Máu Lạnh - Phần III - Chương 5

Dick tập trung suy nghĩ. Đêm thứ Năm, thay nhau ngồi lái, chúng đã ra khỏi Kansas, qua bang Missouri vào Arkansas và đến tận Ozarks, “tít” mãi trên bang Louisiana, ở đó, một máy phát điện bị cháy khiến chúng phải dừng lại vào sáng sớm thứ Sáu. (Ở Shreveport, chúng mua máy khác thay, đồ cũ dùng lại, giá hai mươi hai đô rưỡi.) Đêm đó chúng đỗ xe lại ngủ ở lề đường, một nơi nào đó gần biên giới hai bang Alabama và Florida. Chuyến đi ngày hôm sau, chẳng vội vàng hấp tấp gì, gồm có nhiều đoạn vòng vèo để du lịch - đến thăm một trại nuôi cá sấu châu Mỹ và một trại nuôi rắn đuôi chuông, đi tàu đáy thủy tinh trên một cái hồ ngập nước trong như bạc, một bữa trưa, thật ra là lúc đã gần về chiều, kéo dài và đắt đỏ, toàn tôm hùm nướng, ở một quán ăn hải sản bên đường. Ngày đẹp làm sao! Nhưng cả hai đều mệt phờ khi tới Tallahassee cho nên đã quyết định qua đêm ở đây. “Đúng, Taliahassee!” Dick nói.

“Ngộ thật!” Perry đọc qua bài báo lần nữa. “Biết vì sao tớ không ngạc nhiên không? Cái này mà lại không phải do một thằng điên nào đó làm à. Thằng ngu nào đó đọc được về những gì xảy ra ở đằng Kansas ấy.”

Vì không thiết nghe Perry “lại xoáy vào cái chuyện kia”, Dick nhún vai mỉm cười rồi nhon nhón đi ra rìa nước, phơi cho ửng hồng da thịt lên một lúc ở trên mặt cát bị sóng tấp vào đẫm nước, lom khom cúi chỗ này chỗ kia nhặt vỏ ốc. Lúc còn bé hắn ganh vô cùng với thằng con nhà hàng xóm cứ ngày lễ là đến bờ biển Gulf Coast và quay về với những cái hộp đầy ốc - sao mà hắn ghét thằng đó thế, cho nên hắn mới ăn cắp hết mớ vỏ ốc đó và lấy búa đập cho nát từng con một. Lòng đố kỵ luôn luôn tồn tại trong người hắn; kẻ thù là bất cứ ai, bất cứ kẻ nào mà hắn muốn mình trở thành hoặc là kẻ có bất cứ thứ gì đấy hắn muốn có.

Chẳng hạn, người đàn ông hắn đã trông thấy ở bên bể bơi Fontainebleau. Dù xa hàng dặm, hắn vẫn có thể nhìn thấy, phủ dưới tấm màn mỏng do hơi nóng bốc lên và ánh biển mùa hè lấp lóa, những nóc tháp của các khách sạn mờ mờ xa xỉ - khách sạn Fontainebleau, khách sạn Eden Roc, khách sạn Roney Plaza. Ngày thứ hai đến Miami, hắn đã gợi ý với Perry là chúng sẽ xâm nhập vào những nhà-vòm-lạc-thú đó. “May ra lại vớ được một cặp mụ già giàu sụ thì sao,” hắn nói. Perry do dự lắm; hắn cảm thấy người ta sẽ nhìn chằm chằm vào chúng vì những cái quần kaki và áo ba lô. Thật ra, chuyến thăm viếng những gian nhà xa hoa tráng lệ của Fontainebleau đã chẳng hề bị ai để ý tới, chúng lẫn hòa trong đám người đi lại loanh quanh vận quần soóc Bermuda bằng lụa mộc kẻ sọc óng ánh, những người đàn bà mặc quần áo tắm đồng thời khoác áo choàng bằng lông chồn vidông. Hai kẻ đột nhập loanh quanh trong hành lang đại sảnh, la cà vào vườn, phất phơ bên bể bơi. Dick nhìn thấy người đàn ông ấy ở chỗ này, hắn trạc tuổi Dick - hai tám ba mươi gì đó. Hắn có thể là một “tay cờ bạc đỏ đen hay luật sư hay có lẽ là một gã găng tơ Chicago không chừng”. Dù là gì đi nữa, nom như hắn đã hiểu hết mọi vinh quang của đồng tiền và quyền lực. Một cô gái tóc vàng giống hệt Marilyn Monroe đang xoa dầu bắt nắng lên người hắn, bàn tay đầy nhẫn, lười biếng của hắn với ra lấy một cốc nước cam ướp lạnh. Tất cả cái đó thuộc về hắn, thằng Dick này, nhưng hắn sẽ không bao giờ có được. Tại sao thằng chó đẻ ấy lại có mọi thứ, trong khi mình thì không? Tại sao cái thằng cha “chó chết thối thây” ấy lại có mọi sự may như thế? Với một con dao trong tay thì hắn, Dick, hắn cũng sẽ có quyền lực thôi. Bọn chó chết thối thây này tốt hơn hết là hãy liệu hồn không thì hắn có thể “phanh cái thây chúng toang hoang ra để cho cái vận đỏ của chúng phọt lên mặt sàn nhà”. Nhưng ngày hôm nay của Dick thì lụn bại rồi. Cô gái tóc vàng xinh đẹp xoa xoa mãi dầu bắt nắng kia đã làm cho nó bị lụn bại mất rồi. Hắn bảo Perry, “Chúng mình rút mẹ nó ra khỏi đây đi.” Bây giờ một đứa con gái, chắc tầm mười hai tuổi, đang vẽ những hình thù lên cát, cầm một mảnh gỗ trôi dạt tạc những mặt người thô kệch, to đùng. Lấy cớ chiêm ngưỡng nghệ thuật của nó, Dick cho nó những con ốc nhặt được. “Làm mặt cho bọn kia được đấy,” hắn nói. Đứa bé nhận món quà và hắn nháy mắt với nó. Hắn cảm thấy ân hận khi làm như thế với đứa bé, vì thói quan tâm bậy bạ đến trẻ gái là một nhược điểm mà hắn “thật lòng lấy làm xấu hổ” - một bí mật hắn không tâm sự với ai và hy vọng không ai ngờ (tuy hắn biết Perry có để ý tới), vì người khác có thể nghĩ như thế là không “bình thường”. Mà chắc chắn là hắn tự đinh ninh về mình như vậy - “một người bình thường”. Gạ gẫm gái dậy thì, như hắn đã làm “tám chín bận” trong mấy năm vừa qua, không hề chứng tỏ điều ngược lại, bởi vì sự thật rành rành ra đấy, phần lớn đàn ông thứ thiệt đều có ham muốn giống như hắn thôi. Hắn nắm bàn tay đứa nhỏ nói, “Cháu là cháu gái cưng của chú. Bồ thân yêu bé bỏng của chú.” Nhưng đứa nhỏ phản đối. Bàn tay nó, bị hắn nắm lấy, giãy lên như con cá mắc câu, và hắn nhận ra cái vẻ kinh ngạc trong mắt nó, nhớ những vụ xảy ra trước đây trong cái nghiệp này của hắn. Hắn thả tay ra, khe khẽ cười và nói, “Đùa thôi. Bé không thích đùa vui à?”

Vẫn nằm dài dưới cái dù lam, Perry đã quan sát thấy cảnh này và lập tức hiểu ra mục đích của Dick, hắn liền lập tức khinh bỉ; hắn “không có một chút kính trọng nào với những ai không kiềm chế được bản thân về mặt tình dục”, đặc biệt là sự thiếu kiềm chế này lại dính đến cái mà hắn gọi là “sự lệch lạc bệnh hoạn” - “dụ trẻ”, “pêđê”, hiếp dâm. Và hắn nghĩ hắn đã tỏ thái độ rõ ràng với Dick rồi; đúng vậy, chẳng phải chúng đã suýt nữa thì đấm đá nhau, mới đây thôi chả phải hắn đã ngăn Dick không được hiếp một đứa con gái đang kinh hoảng đấy sao? Nhưng hắn sẽ chẳng dám nhắc lại cuộc đọ sức đặc biệt như thế nữa. Hắn nhẹ người thấy đứa nhỏ đi ra xa khỏi Dick.

Những bài hát Nôen đầy ắp trong không khí; chúng ào ra từ chiếc rađiô của bốn người đàn bà và hòa trộn lạ lùng vào với ánh nắng của Miami, hòa với tiếng kêu của những con hải âu không bao giờ ngừng cãi cọ, không bao giờ im lặng hoàn toàn. “Ôi, chúng ta hãy đến thờ phụng yêu kính Người. Ôi, chúng ta hãy đến thờ phụng yêu kính Người”: một bài đồng ca nhà thờ, một điệu nhạc cao quý khiến Perry tràn nước mắt - những giọt nước không chịu ngừng tuôn dù tiếng nhạc đã tắt. Và như một điều không hiếm hoi gì vẫn xảy ra khi hắn bị xúc động đến như thế, hắn lại dấn sâu vào cái khả năng có “sức dụ dỗ ghê gớm” đối với hắn: tự sát. Lúc bé hắn thường nghĩ tới việc tự sát, nhưng đó là những mơ mộng sướt mướt đa cảm đẻ ra từ lòng mong muốn trừng phạt bố hay mẹ hay những kẻ thù khác mà thôi. Nhưng từ ngày trưởng thành làm người, cái viễn cảnh kết liễu cuộc đời hắn ngày càng mất đi chất huyền ảo của nó. Hắn chắc phải nhớ rằng đó là “giải pháp” của Jimmy, và của Fern nữa. Sau này nó đã đi tới chỗ có vẻ như không chỉ là một sự lựa chọn nữa mà chính là cái chết cụ thể đang chờ đợi hắn.

Muốn gì thì hắn cũng thấy là hắn “chẳng có gì nhiều nhặn để vì nó mà sống”. Những hòn đảo nóng bức, vàng bạc châu báu chôn dưới đất sâu, lặn sâu vào những vùng biển nước màu lửa xanh để tới các kho tàng đắm - những giấc mơ như thế đã tắt ngấm cả rồi. Tắt ngấm rồi, cả “Perry O’Parsons”, cái tên đặt ra cho có chút du dương lúc hát trên sân khấu hay màn bạc, điều hắn đã nghiêm túc hy vọng là có một ngày nó sẽ thành sự thực. Chưa được sống, Perry O’Parsons đã chết ngóm. Có cái gì để nhằm tới cơ chứ? Hắn và Dick “đang chạy trên một đường đua không có đích - đó là điều làm cho hắn bàng hoàng. Và bây giờ, sau chưa đến một tuần ở Miami, cuộc xê dịch dài dằng dặc lại sắp sửa bắt đầu trở lại. Mới làm việc một ngày ở công ty dịch vụ xe hơi ABC với mức lương sáu mươi lăm xen một giờ, Dick đã bảo hắn, “Miami đếch bằng Mexico. Sáu lăm xu! Tớ thì không đâu nhé. Tớ là da trắng.” Cho nên ngày mai, với hai mươi bảy đô la gây dựng ở Kansas City còn sót lại, chúng ta hướng về phía Tây mà lên đường nữa, tới Texas, tới Nevada - “không đâu dứt khoát hết”.

Dick lội vào trong sóng xong giờ quay lại. Hắn vật mình xuống bờ cát dính nhớp, úp mặt, im lìm không thở, người ướt đầm.

“Nước thế nào?”

“Tuyệt.”

Sinh nhật của Nancy Clutter vào ngay sau Tết nên rất gần với Nôen, việc ấy gây ra bao nhiêu là sự khó cho Bobby Rupp bạn trai cô. Cậu đã căng hết óc cố nghĩ cho ra hai món quà thích hợp cho hai dịp gần nhau quá như thế. Nhưng hằng năm, với số tiền kiếm được trong dịp hè làm việc - trang trại củ cải đường của bố, cậu đã cố hết sức làm lụng, và rồi sáng Nôen hối hả đến nhà Clutter mang theo một bọc mà các chị em cậu đã giúp gói ghém cho và cậu hy vọng sẽ làm cho Nancy ngạc nhiên vui thích. Năm ngoái cậu tặng cô một trái tim nho nhỏ bằng vàng có lồng ảnh. Năm nay, cũng lo trước như mọi lần, cậu đang phân vân giữa nước hoa ngoại nhập bán ở tiệm thuốc Norris và đôi ủng cưỡi ngựa. Nhưng rồi Nancy chết.

Sáng Nôen, thay vì nhào đến Trại Lũng Sông, cậu ở nhà và đến tối thì cùng gia đình chia sẻ bữa ăn linh đình mà mẹ cậu đã để cả tuần ra lo liệu. Mọi người - bố mẹ và bảy anh chị em cậu - đều dịu dàng ân cần với cậu do câu chuyện bi thảm kia. Không ai hiểu cho rằng cậu đang ốm thật, rằng bi thương đã khiến cậu như thế, bi thương đã kéo đến quanh cậu một vòng tròn mà cậu không thể thoát ra, cũng như không ai có thể bước vào - có lẽ trừ Sue. Trước khi Nancy chết cậu không đánh giá đúng Sue, không bao giờ thấy thoải mái khi ở bên cô. Cô quá khác - coi là nghiêm túc những việc mà ngay cả các cô gái cũng không cần coi nghiêm túc: vẽ, làm thơ, những bản nhạc cô chơi trên piano. Và dĩ nhiên cậu tị với cô: vị trí của cô trong thang đánh giá của Nancy ít nhất là cũng ngang với vị trí của cậu, tuy thuộc một trật tự khác. Nhưng chính vì vậy mà cô hiểu được sự mất mát của cậu. Không có Sue, không có cô gần như ở thường xuyên bên cậu thì làm sao cậu chịu nổi một loạt những chấn động đổ xuống mình như vậy - bản thân tội ác, những cuộc thẩm vấn của John Dewey, sự nực cười pha lẫn bi kịch của việc cậu đã từng một dạo là nghi phạm?

Rồi, sau khoảng chừng một tháng, tình bạn lụi đi. Bobby ít đến ngồi ở gian phòng khách xinh xinh ấm cúng của nhà Kidwell hơn và nếu cậu có đến thì xem vẻ Sue cũng bớt đón mừng hơn. Rắc rối là ở chỗ cái điều họ đang muốn quên đi thì hai người lại cứ buộc nhau than khóc tưởng niệm đến nó. Đôi lúc, khi chơi bóng rổ hay lái xe tám chục dặm một giờ trên các con đường quê, hay khi, như một phần của chương trình rèn luyện tự đặt ra (tham vọng của Bobby là sẽ làm huấn luyện viên thể dục ở trường trưng học), cậu chạy bộ một cự ly dài qua các cánh đồng bằng phẳng vàng óng thì cậu có thể quên. Còn bây giờ, sau khi giúp dọn hết đĩa thìa ở bàn ăn bữa tối ngày lễ, việc cậu quyết định làm là mặc áo len vào rồi đi vơ vẩn một lát.

Thời tiết khá đẹp. Ngay cả với miền Tây Kansas đây, vốn nổi tiếng bởi mùa hè da đỏ kéo dài của nó, mẫu thời tiết này cũng là không tự nhiên - không khí khô, mặt trời gắt, bầu trời xanh. Các nhà chăn nuôi lạc quan dự đoán một “mùa đông mở” - một mùa dìu dịu đến nỗi gia súc có thể gặm cỏ suốt cả mùa. Những mùa đông như thế hiếm xảy ra nhưng Bobby có thể nhớ được một - cái năm cậu bắt đầu tán tỉnh Nancy. Cả hai lúc đó đều mười hai tuổi, sau giờ học cậu hay mang cặp sách của cô đi suốt một dặm từ trường Holcomb về nông trại của bố mẹ cô. Nếu thời tiết nóng mặt trời rừng rực, hai đứa thường dừng lại trên đường, ngồi xuống bên sông, một mẩu của con sông Arkansas uốn khúc, dòng nước nâu lờ đờ chảy.

Một lần Nancy bảo cậu, “Có một mùa hè, hồi nhà tớ ở Colorado, tớ đã thấy chỗ con sông Arkansas bắt đầu. Đúng chỗ ấy. Nhưng cậu sẽ không tin nó là con sông của chúng ta đâu. Nó không màu này. Mà trong như nước uống cơ. Chảy nhanh nữa. Và đầy những tảng đá. Những vực xoáy. Bố bắt được một con cá hồi.” Chuyện này, ký ức của Nancy về thượng nguồn của con sông, đã ở lại với Bobby, và từ khi Nancy chết... Chà, cậu không giải thích được, nhưng bất cứ khi nào cậu nhìn con sông Arkansas thì trong chốc lát nó liền biến đổi, cái cậu nhìn thấy không phải một dải nước pha bùn quanh co lượn qua các bình nguyên bang Kansas mà là cái Nancy đã tả - một con lũ Colorado lạnh buốt, trong như pha lê, có cá hồi và lao vút xuống thung lũng. Nancy đã từng là thế đó: như con nước trẻ trung - mãnh liệt, tươi vui.

Nhưng mùa đông miền Tây Kansas thường làm đường sá tê liệt, làm băng đóng trên các cánh đồng và giờ như dao cạo khiến thời tiết trước Nôen biến đổi. Vài năm qua, tuyết luôn rơi vào đêm Nôen và vẫn tiếp tục rơi, và sáng hôm sau khi Bobby lên đường tới cơ ngơi nhà Clutter, một cuốc đi bộ ba dặm, cậu đã phải vật lộn với những vạt tuyết cao ngất. Đáng như thế, vì tuy cậu bị cứng đơ ra và cả người đỏ tía nhưng sự đón tiếp mà cậu nhận được đã làm băng tuyết trong cậu tan hoàn toàn. Nancy bàng hoàng và tự hào, mẹ cô thường ngày vốn rụt rè xa cách thì ôm choàng lấy cậu mà hôn, nài cậu quấn một tấm chăn rồi ngồi gần bên đống lửa trong phòng khách nhỏ. Trong khi cánh phụ nữ làm lụng trong bếp, cậu và Kenyon cùng ông Clutter ngồi quanh lửa tách hạt dẻ và quả hồ đào; ông Clutter bảo ông nhớ lại một Nôen khác, hồi ông bằng tuổi Kenyon, “Chúng tôi có bảy người, mẹ, bố tôi, hai cô con gái và ba cậu con trai bọn tôi. Chúng tôi ở một nông trại xa thị trấn lắm... Vì lý do đó chúng tôi thành ra có thói quen mua sắm cho Nôen tất tật cùng một lượt - làm một chuyến đi và mua hết tất cả. Cái năm mà tôi đang nhớ lại đây, buổi sáng chúng tôi toan đi thì tuyết rơi cao như hôm nay này, cao hơn ấy, và cứ rơi hoài, những bông tuyết to như cái đĩa. Coi vẻ chúng tôi đang lâm vào cảnh Nôen bị tuyết trói chân và chẳng có quà cáp gì treo dưới cây thông. Mẹ tôi và đám con buồn thiu. Rồi tôi nảy ra một ý.” Ông sẽ đóng yên cương lên con ngựa cày khỏe nhất rồi cưỡi vào trong thành phố mua mọi thứ cho cả nhà. Mọi người tán thành. Tất cả đưa chỗ tiền để dành của mình ra cho ông cùng một danh sách các thứ mình muốn mua: bốn mét vải bông, một quả bóng, một cái gối cắm kim khâu, đạn súng săn - một loạt yêu cầu mà mãi đến tối ông mới thực hiện được đầy đủ. Trên đường về nhà, các thứ đó được đựng trong một cái xắc bằng vải dầu, ông biết ơn bố đã bắt ông phải mang theo cây đèn bão, và ông lại còn vui nữa là vì yên cương ngựa có gắn chuông, vì cả tiếng chuông leng keng lẫn ánh đèn bão lắc lư đều làm cho ông dễ chịu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3