Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 04 - Phần 2

Donna quấn lấy Eustace kể từ khi họ cùng nhau chinh phục xong Đường mòn Appalachia. Mùa hè sau đó, hai người đã cùng nhau đi bộ qua những công viên quốc gia ở miền Tây, lại với tốc độ kinh hoàng (anh dẫn trước; cô cố theo sau), và sau ngần ấy thời gian bên nhau trong rừng hoang, cô nhận ra cô vô cùng khao khát được kết hôn với chàng trai này. Cô thẳng thắn với anh về điều đó. Cô nói thẳng ra rằng “chúng ta có một mối ràng buộc, chúng ta là tri kỷ, chúng ta là bạn đồng hành. Đây là mối quan hệ chỉ-có-một-lần-trong-đời.” Nhưng Eustace cảm thấy anh còn quá trẻ chưa thể tính chuyện hôn nhân. Có lẽ chỉ đứng sau khả năng chuyển về sống với bố, hôn nhân là thứ Eustace không hề nghĩ đến hồi anh hai mươi tuổi. Toàn bộ hành trình đi học và chu du và sống trong lều vải này với Eustace là hoàn toàn đối lập với hôn nhân; nó là tìm kiếm sự tự do tuyệt đối.

Tuy nhiên, anh yêu Donna và coi trọng sự đồng hành của cô, nên anh để cô ở bên mình. Cô tới sống trong lều vải cùng anh trong một khoảng thời gian khi anh học cao đẳng và cô đón nhận những sở thích của anh như của chính mình. Cô học cách khâu đồ bằng da hoẵng, tiếp tục nghiên cứu văn hóa thổ dân Mỹ, và bắt cùng anh tới các buổi tế lễ của thổ dân, gặp gỡ bạn bè anh và đóng vai nữ chủ nhân lều vải.

Donna Henry dần trở thành Donna Reed[2]. Và cô cảm thấy cô đơn, bối rối về điều này. Sự thật là, cô không được gặp Eustace nhiều lắm. Anh đang bắt đầu dành hết nỗ lực cho một chuyên đề gồm hai môn nhân học và Anh văn, còn khi không đi học thì anh cũng bận trở thành nhà hoạt động xã hội và nhà giáo, anh ngày càng cảm thấy mình sinh ra với trọng trách đóng những vai trò đó. Eustace Conway, trong những năm đầu tuổi hai mươi, là Người Mang Sứ Mệnh Tập Sự, điều đó khiến anh không dư dôi nhiều thời gian cho bạn gái. Anh đã khởi hành chu du khắp miền Nam, giảng dạy trong các trường công lập, phát triển cái mà sau này anh gọi là “màn trình diễn cầu kỳ” - một chương trình tương tác, thực nghiệm về giáo dục và nhận thức về tự nhiên. Anh rất xuất sắc trong việc này. Anh có thể khiến một hội nghị toàn những doanh nhân mệt mỏi rã rời phải đứng dậy nhiệt liệt hoan hô. Còn bọn trẻ? Bọn trẻ yêu mến Eustace như thể anh là ông già Noel của núi rừng: “Anh Conway, anh quả là người hết sức dễ thương... Cảm ơn anh đã đến dự Ngày Di sản... Em rất thích tìm hiểu về thổ dân da đỏ. Em đặc biệt thích nghe về cách họ sống và thứ họ ăn… Thật thú vị khi thấy anh có thể khâu quần áo... Khi lớn lên em sẽ cố được như anh... Em nghĩ chỉ trong một ngày anh đã dạy em nhiều hơn những gì em học được ở trường tám năm qua.”

[2] Donna Reed (1921-1986): nữ diễn viên Mỹ từng đoạt giải Oscar. Bà đã giành giải Quả cầu vàng với vai diễn trong The Donna Reed Show, vào vai một người nội trợ luôn phải nỗ lực thoát ra khỏi sự vô vị, tìm kiếm công việc có ý nghĩa.

Eustace còn mải mê nỗ lực thống nhất các chi tiết triết lý sống cá nhân của mình thành một mối. Anh biết rằng định mệnh của mình là trở thành người thầy, nhưng chính xác thì anh cần dạy thế giới điều gì? Anh muốn cảnh báo mọi người về nhịp điệu buồn tẻ mà đời sống tiêu thụ đem lại cho trái đất. Dạy mọi người cách đạt được tự do từ cái mà ông ngoại anh từng gọi là “ảnh hưởng của thành thị gây hạn chế tầm nhìn và làm nhu nhược con người.” Rèn luyện họ tập trung chú ý vào những lựa chọn của bản thân. (“Tự giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế đều là những ý tưởng hay,” anh thường giảng, “nhưng ba khái niệm đó chỉ nên là giải pháp sau cùng. Cái bạn thật sự cần tập trung vào là hai từ khác cũng bắt đầu với chữ cái T - Tái xem xét từ chối. Thậm chí trước cả khi bạn kiếm được một món hàng dùng một lần, hãy tự hỏi mình tại sao bạn lại cần thứ sản phẩm tiêu dùng này. Và rồi gạt bỏ nó đi. Từ chối nó. Bạn có thể.”) Ý tưởng chung quy lại là con người cần phải thay đổi. Họ phải trở lại sống trực diện tự nhiên, nhược bằng thế giới sẽ kết thúc. Eustace Conway tin rằng anh có thể chỉ cách cho họ.

Thế là trong những năm học cao đẳng anh cũng dành thời gian cặm cụi viết bản thảo một cuốn sách - một cuốn sách hướng dẫn, vì tôi không tìm thấy cách diễn đạt nào tốt hơn - tên là Đi giữa cái đẹp: sống giữa thiên nhiên. Nó là một kế hoạch hành động chi tiết cho người Mỹ để chuyển đổi từ nền văn hóa hiện đại nghèo nàn sang cuộc sống tự nhiên phong phú hơn, nơi họ và con cái có thể phồn thịnh, thoát khỏi “khói bụi, đồ nhựa và tiếng ồn ào vô nghĩa không ngớt làm loạn óc, tăng huyết áp, gây ra ung nhọt và tạo điều kiện cho bệnh tim”. Anh hiểu một chuyến đi vào rừng không được chuẩn bị đầy đủ sẽ làm khiếp sợ hầu hết người Mỹ, nhưng anh cảm thấy chắc chắn rằng, nếu anh viết được một cuốn sách hướng dẫn tỉ mỉ, anh có thể giúp ngay cả những gia đình sống trong nhung lụa nhất trở về với rừng một cách thoải mái và an toàn. Đi giữa cái đẹp có giọng điệu tuyệt diệu của chủ nghĩa lạc quan bạn-có-thể-làm-được. Mỗi từ đều cho thấy Eustace tự tin đến thế nào, ở cái tuổi hai mươi mốt, không chỉ tự tin mình có những câu trả lời, mà còn tự tin mình sẽ được người ta chăm chú lắng nghe.

Cuốn sách được sắp xếp thành các chủ đề đâu ra đó như Nhiệt, Ánh sáng, Sảng khoái, Giường chiếu (“Hiểu được các nguyên lý của cuộc sống một mình là điểm khởi đầu tốt”), Sạch sẽ, Quần áo, Công cụ, Nấu nướng, Trẻ em, Nước, Động vật, Cộng đồng, Lửa, Cô đơn, Tìm thức ăn, Tâm linh và Thế giới quan. Văn phong của anh sáng sủa và đầy uy lực. Thông điệp xuyên suốt của anh là càng thông hiểu thiên nhiên hoang dã thì con người càng “sống giản tiện” hơn và do đó cuộc đời có thể càng thoải mái hơn. Không lý gì ta bị tổn hại trong rừng thẳm một khi ta biết rõ mình đang làm gì, anh thuyết phục độc giả.

“Khốn khổ trong rừng hoang thì chẳng vui vẻ gì cả! Đi giữa cái đẹp có nghĩa là hòa mình với khung cảnh thiên nhiên, làm nên khoảng thời gian hạnh phúc, mãn nguyện, đáng nhớ. Không phải đáng nhớ theo kiểu làm cháy giày trong đống lửa và bị bệnh lỵ do uống nước bẩn! Mà đáng nhớ theo nghĩa làm cho thiên nhiên êm ả và khiến nó trở nên dễ thương, tốt đẹp, thanh bình, hữu ích và thoải mái - cái cảm giác một ngôi nhà nên mang lại.”

Hãy từ tốn,trấn an chúng ta. Thực hiện từng bước một. “Sử dụng sân sau nhà bạn làm nơi phát triển các kỹ năng cơ bản.” Khi học cách làm chỗ ngủ ấm áp bằng vật liệu tự nhiên, “trước tiên hãy cố ngủ ngoài trời lạnh ở hiên sau nhà bạn, nơi bạn có thể rút vào phòng ngủ nếu cần và nghĩ xem chuyện gì không hay sẽ xảy ra nếu bạn buộc phải ngủ ngoài trời.” Chuẩn bị tinh thần để bắt đầu tìm kiếm thức ăn và nấu trên bếp lửa ngoài trời rồi chứ? Thử làm việc đó trong công viên địa phương trước đã rồi hẵng chuyển tới thực hiện tại một vùng xa xôi hẻo lánh ở Úc. “Bạn luôn có thể gọi bánh pizza nếu bạn lỡ làm khét khê bữa tối. Hoặc bạn có thể bắt đầu lại và làm đúng vào lần thứ hai hoặc thứ ba, mỗi lần một đạt hơn.” Quan trọng hơn cả, dù chi tiết có vẻ nhỏ nhặt ra sao, “Phải chú ý! Tôi phải mất tới ba năm rưỡi ở trong rừng mới nhận ra sự khác biệt to lớn khi ta có một cái bóng đèn dầu thật sự sạch tinh. Chẳng phải là trước đó tôi chưa từng lau bóng đèn dầu, chỉ là tôi chưa làm việc ấy đúng mức. Nhưng giờ khi giữ nó sạch tinh, tôi có thể thấy rõ hơn nhiều trong đêm.”

Eustace hứa hẹn rằng tất cả những gì bạn cần là thực hành, kiến thức thông thường, và chút nhiệt huyết vốn có của người Mỹ luôn sẵn sàng thử cái gì đó mới. Chuyên tâm vào nó, tin tưởng ở bản thân, rồi thì bạn và gia đình sẽ sớm được sống trong một “ngôi nhà ẩn náu giữa rừng thanh bình tuyệt diệu [như]” nhà của Eustace Conway.

Phần khó khăn nhất là việc học hành trường lớp cùng các hoạt động và chuyện viết lách tất tật kết hợp lại khiến cho chàng sơn nhân hoang dã bậc nhất này rất hay phải xa rừng. Ngồi trong một cái lều vải thì ta chỉ có thể làm được bấy nhiêu thôi. Nếu muốn dốc lòng thay đổi thế giới, ta phải dấn thân ra giữa lòng thế giới. Ta không được để cho bất kỳ cơ hội vận động nào trôi qua. Eustace nhìn thấy cơ hội vận động khắp mọi nơi, gần như đến độ làm sao nhãng. Anh viết trong nhật ký một quan sát đầy hạnh phúc vào một ngày tháng Giêng: “Sáng nay tôi rất vui khi trông thấy ngôi sao mai qua làn khói tỏa.” Nhưng anh vội thêm vào, “Tôi đang bắt tay thử viết một bài báo về cuộc sống trong lều vải cho một cuốn tạp chí.”

Anh đang gom góp nhiều trách nhiệm và cuộc hẹn đến độ anh thường xuyên đi xa khỏi ngôi nhà ẩn náu trong rừng mỗi bận nhiều ngày. Điều đó có nghĩa là bỏ lại người bạn gái và cũng là bạn đồng hành cũ Donna Henry trong lều vải hoàn toàn một mình gần như cả ngày, ngày nối ngày. Cô mới là người ngồi đó quan sát thiên nhiên trong khi chàng trai của cô đang bận dạy hoặc nghiên cứu hoặc nhảy múa tại một cuộc tế lễ nào đó hoặc được những người hâm mộ bao quanh, và cô đang cảm thấy càng ngày càng mất đi sự bình an tuyệt diệu trong tất cả. Donna (người mà ngày nay thừa nhận cô chỉ biết trách mình vì đã không xây dựng một cuộc sống độc lập với người đàn ông mà cô tôn thờ) chẳng biết làm gì cho hết thời gian ngoài cố năn nỉ Eustace và trông nom cái lều vải khi anh đi vắng.

Và thỉnh thoảng khi gặp Donna, Eustace có thể rất gay gắt với cô. Tính cầu toàn khiến anh chẳng nhịn được. Anh có thể nổi đóa vì cô không hoàn thành hết công việc hoặc không biết làm bánh kếp cho đúng trên lửa hoặc không giữ bóng đèn dầu đủ sạch. Và anh quá bận rộn với các nghĩa vụ của mình nên không thể thường xuyên chỉ cho cô cách làm đúng mọi việc. Cô nên tự mình học lấy tất cả những thứ này. Cô nên biết chủ động!

Nhiều tháng trôi qua, Donna ngày càng cảm thấy cô luôn làm sai việc gì đó và những nỗ lực hết mình của cô sẽ không bao giờ đủ để làm vừa lòng con người này. Ngày nào cô cũng nơm nớp không biết sắp tới anh sẽ chỉ trích mình về việc gì. Và rồi, một chiều tháng Giêng lạnh lẽo cuối cùng cô không chịu đựng thêm được nữa. Hôm đó Eustace vào lều với mấy con sóc chết anh vừa tìm thấy ven đường. Anh quẳng chúng giữa đất và nói, “Làm xúp bằng mấy con này cho bữa tối nhé.” Rồi anh đi luôn vì đã muộn cho cuộc hẹn sắp tới.

“Giờ đây nhớ lại,” ngày nay Donna nói, nghĩ về câu chuyện ấy. “Cuộc sống này là mơ ước của anh ấy, tôi đang theo đuôi anh ấy và sống trong lều vải bởi vì tôi yêu anh ấy. Nhưng tôi không biết làm món xúp sóc. Nghe này, tôi là dân Pittsburgh phải không nào? Anh chỉ dặn tôi là giữ đầu sóc lại để không lãng phí tí thịt nào. Thế là tôi cố lóc thịt khỏi xương, đâu biết là cần phải luộc cả con vật để thịt rã khỏi xương. Tất nhiên, cầm dao thì khó lòng lóc được chút thịt nào. Nhưng tôi đã cố hết sức, để đầu lại trong món xúp và rồi chôn xương trong rừng phía sau lều vải. Khi Eustace về nhà và nhìn vào nồi xúp với những cái đầu sóc trôi lềnh bềnh, anh hỏi, ‘Phần thịt đâu cả rồi? Và phần xương còn lại ở đâu?’ Tôi kể lại anh nghe việc tôi đã làm, thế là anh nổi giận đùng đùng với tôi. Điên cuồng tới mức anh bắt tôi đi ra ngoài đó, giữa tháng Giêng, giữa đêm khuya, đào mấy cái xương sóc chết tiệt đó lên đưa cho anh để anh chứng minh tôi đã lãng phí bao nhiêu thịt. Rồi anh bắt tôi rửa sạch sẽ chỗ xương và nấu lên. Bốn ngày sau, tôi rời bỏ anh.”

Tròn sáu năm sau Donna và Eustace mới nói chuyện lại. Donna vùi mình vào nghiên cứu văn hóa thổ dân Mỹ. Cô chuyển tới sống ở một vùng đất dành riêng cho người da đỏ và kết hôn với một người Lakota Sioux, chủ yếu vì cô nghĩ anh ta sẽ là người thay thế Eustace. Nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Vì thương con là Tony, cô vực bản thân dậy và bắt đầu cuộc sống độc thân. Cuối cùng cô lại kết hôn - lần này với một người tốt - khởi nghiệp một công ty xuất bản thành công và có thêm một đứa con.

Nhưng hai mươi năm sau, Donna vẫn yêu Eustace. Cô nghĩ trong một chừng mực nào đó họ sinh ra là để dành cho nhau, và anh thật ngốc vì đã không cưới cô. Bất kể “mối quan hệ tình cảm vô cùng quan trọng” cô chia sẻ với người chồng thứ hai (người đã hào hiệp chấp nhận cho vợ mình giữ gìn tình cảm bền chặt với người yêu cũ như một phần của Donna Henry) và bất kể nỗi lo sợ của cô rằng Eustace “không biết cách yêu, chỉ biết ra lệnh” cô tin cô được sinh ra trên trái đất này là để trở thành “người đồng hành xuất sắc nhất” của Eustace Conway. Và có thể chuyện của họ vẫn chưa kết thúc. Một ngày nào đó, cô nghĩ, cô có thể lại sống trên núi cùng anh. Trong lúc này, năm nào cô cũng gửi con trai tới trại hè của Eustace tại Đảo Rùa để học trở thành một người đàn ông.

“Eustace Conway là anh hùng trong mắt con trai tôi,” cô nói. “Tôi không biết liệu Eustace có khi nào có con không, nhưng nếu anh có những đứa con trong trái tim mình, Tony của tôi là một trong số đó.”

Còn với Eustace, anh có những hồi ức đẹp nhất về Donna, “vận động viên điền kinh thiên bẩm xuất sắc nhất mà tôi từng gặp - một người đồng hành vô cùng sung sức và giàu ý chí.” Cô ấy rất tuyệt vời, anh nói, và có lẽ sẽ trở thành người vợ tuyệt vời, nhưng khi ấy anh còn quá trẻ cho hôn nhân. Khi tôi hỏi liệu anh có nhớ vụ xương-sóc trứ danh không, (câu hỏi chính xác của tôi là, “Làm ơn nói với tôi thật ra anh không làm thế đi, Eustace!”), anh liền thở dài mà nói đó chuyện không những đúng là như vậy mà chính xác ra thì còn là kiểu chuyện lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời anh “hết lần này tới lần khác, với nhiều người khác nhau”. Giọng anh có vẻ vô cùng hối hận về điều đó, về những kỳ vọng cao chất ngất của anh về mọi người và về chuyện bản tính không khoan nhượng của anh đôi khi khiến cho người vốn dĩ tốt tự thấy mình không tốt ra sao. Rồi chúng tôi đổi chủ đề và kết thúc buổi chuyện trò.

Nhưng khi tôi về nhà tối hôm đó, tôi thấy lời nhắn của Eustace trong máy trả lời. Anh đang suy ngẫm về vụ xương-sóc và “không muốn nghĩ” là tôi không hiểu sự tình. Giờ đây anh vẫn nhớ chuyện ấy. Anh nhớ lý do anh buộc Donna phải đào xương sóc lên giữa đêm khuya là bởi đó là cơ hội tuyệt vời để anh dạy cho cô đầy đủ hơn về chuyện xử lý một bộ xương sóc thì phải làm sao cho

“Mà tại sao lại lãng phí chỗ thịt ngon tuyệt hảo chứ?” anh tiếp tục. “Và chuyện khi đó đang tháng Giêng thực ra lại là cái lợi cho chúng tôi, bởi vì nhiệt độ rất thấp. Điều đó có nghĩa là thịt sẽ được bảo quản tuyệt vời trong đất lạnh. Ngược lại, nếu khi đó đang giữa mùa hè thì có thể tôi cho qua rồi, bởi vì chắc chỗ thịt đã thối rữa dưới ánh nắng và bị giòi bọ bu đầy. Tôi hẳn đã cân nhắc về mọi lẽ và nhận ra thịt vẫn còn tốt và đây là cơ hội giảng dạy tốt thế nên tôi hẳn đã quyết định sẽ là rất hoang phí nếu cứ thế vứt chỗ thịt đi, hiểu chứ? Thế nên khi tôi yêu cầu cô ấy lấy lại chỗ xương, chỉ là tôi đang hành động hợp lý.”

Cuối cùng Eustace nói anh hy vọng kể ra như vậy thì giờ tôi hiểu rõ chuyện hơn, đoạn anh chúc tôi có một buổi tối vui vẻ rồi gác máy.

“Sơn Nhân thời hiện đại này đang cố chứng minh điều gì vậy?” một trong số rất nhiều nhà báo đến thăm đã hỏi khi tới thăm Eustace Conway tại lều vải trong những năm học cao đẳng ấy. Rồi anh ta trích một câu trả lời của Eustace: “Không gì cả. Hầu hết mọi người đều thích sống trong nhà xem ti vi rồi đi xem phim. Tôi thích sống trong lều của tôi và ngắm nhìn mưa hay tuyết rơi và lắng nghe ngôn ngữ của thiên nhiên. Nếu họ cảm thấy tiền bạc và chủ nghĩa vật chất là những phẩm chất chính của cuộc sống, làm sao tôi có thể phán xét họ được? Tất cả những gì tôi đòi hỏi lại là sự coi trọng tương đương dành cho cuộc đời tôi.”

Nhưng mọi chuyện không đơn giản thế. Eustace đang đòi hỏi nhiều hơn rất nhiều chứ không chỉ mỗi quyền không bị xâm phạm, được yên ổn một mình sống tách biệt khỏi con mắt phán xét của xã hội. Được để yên có thể là khá dễ - không trò chuyện cùng bất kỳ ai, không đi ra ngoài với công chúng, không mời cánh nhà báo vào nhà, không nói với thế gian tiếng mưa rơi lặng lẽ ra sao, và không viết những bài báo chỉ bảo cho mọi người cách thay đổi cuộc sống của họ. Nếu bạn muốn được yên thân, hãy vào rừng và ngồi ở đó, tĩnh tại và lặng lẽ. Như thế được gọi là trở thành một ẩn sĩ, và chừng nào bạn chưa bắt đầu gửi đi những lá bom thư, đây là một phương tiện cực kỳ hữu hiệu để tránh được mọi chú ý. Nếu đó thực sự là điều bạn muốn.

Nhưng đó không phải điều Eustace muốn. Điều anh muốn thì ngược lại những gì anh nói với tay phóng viên ấy: anh muốn mọi người đánh giá anh, bởi vì anh tin anh biết một lối sống tốt hơn cho tất cả người Mỹ, lối sống mà mọi người nên xem xét hết sức cẩn trọng ngõ hầu hiểu được chân lý trong mộng tưởng của anh. Anh muốn những ai xem ti vi và phim ảnh thấy anh sống như thế nào, đặt những câu hỏi về cuộc đời anh, chứng kiến anh mạnh khỏe và mãn nguyện ra sao, nghiền ngẫm thật nghiêm túc các ý tưởng của anh và thử thực hiện chúng. Anh muốn đến được với họ - tất cả họ.

Bởi vì đó là điều Người Mang Sứ Mệnh làm, và Eustace Conway vẫn luôn lưu tâm đến danh hiệu Người Mang Sứ Mệnh đó. Mẹ anh cũng vậy. Khi anh tốt nghiệp trường cao đẳng năm 1984, được vinh danh, bà Conway viết thư chúc mừng thành công của con và nhắc nhủ anh rằng áp lực hãy còn nguyên đó.

“Con vừa tới được một mốc quan trọng mới trong hành trình của mình - một cột mốc thành tựu phi thường từ quá trình lao động lâu dài và chăm chỉ,” bà viết. “Là người hiểu rõ nhất và đánh giá đúng đắn nhất về những hoàn cảnh con đã phải vượt qua để đạt được tấm bằng đại học với hai môn nghiên cứu chính, mẹ hoan hô và chúc mừng con với niềm tự hào và nể phục vô cùng! Nhưng hãy nhớ, học vấn phải là một quá trình không ngừng không nghỉ cho tới khi con lìa đời. Con vừa mới hoàn thành một chặng xây dựng nền móng vĩ đại - hy vọng con cũng tìm kiếm được cả sự hiền minh, thứ còn vĩ đại hơn tri thức. Mẹ cầu Chúa dẫn dắt, bảo vệ và ban phước lành cho con khi con tiếp tục hành trình trên trái đất tươi đẹp này. Người mẹ đầy tự hào và tận tâm của con.”

Thật ra Eustace không cần được nhắc nhở. Bản thân anh cũng đã nôn nóng lắm rồi. “Tôi muốn làm một điều gì đó vĩ đại, để cảm thấy tôi đã làm được, tôi đã tới nơi,” anh viết trong nhật ký.

Và anh càng trở nên bực bội trước những điều anh thấy. Một đêm nọ, có một vụ việc đặc biệt đáng buồn xảy ra: một nhóm dân quê địa phương đi xuống lều của anh mà hỏi liệu bọn họ có thể mượn của anh mấy viên đạn 5,56 li để kết liễu một con gấu mèo lớn mà họ dồn cho trèo lên cây ở trên rặng đồi sau chỗ Eustace đang sống. Có vẻ như bọn họ đã ra ngoài đi uống rồi đi săn và bù khú. Nhưng họ là những tay thợ săn cực kỳ kém cỏi, họ thừa nhận với Eustace, thế nên họ bắn con gấu hơn hai mươi phát mà chẳng giết được nó và buộc nó rơi xuống khỏi cây. Chắc chắn là con vật chết tiệt cứng đầu đã bị thương trên đó. Eustace có thể cho họ ít đạn để giúp họ kết liễu con vật khốn kiếp đó một lần cho xong

Eustace ghét mọi thứ trong cái cảnh này - tiếng chó sủa nhặng xị, tiếng súng ầm ĩ (“Nghe cứ như chiến tranh nổ ra ngoài đó,” sau này anh than thở trong nhật ký), sự vụng về của mấy gã đàn ông và sự coi thường của bọn họ đối với linh hồn con vật. Làm sao họ có thể bắn liên hồi một sinh vật còn sống như thể đó là cái bia nhựa trong trò chơi dịp lễ hội và rồi để nó phải chịu đau đớn trong khi họ luẩn quẩn loanh quanh suốt một tiếng đồng hồ để tìm thêm đạn? Và kiểu người ngu ngốc cẩu thả tùy tiện nào có thể bắn trượt tới hai chục lần? Vả chăng, tại sao anh phải đối phó với một bọn người đần độn xâm phạm sự riêng tư của anh lúc nửa đêm, khi anh đang cố sống lánh xa xã hội loài người?

Không nói gì về tất cả những mối phiền hà này, Eustace trở dậy, mặc quần áo. Anh chẳng có viên đạn 5,56 li nào, nhưng anh lấy khẩu súng trường nhồi thuốc súng và theo đám đàn ông cùng lũ chó đi trên con đường rừng sáng trăng tới chỗ cái cây. Chỉ một phát với khẩu súng cổ, anh đã kết liễu con gấu gọn ghẽ.

“Mãi đến khi lột da con gấu,” anh viết, “tôi mới nhận ra rằng vết đạn của tôi là cái lỗ duy nhất trên da nó.”

Đám người ngu ngốc đó thậm chí còn không bắn sượt qua con vật lần nào. Không một lần nào trong hai mươi phát bắn. Nhưng đám dân quê chẳng bận tâm. Tất cả những gì bọn họ muốn là bộ lông, thứ mà Eustace lột rồi đưa cho họ để họ có thể đem bán. Anh suýt khóc khi lột da con vật, và anh giữ chỗ thịt lại để ăn sau, nghiêng mình cảm tạ con gấu vì đã hiến dâng cuộc đời nó. Đám dân quê ấy không mảy may định ăn thứ thịt gấu kinh khủng đó.

Toàn bộ sự việc khiến anh đau khổ. Coi thường tự nhiên. Sự tham lam. Sự ngu ngốc. Sự phí phạm. Sự coi thường linh hồn của sinh vật khác, sự thiếu tôn trọng những quy luật của tự nhiên - tất cả làm Eustace phát ốm, bởi sứ mệnh trên trái đất của anh là bảo vệ những ý niệm cổ xưa về tính thiêng liêng vốn có của sự sống. Nhưng ta bắt đầu từ đâu được với những kẻ ít kinh nghiệm và thờ ơ đến như vậy? Những kẻ đem động vật ra làm trò tập bắn khi say rồi thậm chí không thèm lấy thịt nó?

“Trời đất ơi,” anh viết vào nhật ký. “Tôi phải làm gì đây? Họ chắc chắn sẽ cho tôi là một kiểu Adams Gấu[3] đồng bóng mê muội thiên nhiên nếu tôi cố giải thích cho họ

[3] James Adams “Gấu” (1812-1860): một sơn nhân nổi tiếng với tài huấn luyện gấu xám Bắc Mỹ.

Và đó là một điều nữa khiến Eustace buồn bực. Anh đang trở nên cảm thấy có phần chán nản vì bị xem như một kẻ lập dị, một dạng Adams Gấu đồng bóng mê muội thiên nhiên, khi mà anh còn có rất nhiều điều nữa để dâng tặng thế gian. Anh ngày càng đăm chiêu nghĩ ngợi hơn, và anh không còn cảm thấy mãn nguyện khi tự khâu quần áo cho mình hay khi đi săn bằng ống xì đồng. Anh đã sẵn sàng cho một điều gì đó lớn lao, một điều gì đó táo bạo hơn.

“Tôi cần một cái gì đó mới mẻ, tươi rói, sống động, náo nức,” anh viết trong nhật ký. “Tôi cần cuộc đời, sự thân mật, răng và móng vuốt. Sống động, chân thực, sức mạnh, nỗ lực. Có nhiều việc chân thực, làm ta thỏa nguyện và mãn ý để làm hơn là ngồi nói chuyện với một đám dân quê trì độn về cùng những thứ cũ rích ấy hết năm này qua năm khác. Tôi không muốn nói về chuyện làm việc này việc nọ, tôi muốn làm việc này việc nọ, và tôi muốn biết những thực tế, muốn biết những giới hạn của đời sống thông qua thước đo là những thực tế ấy! Tôi không muốn cuộc đời tôi vô nghĩa, không tạo nên được sự thay đổi nào. Mọi người vẫn nói với tôi suốt rằng tôi đang làm được rất nhiều, nhưng tôi cảm thấy mình thậm chí còn chưa bắt đầu. Chưa hề, tôi chưa hề! Mà cuộc đời thì quá ngắn, tôi có thể chết ngày mai. Mộng tưởng, chú tâm, trung tâm... gì chứ? Làm sao làm được? Phải làm gì? Có thể được chăng? Tôi phải đi đâu? Trốn chạy không phải là câu trả lời. Chỉ có một con đường duy nhất - sứ mệnh, sứ mệnh. Tin vào sứ mệnh.”