Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 04 - Phần 3

Nói cách khác, anh không thể thỏa mãn với việc ngồi trong lều vải làm giày da đanh và nghe mưa rơi. Và, nói về cái lều, anh không muốn dành cả phần đời còn lại để dời nó từ mảnh đất của người này tới mảnh điền trang của người khác. Tất cả những chỗ anh từng dựng lều đều đã bị bán đi trong sự bất lực của anh và phát triển thành khu dân cư ngay trước mắt anh. Thật khủng khiếp khi chứng kiến chuyện này xảy ra. Chẳng khác gì đứng trên một dải cát mà nhìn thủy triều dâng. Nơi nào anh có thể đến mà sẽ không bị tổn hại trước sự phát triển thương mại? Và anh vẫn muốn tiếp tục giảng dạy, nhưng theo cách của riêng anh và không nhất thiết là bốn lăm phhiệu trưởng của bất kỳ trường công lập nào quy định cho anh khi anh tới viếng thăm hồi đó. Anh cần thêm thách thức, thêm quyền uy, thêm người anh có thể tiếp xúc. Anh cần thêm đất.

Nhiều năm sau, khi có ai hỏi Eustace Conway tại sao anh sống ở Đảo Rùa và dành quá nhiều sinh lực để giữ gìn hàng ngàn mẫu đất, anh sẽ đưa ra lời giải thích. Câu trả lời ấy cuối cùng đã trở thành một trong những đoạn văn hùng hồn nhất trong các bài phát biểu trước công chúng của anh.

“Có một cuốn sách tôi rất yêu thích khi còn nhỏ,” anh mở đầu, “tên là Trở về Rừng Bóng Mát. Nó viết về những con vật sống trong một khu rừng tuyệt diệu. Cuộc đời hoàn hảo, hạnh phúc và an toàn với chúng, cho đến một ngày những chiếc xe ủi xuất hiện phá tan nhà của chúng để làm đường cho con người. Chúng chẳng có chỗ nào để đi trong khi nhà đã bị phá hủy. Nhưng rồi một ngày kia bầy thú nhảy lên toa chở hàng của một con tàu đi về miền Tây. Khi đến đó, chúng tìm thấy một khu rừng mới, hệt như quê hương chúng đã mất và từ đấy tất cả bọn chúng sống hạnh phúc mãi mãi.

“Lúc nào tôi cũng có thể kể lại cuốn sách đó, bởi vì mọi nơi tôi từng sống đều đã bị phá hủy. Khi còn nhỏ xíu tôi sống ở Columbia, Nam Carolina, gần đất hoang, rừng rậm và đầm lầy. Rồi những tay chủ thầu tới cướp đi và phá hủy đất đai. Thế là gia đình tôi chuyển tới Gastonia, Bắc Carolina, ở đây chúng tôi mua một ngôi nhà nằm tiếp giáp với mảnh đất rộng hàng trăm mẫu có một dòng suối trong ngần tuyệt đẹp chảy qua. Tôi yêu khu rừng ấy. Tôi hiểu rõ về khu rừng ấy hơn từng hiểu rõ về bất kỳ nơi nào, bởi vì ngày nào tôi cũng ở trong ấy, chơi và khám phá. Tôi mê mảnh đất ấy suốt cả phần đời thơ trẻ của mình. Tôi xây các công sự, mở rộng các đường mòn, luyện tập để có thể chạy siêu tốc băng rừng và để lăn tròn khi không may bị ngã rồi bật dậy chạy tiếp. Tôi leo qua bụi cây và chuyền từ cành nọ qua cành kia, như Tarzan. Tôi biết kết cấu của các loại lá và độ ấm của đất. Tôi biết âm thanh, màu sắc và những cảm xúc của rừng.

“Thế rồi một ngày những cái cọc của người giám định đất đai bắt đầu xuất hiện khắp cả rừng. Tôi không biết mấy cái cọc ấy là để làm gì, nhưng tôi biết chúng xấu xa. Tôi biết đó là một sự xâm phạm tự nhiên, và hễ thấy những cái cọc xuất hiện ở chỗ nào là tôi lại cố nhổ đi. Nhưng khi đó tôi chỉ là đứa trẻ - làm sao tôi ngăn được chuyện ấy? Những tay chủ thầu xẻ khu rừng của tôi và từ từ xây lên khắp vùng ấy hàng trăm rồi lại hàng trăm ngôi nhà cho đến khi mảnh đất tôi yêu bị san bằng và dòng suối chỉ còn thứ nước ô nhiễm đặt tên vùng mới phát triển ấy là Rừng Gardner, nhưng đó là một sự dối trá. Chẳng còn chút rừng nào nữa. Rừng Gardner đã bị tiêu diệt. Thứ duy nhất còn lại của rừng là cái tên.

“Rồi tôi chuyển vào sống trong lều vải trên một mảnh đất của mấy người bạn nằm gần khu rừng cây lá rộng ở đồi Allen, và tôi sống ở đó cho đến khi những tay chủ thầu xóa sổ khu rừng để xây nhà. Rồi tôi gặp được một sơn nhân già ở Boone tên là Jay Miller, ông ấy cho tôi đặt lều trên mảnh đất vùng Appalachia tươi đẹp của ông. Tôi vô cùng yêu nơi ấy. Tôi sống trên sườn đồi Howard, một khu rừng còn đầy gấu, gà tây và nhân sâm. Có một con suối tự nhiên ngay ngoài lều của tôi, sáng nào tôi cũng ra đấy uống nước. Và ở đó đã thật tuyệt vời cho đến khi ông già Jay Miller quyết định chạy theo mãnh lực của đồng đô la, ông ta bán đất cho người ta khai thác gỗ. Rồi công ty gỗ đến đặt máy cưa ngay cạnh lều tôi - cái máy cưa ngày càng xích lại gần thêm khi họ hạ xuống mặt đất từng cái cây cuối cùng còn đứng ngăn giữa tôi và bọn họ. Tôi kết thúc năm cuối cao đẳng cùng thời gian đó, và tôi thực sự phải bịt nút tai để học thi, tiếng cưa thật quá sức ầm ĩ. Vào thời điểm tôi ra đi, khu rừng tôi đã từng yêu, nơi tôi đã có cuộc sống của mình và thức ăn và quần áo, chẳng còn gì ngoài một vùng rộng lớn trơ trụi gốc cây. Và con suối tuyệt đẹp nơi tôi thường uống đã trở nên bẩn thỉu tù đọng.

“Vậy tôi phải làm gì đây? Đó là khi tôi nhận ra bài học trong Trở về Rừng Bóng Mát chỉ là giả dối. Đó là một lời nói dối trơ tráo được tạo ra để trấn an trẻ con rằng luôn luôn có một khu rừng khác để dựng một ngôi nhà khác tại nơi nào đó ở miền Tây, chỉ ngay bên kia một ngọn đồi nào đó. Lời dối trá ấy bảo rằng máy ủi cứ xuất hiện cũng chẳng làm sao cả. Nhưng không phải chẳng làm sao cả, vậy nên chúng ta cần dạy bảo con người rằng đó là lời nói dối, bởi vì máy ủi sẽ cứ xuất hiện cho đến khi mọi cây cối biến mất. Chẳng có nơi nào là bình an. Thế tôi đã nhận ra điều đó khi nào? À, đó là khi tôi quyết định phải có một khu rừng của riêng mình và chiến đấu tới cùng với bất kỳ ai cố hủy diệt nó. Đó là câu trả lời duy nhất và là điều quan trọng nhất tôi có thể làm bằng đời mình trên trái đất này.”

Đã đến lúc đi tìm Đảo Rùa.

“Đất,” anh viết trong nhật ký của mình suốt những năm đầu thập niên 1980, như thể anh phải được nhắc nhở liên tục. “Tôi cần có đất. Đất! Tôi mơ về đất. Tôi muốn có đất. Tôi sẽ tận hiến cho đất.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3