Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển XIII

QUYỂN XIII: MARIUYTX TRONG BÓNG TỐl

I

TỪ PHỐ PƠLUYMÊ ĐẾN KHU XANH ĐƠRI

Cái tiếng gọi qua cảnh hoàng hôn, bảo Mariuytx đến chiến lũy phố Săngvrơri, Mariuytx tưởng như tiếng gọi của Định mệnh. Chàng muốn chết thì cơ hội đã đến, chàng đương gõ cửa âm cung thì một bàn tay nào trong bóng tối đã đưa cho chàng chìa khóa âm cung. Sự mở cửa đón mời ảm đạm trong bóng tối như thể có ma lực hấp dẫn những con người thất vọng. Vì vậy, Mariuytx đẩy cái song sắt đã bao lần để cho chàng vào vườn, rồi chàng bước ra đường, nói: nào thì đi!

Mariuytx đau khổ như điên như dại, đầu óc chàng hoàn toàn rối loạn. Sau hai tháng say sưa ngây ngất với tình yêu, với tuổi trẻ, bây giờ chàng không thể chịu đựng một sự khe khắt nào của số mệnh cả. Tư tưởng miên man trong niềm thất vọng, chàng chỉ còn một mơ ước là chết cho nhau.

Chàng rảo bước đi nhanh. Ngẫu nhiên mà chàng đã được vũ trang vì chàng vẫn giữ hai khẩu súng lục của Giave.

Người thanh niên đến gọi chàng đã mất hút trong các ngả phố.

Mariuytx đi hết phố Pơluymê, qua một con đường lớn, vượt quảng trường Expơlanát và cầu Anhvalít, theo con đường Săng Êlidê, lại vượt quảng trường Luy XIV rồi đến phố Rivôli. Ở đây các cửa hiệu vẫn mở bán, đèn khí vẫn thắp sáng trưng dưới các vòm cuốn, phụ nữ mua sắm lăng xăng trong tiệm, ở hàng cà phê Lete người ta ăn kem, khách hàng vẫn ăn bánh ngọt trong cửa hàng bánh Ănglê. Chỉ có vài chiếc xe trạm từ khách sạn Lơ Pơranhxơ và khách sạn Mơrít ra đi nhanh như biến.

Mariuytx đi qua ngõ Đơloóc để vào phố Xanh Ônôrê. Ở đây hàng hiệu không bán, các chủ hiệu đứng nói chuyện với nhau bên ngoài cánh cửa mở hé, ngoài đường người ta còn đi lại, đèn phố vẫn sáng, trong nhà, từ tầng một, vẫn có ánh đèn ở cửa sổ như mọi ngày. Ở quảng trường Pale Rôian, có kỵ binh tập trung.

Mariuytx đi dọc theo phố Xanh Ônêrê. Càng đi xa Hoàng cung, càng ít thấy ánh đèn ở các cửa sổ. Hàng hiệu đóng kín mít, trước hiên không ai đứng chuyện vãn, đường phố tối dần mà người thì càng đông. Người qua đường ở đây dồn thành một đám đông. Trong đám đông ấy, không nghe ai nói cả, tuy vậy vẫn còn có một thứ tiếng ồn ào âm ỉ.

Ngang giếng máy Acbrơxêc, có những đám người tập họp, những đám đông ấy lặng lẽ đứng yên một chỗ giữa những khách đi đường như hòn đá giữa dòng nước xuôi.

Vào đến phố Pruve thì hoàn toàn không còn ai đi lại. Dòng người đã kết thành một khối vững chãi, nặng nề, chắc nịch, dày đặc, hầu như không thể chen vào được nữa. Những người ấy nói chuyện thì thầm. Hầu như không có cái áo đen, cái mũ tròn[256] nào. Chỉ có áo khoác vải, áo bơ-lu mũ két, đầu trần, tóc lởm chởm, mặt sạm. Cái biển người ấy gợn gợn trong sương mù ban đêm. Tiếng lầm rầm của nó nghe gay gắt như một tiếng rít. Mặc dù không ai đi lại, người ta vẫn nghe bước chân giẫm trên bùn.

[256] Y phục tư sản

Qua khỏi biển người dày đặc ấy, ở phố Rulơ, phố Pruve và quãng tiếp phố Xanh Ônôrê, tuyệt đối không còn ánh đèn cửa sổ. Chỉ còn mấy dãy đèn phố cô đơn và mờ nhạt dần trong khoảng xa. Thời ấy, đèn phố tương tự như những chiếc sao đỏ to treo lơ lửng giữa không trung, chiếu xuống mặt đất một cái bóng đèn có hình thù một con nhện to tướng. Các phố này không phải là vắng ngắt. Người ta thấy lờ mờ những cây súng dựng chụm đầu lại, những mũi lưỡi lê động đậy, và nhiều toán quân cắm trại. Không có ai tò mò vượt quá ranh giới ấy. Ở đấy, sự đi lại tắc hẳn. Ở đấy lĩnh vực của quần chúng nhân dân chấm dứt, lĩnh vực của quân đội nhà nước bắt đầu.

Mariuytx có cái quyết tâm của người tuyệt vọng. Người ta gọi chàng thì chàng phải đi cho bằng được. Chàng làm thế nào thì không biết, nhưng đã chen qua biển người, đã vượt vùng đồn lính, đã trốn thoát các đội tuần tra, đã tránh khỏi những lính gác. Chàng tạt qua con đường Bêtidi và đi vào khu chợ. Đến đầu đường Buốcđônne thì không còn ngọn đèn phố nào nữa.

Vượt khỏi vùng quần chúng tụ tập, vượt khỏi vùng quân đội dồn binh, chàng rơi vào một nơi kinh khiếp. Không một bóng lính, không một bóng bộ hành, không ánh đèn, không ai cả. Chỉ có quạnh quẽ, im lìm và bóng tối, và một cái gì như là một luồng khí lạnh thấm buốt vào xương. Bước vào một đường phố ở đây cũng như bước vào một hầm nhà lạnh lẽo.

Mariuytx vẫn đi tới.

Được mấy bước chàng thoáng thấy có người chạy qua bên cạnh chàng. Đàn ông hay đàn bà? Nhiều người hay chỉ có một? Chàng không biết. Người ta thoáng qua rồi biến mất.

Quanh quẩn một hồi rồi Mariuytx đến một ngõ phố mà chàng đoán là phố Pôtơri. Đi được nửa phố, chàng va phải một vật chướng ngại. Chàng đưa tay sờ: đó là một cỗ xe bị lật ngược. Chân chàng giẫm phải những vũng nước, những vết lún, những tảng đá rời chất thành đống. Đó là một cái chiến lũy mới bắt đầu dựng rồi bỏ dở. Chàng trèo lên dãy đá, nhảy qua phía bên kia. Chàng đi sát mấy cây trụ vôi và men theo các tường gạch mà tiến lên. Quá cái chiến lũy bỏ dở một đoạn, chàng lờ mờ trông thấy có cái gì trăng trắng. Đến gần thì vật ấy hiện rõ: đó là hai con ngựa bạch. Hai con ngựa đó là ngựa kéo cỗ xe hàng, do Bốtxuyê tháo ra lúc ban sáng. Chúng đi lang thang suốt ngày, cuối cùng dừng lại đây một cách nhẫn nại vì không hiểu nổi hành động của loài người, cũng như loài người không hiểu nổi hành động của tạo hóa.

Mariuytx vượt qua chỗ hai con ngựa đứng. Khi chàng bước vào một con đường phố mà chàng cho là phố “khế ước” thì có một phát súng, không biết bắn vu vơ từ đâu đến, làm sáng khoảng đêm, viên đạn rít bên tai chàng và làm thủng cái đĩa đồng ở ngay trên đầu chàng, một cái đĩa để cạo râu mà người thợ cạo treo trước cửa hiệu để quảng cáo. Năm 1846, ở phố Khế ước, trong khu cột chợ, vẫn còn cái đĩa thợ cạo thủng đó.

Tiếng súng ấy hãy còn là cảnh sống. Từ lúc ấy trở đi, Mariuytx mới thật hoàn toàn ở trong cảnh vắng lặng không người.

Hành trình vừa qua của Mariuytx không khác một hành trình xuống những bậc thang tối tăm của âm cảnh.

Tuy vậy chàng cứ đi tới.

II

PARI DƯỚI CÁNH CÚ BAY

Ai có cách gì bay lượn trên thành phố Pari lúc bấy giờ với đôi cánh dơi hay cánh cú ắt tìm thấy một cảnh ảm đạm.

Cái khu chợ xưa cũ ấy giống như một thành phố ở trong một thành phố, đường phố Xanh Đơni và đường phố Xanh Máctanh chạy xuyên qua khu ấy và hàng nghìn phố nhỏ và ngõ phố đâm ngang dọc qua hai đường kia, cái khu chợ mà những người khởi nghĩa lấy làm căn cứ và đồn trú đó, người lượn trên cao sẽ nhìn thấy như một cái hố đen tối và khổng lồ đào giữa Pari. Con mắt như rơi vào một vực thẳm.

Vì đèn đường bị đập vỡ hết, cửa sổ đóng kín hết, nên ở đây không còn tia sáng nào, không còn dấu hiệu nào của sự sống, không còn tiếng động nào, sự cử động nào. Lực lượng cảnh sát vô hình của quân khởi nghĩa canh gác khắp nơi và duy trì trật tự, tức là đêm tối. Giấu số ít trong một màn đêm rộng lớn, nhân khả năng chiến đấu của mỗi chiến sĩ lên bằng những khả năng tiềm tàng trong bóng tối, đó là chiến thuật cần thiết của khởi nghĩa. Khi đêm xuống, mỗi cửa sổ thắp nến lên đều bị một phát đạn: ánh sáng tắt, đôi khi người chết. Bởi vậy không còn gì động đậy ở đây nữa. Chỉ còn kinh hãi, tang tóc, hoảng hốt trong các ngôi nhà, ở ngoài đường thì một không khí ghê rợn thiêng liêng. Cả đến những hàng dài cửa sổ và tầng gác, những nhấp nhô của ống khói và mái nhà, những ánh phản chiếu lờ mờ trên nền đường lầy lội và ẩm ướt. Mắt nhìn từ trên cao xuống cái vùng mờ tối ấy có lẽ sẽ nhìn thấy đây đó, cách từng quãng, có những ánh sáng lù mù làm hiện lên những đường gãy góc kỳ dị, những dạng kiến thiết khác thường, một cái gì như những ánh ma trơi giữa một di tích đổ nát, đó là các chiến lũy. Ngoài ra là một cái hồ bóng tối đầy sa mù nặng nề, ảm đạm; trên đó nổi lên sừng sững hình dáng im lìm và rùng rợn của tháp Xanh Giắc, nhà thờ Xanh Meri và hai hay ba tòa nhà đồ sộ khác, những công trình khổng lồ mà con người xây dựng đó đêm tối lại biến thành hình ma bóng quỷ.

Chung quanh cái trận đồ bát quái vắng vẻ và dễ sợ đó, ở các khu phố giao thông chưa tắc nghẽn và còn vài chiếc đèn đường thưa thớt đang soi sáng, người quan sát trên không sẽ thấy lấp lánh mã tấu và lưỡi lê, sẽ nghe tiếng lăn trầm trầm của các tiểu đoàn im lặng đến nỗi mỗi phút càng đông. Một vành đai dữ dội từ từ thắt chặt và vây kín đám nghĩa quân.

Khu vực bị bao vây chỉ còn là một thứ hang quái đản, ở đấy cái gì cũng có vẻ như ngủ yên hoặc bất động và như ta đã thấy, mỗi đường phố đều chỉ bày cho thấy có bóng đêm.

Bóng đêm hung dữ, đầy cạm bẫy, đầy những va chạm khó biết và đáng sợ, bóng đêm vào thì kinh sợ mà ở đó thì ghê hồn, bóng đêm mà ai xông vào thì rùng mình trước kẻ chờ đợi, ai chờ đợi thì giật mình trước kẻ xông vào. Mỗi góc phố có những chiến sĩ vô hình trụ chốt, phải chăng đó là cạm bẫy của nhà mồ giấu trong đêm sâu? Thật hết rồi. Không mong còn ánh sáng nào ngoài chớp lóe của phát súng, còn hội ngộ nào ngoài hội ngộ đột ngột và may mắn với tử thần. Ở chỗ nào? Cách thế nào? Bao giờ? Không biết nhưng chắc chắn, không thể tránh. Ở đây, ở chỗ đã định để làm chiến trường này, chính phủ và nghĩa quân, quốc dân quân và các tổ chức quần chúng, giai cấp tư sản và dân chúng bạo khởi sắp xáp trận trong mò mẫm. Cả hai bên đều chỉ có một nhu cầu: chết hay là thắng, không có lối ra nào khác.

Tình thế đã đến chỗ triệt để, bóng đêm đã đến mức dữ dội mà những kẻ rụt rè nhất đâm ra cương quyết, còn người bạo dạn nhất lại hóa ra hoảng hốt.

Ngoài ra, ở hai phía đều cuồng phẫn, hung hãn quyết tâm ngang nhau. Đối với những kẻ này, tiến lên là chết, nhưng chẳng ai nghĩ đến thối lui; đối với những người kia ở lại là chết nhưng chẳng ai nghĩ đến bỏ chạy.

Ngày mai cần phải xong cả, cần phải bên này hay bên kia thắng, cần phải thấy cuộc khởi nghĩa là một cuộc cách mạng hay chỉ là một cuộc bạo động xoàng. Chính phủ cũng hiểu điều ấy giống như các đảng phái, anh tư sản tầm thường nhất cũng cảm thấy như thế. Do đó một tư tưởng khắc khoải phảng phất trong bóng tối dày đặc của khu phố mà mọi việc sẽ định đoạt, một cảm giác lo âu hồi hộp tăng lên chung quanh sự yên lặng từ đó tai họa sẽ xảy ra. Ở đây chỉ nghe thấy có một thứ tiếng, một tiếng thảm như tiếng rên, đe dọa như tiếng nguyền rủa: tiếng chuông nhà thờ Xanh Meri. Không gì rợn người cho bằng tiếng kêu thất thanh và thất vọng của cái chuông đó khi nó kể lể khóc than trong đêm tối.

Cũng thường khi như thế, vạn vật tuồng như đã thỏa thuận về công việc mà con người sắp làm. Không gì làm vướng bận cái vẻ hài hòa thảm đạm của nơi này cả. Sao đã biến hết, nhiều đám mây nặng nề dàn những nếp buồn rầu che kín chân trời. Trời đen sẫm che trên các đường phố chết tựa như một tấm khăn liệm mênh mông bọc phủ nấm mộ bao la này.

Trong khi một cuộc đấu tranh hãy còn hầu như là chính trị sắp diễn ra ở nơi đã chứng kiến biết bao biến cố cách mạng, trong khi thanh niên, các hội kín, các trường học vì nguyên tắc, và các tầng lớp trung lưu vì quyền lợi, mà tiến lại gần nhau để va nhau, ôm siết nhau và vật ngã nhau, trong khi mỗi người mong mỏi và thúc giục cho cái giờ chót, giờ quyết định cuộc khủng hoảng mau đến thì ở nơi xa, ở ngoài khu vực nguy hiểm này, ở tận đáy những hang cùng thăm thẳm của thành phố Pari nghèo khổ bị che lấp bởi thành phố Pari lộng lẫy, sung sướng và giàu sang, người ta nghe thấy tiếng rền rền tiếng thét trầm trầm của dân chúng.

Một tiếng dễ sợ, một tiếng thiêng liêng làm bằng tiếng gầm của con thú hòa với lời phán của Chúa trời, một thứ tiếng làm cho người hiểu biết nghiệm ra lẽ, người nhu nhược hoảng hồn, một thứ tiếng từ dưới lên như tiếng gầm của sư tử, từ trên xuống như tiếng vang của sấm trời.

III

MÉP BỜ CUỐI CÙNG

Mariuytx đến khu chợ.

Ở đây cảnh vật còn yên lặng, tăm tối, im lìm hơn ở các phố lân cận. Dường như cái yên tĩnh lạnh lẽo của cõi âm đã từ lòng đất thoát lên, lan tràn khắp dưới bầu trời.

Tuy nhiên, một vùng ánh sáng đỏ lừ chiếu lên, in lên nền trời tối đen như hình các mái nhà cao ngất chắn ngang phố Săngvrơri. Đó là ánh sáng đuốc trên chiến lũy ở quán Côranh phía nhà thờ Xanh Otxtasơ. Mariuytx đi về hướng ánh sáng đỏ ấy. Nó đưa chàng tới chợ Poarê, từ đấy chàng trông thấy dân phố Pơrêsơ tối om. Chàng tiến vào. Người nghĩa quân gác ở cuối phố không trông thấy chàng. Chàng có cảm giác sắp đến chỗ đang tìm nên đi rón rén. Chàng tới khúc rẽ vào đoạn đường Môngđêtua ngắn. Con đường này là lối độc nhất Ănggiônrátx giữ lại để liên lạc với bên ngoài như ta đã biết. Đến cái nhà cuối cùng ở góc phố bên trái, chàng thò đầu ra nhìn vào đoạn đường Môngđêtua.

Phố Săngvrơri trải ra một vạt bóng tối che bọc luôn cả chàng. Cách chỗ hai phố Săngvrơri và Môngđêtua gặp nhau một quãng ngắn, chàng thấy một đường loang loáng, một góc quán rượu, phía sau, một ngọn đèn dầu nhấp nháy soi vào một thứ tường lũy không ra hình thù gì, và một đám người ngồi xổm, súng đặt trên đầu gối. Đó là bên trong chiến lũy, cách chàng độ vài mươi thước.

Phần lớn quán rượu, chiến lũy chính và ngọn cờ đều khuất sau dãy nhà bên phải đường Môngđêtua.

Mariuytx chỉ bước một bước là đến.

Nhưng anh chàng thanh niên đáng thương ấy lại ngồi xuống một cột trụ bên đường. Chàng khoanh tay lại, nghĩ ngợi về bố mình.

Chàng nghĩ đến bố, ông đại tá Pôngmécxi anh dũng. Con người quân nhân đầy kiêu hãnh ấy đã từng trấn giữ biên giới nước Pháp thời cộng hòa và đã từng trấn giữ biên giới châu Á thời hoàng đế Napôlêông. Ông đã từng thấy Giên, Alêchdăngđri, Milăng, Tuyranh, Mađơrit, Viên, Đơrexđơ, Béclanh, Mốtxcu. Ông đã từng đổ máu trên tất cả các chiến trường châu Âu, dòng máu ấy Mariuytx đang mang trong mình. Đời sống kỷ luật và nhiệm vụ chỉ huy đã làm cho ông già trước tuổi. Ông đã từng sống những ngày luôn luôn phải nai nịt sẵn sàng, có khi cầu vai rơi trễ xuống ngực, quân hiệu đen xì thuốc súng và vừng trán có vết mũ hằn lên, rồi lúc thì ở lều, lúc thì ở trại, lúc thì đóng quân dọc đường, lúc thì đi cùng đoàn quân y. Như thế suốt hai mươi năm chinh chiến. Lúc trở về má mang lằn sẹo dài nhưng mặt vẫn tươi cười, người giản dị, thanh thản, đáng kính và trong trắng như trẻ con. Con người ấy đã toàn tâm phục vụ tổ quốc và không hề làm một điều gì chống lại tổ quốc cả.

Bây giờ đến lượt chàng. Đã đến lúc chàng phải nối gót cha mà tỏ ra can đảm, gan góc, bạo dạn, dám xông pha bom đạn, sẵn sàng đem ngực mà chống lại lưỡi lê, sẵn sàng đổ máu, sẵn sàng đi tìm quân thù và sẵn sàng đi tìm cái chết. Đã đến lượt chàng phải tham gia chiến đấu, phải ra ngoài trận địa, mặc dù trận địa ở đây là đường phố và cuộc chiến tranh ở đây là nội chiến!

Cuộc nội chiến hiện ra trước mắt chàng như một cái hố thẳm. Chàng thấy rồi đây chàng sẽ rơi xuống hố ấy.

Bỗng dưng chàng rùng mình.

Chàng nhớ đến thanh gươm của cha chàng mà trước đây ông chàng đã đem bán cho hàng đồng nát làm cho chàng tiếc đến đứt ruột. Bây giờ thì chàng thấy thanh gươm anh dũng và trong sạch ấy rời khỏi tay mình, giận dữ bỏ đi vào cõi tối tăm như thế là phải. Chắc hẳn nó trốn đi như thế là vì nó thông minh, nó đoán biết trước được tương lai. Có lẽ vì nó linh cảm sẽ có ngày dân chúng nổi dậy, người ta sẽ đánh nhau trong rãnh nước, trên đường phố, sẽ bắn nhau từ cửa sổ dưới hầm các nền nhà, sẽ đâm chém nhau từ phía sau lưng vì nó đã trải qua những chiến thắng lẫy lừng ở Marănggô, ở Pơrietlăng, nên nó không muốn người ta mang nó đến phố Săngvrơri, vì sau khi đã cùng ông bố lập nên bao nhiêu công trạng anh hùng, nó không muốn cùng ông con làm những công việc như vậy! Chàng lại nghĩ giá thanh gươm còn ở nhà, chàng đã nhận nó ở đầu giường bố khi bố qua đời, và chàng dám cả gan xách nó dùng vào cuộc huynh đệ tương tàn trong đêm tối ở ngã tư này, thì chắc nó sẽ làm bỏng cả tay chàng và nó sẽ bốc lên thành ngọn lửa sáng rực như lưỡi gươm thiêng! May sao mà nó đã biệt tăm biệt tích! Bây giờ nghĩ lại chàng mới thấy việc ông ngoại chàng đem bán nó đi là đúng, chính ông ngoại chàng mới thật là người biết giữ gìn thanh danh cho bố chàng, bán nó đi cho hàng đồng nát vứt vào đống sắt gỉ còn tốt hơn là đem dùng để đâm vào sườn tổ quốc hôm nay.

Nghĩ đến nó, chàng bưng mặt khóc nức nở.

Ghê rợn quá. Nhưng biết làm sao? Sống mà không có Côdét chàng thấy không thể sống nổi. Nàng đã đi rồi, thì chàng chỉ còn chết. Không phải chàng đã lấy danh dự nói với nàng rằng chàng sẽ chết hay sao? Đã biết thế mà cứ bỏ đi, nghĩa là ưng cho chàng chết chứ còn gì nữa. Thôi rõ quá rồi, người ta chẳng còn yêu thương gì chàng đâu, bỏ đi mà không hề cho chàng biết, một lời cũng không, một chữ cũng không, mà có phải người ta không biết địa chỉ của chàng cho cam! Sống làm gì nữa, và tại sao phải sống nữa bây giờ? Với lại, đã đến đây mà còn lùi sao? Đã tiến đến gần nơi nguy hiểm mà lại bỏ chạy sao? Đã vào thấy chiến lũy mà lại lẩn tránh sao? Lẽ nào vừa run sợ lẩn tránh lại vừa nói: thôi, thôi, tôi đã trông thấy rồi đủ rồi, nội chiến mà, tôi xin đi! Lẽ nào bỏ mặc bạn bè đang đợi mình! Có lẽ họ đang cần mình kia mà! Họ có một nhóm người mà phải chống lại cả một lộ quân! Bỏ đi để lỗi hẹn với tất cả, với tình yêu, với tình bạn, với lời mình tự hứa nữa? Lấy cớ yêu tổ quốc mà che sự nhát gan của mình sao? Không thể như thế được. Giá có hồn ma của bố chàng trong bóng tối lúc đó thấy chàng lùi bước như thế, chắc cũng sẽ lật gươm đập vào lưng chàng và thét lớn: tiến lên, đồ hèn!

Chàng cúi đầu, bao nhiêu ý nghĩ tới lui lúc ấy làm óc chàng rối bời.

Bỗng chàng ngẩng lên. Trí chàng như vừa tỉnh ngộ. Hình như gần chết thì trí óc sống lên và người ta nhìn rõ được chân lý hơn. Công việc chàng sắp dấn thân vào, chàng không còn hình dung đó là một việc thảm hại nữa, trái lại chàng thấy đó là một việc vẻ vang. Trong trí chàng, không biết do diễn biến thế nào mà cuộc chiến tranh đường phố phút chốc đã thay đổi hẳn bộ mặt. Hết thảy các câu hỏi rối rắm chàng tự đặt ra trong lúc mơ màng, bấy giờ lại ùn ùn kéo đến, nhưng không hề làm chàng nao núng. Chẳng có câu nào chàng bỏ qua không giải đáp được.

Nào, tại sao bố chàng lại giận chàng được? Phải có những trường hợp của một cuộc khởi loạn cũng có cái vinh quang của một nghĩa vụ chứ? Anh con ông đại tá Pôngmécxi mà tham gia vào cuộc chiến đấu này thì có gì làm giảm phẩm cách của anh chứ? Không phải Môngmiray, cũng không phải Săngpôbe. Đây là cái khác. Vấn đề ở đây chẳng phải là bảo vệ đất thánh mà là chiến đấu cho một lý tưởng thiêng liêng. Tổ quốc có kêu ca, đành vậy, nhưng nhân loại lại hoan nghênh. Mà có thật Tổ quốc kêu ca không? Nước Pháp chảy máu nhưng tự do lại mỉm cười, và trước nụ cười của tự do, nước Pháp quên cả vết thương mình. Với lại, nhìn vấn đề một cách cao rộng hơn nữa thì cái gì đáng gọi là nội chiến?

Nội chiến là gì? Vậy có ngoại chiến không? Tất cả các cuộc chiến tranh giữa loài người chẳng phải là chiến tranh giữa anh em thì là gì? Tính chất một cuộc chiến tranh quyết định ở mục đích của nó. Chẳng có ngoại chiến, nội chiến gì cả, chỉ có chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa mà thôi. Cho đến ngày thiên hạ đại đồng, thì chiến tranh, ít nhất là chiến tranh giữa cái cũ đang chần chừ mãi không chịu cuốn vó đi và cái mới đang nóng ruột tiến lên, chiến tranh ấy còn có thể là cần thiết. Đối với thứ chiến tranh như thế, có gì đáng trách? Chiến tranh sở dĩ là một mối nhục nhã, thanh gươm sở dĩ thành một con dao giết người là vì nó giết chết công lý, tiến bộ, lẽ phải, văn minh, chân lý. Đã thế, thì ngoại chiến, nội chiến gì, nó cũng phi nghĩa cả, là tội ác. Nếu không kể đến chính nghĩa thiêng liêng thì hình thức chiến tranh này có quyền gì khinh bỉ hình thức chiến tranh kia? Lưỡi gươm của Oasintơn[257] có quyền gì mà không công nhận mũi giáo của Cami Đêmulanh?[258]

[257] Lãnh tụ của phong trào độc lập Hoa Kỳ

[258] Một nhà cách mạng Pháp hồi 1789

Lêoniđa chống giặc ngoài, Timôlêông chống bạo chúa, ai vĩ đại hơn ai? Một người bảo vệ, một người giải phóng. Lẽ nào thóa mạ tất cả những cuộc chiến đấu vũ trang nội bộ không cần đếm xỉa đến mục đích của nó? Như thế thì phải kể là điếm nhục tất cả những Bruytuýtx, Mácxen, Acnu đơ Blăngkenem, Côlinhi. Giặc bờ bụi à? Giặc đường phố à? Sao lại không? Đó là giặc của Ăngbioritx, của Actơvenđơ, của Mácnitx, của Pêlagiơ. Nhưng Ăngbioritx chiến đấu chống Lamã, Actơvenđơ chống Pháp, Mácnitx chống Tây Ban Nha, Pêlagiơ chống bọn Morơ, tất cả đều chống ngoại bang. Vậy thì quân chủ là ngoại bang, áp bức là ngoại bang, thần quyền là ngoại bang. Chế độ chuyên chế vi phạm biên giới của đời sống tinh thần chẳng khác gì quân xâm lược vi phạm biên giới địa lý của một quốc gia. Đánh đuổi tên độc tài hay đánh đuổi quân xâm lược Anh, trong hai trường hợp đều là giành lại lãnh thổ của mình.

Đến một lúc nào đó, phản kháng không còn đủ được nữa, triết lý xong phải hành động mới được, vũ lực phải hoàn thành được những cái mà tư tưởng đã phác họa. Prômêtê bị xiềng bắt đầu, Arixtôgitông kết thúc, Bách khoa toàn thư soi sáng trí óc mọi người thì ngày 10 tháng tám kích thích họ như một luồng điện. Sau Etsin là Traxybuyn sau Điđơrô phải có Đăngtông.

Quần chúng có xu hướng muốn có một vị chúa. Khối dày đặc của họ dễ bất động. Đám đông thường dễ đi đến phục tòng. Cho nên phải lay họ, đẩy họ, lấy cái việc giải phóng họ mà thúc mạnh vào người họ, lấy sự thật mà đập vào mắt họ, đem ánh sáng mà ném chúa chát vào mặt họ mới được. Phải làm cho họ như bị sét đánh một chút, có lóa mắt như thế họ mới tỉnh dậy được. Do đó tiếng trống, tiếng mõ và chiến tranh là cần. Những chiến sĩ vĩ đại, phải vùng lên, đem tinh thần dũng cảm của mình mà làm sáng rực các quốc gia, lay mạnh cả cái nhân loại thảm đạm đang khuất lấp dưới bóng tối của nền quân chủ thần quyền, của đầu óc tranh vương đồ bá, của bạo lực, của cuồng tín, của những chính quyền vô trách nhiệm đối với nhân dân, của những ngôi vua độc đoán. Một đám ô hợp đang ngẩn ngơ nhìn những chiến thắng của bóng đêm trong cảnh hoàng hôn rực rỡ.

Đả đảo độc tài! Ơ kìa! Nói ai thế? Gọi Luy Philip là độc tài à? Không phải, cũng như Luy XVI, chẳng khác gì. Hai người ấy, trong lịch sử quen gọi là những ông vua tốt. Có điều nguyên tắc là một khối không cắt xén được. Lôgic của chân lý thẳng băng, đặc điểm của chân lý là không dễ dãi, cho nên không thể nào nhân nhượng được. Bất cứ sự lấn át nào lên con người đều phải trừng trị ngay. Trong Luy XVI có nguyên lý thần quyền, mà Luy Philip thì có cái “vì là dòng họ Buốcbông”. Cả hai, trong một phạm vi nhất định, là tiêu biểu của sự thu đoạt các quyền làm người làm dân. Muốn san phẳng mọi sự thán đoạt rộng khắp trên trái đất này, thì phải đánh đổ hai người ấy. Việc ấy cần thiết vì nước Pháp luôn luôn là chỗ khởi thủy mọi việc. Khi nhà vua Pháp sụp đổ, thì mọi nhà vua cũng đổ theo. Tóm lại, khôi phục chân lý xã hội, trả địa vị độc tôn cho tự do, trả dân chúng lại cho dân chúng, trả chủ quyền lại cho con người, trả vinh quang cho nước Pháp, phục hồi đầy đủ công lý và lẽ phải, bãi bỏ mọi mầm mống xung đột bằng cách trả quyền hạn con người lại cho mỗi người, tiêu diệt mọi trở lực mà vua chúa dựng lên trên đường thế giới đại đồng, đặt nhân loại ngang hàng với nhân quyền, như thế còn mục đích nào chính nghĩa hơn, do đó, còn chiến tranh nào vĩ đại hơn? Những thứ chiến tranh như thế là chiến tranh xây dựng hòa bình. Các đồn lũy khổng lồ của thành kiến đặc quyền, mê tín, lừa phỉnh, bóp nặn, lạm quyền, hành hung, bất công, ám muội, còn sừng sững trên thế giới này với tất cả những pháo đài của hằn thù. Phải quật nó đổ xuống. Phải đạp bằng cái khối ghê tởm ấy đi. Chiến thắng ở Auxtéclít là lớn lao, nhưng san bằng ngục Bátxti mới là tuyệt vời.

Không có ai không nhận thấy điều này thông qua sự tự quan sát: linh hồn có một khả năng tuyệt diệu, do tính nhất quán kiêm tính biến tại của nó, đó là khả năng luân lý hầu như là lạnh lùng trong những giờ phút quyết liệt nhất và lắm khi tình yêu bẽ bàng và thất vọng sâu sắc lại đem soát xét những vấn đề, những luận đề trong cuộc độc thoại ảm đạm cuối cùng. Lôgic chen vào trong giãy giụa và sợi chỉ tam đoạn luận vẫn phất phơ chứ không đứt trong cơn giông tố hắc ám của tư tưởng. Trạng thái tâm hồn của Mariuytx là như vậy đó.

Suy nghĩ như thế, Mariuytx thấy khổ sở nhưng quyết tâm, quyết tâm nhưng vẫn ngập ngừng, run run trước công việc sắp làm. Chàng đưa mắt nhìn khắp bên trong chiến lũy. Bọn người khởi nghĩa im lìm không cử động, có tiếng nói chuyện với nhau rất khẽ. Mọi người đều cảm thấy cái không khí nửa yên lặng lúc bấy giờ là dấu hiệu của giai đoạn chờ đợi cuối cùng. Trên cao, ở một cửa sổ tầng gác thứ ba, Mariuytx thấy có một người đang ra dáng nhìn họ chăm chú. Đó là người gác cổng bị Lơ Cácbuýc bắn chết. Từ dưới nhìn lên, cái đầu người ấy hiện ra lờ mờ. Trong ánh sáng tăm tối, chập chờn, trông không có gì quái lạ bằng! Khuôn mặt thì xám xanh, im lìm, ngạc nhiên, mớ tóc thì dựng ngược, cặp mắt thì mở to nhìn chằm chặp, cái mồm thì há hốc, nghiêng xuống mặt đường, dáng tò mò. Phải chăng người ấy đã chết đang nhìn bọn người sắp chết? Một đống máu dài chảy từ cái đầu lâu ấy đã đóng thành những sợi chỉ đỏ từ cửa sổ đến ngang tầng gác một thì dừng lại.