Máu Lạnh - Phần III - Chương 4

Dewey đã quyết định không cho “dân thường” biết tí nào về đột phá quan trọng này trong vụ Clutter - ông quyết tâm đến độ lấy vào nhóm công tác tin cậy của mình hai anh mõ rao chuyên nghiệp của Garden City: Bill Brown, biên tập viên tờ Điện tín Garden City và người điều hành đài phát thanh địa phương, KIUL.

Vẽ phác qua tình hình, ông nhấn mạnh đến các lý do khiến ông coi bí mật là quan trọng hàng đầu: “Hãy nhớ là có khả năng hai người này vô tội.”

Đây là một khả năng không dễ bác bỏ, Floyd Wells, người cung cấp thông tin, có thể dễ dàng đặt chuyện; không ít tù nhân hy vọng giành được ân huệ hoặc thu hút được sự chú ý của nhà chức trách nên đã bịa ra các chuyện tương tự. Song dù cho mỗi lời của Wells đều là khuôn vàng thước ngọc thì Dewey và các đồng nghiệp ông vẫn chưa tìm được một mẩu bằng chứng vững chắc - “bằng chứng pháp đình” nào. Cái gì họ phát hiện ra mà lại không thể bị diễn giải thành sự trùng hợp có thể tin được, tuy kỳ lạ? Cho dù Smith đi đến Kansas thăm Hickock bạn hắn, cho dù Hickock sở hữu một khẩu súng thuộc loại đã được dùng để gây án, và cho dù các nghi phạm đã bày ra một chứng cứ ngoại phạm giả để kể về hành tung của chúng vào cái đêm 14 tháng Mười một, song đâu phải nhất thiết vì vậy mà chúng là những kẻ sát nhân hàng loạt. “Nhưng chúng ta gần như chắc chắn là chúng. Chúng ta đều nghĩ như thế. Nếu không thì chúng ta cho báo động khắp mười bảy bang, từ Arkansas đến Oregon làm gì? Nhưng trong đầu thì hãy cứ nhớ cho rằng: có thể phải hàng năm trời chúng ta mới tóm được chúng. Chúng có thể đã rời nhau rồi. Hay bỏ vùng đất này đi. Chúng có cơ tới tận Alaska - mất tăm ở đấy thì chả khó gì. Chúng còn xổng thì vụ này còn chưa xong. Nói thẳng ra, công việc đang giẫm chân tại chỗ thế này thì muốn thế nào chúng ta cũng chẳng tiến được là bao cả. Chúng ta có thể chẹt cổ bọn chó đẻ này ngày mai mà không thể chứng minh được cái quái gì.”

Dewey không cường điệu. Ngoài hai dấu gót ủng, một mang hình viên kim cương và một nhãn Móng Mèo, bọn giết người không để lại một manh mối nào. Có vẻ chúng hết sức thận trọng cho nên chắc hẳn đã quăng mấy cái ủng kia từ lâu. Cả chiếc rađiô - cho dù chúng đã ăn cắp nó - điều mà Dewey vẫn có phần ngập ngừng không muốn công nhận bởi vì theo ông việc này tỏ ra “trái ngược đến mức lố bịch” với mức độ ghê gớm của tội ác và sự xảo quyệt của bọn tội phạm, “không thể quan niệm nổi” rằng những đứa này vào một ngôi nhà với hy vọng tìm thấy một két sắt bộn tiền, thế rồi tìm không thấy thì lại cho rằng tàn sát cả một gia đình vì dăm ba đô la và một chiếc rađiô xách tay bé tẹo là chuyện thích đáng. “Không có lời thú tội, chúng ta sẽ không bao giờ kết tội được,” ông nói. “Ý kiến tôi là thế. Do đó chúng ta thận trọng mấy cũng không thừa. Chúng nghĩ là chúng đã thoát được vụ này. Được, chúng ta lại muốn chúng nghĩ thế đấy. Chúng càng cảm thấy an toàn thì chúng ta càng sớm tóm được chúng.”

Nhưng bí mật là thứ hàng xa xỉ không quen thuộc ở một thị trấn cỡ Garden City. Bất cứ ai đến văn phòng cảnh sát trưởng - ba gian phòng lèo tèo đồ đạc và người quá đông ở tầng bốn của tòa án hạt - đều có thể phát hiện một không khí kỳ lạ, gần như hung hiểm. Cảnh tíu tít, tiếng rầm rì cáu kỉnh của mấy tuần gần đấy đã biến mất; một vẻ tĩnh lặng run rẩy thấm vào các ngóc ngách của chốn này. Bà Richardson, thư ký văn phòng, một con người rất thực tế, qua một đêm đã thủ đắc được một loạt những thầm thì kiểu cách, những điệu bộ rón ra rón rén, và những người mà bà phục vụ đây, cảnh sát trưởng và bộ sậu của ông, Dewey và kíp đặc vụ KBI nhập cảng đều lui tới khẽ khàng, chuyện trò với cái giọng kín đáo bí ẩn. Tựa như những người đi săn nấp ở trong rừng, sợ bất kỳ tiếng động hay cử chỉ bất thường nào cũng sẽ làm cho các con thú đang đến gần bỏ chạy.

Dân chúng bàn tán. Phòng Lối mòn của khách sạn Warren, một tiệm cà phê mà giới doanh nhân ở Garden City coi như câu lạc bộ riêng của mình, là một cái hang cứ xì xì xào xào những lời tiên đoán và tin đồn. Một công dân có máu mặt sắp bị bắt tới nơi rồi nhá, người ta nghe nói thế. Hay nghe nói vụ án mạng này là công việc của đám sát thủ mà những kẻ thù của Hội Các Nhà Trồng Lúa mì Bang Kansas thuê làm, hội này là một tổ chức tiến bộ và ông Clutter đóng vai trò quan trọng trong đó. Trong nhiều câu chuyện được nhỏ to này, chuyện gần như chính xác nhất là do một nhà đại lý xe hơi (ông ta không cho biết chính xác nguồn gốc chuyện) đóng góp: “Hình như có một người đã làm việc cho Herb đâu như từ năm 47 hay 48. Một người làm công chăn nuôi bình thường. Hình như đã đi tù, nhà tù bang, và khi còn ở đây hắn ta đã biết ông Herb là người giàu có lắm. Cho nên độ một tháng trước, khi họ thả hắn ra, thì việc đầu tiên hắn làm là đến đây trói mấy người này lại cướp rồi giết.”

Nhưng bảy dặm về phía Tây, trong một làng ở Holcomb, không thấy có một tẻo teo tin tức gây xúc động nào, một lý do là vì ở cả hai nơi cung cấp tin đồn chính của cộng đồng này - bưu điện và quán cà phê Hartman - thảm kịch Clutter một dạo đã trở thành một đề tài bị cấm. “Bản thân tôi nay chả muốn nghe một lời nào nữa,” bà Hartman nói. “Tôi đã bảo họ, chúng ta không thể tiếp tục sống thế này. Nghi ngờ ráo cả, toàn làm cho nhau sợ tưởng chết. Điều tôi nói là, nếu ông bà muốn nói chuyện đó thì xin tránh chỗ tôi đây ra.” Myrt Clare giữ một lập trường khá vững. “Dân đến đây mua con tem vài xu mà lại nghĩ có thể ở thêm ba giờ ba mươi ba phút để moi chuyện nhà Clutter. Vặt mất cánh của người khác đi. Đồ rắn đuôi chuông, rặt là thế cả thôi à. Tôi đâu có thì giờ mà nghe họ chứ. Tôi đang làm việc công - tôi là người đại diện cho chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Muốn gì thì đó cũng là bệnh hoạn. Al Dewey và những tay cảnh sát từ Topeka và Kansas City đến đều cỡ cốp, được coi là sắc như dao cả đấy chứ. Nhưng tôi chưa biết có ma nào lại nghĩ họ có cơ may bắt cái đứa làm chuyện kia. Nên tôi cho rằng im mồm đi là khôn. Ông bà sống cho tới khi chết, còn ông bà đi ra sao thì chuyện ấy không quan trọng, chết là chết. Thế nên tại sao chỉ vì ông Clutter bị cắt cổ mà cứ lẵng nhẵng đeo lấy cả một bị đầy những trò nghe thối tai đó làm gì? Kiểu gì thì cũng là bệnh hoạn. Polly Stringer nhà ở tít trên trường học ấy hả? Sáng nay Polly Stringer ở đây mà. Bà ấy bảo chỉ bây giờ, sau hơn một tháng thì trẻ con chúng mới hoàn hồn lại được. Điều này khiến tôi nghĩ: nếu họ bắt được một người thì sao? Nếu thế thì hẳn là một ai đó mà mọi người đều biết mới phải chứ. Và thế chắc là lại quạt cho lửa bùng to lên đây, cái nồi sôi đang bắt đầu nguội đi thì lại bê nó ra. Tôi thì tôi nói là chúng ta đã quá thừa kích động rồi.”

Còn sớm, chưa tới chín giờ, Perry là người khách đầu tiên của tiệm giặt Washateria, một tiệm giặt tự phục vụ lấy. Hắn mở cái va li rơm căng phồng, lôi ra một mớ quần đùi, bít tất, sơ mi (một ít là của hắn, một ít của Dick), ném vào chậu rồi giắt thanh chì - một trong những thanh mua từ ở Mexico về - vào trong một máy để cho máy chạy.

Perry rất thạo cách làm ăn của những cửa tiệm thế này, hắn thường hay đến đó và lấy làm sung sướng được “thư giãn” ngồi yên lặng chờ cho quần áo sạch khô. Nhưng hôm nay thì không. Hắn quá lo sợ. Mặc dù hắn đã cảnh cáo thế nào, Dick vẫn cứ thắng. Bây giờ chúng đã ở đây, quay lại Kansas City - mệt chết đi được, cuốc bộ, thêm vào đó nữa lại lái một chiếc xe ăn cắp! Cả đêm chúng đã phóng chiếc Chevrolet Iowa trong mưa dày hạt, đỗ hai lần để hút xăng, cả hai lần đều hút từ các xe đỗ ở mấy đường phố vắng ngắt của các thị trấn nhỏ đang ngủ yên lành. (Đây là việc của Perry, một việc mà hắn tự chấm điểm mình là “cao thủ vô đối. Chỉ cần một đoạn ống cao su ngắn, thế là đi cùng khắp xứ này đâu đâu tao cũng có xăng chả phải trả tiền.”) Hừng đông chúng đến Kansas City, đầu tiên là ra sân bay, vào phòng vệ sinh nam rửa ráy, cạo râu, đánh răng; hai giờ sau, khi đã làm một giấc ở phòng chờ máy bay, chúng quay trở lại thành phố. Chính ở đây Dick đã thả Perry xuống tiệm giặt Washateria, hứa một tiếng nữa sẽ quay lại đón.

Quần áo đã sạch và khô, Perry nhét vào lại va li. Đã hơn mười giờ. Cứ cho rằng đi đâu đó để “tiêu séc giả” thì Dick cũng đã quá hạn. Hắn chọn một cái ghế dài, ngồi chờ. Chỉ cách có gang tay là một cái ví phụ nữ. Cái ví đang giục bàn tay hắn bò dần tới. Nhưng vóc dáng người chủ cái ví, vạm vỡ nhất trong đám đàn bà đang sử dụng máy giặt, làm cho hắn nhụt chí. Có lần, khi hắn còn là một thằng bé ma cô ở San Francisco, hắn và một “lỏi Tàu” (Tommy Chan à? Hay Tommy Lee?) đã cùng làm ăn với nhau như một “nhóm giật ví”. Perry nhớ lại - và việc đó làm hắn vui lên, hào hứng lên. “Như một lần tụi tôi lẻn đến bên một bà cụ già, rất già, Tommy túm lấy cái ví nhưng bà lão, đúng là một con cọp cái, không chịu buông. Tommy càng giằng khỏe, bà lão càng giữ chặt. Rồi bà ta thấy tôi, bèn nói, “Cứu với! Cứu với!” thì tôi mới nói, “Này bà già, mẹ kiếp, tôi đang cứu thì có!” và thụi bà ta tới số. Bà ta ngã xuống đường. Hai đứa lấy được tất cả có chín mươi xu - tôi còn nhớ chính xác. Hai đứa tôi vào một quán ăn ba tàu và ăn dưới gầm bàn.”

Sự đời chẳng thay đổi mấy. Perry đã già hơn hai mươi tuổi và nặng hơn lên gần nửa tạ nhưng tình cảnh vật chất của hắn thì chẳng khấm khá lên được chút nào. Hắn vẫn cứ là thằng ăn bám cầu bơ cầu bất, sống nhờ mấy đồng bạc ăn cắp của người ta (mà có tin nổi không, một đứa thông minh như hắn, tài cán như hắn!).

Mắt hắn vẫn không sao rời được chiếc đồng hồ trên tường. Mười giờ rưỡi, hắn bắt đầu lo lắng. Mười một giờ chân hắn nhức giật lên thon thót, dấu hiệu của cơn hoảng loạn đang đến, bao giờ cũng vậy, “máu tôi sủi bong bóng”. Hắn nhai một viên aspirin, và cố xóa sạch đi - ít nhất là làm mờ đi - những hình ảnh khủng khiếp đang như một đám rước sáng lòa sống động trôi qua đầu hắn: Dick ở trong tay cảnh sát, có lẽ bị bắt trong khi đang viết một tấm séc giả hay mắc vào một vụ phạm luật giao thông tẹp nhẹp nào đó (rồi bị phát hiện là lái một chiếc xe “chôm”). Rất có thể chính trong lúc này Dick đang bị sa lưới giữa vòng vây những thám tử hung hăng. Mà họ chẳng phải đang bàn ba cái chuyện ba láp như séc giả hay ăn cắp xe đâu. Án mạng kìa, đó mới là vấn đề, dù muốn thế nào thì cái mối liên hệ mà Dick cầm chắc là không ai mò ra được đã bị mò ra. Và ngay bây giờ một xe đầy cảnh sát đang trên đường phóng tới Washateria đây.

Nhưng không, hắn tưởng tượng quá đấy thôi, Dick chẳng bao giờ làm thế. Nghĩ mà xem hắn thường nghe Dick nói thế nào. “Chúng có đánh tớ mù đi nữa tớ cũng không bao giờ nói cho nó biết cái gì hết á.” Dĩ nhiên Dick là một “cha phét lác”, hắn chỉ dữ dằn trong những trường hợp hắn rõ ràng là ở trên cơ, Perry biết quá rõ. Thình lình, vừa hay, hắn nghĩ đến một lý do ít làm hắn nản lòng hơn cho việc Dick vắng mặt lâu. Dick đi thăm bố mẹ hắn. Một việc làm nguy hiểm nhưng Dick là thằng “dốc lòng hiếu tử”, hay là hắn tuyên bố mồm như thế, đêm qua trong chuyến đi dài dưới mưa hắn đã bảo Perry, “Tớ muốn gặp ông bà già tớ. Các cụ không nói ra đâu, tớ muốn nói là các cụ sẽ không báo cho viên giám sát tù tạm tha đâu, sẽ không làm việc gì khiến chúng ta rắc rối. Tớ chỉ xấu hổ. Tớ sợ cái điều mẹ tớ sẽ nói. Về các tờ séc. Rồi đi tuốt như chúng ta. Nhưng tớ mong có thể gọi cho các cụ, nghe xem các cụ ra sao.” Nhưng việc đó là bất khả, vì nhà Hickock không có điện thoại; nếu có thì Perry đã reng một cái để xem Dick có đó hay không.

Ít phút sau, hắn lại đinh ninh Dick đã bị bắt thật. Chỗ chân đau của hắn rực nhói lên, lóe sáng khắp cơ thể hắn, và mùi nước giặt giũ, mùi hôi nồng nặc khói, tất cả lập tức làm hắn như phát ốm, kéo bật hắn dậy, đẩy hắn nhào ra cửa. Hắn đứng nơi vệ đường mà nôn như “một thằng say quắc cần câu”. Kansas City! Hắn chẳng đã biết Kansas City là vận đen và đã van Dick lánh cho xa đó sao? Bây giờ, có thể bây giờ, Dick đang hối hận là đã không nghe hắn. Và hắn nghĩ: còn ta thì sao đây, “với một hai hào lẻ và một bó những thanh chì vụn trong túi?” Đi đâu được đây? Ai giúp được hắn chứ? Bobo? Ở đó mà mong! Nhưng chồng mụ thì có thể. Theo tính của Fred Johnson thì có thể sẽ bảo đảm cho Perry một việc làm sau khi ra tù, vậy là giúp hắn giữ lời hứa. Nhưng Bobo không chịu; mụ đã nói như thế chỉ dẫn đến rắc rối, và có thể nguy hiểm nữa. Thế rồi mụ đã biên thư cho Perry nói rõ ràng ra như thế. Một ngày nào đó hắn sẽ trả đũa cho mụ biết tay, vui vẻ tí chơi, chuyện vãn với mụ - khoe khả năng của hắn, nhả ra chi tiết những trò hắn có thể làm với những người như mụ, những người đáng kính, an toàn và phè phỡn chính xác giống như Bobo. Đúng, cho mụ biết hắn có thể nguy hiểm đến thế nào, cho mụ sáng mắt ra. Đó là điều hắn đã làm - đi Denver thăm nhà Johnson. Fred Johnson sẽ đỡ đần để cho cuộc đời mới của hắn bắt đầu khởi động; ông ta cần phải làm thế nếu ông ta muốn tống khứ hắn đi cho khuất mắt.

Lúc đó Dick lại gần hắn ở chỗ vệ đường. “Kìa, Perry,” hắn nói, “cậu ốm à?”

Âm thanh tiếng nói của Dick như một phát tiêm ma túy mạnh, một chất ma túy, xâm chiếm các tĩnh mạch của hắn, gây ra một cơn mê sảng gồm những cảm giác chống chọi nhau: căng thẳng và thư giãn, phẫn nộ và âu yếm. Hai tay nắm lại thành quả đấm, hắn tiến về phía Dick. “Mày, thằng chó,” hắn nói. Dick cười toe toét, nói, “Thôi nào. Chúng ta lại được ăn rồi đây.”

Nhưng theo lệ là phải có giải thích - và cả xin lỗi nữa - thế rồi khi hai đứa ngồi xơi một bát thịt bò ớt đậu ở nhà hàng thịt băm Buýp Phê Đại Bàng mà Dick thích nhất ở Kansas City, Dick nói, “Tớ xin lỗi, bồ. Tớ biết cậu sẽ nổi cơn mà. Thử nghĩ xem, làm thế nào tớ lại đụng ngay một tên cớm. Nhưng vận tớ cũng đỏ gớm, cho nên chắc là tớ thoát được rồi.” Hắn giải thích rằng sau khi chia tay với Perry, hắn đến công ty Markl Buick, là cái hãng xe hơi đã có lần thuê hắn, hy vọng kiếm được một cặp biển số xe để thay cho cặp biển số dễ bị phát hiện của chiếc Chevrolet chúng cuỗm. “Tớ lẻn vào rồi ra mà chẳng ma nào thấy cả. Markl vốn là một nơi nổi tiếng bán xe bẹp xe nát. Quả nhiên là ở đằng sau công ty có một chiếc De Soto bẹp rúm với biển của bang Kansas.” Còn hiện thời thì chúng ở đâu nào? “Ở trên cỗ xe một ngựa của chúng ta đây, bạn ơi.”

Thay biển số xong, Dick ném biển số của bang Iowa vào một bể chứa nước của thành phố. Rồi hắn đỗ lại ở một trạm xăng mà thằng bạn học cùng lớp với hắn trước kia tên là Steve đang làm việc, hắn thuyết phục Steve nhận thanh toán bằng tấm séc năm chục đô, điều trước đây hắn chưa từng làm bao giờ - “bịp một thằng bạn hữu”. Thôi được, hắn chẳng bao giờ gặp lại Steve nữa đâu mà. Đêm nay hắn sẽ “tách hộ khẩu” ra khỏi Kansas City, lần này thì là mãi mãi. Hà cớ gì mà không xiết dăm thằng bạn cũ nào? Với ý nghĩ đó, hắn đã tìm một bạn học cùng lớp khác, làm nghề bán thuốc. Ở đây hắn mua sắm đến bảy mươi đô. “Giờ thì, tối nay, chúng mình sẽ chơi cho tới hai trăm. Tớ đã lên danh sách những nơi đánh phá rồi. Sáu bảy chỗ, bắt đầu ngay từ đây,” hắn nói, ý bảo chính Buýp Phê Đại Bàng đây, nơi mà tất cả mọi người - từ tay đứng quầy cho đến các anh bồi - thảy đều biết hắn và ưa hắn, gọi hắn là Dưa Chua (để vinh danh món khoái khẩu của hắn). “Rồi thì Florida, ta sẽ đến đó. Thấy sao hở bồ? Tớ chẳng đã hứa là chúng mình sẽ ăn Nôen ở Miami đó sao? Y hệt như mọi thằng triệu phú nhá.”

Dewey và đồng sự, đặc vụ KBI Clarence Duntz đang đứng chờ bàn trống ở Phòng Lối mòn. Nhìn quanh các bộ mặt quen thuộc vào giờ ăn trưa - đám doanh nhân da thịt mềm nhẽo và cánh chủ trại rám nắng nước da thô - Dewey nhận ra những người quen đặc biệt: bác sĩ Fenton, chuyên viên pháp y địa phương; Tom Mahar, ông giám đốc Warren; Harrison Smith, người đã tranh cử chức chưởng lý tỉnh năm ngoái nhưng thua Duane West, cả Herbert W. Clutter, chủ Trại Lũng Sông và là thành viên dự học Trường Chủ nhật của Dewey. Khoan, khoan nào! Chẳng phải là Dewey đã dự đám tang ông ta hay sao? Thế mà ông ta lại ở đây, ngồi ở góc lượn tròn của Phòng Lối mòn, đôi mắt màu nâu linh hoạt, đôi quai hàm vuông góc, vẻ tốt lành chân chất không hề bị cái chết làm khác đi chút nào. Nhưng Herb không ngồi một mình. Cùng bàn với ông có hai người trẻ tuổi và, nhận ra họ, Dewey bèn huých Duntz.

“Nhìn kìa.”

“Đâu cơ?”

“Quỷ tha ma bắt!”

Hickock và Smith đó! Nhưng hai bên lúc này đều đã nhận ra nhau. Hai thằng kia ngửi thấy nguy hiểm. Chúng quăng mình, qua cửa kính Phòng Lối mòn, chân đi trước, Dewey và Duntz nhảy bổ theo sau, hộc tốc chạy dọc Phố Chính, qua Palmer Jewelry, Norris Drugs, quán cà phê Garden, vòng góc phố xuôi xuống nhà ga rồi chui vào, thụt ra, trốn tìm ú tim giữa một lô những tòa tháp trắng cất giữ hạt ngũ cốc. Dewey rút súng, Duntz cũng vậy, nhưng khi họ nhắm bắn thì xảy ra điều kỳ dị. Thình lình, hết sức khó hiểu, (như trong giấc mơ vậy!) ai cũng đều bơi hết - kẻ đuổi, thằng chạy - đạp thòm thòm cái mặt nước rộng ghê gớm mà Phòng Thương mại Garden City rêu rao là “Bể bơi KHÔNG MẤT TIỀN lớn nhất thế giới”. Khi hai vị thám tử chạy ngang hàng với hai con mồi thì kìa, thêm lần nữa cảnh tượng đó lại nhòa mờ đi, nhòa mờ thành một cảnh tượng khác (Làm sao lại xảy ra cái trò này được nhỉ? Mình đang mê chăng?): nghĩa trang Cảnh Lũng, cái hòn đảo xám xanh của những nấm mồ, những thân cây những lối đi có trồng hoa, một ốc đảo yên bình cành lá xum xuê khe khẽ rì rào tựa như mảng bóng mây râm mát trên những bình nguyên trồng lúa mì rờ rỡ ở phía Bắc thị trấn. Nhưng bây giờ thì Duntz biến mất, còn lại Dewey với hai kẻ bị săn đuổi. Mặc dù không thấy chúng, ông biết chắc chúng đang trốn giữa những người chết, lom khom nấp sau một tấm bia mộ, có khi là bia mộ của chính cha ông: “Alvin Adams Dewey, 06/09/1879-26/01/1948”. Súng trong tay, ông bò dọc các lối mòn trang nghiêm, cho tới khi nghe tiếng cười và mò ra được hướng của nó, ông nhìn thấy Smith và Hickock nhưng chúng không hề ẩn nấp gì hết mà đang đứng xoạc cẳng trên nấm mồ chung hãy còn chưa được khắc tên của Herb, Bonnie, Nancy và Kenyon, chúng đứng dạng chân, tay chống nạnh, đầu ngật ra đằng sau, cười sằng sặc. Dewey bắn... bắn nữa... bắn nữa... Không ai ngã, tuy đứa nào cũng đã bị bắn ba phát trúng tim; chúng chỉ từ từ biến thành trong suốt, từng tí từng tí một hóa thành vô hình, bốc hơi, mặc dù tiếng cười vẫn cứ tràn ra cho tới lúc Dewey cúi xuống, chạy xa khỏi nó, lòng tràn ngập một nỗi tuyệt vọng quá mênh mông và chính nó đã đánh thức ông.

Khi tỉnh lại, ông tựa như là một đứa nhỏ mười tuổi đang ốm sốt và run lật bật; tóc ông ướt đầm, sơ mi sũng mồ hôi dính bết vào người. Căn phòng ở sở cảnh sát, nơi ông đã khóa trái tự nhốt mình trước khi ngủ vùi nơi bàn giấy, thì lờ mờ trong ánh chiều hôm. Lắng tai, ông nghe thấy điện thoại của bà Richardson réo trong buồng làm việc kế bên. Nhưng bà không ở đấy để trả lời; văn phòng đã đóng cửa. Trên đường đi ra, ông đã tính cứ mặc kệ chiếc điện thoại reo, nhưng rồi ông ngập ngừng. Có thể là Marie gọi hỏi xem ông có còn làm việc không, bà có nên chờ ông về ăn tới không.

“Ông A. A. Dewey, xin hỏi. Kansas City đang gọi.”

“Tôi, Dewey đây.”

“Kìa, nói đi, Kansas City. Người của các ông đang ở đầu dây đó.”

“À? Nye đây.”

“À cậu đó hả.”

“Chuẩn bị mà đón mấy tin rất tuyệt đây.”

“Chuẩn bị xong.”

“Bọn bạn chúng mình ở đây. Ngay tại Kansas City này.”

“Sao cậu biết?”

“À, chúng có giữ bí mật quái gì đâu. Hickock đi từ đầu này đến đầu kia thị trấn viết các tờ séc. Lấy ngay tên nó.”

“Chính tên nó. Vậy ắt có nghĩa là nó không định nán lâu ở đây - hoặc là thế hoặc là nó vững tin ở nó ghê lắm. Thế Smith vẫn cứ ở với nó à?”

“Ồ, vẫn rất O.K với nhau. Nhưng lái một chiếc xe khác. Một chiếc Chevrolet 1956 - hai cửa, sơn trắng và đen.”

“Biển Kansas?”

“Biển Kansas. À nghe này Al, cánh ta may đấy! Chúng nó mua một cái ti vi, nghe không? Hickock đưa cho người bán một tấm séc. Vừa lúc chúng lái đi thì người này lại nảy ý ghi lại luôn biển số xe chúng nó. Phê ngay vào lưng séc. Johnson County, biển số 16212.”

“Kiểm tra số đăng ký xe chưa?”

“Đoán coi nào?”

“Đó là xe ăn cắp.”

“Chứ còn gì nữa. Nhưng biển số dứt khoát đã được thay. Các ông bạn chúng ta lấy biển số từ chiếc De Soto bẹp ở một ga ra tại Kansas City.”

“Được biết lúc nào?”

“Sáng qua. Ông chủ (Logan Sanford) có trình báo khẩn về số xe mới và mô tả xe rồi.”

“Còn cái trại của Hickock thì sao? Nếu chúng nó còn ở trong khu này thì chắc hẳn sớm muộn gì cũng sẽ đến đó.”

“Chớ lo. Bọn mình đã theo dõi ở đó rồi. Al à...”

“Đây.”

“Mình chỉ mong có thế. Cho lễ Nôen này. Chỉ mong có thế. Gói xong được vụ này. Gói xong là ngủ liền cho tới năm mới. Chẳng phải là một quà tặng oách đó sao?”

“Mình hy vọng cậu sẽ có được quà tặng đó.”

“Được, hy vọng cả hai chúng mình đều được.”

Sau đó, khi đi qua quảng trường tòa án đang tối dần, tư lự kéo lê chân trong đống lá khô rụng chưa vun lại, tự hỏi tại sao mình không hề phấn khởi trước cái tin kia. Tại sao, khi lúc này ông đã biết những kẻ tình nghi không phải mất hút mãi mãi vào Alaska hay Mexico hay Timbuctoo, khi chỉ một giây nữa thôi sẽ có thể tiến hành bắt chúng - mà ông lại không cảm thấy chút kích động nào như lẽ ra phải thế nhỉ? Cái lỗi là ở giấc mơ hồi nãy, vì tâm trạng buồn thảm của nó vẫn còn lởn vởn chưa tan, làm cho ông phải nghi vấn về những lời khẳng định của Nye - ở một nghĩa nào đó là không tin. Ông không tin rằng Hickock và Smith sẽ bị bắt ở Kansas City. Chúng bất khả xâm phạm.

Bờ biển Miami, 355 Ocean Drive là địa chỉ của khách sạn Somerset, một tòa nhà vuông vức, nhỏ, sơn ít nhiều màu trắng, với nhiều vết chấm quệt màu oải hương, có tấm biển hiệu màu tím nhạt đề “Có chỗ - Giá hạ nhất - Tiện nghi dùng trên bãi biển - Luôn có gió biển mát mẻ”. Đó là một trong những khách sạn xây xi măng và vữa xếp hàng dọc khu phố trắng lóa, buồn thiu. Tháng Mười hai năm 1959, “tiện nghi dùng trên bãi biển” của Somerset gồm có hai cái dù cắm vào một dải cát ở đằng sau khách sạn. Một cái dù, màu hồng, có chữ đề “Chúng tôi có bán kem Valentine”. Ngày Nôen, vào buổi trưa, một bộ bốn bà nằm lê la dưới và quanh cái dù, một chiếc rađiô bán dẫn dâng hiến mấy bà các bản tình ca. Cái dù thứ hai, màu lam, mang mệnh lệnh “Hãy làm rám nắng bằng thuốc Coppertone” thì che cho Dick và Perry, hai thằng đã sống năm ngày tại Somerset, trong một buồng đôi thuê mỗi tuần mười tám đô la.

Perry nói. “Cậu chưa bao giờ chúc tớ Nôen vui vẻ.”

“Nào bồ, Nôen vui vẻ. Và chúc mừng năm mới.”

Dick mặc quần tắm nhưng Perry thì, như ở Acapulco, từ chối phơi chân cẳng tàn tật của mình ra - hắn sợ cái hình ảnh ấy sẽ “xúc phạm” những người tắm biển khác - vậy nên hắn ngồi đó quần áo y nguyên, cả giày và bít tất. Tuy nhiên hắn vẫn tương đối hài lòng, và khi Dick đứng lên bắt đầu biểu diễn mấy động tác thể dục - trồng cây chuối, cố ý gây ấn tượng với mấy bà bên dưới cái dù hồng - thì hắn đọc tờ Herald của Miami. Một bài ở trang trong lôi cuốn toàn bộ tâm trí hắn. Nó nói về án mạng, vụ giết một gia đình ở Florida, ông và bà Clifford Walker, đứa con trai lên bốn và đứa con gái lên hai của ông bà này. Mỗi nạn nhân, tuy không bị trói và dán miệng, đều bị bắn xuyên đầu bằng súng nòng 22 ly. Không có dấu vết và có vẻ không có động cơ gì, vụ án xảy ra đêm thứ Bảy, ngày 19 tháng Mười hai, tại nhà ông Walker, một trại chăn nuôi gia súc không xa Tallahassee là bao.

Perry bảo Dick ngừng biểu diễn để đọc to bài báo lên rồi nói, “Đêm thứ Bảy trước chúng mình ở đâu nhỉ?”

“Tallahassee à?”

“Tớ đang hỏi cậu mà.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3