Những người khốn khổ - PHẦN III - Quyển IV - Chương 02 - 03

II

BốTXUYÊ ĐỌC VĂN TẾ BƠLÔNGĐÔ

Một buổi trưa, cũng có quan hệ với những sự việc kể trước kia như bạn đọc sẽ thấy, Legơlơ đang khoái trá tựa vào khung cửa tiệm cà phê Muydanh, để mơ màng; anh giống một pho tượng chống đỡ mái nhà đang đứng nghỉ; anh chỉ đỡ cái mơ màng của anh thôi. Anh nhìn ra quảng trường Xanh Misen. Đứng tựa lưng cũng là một cách ngủ đứng mà những con người mơ mộng rất ưa. Legơlơ thành Mô đang nghĩ vớ vẩn nhưng không bùi ngùi đến một chuyện không may vừa xảy ra cho anh hai hôm trước ở trường Luật, nó đã thay đổi cả kế hoạch tương lai của anh, tuy rằng kế hoạch ấy cũng còn rất lờ mờ.

Anh đang mơ màng, nhưng một chiếc xe ngựa vẫn chạy qua trước mặt anh và anh cũng trông thấy nó. Hai con mắt mơ hồ của anh qua tấm màn mơ mộng nhìn thấy một chiếc xe hai bánh đi trên quảng trường, đi từ từ như phân vân vô định. Chiếc xe ấy muốn tìm ai? Sao lại đi bước một như thế? Anh nhìn vào trong xe. Trong xe, bên cạnh người đánh xe có một chàng thanh niên trước mặt chàng có một cái túi to. Trên mặt túi có một dòng chữ đen lớn viết trên một tấm thiếp khâu vào vải: Mariuytx Pôngmécxi.

Cái tên ấy làm Legơlơ thay điệu bộ. Anh đứng thẳng dậy và gọi to người thanh niên trong xe:

- Ông Mariuytx Pôngmécxi!

Thấy có người gọi, chiếc xe dừng lại.

Người thanh niên, cũng có vẻ đang suy nghĩ lung lắm, ngước mắt lên và hỏi:

- Gì?

- Ông là Mariuytx Pôngmécxi?

- Chính thế.

Legơlơ nói tiếp:

- Tôi đang tìm ông:

- Lạ nhỉ? - Mariuytx hỏi.

Người thanh niên trên xe chính là Mariuytx, anh vừa bỏ nhà ông ra đi; người hỏi anh đó bây giờ anh mới trông thấy lần thứ nhất.

- Tôi chưa được quen ông.

Legơlơ trả lời:

- Tôi cũng vậy, tôi không biết ông.

Mariuytx tưởng là một anh hề nào, một anh chàng muốn chộ người giữa phố; anh chau mày cau có vì anh đang khó chịu sẵn.

Legơlơ vẫn bình thản nói tiếp:

- Hôm kia anh không đến lớp?

- Hình như thế.

- Đúng rồi còn gì.

- Anh cũng là sinh viên? - Mariuytx hỏi.

- Phải, cũng như anh, hôm kia tôi tình cờ đến lớp, anh cũng biết, thỉnh thoảng cao hứng người ta mới đến lớp. Giáo sư đang điểm danh. Anh biết những lúc ấy là họ lo lắm. Gọi tên ba lần không trả lời là họ xóa tên. Thế là sáu mươi phơrăng vứt xuống biển.

Mariuytx bắt đầu chú ý. Legơlơ nói tiếp:

- Bữa đó lão Bơlôngđô điểm danh. Anh biết lão chứ! Cái mũi nhọn hoắt và ranh mãnh! Lão khoái trá đánh hơi những anh chàng vắng mặt. Hôm ấy lão quỷ quyệt bắt đầu ngay với chữ P. tôi không để ý nghe vì tôi không liên can gì chữ ấy. Việc điểm danh tiến hành trôi chảy. Không xóa sổ được ai cả vì toàn thế giới đều có mặt. Bơlôngđô buồn. Tôi nghĩ thầm: chàng Bơlôngđô yêu dấu ơi! Hôm nay anh chẳng chặt đến cái đầu nhỏ xíu nào cả. Bỗng nhiên Bơlôngđô gọi đến tên Mariuytx Pôngmécxi. Chẳng ai trả lời, Bơlôngđô hí hửng gọi to hơn: Mariuytx Pôngmécxi và lão cầm lấy cái bút. Anh này, tôi nghe động thiện tâm, tôi nghĩ: một anh chàng lương thiện sắp bị gạch tên. Cần chú ý! Anh tướng này chính là một con người không cần đúng giờ, đúng khắc. Không phải một cậu sinh viên gương mẫu, chỉ biết học, học mòn đũng quần, một cậu oắt con bẻm chữ, giỏi khoa học, giỏi văn chương, giỏi giáo lý, giỏi triết lý, một con người ngu ngốc, mà đàng hoàng gấp nếp làm tư, mỗi góc người ngồi ở một trường đại học. Đây chắc là một anh chàng lười đáng kính, biết dạo chơi, biết nghỉ ngơi, biết dạo theo gái, biết tán tỉnh và có lẽ bây giờ đang tán cô ả của mình cũng nên. Phải cứu anh chàng này. Cho Bơlôngđô chết! Bơlôngđô đã chấm cái ngòi bút đen sì sì vì cả gạch tên vào lọ mực và đưa đi đưa lại con mắt cú vọ nhìn khắp lớp học, rồi gọi lần thứ ba: Mariuytx Pôngmécxi!

Tôi trả lời: Có mặt! Thế là anh không bị gạch tên.

Mariuytx cảm động nói:

- Anh!

Legơlơ nói thêm:

- Còn tôi thì bị xóa sổ.

Mariuytx bảo:

- Tôi không hiểu anh nói gì.

Legơlơ nói tiếp:

- Có gì rắc rối đâu! Tôi ngồi gần bàn của giáo sư, để khi gọi tên thì trả lời nhanh và cũng ngồi gần cửa để chuồn cho chóng. Giáo sư nhìn tôi chằm chằm. Bỗng nhiên lão ta nhảy sang chữ L. chữ đầu tên của tôi. Tôi ở tỉnh Mô và tên là Legơlơ.

Mariuytx ngắt lời:

- Legơlơ! Cái tên đẹp nhỉ.

- Vâng! Lão Bơlôngđô gọi đến cái tên đẹp ấy, lão hét: Legơlơ! Tôi trả lời: Có mặt!

Lão Bơlôngđô bấy giờ nhìn tôi với cái vẻ dịu dàng của con hùm, mỉm cười và bảo:

- Nếu anh là Pôngmécxi thì anh không phải là Legơlơ (Chơi chữ, hiểu theo nghĩa mỉa mai thì: Nếu anh là Pôngmécxi thì anh không phải loài chim phượng). Câu ấy chắc có làm phật lòng anh phần nào nhưng đối với tôi thì nó mới thật là thảm hại. Nói câu ấy xong, lão gạch tên tôi.

Mariuytx kêu:

- Thưa anh! Tôi ân hận quá.

Legơlơ ngắt lời:

- Trước hết tôi muốn xông hương ướp xác lão Bơlôngđô, bằng mấy lời ca tụng, coi như lão chết rồi. Chẳng có gì khác đối với con người gầy như que củi, trắng bệch, lạnh ngắt, cứng đờ và hôi hám ấy. Tôi nói: Erudimini quy judicatis terram. Đây là mồ mả Bơlôngđô đó, bosdisciplinoe (nguyên bản có chua chữ Latinh), con chó anh gác, ông thần điểm danh, thuở sinh thời ngay thẳng, vuông vắn, đúng đắn, cứng rắn, lương thiện và khả ố. Chúa Trời đã gạch tên lão như đã gạch tên tôi.

Mariuytx nói tiếp:

- Tôi thật buồn…

- Anh bạn trẻ ơi! Anh nên coi đó là một bài học. Về sau thì đến lớp cho đều.

- Tôi thành thật xin lỗi anh.

- Anh đừng làm cho người khác bị gạch tên nữa.

- Tôi lấy làm khổ tâm…

Legơlơ bỗng bật cười:

- Tôi thì lại rất khoái chí! Tôi sắp phải làm luật sư! Bị gạch tên thế là thoát. Tôi không màng những vinh quang của nghề ấy. Tôi không phải bênh vực người vợ góa, không phải công kích trẻ mồ côi. Hết áo thụng, hết tập tự. Thế là tôi được xóa tên. Ông Pôngmécxi, nhờ ông đó. Tôi muốn đến thăm ông một cách long trọng để cám ơn ông. Ông ở đâu xin cho biết.

- Ở trong xe này - Mariuytx trả lời.

Legơlơ vẫn bình tĩnh:

- Dấu hiệu giàu sang đây. Thành thực mừng ông. Đây là một chỗ ở chín nghìn phơrăng tiền trọ một năm.

Ngay lúc đó Cuốcphêrắc ở trong tiệm cà phê đi ra. Mariuytx buồn bã mỉm cười:

- Tôi mới ở đây được hai giờ và tôi muốn tìm đường dọn đi. Nhưng đó là cả một đại sự. Tôi không biết đi đâu bây giờ.

Cuốcphêrắc mời Mariuyt:

- Thế mời ông đến đằng tôi.

Legơlơ nói xen:

- Đáng lẽ tôi được ưu tiên mời, nhưng tôi lại không có cái “đằng tôi” đó.

Cuốcphêrắc bảo Legơlơ:

- Im đi, Bốtxuyê.

Mariuytx ngạc nhiên:

- Bốtxuyê à? Hình như anh tên là Legơlơ.

- Vâng, Legơlơ tỉnh Mô, theo ẩn dụ là Bốtxuyê, Legơlơ trả lời.

Cuốcphêrắc leo lên xe:

- Anh đánh xe, đến khách sạn Poóc Xanh Giắc.

Và ngay chiều hôm ấy, Mariuytx có chỗ ở hẳn hoi trong một gian phòng khách sạn Poóc Xanh Giắc, ngay bên cạnh Cuốcphêrắc.

III

NHỮNG SỰ NGẠC NHIÊN CỦA MARIUYTX

Qua vài ngày thôi, Mariuytx trở thành bạn thân của Cuốcphêrắc. Thanh niên là cái tuổi dễ thân và những vết thương mau hàn gắn. Ở với Cuốcphêrắc, Mariuytx thấy thoải mái, trước nay anh chưa hề thấy dễ chịu như vậy. Cuốcphêrắc không hỏi gì Mariuytx. Anh thấy không cần thiết hỏi gì. Đối với thanh niên cứ nhìn mặt nhau là hiểu cả. Không cần nói. Thậm chí có người bộc lộ tất cả trên vẻ mặt. Trông nhau là hiểu nhau rồi.

Tuy vậy, một buổi sáng Cuốcphêrắc đột ngột hỏi Mariuyt:

- À! Chính kiến của anh thế nào?

Mariuytx hầu như có lấy làm phật ý.

Cuốcphêrắc hỏi lại:

- Anh là gì?

- Dân chủ Bônapác.

Cuốcphêrắc bảo:

- Thế ra là màu xam xám của con chuột vừa hết sợ.

Ngày hôm sau Cuốcphêrắc dẫn Mariuytx đến tiệm cà phê Muydanh và anh mỉm cười nói thầm với Mariuytx “Tôi phải giới thiệu anh với Cách mạng” và Cuốcphêrắc đưa Mariuytx vào gian buồng nhóm bạn của ABC. Anh giới thiệu Mariuytx với các đồng chí khác bằng một tiếng giản dị nói khe khẽ mà Mariuytx không hiểu: một học trò.

Mariuytx rơi vào một cái tổ ong trí tuệ. Tuy tính ít nói và trầm tĩnh, anh cũng không phải tay vừa.

Xưa nay sống cô đơn, Mariuytx đã có thói quen suy nghĩ một mình, chỉ thích mình nói riêng với mình, vì vậy anh cũng e ngại rụt rè trước đám thanh niên mau mồm mau miệng này. Những cái mới lạ khác ở họ lôi kéo anh và cũng làm anh day dứt. Tất cả những khối óc phóng khoáng và luôn luôn hoạt động ấy làm cho ý nghĩ của anh quay cuồng; nhiều khi trong rối loạn, nó bay khá xa anh, phải khó nhọc lắm mới tìm lại được mối; có khi anh không nhớ lại được mình nghĩ gì nữa. Họ bàn luận với nhau về triết lý, văn chương, nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng một cách rất bất ngờ, anh thoáng thấy những khía cạnh lạ lùng, anh không sắp xếp những cái đó cho nên anh tưởng như còn hỗn loạn. Khi cắt đứt với ông và theo chính kiến cha, anh cho rằng tư tưởng của anh đã có một cơ sở vững chắc; bây giờ thì anh ngờ ngợ rằng anh chưa nắm được gì, anh lo lắng và không dám tự thú nhận như vậy. Góc độ anh đứng để nhìn sự vật lại bắt đầu di chuyển. Những chân trời tư tưởng của anh hình như nghiêng ngã, thật là một cuộc xáo trộn lạ lùng. Anh thấy trong lòng gần như đau khổ.

Đối với những người thanh niên ấy, hình như không có cái gì mà họ cho là “đã cố định”. Về bất cứ vấn đề nào anh cũng nghe thấy những câu nói lạ lùng anh chưa nghe quen nên lấy làm khó chịu.

Một tờ quảng cáo rạp hát rao một vở bi kịch cổ điển, Bahôren kêu lên:

- Đả đảo thứ bi kịch cổ điển thích thú của bọn tư sản.

Nhưng Mariuytx lại thấy Côngbơphe nói:

- Anh lầm rồi! Bahôren ạ. Bọn tư sản thích kịch cổ điển thì mặc họ thích. Bi kịch cổ điển với những nhân vật mang tóc giả cũng có lý do tồn tại của nó, tôi không phải vì Etsin mà phủ nhận nó. Trong giới tự nhiên có những giống chưa hoàn thành, những mẫu hình bắt chước; một cái mỏ không ra cái mỏ, cánh không ra cánh, vây chẳng ra vây, chân chẳng ra chân, với tiếng kêu thảm thiết làm cho người ta phì cười, con vịt đấy. Bên cạnh chim có gà vịt, thì tại sao không có bi kịch cổ điển bên cạnh bi kịch cổ điển.

Cũng có hôm tình cờ, Mariuytx qua phố Giăng Giắc Rutxô cùng với Ănggiônrátx và Cuốcphêrắc. Cuốcphêrắc nắm cánh tay Mariuytx bảo:

- Chú ý, đây là phố Pơlatơrie, nay cải tên là phố Giăng Giắc Rutxô vì khoảng sáu mươi năm trước đây có một cái gia đình kỳ dị đã ở phố này. Cái gia đình Giăng Giắc và Têredơ. Thỉnh thoảng gia đình ấy sinh con: Têredơ thì cho ra đời, còn Giăng Giắc thì cho vào cô nhi viện.

Nhưng Ănggiônrátx cự Cuốcphêrắc:

- Không được nói gì đến Giăng Giắc. Con người ấy đáng phục. Ông ta bỏ con mình, phải, nhưng ông đã nhận nhân dân làm con.

Không một ai trong nhóm thanh niên ấy nói tiếng hoàng đế. Chỉ có Giăng Pruve thỉnh thoảng gọi Napôlêông; mọi người khác đều gọi Bônapác. Ănggiônrátx gọi: Buônapac.

Mariuytx có phần ngạc nhiên. Bước đầu của sự hiểu biết (Nguyên bản tiếng Latinh: Onitium sapientloe).