Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển XIV - Chương 05 - 06 - 07

V

NHỮNG VẦN THƠ CỦA GIĂNG PRUVE CHẤM DỨT

Mọi người đến vây quanh Mariuytx. Cuốcphêrắc nhảy lên bá cổ chàng.

- Hóa ra cậu!

- May quá! Côngbơphe nói.

- Cậu đến đúng lúc thật! Bốtxuyê tiếp.

- Không có cậu, tớ đi đời rồi! Cuốcphêrắc lại nói.

- Không anh, chúng đã nuốt em mất rồi! Gavrốt thêm.

Mariuytx hỏi:

- Ai chỉ huy ở đây?

- Cậu đấy, Ănggiônrátx bảo.

Cả ngày hôm ấy đầu óc Mariuytx đã như một lò lửa, bây giờ thì lại là một cơn lốc. Cơn lốc ở trong lòng mà như một cơn lốc ở ngoài trời, nó cuốn cả người chàng đi. Chàng có cảm tưởng như đã cách xa cuộc sống hàng vạn dặm. Hai tháng tình duyên tươi thắm, rực rỡ bỗng nhiên chấm dứt bằng cái vực thẳm ghê rợn này: mất Côdét, cái chiến lũy này, rồi ông cụ Mabớp hy sinh cho nền cộng hòa, rồi bản thân chàng lại thành người chỉ huy của nghĩa quân, tất cả đối với chàng đều như một giấc mộng dị kỳ. Chàng phải cố sức mới nhớ ra được mọi sự xung quanh chàng là có thật. Chàng chưa sống bao nhiêu nên chưa hiểu được rằng cái dễ xảy ra nhất lại là cái khó xảy ra nhất, và cái điều luôn luôn phải phòng bị chính là cái bất ngờ. Chàng chứng kiến tấn kịch của đời chàng mà chẳng khác gì ngồi xem một vở kịch chàng không hiểu đầu đuôi gì cả.

Trí óc rối mù, chàng không nhận ra Giave. Tên này vẫn bị buộc vào cây cột, và suốt cuộc tấn công, chẳng hề nhúc nhích. Hắn lặng lẽ đưa mắt nhìn bọn người nổi loạn, vừa nhẫn nhục như một người tử vì đạo, vừa uy nghi như một quan tòa. Mariuytx thật ra cũng không trông thấy hắn.

Trong lúc ấy quân tấn công vẫn im lìm. Nghe rõ chúng đi lại, đông đảo, ở cuối phố, nhưng chúng không dám tiến lên nữa. Có lẽ chúng đang chờ lệnh mới, hoặc đang chờ tiếp viện rồi mới ào lên tấn công đồn lũy khó khăn này một lần nữa. Nghĩa quân đã cắt người canh gác và đôi ba người vốn là sinh viên trường thuốc bắt đầu băng bó số anh em bị thương.

Bàn ghế trong quán, trừ hai cái bàn, một cái để đạn dược, bông băng, và cái bàn trên đó đặt thi hài ông cụ Mabớp, còn thì người ta đều vứt ra ngoài, đem chất thêm vào chiến lũy. Trong gian phòng thấp người ta dùng tạm những tấm đệm trải giường của bà Huysơlu và các người đầy tớ gái. Những người bị thương được đặt lên các tấm đệm ấy. Riêng ba nhân vật tội nghiệp sống trong quán Côranh thì không ai biết họ ra sao cả. Cuối cùng mới tìm thấy họ núp dưới hầm nhà.

Đang vui mừng vừa qua khỏi cơn nguy thì một nỗi đau xót đến làm mọi người rầu rầu.

Điểm danh thì thấy nghĩa quân thiếu mất một người. Ai? Một trong những kẻ thân thiết nhất, anh dũng nhất: Giăng Pruve. Anh em tìm trong số bị thương, không có. Tìm trong một số người chết, cũng không. Chắc là chàng bị bắt làm tù binh.

Côngbơphe bảo Ănggiônrátx:

- Chúng bắt bạn ta, nhưng ta lại giữ tên tay sai của chúng. Cậu thấy có cần phải giết tên chó săn này không?

- Cần chứ, Ănggiônrátx đáp, nhưng không cần bằng cứu sống Pruve.

Hai người nói chuyện trong gian phòng thấp, bên cạnh cây cột buộc Giave. Côngbơphe lại nói:

- Thế thì tớ đi cột cái khăn tay vào đầu gậy, sang điều đình với bọn chúng để đổi người.

Ănggiônrátx đặt bàn tay lên cánh tay Côngbơphe:

- Này, nghe kìa.

Cuối phố có tiếng súng lích kích một cách có ý nghĩa. Một giọng cứng cỏi thét lên:

- Cộng hòa Pháp quốc muôn năm! Tương lai muôn năm. Nghe rõ là tiếng Pruve.

Một ánh chớp vụt lóe lên, tiếp liền là một loạt súng nổ.

Rồi lại im lặng như cũ.

Côngbơphe kêu lên:

- Chúng giết Pruve rồi.

Ănggiônrátx nhìn Giave nói:

- Cánh mày vừa bắn mày đấy.

VI

CÁI CHẾT HẤP HỐI SAU CUỘC SỐNG THOI THÓP

Một đặc điểm kỳ dị của thứ chiến tranh này là cuộc tấn công hầu như bao giờ cũng trực diện. Nói chung, quân tấn công đều tránh cách đánh bọc, một lẽ vì sợ rơi vào cạm bẫy, lẽ khác vì không dám tiến vào các con đường quanh co ngóc ngách. Mọi người đều chăm chú vào phía chiến lũy chính là nơi rõ ràng bị đe dọa nhất và chắc chắn là sẽ có cuộc đánh nhau trở lại. Nhưng Mariuytx lại nghĩ đến phía chiến lũy nhỏ và đi về phía ấy. Chiến lũy vắng tanh, chỉ có mỗi ngọn đèn dầu chập chờn giữa các đống đá canh giữ ở đó. Tuy nhiên ngõ Môngđêtua và các đường phố lân cận Pơtit Tơruyăngđri và Xinhơ đều im phăng phắc.

Kiểm tra xong, Mariuytx vừa quay đi thì chàng nghe có ai gọi tên mình từ trong bóng tối:

- Ông Mariuytx!

Chàng rùng mình. Chàng vừa nhận ra tiếng người gọi chàng hai giờ trước đây qua hàng rào phố Pluymê. Duy bây giờ tiếng ấy chỉ còn như một hơi thở.

Chàng nhìn quanh mình và chẳng thấy một ai.

Chàng cho là mình nghe lầm, và đó chỉ là một ảo tưởng mà trí óc chàng thêm vào những sự thật lạ lùng đang va chạm nhau chung quanh chàng. Chàng bước lên một bước, tiến ra khỏi chỗ ngách sâu của chiến lũy.

Cái tiếng ấy gọi lần nữa:

- Ông Mariuytx!

Lần này thì không còn nghi ngờ gì nữa, tai chàng đã nghe rõ. Chàng đưa mắt nhìn quanh, vẫn không thấy gì. Cái tiếng lại nói:

- Nhìn dưới chân ông kia.

Chàng cúi xuống và thấy trong bóng tối một hình người đang cố bò trên mặt đường. Chính hình người ấy đã gọi chàng.

Nhờ ánh đèn, chàng thấy được cái áo bơ-lu, cái quần nhung thô đã rách, hai chân không giầy dép gì và cái gì như một vũng máu. Mariuytx thấy lờ mờ một gương mặt tái nhợt đang cố ngước nhìn và nói với chàng:

- Ông không nhận ra em à!

- Không.

- Êpônin đây.

Mariuytx vội vàng quỳ xuống. Đúng là cô bé đáng thương ấy. Cô đã cải trang làm đàn ông.

- Làm sao cô lại ở đây? Cô làm gì ở đây?

- Em chờ chết, nàng đáp.

Có những tiếng cũng như những sự việc xảy đến thình lình làm cho kẻ đang mệt lử cũng phải tỉnh người. Mariuytx giật mình kêu lên:

- Cô bị thương! Thong thả, để tôi mang cô vào trong nhà.Anh em họ băng bó cho. Có nặng không? Phải xốc thế nào để cho cô khỏi đau đây? Cô đau chỗ nào? Ai cứu người ta với! Trời ơi! Chứ cô đến đây làm gì?

Và chàng thử luồn cánh tay xuống dưới lưng để đỡ nàng lên. Khi đỡ lên, chàng chạm phải bàn tay nàng. Nàng kêu một tiếng khe khẽ.

- Tôi làm cô đau phải không?

- Tí thôi.

- Tôi chỉ đụng khẽ vào bàn tay cô kia mà.

Nàng giơ bàn tay ra trước mắt Mariuytx, chàng nhìn thấy ở giữa lòng bàn tay có một lỗ đen ngòm. Chàng hỏi:

- Tay cô sao thế?

- Thủng.

- Thủng?

- Phải.

- Vì gì?

- Vì đạn bắn.

- Sao lại bị bắn?

- Ông có thấy một khẩu súng nhằm bắn ông không?

- Có, và một bàn tay bịt lấy miệng súng.

- Bàn tay em đấy.

Mariuytx rùng mình.

- Sao lại điên thế! Tội chưa! Nhưng cũng may đấy, nếu chỉ thế thì cũng không sao. Để tôi cõng cô vào trong giường. Anh em băng cho, thủng bàn tay thì chả chết chóc gì đâu.

Nàng thì thào:

- Viên đạn xuyên bàn tay, nhưng nó lại ra ở đằng lưng. Không phải đem em đi chỗ khác làm gì vô ích ông ạ. Em sẽ chỉ cho ông cách ông có thể băng bó vết thương cho em, hay hơn một nhà giải phẫu. Ông hãy ngồi xuống hòn đá bên em đây.

Chàng chiều ý ngồi xuống. Nàng kê đầu lên đầu gối Mariuytx, và mắt không nhìn chàng, cứ nói:

- Chao ôi! Dễ chịu quá đi mất! Sung sướng quá! Đấy, em hết cả đau rồi.

Nàng lặng im một lát, rồi cố quay đầu nhìn Mariuytx.

- Ông vào cái vườn ấy làm em khó chịu lắm, mà rõ ngốc, tại em chỉ nhà cho ông kia mà, với lại em cũng phải tự bảo em là một thanh niên như ông thì…

Nhiều ý nghĩ buồn rầu diễn qua trong trí. Nàng phải vượt qua các ý nghĩ chuyển tiếp đó, mỉm cười chua xót nói tiếp:

- Ông thấy em xấu xí, phải không?

Nàng lại nói tiếp:

- Ông thấy không, các ông hết đường rồi! Bây giờ thì chả một ai thoát khỏi chiến lũy này. Chính em đã đưa ông đến đây, đấy nhé! Rồi đây ông sẽ chết. Em cũng mong như vậy lắm. Thế mà khi thấy có người chĩa súng bắn ông, em đã đặt bàn tay em lên miệng súng. Vô lý quá! Nhưng vì là em muốn chết trước ông. Khi em bị trúng đạn, em đã lê đến đây, chẳng ai thấy em, chẳng ai nhặt em cả. Em chờ ông. Em nghĩ bụng: ông ấy sẽ không đến ư? Chao ôi! Ông có biết đâu, em cắn nát cái áo bơ-lu, em đau đớn biết chừng nào! Bây giờ thì em thấy dễ chịu rồi. Ông còn nhớ cái hôm em bước vào phòng ông, em soi mặt vào tấm gương của ông và cái hôm em gặp ông ngoài đại lộ bên cạnh những người làm công nhật không? Hôm ấy sao mà chim nó ca hát nhiều thế! Cách đây không bao lâu nhỉ? Ông cho em một trăm xu và em bảo ông: em không lấy tiền của ông đâu. Ông có nhặt lại đồng vàng ấy chứ? Ông chả giàu có gì đâu. Em lại quên không bảo ông nhặt lấy. Bữa ấy trời nắng, thấy chẳng lạnh chút nào. Ông có nhớ không, ông Mariuytx? Chao ôi! Em sung sướng quá! Mọi người sắp chết cả rồi.

Vẻ mặt nàng như điên dại, trầm lặng và não nùng. Cái áo bơ-lu bị rách để hở cả ngực trần. Vừa nói nàng vừa lấy bàn tay bị thủng ấp lên lồng ngực, ở đấy cũng có một lỗ thủng khác, thỉnh thoảng máu lại trào ra như thùng rượu đã mở vòi.

Mariuytx nhìn kỹ cô bé đau khổ, trong lòng thương xót vô hạn. Bỗng nhiên nàng kêu:

- Ối! Nó lại ra. Ngạt thở quá! Nàng cầm cái áo bơ-lu lên, cắn chặt lấy, hai chân cứng đờ trên mặt đường.

Vừa lúc ấy tiếng hát trong trẻo của Gavrốt lại vang lên trong chiến lũy. Cậu bé đứng lên bàn để lắp đạn vào súng và véo von bài hát nhân dân ưa thích lúc bây giờ:

Thấy bóng Laphayét

Chú sen đầm la chí chết:

Chạy đi! Chạy đi! Chạy đi thôi!

Êpônin nhổm dậy, lắng nghe rồi lẩm bẩm:

- Đúng nó.

Nàng quay ra Mariuytx:

- Thằng em tôi đấy. Đừng để cho nó trông thấy tôi. Nó mắng chết.

- Em cô? Ai là em cô? Mariuytx vừa hỏi vừa nghĩ đến nhiệm vụ đối với gia đình Tênácđiê mà bố mình trối lại, và thấy trong lòng đau đớn và chua xót.

- Thằng bé.

- Chú bé đang hát đấy ư?

- Phải.

Mariuytx định đi. Êpônin vội ngăn lại:

- Ồ! Khoan đi đã, bây giờ thì không còn lâu đâu!

Nàng gần như ngồi nhổm dậy hẳn. Tiếng nàng đã rất yếu và xen lẫn những tiếng nấc. Chốc chốc hơi thở kéo khò khè làm nàng phải ngừng nói. Nàng cố hết sức ghé mặt nàng sát mặt Mariuytx và nói bằng một giọng khác thường:

- Này, em không trêu ông đâu nhé. Có cái thư cho ông em còn bọc trong túi đây. Đưa từ hôm qua. Người ta bảo đem bỏ bưu điện, nhưng em giữ lại. Em không muốn nó đến tay ông. Nhưng e rằng chốc nữa gặp nhau trở lại, ông lại giận em cũng nên. Vì nhất định chúng ta sẽ gặp nhau lại phải không? Thôi, ông cầm lấy bức thư đi.

Bàn tay bị thủng của nàng run giật đưa lên cầm tay Mariuytx, nhưng hình như nàng không còn thấy đau nữa. Nàng đặt bàn tay Mariuytx lên túi áo bơ-lu của mình. Có cái gì bằng giấy thật. Nàng bảo:

- Lấy đi.

Mariuytx cầm bức thư.

Nàng gật đầu ra vẻ bằng lòng.

- Bây giờ để đền vào chỗ công khó của em, ông hứa với em đi…

Nàng ngừng lại. Mariuytx hỏi:

- Hứa cái gì?

- Ông hứa đi!

- Xin hứa.

- Ông hứa sẽ hôn em một cái ở trán sau khi em nhắm mắt. Em sẽ nhận thấy.

Nàng ngả đầu lên gối Mariuytx, hai mắt nhắm lại. Chàng tưởng thế là hết, cái linh hồn tội nghiệp ấy đã bay đi. Bỗng nàng từ từ mở mắt, cặp mắt đã đờ đẫn cái màu sẫm của tử thần. Nàng nhìn Mariuytx. Giọng nàng nghe êm dịu như từ thế giới nào đưa lại:

- Với lại, ông Mariuytx này, hình như em cũng có đem lòng yêu ông.

Nàng cố nở một nụ cười rồi tắt thở.

VII

GAVRỐT ƯỚC LƯỢNG XA GẦN RẤT THẠO

Mariuytx giữ lời hứa. Chàng cúi xuống hôn vào cái trán nhợt nhạt lấm tấm mồ hôi lạnh ngắt. Không phải chàng phụ bạc với Côdét, đó chẳng qua là vĩnh biệt một linh hồn khốn khổ một cách êm dịu và trầm tư thôi.

Chàng cầm bức thư Êpônin đưa mà không khỏi rùng mình. Chàng cảm thấy ngay chắc có chuyện quan trọng xảy ra. Chàng nóng lòng muốn đọc tức thì. Lòng người là thế đấy, cô bé bất hạnh vừa nhắm mắt thì Mariuytx nghĩ ngay đến việc giở bức thư ra. Chàng khe khẽ đặt nàng xuống rồi đứng dậy bước đi: có cái gì bảo chàng không nên đọc trước thi hài cô gái ấy.

Chàng trở vào trong gian phòng thấp, đến gần cây nến. Bức thư là một mảnh giấy nhỏ gấp lại, niêm phong cẩn thận và khéo léo bởi một bàn tay phụ nữ. Ngoài bì là một nét chữ đàn bà:

Gửi ông Mariuytx Pôngmécxi, ở nhà ông Cuốcphêrắc số 16, phố Verơri.

Chàng bóc phong bì, đọc:

“Anh yêu mến của em! Hỡi ôi! Bố bảo phải đi ngay anh ạ. Tối nay bố con em sẽ ở số 7 phố Lomácmê. Tám hôm nữa thì ở đất Anh rồi. Côdet. Ngày 4 tháng sáu”

Tình yêu của họ ngây thơ đến nỗi Mariuytx không biết mặt chữ của người yêu.

Sự việc đã xảy ra như thế nào, ở đây có thể tóm tắt trong vài câu. Tất cả đều là do tay Êpônin. Số là sau buổi tối ngày 3 tháng sáu, nàng bỗng nghĩ ra hai điều: một là làm cho bố nàng và bọn cướp thất bại trong âm mưu đến cướp ngôi nhà phố Pơluymê, hai là làm cho cặp Mariuytx và Côdét phải xa rời nhau. Thế là gặp một tướng thanh niên tinh nghịch, nàng gọi đổi cho hắn: nàng cải trang làm đàn ông còn hắn thì cũng vui thích đánh một bộ cánh đàn bà cho vui. Chính nàng đã đến gặp Giăng Vangiăng ở thao trường Săngđơ Mácxơ và báo cho ông ta cái lệnh quyết liệt: Dọn nhà đi. Quả nhiên, trở về nhà, Giăng Vangiăng bảo Côdét: Tối nay chúng ta đi sang phố Lomácmê cùng với bà Tútxanh. Tuần sau chúng ta sẽ ở Luân-đôn. Côdét nghe như sét đánh bên tai, sửng cả người. Nàng vội viết mấy chữ cho Mariuytx. Nhưng làm thế nào đem ra bưu điện được? Nàng không bao giờ ra ngoài một mình, còn mụ Tútxanh thì nếu mà giao cho mụ, mụ sẽ ngạc nhiên cho là việc lạ và nhất định đem đưa cho ông Phôsơlơvăng xem. Trong lúc đang băn khoăn không biết tính thế nào thì nàng thấy Êpônin ăn bận giả trai tới lui thập thò phía ngoài rào. Nàng gọi “anh thợ trẻ” ấy, đưa anh năm phơrăng và phong thư, nhờ đem ngay đến địa chỉ đề trên phong bì. Êpônin cất phong thư vào túi. Hôm sau, ngày 5 tháng sáu, Êpônin đến nhà Cuốcphêrắc hỏi Mariuytx. Không phải để trao thư mà, điều này thì các trái tim đang yêu và đang ghen tất biết rõ, để “xem thử”. Nàng đã đợi để giáp mặt Mariuytx, hay ít ra cũng là Cuốcphêrắc, vẫn là để “xem thử” thôi. Khi Cuốcphêrắc bảo nàng: chúng tôi ra chiến lũy đây, thì trong trí nàng vụt thoáng qua một ý nghĩ. Chết ở nơi nào cũng được thì sao lại không dấn thân đến chết ở đấy và bắt Mariuytx cũng chết theo. Nàng đã theo gót Cuốcphêrắc, và nắm chắc được chỗ người ta dựng chiến lũy. Nàng cũng biết chắc Mariuytx chập tối sẽ trở lại nơi hò hẹn. Bức thư Côdét nàng vẫn giữ thì chàng có được tin tức gì đâu mà không đến? Vì thế nàng đã đến phố Pơluymê, chờ chàng ở đó, và bảo cho chàng biết bạn bè của chàng đang kêu gọi chàng. Nàng tin là như thế chắc chắn chàng sẽ tìm đến chiến lũy. Nàng tính toán trên sự thất vọng của Mariuytx khi không tìm thấy Côdét nữa. Và nàng tính quả không sai. Phần nàng, nàng đã trở về phố Săngvrơri. Và chúng ta đã thấy nàng làm những gì rồi. Bây giờ thì nàng đã chết với một niềm vui trong lòng: niềm vui bi đát của con người ghen tuông lôi kéo cả người mình yêu vào cõi chết, cương quyết không để lọt vào tay ai cả.

Mariuytx hôn lấy hôn để bức thư Côdét. Côdét yêu chàng kia mà! Có một lúc chàng nghĩ chàng không nên chết nữa. Nhưng rồi chàng lại bảo mình: “Nàng đi rồi. Bố nàng lôi nàng sang tận bên Anh, còn ông ngoại ta thì ông có chịu cho ta cưới vợ đâu”. Mọi sự đã an bài sẵn, không thay đổi được. Những đầu óc mơ mộng như Mariuytx thì khi trải qua những cơn đau xé tận cùng liền có những quyết định tuyệt vọng. Sống chán chường mới khó lòng chịu nổi, chứ chết đi thì vụt một cái là xong ngay, khó gì.

Bấy giờ chàng mới nghĩ ra chàng có hai nhiệm vụ phải làm tròn: một là báo cho Côdét biết tin chàng chết và gửi nàng lời chào vĩnh quyết, hai là cứu chú bé, em của Êpônin và con của Tênácđê khỏi cái tai vạ tày đình sắp đến ở trên lưng.

Chàng có mang theo trong người một cái ví da, chính cái ví đựng cuốn sổ trong đó chàng đã ghi bao nhiêu lời tình tứ cho Côdét. Chàng xé một tờ giấy và nghuệch ngoạc mấy dòng bằng bút chì:

“Chúng ta không thể lấy nhau được. Anh đã xin phép ông ngoại, nhưng ông không đồng ý. Anh nghèo, và em cũng vậy. Anh có chạy lại đằng em, nhưng chẳng thấy em đâu cả. Em nhớ anh đã hứa với em điều gì chứ? Anh vẫn giữ lời hứa. Anh chết đây. Anh yêu em. Khi em đọc những dòng này thì hồn thiêng anh sẽ về với em và sẽ mỉm cười với em”.

Chẳng có gì để niêm phong bức thư, chàng đành gấp tư tờ giấy lại và đề lên trên địa chỉ này:

Gửi cô Côdét Phôsơlơvăng, ở nhà ông Phôsơlơvăng, số 7 phố Lomácmê.

Gấp xong bức thư, chàng trầm ngâm một lát, rồi mở ví ra, lật trang đầu, cầm bút chì viết bốn dòng sau đây. “Tôi là Mariuytx Pôngmécxi. Mang xác tôi lại nhà ông tôi, cụ Gilơnoócmăng, số 6 phố Canve.”

Chàng bỏ ví vào túi áo, rồi gọi Gavrốt. Nghe Mariuytx gọi, chú bé liền chạy đến, vẻ mặt hớn hở và sốt sắng:

- Em có muốn làm giúp anh một việc không?

Gavrốt nhanh nhảu:

- Làm tất. Trời cao đất dày ơi! Không anh, thì chúng xơi tái em rồi còn gì!

- Em có thấy cái thư này không?

- Có.

- Em cầm bức thư này, lập tức ra khỏi chiến lũy (Gavrốt lo lắng, bắt đầu gãi tai), và sáng mai thì đem đến tận nơi cho cô Côdét ở nhà ông Phôsơlơvăng, số 7 phố Lomácmê.

Cậu bé anh hùng đáp:

- Được, nhưng mà, trong lúc ấy chúng đánh chiến lũy thì em lại vắng mặt mất.

- Tình hình này chắc là sáng sớm chiến lũy mới bị tấn công và có bị mất thì sớm nhất cũng đến trưa mai.

Thời gian chiến lũy được để yên quả nhiên kéo dài. Trong chính trị, ban đêm thường có những lúc ngắt quãng như thế, nhưng liền theo đó lại là những cuộc chiến đấu ác liệt gấp bội.

- Này anh, Gavrốt hỏi, sáng mai em sẽ mang đi cho anh có được không?

- Chậm mất em ạ. Chiến lũy chắc chắn sẽ bị bao vây, chúng sẽ canh gác tất cả các ngõ, em không ra được đâu. Em đi ngay bây giờ đi.

Gavrốt không biết cãi lại bằng cách nào, vẫn lưỡng lự đứng đấy, tay cứ gãi tai, dáng người buồn buồn. Bỗng nhiên, lạnh như cắt, hắn giật lấy bức thư:

- Thôi được.

Rồi hắn vụt chạy qua ngõ Môngđêtua.

Gavrốt vừa thoáng tìm ra một sáng kiến làm hắn quả quyết, nhưng hắn không dám nói ra sợ Mariuytx ngăn trở. Hắn nghĩ thế này:

Bây giờ mới vừa mười hai giờ, phố Lomácmê không xa lắm, ta đi đưa thư ngay thì trở về cũng kịp.