Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 02 - Phần 2
Thế rồi Eustace lên hai.
Trong bữa sáng hôm sinh nhật ấy, Eustace Cha tặng quà cho con trai, cậu bé bấy giờ vẫn đang ngồi trong xe nôi. Eustace Cha háo hức muốn thấy con chơi với món quà trước khi ông đi làm. Đó là một bộ lắp hình. Nhưng trò đó quá phức tạp đối với một đứa bé lên hai, và Eustace Con, thất vọng sau vài lần nỗ lực lắp ghép, chẳng mấy chốc đã thấy mất hứng thú. Theo bà Conway nhớ, chồng bà đã nổi trận lôi đình với đứa bé. “Ông ấy bắt đầu la mắng thằng bé ầm ĩ và nói những điều thật kinh khủng.” Đứa trẻ, khiếp đảm và bối rối, liền khóc thét lên, và khi bà Conway cố can, chồng bà la mắng luôn cả bà vì tội làm hư thằng bé và khuyến khích nó trở thành một đứa chưa đánh đã thua và xuẩn ngốc. Chúa ơi! Trò ghép hình này quá đơn giản! Dễ ợt! Có thứ trẻ con chậm trí nào mà không ráp nổi một bộ ghép hình đơn giản cơ chứ?
Khỏi cần phải nói, mọi chuyện chẳng tốt đẹp lên theo thời gian. Mà chỉ tệ hại hơn. Ông Conway cho rằng cậu con trai chỉ vì “cứng đầu” mà muốn trêu cho ông điên lên bằng cách cư xử ngu xuẩn và bởi thế cho nên thứ thằng bé cần là nhiều kỷ luật hơn nữa. Cho nên Eustace nhớ - và mẹ anh cùng mấy người em đều xác nhận - đó là nền giáo dưỡng giống một giai đoạn bị giam trong trại tù binh hơn là tuổi thơ thực sự. Chỉ cần Eustace Con chưa xin phép mà đã động vào cái búa trong kho của Eustace Cha thôi, cậu sẽ bị tống lên phòng và buộc phải ở yên đó hàng giờ không được cho ăn uống. Nếu Eustace Con không ăn cho hết thức ăn trong khoảng thời gian đã định, Eustace Cha sẽ bắt cậu ngồi ở bàn ăn suốt đêm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là cậu phải ngủ ngồi trên ghế. Nếu Eustace Con mải chơi mà vô tình đá bay một khóm cỏ trên bãi cỏ của cha cậu, cậu sẽ bị đánh bằng sào gỗ. Nếu Eustace Con, trong khi làm việc nhà, dám cắt cỏ ngược chiều kim đồng hồ thay vì theo chiều kim đồng hồ như bố cậu ra lệnh thì sẽ có một cảnh tanh bành kinh khủng.
Giờ đây khi nhìn lại - và thật ngạc nhiên là ông sẵn lòng làm như thế - ông Conway công nhận là có thể ông đã phạm sai lầm. Có thể ông đã hơi hà khắc với cậu bé. Nhưng ông chỉ muốn nuôi dạy được một đứa trẻ hoàn hảo, và ông tức giận là - vì ông phải chịu đựng nỗi thất vọng sâu sắc sau những thất bại khó ngờ của cậu con trai.
“Nghĩ mình có thể điều khiển được con cái là chuyện rất con người,” ông bảo tôi, “nhưng giờ tôi nhận ra đó là một nhiệm vụ bất khả. Kế hoạch tốt nhất là chẳng có kế hoạch nào cả; cứ để chúng bước đi và trở thành con người như chúng muốn. Nhưng tôi đã không nhận ra điều đó hồi tôi còn là một ông bố trẻ. Tôi đã rất sung sướng khi có một cậu con trai, và tôi nghĩ mình có thể điều khiển Eustace phát triển theo cách mà tôi mong muốn. Nhưng hóa ra nó lại có bao nhiêu vấn đề cá nhân như thế. Tôi chỉ muốn nó giống y như mình!”
“Cụ thể là thế nào ạ?” tôi hỏi.
“Tôi mong nó ít nhất cũng phải là một học sinh giỏi, giống tôi trước đây. Tôi đương nhiên nghĩ rằng con trai mình thì phải biết làm tính! Tôi thường chỉ bảo cho nó hàng giờ đồng hồ, cố dạy nó cách tính một cột tiền xu, nhưng nó không có khả năng tiếp thu. Nó ngược hẳn với đứa con mà tôi mong đợi. Tôi cố gắng dạy bảo nó theo kế hoạch, nhưng nó không theo được. Luôn là một đứa trẻ có vấn đề. Tôi chẳng tài nào hiểu nổi nó. Chúng tôi không thể hiểu nhau.”
Vào một dịp khác, tôi hỏi ông Conway, “Bác có khi nào ước sao mọi chuyện giữa bác và Eustace đã khác đi không?”
Ông trả lời ngay lập tức, như thể ông đang chờ đợi chính câu hỏi này.
“Có mối quan hệ rạn nứt như vậy với Eustace là nỗi thất vọng thật sự đối với tôi. Đó là nỗi thất vọng lớn nhất đời tôi. Và tôi không biết phải làm sao nữa. Tôi nghĩ không thể trông mong gì có được mối quan hệ tốt đẹp giữa tôi với nó.”
“Không trông mong? Không có hy vọng gì cả sao?”
“Tôi không mấy sẵn sàng đồng ý với ý kiến cho là tôi không yêu thằng bé. Có lẽ mọi người sẽ nói đúng là như thế. Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi tin rằng tôi yêu con trai mình rất mực. Tôi đã rất sung sướng khi có đứa con trai. Tôi nói với cô điều này chưa nhỉ? Tôi đã nóng lòng sốt ruột biết bao chờ nó chào đời.”
Phải nói là, Eustace cũng nhớ những cột tiền xu đó. Đêm này qua đêm khác, trên sàn nhà phòng khách, giờ nọ qua giờ kia, bố cậu gom lại rồi chia ra từng đống tiền xu và yêu cầu Eustace giải các bài toán cộng trừ nhân chia. Anh nhớ cái khoảng trống không đáng sợ mà trí não anh ẩn nấp vào những khi đó và nhớ chừng nào anh còn chưa tính đúng thì bố anh không cho phép anh đi ngủ, bắt anh thức quá nửa đêm với những cột tiền xu kinh khủng đó. Rồi nước mắt của anh và tiếng la hét của bố. Sự xúc phạm và những lời xỉa xói không ngớt.
Có gì đó vừa thái quá vừa ích kỷ trong cách ông Conway đối xử vói cậu con cả. Cứ như thể ngay từ đầu ông đã quyết định từ chối thừa nhận đứa trẻ này, đến mức hoàn toàn kỳ quặc. Khi ảnh của Eustace bắt đầu xuất hiện trong những bài báo viết về sự thành công của nhóm nhảy kiểu thổ dân, bố cậu không thèm đọc các bài đó. (“Lố bịch, quan điểm của tôi là thế,” ông nói, “nhưng không ai nghe tôi cả.”) Khi Eustace được Viện Smithsonian vinh danh với giải thành tựu thế hệ trẻ quốc gia, bố cậu không đến dự buổi lễ.
Năm nọ vào dịp Giáng sinh, Eustace Con gom hết tiền dành dụm đem mua lạc và kẹo cao su làm quà cho bố vì cậu biết bố thích lạc và kẹo cao su. Buổi sáng hôm Giáng sinh, cậu hồi hộp mang món quà tặng cho bố. Eustace Cha nhận lấy cái gói, nói “Cảm ơn” rồi bỏ qua một bên nhưng không bao giờ mở ra.
Mọi sự càng tệ hơn khi Eustace không phải một học sinh giỏi. Cậu khá ổn ở trường mẫu giáo (sổ liên lạc cho biết cậu nhảy nhót tưng bừng, biết thắt dây giày, hòa đồng với trẻ khác, vui vẻ tuân thủ nội quy, thuộc số điện thoại nhà), nhưng lên lớp hai cậu nhận toàn điểm C, chỉ tiến bộ ở mức trung bình, và giáo viên của cậu đề nghị giúp em làm bài tập về nhà nhiều hơn nữa.”
“Eustace quá thiếu cố gắng học hành,” cô giáo lớp ba viết. “Em cần ghi nhớ các phép tính cộng.”
Quả là một yêu cầu kinh khủng! Cậu bé lên bảy bị buộc phải ngồi tại bàn dưới bếp suốt bốn giờ mỗi tối cùng với bố. Ông bố thường đóng cửa ra vào và sập mành cửa sổ xuống (để cách ly cả Eustace Cha và Eustace Con khỏi những người còn lại trong gia đình) rồi thì, ở chốn tách biệt hoàn toàn ấy, ông thét lác cậu con về các bài tập số học. Gia đình cần giúp đỡ nhiều hơn? Eustace căng lên như chiếc đồng hồ chạy tám tiếng không ngừng với toàn bộ cái khái niệm trường, sợ chết khiếp bài tập về nhà, phát ốm vì hãi hùng trước cái vòng luẩn quẩn đáng sợ hằng đêm gồm nỗ lực rồi thất bại rồi bị phạt. Chuyện này không giống kiểu chuyện những đứa trẻ bị bạo hành mà ta đọc trên báo chí; chẳng phải là Eustace đang lãnh những vết thuốc lá đốt trên cánh tay. Nhưng đừng nhầm lẫn về điều đó: cậu bé vô cùng tổn thương. Cậu đau đớn tới mức nỗi khiếp sợ của cậu thể hiện thành một sự kìm kẹp thể xác khác thường; cậu bị táo bón suốt những năm tuổi thơ, sợ đến không ị được.”
“Đêm này qua đêm khác,” Eustace nhớ lại, “tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, cứ như thể bố tôi sẽ chặt gãy cẳng chân tôi. Sau đó ông sẽ chặt nốt tới tận bẹn. Rồi ông sẽ chặt tay tôi. Rồi ông sẽ bổ gươm dọc người tôi vậy.”
Trong nhà còn có ba đứa trẻ khác nữa - Walton, Martha và em bé đáng yêu Judson. Những trải nghiệm của chúng là hoàn toàn khác, điều đó cũng dễ hiểu thôi nếu ta tán thành ý kiến cho rằng về cơ bản mỗi đứa trẻ trong mỗi gia đình được nuôi nấng trong một môi trường hoàn toàn khác nhau, bởi vì các sự kiện có thể biến đổi vô cùng qua năm tháng. Khi những đứa trẻ khác nhà Conway lớn lên, chúng không bao giờ phải hứng chịu kiểu kỷ luật thép của người bố mà Eustace phải chịu đựng.
Judson, cậu con út, dường như ít phải dự phần hơn cả trong vở kịch khắc nghiệt nhất của gia đình, đúng kiểu của những đứa con út may mắn hiếm khi bị soi mói trong nhà. Bố cậu “ngang bướng và ích kỷ” nhưng Judson không bao giờ sợ ông. Cậu là một chú bé đáng yêu được bố thương chiều gọi là Bọ Nhỏ. Dù sao, đến khi Judson ra đời thì bố cậu về căn bản đã thôi chuyện giáo dưỡng những đ con hoàn hảo, để bọn chúng cho vợ ông coi sóc, và theo lời chính ông, ông đã “thoái vị xuống tầng hầm” để suy ngẫm trong lặng im phẫn uất. Thế nên Judson không bao giờ thấy phần tồi tệ nhất của màn kịch đó.
Thực sự thì tuổi thơ của Judson là một trại hè bất tận, bởi vì cậu có Eustace, người anh cả dẫn cậu vào rừng, cho cậu leo núi và dạy cậu bao điều tuyệt diệu về tự nhiên. Ngay từ khi sinh ra Judson đã là dự đồ đặc biệt của Eustace; Eustace luôn kéo cậu em ra khỏi nhà để đi vào rừng, nơi mọi thứ an toàn hơn. Eustace giúp Judson trốn khỏi tầm kiểm soát của Eustace Cha. Eustace đến giờ vẫn nhớ rõ đó là một quyết định có chủ đích. Cậu biết cứu Walton và Martha thì đã quá muộn (cậu biết hai đứa em này đã bị bố “tẩy não”), nhưng khi Judson sinh ra, vừa nhìn thấy em là Eustace đã tự nhủ, “Đứa em này sẽ là của mình. Mình sẽ cứu đời nó.” Đáp lại, Judson tôn thờ Eustace, mặc dù Judson phải thừa nhận, “Tôi chẳng bao giờ thành công được như Eustace mong đợi ở tôi. Tôi lười biếng. Ví như khi anh ấy bảo 'Dậy lột da hoẵng đi!' thì tôi lại muốn ở trong phòng ngủ chơi với mấy bức tượng nhỏ các nhân vật trong phim Chiến tranh giữa các vì sao. Nhưng tôi sẵn lòng làm bất cứ gì để được bên anh.”
Martha, cô con gái duy nhất trong gia đình, là một cô bé nghiêm túc và có trách nhiệm, nhớ mình đã có một tuổi thơ hoàn toàn khác với các bạn gái của cô - tuổi thơ đồng hành với những rắn và rùa và cáo nhỏ phải được cho ăn bằng chim còn sống, cùng những cuộc thám hiểm với Eustace (“thủ lĩnh”) trong rừng, nơi sẽ diễn ra những cuộc phiêu lưu công phu ấy. Cô nhớ những nguy hiểm mà cô và các anh em trai phải đối mặt. Tất cả những buổi chiều ấy, nô đùa cùng những con sông hung dữ, những con nhện độc và những ngôi nhà tự dựng trên cây! Giờ đã là một bà mẹ thị thành quen bảo bọc con cái nghiêm ngặt và rất trật tự, cô thậm chí không cách gì hiểu tại sao cô và các anh em trai được phép góp nhặt những trải nghiệm như thế mà không có ai giám sát. Cô nhớ sự khắc nghiệt của người cha, phải, nhưng cũng nhớ cả sự thoải mái đối lập hoàn toàn của người mẹ, và những cuộc cãi vã giữa cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái. (“Bố mẹ quyết định đi!” Martha luôn muốn hét lên với họ như thế.) Và cô nhớ về Eustace như một cậu anh luôn “tự chuốc họa” vì không học giỏi như bố mong đợi và vì “cứng đầu”.
Còn với Walton Conway, anh nhớ chẳng được bao nhiêu những chi tiết trong tuổi thơ của mình. Tất cả chỉ là “một vùng nhạt nhòa, kiểu như những vệt màu u tối”. Điều đó, cộng với cơn ác mộng triền miên suốt thời thơ ấu rằng bố anh sẽ lôi anh xuống tầng hầm, trói anh vào bàn rồi cưa hết chân tay anh. Điều đó, cộng với một đoạn đặc trưng vào lúc nửa đêm khi mà bố mẹ anh cãi và bố anh thét lên với mẹ anh rằng ông sẽ “bổ rìu ngập trái tim bà”. Điều đó, cộng với ký ức nhìn thấy bố đứng sừng sững trước anh trai lên mười là Eustace, hăm dọa “đánh anh ấy bầm máu”.
Nhưng không khủng khiếp như Eustace giờ đây vẫn kể lại, Walton nói. Bố anh đương nhiên cũng có thể có những lúc nhẹ nhàng, ví như khi lau nước mắt cho một đứa con bị trầy đầu gối. Thế còn cái đêm khủng khiếp đó thì sao, cái đêm Walton dọa bỏ nhà đi bụi và bố anh đã phá cửa phòng ngủ, bắt quả tang đứa con đang trượt người qua bậu cửa sổ để chạy trốn, và rồi xô nhào Walton ra ngoài cửa sổ? À thì không hẳn là xô nhào. Không hẳn là ông Conway chủ ý ném đứa con trai nhỏ qua cửa sổ; ông “chỉ kiểu như đẩy tôi một chút”.