Những người khốn khổ - PHẦN V - Quyển IV - Chương 01

QUYỂN IV: GIAVE MẤT HƯỚNG

Giave chậm rãi bước bước một khỏi phố Lomácmê.

Lần đầu tiên trong đời hắn, hắn cúi gằm xuống đi và cũng lần đầu tiên trong đời, hắn chắp tay sau lưng mà đi.

Trong hai dáng điệu của Napôlêông, cho đến ngày hôm nay, Giave chỉ biết có một, dáng điệu cương quyết, tức là hai tay khoanh trước ngực; còn dáng điệu lưỡng lự, hai tay chắp sau lưng, Giave chưa hề biết đến bao giờ. Bây giờ đã có sự biến đổi; tất cả người hắn, chậm chạp, ủ ê, biểu lộ một mối ưu tư.

Hắn đi sâu vào những phố vắng lặng.

Thế nhưng hắn đi về một hướng nhất định.

Hắn tiến thẳng về phía sông Xen, qua những đường ngắn nhất, rẽ ra phố Oócmơ, dọc theo bờ sông mà đi, qua Lagôrevơ rồi dừng lại, cách cái đồn ở công viên Satơlê một quãng ở góc cầu Đức Bà. Đến quãng này, - tức là nơi ở giữa cầu Đức Bà và cầu Sănggiơ một bên, một bên là giữa bờ Mêgixơri và bến Hoa, thì con sông Xen giống như một cái hồ vuông cạnh, ở giữa là một dòng thác chảy xiết.

Quãng sông này, các thủy thủ đi sông phải sợ. Ngày ấy, dòng thác trong lòng sông còn bị thắt lại và các cột chân cối xay ở cầu, nay đã phá hủy, làm cho chảy cuộn nên rất nguy hiểm. Hai cầu xây gần nhau quá, con sông càng thêm hiểm trở; nước đổ dữ dội dưới vòm cầu; sông nổi từng đợt khủng khiếp; nước sông dồn lại, tụ lại. Những luồng sông giống như từng cuộn dây thừng bằng nước to tướng gắng hết sức kéo bật chân cầu đi. Ai sẩy chân rơi xuống quãng sông này không bao giờ ngoi lên được; những người bơi lội tài giỏi nhất cũng chịu chết đuối.

Giave tì hai khuỷu tay lên thành cầu, cằm đặt vào giữa hai bàn tay, móng tay tự nhiên bấu vào hai bên ria má rậm rì. Hắn nghĩ ngợi.

Một sự mới lạ, một cuộc cách mạng, một tai biến vừa xảy ra trong đáy lòng hắn; vì thế nên hắn mới tự vấn lương tâm.

Giave thấy lòng đau quặn.

Từ mấy tiếng đồng hồ nay, hắn không phải là con người đơn giản nữa. Hắn rất bối rối; bộ óc hắn vốn trong suốt trong đui mù, nay không còn trong suốt nữa. Khối pha lê ấy vẩn đục một đám mây mờ. Trong lương tâm, hắn thấy có hai con người, hắn không thể tự dối mình được. Lúc bất ngờ gặp Giăng Vangiăng dưới bãi sông Xen, hắn có cái cảm giác như một con sói tóm lại được mồi, và như một con chó được gặp lại chủ cũ.

Hắn thấy trước mặt hắn có hai con đường, thẳng tắp cả hai, nhưng vẫn là hai con đường. Xưa nay, suốt đời hắn, hắn chỉ thấy có một con đường, nên lúc ấy hắn khiếp sợ. Điều dằn vặt nhất là hai con đường ấy lại đi trái ngược nhau. Con đường nọ không dung con đường kia. Con đường nào là con đường đúng?

Giave ở trong một tình trạng rất khó tả.

Được một tên gian phi cứu sống, nhận cái ơn ấy rồi lại trả ơn, tuy không muốn mà phải đặt mình ngang bằng với một tên tù tái phạm; lấy nghĩa trả nghĩa; để cho tên tù phạm ấy bảo mình “Thôi đi đi”, rồi đến lượt mình lại bảo hắn: “Đi đâu thì đi”. Vì những lý do cá nhân mà bỏ cả nhiệm vụ, cái bổn phận chung đó và lại thấy những lý do cá nhân ấy có cái gì cũng là chung, mà có lẽ lại trọng hơn. Phản lại xã hội để nghe theo tiếng nói của lương tâm. Đấy, tất cả những điều phi lý ấy cứ xảy ra, cứ chồng chất trên đầu hắn, hắn thấy vô cùng kinh hoảng.

Điều làm cho hắn ngạc nhiên là Giăng Vangiăng đã tha cho hắn và điều làm cho hắn kinh dị là hắn đã tha cho Giăng Vangiăng.

Hắn bây giờ thế nào? Hắn tự tìm hiểu mình mà không biết mình ra sao.

Phải làm gì bây giờ? Bắt lấy Giăng Vangiăng là không đúng, mà để mặc kệ Giăng Vangiăng cũng không xong. Trong trường hợp thứ nhất thì người nhà nước lại hèn mạt hơn một tên tù; trong trường hợp thứ hai, thì một tên tù khổ sai lại vượt lên trên pháp luật, giày xéo lên pháp luật. Trong cả hai trường hợp, Giave đều mất danh dự cả. Dù có đi theo con đường nào cũng là sa ngã. Số phận con người có những bờ vực trên đỉnh của sự nan giải, nếu vượt qua một cái thì cuộc đời chỉ còn là vực sâu. Giave đang đứng ở một nơi tận cùng như vậy.

Một điều khiến hắn bàng hoàng, là hắn cứ phải loay hoay nghĩ ngợi. Hắn thấy trong người nôn nao, không nghĩ không được. Từ xưa, hắn chưa hề nghĩ ngợi bao giờ, bây giờ hắn thấy nghĩ ngợi thật là đau khổ lạ lùng.

Mà đã nghĩ, tất có những tư tưởng phản kháng ngấm ngầm; hắn thấy bực dọc trong người.

Trong bất kỳ việc gì ngoài nhiệm vụ nhỏ hẹp thường ngày của hắn, hắn đều thấy nghĩ ngợi không ích gì, mà lại thêm mệt. Đến hôm nay, nghĩ ngợi về những việc đã xảy ra trong ngày lại là một nhục hình. Tuy vậy, sau những xúc động như thế, hắn thấy phải nhìn thẳng vào lương tâm mình, phải chính mình báo cáo cho mình biết con người mình.

Nghĩ đến việc hắn vừa làm, hắn rùng mình. Hắn, Giave, hắn đã tự ý thả một tên tội phạm, trái hẳn với tất cả luật lệ cảnh sát, trái hẳn với toàn bộ luật điển. Hắn đã thừa nhận việc ấy. Hắn đã lấy việc riêng làm việc công. Thế chẳng là quá lắm hay sao? Mỗi lần nghĩ đến cái việc hắn đã phạm, không biết gọi là tội gì, hắn lại run bắn người lên. Biết làm thế nào? Chỉ còn độc một cách là mau mau trở lại phố Lomácmê bắt Giăng Vangiăng. Rõ ràng là phải làm như thế mới đúng. Nhưng không thể làm được.

Có cái gì chặn ngang con đường ấy lại?

Cái gì? Biết cái gì! Thế ra, ở đời này, ngoài tòa án, ngoài những bản tuyên án, ngoài sở cảnh sát, ngoài nhà nước ra, lại còn có cái gì khác nữa à? Giave vô cùng hoang mang.

Một tên tù khổ sai mà bất khả xâm phạm! Một tên trọng phạm thoát vòng pháp luật! Chính Giave là thủ phạm việc ấy!

Giave và Giăng Vangiăng, một người sinh ra để trừng trị tội, một người sinh ra để bị trừng trị, cả hai người cùng là đối tượng của pháp luật, thế mà tình cảnh lại xui nên hai người ấy cùng vượt lên trên pháp luật, hỏi như thế có rùng rợn không?

Thế nào! Để cho xảy ra những việc quái đản như thế mà không ai bị trừng trị cả à? Giăng Vangiăng đứng trên toàn bộ trật tự xã hội, sẽ được tự do, mà Giave vẫn sẽ cứ điềm nhiên ăn cơm gạo của nhà nước à?

Càng nghĩ hắn càng thấy kinh khủng.

Trong ý nghĩ, cũng có khi hắn tự trách về cái tên phiến loạn đã được mang về phố Phiơ đuy Canve kia; nhưng hắn cũng bỏ qua việc ấy. Tội nhỏ thường dễ lẫn trong tội lớn. Vả lại tên phiến loạn ấy thế nào cũng chết rồi; pháp luật không truy tố người đã chết.

Giăng Vangiăng mới chính là cái cục đá nặng trĩu trong đầu óc hắn.

Giăng Vangiăng làm hắn hoang mang. Tất cả những nguyên lý trước đây là chỗ dựa cho cả cuộc đời hắn, nay bỗng nhiên sụp đổ trước con người ấy. Lòng đại lượng của Giăng Vangiăng đối với Giave làm cho hắn khổ. Hắn còn nhớ những việc khác mà trước đây hắn cho là nói láo, là xằng bậy, bây giờ hắn nhớ lại và thấy như là những chuyện có thật. Hình ảnh ông Mađơlen lại hiện lên đằng sau Giăng Vangiăng; hai khuôn mặt đáng tôn kính. Giave cảm thấy có cái gì đáng ghê tởm thấm sâu vào tâm hồn hắn; đó là lòng khâm phục một tên tù khổ sai. Kính phục một tên trọng phạm, có thể như thế được không? Hắn rùng mình nhưng không thoát khỏi. Hắn cố giãy ra nhưng vô hiệu. Trong thâm tâm hắn, hắn thú thực là tên cùng khốn ấy cao cả thật. Rõ ghê tởm chưa!

Một kẻ ác có lòng thiện, một tên tù khổ sai biết thương người, hiền từ, phúc đức, đại lượng, lấy ơn trả oán, lấy lòng tha thứ đáp lại lòng căm thù, ưa thương người chứ không ưa báo oán, thà hy sinh thân mình chứ không màng hại kẻ địch, cứu kẻ đã hại mình; kẻ ấy quỳ gối trên đạo đức cao cả, kẻ ấy gần thiên thần hơn là gần loài người. Giave phải tự thú là con quái vật ấy có thật.

Không thể kéo dài như thế mãi được.

Chúng tôi nhấn mạnh chỗ này, Giave không phải đã đầu hàng không kháng cự con quái vật ấy, vị thiên thần chết giẫm ấy, đấng anh hùng dị hợm ấy mà hắn vừa căm vừa khinh dị. Hắn vừa uất ức còn kinh hoàng. Khi ngồi đối diện với Giăng Vangiăng trên xe ngựa, hàng chục lần, con hùm của pháp luật đã gầm lên trong người hắn. Đã hàng chục lần, nó định nhảy xô vào Giăng Vangiăng mà vồ lấy, mà ngấu nghiến, tức là tóm cổ Giăng Vangiăng. Nào có gì giản dị hơn! Đến một đồn cảnh sát, cứ việc kêu lên: “Một tên tiền án vi phạm luật quản thúc đây!” Cứ việc gọi lính sen đầm mà bảo: Đây, trao tên này cho các anh, thế rồi bỏ đi, mặc kẻ tội phạm ở đấy, ra sao thì ra, không dính dáng gì đến nữa. Kẻ ấy là tù nhân của pháp luật; pháp luật muốn làm gì thì làm. Còn gì công minh hơn? Giave đã nói với mình tất cả những điều ấy. Hắn đã muốn bỏ qua tất cả, muốn ra tay hành động, bắt lấy người kia, thế nhưng lúc ấy cũng như bây giờ, hắn không thể làm được. Mỗi lần bàn tay hắn run run giơ lên định tóm cổ Giăng Vangiăng thì lại như một vật nặng phi thường, rơi xuống, hắn nghe thấy một tiếng nói trong đáy lòng, một tiếng nói lạ lùng, tiếng ấy kêu lên:

- Khá đấy! Cứ bắt lấy người đã cứu sống mày đi. Thế rồi mang cái chậu của Pôngxơ Pilát đến mà cọ rửa móng vuốt![340]

[340] Ponce Pilate khi trao Giêsu cho người Do Thái hành hình, cọ rửa tay vào chậu nước; ý muốn nói đổ trách nhiệm cho người khác.

Rồi hắn lại nghĩ đến hắn. Bên cạnh Giăng Vangiăng lớn lao hơn, hắn thấy hắn, Giave, bé nhỏ đi.

Một tên tù khổ sai lại là ân nhân của hắn!

Nhưng tại sao hắn lại để cho người kia tha chết cho hắn? Ở chiến lũy, hắn có quyền được người ta giết chết. Đúng lẽ hắn phải dùng đến cái quyền ấy. Đáng lẽ phải kêu cứu những người bạo động khác để chống lại Giăng Vangiăng, bắt người ta bắn chết mình; làm như thế mới phải.

Hắn dằn vặt nhất là lúc không còn biết thế nào là phải. Hắn như bị mất rễ. Luật lệ chỉ còn là một đoạn gươm ngắn hắn nắm trong tay. Hắn thấy lòng hắn băn khoăn, những nỗi băn khoăn từ xưa hắn chưa từng biết tới. Trong người hắn, bừng lên một thứ tình cảm hoàn toàn khác hẳn cái khẳng định tính của pháp luật, - cái mực thước duy nhất của hắn từ xưa tới nay. Cứ đứng nguyên trong cái vòng liêm khiết cũ kỹ, hắn thấy chưa đủ. Cả một loạt những việc bất ngờ trỗi dậy, khuất phục hắn. Cả một thế giới mới lạ hiển hiện trong tâm hồn hắn; nhận ơn và trả nghĩa, lòng hy sinh, lòng nhân ái, lòng khoan dung, lòng trắc ẩn chống lại tính khắc nghiệt, việc công nhận con người, không còn án quyết vĩnh viễn, không còn đày đọa mãn kiếp, có thể có một giọt lệ trong con mắt luật pháp, một thứ công lý của Thượng đế đi ngược lại thứ công lý của loài người. Trong khoảng tối mịt mù, hắn thấy mọc lên một mặt trời đạo đức lạ lùng đáng sợ. Hắn kinh tởm và quáng cả mắt. Hắn như con cú bị bắt buộc phải nhìn với con mắt của chim ưng.

Hắn tự bảo là đúng như vậy, ở đời này có những trường hợp ngoại lệ, nhà chức trách có thể lúng túng trước một sự việc luật pháp có khi bó tay; không phải cái gì cũng định sẵn trong luật lệ; điều bất ngờ có thể cần được tuân theo, đạo đức của một tên tù khổ sai có thể là cạm bẫy đối với đạo đức của một viên chức; một kẻ ghê tởm có khi là một ông thánh, số mệnh có những cạm bẫy như vậy. Rồi hắn tuyệt vọng thấy rằng ngay hắn ta cũng không thoát khỏi một sự bất ngờ như vậy.

Hắn buộc phải nhận là ở trên đời quả có lòng nhân đức. Tên tù khổ sai kia có lòng nhân đức. Và, lạ lùng quá, chính hắn, hắn cũng vừa có lòng nhân đức. Như thế là hắn đã sa ngã.

Hắn thấy hắn hèn nhát; hắn thấy chính hắn làm cho hắn ghê tởm.

Lý tưởng đối với Giave đâu phải là nhân đạo, là vĩ đại, là cao cả. Giave chỉ muốn là người không phạm lỗi gì.

Thế mà hắn vừa lầm lỗi.

Sao hắn có thể đến như thế này? Việc này đã diễn ra như thế nào? Hắn không biết trả lời ra sao. Hai tay hắn ôm đầu, nhưng vô hiệu hóa, hắn không thể giải nghĩa tại sao sự tình lại đến nông nỗi ấy.