Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 05 - Phần 3

Họ là những người hàng xóm tuyệt vời. Đó là một mảnh đất lý tưởng. Eustace đã sẵn sàng khởi cuộc hành trình không tưởng của mình. Nhưng anh không muốn làm một mình.

Dù rằng Eustace là hình mẫu lãng mạn Mỹ của kiểu đàn ông một mình trong rừng hoang, anh vẫn vô cùng khao khát có một người bạn gái đồng hành chia sẻ giấc mơ với mình. Y như chuyện anh đang tưởng tượng ra ngôi nhà lý tưởng như mơ, anh cũng đang kiến thiết (cũng tỉ mỉ và đầy phóng tưởng như vậy) cô dâu như mơ. Anh biết chính xác người con gái ấy sẽ là ai, sẽ trông ra sao, sẽ mang đến điều gì cho cuộc đời anh.

Nàng sẽ xinh đẹp, thông minh, mạnh mẽ, đầy yêu thương, giỏi giang, và là người đồng hành chung thủy của anh, cái chạm nhẹ sẽ làm kế hoạch cuộc đời được thực hiện một cách xuất sắc của anh thêm giàu tính người hơn và ủng hộ cho mộng tưởng của anh. Trong giấc mơ của anh nàng thường giống với dung nhan một người đẹp da đỏ trẻ trung, lặng lẽ, đầy yêu thương và thanh thản. Nàng là Eve giúp Eustace xây Địa đàng của anh. Nhân thể nói thêm, nàng cũng chính là cô gái trong mơ mà Henry David Thoreau từng mơ màng trước đây khi ông một mình ẩn dật tại hồ Walden - một đứa con hoàn hảo của tự nhiên, một tuyệt phẩm theo mẫu á thần trong thần thoại Hy Lạp “Hebe, người dâng rượu của thần Jupiter, vốn là con gái của Juno và rau diếp dại, và là người có quyền năng hoàn trả cho thần thánh lẫn con người sức mạnh tuổi thanh xuân... có lẽ là thiếu nữ vô cùng dồi dào sinh lực, khỏe khoắn, sung sức duy nhất từng sống giữa trần gian, bất cứ nơi nào nàng đến đều thành mùa xuân.”

Đây là người phụ nữ trong mơ của Eustace, là chính hiện thân cho vẻ duyên dáng, sự tươi trẻ và nét phồn thực. Nhưng anh không dễ dàng tìm thấy nàng. Không phải vì anh khó gặp phụ nữ. Anh gặp rất nhiều phụ nữ, nhưng tìm ra người phù hợp thật quá khó.

Một ví dụ, mối tình của anh với cô gái tên Belinda là điển hình cho trải nghiệm của anh về quan hệ khác phái. Belinda, vốn sống ở Azona, đã xem Eustace Conway nói về cuộc đời của anh trong rừng trên chương trình truyền hình phát khắp cả nước tên là “Tạp chí PM”. Ngay lập tức cô phải lòng anh, xúc động bởi tư tưởng lãng mạn của anh chàng người rừng hoang dã hùng biện lưu loát này, và cô bắt liên lạc được với anh qua thư. Họ viết thư tình cho nhau, và rồi Eustace tới sống với cô một thời gian ngắn ở miền Tây, nhưng chuyện giữa hai người không bao giờ trở thành nghiêm túc cả. Belinda có con từ trước, đây chỉ là một trong số những lý do khiến cuối cùng họ chia tay. Eustace chẳng bao giờ hoàn toàn chắc chắn liệu Belinda yêu con người anh hay tư tưởng của anh.

Rồi đến Frances “cô gái mạnh khỏe từ Anh đến”, và Eustace cũng yêu cô.

“Cô ấy dường như hội đủ trí tuệ, sức mạnh và độ bền bỉ làm nên một người đồng hành tuyệt vời,” Eustace viết về Frances trong nhật ký. “Tôi cần tình yêu và tình bạn mà tôi vốn có quá ít này. Tôi biết mình là người lãng mạn. Đôi khi tôi nghĩ và cảm thấy mình quá lý trí, lạnh lùng và quy tắc, nhưng tôi cũng có thể rất trẻ trung, ngây thơ và phi thực tế.”

Nhưng Frances sớm ra đi, và rồi Bitsy đến. Eustace yêu Bitsy cuồng dại. Bitsy là một bác sĩ người Apache xinh đẹp và bí ẩn. Không phải một người Apache bình thường, mà là hậu duệ thuộc nhánh Geromino[7], và cô có mọi điều mà Eustace luôn yêu thích: nụ cười rộng mở, mái tóc dài, làn da ngăm, cơ thể tráng kiện, và “đôi mắt thiêu đốt người ta”, sự tự tin, vẻ yêu kiều. Nhưng mọi chuyện lại không dễ dàng với Bisty.

[7] Geromino (1829-1909): một thầy thuốc, một thủ lĩnh vĩ đại của một nhánh thổ dân thuộc tộc người Apache. Nhánh thổ dân do ông cầm đầu đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ người bản địa suốt nhiều năm.

“Em vẫn khao khát anh,” cô viết, trong lá thư cuối cùng cắt đứt quan hệ của họ. “Nhưng em đã không thể đến cùng anh. Anh là người đáng say mê. Nhưng em cảm thấy anh chỉ muốn có em cho những nhu cầu của bản thân anh. Lúc này, em không thích được cứu vớt hay dạy dỗ hay dẫn dắt vào bất kỳ con đường nào ngoài con đường của riêng em. Anh là người ban tặng, người thầy. Điều này tốt, đối với một số người. Nhưng em cảm thấy anh muốn em làm vật tô cho anh. Tha lỗi cho em nếu nói vậy nghe quá tàn nhẫn. Em không định thế. Những nhu cầu của anh che khuất nhu cầu của em.”

Anh đón nhận cuộc chia ly này không dễ.

“ÔI! TRỜI ƠI! BITSY!” anh tan nát cõi lòng trong nhật ký vào tháng Hai năm 1986. “Anh đang khóc, điên cuồng, gào thét trong đau đớn. Ôi trời ơi, không làm sao khuây khỏa. Anh không vượt qua nổi chuyện này! Em! Anh cần gặp em. Em là con đường duy nhất... trái tim anh rỏ máu vì em. Anh yêu em như bản thân cuộc sống, như toàn vũ trụ! Anh tàn lụy bởi yêu em! Anh có thể làm gì? Anh không thể làm được gì hết. Không hề không hề không hề KHÔNG HỀ KHÔNG HỀ. Ôi, làm sao anh chịu được nỗi mất em? Anh muốn em làm vợ, làm bạn đồng hành, để sẻ chia mọi chuyến phiêu lưu của cuộc đời. Anh sẽ không bao giờ tìm thấy ai khác giống em... Thượng đế ơi, định mệnh, nguồn năng lượng dồi dào của vũ trụ, nói sao về điều này?”

Rồi, theo nhật ký của Eustace Conway, tháng Hai 1987: “Valarie Spratlin. Yêu. Tình Yêu Mới. Em từ đâu đến vậy? Thượng đế đã gửi em xuống ư? Em có thật không? Em có thực là của anh? Anh yêu em nhiều như anh nghĩ, hay anh chỉ yêu tình yêu em trao anh thôi? Anh muốn nghĩ em là câu đáp cho mọi lời cầu nguyện anh dâng. Em có phải là bước tiếp theo trong cuộc đời đi đây đi đó, giáo dục mọi người mà sứ mệnh đã trao cho anh? Phải chăng định mệnh là đấng chúa tể quyền uy và đôi ta đã được se duyên tri kỷ?”

Valarie Spratlin, một phụ nữ mạnh mẽ và quyến rũ lớn hơn Eustace mười tuổi, đang làm việc cho Cục Tài nguyên Thiên nhiên ở Georgia vào năm 1987. Cô phụ trách một phần năm số công viên của bang. Cô đã nghe một người bạn ở Bắc Carolina nói về Eustace Conway và “màn trình diễn cầu kỳ” của anh, thế nên cô mời anh tới Georgia để chỉ đạo một số xưởng thủ công trong hệ thống công viên của cô. Họ phải lòng nhau rất nhanh. Cô bị lôi cuốn bởi cuộc đời anh, bởi sức lôi cuốn của anh, bởi những kế hoạch cứu thế giới đầy quả cảm của anh. Cô viết cho anh những lá thư đề gửi tới “Người vô thần hoang dã nguyên thủy của em”. Cô say mê toàn bộ hình tượng của anh - đồ da hoẵng, lều vải, công việc. Bạn trai cũ của cô là một nhạc sĩ của ban Allman Brothers, và mười năm qua cô đã chu du khắp nước cùng ban nhạc, thế nên cô đã tự luyện mình thành một người luôn sẵn sàng phiêu lưu.

“Em biết chúng ta mới quen nhau chưa đầy hai tuần,” Valarie viết cho Eustace một vần thơ tự do nho nhỏ, “nhưng tình cảm em dành cho anh đang lớn dần.”

Gặp nhau chưa lâu, Eustace rủ Valarie cùng anh đi một chuyến hành trình ba tuần về hướng Tây Nam, xuống Mesa Verde và mọi miền đất xưa cũ của thổ dân. “Quá đỉnh, đi chứ,” cô nói, thế là họ chất đồ lên chiếc Toyota nhỏ của cô và lên đường. Cô nhớ rằng anh chẳng hề cho họ mua lấy một chút thức ăn; họ phải tự tìm thức ăn, hoặc phải ăn yến mạch và nho khô ba lần mỗi ngày. “Lạy trời,” giờ đây cô nhớ lại, “anh ấy là gã keo kiệt nhất tôi từng gặp.” Anh đưa cô đi bộ xuống Grand Canyon - “không phải thong dong dạo chơi, mà là đi cả ngày trong khi chẳng có gì để ăn ngoài món yến mạch và nho khô hãi hùng” - rồi ngày hôm sau họ đi vào Bryce Canyon, thêm ba ngày nữa đi bộ không ngừng. Đây đều là những chuyến đi bộ kiểu Eustace: một mạch hai lăm dặm không nghỉ mỗi ngày.

“Eustace Conway,” cuối cùng cô lên tiếng, khi một chiều nọ anh cứ khăng khăng trèo thêm một đỉnh núi nữa để ngắm thêm một cảnh mặt trời lặn, “anh đang thúc ép em kinh khủng quá.”

Anh nhìn cô, ngờ vực. “Nhưng Valarie, có thể em chẳng bao giờ tới đây lần nữa. Anh không thể tin em sẽ bỏ cơ hội ngắm nhìn một khung cảnh đẹp tới vậy.”

“Mình thỏa thuận nhé,” cô nói với anh. “Em sẽ leo lên ngọn núi chết tiệt cuối cùng đó với anh nếu anh hứa với em rằng khi chúng ta ra khỏi đây anh sẽ đưa em tới một nhà hàng tử tế và mời em một cái hamburger cùng với khoai tây chiên và một cốc Coke ngay lập tức.”

Anh cười to và đồng ý, thế là cô leo tiếp. Cô rất lãng mạn và yêu mê muội, nhưng cô không phải người dễ điều khiển. Cô điềm tĩnh và gan góc. Cô biết cách vạch ra một giới hạn cho Eustace, trong khi những người khác nghĩ rằng không thể đối đầu anh. Và cô cuồng si anh. Cô là một nhà môi trường tự trong phẩm chất và là một nhà giáo dục thông qua rèn luyện, còn chàng trai này là người có mọi đức tin ở trong cô về thế giới song nhân nó lên năm mươi lần. Cô đứng sau anh trong mọi kế hoạch của anh, và chẳng mấy chốc đã xuất hiện một sự chuyển đổi đại từ tinh tế trong các cuộc thảo luận về tương lai. Eustace không còn nói “anh cần tìm một mảnh đất tốt” mà là “ta cần tìm mảnh đất tốt”. Người phụ nữ này về mọi phương diện dường như là người anh luôn mong tìm được: một bạn đồng hành đích thực. Cùng nhau, Eustace và Valarie sục sạo khắp miền Nam kiếm một nơi tốt lành cho xã hội không tưởng của anh - của hai người.

Và thế là cuối mùa đông năm 1986, Eustace Conway chở Valarie Spartlin lên dãy núi phía sau Boone để chỉ cho cô nơi anh muốn mua. Lúc đó là buổi tối. Trời mưa lạnh. Họ lái một chiếc xe tải cũ ọp ẹp Eustace mới mua có nhiều lỗ hổng trên sàn khiến khói thải cứ tràn vào. Đường lên núi giống lòng suối khô cạn đầy đá cuội và khe rãnh hơn là giống bất cứ thứ gì được làm ra cho ô tô đi. Khi cuối cùng họ bước ra khỏi xe, Eustace vui vẻ hét lên với Valarie, “Chúng ta tới rồi! Chính chỗ này đây!”

Trời giá căm căm. Tối như bưng. Gió gào rú. Valarie chẳng thấy được gì. Cô chui xuống một cây độc cần lớn để tránh rét, nhưng mấy con gà rừng đậu trên cây bắt đầu kêu quang quác, và cử động của chúng càng khiến nhiều nước lạnh buốt đổ xuống lưng cô.

“Em không thích chỗ này đâu Eustace,” cô nói.

“Vào buổi sáng thì em sẽ thấy thích thôi,” anh hứa hẹn.

Chẳng có lấy một ngôi nhà trên mảnh đất này. Đêm hôm đó họ ngủ dưới vải bạt, và trời bắt đầu đổ tuyết. Khoảng nửa đêm, Eustace một mình leo lên điểm cao nhất của mảnh đất mà hút tẩu để cầu tạ ơn trời đã cho anh tìm ra định mệnh. Valarie đang run lập cập dưới tấm bạt thì nghĩ, “Trời đang mưa tuyết, mình chẳng biết mình đang ở chỗ quỷ tha ma bắt nào và mình lạnh sắp chết vậy mà anh chàng chết giẫm đó cứ thế bỏ mình để đi hút tẩu được sao?”

Tuy nhiên, sáng hôm sau khi Eustace đưa cô đi dạo một vòng quanh toàn bộ khu đất, cô bắt đầu hiểu anh yêu điều gì ở nơi này. Chẳng có gì ngoài rừng rậm, nhưng Eustace đã vạch sẵn thế giới của riêng anh trên 107 mẫu đất này - những chiếc cầu để tới chỗ này; một trại lều vải phù hợp với chỗ kia; nơi đây làm đồng cỏ sẽ rất tuyệt, chỗ này có thể xây nhà kho; chỗ này chúng mình có thể xây phòng ở dành cho khách; một ngày nào đó anh sẽ mua mảnh đất sườn bên kia ngọn núi này, và chúng mình sẽ trồng kiều mạch đằng này...

Anh có thể thấy tất cả. Thế còn cách anh giải thích thật rõ ràng mọi điều? Ồ, cô cũng có thể tự mình thấy tất cả.

Mảnh đất sẽ tiêu tốn của anh gần 80.000 đô.

Eustace đã tiết kiệm được một ít tiền, nhưng không phải ngần ấy. Và chẳng có chủ ngân hàng nào trên thế giới buồn ngó lần thứ hai tới một cậu thanh niên mặc đồ da hoẵng sống trong lều vải. Vậy đâu là nơi một sơn nhân thời hiện đại có thể kiếm được 80.000 đô khi anh ta cần gấp? Người duy nhất Eustace Conway biết chắc có số tiền đó là bố anh.

Eustace chẳng hề thấy thoải mái với việc gặp ông cụ về chuyện tiền bạc. Đúng hơn là anh chẳng hề thấy thoải mái chút nào khi ở gần ông cụ. Bố anh từ trước tới nay chưa bao giờ nói một lời tử tế với anh. Chẳng bao giờ công nhận rằng cậu con trai “ngu độn” của ông đã tốt nghiệp cao đẳng hạng ưu. Chẳng bao giờ tới nghe Eustace diễn thuyết trước thính phòng đầy ắp những thính giả háo hức; chưa bao giờ lắng nghe lấy một câu chuyện hay nhìn lấy một tấm hình về những chuyến phiên lưu của Eustace; chưa bao giờ đọc bất cứ bài báo hay chuyên đề tạp chí nào viết về con trai ông. (Bà Conway thường cắt những bài báo đó ra để trên bàn nước cho chồng xem, nhưng ông chẳng động tới; ông cứ thế đè tờ Wall Street Journal hoặc cốc nước lên trên, như thể chúng vô hình.) Trên mọi phương diện, Eustace Cha ngày càng xa lánh con cái khi mà giờ đây chúng đã thoát ly khỏi nhà ông.

“Mẹ mong bố sẽ viết cho con,” mẹ Eustace viết cho con trai khi cậu đi học cao đẳng ở xa, “nhưng ông ấy dường như có quá nhiều mối ưu tư. Hôm sinh nhật, Martha đã nhận được lá thư đầu tiên bố con từng gửi cho nó, và điều đó sốc tới nỗi con bé bảo nó đọc mà khóc nức nở.”

Eustace ngạc nhiên nhận ra rằng ngay cả bây giờ, khi anh đã bước sang tuổi hai mươi, anh vẫn ám ảnh nỗi đau thời thơ ấu. Anh đã nghĩ chuyện này rồi sẽ tan biến một khi anh lớn lên, một khi thể xác anh đã rời xa không gian ngôi nhà đó. Tại sao cha anh vẫn còn có thế khiến anh phải khóc? Tại sao vẫn có những giấc mơ đánh thức anh vào bốn giờ sáng, “khơi lên những ký ức cũ buồn đau”? Eustace kinh ngạc khi nhận ra, trong một dịp Giáng sinh về thăm Gastonia, rằng bố anh vẫn là “người hung dữ nhất tôi từng gặp, người khắc nghiệt nhất tôi từng gặp, người cay độc nhất tôi từng gặp.”

Nói như thế không có nghĩa Eustace đã không cố gắng giảng hòa với ông cụ. Xưa kia, từ dạo thiếu niên, cậu đã cố. Mẹ cậu luôn khuyến khích Eustace Con “cố hết sức mình để cải thiện mối quan hệ với Eustace Cha.

“Mẹ hy vọng và cầu nguyện rất nhiều rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn cho con và cho cả gia đình chúng ta trong năm tới,” bà đã viết cho Eustace trước khi cậu bước vào năm cuối trung học. “Cũng y như con luôn vô cùng mong muốn có tình yêu và sự tôn trọng của bố, ông ấy cũng muốn tình yêu, lòng kính trọng và sự vâng lời của con. Đó là điều con cái nợ cha mẹ. Mẹ cảm thấy rõ một trong những nguyên nhân lớn tại sao con vẫn luôn khó hòa hợp với bố là vì ông luôn ‘giữ vai trò thứ yếu’ trong suốt cuộc đời con, vì con đã dành cho mẹ nhiều quan tâm nhất, nhiều thời gian và sự nương tựa nhất trong mọi thứ con cần, và trong tình yêu thương. Điều này khởi nguồn từ xưa khi con còn rất nhỏ, và bởi sự thật là mẹ đã dành cho con quá nhiều thời gian và quan tâm, nó đã nảy nở thành một mối quan hệ vô cùng bất hạnh. Lúc này, vẫn có cơ hội để một mối quan hệ hạnh phúc mới nảy nở giữa con và bố, nhưng nó tùy thuộc vào hành động của hai người. Với sức trẻ con có khả năng uyển chuyển hơn trong việc thay đổi lối cư xử và thái độ của con. Dẹp lòng tự ái của con đi để nhún nhường trước bố và thừa nhận rằng trong quá khứ con đã làm và nói nhiều điều khiến bố buồn lòng nhưng giờ đây con sẵn sàng cố gắng tận lực làm vui lòng bố.”

Thế nên Eustace, từ dạo mới mười hai tuổi, đã viết nhiều thư cho bố. Cậu biết rằng bố cậu nghĩ bản thân ông là một người có tài truyền đạt, và cậu hy vọng cậu có thể cải thiện mối quan hệ giữa họ nếu cậu thể hiện được mình tương xứng. Cậu thường nắn nót những lá thư đó hằng tuần, cố gắng tìm cách thức kính trọng và chững chạc nhất để tiếp cận Eustace Cha. Cậu viết rằng cậu tin hai bố con đã có một mối quan hệ khó khăn và nay cậu muốn hàn gắn. Cậu gợi ý rằng có lẽ một ai đó có thể giúp họ nói chuyện cùng nhau. Cậu nói với bố rằng cậu xin lỗi vì đã làm ông thất vọng, và nếu họ trao đổi những khúc mắc mà không ai lớn tiếng, biết đâu cậu có thể sửa đổi thái độ để khiến bố thấy vui hơn.

Bố cậu không bao giờ đáp lại bất kỳ lá thư nào trong số này, tuy vậy thỉnh thoảng ông đọc to một lá lên kiểu như nhạo báng, để mua vui cho các em của Eustace. Có quá nhiều thứ để pha trò: lỗi chính tả, ngữ pháp của Eustace, cái lối cậu to gan nói như với người bằng vai phải lứa - đại loại thế. Eustace Cha đặc biệt khoái trá với một lá thư Eustace Con viết thời trung học, trong đó cậu gợi ý rằng Walton, cậu em trai có trí tuệ xuất sắc và tư chất nhạy cảm, có thể phát triển ở trường tư, nơi thằng bé sẽ không bị bọn trẻ con lỗ mãng ở trường Trung học Gastonia bắt nạt. Nực cười chưa! Eustace Cha đọc lá thư đó cho mấy đứa con nghe hết lần này sang lần khác, và cả mấy đứa, ngay Walton, cũng được khuyến khích nhạo báng Eustace Con vì dám đánh bạo bảo bố điều gì hẳn là tốt nhất cho gia đình.

Thế nhưng, khi tới tuổi trưởng thành, Eustace vẫn thấy mình thử lại lần nữa.

“Con không viết để mang đến cho bố nỗi đau hay sự chán nản,” một lần anh viết, như giữa cánh đàn ông với nhau. “Mà là ngược lại. Con xin lỗi vì đã mang đến đau đớn hay bất cứ gì khác ngoại trừ điều lành cho cuộc đời bố. Con vẫn luôn muốn mình tốt. Tốt cho bố, tốt cho mẹ, tốt cho mọi người. Con vô cùng khao khát được bố chấp thuận, hiểu rõ, công nhận, nhìn nhận rằng con không phải là một thứ vứt đi (ngu ngốc, ngây ngô, sai quấy, vô giá trị). Con có một khoảng trống mênh mông trong lòng nơi con tìm kiếm yêu thương. Tất cả những gì con từng mong mỏi trên đời là tình yêu của bố. Con cảm thấy mình như con bướm đêm bay gần ngọn nến. Có lẽ con nên chấp nhận thất bại và tránh thật xa bố. Nhưng chối bỏ và khoảng cách không làm vơi niềm khao khát được bố chấp nhận.”