Những người khốn khổ - PHẦN V - Quyển V - Chương 01 - 02 - 03

QUYỂN V: ÔNG VÀ CHÁU

I

LẠI THẤY CÁI GẬY CÓ GẮN MIẾNG KẼM

Những việc kể bên trên xảy ra được ít lâu thì lão Bulatơruyen lại qua một cơn xúc động mạnh mẽ.

Bulatơruyen là cái lão phu lục ở Môngphécmây ta đã thoáng gặp trong những phần đen tối của truyện này.

Chắc người ta còn nhớ, Bulatơruyen là người lúc nào cũng bận vào những việc ám muội và linh tinh. Lão đập đá và gây hại cho những khách trên đường cái. Vừa làm thợ đắp đất vừa làm nghề ăn trộm, lão nuôi một cái mộng: lão mơ cái kho tàng châu báu chôn trong rừng Môngphécmây. Lão hy vọng một ngày kia sẽ tìm được tiền chôn dưới một gốc cây; trong lúc chờ đợi, lão vui lòng kiếm chác trong túi khách qua đường.

Nhưng lúc này lão đã cẩn thận hơn. Lão vừa may mà thoát nạn. Ta đã biết, người ta vừa nhặt lão trong nhà nát của Giôngđơrét cùng với bọn kẻ cướp. Một tật xấu cũng có khi có lợi; lão thoát tù vì lão say rượu. Người ta dò xét mãi mà không biết lão là kẻ cướp hay là khổ chủ. Dựa trên tình trạng lão thực sự say rượu tối hôm xảy ra vụ bẫy người, tòa án đã ra lệnh miễn truy tố và lão được thả ra. Lão lại trở về với khu rừng cũ. Lão trở lại khúc đường từ Ganhi đến Lanhi để rải đá cho nhà nước, dưới sự kiểm soát của cơ quan hành chính. Mặt lão tiu nghỉu, ra vẻ rất nghĩ ngợi, hơi cụt hứng đối với việc trộm cướp nó đã làm lão suýt khốn, nhưng lão lại càng thêm trìu mến hũ rượu đã cứu vớt lão.

Còn cái cơn xúc động mạnh mẽ lão trải qua sau khi trở về dưới mái cỏ của người phu lục lộ, nó như thế này:

Một buổi sáng, lúc ấy mặt trời chưa mọc, như lệ thường Bulatơruyen đi làm, và có lẽ cả đi rình mò nữa, lão thấy một bóng người thấp thoáng sau cành lá trong rừng. Lão chỉ thấy sau lưng người ấy từ đằng xa, lúc ấy lại chưa sáng rõ, nhưng trông dáng điệu hơi quen quen. Mặc dù nghiện rượu, Bulatơruyen vẫn có trí nhớ đúng đắn, sáng suốt, cái vũ khí tự vệ cần thiết của tất cả những ai có phần nào chống đối với trật tự xã hội. Lão tự hỏi:

- Quái, mình đã gặp cái thằng cha này ở đâu rồi nhỉ?

Nhưng lão không trả lời được, lão chỉ thấy người kia giống như một dạng mập mờ thoáng qua trí óc lão.

Cái dáng ấy, lão chưa xác định lai lịch được, nhưng lão lại tính toán, đối cứu sự việc. Người ấy không phải là người vùng này. Người ở nơi khác đến, tất nhiên là đi bộ. Giờ này chẳng có xe quái nào qua Môngphécmây cả. Chắc là hắn đi suốt đêm. Ở đâu đến? Không xa đâu. Chẳng có xắc, chẳng gói gì hết! Chắc hẳn là ở Pari đến. Tại sao lại vào khu rừng này? Tại sao lại đến vào giờ này? Đến để làm gì?

Bulatơruyen nghĩ đến cái kho tàng châu báu. Cố sức nặn óc, lão mới lờ mờ nhớ ra rằng, cách đấy lâu lắm, đã bao nhiêu năm, đã có lần lão cũng gặp sự biến như thế này. Cái người bây giờ, lão cho có thể là người ngày trước.

Mải nghĩ, nặng trĩu cả óc, lão cúi đầu xuống, cái ấy cũng tự nhiên, nhưng chẳng khôn khéo tí nào. Lúc ngẩng đầu lên thì lão chẳng thấy gì nữa. Người kia đã biến trong khu rừng, trong bóng mờ rạng đông.

- Mẹ kiếp! Bulatơruyen làu bàu. Rồi thế nào mình cũng tìm thấy nó. Tao sẽ tìm ra cái địa phận của tên giáo dân này cho mà xem. Tại sao cái thằng ấy lại ưa đi lúc tinh mơ thế này, rồi mình sẽ biết tuốt. Ở trong khu rừng của tớ, chả có điều bí mật nào mà không có tớ xen vào.

Lão cầm lấy cái cuốc mũi rất nhọn của lão, rồi lầm bầm:

- Cái này để bới đất và để bới người.

Thế rồi, như thể người ta nối sợi chỉ này vào sợi chỉ kia, lão cố bước khớp theo dấu chân phỏng đoán của người kia và cứ thế đi qua khu rừng.

Đi được độ một trăm bước thì mặt trời bắt đầu mọc. Lão trông rõ lối đi. Lão thấy những dấu giày in rải rác trên cát, những vạt cỏ bị giẫm, những bụi cây bị xéo, những cành cây non trong bụi rậm bị uốn xuống, từ từ vươn lên, tựa như một người đàn bà xinh đẹp đang duỗi tay lúc trở dậy. Lúc đã thấy vết đi của người kia, lão đi theo, nhưng bỗng mất hút. Thời gian cứ qua. Lão tiến sâu nữa vào khu rừng, rồi đến một mô đất. Một người đi săn sớm qua con đường mòn xa xa, vừa đi vừa huýt sáo theo điệu Ghiơri. Lão chợt nảy ra ý trèo lên cây cao. Tuy lão đã già nhưng lão còn nhanh nhẹn. Ở đấy có một cây dẻ to, thật xứng cho Titia[341] và Bulatơruyen trèo. Bulatơruyen cố trèo hết sức cao lên cây dẻ.

[341] Tên người chăn chiên trong thơ của Viếcgin, thi hào La Mã xưa.

Kể ý ấy cũng hay thật. Nhìn kỹ về phía khu rừng hoang vu, rậm rì và ghê gớm nhất, bỗng Bulatơruyen trông thấy người kia.

Vừa thoáng thấy, người kia đã biến mất!

Người kia đi vào, - hay len lỏi vào thì đúng hơn, - len lỏi vào một quãng rừng thưa ở khá xa, khuất sau những cây to. Nhưng quãng rừng ấy, Bulatơruyen biết lắm; lão vừa nhận ra một cây dẻ gai vì bệnh nên được băng bằng một tấm kẽm đóng ngay trên vỏ cây, bên cạnh một đống đá cối to tướng. Khu rừng thưa ấy, ngày xưa người ta gọi là bất động sản Blaruy. Đống đá ấy không biết dùng để làm gì, ba mươi năm trước đã thấy rồi, nay chắc vẫn còn. Chẳng cái gì sống lâu hơn một đống đá, có chăng những bức giậu bằng ván gỗ. Để tạm đấy thôi, thế mà hóa ra trường thọ.

Bulatơruyen mừng rỡ tụt xuống nhanh như chớp. Đã tìm thấy hang con thú, chỉ còn việc bắt lấy nó. Cái kho tàng mơ ước bấy lâu đích thị là ở đấy rồi.

Đi đến tận khu rừng thưa ấy, đâu phải chuyện dễ. Đi theo những lối mòn cứ uốn khúc như trêu ngươi phải mất mười lăm phút, còn nếu cứ đường thẳng mà đi, qua bụi rậm rất dày, đầy gai góc, rất hiểm trở, phải mất những nửa giờ. Khốn nỗi Bulatơruyen lại không hiểu cho điều ấy. Lão tin ở con đường thẳng; thật là một ảo tưởng đẹp đẽ, nhưng đã hại biết bao người. Khu rừng rậm dù có gai góc đến đâu, Bulatơruyen cũng cứ tưởng là con đường ngắn. Lão nói:

- Cứ đường thẳng chó sói mà đi thôi.

Bulatơruyen, vốn quen đi đường quanh, lần này lại phạm sai lầm là đi đường thẳng.

Lão vấp phải nào ô rô, nào gai, nào sơn trà, nào hồng dại, nào thảo nhi, nào cây ngấy đến hay gây sự. Trầy sướt cả da thịt.

Bên dưới rãnh có nước, phải lội qua mà đi.

Sau cùng, lão cũng đến được khu rừng thưa Bơlaruy, nhưng mất đến bốn mươi phút, mồ hôi đầm đìa, hổn hà hổn hển, ướt át, mặt đầy vết xây xước, giận dữ.

Chẳng có ai ở đấy cả.

Bulatơruyen chạy đến đống đá. Đống đá vẫn nguyên chỗ cũ. Chẳng ai tha đi đâu cả.

Còn người kia thì đã biến vào rừng sâu. Người ấy đã trốn mất. Trốn đi đâu? Về phía nào? Trong khu rừng nào? Không tài nào đoán biết được.

Đau đớn nhất là lại thấy ở sau đống đá, ngay trước cái cây bịt kẽm, một khoảnh đất mới xới, một cái cuốc để quên, hay vứt lại đó, và một cái hố.

Hố ấy trống rỗng.

Bulatơruyen giơ hai nắm tay về phía chân trời, kêu lên:

- Đồ ăn cắp!

II

MARIUYTX VỪA RA KHỎI NỘI CHIẾN LẠI CHUẨN BỊ CUỘC CHIẾN TRANH TRONG NHÀ

Một thời gian lâu, Mariuytx chẳng ra sống, chẳng ra chết. Hàng mấy tuần liền, anh lên những cơn sốt mê sảng. Có nhiều triệu chứng khá nghiêm trọng ở não vì não bị các vết thương ở đầu làm chấn động, chứ không phải do chính các vết thương phạm vào.

Hàng đêm đằng đẵng, trong những lời nói mê ghê rợn và thao thao bất tuyệt qua cơn sốt, trong cơn hấp hối và cứ kéo dài thảm đạm, Mariuytx lúc nào cũng gọi tên “Côdét”. Mấy vết thương lớn rất nguy hiểm, bởi vì mủ ở những nơi ấy thường nung ở tận dưới thịt, có thể làm chết người, do ảnh hưởng của thời tiết; mỗi khi đổi trời thầy thuốc lại lo ngại. Ông thường nói: nhất là người bệnh lại không cảm thấy gì cả. Băng bó rất khó khăn, phức tạp. Thời ấy chưa tìm ra vải nhựa để dán băng, dán thuốc. Nicôlét tốn một tấm khăn trải giường - “to bằng cái trần nhà” như chị ta thường nói - để làm băng buộc các vết thương. Dùng các chất cơlôruya và nitơrát bạc phải chật vật công phu lắm mới trừ được chứng thối thịt. Bệnh tình Mariuytx còn trầm trọng thì lão Gilơnócmăng cũng vẫn còn như chàng, chẳng ra sống, chẳng ra chết. Lão vẫn ngồi ở đầu giường cháu, cuống cuồng cả người.

Theo lời bác gác cổng kể lại ngày nào cũng vậy, có khi một ngày hai bận, một ông già tóc bạc, ăn mặc sang trọng, đến hỏi bệnh tình Mariuytx và đưa lại một gói băng lớn.

Cuối cùng tính từng ngày là bốn tháng ròng, sau cái đêm đau đớn Mariuytx được khiêng về nhà dở sống dở chết, ngày 7 tháng chín, thầy thuốc tuyên bố bảo đảm chàng sống. Thời kỳ dưỡng bệnh bắt đầu. Thế nhưng Mariuytx còn phải nằm trên một cái ghế dài ròng rã hai tháng trời, vì xương đòn gánh bị gãy thỉnh thoảng lại giở những chứng bất ngờ. Đấy, thường vẫn thế, cái vết thương cuối cùng thường không mím miệng lại ngay, cứ phải băng bó mãi, người ốm rất khó chịu.

Nhưng được cái thời gian ốm lâu như thế, lại bình phục lâu như thế, nên Mariuytx không bị truy nã. Ở nước Pháp, những cơn phẫn nộ, ngay những cơn phẫn nộ của công chúng, cũng thường không kéo dài quá sáu tháng. Những cuộc biến động như trong tình trạng xã hội hiện nay là cốt lõi của tất cả mọi người, nên cũng cần phải nhắm mắt lại.

Ta nên nói thêm rằng cái lệnh quá quắt của Giskê bắt các thầy thuốc phải tố cáo những người bị thương đã làm dư luận bất bình; mà người bất bình đầu tiên lại là nhà vua. Dư luận ấy đã che chở, bảo vệ cho những người bị thương. Chỉ trừ những người bị bắt làm tù binh ngay tại trận, những người khác không ai bị tòa án binh động tới. Thế là Mariuytx được yên thân.

Thoạt đầu, lão Gilơnócmăng nếm tất cả những đau đớn, ê chề, sau lão hưởng tất cả những nỗi say sưa. Đêm đêm, lão ở liền bên cạnh người ốm, ngăn sao cũng không được. Lão cho mang cái ghế bành lớn lại gần giường Mariuytx. Lão bắt con gái phải lấy khăn áo đẹp nhất trong nhà để làm vải buộc, làm băng. Bà dì Gilơnócmăng vốn là người tinh khôn, lại là con gái lớn trong nhà, tìm cách giữ các khăn áo đẹp lại vừa làm cho lão tưởng con vẫn nghe lời mình. Lão Gilơnócmăng không cho phép ai cắt nghĩa cho lão biết rằng làm băng thì vải chéo không tốt bằng vải thô và vải mới không bằng vải cũ. Bao giờ băng hộ cho Mariuytx lão cũng có mặt, còn bà dì thì ra chỗ khác và e thẹn kêu lên: Ối! Ối! Không gì cảm động bằng khi lão đưa chén thuốc cho người bị thương, tay run run vì tuổi già. Lão cứ hỏi thầy thuốc liên hồi. Lão không biết là lão cứ hỏi đi hỏi lại những câu hỏi đã hỏi rồi.

Hôm thầy thuốc báo cho lão biết Mariuytx đã qua cơn hiểm nghèo, lão sướng điên lên. Lão thưởng cho bác gác cổng ba đồng lu-i. Tối hôm ấy, lúc trở về buồng riêng, lão vừa đi vừa nhảy điệu ga-vốt, ngón tay cái bật vào ngón tay trỏ đánh nhịp. Lão hát bài hát sau đây:

Đồng cỏ Phugie

Là nơi Gian ở

Ơi Gian! Ơi mình!

Vậy em rất tình

Anh si

Các cậu bé thần kỳ

Nấp trong mắt đẹp

Với túi tên phép

Ranh nhép!

Ta say nàng Gian

Hơn nữ thần Đian

Say đôi vú cứng

Cô gái Brơtan

Rồi lão quỳ xuống một cái ghế, Bátxcơ nhòm qua khe cửa hé mở, tin chắc là lão đang cầu kinh.

Từ xưa, nào lão có tin Chúa bao giờ.

Mỗi khi bệnh Mariuytx thuyên giảm, mà càng ngày chàng càng đỡ hơn, lão già lại càng thêm kỳ quặc. Lão làm lắm việc vô lý, ra vẻ rất khoái trá. Không việc gì cũng lên gác, xuống gác mãi được. Một chị hàng xóm kể ra cũng xinh, một buổi sáng sửng sốt nhận được một bó hoa to tướng. Bó hoa ấy là của lão Gilơnócmăng gửi tặng. Anh chồng nổi một trận ghen. Lão Gilơnócmăng lại cố ôm Nicôlét đặt ngồi lên vế mình. Lão gọi Mariuytx là ông nam tước. Lão hét: “Chế độ cộng hòa muôn năm!”

Lúc nào lão cũng hỏi thầy thuốc: “Có phải là không ngại gì nữa chứ?” Lão nhìn Mariuytx âu yếm như bà nhìn cháu. Lúc Mariuytx ăn, lão nhìn rất trìu mến. Lão không biết đến lão nữa, lão không đáng kể nữa, bây giờ Mariuytx là ông chủ nhà; trong nỗi vui sướng, lão đã thoái vị, lão là đứa cháu của cháu lão.

Sống trong cảnh sảng khoái như thế, lão trở thành đứa trẻ đáng kính nhất. Lão đứng sau người ốm mà mỉm cười, sợ người ốm mệt hay khó chịu. Lão hớn hở, tươi cười, sung sướng, dễ yêu, non trẻ. Nét mặt lão như có nguồn sáng tươi vui, lại thêm mớ tóc bạc trên đầu, nên trông lão càng thêm oai nghiêm một cách dịu dàng. Khi những nếp nhăn lại điểm thêm duyên dáng thì trông người ta thật đáng yêu kính. Người già vui vẻ thì trên mặt rạng rỡ một thứ bình minh.

Còn Mariuytx, lúc người ta băng bó trông nom cho chàng, chàng chỉ có độc một ý nghĩ: Côdét.

Từ khi dứt cơn sốt và không mê sảng nữa, chàng không gọi tên ấy lên nữa. Chàng không nói, chính bởi vì cả tâm hồn chàng là ở đấy.

Chàng không biết bây giờ Côdét ra sao; tất cả những việc xảy ra ở phố Săngvrơri, nay chỉ còn như một đám mây mờ trong ký ức. Những bóng người mờ mờ phảng phất trong trí óc, Êpônin, Gavrốt, Mabớp, gia đình Tênácđiê, tất cả các bạn chập chờn ảm đạm trong khói mù chiến lũy. Rồi các việc ông Phôsơlơvăng hiện qua trong cuộc chiến đấu đẫm máu, nay tưởng như một bí ẩn trong cơn bão táp. Chàng không hiểu tại sao chàng sống, ai đã cứu chàng sống, cứu như thế nào. Mọi người chỉ biết nói với chàng có một cái xe ngựa đang đêm chở chàng về phố Phiơ đuy Canve. Quá khứ, hiện tại, tương lai, tất cả chỉ còn là đám sương mù mờ ảo, nhưng trong đám sương mù ấy, có một điểm bất động, một nét nổi bật, rõ ràng, chính xác, một cái gì như bằng đá hoa cương, một điều quyết định, một ý chí: tìm Côdét. Đối với chàng, ý nghĩ về cuộc đời không tách rời khỏi ý nghĩ về Côdét. Lòng chàng đã nhất quyết rằng chàng sẽ không chịu sống ở đời nếu không có Côdét. Bất kỳ ai bắt chàng sống, dù là ông chàng, dù là số mệnh hay là địa ngục, thì chàng nhất định cũng phải đòi lại cho kỳ được nơi cực lạc chàng đã mất.

Những khó khăn, không phải là chàng không hiểu.

Ở đây, ta cần nhấn mạnh điều này: ông chàng có hết lòng ân cần, âu yếm, chàng cũng không hề chuyển lòng và cảm động. Trước tiên, vì chàng không biết hết tất cả những sự săn sóc, chiều chuộng ấy. Sau nữa, trong sự suy nghĩ mơ màng của người ốm, có lẽ còn chút dấu vết của mê sảng, chàng nghi ngờ những cử chỉ trìu mến ấy, coi như một hành động lạ lùng, mới mẻ, cốt để chinh phục chàng. Chàng giữ thái độ lạnh lung. Ông chàng tha hồ nở những nụ cười móm mém nhưng chỉ mất công toi. Mariuytx tự bảo khi mình chưa nói, cứ để mặc cho người ta làm gì thì làm, thì còn tốt; chứ khi nói đến Côdét thì chàng sẽ thấy một bộ mặt khác hẳn, ông chàng sẽ lộ rõ bộ mặt thật. Lúc ấy mới gay go. Rồi hàng vạn vấn đề gia đình, rồi thì môn đăng hộ đối, rồi vừa mỉa mai vừa bắt bẻ, rồi nào Phôsơlơvăng với Cupơlơvăng, nào gia tài, nghèo khổ, nào đeo vạ vào thân, nào tương lai. Chống lại kịch liệt; kết cục; từ chối. Mariuytx phải cứng cỏi ngay từ bây giờ.

Vả lại chàng càng khỏe ra, những nỗi bất bình cũ càng trở lại, những vết loét trong ký ức lại lở ra, chàng nhớ lại dĩ vãng; đại tá Pôngmécxi lại đứng giữa lão Gilơnócmăng và chàng, Mariuytx. Chàng tự bảo chàng sẽ không thể hy vọng một tấm lòng tốt chân thật nào ở con người đã xử tệ và bất công với cha chàng đến thế. Càng khỏe ra chàng thấy như càng oán ghét ông chàng hơn. Ông lão âm thầm đau đớn về thái độ của Mariuytx. Lão Gilơnócmăng nhận thấy rằng Mariuytx, từ ngày được người ta khiêng về nhà và từ ngày chàng tỉnh lại, chưa bao giờ chàng gọi lão là “ông ngoại” cả; biết vậy nhưng lão không nói gì. Chàng cũng không gọi là “ngài”, đã đành. Nhưng chàng tìm cách lẩn tránh để khỏi phải gọi tiếng này cũng chẳng phải gọi tiếng kia.

Hiển nhiên là sắp có một cơn biến động.

Cũng như mọi người khi gặp trường hợp tương tự, Mariuytx thử sức nhè nhẹ trước khi tấn công. Như thế gọi là thăm dò trận địa. Một buổi sáng, lão Gilơnócmăng, nhân tình cờ đọc một tờ báo, bộp chộp nói về Hội nghị Quốc ước và thốt ra một câu phán xét có tính chất bảo hoàng về Đăngtông, Xanhgiuýt và Rôbétxpie. Tức thì Mariuytx nghiêm nghị trả lời: những con người năm 93 ấy là những người khổng lồ. Lão già nín lặng cả ngày hôm ấy, không hé răng nổi nửa lời.

Mariuytx, bao giờ nghĩ đến ông, cũng có ngay trong óc một hình ảnh người ông sắt đá những ngày chàng còn nhỏ, nên chàng cho rằng ông chàng im lặng là vì cố nén cơn giận. Chàng liền đoán trước một cuộc chiến đấu ác liệt và trong thâm tâm, chàng sửa soạn thật đầy đủ để chiến đấu.

Chàng quyết định nếu bị từ chối, chàng sẽ lột hết vải băng bó làm trẹo xương đòn gánh, những vết thương còn đau thì vứt cả băng đi cho mở miệng cả ra, rồi không ăn không uống gì nữa. Những vết thương là đạn dược của chàng. Một là được Côdét, hai là chết. Chàng kiên nhẫn đợi chờ thời cơ - cái kiên nhẫn tinh ranh của người ốm.

Thời cơ ấy đã đến.

III

MARIUYTX TẤN CÔNG

Một hôm, trong lúc bà dì Gilơnócmăng xếp gọn chai lọ, cốc tách trên mặt tủ ô kéo, thì lão Gilơnócmăng cúi xuống Mariuytx, lấy giọng hết sức dịu dàng bảo cháu:

- Mariuytx, con ạ, con xem, nếu ông mà như con thì nay ông ăn thịt, chứ không ăn cá nữa. Lúc con dưỡng bệnh thì nên ăn cá thờn bơn rán, nhưng con muốn dậy được thì phải cố ăn ít sườn chứ.

Mariuytx bấy giờ đã hầu như bình phục hẳn, chàng lấy hết sức ngồi nhỏm dậy, hai bàn tay bíu chặt lấy cái khăn trải giường. Rồi chàng nhìn thẳng vào mặt ông chàng, giọng nói hung hãn:

- Nhân thể, tôi muốn nói cái này.

- Cái gì cơ?

- Là tôi muốn cưới vợ.

- Ông đã biết mà.

Nói xong lão phá lên cười.

- Biết là biết thế nào?

- Được, ông đã dự kiến rồi. Con sẽ lấy con bé ấy.

Mariuytx sửng sốt đến choáng cả lên, chân tay run lẩy bẩy.

Lão Gilơnócmăng nói tiếp:

- Được, con sẽ lấy con bé ấy, con bé kháu khỉnh ấy. Ngày nào cô ấy cũng đội lốt một ông cụ già đến thăm tin con. Từ ngày con bị thương, lúc nào cô ấy cũng khóc và ở nhà làm băng cho con. Ông đã điều tra. Cô ấy ở Lomácmê, số 7. Đấy, được rồi, con thích thì con sẽ được! Con tiu nghỉu rồi đấy chứ gì. Con đã bố trí một âm mưu nho nhỏ, con tự bảo con: - Để rồi mình bảo thẳng cho cái lão già ấy, cái xác ướp thời nhiếp chính, thời đốc chính ấy, cái anh chàng trai lơ ngày xưa cái anh thanh niên công tử nay hóa ông cụ tai ác, phải bảo thẳng cho lão ấy biết. Xưa kia lão chơi bời chán, nào tình nhân vụng trộm, nào gái lẳng lơ; lão cũng có những cô Côdét của lão, lão đã diện chán, lão cũng đã bay lượn, đã nếm cái vị xuân tình. Những cái ấy lão phải nhớ chứ. Để rồi xem. Giao chiến thôi. Thế là con cầm đằng đuôi đứt đi rồi. Được. Ông bảo con ăn thịt thì con lại trả lời: “Nhân thể tôi muốn lấy vợ”. Chuyển đề hay quá! Con nhất định gây chuyện chứ gì! Con không biết là ông rất nhát gan ư? Kết quả như con nghĩ thế nào? Con bực tức hắn? Con không ngờ ông lại ngốc hơn con, thế là cụt hứng, cái bài diễn văn của ông trạng sư thế là mất toi, ức thế. Đã thế, mặc kệ, cứ khùng lên con muốn gì, ta cũng ừ, thế là hết cả khùng đồ nỡm! Con nghe đây này. Ông đã cho đi dò hỏi: ông, ông cũng tinh quái lắm chứ. Con bé ấy dễ thương, ngoan nét lắm; câu chuyện thằng kỵ binh là chuyện láo, cô ta cắt cả một đống băng, thương con ra trò. Con mà chết thì hóa ba người chết: quan tài cô ta sẽ đi theo quan tài của ông. Từ khi con khá hơn, ông vẫn có ý định hôm nào đặt quách cô ấy ngồi sừng sững ngay đầu giường con. Nhưng chỉ trong tiểu thuyết mới thấy người ta đưa các thiếu nữ đến bên giường những chàng trai xinh đẹp đang bị thương, những chàng trai mà các cô thích. Còn ngoài thì chả thấy ai làm thế bao giờ. Vả lại rồi dì con lại nói. Suốt ngày đêm, con chẳng mấy lúc mặc quần áo. Con cứ hỏi Nicôlét mà xem, chị ấy chẳng rời con phút nào, thử hỏi xem có cách nào đem phụ nữ đến trước mặt con lúc ấy không. Thế rồi còn thầy thuốc nữa. Một cô gái đẹp thì chữa khỏi sốt sao được. Thôi, được, chẳng phải nói thêm nữa đã định rồi, đã xong rồi, nhất định rồi, con cứ việc cưới về. Đấy, ông dữ tợn như thế đấy. Con xem, ông biết là con chả yêu ông, ông vẫn bảo: biết làm thế nào để thằng súc sinh ấy yêu được mình? Ông lại bảo: này nhé mình đã nắm con bé Côdét trong tay, để rồi mình cho hai đứa lấy nhau, lúc ấy nó sẽ yêu mình một tý, không thì nó phải nói tại sao chứ. Úi chà, con tưởng rằng lão già này sẽ quát tháo lên, la rầm lên, thét: “Không được” rồi giơ gậy gộc ra trong cái cảnh bình minh này? Không phải đâu. Côdét: được. Yêu nhau: được. Ông chẳng mong gì hơn nữa. Thưa ngài, ngài chịu khó lấy vợ cho con. Con ạ, ông chỉ mong con được sung sướng.

Nói xong, lão già nức nở khóc.

Lão ôm đầu Mariuytx, hai tay ghì chặt vào cái ngực già nua của lão; cả hai người cùng òa lên khóc. Thật là một cảnh hạnh phúc tuyệt vời. Mariuytx kêu lên:

- Cha ơi!

Lão già nói:

- Trời! Thế ra con yêu ông ư!

Cái phút ấy sao mà khó tả. Cả hai người cùng nghẹn ngào không nói nên lời.

Cuối cùng lão già nói lắp bắp:

- Thế nó đã cởi mở rồi. Nó đã gọi ta là cha.

Mariuytx gỡ đầu khỏi tay ông và nói:

- Cha ạ, bây giờ con khỏe rồi, con có thể gặp cô ấy được chứ?

- Vẫn định thế rồi, ngày mai con gặp.

- Cha ơi!

- Gì cơ?

- Sao lại không hôm nay?

- Thế thì hôm nay. Đồng ý hôm nay. Con đã nói ba lần “Cha ơi”, thì đáng được thế lắm. Để rồi ông liệu. Sẽ đưa cô ấy đến đây. Đã bảo là định thế từ trước cơ mà! Chuyện này đã ghép thành thơ rồi mà! Đây là đoạn kết thúc hận ca Chàng trẻ ốmcủa Ăngđơrê Sêniê,[342] người bị cắt cổ bởi bọn sát… - à, bọn những người khổng lồ 93.

[342] André Chénier, thi sĩ Pháp cuối thế kỷ XVIII, vì âm mưu chống đối cách mạng nên bị tòa án cách mạng xử tử. Chàng trẻ ốm là một bài thơ có tiếng của thi sĩ.

Lão Gilơnócmăng tưởng như thấy Mariuytx hơi cau mày lại: nhưng thật ra Mariuytx tâm hồn đang bay bổng trong niềm vui sướng, chẳng thiết nghe gì nữa. Chàng nghĩ nhiều đến Côdét hơn là đến 1793. Lão già sợ run lên vì đã nói tới Ăngđơrê Sêniê không đúng chỗ, lão vội vàng nói tiếp:

- Cắt cổ thì không phải. Sự thật thì những nhà cách mạng thiên tài cũng chẳng độc ác gì, điều ấy đã dĩ nhiên rồi, họ là những vị anh hùng… hừ! Họ thấy Ăngđơrê Sêniê làm phiền họ một chút nên đem xử ch… - nghĩa là ngày 7 tháng nắng, những con người vĩ đại ấy, vì nhiệm vụ cứu nước, đã mời Ăngđơrê Sêniê quá bộ đi…

Lão Gilơnócmăng nghẹn họng vì câu nói của mình, không biết nói gì thêm. Lão chẳng biết nên nói tiếp như thế nào, cũng chẳng chối chữa được. Trong khi bà con gái sửa gối cho Mariuytx thì lão hết sức lực đi cho nhanh ra khỏi buồng ngủ, đóng sập cửa lại. Lão đỏ gay mặt, nghẹn ứ hơi, sùi cả bọt mép, hai mắt long lên, chạm trán ngay phải lão Bátxcơ hiền lành đang đánh giầy ở ngoài phòng đợi. Lão tóm cổ Bátxcơ thét lên dữ dội:

- Mẹ cha cái lũ ăn cướp ấy, chính chúng nó đã giết chết ông ấy.

- Thưa cụ, ông nào cơ ạ?

- Ăngđơrê Sêniê.

- Thưa cụ, vâng ạ. Lão Bátxcơ kinh khủng trả lời.