Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 06 - Phần 3

Anh miêu tả cái cuốc chim cho tôi - một công cụ tương tự như chiếc rìu, nhưng có lưỡi cong tạo thành một góc vuông với cán, dùng để đẽo gỗ. Tôi tìm thấy thứ đó và đang quay lại phía cái lán để đưa thì bỗng nhiên Eustace đặt búa xuống, đứng dậy, đưa tay quệt trán rồi nói, “Tôi chắc mẩm mình đã từng thấy từ 'cuốc chim' sử dụng trong văn học. Có phải Hemingway là người đã viết về tiếng cái cuốc chim vang lên từ sân trước nơi có ai đó đang đóng quan tài không?”

Tôi đập một con mòng đậu trên cổ và gợi ý, “Có lẽ anh đang nghĩ đến Faulkner? Tôi nghĩ có một cảnh trong cuốn As I Lay Dying Faulkner miêu tả tiếng ai đó đang đóng quan tài trong sân trước.”

“Đúng, phải rồi,” Eustace nói. “Faulkner.”

Rồi quay lại làm việc. Bỏ mặc tôi đứng đó với cây cuốc trong tay, nhìn anh trân trân. Đúng, phải rồi. Faulkner. Giờ quay lại làm việc đi mọi người.

Eustace muốn làm xong cái sàn lán vào lúc hoàng hôn ngày hôm đó, thế nên chúng tôi làm việc hối hả. Vô cùng mong mỏi làm xong công việc nên Eustace đã dùng một chiếc cưa xích để xẻ những khúc gỗ quá khổ. Eustace đang cưa ngang một khúc gỗ thì chiếc cưa xích đụng phải mắt gỗ, bật ngược trở lại và bắn lên mặt anh. Anh đưa tay trái hất chiếc cưa ra khiến chiếc cưa cắt vào hai ngón tay.

Anh thoáng kêu lên một tiếng nghe như “Rạt!” rồi rụt tay lại. Máu bắt đầu bắn ra. Christian và tôi chết trân, im thin thít. Eustace vẩy tay một cái làm tóe ra cả vạt máu, và rồi lại tiếp tục cưa. Chúng tôi đợi anh nói gì đó hoặc cố cầm dòng máu lúc này đang chảy ra khá nhiều, nhưng anh không làm vậy. Thế là hai chúng tôi tiếp tục công việc. Anh tiếp tục chảy máu và tiếp tục cưa, tiếp tục đóng gỗ tiếp tục chảy máu và tiếp tục cưa thêm nữa. Đến cuối ngày, cả cánh tay của Eustace, những khúc gỗ, dụng cụ, cả hai bàn tay tôi, cả hai bàn tay Christian thảy đều đầy máu.

Và tôi đã nghĩ, À, vậy đây là điều đón đợi chúng tôi. Chúng tôi làm việc cho tới khi trời tối mịt rồi mới đi trở lại trại chính. Tôi ạnh Eustace, cánh tay anh buông thõng, máu nhỏ tong tong. Chúng tôi đi qua một bụi cây nở hoa và với phẩm chất nhà giáo thường trực, anh nói, “Này, cảnh kia thú vị lắm đấy. Chẳng dễ gì thấy được hoa màu vàng lẫn hoa màu cam trên cùng một cây bóng nước đâu. Cô biết không, ta có thể lấy thân cây này làm thuốc mỡ để chữa cơn ngứa vì thường xuân độc đấy.”

“Hay quá,” tôi nói.

Chỉ sau khi ăn tối xong Eustace mới băng bó bàn tay kinh khủng. Anh chỉ nhắc tới tai nạn đó đúng một lần. Anh nói, “May là tôi không cưa đứt ngón tay.”

Đêm muộn hôm đó tôi hỏi Eustace vết thương nghiêm trọng nhất của anh từ trước tới nay là gì, và anh nói anh chưa bao giờ bị thương nghiêm trọng. Một lần anh đã xẻ toạc ngón cái trong một phút bất cẩn khi đang lột da một con nai. Đó là một vết cắt sâu, dài “miếng thịt treo lửng lẳng rồi lại còn gì gì nữa ấy chứ,” và tất nhiên là cần khâu nó lại. Thế nên Eustace dùng kim chỉ khâu lại, mà cách khâu thì anh vốn biết rất rõ nhờ khâu đồ da hoẵng. Khâu một đường thẳng tắp.

“Tôi thì chắc không thể tự khâu da mình đâu,” tôi nói.

“Cô có thể làm bất cứ điều gì cô tin mình có thể làm.”

“Tôi không tin tôi có thể tự khâu da mình.”

Eustace cười lớn và công nhận, “Vậy thì có lẽ cô không làm được thật.”

***

“Mọi người rất vất vả mới làm được mọi thứ đâu ra đó ở đây,” Eustace phàn nàn trong nhật ký vào năm 1992.

“Môi trường quá mới. Thực ra đó chẳng phải là vấn đề với họ. Chính nỗi căng thẳng bực bội của tôi đối với nhịp độ chậm chạp trì độn của họ mới là thứ khiến tôi cứ phải bận tâm. Họ đang hưởng thụ từng phút một cách khoan khoái.

Thách thức tấn công Eustace từ mọi hướng. Một người bạn chỉ ra rằng việc Eustace không có bảo hiểm sức khỏe cá nhân là một sai lầm. “Nhưng tôi khỏe!” anh phản đối. Thế là người bạn liền giải thích rằng nếu Eustace không may bị thương nghiêm trọng trong một vụ tai nạn và cần chăm sóc đặc biệt, bệnh viện có thể tước tất cả tài sản của anh, kể cả giá trị của đất đai, để trang trải chi phí. Chúa ơi! Trước đây Eustace chưa bao giờ nghĩ tới điều gì như thế. Hơn nữa, anh liên tục có tiền thuế phải lo và phí vẽ trắc địa phải trả. Hơn nữa, anh phải đối phó với những kẻ săn bắn trái phép trên đất đai của mình. Anh thượng cẳng chân với một thằng bé béo lùn đã bắn hạ một nai đực không phải trong mùa săn bằng một khẩu súng bất hợp pháp ở cách nhà bếp của Eustace chỉ chừng dăm chục mét. Thậm chí còn kinh khủng hơn, bản thân anh từng bị cáo buộc săn bắn trái phép trên đất của người khác.

Một chiều nọ khi anh đang dạy một lớp học có tầm mươi sinh viên thì tám tay luật sư đỗ bốn chiếc xe công lại và bắt anh vì tội săn trộm nai. Được một tay hàng xóm có lòng ganh ghét mách cho, nhân viên đội quản lý thú rừng đi thẳng tới nơi cất giữ hàng chục tấm da nai của Eustace và buộc tội anh đã giết nhiều con thú mà không được phép. Thực ra, người ta đưa cho Eustace những tấm da đó là để nhờ anh thuộc cho. Khoảnh khắc đó thật đáng sợ.

Eustace đã phải bỏ cả tháng sau đó thu thập thư từ làm bằng chứng từ những người đã đưa da nai cho anh, cũng như giấy tờ của những nhà môi trường và chính trị gia khắp miền Nam cam đoan rằng Eustace Conway là một nhà tự nhiên tận tụy không bao giờ săn bắn vượt quá quy định của luật pháp. Tuy nhiên vào ngày mở phiên tòa anh làm cái chuyện ngớ ngẩn là mặc chiếc quần da hoẵng tới phòng xử án. Tại sao không? Đó là món đồ lúc nào anh cũng mặc. Anh đường hoàng đi tới phiên tòa của mình cực giống với Jeremiah Johnson. Ma-Maw, bà cụ hàng xóm người Appalachia sống dưới thung lũng vốn ghét cay ghét đắng luật pháp chẳng kém gì kẻ sơn nhân nhà bên, đi cùng với Eustace để ủng hộ tinh thần anh. (“Cháu sợ là thẩm phán có thể sẽ lột phăng chiếc quần da hoẵng của cháu và ném cháu vào tù,” Eustace đùa với Ma-Maw. Bà đáp lại vững vàng, “Cháu đừng lo. Ta có mặc quần buộc túm dưới chiếc váy này. Nếu chúng cướp mất quần của cháu, ta sẽ cởi ngay chiếc quần buộc túm của ta đưa cho cháu. Cháu có thể cứ thế mặc quần buộc túm của ta mà vào tù, Houston!”) Ma-Maw yêu quý cả mấy cậu con trai nhà Conway, nhưng bà chẳng bao giờ nói đúng được tên bọn họ...

Khi tới lượt anh nói, Eustace say sưa hùng biện trước vị thẩm phán về cuộc đời về những giấc mơ và mộng tưởng cứu thiên nhiên của anh, cho tới khi, hết sức kinh ngạc và ấn tượng, vị thẩm phán lên tiếng, như thể ông đang ký vào giấy tờ bác bỏ những cáo buộc săn trộm, “Có việc gì ta có thể làm giúp cậu cho Đảo Rùa không, con trai?”

Eustace cũng đã phải đối phó với những khốn đốn kiểu như một lá thư mà Hội Thổ dân Mỹ vùng Triangle gửi tới thị trưởng thành phố Gamer, Bắc Carolina. Lá thư bày tỏ mối quan ngại của hội về “thông tin chúng tôi vừa nhận được về một cá nhân, người sẽ tham gia vào sự kiện mà thành phố của ngài bảo trợ vào ngày 12 tháng Mười này - Người được nói đến ở đây là ông Eustace Conway... Theo chúng tôi hiểu thì ông Conway trình bày thông tin trước đại chúng và các nhóm có quan tâm đặc biệt về cách sống sót và tự cấp tự túc nhờ vào Đất Mẹ theo cách giản tiện nhất khả dĩ. Ông ta cũng đã dựng lên những công trình được người ta gọi là lều vải. Thổ dân sống ở những khu vực Đông Bắc và Đông Nam của đất nước này chưa bao giờ sống trong lều vải. Thổ dân Bắc Carolina sống trong những công trình gọi là 'nhà dài'. Chúng tôi vô cùng lo ngại rằng những cá nhân tham gia sự kiện đặc biệt này sẽ ra về với ba ấn tưọng hết sức sai lầm: (a) Ông Conway là một thổ dân Mỹ, (b) Ông Conway đại diện và phát ngôn cho các dân tộc bản địa, và (c) Thổ dân Bắc Carolina sống trong lều vải. Chúng tôi tha thiết đề nghị ngài không cho phép ông Conway xây dựng công trình được người ta gọi là lều vải vì những lý do nêu trên.”

Đây đúng là kiểu chuyện nhảm nhí mà Eustace chẳng có thời gian dành cho. Lạy Chúa, nếu có ai trên hành tinh này biết rằng thổ dân Bắc Carolina không sống trong lều vải thì đó là Eustace Conway, người đã nghiên cứu ngôn ngữ của hầu hết các bộ tộc thổ dân Bắc Carolina, người có thể nhảy hầu hết các điệu nhảy huyền bí nhất của các bộ tộc thổ dân Bắc Carolina, là người thường xuyên nuôi sống mình bằng cách sử dụng kỹ thuật săn bắn của các bộ tộc thổ dân Bắc Carolina, và là người luôn chú ý giải thích với khán giả rằng bản thân anh là sản phẩm từ nền văn hóa của người Mỹ da trắng hiện đại (để chứng minh rằng bất kỳ ai cũng có thể sống như anh) và lều vải là phương pháp dựng nhà ở vùng Đồng bằng Lớn. Anh cũng giải thích trong thư hồi đáp, “Tôi không đơn giản là 'một gã Anglo bắt chước cách thức của thổ dân Mỹ', không đơn giản là 'kẻ tìm trò giải khuây'. Tôi có sự thấu hiểu và sự hòa hợp sâu sắc với lối sống thổ dân... Tôi nghĩ ta không thể truyền đạt nhũng tình cảm như thế trong một lá thư tay... nhưng với việc cầu nguyện bằng tẩu hút[4], sống nhờ Đất Mẹ, lắng nghe sinh vật có cánh trên trời và sinh vật bốn chân dưới đất, tôi đang ngợi ca mọi sức mạnh của vũ trụ.”

[4] Theo quan niệm của người thổ dân, khói từ tẩu thuốc sẽ đem những lời cầu nguyện tới thần linh.

Và rồi có những tay thanh tra y tế chết toi.

“Vào một trong những ngày đầu tiên lập trại,” anh viết trong nhật ký vào tháng Bảy năm 1992, “Judson chạy ngược lên tìm tôi. Tôi cứ nghĩ có ai đó bị thương vong. Hóa ra là có những viên thanh tra y tế đóng bộ com lê đang lên kiểm tra trại. Ồ, tôi mặc một chiếc áo trắng vào rồi đi xuống gặp cái bọn quỷ sứ đó. Tôi giữ thái độ hợp tác - giải thích đây là một khu trại độc đáo như thế nào. Tôi đưa họ đi xem khắp một vòng - các địa điểm trong khu trại, nhà xí, bếp (chỗ này rất sạch) - và làm vui họ hết sức mình. Bọn họ tỏ ra ngưỡng mộ những gì chúng tôi đang làm. David Shelly, một trại viên trẻ, cho họ xem một pha trình diễn và bài học mài dao - rất ấn tượng. Họ đã bảo tôi họ sẽ 'nghĩ kỹ thêm' xem liệu họ có thể tìm ra một cách chấp nhận tình trạng vô chuẩn mực của chúng tôi không.”

Anh chẳng bao giờ ngơi tay. Với tất cả tình yêu dành cho sinh vật có cánh trong không trung và sinh vật bốn chân trên mặt đất, anh khó mà có thời gian dù chỉ để ghi những quan sát tự nhiên của mình vào nhật ký.

“Tôi thực sự thích nhìn chim gõ kiến mào đỏ bổ xuống từ trên không,” cuối cùng một hôm vào lúc bốn giờ sáng khi ngày làm việc vừa kết thúc, anh cũng xoay xở để nguệch ngoạc được đôi dòng. “Dường như tôi nghe thấy chúng suốt cả ngày. Thật tuyệt khi có loài chim quý này làm nhạc nền. Quạ rất nhiều, thỉnh thoảng lại kêu quạc quạc. Chim tước mào hồng ngọc rập rờn; một con suýt nữa bay vào mặt tôi khi tôi đang ở tại chỗ thiêng phía trên nơi sẽ là đồng cỏ. Dấu chân hươu nai khắp xung quanh, nhưng năm nay tôi không thấy con gà tây nào. Tôi yêu sự giao mùa, tôi mong chờ (và tôi không nói hay nghĩ rằng chỉ mong chờ thôi là đủ) đến ngày tôi sẽ được tự do thưởng thức vô vàn thay đổi thường nhật đầy tinh tế của thời tiết và đời sống vùng thung lũng Appalachia, đây là nơi níu giữ trái tim tôi, đây là nơi tôi đang bén rễ, đây là nơi tôi đang chiến đấu, tôi hy vọng mình sẽ được chết ở chốn này.”

Tuy nhiên, lúc này, đó chỉ là một giấc mộng xa vời. Một đoạn nhật ký điển hình hơn là, “Đêm qua tôi gọi để xác minh lại lịch hẹn với một số trường, công việc giấy tờ không khi nào hết. Có khi làm ba tiếng một ngày mà cũng không xuể. Đêm qua tôi phải nói với một quý bà rằng tôi không thể thực hiện chương trình mùa xuân này cho trường của bà. Tôi có cảm giác tự hào kỳ lạ khi biết mình đã có đủ lời đề nghị nên phải từ chối việc này, nhưng tôi e là mình đã không có sự thông cảm đúng mực cho tình cảnh của bà. Tôi phải hiểu mặt kia của sự việc.”

Anh nhận được quá nhiều lời mời diễn thuyết đặt lịch trước thế nên anh chi một khoản tiền để sản xuất một cuốn băng 45 phút gọi là Tất cả họ hàng của tôi: vòng đời, thứ mà anh miêu tả trong lá thư gửi các hiệu trưởng khắp miền Nam là “một tài liệu giảng dạy trong lớp có thể dùng bất kỳ lúc nào trong năm.” Cuốn băng cho phép Eustace ở hai địa điểm cùng một lúc. “Không chỉ cho các lớp lịch sử, Tất cả họ hàng của tôi còn phù hợp cho các môn khoa học đời sống như sinh thái học và sinh vật học cũng như nhân học,” Eustace viết trong lá thư giải thích gửi kèm cuốn băng. “Tờ bướm gửi theo đây sẽ cung cấp thêm thông tin, nhưng đọc về cuốn băng không phải là cách thưởng thức nó đúng đắn; quý vị cần phải xem băng. Tôi rất hài lòng với sản phẩm này và hạnh phúc rằng có thể chào bán nó với một mức giá hợp lý như vậy đến quý trường.”

Thế nhưng, sự thật là Eustace đã không còn tin tưởng lắm rằng các chuyến đi diễn thuyết có ích lợi gì. Với một người thật lòng nghĩ mình có thể thay đổi thế giới nếu anh ta có thể kêu gọi đủ số người lắng nghe trong một thời gian đủ dài, cái thủ tục thường lệ tẻ nhạt là đến thăm lớp học trong một thời gian ngắn ngủi không còn làm anh thỏa mãn nữa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3