Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển I - Chương 02 - 03

II

VỤNG MAY

Tuy nhiên công việc của người hiền khác, công việc của người khôn khác.

Cách mạng 1830 dừng lại nhanh chóng.

Khi một cuộc cách mạng bị nghẽn, thì lập tức bọn khôn ngoan sà vào lợi dụng như thể xô vào xâu xé một chiếc tàu bị đắm gần bờ.

Những người khôn ngoan ở thế kỷ chúng ta tự phong cho mình cái danh hiệu chính khách, khiến cho cái tiếng chính khách hầu như trở thành một tiếng lóng. Thật vậy, không nên quên rằng chỗ nào chỉ có khôn ngoan mà thôi thì nhất định có nhỏ nhen. Nói: những người khôn ngoan, cũng như nói: bọn tầm thường. Cũng thế, nói: bọn chính khách, cũng bằng nói: bọn phản bội.

Nếu tin theo lời bọn khôn ngoan, thì những cuộc cách mạng như cách mạng tháng Bảy là những động mạch bị đứt: phải làm ga-rô ngay. Chính nghĩa được tuyên bố long trọng quá làm rung động. Cho nên khi đã xác định chính nghĩa thì phải củng cố nhà nước. Quyền tự do được bảo đảm thì phải lo củng cố uy quyền.

Đến đây thì nhà hiền triết chưa tách khỏi người khôn, nhưng họ đã bắt đầu nghi ngại. Uy quyền, đồng ý. Nhưng thứ nhất, uy quyền là gì? Thứ hai, uy quyền từ đâu mà ra?

Những người khôn ngoan có vẻ không nghe thấy lời nhận xét thầm thì đó và cứ tiếp tục hoạt động.

Những nhà chính trị này rất thạo việc đeo cho những ảo ảnh mình có thể lợi dụng cái chiêu bài cần thiết. Theo họ thì nhu cầu đầu tiên của một dân tộc sau cách mạng, khi dân tộc đó là thành phần của châu Âu quân chủ, là tìm và suy tôn một dòng vua. Họ nói, bằng cách ấy, dân tộc có thể có hòa bình sau cách mạng, nghĩa là có thì giờ băng bó thương tích, sửa chữa ngôi nhà. Dòng vua che khuất giàn giáo và che chở bệnh viện.

Thế nhưng thường không dễ gì kiếm một dòng họ vua.

Túng thế thì cái người thiên tài đầu tiên hoặc cái người phiêu lưu đầu tiên ta tìm ra đều có thể đặt lên ngôi vua. Trường hợp thứ nhất là trường hợp Bônapác, trường hợp thứ hai là Ituyêcbít.

Nhưng các họ tộc đầu tiên tìm thấy không đủ để làm nên một dòng họ vua chúa. Một dòng họ lớn cần thiết phải có một liều lượng quá khứ nhất định và cái tuổi của một dòng họ là điều không thể giả tạo nên.

Theo quan điểm của các “chính khách” - tất nhiên các điều kiện khác đã được tạm gác ra một bên - thì sau một cuộc cách mạng, ông vua xuất hiện từ cách mạng phải có những đức tính gì? Ông vua ấy phải là cách mạng mới có lợi, nghĩa là bản thân ông ta có tham gia cuộc cách mạng, phải nhúng tay vào, phải nổi tiếng hoặc mang tai tiếng trong đó, phải có sờ tới máy chém hoặc có vung gươm.

Còn một dòng họ vua thì phải có những tính cách gì?

Phải có tính cách dân tộc, nghĩa là cách mạng từ xa, không có hành động cách mạng, nhưng cách mạng về những lý tưởng mà nó chấp nhận. Một dòng họ vua phải vừa có một liều lượng quá khứ và có tính chất lịch sử, vừa có một liều lượng tương lai và gây được cảm tình.

Tất cả những cái đó giải thích vì sao những cuộc cách mạng đầu tiên bằng lòng tìm một con người: Crômuen hay Napôlêông; và những cuộc cách mạng lại cứ đòi hỏi một dòng họ: họ Brônsvic hay họ Oóclêăng.[166]

[166] Họ Brunswick: một dòng họ công tước lâu đời ở Đức. Họ Orléans: một dòng họ công tước, ông tổ là em vua Lui XIV. Một đại biểu về sau là Philippe Egalitê tham gia cách mạng 1789 một cách tích cực. Con ông ta được tôn lên làm vua sau cách mạng tháng Bảy (1830) với vương hiệu Louis Philippe.

Những dòng họ vua giống những cây đa Ấn Độ: mỗi cành nghiêng xuống đất, bắt rễ và trở thành một cây đa khác. Mỗi chi trong dòng họ vua có thể thành một dòng họ vua mới. Điều kiện duy nhất là phải nghiêng xuống đến tận dân chúng.

Đó, lý thuyết của những kẻ khôn ngoan.

Và đây là nghệ thuật: Làm thế nào để cho sự thành công và có tiếng ngân vang của một tai họa, để cho những người có quyền lợi trong cách mạng phải run sợ, dưới hãi hùng vào sự việc đã hoàn thành, trình bày bước quá độ thành một sự chậm tiến, làm mờ nhạt bình minh cách mạng, tố cáo những khe khắt do hưng phấn làm nên, gọt giũa góc cạnh và móng vuốt, giảm nhẹ thắng lợi, bọc nhung chính nghĩa, dùng chăn dạ bọc người khổng lồ nhân dân và vội vàng cho đi ngủ, bắt cái sung sức ăn kiêng ăn nhịn, săn sóc Hecquyn như người ốm dậy, phá loãng sự kiện lớn trong những biện pháp cơ hội, đối với những người khát khao lý tưởng thì cho uống nước lá dịu dịu, tiến hành những biện pháp để phòng chống sự thành công quá lớn, đem chao đèn đặt lên cách mạng.

Năm 1830, người ta áp dụng lý thuyết đó, cái lý thuyết đã áp dụng đối với nước Anh năm 1688.

1830 là một cuộc cách mạng chặn lại ở giữa dốc. Một nửa tiến bộ; gần như là chính nghĩa. Thế nhưng lôgich không hề biết những cái tạm gọi những cái gần gần. Không biết sự thực, như mặt trời không biết nến.

Ai chặn những cuộc Cách mạng ở giữa dốc? Giới tư sản.

Vì sao?

Vì tư sản là quyền lợi được thỏa mãn. Hôm qua là khát khao, hôm nay là đầy đủ, ngày mai là no tràn.

Hiện tượng 1814 với Napôlêông tái diễn năm 1830 với Sáclơ X.

Coi tư sản là một giai cấp thì không đúng. Tư sản chỉ là một thành phần được vừa lòng trong nhân dân. Anh tư sản là người giờ đây có thì giờ ngồi. Cái ghế tựa phải đâu là một đẳng cấp.

Tuy nhiên, muốn ngồi xuống sớm quá thì có thể cản bước tiến của nhân loại. Đó là lầm lỗi thông thường của giới tư sản.

Không phải phạm lỗi lầm mà trở thành giai cấp. Ích kỷ đâu có phải là một sự phân công xã hội!

Tuy vậy, cần phải công bình, dù đối với người ích kỷ. Cái trạng thái mà giới tư sản ước ao sau cuộc biến động 1830 đó, không phải là một trạng thái ỳ có pha biếng lười và lạnh nhạt, thêm một tí hổ thẹn; không phải là một giấc ngủ, ngủ tức là tạm quên và có khả năng thấy chiêm bao. Đây chỉ là một trạm nghỉ chân. Trạm nghỉ chân có hai nghĩa riêng biệt hầu như trái ngược nhau: một nghĩa là hành quân, tức là vận động; một nghĩa là trú quân tức nghỉ ngơi.

Nghỉ chân tức là lấy lại sức. Đó là sự nghỉ ngơi tỉnh táo và có vũ trang. Đó là cái-đã-hoàn-thành đặt lính gác và cảnh giác đề phòng. Nghỉ chân hàm cái ý đã chiến đấu hôm qua và còn chiến đấu ngày mai.

Đấy là khoảng cách giữa 1830 và 1848.

Cái chúng ta gọi là chiến đấu ở đây cũng có thể có tên là tiến bộ.

Cho nên đối với giới tư sản, cũng như đối với các chính khách, cần có một người diễn đạt các khái niệm nghỉ chân đó. Một kẻ: “Dù là. Bởi vì”.[167] Một nhân vật đa dạng vừa có nghĩa là Cách mạng lại vừa có nghĩa là ổn định, nói cách khác là một người khẳng định hiện tại bằng sự tính toán giữa quá khứ và tương lai.

[167] Nguyên văn: Un Quoique Parceque, phải đọc cả ba chương 1, 2, 3 mới hiểu rõ cách gọi đó.

Nhân vật đó “sẵn có”. Tên ông ta là Lui Philip Đoóclêăng. Nghị viện gồm 221 đại biểu suy tôn Lui Philip làm vua. Laphaydét phụ trách lễ đăng quang. Ông ta gọi Lui Philip là “nền cộng hào tốt nhất”. Tòa thị sảnh Pari thay thế nhà thờ lớn Ranhx.[168] Việc thay thế cái ngôi vua hoàn toàn bằng cái ngôi nửa vua đó “sự nghiệp của 1830”.

[168] Các vua chúa trước làm lễ đăng quang tại nhà thờ Ranhx, nhà thờ cổ kính và tráng lệ nhất nước Pháp. Lui Philip và những người phò tá ông tổ chức lễ đăng quang tại tòa thị sảnh Pari để nêu ý nghĩa ngôi vua do dân tộc Pháp trao cho chứ không phải do Chúa (thiên quyền) ban.

Khi những người khôn ngoan làm xong công việc thì giải pháp của họ phơi bày một nhược điểm lớn lao vô cùng. Họ đã hành động không kể đến chính nghĩa. Chính nghĩa thét to: tôi phản kháng! Thế rồi, điều đáng sợ: nó rút vào bóng tối.

III

LUI PHILIP

Các cuộc cách mạng đều thẳng cánh và may tay: nó đánh kiên quyết mà chọn cũng hay. Dù không trọn vẹn, dù biến tướng dị hình và bị đẩy xuống hàng cách mạng hạng nhì, như cuộc cách mạng 1830, nó cũng còn đủ sự tinh tường trời cho để không rơi vào xấu xa. Nó đi vào chỗ khuất nhưng không phải là trút bỏ tất.

Tuy nhiên cũng không nên quá lớn tiếng khoe khoang. Cách mạng cũng lầm và chúng ta từng thấy những lầm lỗi nghiêm trọng.

Hãy trở về với 1830. 1830 đi chệch hướng nhưng gặp may. Cách mạng ngưng hẳn nửa vời, nhưng trong nền trật tự được thiết lập sau đó thì bản thân ông vua, tốt hơn vương chế. Lui Philip là một con người hiếm có.

Thân sinh ông chắc là được lịch sử xét với tình tiết giảm khinh. Nhưng ông bố đáng bị trách phạt bao nhiêu thì ông con đáng được mến trọng bấy nhiêu. Tư đức, ông có đầy đủ, công đức ông có nhiều. Ông săn sóc sức khỏe của mình, gia tư của mình, công việc của mình. Ông biết giá trị mỗi phút nhưng không phải lúc nào cũng biết giá trị một năm. Điều độ, thanh thản, hiền hòa, kiên chí, ông là một người tốt, một ông hoàng tốt. Ông ngủ một giường với vợ và có những người hầu chỉ cái giường vợ ông ấy cho những người khách tư sản xem. Đối với chi trưởng thường phô trương những quan hệ bất chính của mình (Những vua và hoàng thân của chi trưởng, tức dòng họ Buốcbông, có nhiều nhân tình công khai và con riêng) thì việc khoe khoang cảnh sống bình thường này lại hóa ra có ích. Ông biết đủ các thứ tiếng châu Âu và hiếm có hơn, ông biết và nói đủ các ngôn ngữ của mọi quyền lợi. Là đại biểu xứng đáng của “giai cấp trung gian” nhưng vượt nó và lớn hơn nó về mọi mặt. Đánh giá cao dòng máu của mình, ông có cái tinh ý lấy giá trị bản thân làm chỗ dựa chính và về vấn đề dòng họ thì ông viện dẫn dòng Orlêăng chứ không dòng Buốcbông. Cái ngày còn là điện hạ thì ông tỏ ra là vị đệ nhất hoàng thân, nhưng khi trở thành bệ hạ thì ông là một tư sản chính cống. Giữa công chúng, ông nói dài, trong thân mật, ông nói ngắn; bị cho là hà tiện nhưng không có bằng chứng; thực ra thuộc loại tiết kiệm mà hoang phí khi gặp sở thích hay có bổn phận cần phải tiêu pha; hay chữ nhưng không ham mê văn chương, quý tộc nhưng không hiệp sĩ; giản dị, bình tĩnh, vững vàng; được gia đình và gia nhân tôn thờ; nói chuyện hấp dẫn; là chính hách chán chường, bên trong lạnh lẽo, làm theo quyền lợi trước mắt, trị vì nhằm tình hình đang diễn và sắp diễn, không thù hằn cũng không biết ơn, ráo riết dùng ưu thế đè bẹp sự tầm thường, khôn khéo dùng đa số ở nghị viện để phủ quyết những nhất trí tiềm tàng đang hét thầm bên dưới ngai vàng; bộc lộ, có khi bộc lộ một cách liều lĩnh, nhưng lại khôn khéo một cách diệu kỳ trong sự liều lĩnh ấy; giàu biện pháp, có nhiều bộ mặt và mặt nạ; khiến nước Pháp của châu Âu và châu Âu của nước Pháp phải sợ; yêu nước, chắc chắn như vậy, nhưng càng thương nhà hơn; chuộng quyền lực hơn quyền uy, quyền uy hơn uy tín; khuynh hướng này có hại ở chỗ vì chỉ mưu cầu thắng lợi, nó thừa nhận sự xảo quyệt và cũng không tuyệt đối bài trừ sự hèn hạ, nhưng cũng có lợi vì nó tránh cho đường lối chính trị những va chạm kịch liệt, cho nhà nước những rạn nứt, cho xã hội những họa tai; tỉ mỉ, đúng đắn, tỉnh táo, chăm chỉ, tinh tường, bền sức, có khi tự mâu thuẫn với mình rồi tự cải chính; táo tợn đối với Áo ở Ăngcôn, kiên quyết đối với Anh ở Tây Ban Nha, bắn phá Ăngve, trả tiền cho Pritsa; hát quốc ca La Mácxâyde một cách tin tưởng; không biết tuyệt vọng, không biết mệt mỏi, không thích thú với cái đẹp, với lý tưởng, với những hành động hào hùng; không mơ mộng viển vông, không giận dữ, không khoa trương, không sợ sệt; có đủ mọi biểu hiện của sự dũng cảm cá nhân; là tướng ở Vanmy, là lính ở Gienmắp[169] đã tám lần suýt chạm tử hình nhưng vẫn tươi cười; can đảm như một lính pháo thủ, bạo dạn như một nhà tư tưởng, chỉ lo lắng trước khả năng một châu Âu chấn động và không thích hợp với những hành động chính trị lớn; luôn luôn sẵn sàng hy sinh tính mệnh nhưng không bao giờ chịu hy sinh sự nghiệp; muốn ảnh hưởng người ta, chứ không muốn bắt người ta làm theo ý chí của mình, để được vâng theo với tư cách mình là một trí tuệ chứ không phải là vua; không chú ý mấy đến trí thức nhưng biết người, nghĩa là cần trông thấy rồi mới đánh giá; lương tri nhậy và tinh, thông minh một cách thực tế, diễn đạt lưu loát, trí nhớ kỳ diệu; ông luôn luôn sử dụng trí nhớ, đây là điểm duy nhất ông giống Xêda, Alếcdăng và Napôlêông; nhớ rõ sự việc, chi tiết, năm tháng, nhân danh, địa danh; không biết các xu hướng, các dục vọng, các trí thức đa dạng của quần chúng, những hoài bão thầm kín, những sôi sục bí ẩn và lờ mờ của tâm hồn, tóm lại tất cả những gì người ta có thể gọi là những phong trào lưu không nhìn thấy của ý thức nhân dân. Lui Philip được thừa nhận ở bên trên nhưng không ăn ý mấy với nước Pháp hơn là trị vì; là thủ tướng của chính mình; rất giỏi việc đem thực tại nhỏ bé ngăn cản lý thuyết mênh mông; có năng khiếu sáng tạo về trật tự, về tổ chức, về văn minh nhưng chen vào đó cũng có óc thầy cò, óc thể thức; là người sáng lập một triều đại và mang ủy nhiệm của triều đại; có cái gì đó của Sáclơmanhơ đại đế, lại có cái gì đó của một thầy kiện. Tóm lại, là một nhân vật cao cấp và độc đáo, một vị vua biết tạo ra quyền lực bất chấp sự lo ngại của nước Pháp, biết làm nên hùng cường bất chấp sự ghen tức của châu Âu. Lui Philip sẽ được xếp vào hàng những người lỗi lạc của thế kỷ. Ông còn có thể được xếp vào hàng những nguyên thủ bất hủ trong lịch sử giá như ông cũng chút ít ưa vinh quang và ông có ý thức về sự lớn lao ngang với sự ích lợi.

[169] Đây là những chiến thắng lớn đầu tiên của cách mạng 1789 đối với liên quân quân chủ châu Âu.

Lui Philip lúc trẻ đẹp trai, đến già vẫn duyên dáng. Ông không được dân tộc luôn luôn ưa thích, nhưng quần chúng lại luôn thích ông. Con người ông vừa ý họ. Ông được trời phú cho cái dáng dấp hấp dẫn. Ông không oai vệ, trên đầu ông không có mũ miện dù là vua, không có mái tóc bạc, dù là lão. Điệu bộ của ông thuộc triều đại cũ, tập quán của ông thuộc chế độ mới, một sự hòa hợp giữa quý tộc và tư sản thích nghi với thời 1830; Lui Philip là sự quá độ trị vì. Ông giữ phát âm cũ và chính tả xưa, mang phục vụ tư tưởng hiện đại. Ông mến nước Ba lan và nước Hung nhưng ông viết người Pôlônoa và đọc người Hônggre.[170] Ông mặc áo quốc dân như Sáclơ X và đeo băng bắc đẩu bội tinh như Napôlêông.

[170] Nguyên văn: Polonols và Hongrais. Cách viết mới là Polonais và Hongrois

Ông ít đi lễ, không đi săn, không bao giờ đi nhà hát. Không hề bị ảnh hưởng của cha cố, của bồi chó, của vũ nữ, điều ấy góp phần vào cảm tình của quần chúng. Ông không có sân chầu. Đi ra thì ông cắp ô dưới nách và cái ô ấy trong nhiều năm đã làm sáng thêm hào quang quanh người ông. Ông làm thợ nề chút ít, làm vườn chút ít và cũng biết chữa bệnh chút ít: một người đánh xe ngã ngựa, ông chích máu cho người ấy. Lui Philip không bao giờ đi ra mà không cắp theo con dao chích, cũng giống như Hăngri III không rời dao găm. Bọn bảo hoàng chế giễu ông vua buồn cười ấy, ông vua đầu tiên đổ máu để chữa bệnh.

Về những lỗi lẫm mà lịch sử trách cứ Lui Philip phải làm một bài toán trừ: có cái là lỗi của chế độ quân chủ, có cái là lỗi của triều đại và có cái là lỗi của nhà vua; ba cột liệt kê có tổng số khác nhau. Quyền tự do dân chủ bị thu hồi, tiến bộ bị đẩy xuống lợi ích thứ hai, những người xuống đường biểu tình phản kháng bị đàn áp dữ dội, những người khởi nghĩa bị xử tử, những người bạo động vũ trang bị bắn không xét xử, sự kiện phố Trăngxnônanh, tòa án binh, pháp luật lấn át thực tại, chính phủ thỏa hiệp với ba mươi vạn người có đặc quyền, đó là do nền quân chủ; từ chối Bỉ, chinh phục Angiêri một cách ác liệt, chinh phục bằng dã man hơn là bằng văn minh, như Anh chinh phục Ấn Độ, bội ước với Ápđen Kađe và Bleei, mua chuộc Đơtđơ, trả tiền cho Pritta, đó là do triều đại; làm chính trị theo đường lối tề gia hơn là trị quốc, đó là lỗi của vua.

Chúng ta thấy đó, tính toán xong thì lỗi vua cũng nhẹ bớt đi.

Sai lầm lớn của nhà vua là ở đây: Đại diện nước Pháp, ông đã tỏ ra quá khiêm tốn.

Do đâu mà sai lầm như vậy?

Chúng ta cần nói ra.

Lui Philip là một ông vua mang nặng tính gia phụ. Mải ấp cho cái gia đình mình nở thành một vương tộc, ông sợ đủ mọi thứ và không thích bị quấy rầy. Do đó mà có những rụt rè quá đáng, không hợp khẩu vị một công chúng có ngày 14 tháng 7 trong truyền thống chính trị và Auxtéclít trong truyền thống quân sự của mình.

Nói cho đúng, nếu đừng kể đến những công nhiệm cần hoàn thành trước tiên, thì cái gia đình ấy cũng xứng đáng với tình thương yêu sâu sắc của Lui Philip. Trong gia đình ấy đức và tài sát cánh nhau. Một người con gái của Lui Philip là Mari Đorlêăng nêu tên họ mình trong hàng nghệ sĩ cũng như ngày xưa Sáclơ Đorlêăng trong hàng ngũ thi sĩ. Bà đã mang hết tâm hồn ra tạc một tượng Gian Đác bằng cẩm thạch. Hai người con trai của Lui Philip đã khiến Méttecninh buột miệng thốt ra lời khen ngợi mị dân này: Đó là những thanh niên hiếm thấy và là những hoàng tử chưa từng thấy.

Đó là sự thật về Lui Philip, không hơn, không kém.

Là hoàng-thân-bình-đẳng, mang trong người mối mâu thuẫn giữa cách mạng và phục hưng, có một phương diện đáng ngại của người cách mạng nhưng đã trở thành đáng mừng ở người cầm quyền, đó là diễm hạnh của Lui Philip năm 1830. Chưa bao giờ có người thích hợp với tình thế đến như vậy; người ấy đi vào tình thế ấy và trở thành hiện thân của thời cuộc. Ngoài ra chuyện lưu vong của ông là căn cứ lớn để đưa ông lên ngôi. Ông đã bị câu lưu, ông đã sống lang thang, nghèo túng. Ông đã lao động để sống. Ở Thụy Sĩ, người thừa kế của một thái ấp cỡ lớn nhất nước Pháp đó phải bán một con ngựa già nua để mua cái ăn. Ở Rêsơnô, ông đã dạy toán ở tư gia còn em gái ông là Ađơlaiđơ phải thêu may. Những kỷ niệm như thế về một nhà vua đã khiến cho giới tư sản say sưa phấn khởi. Tự tay ông đã phá hủy cái chuồng sắt cuối cùng ở Mông Xanh Misen do Lui XI dựng lên và Lui XV sử dụng. Ông là bạn chiến đấu của Đuymuriedơ (tướng chỉ huy ở Valmy) và là bạn của Laphaydét ông từng có chân trong câu lạc bộ Giacôbanh; Mirabô đã vỗ vai ông; Đăngtông (một trong những lãnh tụ cách mạng 1789, nổi tiếng hùng biện) đã gọi ông: “Anh bạn trẻ kia!”. Năm 93, hăm bốn tuổi, với cái tên là ông Đơ Sáctrơ, ngồi trong một buồng nhỏ tối tăm của viện Khế ước, ông đã theo dõi vụ án Lui XVI, mà người ta gọi rất đúng là tên bạo chúa tội nghiệp ấy. Sự sáng suốt mù quáng của cách mạng đã bẻ gãy quân quyền trên người nhà vua và tiêu diệt nhà vua cùng với nền quân chủ. Thế mà hầu như cái sáng suốt mù quáng ấy không nhìn thấy con người trong khí thế tư tưởng lồng lên chà cán tuốt, không nhìn thấy không khí bão tố bao trùm của tòa án, sự căm phẫn của quần chúng đứng lên hỏi cung, cảnh lúng túng của “tên Capê”[171]không biết trả lời thế nào, sự lảo đảo kinh hãi của cái đầu đế vương ấy dưới luồng gió rợn người, sự vô tội của tất cả mọi người trong tai họa, của người kết án lẫn kẻ bị kết án; những cái đó, ông ta đều nhìn thấy, ông ta đã chứng kiến những quay cuồng kia; ông ta đã thấy lịch sử ra trước vành móng ngựa của viện khế ước; đằng sau Lui XVI, người bộ hành hữu trách xấu số ấy, ông ta đã thấy đứng lừng lững kẻ bị cáo dữ dội là dân quyền. Trong ký ức của ông còn lại niềm cung kính hãi hùng đối với cuộc công xử rộng lớn của nhân dân, cũng vô tư như sự phán xử của Chúa.

[171] Tức Lui XVI, bị gọi theo tên tộc họ Capet.

Cách mạng đã để lại dấu ấn lớn ở tâm trí Lui Philip. Ký ức của ông đã thành một bản rập sống từng giờ từng phút của những năm lớn lao ấy. Có một nhân chứng hoàn toàn đáng tin cậy kể lại rằng một hôm ông đã theo trí nhớ mà đính chính hết cả bản danh sách những đại biểu của viện Lập hiến mà tên bắt đầu bằng chữ A.

Lui Philip là một ông vua minh bạch. Ông trị vì thì báo chí được tự do, diễn đàn tự do, tín ngưỡng và ngôn luận tự do. Những đạo luật tháng Chín rất rõ ràng. Biết rằng những đặc quyền được công bố ra ánh sáng thì sẽ bị ánh sáng gặm mòn, ông cứ để ngôi vua của mình phơi trần ngoài ánh sáng. Lịch sử sẽ công minh đối với niềm trung thực ấy.

Cũng như mọi nhân vật lịch sử khi đã rời khỏi vũ đài chính trị, Lui Philip đang được công luận thẩm xét. Vụ án của ông còn đương ở tòa sơ thẩm. Cái giờ phút mà lịch sử truyền phán tự do và tôn nghiêm chưa điểm đối với ông ta: chưa đến lúc nêu được một bản phán quyết chung thẩm. Nhà sử học nghiêm khắc và lừng danh Luy Blăng vừa chữa nhẹ bớt bản án mình dựng lên; Lui Philip là người được chọn bởi 221 và 1830, hai cái “hầu như”: nghĩa là bởi một bán quốc hội và một bán cách mạng. Dù sao, đứng trên quan điểm thượng đẳng của triết học, chúng ta chỉ có thể nhận xét ông với sự dè dặt cần thiết nhân danh nguyên lý dân chủ tuyệt đối, như chúng ta đã nói trên kia. Đứng trước tuyệt đối thì không có quyền nào khác ngoài hai quyền kia: dân quyền và nhân quyền; những gì khác đều là lạm tiếm. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, sau khi thanh minh như vậy rồi, chúng ta có thể nói rằng dù sao thì theo quan điểm nhân thiện, Lui Philip vẫn là một trong những vị vua tốt nhất đã trị vì.

Cái gì chống Lui Philip? Chính là cái ngai vàng. Hãy cất cái danh hiệu là vua cho Lui Philip thì cái còn lại là con người. Mà con người ấy tốt. Tốt đến nỗi có khi đáng phục. Nhiều khi, giữa những lo âu lớn, sau một ngày đấu tranh ngoại giao với toàn châu Âu. Ông về phòng mình buổi tối mệt nhoài ra. Bấy giờ ông làm gì? Ông cầm một tập hồ sơ và thức suốt đêm để xét lại một vụ án đại hình: ông cho rằng đương đầu với cả châu Âu là một việc lớn, nhưng giành giật một con người với đao phủ lại là một việc lớn hơn. Ông kiên trì chống đối vị bộ trưởng tư pháp, ông giật máy chém từ tay các chưởng lý, những người ba hoa đó của luật pháp, như ông gọi. Nhiều khi hồ sơ chất đầy bàn, ông vẫn xem xét tất; ông khắc khoải sợ bỏ rơi những cái đầu khốn khổ bị xử. Một hôm ông nói với nhân chứng nhắc ở trên: Đêm nay tôi tranh được bảy. Trong những năm đầu triều đại, tử hình hầu như bị hủy bỏ trên thực tế và máy chém được dựng lại là trái ý nhà vua. Pháp trường La Grevơ cũ đã bị hủy bỏ cùng với dòng trưởng, một pháp trường tư sản được dựng lên cái tên là Cổng Xanh Giắc; những người “thiết thực” cảm thấy cần có một máy chém chính quy. Đó là một chiến thắng của Cadimia Pêriê, đại biểu của cánh tư sản hẹp hòi đối với Lui Philip, đại biểu của cánh tự do. Philip đã phê vào cuốn sách của Béccaria.[172] Sau khi xảy ra vụ ám sát Fiesi, ông kêu: “Tiếc rằng tôi không bị thương! Nếu bị thương thì tôi có quyền ân xá”. Một lần khác, về vụ một chính trị phạm loại nhân vật cao cả nhất ở thời đại ta, nghĩ đến sự phản đối của các bộ trưởng của mình, ông viết: Ân xá thì đành rồi. Ta chỉ còn phải tranh thù cho được mà thôi. Lui Philip dịu hiền như Lui IX và tốt bụng như Hăngri IV.

[172] Nhà hình pháp học Ý thế kỷ XVIII, đã viết một cuốn sách “về những tội phạm” với thái độ nhân đạo.

Mà đối với chúng tôi nhân từ hiếm có trong lịch sử như ngọc liên thành, cho nên con người tốt được xếp hầu như trước con người vĩ đại.

Lui Philip bị người này đánh giá nghiêm khắc, kẻ kia phê phán khắt khe, nay có một người từng biết ông ta - một người ngày nay cũng đã là bóng ma rồi - đến làm chứng cho ông ta trước tòa án lịch sử thì cũng là việc tự nhiên thôi. Lời đối chứng đó dù sao cũng rõ ràng và trước tiên là không vụ lợi. Một lời văn bia do một người chết viết là trung thực. Bóng ma này có thể an ủi bóng ma kia. Cùng nằm chung trong bóng tối thì có quyền ca ngợi nhau. Không sợ người ta nói về hai nấm mồ biệt xứ là: Mộ này đã nịnh hót mộ kia.