Những người khốn khổ - PHẦN II - Quyển I - Chương 11 - 12 - 13 - 14 - 15

XI

HƯỚNG ĐẠO CỦA NAPÔLÊÔNG TỒI, HƯỚNG ĐẠO CỦA BUYLÔ TỐT

Mọi người đều biết Napôlêông đã lầm lẫn đau xót như thế nào. Chờ Gơrusi thì Bơ-luyse lại đến, mong cái sống thì cái chết lại tới. Cuộc đời có những cái oái oăm như vậy. Định làm bá chủ thiên hạ, không ngờ lại nhìn thấy Xanh Hêlen.

Giá như thằng bé chăn cừu làm hướng đạo cho Buylô, tướng của Bơ-luyse, khuyên ông ta đổ ra cánh đồng bên kia theo con đường rừng phía trên Phơrítsơmông chứ không phải ở dưới Pơlăngxơnoa, thì hình thế của thế kỷ XIX có lẽ đã khác nay. Napôlêông có lẽ đã thắng ở Oatéclô. Bởi vì bất kỳ một con đường nào khác ở trên Pơlăngxơnoa đều dẫn đến một dòng khe sâu, pháo binh không tài nào qua nổi và như thế Buylô không đến kịp.

Như tướng Muýphơlin trong quân Phổ tuyên bố, nếu Bơ-luyse mà đến chậm một giờ thì Oenlinhtơn đã không còn trụ nổi nữa, trận đánh thua mất rồi. Như vậy là Buylô đến rất đúng lúc. Sự thực, ông ta đã gặp nhiều trở ngại không thì đã đến sớm hơn thế. Đêm trước ông đóng dã ngoại ở Điông lơ Mông và sáng sớm đã ra đi. Nhưng đường xấu quá, các sư đoàn đều mắc phải lầy, không tiến được. Các cỗ pháo ngập bùn đến nửa bánh xe. Lại phải vượt sông Đilơ bằng mỗi cái cầu hẹp ở Vavơrơ. Đường lên cầu lại bị quân Pháp đốt, nhà cửa hai bên đường còn đang cháy. Vì thế các hòm đạn, các xe cộ của pháo binh phải chờ cho lửa tắt mới dám đi qua. Mãi đến trưa mà tiền đạo của Buylô vẫn chưa tới Xanh Lambe.

Trận đánh nếu bắt đầu hai giờ sớm hơn, thì đến bốn giờ có lẽ đã xong và dù Bơ-luyse có đến thì cũng đến vào lúc Napôlêông đã thắng trận. Những điều ngẫu nhiên lớn lao như vậy thật là sự tính toán của cõi vô biên nào, ta không tài gì hiểu nổi.

Từ trưa, Napôlêông là người đầu tiên, nhìn thấy qua ống nhòm ở phía cuối chân trời một cái gì là lạ làm ông để ý. Ông nói: “Ta thấy đằng xa kia có một đám bụi hình như là quân đội”. Ông lại hỏi quận công Đammaxi: “Xu, ông thấy gì phía Xanh Lambe không?” Thống chế Xu đưa ống kính của mình về phía đó, đáp lại: “Tâu bệ hạ, có đến bốn hay năm nghìn người, chắc chắn là quân của Gơrusi”. Nhưng đám bụi cứ im lìm trong sương mù. Tất cả các ông nhòm của bộ tham mưu đều theo dõi quan sát cái “đám bụi” Napôlêông đã phát hiện. Có người cho đó là những quân đoàn đang nghỉ. Phần lớn đều nghĩ rằng đó chỉ là những đám cây. Trên thực tế đám bụi ấy đứng im thật. Napôlêông đã phái đoàn khinh kỵ của Đômông đi trinh sát về phía cái chấm mờ ấy.

Đúng là Buylô dừng lại, im lìm. Tiền đạo của ông ta mong manh lắm, không thể làm gì được. Phải chờ đại quân đến. Và, ông đã được lệnh tập kết rồi mới bước vào trận. Nhưng đến năm giờ, thấy tình hình nguy ngập của Oenlinhtơn, Bơ-luyse ra lệnh cho Buylô tấn công. Ông ta đã nói một câu dí dỏm:

- Phải hà hơi cho quân Anh.

Một lúc sau, các sư đoàn Lôthin Hile, Hắccơ và Ritxen triển khai trước phòng tuyến của Lôbô, kỵ binh của hoàng thân Ghiôm nước Phổ từ khu rừng Pari cũng đổ ra. Pơlăngxơnoa nổi cháy và trọng pháo quân Phổ bắt đầu rơi như mưa vào tận các hàng cận vệ dự bị đóng sau lưng Napôlêông.

XII

ĐOÀN CẬN VỆ

Tình hình diễn biến như thế nào, mọi người đều biết: một đạo quân thứ ba đột nhiên xuất hiện. Trận địa vỡ lở. Tám mươi sáu khẩu trọng pháo nổ đồng loạt. Piếc đệ nhất đùng đùng hiện ra với Buylô Kỵ binh do đích thân Bơ-luyse chỉ huy. Quân Pháp bị đẩy lùi khắp nơi. Mácônhe bị quét khỏi đồi Ohanh, Đuyruýt phải bỏ Papơlôt. Đôndơlô và Kiô rút lui, Lôbô bị đánh vỗ vào sườn. Nghĩa là một trận đánh mới ào ào đổ lên đầu các trung đoàn đã tả tơi của quân ta, vào lúc trời tối. Thừa thế, quân Anh trên khắp các mặt trận lại trở lại tấn công, lao về phía trước. Trận tuyến quân Pháp bị chọc thủng một quãng to. Quân Anh, quân Phổ trợ lực cho nhau, đạn to đạn nhỏ, vãi ra như mưa, tha hồ mà tiêu diệt. Thế là tan vỡ, tan vỡ mặt trước, tan vỡ bên sườn. Trước tình hình sụp đổ kinh khủng ấy, đoàn cận vệ bước vào chiến đấu.

Biết thế nào rồi cũng chết, họ thét to: “Hoàng đế vạn tuế!” Thật xưa nay không có gì cảm động bằng cảnh tượng đoàn quân sắp chết đó còn vùng lên hoan hô như vậy.

Suốt ngày hôm ấy trời đầy mây. Bỗng nhiên, đúng vào lúc ấy - bấy giờ đã tám giờ tối - mây ở chân trời vén ra. Xuyên qua các vòm cây trên đường đi Niven loang loáng ánh sáng đỏ bầm, ghê rợn của mặt trời đang lặn. Người ta nhớ cũng mặt trời ấy đã mọc lên ở Auxtéclít.

Trong trận giải kết này, mỗi tiểu đoàn quân cận vệ được một vị tướng chỉ huy. Phơriăng, Misen, Rôghê, Háclê, Malê, Moócvăng đều có mặt. Khi có đội ưu binh cận vệ xuất hiện giữa chiến trường mù mịt, với những chiếc mũ cao, những huy chương chim ưng, hàng ngũ chỉnh tề, cân đối, lặng lẽ, rực rỡ, quân địch tưởng như trông thấy uy phong của cả nước Pháp nên cảm thấy phải kính nể. Hình như tất cả các chiến thắng xưa nay đang xòe rộng đôi cánh tiến ra chiến trường cùng một lúc, cho nên, những kẻ đang chiến thắng bỗng dưng coi mình như thua trận và lùi lại. Nhưng Oenlinhtơn thét to: “Vệ binh, đứng lên và nhằm cho đúng!” Trung đoàn vệ binh quân phục đỏ, đang nằm phục sau các hàng giậu, bỗng đứng lên. Một loạt đạn như mưa bắn vào lá cờ ba sắc đang rùng mình chung quanh bầy chim ưng của chúng ta. Rồi tất cả lao tới trước. Cuộc chém giết cuối cùng bắt đầu.

Trong bóng tối, đoàn cận vệ cảm thấy tất cả hàng ngũ chung quanh núng thế và khắp nơi đều có dấu hiệu lung lay muốn tan vỡ. Họ nghe tiếng hô mạnh ai nấy chạy! Thay vào tiếng hô vạn tuế! Mặc cho những kẻ bỏ chạy sau lưng, họ vẫn tiếp tục tiến lên. Mỗi bước tiến lên họ lại bị bắn thêm nhiều hơn và bị giết thêm nhiều hơn. Nhưng không hề có ai ngập ngừng hoặc e ngại. Lính cũng như tướng trong đoàn quân này tất cả đều anh hùng như nhau. Chẳng một ai chịu thiếu mặt trong giờ tựu nghĩa này.

Giữa cơn bão táp như thế, Nê cuống cuồng nhưng hùng vĩ trong cử chỉ sẵn sàng hy sinh, đưa mình đón tất cả gươm súng của quân địch. Con ngựa thứ năm đã chết dưới người ông. Nê mồ hôi ướt đẫm, cặp mắt đổ lửa, miệng sùi bọt, quân phục bật tung, một bên cầu vai bị một tên giữ ngựa chém sả lòng thòng, chiếc huân chương đệ nhất đẳng bội tinh bị đạn bắn nong lên, toàn thân đầy máu, đầy bùn, nhưng đẹp tuyệt vời! Ông vung lưỡi gươm đã gãy lên, thét: “Mở mắt mà xem một thống chế Pháp chết ở chiến trường như thế nào!” Nhưng vô ích, ông không chết. Ông phờ phạc và phẫn uất. Ông quay thét hỏi Đơruê Đéclông: “Còn anh, anh không chết hả?” Giữa những tiếng nổ của pháo địch dồn vào băm nát một nhúm người, ông thét lên: “Sao không dành phần cho ta! Trời ơi! Ta chỉ muốn tất cả bom đạn vào hết trong bụng này!” Không đâu, con người bất hạnh, số phận đã dành anh cho những viên đạn Pháp đấy.[79]

[79] Thống chế Ney bị tòa án tối cao của Lui XVIII xử bắn mấy tháng sau.

XIII

ĐỔ VỠ

Đằng sau đội cận vệ tình trạng tan vỡ thật thê thảm.

Cả đội quân xiêu ngã đột ngột cũng một lúc ở khắp nơi, ở Hugômông, ở He Xanh, ở Papơlốt, ở Pơlăngxơnoa. Tiếng thét nổi lên: “Bị phản rồi! Bị phản rồi!” Tiếp theo là tiếng kêu: “Chạy! Chạy!” Một đạo quân bỏ chạy thì chẳng khác gì băng tan. Tất cả đều chông chênh, rạn nứt, lềnh bềnh, răng rắc, rồi lăn lóc, đổ vỡ, xô vào nhau, chồm lên nhau. Tan rã chưa từng thấy. Nê mượn một con ngựa, phóc lên, không mũ, không áo, tay không, đứng chặn ngang giữa đường đi Bơruxen, ngăn lại không cho chạy cả quân Pháp lẫn quân Anh. Ông hết gọi lại mắng, cố giữ sức quân đội lại, cố sức ngăn cản không cho nó tan rã. Nhưng sức ông không xuể. Quân lính chạy xa ông, vừa chạy vừa kêu: “Thống chế Nê muôn năm!” Hai trung đoàn của Đuyruýt chạy tới chạy lui, hoảng hốt, như bị hất đi hất lại giữa làn gươm của kỵ binh Phổ và họng súng của các sư đoàn Căm, Bết, Pắc và Rylăng. Tan vỡ là cuộc ẩu đả tồi tệ nhất! Cùng một bên nhưng cứ giết nhau để thoát, tiểu đoàn kỵ binh, tiểu đoàn bộ binh xô lẫn vào nhau rồi cùng tan ra từng mảng, như bọt bèo. Đầu này Lôbô, đầu kia Rây, hai cánh đều bị cuốn vào dòng thác lũ. Napôlêông một mình, với chỗ cận vệ còn lại, cố sức làm những bức tường ngăn, nhưng ông chỉ đem cả tiểu đoàn trực chiến của ông thử cố gắng một lần cuối cùng, chứ chẳng được gì. Kiô lùi trước Vayviên, Kenlécman trước Văngđơlơ, Lôbô trước Buylô. Môrăng trước Piếc, Đômông và XuyBécvic trước hoàng thân Ghiôm. Guyô dẫn đầu các tiểu đoàn kỵ binh cận vệ của Napôlêông tiến lên xung phong, đã ngã xuống dưới chân ngựa quân Anh. Napôlêông phi ngựa đuổi theo binh lính bỏ chạy, kêu gọi, thúc giục, đe dọa, van lơn. Cũng những con người ấy, sáng nay thét to “hoàng đế vạn tuế”, nhưng bây giờ thì há hốc mồm không đáp lời nào và nhìn cũng khó nhận ra họ nữa. Trong lúc đó thì kỵ binh Phổ mới tới, sung sức, xô tới, bay vào vùn vụt, chém, chặt, bửa, giết, diệt. Các cỗ pháo ngựa kéo lồng lên, bỏ chạy; lính tiếp đạn bỏ các xe đạn lại, tháo ngựa cưỡi trốn; nhiều xe tải thương đổ nhào, bốn bánh chổng ngược, ngáng cả lối đi, tạo cơ hội cho quân địch ùa đến tàn sát. Người ta giẫm lên nhau, đè bẹp nhau, bước bừa lên cả người chết lẫn người sống, tay chân cuống cuồng như điên như dại. Bốn vạn người chạy trốn một lần! Đường to, ngõ hẻm, nào cầu, nào ruộng, nào đồi, bao nhiêu lũng, bao nhiêu rừng, đâu đâu người cũng đông nghịt, hốt hoảng, cuống cuồng. Kêu khóc, thở than, xắc, súng vứt vào ruộng mạch, chém giết để mở lối, hết bạn hết bè, hết tướng hết tá. Kinh khủng không tả xiết. Nước Phổ cứ gươm mà chém nước Pháp tha hồ. Sư tử đã trở thành hươu non. Cảnh tan vỡ này là như vậy.

Đến Giơnáp, người ta cố đứng lại, lập thành trận tuyến, cản quân địch. Lôbô tập họp được ba trăm người, cùng nhau chặn cổng làng lại. Nhưng nếm loạt đạn đầu tiên của quân Phổ, mọi người lại bỏ chạy. Lôbô bị bắt. Ngày nay còn thấy vết đạn ấy trên nóc một ngôi nhà gạch bên đường, về phía tay phải, một quãng trước khi vào Giơnáp. Quân Phổ nhảy vào Giơnáp, tức giận sao chiến thắng chỉ có thế. Họ đuổi theo một cách điên cuồng và Bơ-luyse ra lệnh tiêu diệt một cách man rợ. Rôghê đã từng nêu một cái gương thảm hại là hễ lính Pháp nào mang đến cho hắn một tù binh Phổ thì hắn dọa đem bắn. Nhưng Bơ-luyse bây giờ còn vượt xa hơn. Tướng Đuyhêm trong đội thanh niên cận vệ, bị dồn đến trước cửa một quán cơm ở Giơnáp, ông trao thanh gươm cho một tên kỵ binh Phổ, tên này cầm lấy gươm và giết luôn người tù binh. Người ta kết thúc chiến thắng bằng cách giết hại những người thua trận. Cho nên phải nói lên lời phê phán của chúng ta, vì chúng ta là lịch sử: tướng Bơ-luyse đã tự bôi nhọ mình.

Sự man rợ ấy làm cho cuộc đổ vỡ càng thêm khủng khiếp. Binh lính thất trận, tan vỡ tuyệt vọng, cứ thế cắm đầu chạy, qua Giơnáp, qua ngã tư, qua Gốtxơli, qua Phơran, qua Sáclơroa, qua Tuyanh, đến tận biên giới mới dừng lại. Mà than ôi! Kẻ chạy là ai? Chính lại là đạo quân vĩ đại.

Cái tinh thần anh dũng tuyệt vời của đạo quân đã từng làm cho lịch sử kinh ngạc, bỗng dưng sụp đổ tan tành như vậy, kinh hoàng, khủng khiếp như vậy, phải đâu không có nguyên nhân? Không. Bóng đen của một đường thẳng khổng lồ đã chiếu xuống Oatéclô. Đó là ngày của số mệnh. Một sức mạnh trên con người, đã tạo ra ngày hôm đó. Do vậy mà mọi vầng trán đều có nếp nhăn, mọi tâm hồn cao cả kia phải hàng phục. Những người đã từng chiến thắng cả châu Âu, đành ngã xuống, chẳng nói chẳng rằng, vì đã cảm thấy đâu trong bóng tối có một cái gì ghê gớm. Ngày hôm ấy, bộ mặt nhân loại đã thay đổi. Oatéclô coi như là bản lề của thế kỷ mười chín. Con người vĩ đại ấy biến đi là cần thiết cho thế kỷ vĩ đại ra đời. Một kẻ nào đó đứng trên tất cả mọi người đã phụ trách xếp đặt tất cả các công việc ấy. Bây giờ thì hiểu được vì đâu có sự hoảng loạn trên kia. Trong trận Oatéclô không phải chỉ có mây mà còn có cả điềm trời, Chúa đã có mặt.

Chập choạng tối, trong một cánh đồng gần Giơnáp, một người bị cuốn theo dòng thác tan vỡ, vừa xuống ngựa, dáng bơ phờ, âm thầm dữ tợn. Người ấy kẹp cương ngựa dưới nách, rồi một mình, ngơ ngác, đi trở về phía Oatéclô. Bấy giờ Bécna và Béctơrăng mới đưa tay nắm lấy vạt áo người đó giữ lại. Đó là Napôlêông đang cố sức tiến về phía trước, một kẻ mộng du to lớn trong giấc mộng vừa đổ vỡ tan tành.

XIV

ĐỘI HÌNH VUÔNG CUỐI CÙNG

Như những hòn đá giữa dòng nước chảy, một số đội hình vuông của đoàn cận vệ vẫn đứng trong làn sóng tan vỡ và giữ vững cho đến tối. Đêm đến, cái chết cũng đến, họ chờ cả hai và để cho cả hai vây phủ lấy mình, không lay chuyển. Chẳng còn liên lạc gì với cả quân đội đã tan vỡ khắp nơi, mà cũng cách biệt nhau mỗi trung đoàn mỗi nơi, nên mỗi đơn vị chỉ còn biết mình chiến đấu cho mình. Để làm được việc đó, một số bố trí trên các ngọn đồi ở Rôtxôm, một số giữa đồng bằng Mông Xanh Giăng. Ở đấy, bị bỏ rơi, thua trận, những đội hình vuông dữ tợn ấy đã chết dần một cách âm thầm nhưng thật vĩ đại. Cùng với họ hình như Uynm, Vagơram, Iêna, Phơrietlăng[80] cũng chết theo.

[80] Những chiến thắng lẫy lừng trước của Napôlêông, trong đó đội Cận vệ lập công lớn.

Đến tối, vào quãng chín giờ, dưới chân cao nguyên Mông Xanh Giăng, còn một số các đội hình vuông ấy. Nó chiến đấu trong cái thung lũng nhỏ ấy, ở cuối cái sườn đồi trước đây giáp binh đã chiếm được, nhưng bây giờ thì đầy quân Anh, nó đứng dưới tầm pháo tập trung và dưới làn đạn dày đặc của quân địch chiến thắng. Người chỉ huy của họ là một sĩ quan chẳng tiếng tăm gì, tên là Căngbơrôn. Quân địch bắn họ một loạt, một số trong bọn họ ngã xuống, nhưng họ cũng bắn trả lại. Có điều súng họ nhỏ hơn, ít hơn. Và họ phải luôn luôn thu hẹp bốn mặt tường của họ. Quân lính chạy trốn xa xa, có lúc mệt quá dừng lại, vẫn nghe trong đêm tối tiếng súng của họ thưa dần. Đến lúc đoàn quân ấy chỉ còn một nhúm người, lá cờ của họ chỉ còn là một miếng vải rách, súng hết đạn của họ chỉ là những que củi, xác người chết chất cao hơn người còn sống, trong hàng ngũ những kẻ chiến thắng như có một thứ hoảng sợ thiêng liêng trước những người dũng cảm tuyệt vời này. Pháo binh Anh dừng lại lấy hơi, bỗng dưng im bặt. Đó là một thứ nghỉ ngơi. Những người chiến sĩ đó nhìn thấy chung quanh mình không biết bao nhiêu là bóng ma, những hình người cưỡi ngựa, bóng đen của các khẩu trọng pháo, màu mây bạc nhìn qua bánh xe và chuôi pháo, cái đầu khổng lồ của cái chết mà các chiến sĩ anh hùng đã luôn luôn nhìn thấy trong khói đen ở cuối trận địa, cái đầu ấy đang tiến về phía họ và trừng trừng nhìn họ. Trong bóng tối, họ cũng nghe được tiếng trọng pháo nạp đạn, thấy rõ được các ngòi lửa giống như những mắt hổ trong đêm, đang vây quanh đầu họ và những que lửa nhích gần đến nòng pháo. Vào lúc đó, một viên tướng Anh, có người nói là Convin, có kẻ cho là Métlen, đang nắm trong tay mình cái giây phút cuối cùng lơ lửng trên đầu họ, bỗng thấy động lòng, bèn cất tiếng kêu gọi: “Hỡi những người Pháp anh dũng, hãy hàng đi!” Căngbơrôn đáp lại: “Cục cứt!”

XV

CĂNGBƠRÔN

Độc giả Pháp ai cũng muốn được tôn trọng. Cho nên, mặc dù lời ấy là lời đẹp nhất mà một người Pháp đã nói, cũng không thể lặp lại với họ. Thói thường không được đặt cái cao siêu vào trong lịch sử. Nhưng chúng tôi xin được vi phạm điều đó và gánh lấy tất cả trách nhiệm.

Trong hàng ngũ những hộ pháp ấy lại có một khổng lồ, đó là Căngbơrôn. Nói lời nói kia ra rồi chết. Còn gì lớn hơn! Bởi vì, ông đã muốn thế, thì phải coi như ông đã chết rồi. Còn mặc dù bị bắn như vãi đạn ông ta cũng không chết thì đâu phải lỗi tại ông ta!

Người thắng trận Oatéclô, cố nhiên không phải là Napôlêông bị tan vỡ, cũng không phải là Oenlinhtơn, vì hồi bốn giờ Oenlinhtơn núng thế và đến năm giờ ông tuyệt vọng, cũng không phải Bơ-luyse vì Bơ-luyse chẳng đánh chác gì. Người thắng trận Oatéclô là Căngbơrôn.

Đập lại cái sấm sét giết mình bằng lời nói ấy, có nghĩa là chiến thắng.

Đó là đáp lại cuộc đổ vỡ. Đó là nói với số mệnh, đó là đặt nền bệ cho con sư tử dựng làm kỷ niệm về sau. Đó là câu trả lời cho gió mưa đêm tối, cho bức tường phản bội của lâu đài Hugômông, cho con đường trũng Ohanh, cho sự chậm trễ của Gơrusi, cho sự kịp thời của Bơ-luyse. Đó là cười đùa trong cõi chết, đứng dậy sau khi đã ngã xuống. Đó là dìm trong vài chữ cái liên minh của châu Âu, dâng lên cho vua chúa những bồn xia mà họ từng biết. Đó là đưa cái chữ bẩn nhất trong ngôn ngữ lên thành chữ đẹp nhất bằng cách pha lẫn vào đó cái tinh thần sấm chớp của nước Pháp. Đó là kết thúc Oatéclô một cách ngạo mạn bằng một giây phàm tục, bổ sung cho Lêôniđa bằng Rabôle, tóm tắt chiến thắng này trong một lời cuối cùng khó nói. Đó là mất đất đai nhưng giữ được lịch sử, là sau cuộc chém giết kinh khủng lại tranh thủ được những kẻ biết cười. Thật là vô cùng vĩ đại!

Nó ngạo mạn với cả sấm sét, nó có tầm hùng tráng như bi kịch Etsin.

Câu nói của Căngbơrôn có tác dụng làm gãy xương. Đó là cú đấm khinh bỉ làm gãy xương ngực. Chết đến nơi nhưng ức quá nên mới nổ ra lời. Kẻ nào đã thắng? Có phải Oenlinhtơn không? Không. Bởi vì không có Bơ-luyse thì ông ta đã thua. Có phải Bơ-luyse không? Cũng không. Không có công Oenlinhtơn trước đó thì Bơ-luyse cũng chẳng làm được trò trống gì. Anh chàng Căngbơrôn kia chỉ là một kẻ độc hành giờ chót, một người lính vô danh, một hạt bụi trong cuộc chiến. Anh cảm thấy ở đây có cái gì dối trá, mà dối trá trong một cuộc đổ vỡ ghê gớm như thế kia thì bi đát thành hai. Thế mà đến khi anh đã sôi sục phẫn uất thì kẻ kia lại dám bảo anh bám lấy cái sống vô nghĩa! Hỏi ai không nổi khùng?

Tất cả vua chúa của châu Âu, tất cả tướng lĩnh may mắn, tất cả những kẻ làm mưa làm gió trong thiên hạ đều có mặt. Mười vạn binh lính thắng trận và theo gót mười vạn ấy là trăm vạn khác, súng chĩa ra đằng trước, đạn lên nòng, sẵn sàng, dữ tợn. Chúng đã giẫm lên đoàn quân cận vệ và đại quân của Napôlêông và đè bẹp ông ta. Chỉ còn sót có mỗi một Căngbơrôn. Chỉ còn mỗi một con giun quèn này để phản kháng. Và nó đã phản kháng thật. Anh tìm chữ nghĩa như người ta tìm một lưỡi gươm. Và anh đã tìm thấy nó trong bọt bèo, bọt bèo chính là nó. Đứng trước trận chiến thắng lạ thường mà tầm thường, trận thắng không có người thắng này, con người tuyệt vọng kia đã vùng dậy. Anh bị cái to lớn của nó nghiền nát, nhưng anh vẫn thấy nó là vô nghĩa. Có nhổ vào mặt nó cũng chưa đủ. Dưới sự bức bách của số đông sức mạnh và của vật chất, anh tìm thấy cho tinh thần mình một tiếng nói, thứ bẩn thỉu nhất để bày tỏ thái độ mình. Xin nói lại điều này: nói được như thế, làm được như thế, tìm được như thế, tức là chiến thắng.

Những sự kiện hệ thống trong đời thường có tinh thần riêng của nó. Tinh thần ấy đã nhập vào con người vô danh này trong giây phút khủng khiếp kia. Căngbơrôn đã tìm ra lời nói của mình về Oatéclô cũng như Rugiê đờ Lin đã tìm ra được bài La Mácxâyde, đó là nhờ có ngọn gió thiêng liêng thổi xuống. Một làn gió từ khối bão tố của trời cao, thổi qua những tâm hồn này, làm họ rùng mình, kẻ thì hát lên bài hát tuyệt vời, người thì ném ra tiếng thét dữ dội. Lời khinh bỉ mênh mông ấy Căngbơrôn không phải chỉ nhân danh đế chế mà văng vào châu Âu, vì như thế còn ít; ông còn vì cách mạng văng vào quá khứ. Người ta đã nghe thấy lời nói ấy và người ta đã nhận thấy tinh thần các nhân vật khổng lồ ngày xưa như nhập vào con người ấy. Có cảm tưởng như đó là Đăngtông đang nói hoặc Cơlêbe đang gầm.

Tiếp theo tiếng thét của Căngbơrôn, giọng người bên Anh đáp: “Bắn!” Các khẩu pháo bùng lửa sáng rực, quả đồi rùng mình. Một loạt đạn khủng khiếp vụt ra từ các họng thép. Một đám khói to cuồn cuộn lan ra, trăng trắng dưới ánh trăng vừa lên mờ mờ. Khi làn khói tan xong thì không còn gì nữa. Đám người anh hùng còn lại đã bị quét sạch. Đoàn cận vệ hoàn toàn tiêu diệt. Bốn bức tường của cái công sự bằng người đều ngã rạp dưới đất, nhìn kỹ mới thấy thấp thoáng có chút cựa quậy trong đám xác chết. Thế là các đoàn cận vệ Pháp, anh hùng hơn các đoàn quân La Mã nhiều, đã tắt thở ở Mông Xanh Giăng, trong những ruộng lúa âm u, trên mặt đất dầm mưa và đẫm máu. Chỗ đó, ngày nay, cứ bốn giờ sáng, anh chàng Giôdép, phụ trách chuyến xe thư Niven, lại cho xe mình đi qua, vừa giơ roi quất vào mông ngựa vừa huýt sáo vui vẻ.