Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển XV - Chương 02 - 03 - 04

II

CHÚ BÉ THÙ ĐỊCH CỦA ÁNH SÁNG

Ông ngồi như thế bao lâu? Ông suy tới tính lui những gì trong những giờ trầm ngâm bi đát ấy? Ông có ngẩng lên chăng? Hay là cứ phải cúi đầu? Hay cứ phải gập người cho đến gãy gục? Ông còn có thể gượng dậy và bám chân vào một chỗ nào vững chắc trong tâm tư không? Chính ông có lẽ cũng không sao trả lời được.

Đường phố vắng tanh. Chỉ vài người thị dân vẻ lo lắng đang rảo bước về nhà là có mơ hồ nhìn thấy ông. Buổi nguy hiểm, ai lo phận nấy là thường tình. Người công nhân thắp đèn như thường lệ đến thắp cây đèn đối diện ngay với cổng nhà số 7 rồi bỏ đi. Trong khi đó thì có ai nhìn kỹ Giăng Vangiăng trong bóng tối, cũng không nghĩ rằng ông ta còn sống. Ông ngồi im lìm trên trụ đá, y như một tượng tuyết. Trong tuyệt vọng, có hiện tượng đóng băng như thế đấy. Bấy giờ nghe có tiếng chuông đổ hồi và những tiếng ồn ào, sôi động không phân biệt được. Giữa những hồi chuông giãy giụa can thiệp vào cuộc bạo khởi, đồng hồ nhà thờ Xanh Pôn thong thả buông mười một tiếng nghiêm trang. Bởi vì chuông báo động là việc của con người, thì giờ là của Chúa. Giăng Vangiăng không để ý đến thì giờ, ông vẫn im lìm không cử động được. Vào lúc ấy, một tiếng nổ đột ngột đến từ phía khu chợ, rồi một tiếng thứ hai nữa, dữ dội hơn. Chắc đó là cuộc tấn công vào chiến lũy phố Săngvrơri, mà chúng ta đã thấy Mariuytx đánh lui vừa rồi. Hai loạt súng nổ liên tiếp giữa đêm vắng lặng nghe càng dữ dội. Giăng Vangiăng rùng mình, đứng lên, rồi lại gieo mình trở xuống trụ đá, hai tay vòng lại, đầu từ từ gục xuống trước ngực.

Ông tiếp tục cuộc đối thoại âm thầm, mình nói với mình như trước.

Bỗng ông ngước mắt lên. Có tiếng chân người đi trên đường phố, ở gần mình. Dưới ánh sáng cây đèn bên kia đường, ông nhìn thấy ở đầu kia, một gương mặt xám xanh, nhưng trẻ măng và tươi tỉnh.

Đó là Gavrốt vừa đến phố Lomácmê.

Gavrốt đang ngước nhìn lên cao, ra dáng tìm tòi. Hắn thấy rõ Giăng Vangiăng nhưng chẳng chú ý.

Hắn hết nhìn lên cao lại nhìn xuống thấp. Hắn bước đi rón rén đưa tay sờ khắp các cửa lớn, cửa sổ tầng dưới, cửa nào cũng đóng then, cài khóa cẩn thận. Sờ năm bảy lần thấy chỗ nào cũng đóng chặt, chú bé nhún vai, vào đề với mình như thế này:

- Cóc khô!

Rồi nó lại nhìn trở lên cao.

Giăng Vangiăng trông thấy tất cả. Mấy phút trước đang lúc tâm thần rối loạn, nhất định là ông chẳng nói chẳng rằng với bất kỳ ai. Nhưng bây giờ bỗng dưng ông thấy có cái gì mãnh liệt thúc đẩy ông lên tiếng hỏi chú bé:

- Chú bé, chú có việc gì thế?

- Tôi có việc tôi đói, Gavrốt đáp rành mạch, rồi thêm:

- Bé à? Có ông bé đấy!

Giăng Vangiăng thò vào túi quần móc ra một đồng năm phơrăng.

Như con choai choai, Gavrốt luôn luôn từ cử động này chuyển qua cử động khác, nó đã cúi nhặt một hòn đá. Nó vừa nhìn thấy cái đèn đường.

- À, ở đây các ông còn để đèn à? Nó nói. Không đúng với lệnh ban bố, các ông bạn ạ. Như thế này là vô trật tự. Đập vỡ đi cho tôi.

Và nó ném hòn đá vào cái đèn. Mảnh kính rơi choang xuống đường làm cho mấy người thị dân thu mình sau bức màn ở ngôi nhà trước mặt phải hốt hoảng kêu lên: lại Chín mươi ba rồi?

Ngọn đèn lắc mạnh rồi phụt tắt. Đường phố bỗng tối đen như mực. Gavrốt đắc chí:

- Thế đấy! Bà phố già ạ, bà đi ngủ đi cho tôi nhờ!

Xong nó quay lại Giăng Vangiăng:

- Cái lâu đài to tướng ở cuối phố kia ông gọi là cái gì đó nhỉ? Có phải là nhà Lưu trữ văn thư không? Đập mẹ cái lũ cột to bự ấy mà làm một cái chiến lũy có phải là gọn không nhỉ!

Giăng Vangiăng bước đến cạnh Gavrốt, lẩm bẩm trong miệng như nói một mình:

- Tội nghiệp, thằng bé nó đói.

Và ông đặt đồng năm phơrăng vào lòng bàn tay nó. Gavrốt hếch mũi lên, ngạc nhiên thấy đồng bạc to quá. Nó nhìn đồng bạc qua bóng tối, màu bạc sáng trắng làm cho nó hoa mắt. Từ trước đến nay nó chỉ nghe nói có đồng năm phơrăng chứ chưa hề thấy, chỉ nghe ca tụng cũng đủ thích rồi. Lần này thấy tận mắt, nó mê tít. Nó bảo: nào, nhìn con hổ nào.

Nó say sưa nhìn một lát, rồi quay lại phía Giăng Vangiăng, đưa trả đồng bạc và cất giọng oai nghiêm nói:

- Này ông tư sản, tôi thích đập vỡ đèn phố hơn, ông cầm lại con thú dữ của ông đi. Không mua chuộc được tôi đâu. Thứ bạc này thế mà có vuốt đấy, có năm vuốt, mặc, nó không cào được tôi đâu.

Giăng Vangiăng hỏi:

- Em có mẹ không?

- Chắc là có hơn không, Gavrốt đáp.

- Thế thì giữ đồng bạc này về đưa cho mẹ em. Giăng Vangiăng bảo.

Gavrốt cảm thấy lòng mình xúc động. Với lại nó vừa nhận ra người đang nói chuyện với nó đầu không có mũ, nên nó thấy tin tin.

- Thực à? Không phải là cho tiền để tôi khỏi đập vỡ đèn à?

- Em muốn đập thì cứ đập.

- Ông tốt lắm. Gavrốt nói.

Và nó bỏ đồng năm phơrăng vào túi. Ông già dần dần làm nó thêm tin cậy. Nó hỏi thêm:

- Ông có ở phố này không?

- Phải, em hỏi làm gì?

- Ông có thể chỉ cho tôi nhà số 7 không?

- Hỏi nhà số 7 làm gì?

Chú bé sợ đã lỡ lời, dừng lại. Chú thọc mạnh năm ngón tay vào đầu tóc, trả lời cụt ngủn:

- À! Như thế đấy.

Một ý nghĩ thoáng qua trong trí Giăng Vangiăng. Con người đang lo hoảng cũng có những phút sáng suốt như thế. Ông bảo chú bé:

- Có phải em mang cho tôi cái thư tôi đang đợi không?

- Ông ấy à? Gavrốt nói. Ông có phải là đàn bà đâu?

- Bức thư gửi cho cô Côdét chứ gì, có phải không?

Gavrốt lẩm bẩm:

- Côdét? Phải, hình như là cái tên quái quỷ như thế thực.

- Thế thì chính tôi có nhiệm vụ trao lại bức thư cho cô ta đây. Em đưa đây cho tôi.

- Vậy chắc ông phải biết tôi được lệnh từ chiến lũy đến đây?

- Biết chứ.

Gavrốt thọc tay vào túi móc ra miếng giấy gấp tư. Rồi đứng nghiêm chào:

- Phải tôn trọng bức thông điệp. Của chính phủ lâm thời đấy.

Giăng Vangiăng giục:

- Đưa đây.

Gavrốt cầm tờ giấy giơ cao lên trên đầu:

- Chớ có tưởng là thư tình nhé. Gửi cho một người đàn bà, nhưng là gửi cho toàn thể nhân dân đấy. Bọn chúng tôi, chúng tôi chiến đấu, và chúng tôi tôn trọng nữ giới. Chả như ở chốn cao sang, sư tử lại đi biên thư tình cho lạc đà đâu.

- Đưa đây.

Gavrốt nói tiếp:

- Thật tình, trông ông có vẻ người tốt thật.

- Đưa mau.

- Đây, cầm lấy.

Và nó trao tờ giấy cho Giăng Vangiăng:

- Nhanh lên, ông cụ Côdiếc ơi, cô Côdét đang chờ đấy.

Gavrốt lấy làm thích chí khi bịa ra được tiếng ấy.

Giăng Vangiăng hỏi:

- Thư trả lời có phải mang đến Xanh Meri không?

Gavrốt đáp:

- Ông dẫn xác đến đó để cho vỡ ra như bánh xốp à? Thư này từ chiến lũy phố Săngvrơri đến đấy. Thôi tôi trở về đằng ấy đây. Chào đồng bào.

Nói xong, Gavrốt bỏ đi, hay đúng hơn, vỗ cánh bay trở về chỗ mình vừa thoát ra. Nó lặn vào đêm tối nhanh vun vút như một viên đạn xuyên thủng bóng đêm. Phố Lomácmê trở lại im lìm, vắng vẻ. Trong nháy mắt, chú bé lạ lùng mang trong mình cả bóng tối lẫn mơ mộng ấy, đã chìm sâu trong khoảng nhà cửa đen ngòm và mất hút như làn khói tan vào trong bóng đêm. Mấy phút sau khi nó mất hút, giá không có tiếng kính vỡ toang và tiếng đèn rơi xuống đường làm cho các nhà thị dân bực bội phải giật mình thức dậy lần nữa thì người ta có cảm tưởng là nó đã biến thành mây khói và tiêu tan không còn vết tích gì. Lúc đó Gavrốt đã đi qua phố Đuysôm.

III

TRONG LÚC CÔDÉT VÀ BÀ TÚTXANH NGỦ

Giăng Vangiăng trở vào nhà với bức thư của Mariuytx.

Như con cú đang giữ chặt miếng mồi, ông lấy làm vừa ý với bóng tối trong nhà. Ông sờ soạng bước lên thang gác, se sẽ mở cửa ra và đóng trở lại, rồi đứng im lắng nghe. Khi chắc chắc là Côdét và bà Tútxanh đang ngủ say, ông lấy diêm bật lửa nhưng hai tay run lẩy bẩy, phải đánh luôn ba bốn que mới đỏ. Vì có cái gì như là một sự trộm cắp trong hành động vừa rồi. Cuối cùng thì ông đã thắp được đèn lên, ngồi lại trên bàn, mở tờ giấy ra đọc.

Những khi xúc động mãnh liệt, người ta không còn đọc được nữa, mà có thể nói người ta vật ngửa tờ giấy trong tay ra, người ta bám riết lấy nó như bám một miếng mồi, người ta giày vò, người ta chọc sâu móng tay giận dữ hoặc vui mừng vào mình nó, người ta chạy vụt đến đoạn cuối, người ta nhảy xổ trở về đoạn đầu. Trí óc khi chú ý lắm cũng lên cơn sốt, nó chỉ hiểu đại khái, hiểu lờ mờ, hiểu cái chính, nắm được một điểm, còn tất cả đều như biến mất. Trong bức thư Mariuytx viết cho Côdét, Giăng Vangiăng chỉ thấy có mấy chữ: “…Anh chết đây… Khi em đọc các dòng này thì hồn thiêng anh sẽ về với em”.

Nhìn hai dòng chữ ấy, mắt ông như bị chói lòa một ánh sáng ghê tởm. Cảm xúc thay đổi đột ngột quá làm ông choáng váng. Ông nhìn bức thư của Mariuytx, trong lòng vừa kinh ngạc vừa say sưa: trước mắt ông là một sự thật rạng rỡ, cái chết của người mà ông đang thù ghét.

Thâm tâm vui mừng, ông thét lên một tiếng thét xấu xa! Thôi thế là hết nhé. Câu chuyện kết thúc sao mà nhanh quá chỗ người ta có thể mong ước thế! Con người làm trở ngại cuộc đời ông thế là đã biến đi rồi. Nó tự ý biến đi, tự nguyện, chẳng ai thúc đẩy cả. Giăng Vangiăng chẳng làm gì, chẳng có tội gì trong việc ấy cả, thế mà “con người ấy” lại sắp chết! Mà có lẽ hắn chết rồi cũng nên. Đến đây ông tính toán: - Không. Hắn chưa chết. Rõ ràng là bức thư định viết cho Côdét đọc sáng ngày mai, sau hai loạt súng nổ trong khoảng từ mười một giờ đến mười hai giờ khuya cho đến giờ, không nghe thấy thêm gì nữa, chắc đến sáng sớm chiến lũy mới bị tấn công ra trò, nhưng có hề gì, khi mà đã bị cuốn vào cuộc chiến đấu này, nhất định là nó nguy rồi, guồng máy sẽ lôi nó đi thôi. Giăng Vangiăng cảm thấy như mình được giải thoát. Rồi đây sẽ chỉ còn có ông với Côdét. Sự cạnh tranh thế là chấm dứt, tương lai lại trở về. Mảnh giấy này ông cứ bỏ túi. Chẳng bao giờ Côdét còn biết được “con người ấy” đã ra thế nào. “Ta cứ để yên cho mọi việc xảy ra. Con người ấy không cách nào thoát được. Nếu nó chưa chết thì chắc chắn rồi nó sẽ chết. May cho ta biết là dường nào!”

Nghĩ xong bấy nhiêu điều, ông thấy trong lòng tối sầm lại.

Ông bước xuống thang gác, đánh thức người gác cổng dậy.

Khoảng một giờ sau, Giăng Vangiăng bước ra, mình mặc đồng phục quốc dân quân, tay cầm súng. Người gác cổng đã chạy sang bên hàng xóm mượn thêm mấy thứ để ông trang bị được đầy đủ. Ông vác một cây súng đã lắp đạn sẵn và đeo một bao đầy đặn. Ông đi về phía chợ.

IV

GAVRỐT TÍCH CỰC QUÁ MỨC

Một việc lôi thôi vừa xảy đến với Gavrốt.

Sau khi cố tình ném vỡ cây đèn ở phố Đuysôm, Gavrốt rẽ sang phố Hôđriét. Phố vắng tanh không một bóng người. Hắn thấy dịp tốt đã đến để hát trọn bài hát mà hắn biết hát. Miệng hát nhưng chân cứ đi, không chậm lại mà nhanh thêm lên. Các dãy nhà hắn đi qua đều đóng cửa im ỉm vì ngủ yên hay là hoảng sợ, và nó ném ra hai bên phố điệu hát nảy lửa này:

Con chim nó mách trên cành

Rằng Atala đã theo tình đi xa

Bạn tình là một chàng Nga

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta!

Pi-e ơi, than thở chi

Lẳng lơ quen tính, chắc gì Mila?

Gõ tường ả đến gọi ta

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta!

Các con nỡm ấy xinh sao!

Bùa mê nó bỏ, say nhào là ta

Dù ai cũng cứ say mà

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta!

Tôi thích yêu nhau, thích giận nhau

Lidơ, Anhét cô nào tôi cũng mơ

Đốt ta họ cũng bỏng mà!

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta!

Đẹp thay cái chiếc áo choàng

Của cô Xuydét và nàng Dêyla

Áo người đã quấn hồn ta

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta!

Tinh ơi, trong tối sáng ngời

Hoa hồng đem kết vào đời Lôla

Yêu nàng ta xả thân ta

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta!

Thấy Gian trang điểm trước gương

Tim anh phút đã lạc đường bay xa

Phải nàng bắt được tim ta?

Đi đâu hỡi các tố nga!

Dô ta!

Vũ về, vào lúc nửa đêm

Chỉ em, anh nói với nghìn sao xa:

Sao nào! Hãy ngắm Xtenla.

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta!

Gavrốt vừa hát vừa làm điệu bộ tha hồ, không dè xẻn. Điệu bộ là điểm tựa của điệp khúc. Mặt nó là một kho chứa mặt nạ, nó làm đủ điệu nhăn nhó giật gân và kỳ dị như các lỗ thủng của một cái khăn treo dưới gió. Buồn thay, vì chỉ có mình nó trong đêm tối, cho nên không ai xem và cũng không thể trông thấy. Có những tài hoa hoài phí như thế đấy.

Thình lình nó ngừng bặt.

- Thôi, dẹp bài ca ân tình lại đã.

Cặp mắt mèo của hắn vừa nhìn thấy có vật gì trong một xó cổng. Nhà hội họa thì cho đó là một kết cấu, nghĩa là một con người và một đồ vật, đồ vật là một cái xe ba gác, còn con người là một anh chàng người vùng Ôvécnhơ đang ngủ trong xe.

Càng xe, thả xuống mặt đường, còn đầu người kia lại gác lên ván xe, chân chấm xuống đất, thân nằm trên một chiếc xe chúc ngược.

Có kinh nghiệm về việc đời, Gavrốt biết ngay là một anh chàng say rượu.

Đích là một anh chàng chở thuê ở xó này, ních rượu đẫy vào rồi ngủ cũng đẫy. Gavrốt nghĩ bụng: đêm mùa hè cũng được việc đấy chứ! Đánh một giấc ngay trong xe! Thôi, ta “mượn” chiếc xe này cho chính phủ cộng hòa, còn ta để anh chàng này lại cho chế độ quân chủ.

Trong trí Gavrốt vừa có một ánh sáng lóe lên:

- Anh ba gác này mà thượng lên trên chiến lũy thì phải biết là hay!

Anh chàng phu xe đang ngáy khò khò.

Gavrốt se sẽ đẩy lui cái xe đồng thời nắm chân anh chàng kéo ngược lại. Chỉ một phút là xong đâu đấy: anh chàng phu xe đã nằm dài trên mặt đường, không nao núng. Còn chiếc xe thì đã rời ra.

Có thói quen phải đối phó luôn luôn với mọi hoàn cảnh bất ngờ, nên cái gì Gavrốt cũng có trong mình. Nó lục túi móc ra một mảnh giấy và một mẩu bút chì đỏ củm được của một anh chàng thợ mộc nào đó, nó viết mấy chữ:

“Chính phủ Cộng hòa Pháp

Biên nhận chiếc xe ba gác của anh”

Rồi ký tên: “Gavrốt”.

Viết xong, hắn nhét mảnh giấy vào túi chiếc gi-lê nhung của anh phu xe vẫn đang ngáy như sấm, rồi cầm càng xe lên đi về phía chợ, vừa đi vừa đẩy chiếc xe chạy nước đại trước mặt. Chiếc xe chạy ầm ầm và nó lấy làm khoái chí.

Trò ấy nguy hiểm. Ở Nhà in Hoàng gia có một bốt gác Gavrốt quên không để ý tới. Quốc dân quân ngoại ô đóng giữ ở đó. Tiểu đội canh gác đã bắt đầu để ý và mấy người nằm trên phản đã ngẩng đầu dậy. Hai cái đèn bị đập vỡ liền liền, một bài hát oang oang giữa đêm khuya, như thế đã là quá nhiều đối với những phố nhát gan này, những phố hễ mới vừa tắt mặt trời là đã muốn đi ngủ, mới chập tối là chẳng còn đèn đóm gì. Suốt một giờ qua, Gavrốt đã làm ồn ào giữa khu phố yên tĩnh này như con nhặng rơi vào trong chai vo ve không ngớt. Người đội cảnh binh ngoại ô đã lắng tai nghe ngóng. Y là một người thận trọng, y chờ xem.

Tiếng ầm ầm của chiếc xe ba gác làm cho y không còn chờ đợi gì nữa, y quyết định đi quan sát tình hình.

- Chúng nó chắc là có cả lũ, phải hết sức rón rén mới được.

Rõ ràng là quân phiến loạn như con bạch tuộc đã thoát ra khỏi vòng vây và đang trăm tay trăm chân làm náo loạn cả khu phố.

Viên đội cảnh binh đánh liều ra khỏi bốt canh, bước đi từng bước rón rén.

Gavrốt đang đẩy chiếc xe, sắp rẽ từ phố Hôđơriét sang thì đột nhiên chạm trán với một bộ quân phục, một mũ sắt có giắt lông, một cây súng.

Lần thứ hai, nó dừng hắn.

- À, lại có rồi. Gavrốt nói. Chào ông trật tự công cộng. Sự ngạc nhiên của Gavrốt ngắn ngủi và tan nhanh. Người cảnh binh hét lớn:

- Thằng ranh kia, đi đâu?

Gavrốt đáp:

- Ông công dân kia, tôi chưa gọi ông là tư sản, sao ông lại mắng tôi thế?

- Thằng ranh con đi đâu?

- Thưa ông, hôm qua đây chắc ông còn là một người thông minh, nhưng sáng nay thì ông đã bị hạ bệ rồi.

- Đồ chó chết, tao hỏi mày đi đâu?

- Ông ăn nói nhã nhặn đấy. Người ta thật không dám nói ông là người có tuổi đâu nhé. Ông nên đem bán tóc của ông đi, mỗi sợi một trăm phơrăng. Chắc được năm trăm phơrăng đấy.

- Đồ ăn cướp, mày đi đâu? Đi đâu? Đi đâu?

Gavrốt tiếp:

- Ăn nói gì thô bỉ thế. Mẹ ông từ rày có cho ông bú thì nhờ bà ấy lau hộ mồm cho ông kỹ kỹ hơn một chút.

Viên đội cảnh binh chĩa mũi súng vào người Gavrốt.

- Đồ khốn nạn, mày có nói là mày đi đâu không thì bảo?

- Bẩm đại tướng, con đi mời thầy thuốc cho vợ con nó đang trở dạ.

Viên đội kêu to:

- Có địch!

Dùng cái đã làm nguy mình để cứu nguy cho mình, kẻ tài tình mới có được nghệ thuật ấy. Nháy mắt Gavrốt đã bao quát được tình thế; cái xe ba gác đã làm hại mình thì chính nó phải che chở mình mới được.

Vừa lúc viên đội cảnh binh sắp xông đến thì Gavrốt giang thẳng cánh văng mạnh chiếc xe vào bụng y như một quả đạn, làm y nhào ngửa trên đường và phát đạn nổ đoàng trên không. Nghe tiếng viên đội kêu, lính trong bốt canh đều ùa ra ngoài. Thấy có súng nổ họ cũng nổ bừa theo một loạt, rồi lắp đạn bắn tiếp; những loạt súng bắn mò kiểu bịt mắt bắn dê ấy kéo dài đến những mười lăm phút và hạ sát đến mấy miếng kính cửa.

Trong lúc ấy thì Gavrốt đã bán sống bán chết tháo lui. Cách năm sáu phố, Gavrốt mới ngồi xuống một trụ đá ở góc đường, thở hổn hển. Hắn lắng tai nghe ngóng.

Ngồi thở được một chốc, hắn quay mình về phía có tiếng súng đang nổ giòn, nâng bàn tay trái lên mũi rồi đưa ra phía trước ba lần, vừa đưa vừa lấy tay phải vỗ vỗ phía đằng sau gáy. Cái cử chỉ ngạo nghễ ấy của bọn trẻ ranh Pari là kết tinh của tinh thần châm biếm của người Pháp. Cố nhiên là nó rất hiệu nghiệm, chả thế mà nó đã kéo dài hàng nửa thế kỷ nay!

Phút tươi vui ấy lại bị một ý nghĩ chua chát làm vẩn đục ngay. Gavrốt càu nhàu:

- Ừ, cười cho lắm, cười lăn cười bò ra, mà lại lạc đường mất rồi, giờ thì phải đi quanh rồi. Thôi, sao miễn về chiến lũy cho kịp là được!

Nói đoạn hắn lại cắm đầu chạy. Vừa chạy vừa nói:

- À, ta hát đến đâu rồi nhỉ?

Hắn lại cất tiếng hát bài hát ban nãy. Bóng hắn chìm nhanh vào trong các ngõ phố và tiếng hát cũng xa dần, nhỏ dần vào trong đêm:

Đời còn lắm ngục Bátxti

Nền chuyên chế ấy ta thì bửa ra

Bất bằng há dễ bỏ qua?

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta!

Có ai chơi ta thì chơi

Cho lăn cho lóc, cho rời vỡ ra

Vỡ rời xã hội thối tha!

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta!

Dân ta ơi, cầm gậy lên

Kéo nhau ta đập tan đền nhà vua

Diệt nền quân chủ xa hoa

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta!

Đạp song ta đã xông vào

Sáclơ Mười không dám đương đầu với ta!

Kinh hoàng vua đã trốn ra…

Đi đâu hỡi các tố nga?

Dô ta! Hò dô ta.

Cuộc nổ súng ở bốt canh không phải là không có kết quả. Người ta chiếm lĩnh chiếc xe ba gác và bắt được anh phu xe say rượu làm tù binh. Chiếc xe thì đem tống vào nhà chứa đồ tịch thu, còn anh chàng say rượu thì về sau có bị truy tố chút ít trước tòa án binh như kẻ tòng phạm. Để bảo vệ xã hội, trong trường hợp này, viện công tố đã tỏ ra mẫn cán, không biết mệt mỏi.

Câu chuyện Gavrốt đến nay vẫn còn là truyền thuyết ở khu phố Tăngplơ và là một kỷ niệm rùng rợn nhất đối với các bà thị dân già phố Mare. Trong ký ức họ, câu chuyện ấy được mệnh danh là: cuộc tấn công ban đêm vào bốt gác Nhà in Quốc vương.