Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 05 - Phần 2

Đúng thế đấy, thưa ngài cảnh sát, thật khó mà tìm được bất kỳ dấu hiệu nào của sự có tổ chức trong hầu hết các xã hội không tưởng thập niên 1960 này. Giờ đây người ta rất dễ nghĩ về chúng chẳng gì hơn là một hiệu ứng phụ vô dụng của phong trào thanh niên quá khích vốn thực tình chỉ đi tìm kiếm những cách thức sáng tạo và mới mẻ để trốn tránh trách nhiệm trưởng thành. Mặc dù vậy, khi xem xét kỹ càng hơn, phải nói rằng không phải mọi công xã của người Mỹ trong thập niên 1960 đều là cuộc vui trá hình của những kẻ bạt mạng. Một số công xã được thành lập dựa trên những nguyên tắc tôn giáo nghiêm chỉnh; một số có những chương trình nghị sự chính trị sôi nổi; một số may mắn có được những thành viên nỗ lực tận tình và chỉn chu cố sống một cuộc sống tốt đẹp và giản dị. Và một số công xã hippy thực sự đã hình thành đủ kỹ năng quản lý để có thể kéo sự tồn tại của họ dài hơi.

Cộng đồng có cái tên đơn giản Trang trại đã cùng nhau hoạt động hiệu quả ở Tennessee từ 1971, sau một số điều chỉnh quan trọng trong chính sách mà lúc ban đầu chủ trương tình trạng vô tổ chức toàn diện. Qua nhiều năm, các luật lệ và hạn chế mang tính truyền thống đã được đưa ra, và những ý tưởng thực tế hơn về việc duy trì các quyền cá nhân trong khuôn khổ rộng hơn của lối sống cộng đồng xã hội không tưởng đã giữ cho các thành viên sống lành mạnh và tương đối tránh được khổ đau cùng oán giận. Cũng như với bất kỳ cuộc thử nghiệm công xã nào tồn tại lâu hơn một năm, Trang trại phải đánh đổi nhiều phần chủ nghĩa lãng mạn lúc đầu để lấy một nguyên tắc tổ chức thực tế hơn. Tuy nhiên, các dự án xã hội lâu dài và thành công của Trang trại (nhiều chương trình giáo dục môi trường; một hãng luật công) vẫn phản ánh giấc mơ lý tưởng chủ nghĩa lúc ban đầu của các nhà sáng lập.

Thực vậy, ý thức về chủ nghĩa lý tưởng phát triển mạnh đó dường như cũng là một nhân tố gìn giữ công xã tồn tại lâu bền qua năm tháng quan trọng không kém gì thực hiện công việc kế toán tốt và các chính sách nghiêm ngặt đối với khách tham quan - y như trong một cuộc hôn nhân êm ấm, đôi vợ chồng sẽ chịu đựng những th thách qua nhiều thập kỷ dễ dàng hơn nếu một ngọn lửa khởi nguồn câu chuyện tình thời trẻ của họ còn âm ỉ cháy. Như một thành viên lâu năm của Trang trại giải thích, “Chúng tôi đã kề vai sát cánh trải qua nhiều thời khắc khó khăn. Đương nhiên là có tình cảm tha thiết mong được thấy nó thành công.”

Trên luận điểm này, hãy xem xét Trang trại Lợn nổi tiếng ở Califonia. Trang trại Lợn vẫn thịnh vượng khoảng hai mươi lăm năm sau khi thành lập, sự lâu bền này có được chủ yếu là nhờ vai trò dẫn dắt đầy thu phục của người thủ lĩnh hippy nhìn xa trông rộng vĩ đại, Hugh Romney, còn được biết đến với cái tên Wavy Gravy (tự hào là nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Mỹ duy nhất từ trước tới nay có một vị kem của hãng Ben & Jerry vinh danh tên mình). Suốt nhiều năm, Wavy Gravy cương quyết từ chối thỏa hiệp những giá trị cải cách và tự-do-cho-tất-cả-mọi-người (free-for-all) trong thập niên 1960 của mình, và xã hội không tưởng trong mơ của ông phát triển thịnh vượng như một tượng đài vinh danh sức mạnh của chủ nghĩa lý tưởng thuần túy. Trại hè của Trang trại Lợn (Trại Winnarainbow) là một tổ chức phát triển ở California, cũng như nhánh hoạt động từ thiện của công xã, nhánh này có nhiều thành tựu trong đấu tranh chống bệnh mù lòa ở các nước thế giới thứ ba trong nhiều năm.

Tất cả những người sống trong Trang trại Lợn ngày nay vẫn tin theo cả người lãnh đạo lôi cuốn lẫn chương trình nghị sự nghiêm túc của họ một cách kiên định và với tâm trạng vui vẻ. Thành công lâu dài của họ thách thức những người khăng khăng cho rằng tuân theo các chuẩn mực xã hội là con đường tồn tại duy nhất trong nước Mỹ hiện đại. Với tất cả những nhượng bộ và thất vọng mà có thể họ đã phải trải qua suốt mấy thập kỷ, các trại viên của Trang trại Lợn vẫn hạnh phúc vai kề vai chiến đấu, khăng khăng giữ nguyên ý niệm ngông cuồng khởi thủy tự xem mình là “một đại gia đình, một ảo giác di động, một đội quân những anh hề.”

Eustace Conway sinh vào đầu thập niên 1960. Anh trải qua tuổi thành niên đúng vào giữa cuộc cách mạng phản văn hóa trọng đại này, song những giá trị tự do phóng khoáng của thời đại này dường như ảnh hưởng rất ít tới tư tưởng của anh. Những kiểu người lập dị ngày nay tích cực ủng hộ Eustace vì họ nghĩ anh giống bọn họ. Thực sự thì thoạt nhìn anh có vẻ là một kẻ lập dị, nào tóc dài nào râu quai nón bờm xờm, nào hệ giá trị đạo đức trở về với tự nhiên, và cả tấm dán vui mắt trên xe tải của anh có ghi “Bạn bè thuộc mọi màu da”. Tuy nhiên, Eustace thực ra khá thủ cựu. Anh ghét cay ma túy và bọn nghiện ngập, không kiên nhẫn nổi với sông thả tình dục, và đôi khi bị than phiền là thích kỷ luật hơn tự do. Ví dụ, nếu muốn lấy khẩu súng khỏi tay anh, có lẽ ta sẽ thấy mình đang cạy nó ra khỏi những ngón tay lạnh giá tê cóng của anh. Thế nên, không phải, Eustace Conway của chúng ta không hẳn là một ảo giác di động hay một tên lính bộ binh say thuốc từ một đội quân những anh hề nào đó.

Nhưng điều Eustace thực sự chia sẻ với những nhà mộng ảo xã hội không tưởng kiểu hippy của thập niên 1960 (cũng như với bậc tiền bối theo đuổi xã hội không tưởng lãng mạn của thập niên 1860) chính là tư tưởng rất Mỹ này: xã hội vừa có thể thay đổi vừa sẵn sàng thay đổi. Nếu ta có thể kiếm cho mình một mảnh đất và một động lực nghiêm túc nào đó, ta có thể khởi sự một dự án nhỏ mà rồi đây sẽ phát triển và truyền nhiệt cho một cuộc chuyển biến vĩ đại khắp một đất nước. Eustace Conway, như bất kỳ nhà xã không tưởng giỏi giang nào, không e ngại thử điều này. Anh không e ngại quả quyết rằng anh có tất cả câu trả lời. Anh không e ngại đề ra một thế giới quan hoàn toàn mới.

Anh muốn Đảo Rùa trở thành cái gì đó lớn lao hơn chứ không đơn thuần là một khu bảo tồn thiên nhiên. Lớn lao hơn điều mà ông ngoại anh đã làm với Trại Sequoyah. Mảnh đất này không chỉ để trở thành trại hè nơi trẻ em có thể tạm thời lánh khỏi những mặt trái của thành thị và phát triển thành những công dân khỏe mạnh. Không, Eustace muốn Đảo Rùa trở thành môi trường cho một cuộc thử nghiệm xã hội không tưởng khổng lồ mà trong đó anh sẽ cố gắng tận lực thay đổi và cứu nước Mỹ. Đó sẽ chính là đồ án cho tương lai. Anh rất hay nghe thấy câu châm ngôn cũ đầy xúc động này, “Chỉ cần chạm tới một cuộc đời là ta vừa có một ảnh hưởng đối với thế giới.”

Chà, nói thẳng thì Eustace Conway nghĩ câu đó thật nhảm. Chẳng cớ gì lại nghĩ tủn mủn tới thế, thưa mọi người! Tại sao lại hài lòng khi chạm tới chỉ một cuộc đời? Tại sao không cứu toàn bộ hành tinh? Rõ ràng đây phải là sứ mệnh của anh.

“Thượng đế chỉ tạo ra một người trên đời giống như con,” mẹ Eustace viết, bà luôn có mặt để nhắc nhở cậu con trai về thiên chức không ai khác có của anh. “Và Người có một công việc đặc biệt để con thực hiện, để con sử dụng những năng lực Người đã trao cho con.”

Eustace hoàn toàn đồng tình, và khi bước vào giữa độ tuổi hai mươi, anh sôi sục khao khát thành lập xã hội không tưởng của riêng mình. Ý chí đã sẵn; tất cả những gì anh cần là đất.

Anh chưa bao giờ mong tìm thấy Đảo Rùa trong mộng ở Bắc Carolina, nơi bất động sản lúc này đã trở nên đắt đỏ và tình trạng đông dân đã thành vấn đề. Nhưng hóa ra ẩn mình trên cao trong dãy núi phía sau trường cao đẳng và điểm nghỉ mát của thành phố Boone lại là những thung lũng nhỏ rợp bóng râm đủ mọi hình dạng nơi đời sống đã không biến chuyển qua nhiều thập kỷ. Đất rất rẻ, và con người trên những đỉnh núi này sống rất bằng lặng, thế nên Eustace hỏi quanh xem liệu có ai có một khoảnh đất lớn cần bán không. Khi nghe nói có thể mua đất “chỗ nhà thờ Alley cũ”, anh liền đi lên đó cùng với một giáo sư từng dạy anh ở trường cao đẳng, người rất thông thạo việc mua đất cũng như đọc bản đồ thuế, hai kỹ năng mà Eustace không thạo vào thời điểm đó nhưng rồi sẽ sớm đạt được.

Thứ họ tìm ra phía cuối con đường đất gập ghềnh ấy quả thực vô cùng hoàn hảo. Đó là 107 mẫu của cái mà nay Eustace mô tả như là “một khu rừng cây lá rộng vỡ hoang đặc trưng của vùng Nam Appalachia”, và nó đẹp mê hồn. Nó chứa đựng mọi thứ Eustace đang tìm kiếm - nước suối trong vắt, ngập tràn ánh nắng, địa giới nối từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác thật quyến rũ, đất đai bằng phẳng phù hợp để làm đồng, bạt ngàn cây lấy gỗ cất nhà, và một hệ sinh thái đa dạng vô cùng thú vị. Nơi đây phong cảnh miền rừng phong phú, nổi bật nhất là cây bồ kết, cây bu lô và cây lá lụa chua. Không khí ẩm và nặng, thực vật tầng đáy rất tươi tốt, dày đặc cây dương xỉ. Khí hậu thật thuận lợi cho cây thường xuân độc và cho cả rắn hổ mang, tuy nhiên cũng có nhiều loài sinh vật hiền hòa phát triển mạnh ở đây như cá hồi, chim gõ kiến, lan hài màu vàng và màu hồng, nhân sâm, phong lan, cây rễ máu, đỗ quyên...

Đất dưới chân anh màu mỡ, đen và ẩm. Giống như hầu hết vùng rừng ở miền Đông nước Mỹ, đây không phải rừng nguyên sinh. Đây là rừng thứ sinh tự phục hồi, loại rừng đã tái phát triển sau khi bị phát quang hơn một thế kỷ trước, được người ta canh tác đều đặn rồi sau đó bị bỏ hoang qua nhiều thập kỷ (trong trường hợp này là khi dân vùng núi địa phương bị lôi cuốn xuống dưới thị trấn để làm việc trong các nhà máy). Thú hoang đã quay về đông đảo, cây cối cũng vậy. Có rất nhiều sóc và mọi dấu hiệu cho thấy số hươu nai đang gia tăng. Độ đông đúc của chim chóc thật đáng kinh ngạc; trong không khí ẩm ướt của ban mai, Eustace cảm thấy như tiếng chim là tiếng kêu rền của sự sống mang tầm vóc rừng già nguyên thủy. Anh cũng ngờ rằng quanh đây có sư tử núi. Và cả gấu.

Eustace đi xem mảnh đất ấy lần đầu là vào mùa đông 1986. Lúc lái xe tải ra khỏi đường lớn, anh thấy mình đang ở giữa vùng Appalachia đúng nghĩa, tất cả điều này trở nên rõ ràng hơn khi anh leo mỗi lúc một cao lên dãy Blue Ridge. Số dân ít ỏi sống ở đây chính là người nguyên thủy. Những người miền núi đích thực, đáng tin, có lối sống cổ xưa. Nhà họ ở là lán lợp thiếc bám sơ sài vào những triền núi dốc đứng này. Sân nhà họ đầy ắp dụng cụ xưa như trái đất và những chiếc xe tự thời tiền sử, và người ta nuôi thú như thỏ và gà trên mái nhà để tránh xa lũ cáo. Cụm từ “khó khăn và thiếu thốn” không đủ để miêu tả hết mức độ khó khăn và thiếu thốn của những cuộc đời này.

Những con đường quanh co không được phân giới, và Eustace không chắc anh có đến đúng chỗ không, thế nên anh lái xe vào sân một trong những cái lều xiêu vẹo và gõ cửa để hỏi đất nhà thờ Allen cũ ở đâu. Một phụ nữ gầy gò xanh xao đeo tạp dề hoa đi ra cửa và nhìn Eustace chằm chằm từ phía sau tấm phên với vẻ kinh sợ tột độ. Có lẽ bà ta chưa bao giờ thấy một người nào ở cửa nhà mình mà không phải người trong gia đình.

“Bà ấy đang nhào bột làm bánh quy,” anh nhớ lại, “thế nên bàn tay bà dính đầy bột, nhưng mặt bà cũng trắng không thua gì bột trên tay, và bà ấy sợ run cầm cập khi thấy tôi. Khi cuối cùng bà ấy cũng cất tiếng được, giọng yếu ớt và hụt hơi, tôi cứ sợ bà sẽ xỉu mất. Giống y như nói chuyện với một người tuy bị ốm đang nằm viện nhưng vẫn cố nói vậy. Ta thấy muốn nói, ‘Giữ sức nào! Đừng cố nói!’ Bà ấy quá thẹn như vậy đó.”

Người phụ nữ nơi khung cửa hôm đó là Susie Barlow, thành viên của một mạng lưới quan hệ giữa các gia đình vùng Appalachia đó, những người rồi đây sẽ sớm trở thành láng giềng của Eustace. Gia tộc Barlow, gia tộc Carlton, và gia tộc Hicks (Dân nhà quê) (thật sự là họ được đặt tên như thế) đã cùng sống trong thung lũng núi hiểm trở này từ đời thuở nào lâu lắm rồi. Họ là những người tốt bụng sống ẩn dật, những người hễ cần nhổ răng thì vẫn sử dụng sợi dây sắt tự chế. Họ nuôi lợn và làm ra những cái đùi lợn muối nặng hai yến rưỡi ngon hảo hạng. Họ nuôi chó săn vừa để mang đi săn vừa để bán. Họ đặt ổ chó trong gian chính, lũ chó con chưa mở mắt dò dẫm trong một cái thùng gỗ lớn, tè lên khắp tấm thảm thổ cẩm thủ công đã bạc phếch, thứ chắc chắn có thể bán được vài trăm đô la tại cuộc bán đấu giá ở thành phố New York. Các gia tộc Carlton, Hick và Barlow đều nghèo nhưng rất sùng đạo, họ làm lễ ngày Sabbath với niềm sùng kính và nâng niu Kinh thánh với sự nghiêng mình.

“Tôi sẽ nói với cô thế này,” Eustace nói. “Cô biết tôi có nhiều vấn đề với Thiên Chúa giáo rồi phải khôngNhưng khi tôi tới thăm những láng giềng người Appalachia và họ nói, ‘Cầu nguyện với bọn tôi nhé, anh Eustace?’ tôi liền khuỵu gối xuống sàn mà cầu nguyện. Tôi quỳ ở đó trong bếp nhà họ, trên tấm vải sơn lót cũ mòn, tôi nắm lấy những bàn tay chai sần của họ mà cầu nguyện bằng cả trái tim, bởi vì đây là những tín đồ mộ đạo nhất tôi từng biết.”