Cô Gái Đùa Với Lửa - Phần I - Chương 01 - Phần 2
Sau Noel hai hôm, họ chia tay nhau rồi anh không gặp cô những ngày còn lại trong tuần. Hôm trước Năm mới, anh điện thoại gọi cô nhưng không có trả lời. Giao thừa Năm mới anh hai lần đến bấm chuông nhà cô. Lần đầu đèn sáng nhưng cô không trả lời cửa. Lần sau đèn không sáng. Ngày đầu Năm mới anh lại gọi và vẫn không có trả lời nhưng anh được tin nhắn của công ty điện thoại cho hay không thể liên lạc được với chủ thuê bao.
Trong ít ngày sau anh đã gặp cô hai lần. Đầu tháng Giêng, khi gọi điện không tìm được cô, anh đến tận nhà, ngồi chờ trên bậc tam cấp cạnh cửa trước. Anh mang theo một quyển sách và bướng bỉnh chờ liền bốn tiếng rồi thì cô hiện ra ở cổng chính, ngay trước 11 giờ đêm. Mang một cái hộp màu nâu, khi thấy anh, cô dừng phắt lại.
- Chào Lisbeth. - Anh nói, gấp sách lại.
Cô nhìn anh, dửng dưng, không có dấu hiệu ấm áp hay thậm chí cả tình bạn trong mắt. Rồi cô đi ngang qua anh, tra chìa vào cửa.
- Không mời cà phê được ư? - Anh nói.
Cô quay lại, trầm giọng nói:
- Ra khỏi đây. Từ nay tôi không muốn gặp lại anh nữa.
Rồi cô đóng cửa trước mũi anh và anh nghe thấy tiếng khóa cửa ở bên trong. Anh bàng hoàng.
Ba hôm sau, anh đi xe điện ngầm từ Slussen đến ga trung tâm, khi đoàn xe đỗ ở Gamla Stan, anh ngó ra cửa sổ thì cô đang đứng ở ke cách không tới hai mét. Anh thấy cô đúng lúc cửa xe đóng lại. Trong năm giây, cô nhìn thẳng qua anh, tựa như anh chả là gì khác với không khí, rồi cô quay gót đi ra khỏi tầm mắt anh, lúc đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh.
Ý tứ thế là không thể lầm được. Cô không muốn liên quan gì hết với anh. Giống như xóa bỏ các tập tin ra khỏi máy tính, cô đã cắt anh ra khỏi đời cô, không giải thích, dứt khoát và y như bằng dao kéo vậy. Cô đã thay số điện thoại di động và không trả lời các thư điện tử.
Blomkvist thở dài, tắt tivi, đi đến cửa sổ nhìn ra Tòa Thị chính.
Có lẽ thưa đến nhà cô, anh đã phạm sai lầm. Thái độ của Blomkvist luôn luôn là nếu một phụ nữ tỏ cho thấy rõ người ấy không muốn dính gì với anh nữa thì anh nên đường anh mà đi thôi. Theo anh, không theo thông điệp ấy là chứng tỏ thiếu tôn trọng với người phụ nữ.
Blomkvist và Salander đã ngủ với nhau. Đấy là cô chủ động và chuyện này kéo dài nửa năm. Nếu cô quyết định kết thúc vụ này - cũng khá ngạc nhiên như lúc mở đầu - thì với Blomkvist cũng OK thôi. Đây là do cô quyết định. Anh chả có khó khăn gì với vai bạn trai cũ - nếu anh là thế thật - nhưng việc Salander dứt khoát xua đẩy anh thì lạ. Anh không yêu cô - đại khái họ không thuộc vào loại có thể yêu nhau - nhưng anh rất mến cô và thật tình nhớ cô, cái nhớ này nó làm anh cáu kỉnh như cô đôi khi cũng thế. Anh đã nghĩ hai người ưa nhau là câu chuyện có qua có lại. Tóm lại, anh cảm thấy mình giống một thằng ngốc.
Anh đứng hồi lâu ở cửa sổ.
Cuối cùng anh quyết định. Nếu Salander ít nghĩ đến anh tới mức không buồn chào anh cả khi hai người gặp nhau ở xe điện ngầm thì vậy là tình bạn của họ rõ ràng đã kết thúc và tổn thất này là không thể nào bù đắp được. Anh sẽ không nên mưu tính tiếp xúc với cô nữa làm gì.
Salander nhìn đồng hồ và nhận thấy tuy ngồi trong bóng râm hoàn toàn yên tĩnh, cô vẫn đầm đìa mồ hôi. Đang 10 giờ rưỡi. Cô ghi nhớ một công thức toán dài ba dòng và gấp cuốn Các chiều kích trong toán học lại. Rồi cô nhặt chìa khóa cùng gói thuốc lá trên bàn. Phòng cô ở tầng bốn, tức là tầng trên cùng khách sạn. Cô lột quần áo ra, đi vào tắm vòi hoa sen.
Một con thằn lằn xanh dài hai chục phân ở bức tường ngay dưới trần nhìn cô trừng trừng. Salander nhìn trừng trừng lại nhưng không làm cử chỉ gì để hù nó bỏ đi. Trên đảo đâu đâu cũng có thằn lằn. Chúng đến qua các mành cửa sổ để mở, dưới cửa ra vào hay lỗ thông hơi trong buồng tắm. Cô thích có bạn chung phòng mà vẫn để cô yên. Nước gần như lạnh buốt và cô ở dưới vòi nước năm phút cho người nguội đi.
Khi quay lại phòng cô đứng trần truồng ở trước gương trên tủ quần áo, thú vị quan sát thân thể mình. Cô vẫn chỉ cân nặng bốn chục ký và cao một mét tư. Thôi, cô chả làm được gì nhiều cho chỗ này đâu. Tay chân cô mảnh dẻ như búp bê, những ngón tay nho nhỏ và mông miếc gần bằng không.
Nhưng bây giờ vú vê cô đã có.
Cả đời cô vốn lép ngực, tựa hồ cô chưa từng dậy thì. Cô nghĩ như thế nom buồn cười và cô luôn không thoải mái mỗi khi để lộ thân hình trần truồng ra.
Nay thình lình cô có vú. Chúng không hề đồ sộ - cô cũng không muốn thế mà nếu thật như thế thì nằm trên cơ thể xương xẩu của cô nom nó sẽ buồn cười - mà là một đôi vú rắn chắc, tròn trịa, cỡ trung bình. Việc sửa cho vú to lên phải chăng đã làm cho cô tự tin hơn.
Cô đã ở năm tuần trong một bệnh viện ở bên ngoài Genoa để cấy lớp độn nó tạo nên cấu trúc cho bộ vú mới. Bệnh viện và các bác sĩ ở đây có tên tuổi nổi nhất tuyệt đối ở toàn châu Âu. Bác sĩ của cô, một phụ nữ sắt đá tên là Alessandra Perrini, bảo rằng ngực của cô kém phát triển không bình thường, do đó tiến hành việc sửa cho vú to ra có thể là vì lý do y học.
Hồi sức hậu phẫu không hề đau đớn nhưng vú cô nom và cảm thấy hoàn toàn bình thường, đến nay các vết sẹo gần như không còn trông thấy. Cô không hối tiếc chút nào quyết định của mình. Cô vui. Thậm chí sáu tháng sau, mỗi khi đi qua một tấm gương, với vú để trần, cô đều không thể không dừng lại mà cảm thấy thích thú rằng chất lượng sống của mình đã được cải thiện.
Trong thời gian ở bệnh viện tại Genoa, cô cũng cho xóa một trong chín hình xăm - con vò vẽ dài 25 phân - ra khỏi cổ bên phải của cô. Cô thích các hình xăm của mình, đặc biệt con rồng ở bả vai trái. Nhưng con vò vẽ quá lộ liễu và nó làm cho cô dễ bị nhớ hay nhận dạng, vết xăm đã được xóa bằng xử lý laser, khi lần ngón tay trên cổ, cô có thể cảm thấy vết sẹo mờ mờ. Kiểm tra kỹ sẽ cho thấy ở chỗ từng là hình xăm thì làn da rám nắng của cô có hơi sáng hơn, song nhìn thoáng qua thì chả có gì đáng để ý. Cô đã tốn 190.000 curon cho việc nán lại ở Genoa.
Điều này cô cho phép mình làm được.
Cô thôi nghĩ lan man trước gương rồi mặc quần chẽn gối, nịt vú vào. Hai hôm sau khi rời bệnh viện ở Genoa, lần đầu tiên trong hai mươi lăm năm đời mình, cô vào một cửa hiệu quần áo lụa là, đăng ten mua những thứ trước đây cô chưa từng cần đến bao giờ. Từ nay bắt đầu tuổi hai mươi sáu, cô mặc nịt vú với đôi chút hài lòng.
Cô mặc jean và áo phông đen với khẩu hiệu CẢNH CÁO ĐẤY! Cô tìm dép xăng đan, mũ che nắng rồi quàng một túi đen lên vai.
Đi qua gian sảnh, cô nghe thấy tiếng lầm rầm từ một nhóm khách của khách sạn ở quầy tiếp tân ngoài cùng. Cô chậm chân lại và dỏng tai.
- Mẹ ấy mới nguy hiểm làm sao chứ? - Một phụ nữ da đen lớn tiếng nói với giọng châu Âu. Salander nhận ra bà ta là một người trong nhóm du lịch từ London đến đây đã mười ngày.
Freddy McBain, giám đốc tiếp tân tóc bạc nom lo lắng, ông luôn chào Salander với nụ cười thân thiện. Ông đang bảo đảm với khách rằng các chỉ dẫn sẽ được đưa ra cho tất cả các vị khách và chừng nào họ làm đúng nguyên văn các chỉ dẫn thì không có lý gì phải lo. Ông liền nhận một loạt tới tấp các câu hỏi.
Salander cau mày đi ra khỏi bar, tìm thấy Ella Carmichael ở đằng sau quầy.
- Tất cả trò vè này là về cái gì thế? - Cô nói, ngón tay cái chĩa thẳng vào quầy tiếp tân.
- Matilda đang đe đến thăm chúng ta.
- Matilda?
- Matilda là một trận bão cấp 8 hình thành ở ngoài khơi Brazil mấy tuần trước, hôm qua đã xộc thẳng qua Paramaribo, thủ đô của Surinam. Chả ai hoàn toàn biết chắc hướng nó đến sẽ là đâu - có thể xa hơn về phía bắc, vào Hoa Kỳ. Nhưng nếu nó theo bờ biển về phía đông thì Trinidad và Grenada sẽ lọt vào trong đường đi của nó. Vậy là có thể nổi lên ít gió máy.
- Tôi nghĩ đã hết mùa bão cấp 8 rồi chứ.
- Đúng. Đó thường là tháng Chín tháng Mười. Nhưng hồi này chả biết thế nào mà nói, vì có quá nhiều nhiễu loạn thời tiết rồi hiệu ứng nhà kính và đủ mọi thứ.
- OK. Nhưng cho là bao giờ thì Matilda đến?
- Sắp.
- Tôi có cần làm gì không?
- Bão lớn không phải là để ta giỡn với nó đâu. Những năm 70 một trận bão đã tàn phá Grenada rất nhiều. Mười một tuổi, sống ở một thị trấn trên mạn Grand Etang, trên đường tới Grenville, tôi không bao giờ quên được cái đêm hôm ấy.
- Hừm.
- Nhưng cô không phải lo. Thứ Bảy cứ ở gần khách sạn. Gói các thứ cô không muốn bị mất thành một cái bọc - giống như chiếc máy tính cô vẫn nghịch ấy - rồi chuẩn bị đem nó đi cùng nếu phải xuống hầm rượu tránh bão. Có thế thôi.
- Nhất trí.
- Cô muốn uống gì không?
- Không, cảm ơn.
Salander bỏ đi không chào. Ella Carmichael mỉm cười, nín nhịn. Chị đã mất hai tuần để quen được với các kiểu cách độc đáo của cô gái quái dị này, để nhận ra rằng cô gái không có chơi trò ta đây - mà thực ra tính cách cô ta hoàn toàn ngược lại cái kiểu “ta đây” ấy. Nhưng cô ta trả tiền các thức uống chả hề bận lòng, sống tương đối thanh đạm, giữ gìn bản thân và không bao giờ gây chuyện rắc rối.
Giao thông ở Grenada gồm chủ yếu các xe buýt con con trang hoàng theo tưởng tượng và chạy không có thời gian biểu hay thể thức nào khác. Xe chạy ban ngày ban mặt. Sau tối, không có xe riêng thì khó lòng mà đi lại quanh quẩn.
Salander chỉ phải chờ ít phút trên con đường tới St. George thì một trong những chiếc xe buýt kia lăn tới. Anh tài là một người Jamaica, hệ loa trên xe đang chơi hết âm lượng “Không đàn bà, không khóc lóc”. Cô bịt tai lại, trả tiền vé rồi co rúm vào bên một phụ nữ đẫy đà, tóc hoa râm cùng hai đứa con trai mặc đồng phục trường học.
St. George ở trên một vịnh hình chữ U do con sông Carenage tạo thành. Quanh bến cảng nổi lên các quả đồi dốc lốm đốm những ngôi nhà và các tòa cao ốc kiểu thuộc địa cũ, với đồn Rupert vắt vẻo chìa thè lè ra bên ngoài ở trên chỏm một vách đá dựng ngược.
St. George là một thị trấn chen chúc, bó cứng lại với những phố hẹp và nhiều hẻm. Các ngôi nhà trèo lên mọi sườn đồi dốc, không có chỗ bằng phẳng nào rộng hơn bãi kết hợp chơi bóng cricket và đường đua xe ở đầu đằng bắc thị trấn.
Cô rời cảng, đi bộ đến nhà Điện tử MacIntyre ở trên đỉnh một con dốc ngắn ngủn. Gần như mọi sản phẩm bán ở Grenada đều nhập từ Mỹ hay Anh cho nên đắt gấp đôi ở nơi khác, nhưng ít ra cửa hàng cũng có máy lạnh.
Bộ pin siêu cấp cô đặt mua cho máy tính PowerBook Apple của cô (G4 titan với một màn hình 43 phân) cuối cùng đã tới. Ở Miami cô đã mua một Palm PDA với một dàn phím gấp mà cô có thể dùng để soạn thư điện tử và mang dễ dàng trong túi khoác vai thay vì chiếc PowerBook kéo lê bên người, nhưng nó là một thế phẩm tội nghiệp cho màn hình 43 phân. Pin chính gốc bị hỏng, chỉ chạy nửa giờ là phải sạc lại, điều chả khác nào một lời chửi rủa khi mà cô đang muốn ra ngồi ngoài sân trời bên bể bơi. Việc cung cấp điện ở Grenada cũng đáng chê trách lắm. Trong các tuần ở đây, cô đã trải qua hai phen dài mất điện hoàn toàn. Cô trả tiền bằng một thẻ tín dụng mang tên Công ty Vò vẽ, nhét bộ pin vào túi khoác vai rồi quay thẳng trở lại vào cái nóng giữa trưa.
Cô ghé ngân hàng Barclays, rút ra 300 đôla Mỹ rồi xuống chợ mua một bó cà rốt, nửa tá xoài, một chai nước khoáng lít rưỡi. Nay túi khoác vai của cô đã nặng lên nhiều, khi trở về cảng, cô thấy đói và khát. Cô tính đến món nhục đậu khấu trước nhưng cửa vào nhà ăn đã chật ních người chờ. Cô đi tiếp đến Turtleback yên tĩnh hơn ở đầu đằng kia cảng. Tại đấy cô ngồi ở hàng hiên, gọi một đĩa mực ống với khoai tây rán cùng một chai Carib, thứ bia địa phương. Cô nhặt một tờ Grenadian Voice người ta quăng đó, đọc trong hai phút. Món lý thú duy nhất là một bài báo cảnh báo cơn bão Matilda có thể tới. Bài báo được minh họa bằng bức ảnh cho thấy một ngôi nhà hư hại, gợi nhớ lại cuộc tàn phá do trận bão lớn gần đây ập vào hòn đảo này gây nên.
Cô gấp tờ báo, tợp một hơi vào chai Carib rồi nhìn thấy người đàn ông buồng 32 từ trong bar đi ra ngoài hiên. Một tay ông ta xách chiếc cặp nâu, tay kia cầm một cốc lớn Coca Cola. Mắt ông ta lướt qua không nhận ra cô rồi ông ngồi xuống chiếc ghế dài ở đầu hiên đằng kia, nhìn dõi vào mặt nước xa xa.
Xem vẻ hoàn toàn bận bịu, ông ta im lặng ngồi đấy chừng sáu bảy phút, Salander quan sát, rồi ông ta nâng cốc lên uống ba ngụm dài. Ông ta lại đặt cốc xuống và bắt đầu nhìn mãi ra biển. Một lúc sau cô mở túi lấy Các chiều kích trong toán học ra.
Cả đời Salander thích các câu hỏi và câu đố. Khi cô lên chín, mẹ cô cho cô một khối vuông Rubik. Chỉ mất có bốn chục phút loay hoay là cô đã hiểu cách xoay xở với nó. Sau đó giải các câu đố câu hỏi, cô chẳng có bất cứ một khó khăn nào. Cô không bao giờ bỏ lỡ các bài thử trí thông minh trên các tờ báo; năm hình vẽ dáng dấp lạ và câu đố là đủ để cô cho ra cái hình vẽ thứ sáu. Với cô, câu trả lời bao giờ cũng trông thấy rõ lù lù.
Ở trường tiểu học cô học cộng, trừ. Còn nhân, chia và hình học là do cô tự mở rộng. Cô có thể tính nhẩm hóa đơn trong nhà ăn, tạo ra một hóa đơn và tính đường đi của một viên đại bác bắn ở một tốc độ và góc độ nào đó. Chuyện dễ ẹc. Nhưng trước khi đọc bài báo trong Popular Science, cô chưa bao giờ thắc mắc với toán học hay thậm chí nghĩ rằng bảng cửu chương là toán học. Đó là một cái gì đó cô ghi nhớ trong một buổi chiều ở trường và cô không hiểu tại sao thầy giáo lại cứ phải quanh năm suốt tháng đập bàn đập ghế vì nó.
Rồi khá thình lình, cô cảm thấy cái lôgíc sắt đá, cái thứ chắc là nằm ở sau lập luận và công thức, nó đã dẫn cô tới khu vực toán học của cửa hiệu sách đại học. Nhưng phải đến khi cô bắt đầu với cuốn Các chiều kích trong toán học thì toàn bộ một thế giới mới mẻ mới mở ra với cô. Toán học thật sự là một câu hỏi lôgíc với vô cùng tận các biến hóa - các câu đố có thể giải đáp được. Bí quyết không phải ở trong việc giải các bài toán. Năm lần năm cứ sẽ mãi mãi là hai mươi lăm. Bí quyết là hiểu các phối hợp của nhiều quy tắc khác nhau nó khiến cho ta có thể giải được bất kỳ một bài toán nào.
Nói cho chặt chẽ thì Các chiều kích trong toán học không phải là sách giáo khoa, mà là một cục gạch 1.200 trang về lịch sử toán học từ Hy Lạp cổ đại đến thời hiện đại với ý định giúp hiểu môn thiên văn học hình cầu. Nó được coi là Kinh Thánh, cùng đẳng cấp với cái mà Arithmetica của Diophantus muốn nói lên (và vẫn còn đang nói) với các nhà toán học nghiêm túc. Lần đầu khi mở Các chiều kích trong toán học trên sân trời khách sạn bãi biển Grand Anse ra, cô đã bị hút vào một thế giới mê hoặc của các con số. Tác giả viết quyển sách này vừa là nhà sư phạm vừa là người làm vui bạn đọc bằng những câu chuyện, những vấn đề đáng sửng sốt. Cô có thể lần theo toán học từ Archimedes đến Phòng thí nghiệm Sức đẩy Máy bay phản lực ở California. Cô đã được đưa dắt vào các phương pháp mà ở đó họ dùng để giải quyết các vấn đề.
Đặt ra trước Công nguyên 500 năm, phương trình Pythagore (x2 + y2 = z2) là một sự giáng lâm. Lúc ấy, Salander hiểu ra ý nghĩa của cái điều mà cô nhớ được từ một số khá ít giờ học ở trường phổ thông. Trong một tam giác vuông góc, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh khác kia. Cô đã bị quyến rũ bởi phát hiện của Euclide khoảng 300 năm trước Công nguyên cho rằng một con số hoàn hảo luôn là một bội số của hai con số, trong đó một con số là một lũy thừa của 2 và con số thứ hai là hiệu giữa lũy thừa tiếp theo của 2 và 1. Đây là một cải tiến của phương trình Pythagore, cô có thể nhìn thấy vô cùng tận các tổ hợp.
6 = 21 x (22 - 1)
28 = 22 x (23 - 1)
496 = 24 x (25 - 1)
8128 = 26 x (27 - l)
Cô có thể tiếp tục miên man mãi mà không tìm thấy một con số nào phá vỡ được quy tắc này. Đây là một lôgíc, nó gợi cho Salander cảm thức về tuyệt đối. Với niềm lạc thú thuần túy, cô tiến lên qua Archimedes, Newton, Martin Gardner và cả chục các nhà toán học kinh điển khác.
Rồi cô đi đến chương về Pierre de Fermat, người mà bí ẩn toán học, “Định luật cuối cùng của Fermat”, đã làm cho cô mất bảy tuần ngẩn tò te. Biết rằng gần như trong 400 năm Fermat đã làm cho các nhà toán học điên đầu, thế mà rồi với một quãng thời gian làng nhàng, một người Anh tên là Andrew Wiles đã giải thành công câu đố, mới đây, vào năm 1993.
Định lý Fermat đặt ra một vấn đề hấp dẫn, đơn giản.
Pierre de Fermat sinh năm 1601 ở Beaumont-de-Lomagne tại tây nam nước Pháp. Ông thậm chí không phải là nhà toán học; ông là một viên chức hiến mình cho toán học, coi như thú tiêu khiển riêng. Ông được nhìn nhận là một trong những nhà toán học tự học có nhiều năng khiếu nhất từng tồn tại. Giống Salander, ông thích giải các câu đố, câu hỏi. Ông đặc biệt thích ghẹo các nhà toán học khác bằng việc đề ra các bài toán mà không cấp cho lời giải. Nếu nhà triết học Pháp Descartes nhắc tới Fermat bằng nhiều tính từ giảm giá trị, thì John Wallis, đồng nghiệp người Anh của ông, đã gọi ông là “gã người Pháp chết tiệt kia”.
Năm 1621, một bản dịch Toán học của Diophanus bằng chữ Latinh đã được ấn hành, nó chứa đựng một sưu tập đầy đủ các lý thuyết về con số mà Pythagore, Euclid và các nhà toán học cổ xưa đã đặt ra. Chính giữa lúc đang nghiên cứu phương trình Pythagore mà trong một khắc xuất thần thuần túy thiên tài, ông đã sáng tạo ra bài toán bất tử của mình. Ông đặt ra một biến thể của phương trình Pythagore. Thay vì (x2 + y2 = z2), Fermat chuyển bình phương sang thành lũy thừa ba (x3 + y3 = z3).