến cho người đô vật dữ dội ấy giữ cờ vô địch suốt mười lăm năm.

Ngày 18 tháng 6 năm 1815, ông lại càng tin cậy ở pháo binh vì so với địch ông nắm trong tay nhiều pháo hơn. Tướng Oenlinhtơn bấy giờ chỉ có một trăm năm mươi chín khẩu pháo, còn Napôlêông có đến hai trăm bốn mươi.

Giả dụ bữa ấy đất khô, đại bác có thể lăn bánh được và cuộc tấn công bắt đầu từ sáu giờ sáng thì trận đánh đã thắng lợi và kết thúc vào hai giờ chiều, nghĩa là ba giờ trước khi quân Phổ vào cuộc.

Trong cuộc thất trận này, liệu Napôlêông đã phạm bao nhiêu lỗi lầm? Thuyền chìm phải chăng do lỗi của người cầm lái?

Năm ấy sức khỏe của Napôlêông rõ ràng có sa sút, nhưng không biết tình trạng ấy có kéo theo một sự kém sút nào về mặt tinh thần không? Hai mươi năm chinh chiến có làm cho con người ấy hao mòn cả lưỡi cả vỏ, từ tâm hồn đến cơ thể hay không? Hay là tuổi già đã ảnh hưởng tai hại đến vị tướng chỉ huy? Tóm lại, như nhiều nhà sử học có tiếng đã khẳng định, thiên tài kia đã mờ đi chăng? Đã cuồng nhiệt đến mức tự lừa dối về sự sa sút của mình? Đã bắt đầu nghiêng ngả, mất hướng vì liều lĩnh, phiêu lưu? Đã phạm khuyết điểm nghiêm trọng của người cầm quân, là mất hết ý thức về tài hoa? Hoặc giả trong hàng ngũ những người vĩ đại mà người ta có thể gọi là những bậc khổng lồ trong hành động, có phải đến một tuổi nào đó thì thiên tài cũng trở nên cận thị chăng? Tuổi già chẳng làm gì nổi những bậc thiên tài của lý tưởng: đối với những Đăngtơ, những Mikenlăng già có nghĩa là lớn lên, còn đối với những Aniban, những Bônapác thì có nghĩa là bé lại chăng? Phải chăng Napôlêông đã mất đi trực giác về chiến thắng? Phải chăng ông đã đến lúc không còn nhận ra đâu là trở ngại, không còn đoán ra đâu là cạm bẫy, không còn phân biệt rõ đâu là bờ cheo leo trên vực thẳm nữa? Phải chăng ông không còn linh cảm về tai họa? Xưa kia ông là người đã từng thuộc mọi nẻo đường dẫn đến vinh quang, đã từng đứng trên cỗ xe sấm chớp của mình, đưa ngón tay uy vũ mà chỉ những lối ấy cho mọi người, phải chăng con người ấy, bây giờ bỗng dưng nổi cơn hoảng loạn gớm ghê, dẫn những binh đoàn rầm rộ của mình lao đầu xuống vực thẳm? Con người ấy, bốn mươi sáu tuổi, đã mắc phải một cơn điên tuyệt độ chăng? Người đánh xe khổng lồ ấy của số mệnh phải chăng đã cố tình đâm vào nơi tự sát?

Chúng tôi không nghĩ như vậy.

Kế hoạch trận đánh của ông, theo ý kiến mọi người, là một kiệt tác. Đánh thẳng vào giữa trận tuyến quân đồng minh, chọc thủng một quãng ở đó cắt nó ra làm đôi, đẩy một nửa là cánh quân Anh về Han, một nửa là cánh quân Phổ đếm Tôngcơrơi, chặt đại quân đồng minh ra thành hai đoạn, đoạn Oenlintơn và đoạn Bơ-luyse, giành Mông Xanh Giăng, chiếm Bơrúcxen, xô quân Phổ về sông Ranh và hất quân Anh xuống bể. Tất cả kế hoạch ấy, đối với Napôlêông đều ở trong trận này. Còn sau đó sẽ hay. Không cần phải nói là chúng tôi không định viết lịch sử chiến dịch Oatéclô ở đây. Một trong những cảnh đẻ ra câu chuyện chúng tôi kể đây dính đến chiến dịch này. Nhưng lịch sử toàn chiến dịch thì không phải việc chúng tôi. Lịch sử ấy thật ra đã viết rồi và viết một cách tay thầy, hoặc theo quan điểm Napôlêông hoặc theo một quan điểm khác, do một lô những nhà sử học.[71] Về phần chúng tôi, chúng tôi xin để cho các nhà sử học tranh cãi với nhau; còn chúng tôi chỉ là một kẻ chứng kiến từ xa, một khách bộ hành đi qua cánh đồng, một người tìm tòi dừng lại trên mảnh đất trộn lẫn thịt người này. Có thể chúng tôi thấy bề ngoài mà nhận lầm là sự thật bên trong. Nhưng chúng tôi không có quyền, nhân danh khoa học, cưỡng lại một loạt sự kiện trong đó có thể có ảo ảnh. Chúng tôi không có thực tiễn quân sự, cũng không có thẩm quyền về chiến lược để có thể cho phép mình dựng lên một học thuyết. Theo ý chúng tôi, ở Oatéclô, một chuỗi những ngẫu nhiên xoắn xít nhau đã tác động mạnh hơn những tính toán của hai người cầm quân hai bên. Và khi đã nói đến số mệnh, cái tên bị cáo huyền bí ấy, thì chúng tôi chỉ xin phán xét như dân chúng, người thẩm phán ngây thơ đơn giản.

[71] Oantơ Xcốt, Lammáctin, Vôlaben, Sarát, Kinê, Chie - chú thích ở nguyên bản.

IV

A

Muốn hình dung được rõ ràng trận Oatéclô chỉ cần dùng trí tưởng tượng vẽ ra trên mặt đất một chữ A hoa. Vế trái là con đường đi Niven, vế phải là con đường đi Giơnáp, vạch ngang là lối trũng từ Ohanh đến Bơren Lalơ. Còn đỉnh Mông Xanh Giăng, Oenlinhtơn đóng ở đó; chân vế trái là Hugômông, chỗ Rây và Giêrôn Bônapác đóng; chân vế phải là Ben Laliăng, Napôlêông đóng. Phía trên chỗ vạch ngang gặp vế phải một chút là He Xanh. Giữa vạch ngang đúng là điểm quyết định cuối cùng trận đánh. Ở đấy bây giờ có đặt một con sư tử, chắc là vô tình nhưng đã tượng trưng cho linh hồn anh dũng vô song của đoàn quân cận vệ.

Hình tam giác nằm giữa hai vế và vạch ngang là dãy đồi Mông Xanh Giăng. Giành giật dãy đồi này là diễn biến của cả trận đánh. Hai đạo quân dàn ra hai bên đường Giơnáp và Niven: quân của Đéclông đối diện với quân của Pictơn, quân của Rây đối diện với quân của Hin.

Đằng sau đỉnh của chữ A, sau dãy đồi Mông Xanh Giăng là cánh rừng Xoanhơ. Còn bản thân cánh đồng thì cứ xin hình dung đó là một vùng đất rộng lượn sóng nhấp nhô, đợt sau cao hơn đợt trước và lên dần cho đến Mông Xanh Giăng, rồi hòa vào khu rừng sau đó.

Hai đội quân đối địch khi đã dàn trên một chiến trường thì giống như hai võ sĩ vật nhau. Bên này tìm cách làm ngã bên kia. Vì thế, gặp cái gì họ cũng bám; bụi cây, góc tường đều là chỗ tựa; một cái nhà tồi tàn có thể giúp cho một trung đoàn dựa vào và trụ lại; một vệt đất thấp, một lằn đất cao, một con đường tắt ngang đúng lúc, một khu rừng, một dòng khe, đều có thể kìm chân người võ sĩ khổng lồ mà người ta gọi là một đạo quân và không cho nó lùi nữa. Trong trận đánh, ai ra khỏi chiến trường kẻ ấy thua. Cho nên, trách nhiệm của người chỉ huy là nhất thiết phải xem xét từng khóm cây bụi cỏ và đi sâu nắm vững mọi chi tiết địa hình.

Hai nhà cầm quân đã chăm chú nghiên cứu cánh đồng Mông Xanh Giăng, nay gọi là cánh đồng Oatéclô. Từ năm trước, Oenlinhtơn, với cái khiếu viễn cảm của mình, đã tìm hiểu địa hình cả vùng, dự phòng một trận đánh to có thể xảy ra ở đấy. Tóm lại, về đất này và về chuẩn bị cho trận sống mái này, ngày 18 tháng 6, Oenlinhtơn đứng ở thế thuận lợi, còn Napôlêông ở thế bất lợi. Quân Anh đóng phía cao, quân Pháp ở phía thấp.

Ở đây mà phác qua dáng dấp Napôlêông, tay cầm ống nhòm, ngồi trên mình ngựa ở ngọn đồi Rốtxôm, sáng sớm ngày 18 tháng 6 năm 1815 ấy, kể ra cũng thừa. Bởi vì chưa cần phải chỉ ra, mọi người đã thấy rồi. Nét mặt bình tĩnh ấy dưới chiếc mũ con con của trường võ bị Bơriên, bộ quân phục màu lá cây có ve trắng che khuất tấm huân chương, chiếc áo khoác màu xám phủ mất tua vai, góc chiếc băng đỏ dưới áo gi-lê, cái quần bằng da, con ngựa trắng với tấm phủ lưng bằng nhung đỏ thẫm, thêu hình chim ưng và những chữ N cài mũ miện ở các góc, đôi ủng kỵ mã, bít tất lụa, đôi cựa bạc, thanh gươm ở Marănggô. Đó, toàn bộ hình dung của vị Xêda cuối cùng đứng sừng sững trong trí óc mọi người, mà có kẻ thì hoan hô, có kẻ thì lên án một cách nghiêm khắc.

Một thời gian khá lâu, con người ấy hiện lên hoàn toàn rực rỡ. Có lẽ vì chung quanh phần đông những bậc anh hùng thường có những thần thoại che khuất chân lý trong một thời gian. Nhưng ngày nay thì lịch sử cũng như chân lý đã tỏ tường cả rồi.

Lịch sử là thứ ánh sáng nghiêm khắc. Nó là ánh sáng và chính vì nó là ánh sáng, nên mới có cái lạ lùng và thiêng liêng, là nó đặt bóng tối vào chỗ mọi người chỉ nhìn thấy tia sáng; nó chia cũng một con người ấy ra làm hai kẻ khác nhau, để cho kẻ này công kích và đánh giá kẻ kia và để cho mọi thứ tối tăm của tay độc tài chồng nhau với mọi thứ rực rỡ của vị tướng lĩnh. Chính từ đó mới có được cái mức đo đúng hơn trong sự đánh giá cuối cùng của các dân tộc. Việc giày xéo Babilôn làm phẩm giá Alecđăng; việc chuyên chế đối với La Mã làm giảm giá Xêda và Giêruxalem bị chà đạp làm giảm giá Tituyl. Sự hung bạo đi theo bạo chúa. Khốn thay cho kẻ để lại sau mình bóng đêm mang hình dung của chính bản thân mình.

V

TRẬN ĐÁNH CÓ ĐIỂM MỜ MỊT

(Nguyên văn Latinh: Quid obseurum)

Mọi người đều biết giai đoạn đầu của trận đánh. Thật là bối rối, mơ hồ, ngập ngừng, nguy hiểm cho cả hai đạo quân, phía quân Anh còn nặng nề hơn phía quân Pháp.

Cả đêm hôm trước trời mưa rất to. Đất bị ướt sũng. Đây đó trên cánh đồng, nước mưa đọng lại các chỗ trũng như trong những chậu thau. Có nơi xe cộ của hậu cần nước ngập đến tận trục; từ những dây da quàng dưới bụng ngựa ở các cỗ xe, bùn lỏng chảy rỏ giọt. Giá không có lúa mì, lúa mạch bị xe cộ rộn rịp giày xuống lấp kín vết xe làm cái lót cho bánh lăn đi, thì bất kỳ xe pháo nào cũng không cử động được, đặc biệt ở các thung lũng mạn Papơlốt.

Trận đánh bắt đầu muộn. Như trên kia đã nói. Napôlêông có thói quen muốn nắm chắc pháo binh trong tay như nắm cây súng ngắn, để cần thì lúc chĩa vào điểm này, lúc chĩa vào điểm khác trên chiến trường, nên ông có ý đợi cho mặt trời lên và đất khô đi để các khẩu pháo có ngựa kéo có thể lăn bánh chạy ngang dọc tha hồ. Nhưng mặt trời không hiện ra. Thật chẳng còn như cảnh Auxtéclít.[72] Khi phát đại bác đầu tiên gầm lên, viên tướng Anh là Côvin nhìn đồng hồ đúng mười một giờ ba mươi lăm phút.

[72] Trong trận chiến thắng Auxtéclít 1805, mặt trời lên rực rỡ.

Cuộc tấn công của cánh trái quân Pháp vào Hugômông bắt đầu dữ dội, có lẽ quá dữ dội so với ý định của Napôlêông. Cùng lúc ấy, Napôlêông cho lữ đoàn Kiô xông lên He Xanh, đánh vỗ vào mặt giữa, còn Nê thì cho cánh phải tiến đánh cánh trái quân Anh đang lấy Papơlốt làm chỗ tựa.

Cuộc tấn công vào Hugômông có hàm ý nghi binh để nhử Oenlinhtơn nghiêng về phía cánh trái đó. Kế hoạch là như vậy. Ý đồ ấy có lẽ thực hiện được, nếu bốn đại đội vệ binh Anh và sư đoàn quân Bỉ dũng cảm của tướng Pécpôngse không giữ vững nổi vị trí này. Nhưng họ đã cố thủ được và vì thế Oenlinhtơn, đáng lẽ phải dồn quân về đó, chỉ cần tiếp viện có bốn đại đội vệ binh khác và một tiểu đoàn của Bơrăngguych.

Cuộc tấn công của cánh phải vào Papơlốt có tính triệt để hơn. Phải làm rối loạn cánh trái quân Anh, cắt đứt đường đi Bơruxen, chặn đường quân Phổ có thể kéo sang, đánh chiếm Mông Xanh Giăng, dồn Oenlinhtơn về Hugômông, từ đó về Bơren Lalơ và từ Lalơ đẩy luôn về Han. Kế hoạch như thế rõ như ban ngày. Trừ một vài sự biến nhỏ, cuộc tấn công này đã đạt được mục tiêu: chiếm được Papơlốt và hạ được He Xanh.

Ở đây có chi tiết cần ghi lại. Trong hàng ngũ bộ binh Anh, đặc biệt trong lữ đoàn Căm, có khá nhiều tân binh. Đứng trước các chiến sĩ bộ binh đáng gờm của chúng ta, những tên lính trẻ ấy tỏ ra khá dũng cảm và lòng dũng cảm ấy đã khiến cho sự thiếu kinh nghiệm của họ trở nên được việc. Họ biến thành những xạ thủ tài tình. Binh lính mà chiến đấu theo kiểu xạ thủ thì gần như độc lập hành động, chỉ vì mình chỉ huy lấy mình; những tên lính trẻ ấy vì thế, tỏ ra có ít nhiều cái tính sáng tạo và sự hăng máu của quân Pháp. Loại bộ binh chưa có kinh nghiệm này rất là ưa bắn. Điều đó Oenlinhtơn không thích.

Sau khi He Xanh bị hạ, thì trận đánh chao đảo, thắng lợi không ở về bên nào rõ rệt.

Trong ngày hôm ấy, từ trưa đến bốn giờ chiều, có chỗ không rõ. Trận đánh có một quãng ở giữa gần như mờ mờ, hình như là cảnh hỗn chiến mù mịt. Trời đất như tối sầm lại lúc này. Trong đám sương mù ấy, nhiều đợt sóng dài chao qua đảo lại, một vùng màu sắc loạn xạ, vun vút, nhìn phát choáng váng. Đó là tất cả mớ quần áo, mũ mãng, giày dép, trong quân trang thời bấy giờ mà ngày nay không còn biết đến nữa: những mũ ống có chòm tua như ngọn lửa, những túi da lòng thòng, những dây da mang chéo, những bọc lựu đạn, những áo thêu của kỵ binh, những đôi ủng đỏ đầy nếp, những chiếc mũ kỵ binh viền tua xoắn ốc; rồi bộ binh của Bơrăngguych quân phục xám đen chen lẫn với bộ binh Anh quân phục đỏ tươi, cầu vai trắng thêu nổi trên áo lính Anh, cái mũ da tròn và dài quấn dây đồng, có bờm bằng lông màu đỏ của khinh kỵ Đức, rồi lính Êcốt để gối trần và mặc áo khoác ca-rô, lính cận vệ ta mang ghệt trắng. Tất cả những cái đó hình như những bức tranh, những sắc màu, hình khối cần cho một họa sĩ, hơn là những trận tuyến chiến lược, những vị trí, những người cần cho một tướng pháo binh.

Trong một trận đánh thường xen vào một lượng bão táp nhất định. Cái gì mù mờ, thì chỉ có đoán mới biết. Cho nên người chép sử tùy mình mà ghi thành một nét phang phác nào đó về những chỗ lộn xộn ấy. Bởi vì, dù các tướng cầm quân có tính toán như thế nào đi nữa, khi hai đạo quân chạm nhau nhất định sinh ra vô số những điều bất ngờ. Trong quá trình hai bên đánh nhau, hai kế hoạch tác chiến cài vào nhau, làm biến dạng lẫn nhau. Chỗ nào trên chiến trường tiêu hao nhiều chiến sĩ hơn chỗ khác, cũng như đổ nước lên đất thì có nơi đất hút nhanh, có nơi đất hút chậm, cho nên phải đổ bù quân vào đó quá mức mong muốn. Đó là những khoản chi không dự kiến! Chiến tuyến bềnh bồng quanh co - như một sợi chỉ, máu chảy thành dòng một cách không hợp lý, phòng tuyến các đạo quân nhấp nhô, các trung đoàn nơi thì lồi ra nơi thì lõm vào thành những mũi, những vịnh, tất cả những dãy đá ngầm trên mặt bể kia cử động liên tục trước mặt nhau. Chỗ nào là bộ binh trước kia thì pháo binh lúc này kéo đến; chỗ nào là pháo binh thì kỵ binh ùa lại; các tiểu đoàn tưởng như những đám khói. Hình như trong đó đang xảy ra chuyện gì, người đang tìm, thì cái đó lại biến mất rồi. Mới thấy hé sáng chỗ này thì lại đã sáng sang chỗ khác. Bóng tối tiến lên, lùi xuống. Hình như có một ngọn gió của cõi âm đang nổi lên, xô đẩy, thổi căng, thổi giạt đi tất cả những đám đông bi hùng này. Hỗn chiến là gì? Là một sự chao đảo. Một kế hoạch dù chính xác như toán học đi nữa, đem ra thực hiện, có giã nguyên không sai chạy tí nào là trong một hai phút chứ không thể trong một ngày được. Cho nên chỉ có những nhà danh họa biết tung hoành ngọn bút mới mô tả được một trận đánh. Và như thế Răngbơrăng hợp hơn Vănđe Mơlăng. Vănđe Mơlăng, họa cảnh chiến trường rất đúng vào giờ ngọ, nhưng người mục kích cùng chiến trường ấy vào giờ thân thì cho là vẽ láo. Ở lĩnh vực này cái gì chân phương hình học lại khiến người ta lầm lạc; trái lại phải linh hoạt, dữ dội như bão tố thì mới nắm được sự thật. Có lẽ vì vậy mà nhà chiến thuật ngày nay mới nói ngược lại nhà sử học ngày xưa được. Cũng xin nói thêm rằng có lúc nào đó, trận đánh chỉ còn là những cuộc xung đột nho nhỏ, riêng biệt ở từng nơi và phân tán ra vô vàn những sự biến vụn vặt, những cái này, theo cách nói của chính bản thân Napôlêông “thuộc tiểu sử của các trung đoàn nhiều hơn là lịch sử của đạo quân”. Trong trường hợp này, người viết sử rõ ràng là có quyền tóm tắt. Bởi vì chỉ có thể nắm được những nét bao quát và chính yếu của trận đánh, chứ dù có cần cù đến đâu cũng không tài nào ghi dứt khoát và cố định hình dáng của một trận đánh, nó như một đám mây rùng rợn luôn luôn biến đổi.

Đối với tất cả các cuộc giao tranh giữa hai đạo quân xưa nay, điều đó đã đúng, thì đặc biệt đối với trận Oatéclô nói điều đó càng đúng hơn.

Tuy vậy, buổi chiều, đến lúc nào đó, trận đánh vỡ ra.

VI

BỐN GIỜ CHIỀU

Đến khoảng bốn giờ chiều, tình hình đạo quân Anh nghiêm trọng. Hoàng thân Orăng chỉ huy mặt giữa. Hin cánh phải, Pietơn cánh trái. Hoàng thân rối trí nhưng dũng cảm, thét lên động viên liên quân Hà - Bỉ: “Nátxô! Bơrăngguych! Nhất định không lùi!” Cánh quân của Hin đã núng thế, Hin phải đến tựa vào Oenlinhtơn. Còn Pietơn thì đúng vào lúc quân Anh cướp được của quân Pháp lá cờ của quân đoàn số 105, quân Pháp đã bắn chết ông ta bằng một viên đạn xuyên qua đầu. Oenlinhtơn có hai điểm tựa: Hugômông và He Xanh - Hugômông thì còn giữ được nhưng bốc cháy, còn He Xanh thì đã mất. Ở đấy, cả một tiểu đoàn Đức chống giữ, chỉ có bốn mươi hai người sống sót, tất cả sĩ quan đều bị giết hoặc bị bắt, chỉ còn năm người. Ba nghìn binh sĩ đã chém giết nhau trong cái kho thóc ấy. Một đội trưởng cận vệ Anh, chính là tay vô địch quyền Anh, nổi tiếng trong quân ngũ là bất khả xâm phạm, đã bị một chú thiếu niên lính kèn Pháp giết chết ở đấy. Bêrin bị tống ra, Onten bị chém chết cũng ở đấy. Rất nhiều lá cờ của tiểu đoàn Luynơbua mà người cầm là một hoàng thân xứ Đơpông. Quân Êcốt xám không còn một ai, đoàn kỵ binh hộ pháp của Pônxônbi bị vằm nát. Họ khá dũng cảm nhưng đã bị kỵ binh giáo dài của Bơrô và kỵ binh thiết giáp của Tơrave đè bẹp. Trong số một nghìn hai họ chỉ còn sáu trăm; trong số ba trung tá, hai đã tử trận: Hamintơn bị thương, Matơ bị giết. Còn Pônxônbi cũng bị ngã, bị đâm đến bảy nhát giáo. Goócđơn chết, Mácsơ cũng chết. Hai sư đoàn năm và sáu bị tiêu diệt. Sau khi Hugômông bị lấn và He Xanh bị mất thì chỉ còn một mắt cứng nữa là mặt giữa. Mắt cứng ấy giữ vững Oenlinhtơn tăng quân củng cố, gọi Hun từ Mécbơren, gọi Sátxê từ Bơren Lalơ về.

Mặt giữa quân Anh; đóng thành vành hơi lõm, hàng ngũ đông đặc, ở vào một địa thế vững chãi. Nó chiếm cả cao nguyên Mông Xanh Giăng, đằng sau là làng xóm, trước mặt là sườn dốc hồi bấy giờ còn khá ngược. Nó tựa lưng vào một ngôi nhà vững chắc - bấy giờ là tài sản của quận Niven, nằm giữa ngã ba đường. Ngôi nhà này xây từ thế kỷ mười sáu, toàn bằng đá, làm nên một khối rất vững, đạn pháo bắn vào chỉ xước qua chứ không suy suyển nổi. Chung quanh cao nguyên, quân Anh đã cắt xén các hàng giậu, phát những lỗ trống trong các chòm hoa dại, giấu một họng đại bác giữa hai cành cây, biến các bụi gai thành công sự đặt súng. Pháo binh của họ đều phục như vậy trong bụi bờ cả. Công việc lừa gạt ấy được phép đem dùng vì trong chiến tranh có thể dùng cạm bẫy. Có điều họ làm khéo quá đến nỗi, Napôlêông hồi chín giờ sáng, đã cho Haxô đi trinh sát pháo địch, chẳng trông thấy gì cả và trở về báo cáo là không có gì trở ngại cả, trừ hai chiến lũy chắn ngang các con đường đi Niven và Giơnáp. Bấy giờ lúa cũng đã tốt; men theo bờ cao nguyên, quân Anh cũng đã cho tiểu đoàn 95 của lữ đoàn Căm, trang bị bằng súng nhẹ và nhanh, nằm phục sẵn trong lúa.

Sau khi đã chống đã chèn một cách bảo đảm như vậy, mặt giữa của đạo quân Anh - Hà coi như ở vào thế khá vững chãi.

Chỗ hở của trận địa này là khu rừng Xoanhơ, liền sát với chiến trường nhưng có các đầm nước Gơrônăngđaen và Boapho cắt ngang. Nếu phải lùi vào đó thì dù một quân đoàn cũng khó mà không tiêu tan, vì các trung đoàn lập tức vỡ nát ngay, còn pháo thì chết chìm trong các đầm nước. Rút lui vào đó, theo ý kiến của nhiều người trong nghề - đành rằng có kẻ khác bác bỏ - chỉ là một cuộc tháo thân, mạnh ai nấy chạy mà thôi.

Oenlinhtơn rút từ cánh phải một lữ đoàn của Sátxô từ cánh trái một lữ khác của Uyncơ và sư đoàn Cơlintơn về tăng cường cho mặt giữa, phụ lục hai bên là bộ binh của Bơrăngguych, của Nátxô, quân Hanôvơrơ và quân Đức. Như vậy là Oenlinhtơn nắm trong tay hai mươi sáu tiểu đoàn. Và, như Sarát nói, cánh phải của đạo quân đã bẻ cụp lại đằng sau mặt giữa. Ở chỗ ngày nay gọi là “Bảo tàng Oatéclô” là một khẩu đội pháo khổng lồ che khuất sau một đống bao đất. Ngoài ra, Oenlinhtơn còn có sau một nếp đất cao, đội kỵ binh cận vệ của Xômơcxet gồm một nghìn bốn trăm ngựa, phân nửa của đoàn kỵ binh Anh nổi tiếng. Phần của Pônxônbi đã bị tiêu diệt, nhưng đoàn của Xômơcxet hãy còn đó.

Khẩu đội pháo nếu bố trí xong xuôi sẽ có thể hầu như là một công sự. Nó được đặt sau một bức tường thấp trong vườn, phủ vội lên một lớp bao cát và đắp nhanh một vành đất rộng và cao án ngữ. Công sự này chưa hoàn thành, vì không còn đủ thì giờ để rào ngăn chung quanh nữa.

Oenlinhtơn trong lòng băn khoăn nhưng không để lộ ra nét mặt. Suốt ngày ông ngồi trên mình ngựa, luôn luôn trong một tư thế không thay đổi, trước cái cối xay cổ của Mông Xanh Giăng, dưới bóng một cây du. Cối xay này hiện nay hãy còn, duy cây du thì một người Anh, vào loại những kẻ phá hoại mà tưởng mình nhiệt tình với lịch sử đã bỏ ra hai trăm phơrăng để mua, rồi cưa và đem đi. Oenlinhtơn đứng đó, anh dũng một cách lạnh lùng. Chung quanh, đạn pháo tới tấp như mưa. Goócđơn, viên sĩ quan phụ tá nữa ngã xuống bên cạnh. Hin trỏ một quả tạc đạn đang nổ, hỏi: “Thưa tướng quân, nếu ngài có mệnh hệ nào thì ngài định chỉ thị như thế nào và ra lệnh ra làm sao cho chúng tôi?” Ông ta đáp: “Cứ làm như tôi”. Ông cũng nói vắn tắt với Cơlintơn: “Giữ chỗ này đến người cuối cùng!” Thế trận xấu đi trông thấy. Ông ta nhìn vào các chiến hữu của mình ở Talavêra, ở Vittôria, ở Xalamăng trước kia và lớn tiếng kêu gọi: “Này các cậu! Làm thế nào mà nghĩ đến chuyện rút lui cho được? Phải nghĩ đến tổ quốc Anh lâu đời của chúng ta chứ!”

Khoảng bốn giờ chiều, bên trận tuyến quân Anh thấy có chuyển dịch về phía sau. Đột nhiên trên ngọn cao nguyên Mông Xanh Giăng chỉ thấy có pháo binh và các tốp lính bắn lẻ, còn tất cả đều mất hút. Thật ra bị pháo binh quân Pháp đập đuổi, họ phải lùi xuống một nếp đất sâu, chỗ có con đường ra vào của nhà trại ở Mông Xanh Giăng cắt ngang, đến nay hãy còn trông thấy. Một sự vận động chuyển về sau xuất hiện, trận tuyến quân Anh đã lẩn tránh mặt trước. Oenlinhtơn đã lùi. Napôlêông reo lên: “Bắt đầu rút lui rồi!”