Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 02 - Phần 1
Chương 2
Con trai ta, đao phủ của ta,
Ta ôm con trong vòng tay,
Lặng lẽ, nhỏ bé, run rẩy,
Trong tay ta, thân thể con ấm dậy.
- “My Son, My Executioner,” Donald Hall[1]
[1] Donald Hall sinh năm 1928, là một nhà thơ Mỹ.
Mùa đông năm 1975, khi Eustace Conway mười bốn tuổi, anh bắt đầu ghi một cuốn nhật ký mới và viết những lời bày tỏ này làm lời tựa:
“Tôi, Eustace Conway, sống trong một ngôi nhà rộng rãi tươm tất ở Gastonia, Bắc Carolina. Hiện tôi có mẹ và có cha sống cùng, và tôi còn có hai em trai (Walton và Judson) và một em gái (Martha). Tôi vô cùng yêu thích kho tri thức cũng như nghề thủ công của thổ dân da đỏ. Tôi đã lập một nhóm nhảy kiểu thổ dân da đỏ gồm bốn người. Những người đó là: tôi, Walton - đứa em lớn hơn trong hai em trai tôi, Tommy Morris là thằng bạn thân sống cách đó hai khu nhà, và cả Pete Morris em trai của nó. Bố của hai đứa này tự sát hai năm trước nhưng mẹ bọn nó sắp tái hôn. Cứ có dịp là tôi tới Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Scheile bởi vì tôi thích chốn ấy và con người nơi đó. Tôi gần như đã thành một người trong đội ngũ nhân sự… Phòng ngủ của tôi cũng là một viện bảo tàng. Tôi phủ khắp phòng những tranh ảnh của thổ dân da đỏ, mấy bộ lông gấu bác tôi ở Alaska gửi cho, và rất nhiều đồ thủ công kiểu thổ dân mà tôi tự làm. Phòng tôi chẳng còn chỗ cho bất cứ thứ gì khác, nó thực sự đầy ứ cả lên mà tôi thì còn rất nhiều thứ nữa không thể nhét vào.”
Ngày ấy Eustace là một cậu bé đặc biệt. Lúc nào cậu cũng bận bịu. Cậu vẫn đến trường hằng ngày, tất nhiên, nhưng chỉ vì người ta ép buộc cậu. Tan trường, cậu thường đạp xe tới Viện bảo tàng Scheile, một viện bảo tàng lịch sử tự nhiên nhỏ đầy ắp những sa bàn đầy bụi bặm dựng từ thời Thế chiến Thứ nhất về hệ thực vật và hệ động vật vùng Bắc Carolina. Và đó chính là nơi việc học hành thực sự bắt đầu với Eustace; ông Alan Stout, giám đốc viện bảo tàng, rất yêu mến cậu và luôn đón chào cậu vào khu vực nội bộ rất ư tuyệt vời của Scheile.
Làm sao khước từ Eustace cho được. Cậu bé có nụ cười rạng rỡ tuyệt vời, những khi cậu thực sự cười. Một đứa trẻ hội tụ nhiều phẩm chất lạ thường! Đầy động lực và ham thích địa chất học, nhân học, lịch sử, sinh vật học - bất cứ gì ta có thể đưa ra cho cậu. Ông Stout thường để Eustace lang thang trong các phòng sau của viện bảo tàng hàng giờ mỗi ngày, khiến cậu bé vui sướng vô cùng. (“Ông Stout hiểu biết về thổ dân da đỏ sâu sắc hơn bất kỳ ai mà tôi biết,” Eustace say sưa kể trong nhật ký. “Và ông là một họa sĩ vẽ màu nước rất giỏi, thường vẽ tranh phong cảnh Tennessee, miền đất nơi ông sinh trưởng.”) Eustace không giống bất kỳ đứa trẻ nào Stout từng gặp; thực sự là không bất kỳ đứa trẻ nào ông từng gặp trong đời. Nếu có ai đưa cho cậu xem một cuốn sách, cậu sẽ nghiền ngẫm nó, đặt hàng loạt câu hỏi, và rồi chiều hôm sau lại yêu cầu cuốn nữa. Nếu ông Warren Kimsey, người nhồi xác thú của viện bảo tàng, cho Eustace thấy cách lột da và làm thịt thỏ, cậu bé sẽ làm việc đó với sự hoàn thiện đầy đam mê cuồng nhiệt, rồi xin thêm một con thỏ nữa để cậu thực hành nâng cao kỹ năng.
“Tôi quen Warren chưa được bao lâu,” Eustace tâm sự trong nhật ký, “nhưng ông đã nhanh chóng trở thành người gần gũi tôi nhất. Trên thực tế, tôi thích ông hơn bất kỳ ai khác trên đời.”
Và ông là một người giúp việc tuyệt vời. Một tay râu quai nón dễ ưa. Lúc nào cũng vui vẻ quét dọn khắp các phòng kho hay đảm nhiệm bất kỳ việc vặt nào mà chẳng ai thèm làm. Ông Stout thậm chí còn cho Eustace sử dụng viện bảo tàng làm nơi luyện tập cho nhóm nhảy kiểu thổ dân. Eustace là trưởng nhóm nhảy, nhưng Stout mới là người huấn luyện vũ công, đánh xe chở họ tới các cuộc thi, giúp chỉ cho các cậu trai cách khâu và kết hạt cho trang phục nhảy truyền thống cực kỳ phức tạp của thổ dân. Khi Eustace lớn lên, ông Stout đưa cậu theo cùng những chuyến chạy ca nô trên sông Catawba, South Fork để thu thập mẫu nước phục vụ các nghiên cứu về môi trường của chính phủ. Thỉnh thoảng ông đưa một mình Eustace cùng đi cắm trại, và im lặng quan sát trong niềm thán phục khi cậu bé bắt, giết, lột da, nấu nướng và ăn thịt rắn chuông.
Ông Stout không chỉ thích Eustace; ông kính trọng cậu. Ông nghĩ cậu thật xuất sắc. Ông theo dõi sự phát triển của cậu cũng cẩn trọng như Thomas Jefferson[2] theo dõi sự phát triển của cậu bé hàng xóm tên là Meriwether Lewis[3] (một đứa trẻ mà về sau vị tổng thống luôn nhớ lại là “phi thường, thậm chí ngay từ thuở ấu thơ, nhờ sự táo bạo, lòng dũng cảm và tính tự quyết”). Và, dù sao, ông Stout có cảm giác Eustace rất cần một nơi nào đó để tới mỗi buổi chiều, nơi nào đó không phải là nhà. Ông không biết rõ về hoàn cảnh gia đình cậu, nhưng ông đã gặp cha cậu, và chẳng cần thông minh gì nhiều cũng nhận ra rằng cuộc sống không đơn giản trong ngôi nhà rộng rãi trên phố Deerwood Drive.
[2] Thomas Jefferson (1743-1826): Tổng thống thứ ba và người đã chấp bút bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ.
[3] Meriwether Lewis (1774-1809): một nhà thám hiểm tài ba niềm tin tưởng hình thành từ khi còn là láng giềng, năm 1801, Tổng thống Thomas Jefferson chọn ông làm sĩ quan phụ tá và giao cho ông nhiều trọng trách. Ông chết khi còn trẻ; cái chết của ông đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Thế nên Eustace dành những buổi chiều ở viện bảo tàng rồi sau đó ra về và thẳng tiến về hướng khu rừng nhỏ sau nhà cậu. Kiểm tra bẫy, bắt rùa, phát đường mòn. Cậu ghi chép lại những điều nhìn thấy trong suốt những lần vào rừng ấy. Cậu đã ghi nhật ký nhiều năm, nhưng nó không phải là một phương tiện thể hiện bản thân, mà là một cuốn sổ ghi chép bắt buộc về mọi việc cậu đã hoàn thành ngày hôm đó (dù liên quan đến sinh vật hoang dã hay đến những việc bình thường hơn) và một danh sách dài ngoằng những việc cậu dự định hoàn thành trong ngày hôm sau.
“Hôm nay tôi cho chú rùa con ăn sâu. Tôi xem một bộ phim về một cậu bé với con bồ câu đưa thư, tập biểu diễn múa vòng, bắt tay làm lông trang trí cho chiếc gậy kiểu thổ dân của tôi. Sau đó tôi nâng cao kỹ năng bóng bàn. Tôi đã khá giỏi rồi. Tôi sẽ đọc Kinh thánh hằng đêm cho đến khi đọc hết. Tôi có thể làm một chòm lông mào từ những chiếc lông đuôi của một con gà tây.”
“Hôm nay tôi tìm thấy một lốt chân báo sư tử đã ở đó ba ngày. Tôi bắt được một con rắn chuột đỏ dài một mét bảy. Tôi còn đặt một cái bẫy bắt gấu mèo Bắc Mỹ ở chỗ tôi đã thấy những vết chân gấu đi qua ba ngày trước. Tôi mong bắt được nó để lấy da.”
“Tôi bắt đầu đọc cuốn sách Chiến binh da đỏ ở miền Tây. Sau khi đọc được một lúc, tôi chuyển sang treo cất hai cái chân hươu... Martha nói với tôi có con sóc bị chẹt trên đường Công viên Gardner. Tôi lột da nó, phần thịt thì ướp lạnh để dành.”
Cả một trang trong một cuốn nhật ký thời thơ ấu của Eustace có đề mục là ẾCH, đầy thông tin và nhận xét về ếch. (“Hôm nay tôi bắt được ba con nhái bén cho vào trong bể kính thể tích mười galông. Ngày hôm sau tôi thấy mấy chùm trứng trong bình nước. Tôi còn bắt được một con kỳ nhông và cho vào đó cùng với bọn ếch. Tôi nghĩ một trong mấy con ếch đã chết, vì đã lâu tôi không thấy cả ba con cùng một lúc ở gần nhau...”)
Có vẻ như Eustace là một kiểu tiểu Thoreau[4] cũng có thể không phải. Mặc dù rất lưu tâm đến môi trường sống quanh mình, khi ấy Eustace không có, và rồi đây sẽ không bao giờ có được, mối giao hòa ủy mị kiểu Thoreau với tự nhiên. (Ví dụ: “Thỉnh thoảng, một sáng mùa hạ, sau khi tắm mát như thường lệ,” Thoreau suy tưởng, “tôi ngồi từ bình minh cho tới giữa trưa trên bậu cửa chan hòa ánh nắng, chìm đắm trong mơ màng, giữa bạt ngàn thông, mại châu, cây muối, trong yên lặng và tĩnh mịch không gì quấy quả.”) Eustace Conway không tài nào chịu được kiểu nghỉ ngơi bạc nhược đó. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã không bao giờ buộc được mình ngồi không hàng tuần liền mà ngắm ánh sáng biến đổi. Thay vào đó, Eustace chỉ thích dấn thân. Nói đúng hơn là anh giống với Teddy Roosevelt thời trẻ, một cậu bé mạnh mẽ và quả quyết, cũng học tập dưới sự hướng dẫn của một người nhồi xác thú tài ba, cũng chăm chút tạo nên một viện bảo tàng lịch sử tự nhiên trong phòng ngủ của mình, và cũng ghi chép lại những quan sát tỉ mỉ và khoa học trong nhật ký từ thời thiếu nhi. Giống như Teddy Roosevelt, có thể mô tả cậu bé Eustace Conway là một người “thuần hành động”.
[4] Henry David Thoreau (1817-1862): nhà thơ, nhà văn hóa lớn người Mỹ. Môi trường tự nhiên là chủ đề quan trọng trong các tác phẩm của ông.
Eustace không có nhiều bạn. Cậu chẳng mấy giống với bất kỳ ai khác, và cậu cũng đã biết điều này, từ khi chỉ mới lên mười. Khi nhìn những cậu bé đồng trang lứa, Eustace thấy những đứa dành hàng giờ xem ti vi, kể về những thứ chúng thấy trên ti vi, và bắt chước các nhân vật trên ti vi. Cậu thấy những chuyện chúng nói chẳng có nghĩa lý gì cả.
Bọn con trai khác cũng có những sở thích kỳ lạ. Trong căng tin, chúng thích chơi trò bẻ bút chì rất tinh vi, cố trộm bút chì của đứa khác rồi bẻ đôi, đếm xem mỗi thằng bẻ được bao nhiêu chiếc. Trò này khiến Eustace thấy vừa khó hiểu vừa đáng bực. Sao người ta lại có thể khinh thường của cải đến thế? Suy cho cùng thì bút chì được làm từ cây cối và là thứ hữu dụng. Cậu còn thấy bọn trẻ trong lớp phung phí cả học kỳ chỉ để vẽ vời trong vở hết hình này đến hình khác về xe đua - mà lại còn chỉ sử dụng một mặt giấy! Eustace, ngay từ thời ấy, đã biết nghĩ. Thật phí thời gian... và thật phí giấy. Những cậu bé ấy đơn giản là dường như quá ư buồn tẻ. Tất cả những gì chúng có thể nghĩ ra mà làm là đấu đá và phá của. Trong khi Eustace lúc nào cũng nghĩ ra những việc có ích; số giờ trong ngày không đủ cho cậu làm và học tất cả những điều mình muốn.
Nhiều đứa trẻ trong xóm biết Eustace và có dự phần vào cuộc sống của cậu, nhưng chúng không phải là bạn theo đúng kiểu trẻ con; chúng giống kiểu những người học việc thời xa xưa hơn. Eustace thường làm những chuyện kiểu như đi dạo trên vỉa hè khu phố với một con rắn chuột to đùng đen nhánh vòng quanh cổ, điều đó hiển nhiên thu hút sự chú ý. Bọn trẻ sẽ xúm lại hỏi han đủ thứ và Eustace sẽ nói cho chúng nghe về những thói quen và đặc tính của loài rắn, giao việc cho bọn chúng kiếm thức ăn cho con vật, hoặc - nếu chúng tỏ ra thật sự hứng thú - dẫn chúng vào trong rừng và chỉ cho chúng cách tự bắt rắn. Ngay cả những đứa lớn hơn Eustace cũng theo cậu vào rừng để xây chốt gác dưới sự trông coi của cậu hoặc lội qua đầm lầy để kiếm thức ăn cho bọn rùa của cậu.
Nhưng còn ở trường? Eustace chẳng có người bạn nào cả. Không có mẩu trò chuyện nào về rắn, không có rừng làm phông để chứng tỏ sự thông tuệ của cậu, Eustace chẳng tài nào giao tiếp được với những đứa đồng trang lứa. Cậu ngồi ở bàn ăn trưa với những đứa không ai chơi khác - những đứa thiểu năng trí tuệ, những đứa đeo nẹp nạng ở chân, những đứa con nhà nghèo nhất vùng Gastonia lúc nào cũng buồn rầu ủ dột. Cậu không phải là bạn của những đứa này. Chúng thậm chí chẳng biết tên nhau. Ngày nào cũng ngồi ăn cùng nhau thế nhưng khi có đứa nào bị tỉa ra để bắt nạt thì chúng lại ngoảnh mặt đi với cảm giác nhẹ nhõm đáng xấu hổ.
Tuy nhiên có một cậu này. Randy Cable, mới đến Gastonia. Bố mẹ cậu là dân miền núi, vốn sống ở vùng thôn dã trên dãy Appalachia, nay xuống núi tới thị trấn ngoại ô sầm uất này để tìm việc trong các nhà máy trong vùng. Randy cũng không quen biết một ai. Năm lớp bảy, có một hôm như thường lệ vào giờ giải lao, Randy đang chơi một mình bên lề sân trường, nơi mặt sân lát gạch kết thúc và cánh rừng bắt đầu. Những đứa trẻ khác đang chơi bóng chày và hò hét ầm ĩ, nhưng Randy Cable không biết chơi bóng chày. Cậu đang tha thẩn ở bìa rừng thì thấy một con rùa. Cậu đang quấy con rùa, chọc chọc vào nó thì Eustace Conway, một cậu bé đen giòn, gầy, dáng vẻ nghiêm nghị, bước đến.
“Cậu thích rùa à?” Eustace hỏi.
“Phải,” Randy trả lời.
“Tớ biết mọi điều về rùa. Tớ có hơn một trăm con rùa ở sân sau nhà,” Eustace nó
“Ôi làm sao có thể thế được.”
“Có đấy. Nếu cậu qua nhà tớ, tớ sẽ cho cậu xem.”
Randy Cable nghĩ, Được, hay đấy.
Nhưng chiều hôm ấy cậu đạp xe tới đó thì thấy quả đúng thế thật. Ở sân sau nhà Eustace là một hội rùa đông đúc nhưng có trật tự. Được tưới tắm và che mát, đó là một mạng lưới hàng chục cái lồng và sọt chứa hơn một trăm con rùa thuộc nhiều giống khác nhau mà Eustace đang nuôi nấng và chăm sóc theo một hệ thống luân phiên được ghi chép tỉ mỉ từ khi cậu lên sáu.
Eustace thích mê bọn rùa. Cậu yêu tính cách của chúng, yêu sự điềm tĩnh, sự thăng bằng tinh thần toàn hảo và thần thái an nhàn cổ kính nơi chúng. Cậu bắt rùa rất tài. Cậu có thể tìm ra rùa ở bất cứ đâu. Cậu có thể nhận ra con rùa ngụy trang nấp trong bụi cây rậm rạp, chỉ cần một mảnh bé bằng móng tay của tấm mai nó lộ ra. Hồi nhỏ, Eustace đã nhiều lần nghe thấy rùa. Một mình lặng bước trong rừng, cậu có thể nghe thấy thoáng phụt gió hầu như không thành tiếng khi con rùa vội vã rụt đầu và chân vào mai. Eustace bèn dừng lại, đứng bất động, nhìn quanh cho tới khi cậu phát hiện ra nó. Quả nhiên có một con rùa hộp nhỏ cách cậu một mét, trốn giữa đống lá rừng khô, rúc cả mình vào mai.
Eustace đã phát triển một hệ thống để bắt đám rùa sọc đầm lầy bất kham trong các chuôm hồ. Cậu nấp trong đám cây cối ven mép nước với chiếc cần câu móc sẵn mồi là một miếng thịt ba chỉ xông khói. Cậu sẽ giăng miếng thịt tới cách con rùa đang phơi nắng chừng nửa mét rồi chầm chậm kéo lê miếng thịt trước mắt con vật cho tới khi rùa ta đánh hơi thấy miếng mồi và trườn mình xuống nước bò theo. Từng chút từng chút một, Eustace nhử con rùa vào gần bờ hơn, rồi cậu nhảy ra khỏi đám cây, cầm một mảnh lưới lao xuống nước chộp lấy con rùa trước khi nó sợ hãi lặn mất.
Trở về nhà, cậu cho con vật mới bắt được vào một trong những chiếc thùng gỗ dán, mỗi thùng được thiết kế riêng theo yêu cầu về độ cân bằng giữa bóng râm, nước và cỏ phù hợp cho từng loài. Cậu có rùa bùn, rùa xạ, rùa hộp, rùa sọc. Cậu cho chúng ăn tôm, rau và côn trùng (thu hoạch từ dưới hàng chục khúc thân cây được Eustace sắp ngay ngắn trong khu rừng phía sau nhà cậu), và b những y rùa của cậu hài lòng với chỗ ở của mình tới nỗi trong tình trạng giam cầm như vậy chúng vẫn sinh sôi. Trên sân sau nhà cậu còn có mấy con rắn nhốt trong chuồng, với cả một con cáo nhỏ mồ côi mà cậu đặt tên là Sputnik. (Ông Stout đã cho Eustace con cáo đó sau khi một người bản địa Gastonia tìm thấy con vật và đưa nó tới cho Viện bảo tàng Scheile chăm sóc.) Vương quốc hết sức quy củ này là thứ cậu đã cho người bạn mới Randy Cable xem chiều hôm ấy. Và với một cậu bé sơn dã như Randy thì tất cả những thứ này thật chẳng khác gì thiên đường. Hai đứa trở thành đôi bạn rất thân.
“Hôm nay là ngày đầu tiên tôi tới nhà Randy Cable,” Eustace viết trong nhật ký không lâu sau hôm khoe rùa. “Cậu ta chỉ cho tôi mảnh rừng nhà cậu và con suối nơi chúng tôi trông thấy dấu chân chuột xạ, gấu mèo, chim chóc và mèo. Cậu ta chỉ cho tôi một cái hang chuột xạ trên dải đất sét bên bờ suối. Chúng tôi lấy một cái giỏ làm thành bẫy chim và đặt mồi bằng bánh mì. Chúng tôi dùng một sợi dây dài và một thanh gạt bẫy bằng gỗ. Có rất nhiều chim hét lảng vảng quanh bẫy nhưng chúng tôi không bắt được con nào vì chúng không sa chân. Chúng tôi làm một bộ gậy dùng cho cái bẫy giật dây. Tôi lột da một con thỏ đuôi bông để làm cái áo ghi lê.”
Và thế là tình bạn ấy đã thắm thiết trong nhiều tháng rồi nhiều năm. Randy nhớ về Eustace như một cậu bé lạ lùng đầy sức mê hoặc, am hiểu và nhạy bén sắc sảo về thế giới của bản thân theo một cách không giống như hầu hết trẻ mười hai tuổi khác. Cậu luôn chăm chú tập trung cao độ trước từng chi tiết nhỏ. Một ví dụ, Eustace từng nói với Randy, “Cậu có thích sô cô la không? Cậu có muốn biết ăn thế nào là ngon nhất không? Chỉ đặt một vuông bé tí dưới lưỡi thôi rồi để cho nó tan ra. Với cách ấy, cậu sẽ cảm nhận được tối đa hương vị thật lâu và chẳng bao giờ phí phạm một tí gì.”
Eustace mê tít Randy Cable và bố Randy, một người sinh trưởng ở vùng núi, biết mọi điều về săn bắn và câu cá, tường tận loại thực vật dại nào ven bờ sông có thể hái làm thức ăn. Cứ có thời gian là Eustace sang nhà Randy. Randy lại rất hiếm khi sang nhà Conway. Ở đó không thoải mái. Bà Conway rất hòa nhã nhưng ông Conway thì thật đáng sợ. Giờ ăn tối là sự kiện đặc biệt kinh khủng. Lũ trẻ hiếm khi nói gì trong suốt bữa ăn, bà mẹ cũng vậy. Ông Conway ngồi ở đầu bàn, dáng vẻ vừa lạnh lùng vừa mai mỉa, vói tâm thế sẵn sàng bắt bẻ bất kỳ điều gì. Dường như ông dồn mọi chú ý vào Eustace. Chỉ cần cậu bé mở miệng là ông Conway liền châm chọc ngữ pháp của cậu. Nếu cậu bé đề cập tới chuyện gì trong ngày, ông sẽ cười nhạo “nực cười quá đấy nhóc con ạ.” Nếu ông Conway hỏi Eustace làm bài kiểm tra môn toán vừa rồi thế nào và nhận được câu trả lời mà ông không thích, ông sẽ xổ ra một trận nhiếc móc và giễu cợt.
“Mày đúng là ngu,” Eustace nhắc lại lời cha mình. “Tao chưa bao giờ thấy đứa con nít nào xuẩn hơn. Tao không hiểu sao mình có thể đẻ ra một thằng con đần độn tới vậy. Chúng ta phải phỏng đoán thế nào đây nhỉ? Tao tin mày đơn giản là tối dạ và rồi sẽ chả học được cái gì đâu.”
Sau đó ông Conway sẽ khuyến khích mấy đứa em Eustace cùng ông cười nhạo sự trì độn lố bịch của cậu anh cả vô tích sự của chúng. Chuyện này thì lũ em sẵn lòng làm, hệt như những đứa trẻ chân nẹp nạng không ai thèm chơi luôn thở phào nhẹ nhõm khi thấy đứa khác bị bắt nạt chứ không phải là mình.
Một điều khác nữa cản trở Randy Cable là những lời lải nhải không ngớt về cách xử sự ở bàn ăn. Trước đây cậu chưa bao giờ tới một gia đình “chuẩn mực” và phải hứng chịu những quy tắc cứng nhắc đến thế trong giờ ăn. Nếu Eustace ăn nhanh quá hoặc dùng đồ không đúng cách, ông bố sẽ xỉ vả cậu vì cung cách “ngớ ngẩn và mọi rợ” bên bàn ăn. Điều đó khiến Randy cảm thấy căng thẳng khi cầm dĩa; cậu chẳng bao giờ gặp rắc rối với chuyện gì kiểu thế ở nhà. Ba mươi năm sau, Randy vẫn không tài nào hiểu nổi tại sao ông Conway lại quan trọng hóa nghi thức trong ăn uống như thế. “Tại bàn ăn nhà chúng tôi thì mạnh ai nấy làm mạng ai nấy giữ,” Randy nhớ lại.
À, phải. Cũng có điều gì đó kiểu như thế ở bàn ăn nhà Eustace.
Nguyên do đằng sau quyết định của một người đàn ông lấy tên mình đặt cho con trai đầu lòng, theo tôi nghĩ, có rất nhiều yếu tố. Tôi hiểu phong tục này thường được xem là một tục lệ xã hội đơn thuần (đặc biệt ở miền Nam nước Mỹ), nhưng với tôi thì dường như nó chứa đựng nhiều hơn thế. Một số người coi phong tục này chỉ là sự tự phụ, nhưng tôi tự hỏi phải chăng đúng hơn là ngược lại với sự tự phụ: thiếu tự tin. Với tôi, đó dường như là một mong mỏi đầy kỳ vọng và cảm động, như thể người cha - cảm thấy lo sợ vì tầm quan trọng của việc tạo ra một sự sống mới, một người đàn ông mới, một kình địch mới - lẩm nhẩm một lời cầu nguyện nho nhỏ rằng trong cách đặt tên ấy cho đứa bé sẽ tồn tại một kiểu mối quan hệ song sinh giữa ông ta và đứa con. Mang cái tên gần như giống hệt này, đứa bé không còn là người xa lạ hay kẻ có khả năng tiếm đoạt nữa. Kiểu như người cha có thể không hề lo sợ nhìn đứa con sơ sinh mà tuyên bố: Con là ta; ta là con.
Nhưng mà đứa con đâu phải ông bố, và ông bố cũng chẳng phải là đứa con. Điều này là lý do tại sao phong tục này nguy hiểm hơn là dễ chịu.
Ông Conway tên đầy đủ là Eustace Robinson Conway III, và ông đặt tên cậu con trai là Eustace Robinson Conway IV. Ban đầu, hai người được phân biệt chỉ bởi một tính từ: Cha so với Con. Hai người thậm chí còn trông giống nhau, Eustace Cha và Eustace Con, cùng có đôi mắt nâu dày mí to tròn và thông minh. Hồi đầu, Eustace mừng rơn vì có Eustace Con trong nhà. Ông rất mê đứa nhỏ, bị nó hút hồn, rất đỗi tự hào, ân cần, kiên nhẫn, trìu mến, khoe khoang kể lể suốt ngày. Muốn chơi với nó suốt. Rồi khi đứa bé lớn hơn một chút, ông dẫn nó vào khu rừng sau nhà, chỉ vào cây cối mà bảo, “Nhìn này...”
Eustace Con sắc sảo và nhạy bén, và điều này đương nhiên dễ hiểu, bởi vì Eustace Cha là một tài năng được thừa nhận. Là niềm tự hào của một dòng họ miền Nam giàu có, lâu đời toàn những địa chủ và thương nhân, Eustace Cha là một kỹ sư hóa học có tấm bằng tiến sĩ từ Học viện Công nghệ Massachusetts. (Ông nhảy lớp ở trường trung học, nhảy lớp còn nhanh hơn ở đại học, và tốt nghiệp Học viện với tấm bằng tiến sĩ khi chỉ mới hai mươi mấy tuổi.) Ông có năng khiếu thật sự về những con số và khoa học. Còn hơn cả năng khiếu, đó là tình yêu. Toán học, với Eustace Cha, mở những bí ẩn của nó ra cũng dễ dàng như hòa âm mở ra cho những ai may mắn có tài năng âm nhạc thiên bẩm. Còn vật lý thì sao? Xuất sắc. Lượng giác học? Một niềm vui thú. Hóa học? À, chẳng có gì ẩn trong hóa học ngoài sự dễ dàng, vẻ quyến rũ và sự hứng thú. Ông say đắm những câu hỏi hóc búa, những con số, bảng biểu, phương trình. Theo lời tự mô tả bản thân mà Eustace Cha tâm đắc nhất, ông là một người đàn ông “hoàn toàn chịu sự điều khiển của logic thuần túy.” Ông tự phụ ư? Có lẽ. Nếu đúng thế thì âu chỉ vì cũng thật logic khi tự phụ như vậy trong một thế giới nơi mà mọi người khác đều là những kẻ vô tâm đến nực cười, chuyên lựa chọn dựa trên ngẫu hứng hay xúc cảm thay vì lý trí chính xác.
Trong suốt những năm tuổi hai mươi, Eustace Robinson Conway III là giảng viên ở Đại học Bắc Carolina và Nam Carolina, ở đó ông dạy môn hóa công nghệ cho những sinh viên chỉ thua ông vài ba tuổi. Đó là một công việc tốt, nhưng ông không thích cái giới học thuật đã bị chính trị hóa. Ông luôn gặp rắc rối khi làm việc chung với người khác. Cuối cùng ông thôi dạy và tìm việc trong khu vực kinh tế tư nhân, tại một nhà máy hóa chất. Ông cũng chẳng hòa nhập được với đồng nghiệp ở đó, nhưng người ta kính trọng và có phần e s của ông. Một đồng nghiệp cũ, người luôn nhớ về Eustace Cha như là Tiến sĩ Conway, nhớ lại chuyện có hôm tới gặp ông để hỏi nhanh một câu về một công thức hóa học cụ thể. Hăm hở đưa ra một câu trả lời thật kỹ lưỡng rõ ràng, Tiến sĩ Conway bắt đầu viết một phương trình lên bảng, rồi cứ thế tiếp tục viết thêm nhiều dữ kiện cho tới khi phương trình đó ngoằn ngoèo khắp mặt bảng, mở rộng sang những khái niệm hóa học mới, cho đến khi, phấn khích quá, ông viết tràn cả ra ngoài tấm bảng. Tới chỗ này thì, tất nhiên, người đồng nghiệp của ông đã chẳng hiểu gì tự lâu rồi.
Nói rõ ra thì, ông yêu bộ não của mình, thế nên ông hẳn nhiên phải ham thích quan sát quá trình tiến triển não bộ con trai. Chắc chắn là ông vô cùng hứng thú khi người mang tên ông khéo léo giải quyết đâu ra đó tất cả những tình huống khó khăn xuất hiện trong quá trình phát triển của tuổi nhi đồng. Thấy thằng bé học cách phân biệt ánh nắng với chỗ râm như thế nào chưa? Thấy nó học cách phân biệt mặt người và các đồ vật như thế nào chưa? Thấy cách nó tự vươn người đứng dậy chưa? Cách nó cố nói câu ra câu? Cách nó nói được tên của loài cây khi ta cho nó xem hình dạng lá? Quả là một thiên tài! Chẳng mấy nữa nó sẽ giải toán khó làm vui cho xem!