Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 07 - Phần 1
Chương 7
Trải ra trước mặt anh là một lục địa bao la bát ngát, và anh vội vã tiến bước như thể thời gian thúc ép và anh sợ chẳng tìm thấy chỗ nào cho những nỗ lực của mình.
- Alexis de Tocqueville
Hiện nay Eustace sở hữu mười con ngựa. Anh là người đầu tiên thừa nhận rằng sở hữu mười con ngựa là ngớ ngẩn, dở hơi và hoàn toàn thừa thãi với kích thước trang trại nhỏ bé của anh, nhưng anh không thể khước từ được khi mà chúng đẹp nhường ấy.
À, tôi vốn rất gần gũi với loài ngựa. Tôi lớn lên bên những người có kỳ tài điều khiển ngựa. Ông tôi nuôi một đàn ngựa tuyệt vời, và tôi từng làm việc tại trang trại của một người đàn ông trông coi bảy mươi lăm con ngựa mà chẳng tốn sức là bao, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai có thiên khiếu về ngựa xuất sắc hơn Eustace. Loài ngựa lắng nghe anh. Chúng tập trung chú ý. Khi Eustace đi qua đồng cỏ, bọn ngựa ngừng gặm cỏ ngước lên nhìn anh, đứng yên không nhúc nhích, chờ lệnh - một hậu cung nhiệt tình dâng hiến, một đoàn cô dâu khấp khởi chờ mong.
Điều này càng ấn tượng hơn nếu ta xét rằng Eustace không lớn lên cùng ngựa và tới tận mười năm trước anh mới sở hữu một con. Anh nấn ná một thời gian dài bởi vì nuôi ngựa rất công phu và cần rất nhiều đất đai cũng như tiền bạc. Khi ta sống tự cấp tự túc, nuôi sống bản thân ta dễ hơn rất nhiều so với nuôi một con ngựa. Nhưng anh luôn biết một ngày nào đó anh sẽ có ngựa. Đó là một phần trong kế hoạch tổng thể. Ví như, anh mua cái máy cắt cổ lỗ hoạt động dựa vào sức kéo của ngựa nhiều năm trước khi anh có hoặc một đồng cỏ để cắt hoặc một con ngựa để phối hợp cắt xén với cái máy đó.
Khi cuối cùng đã phát quang đủ cây cối để tạo ra đồng cỏ chăn gia súc phù hợp trên Đảo Rùa, anh mượn một con ngựa cái Percheron già to lớn từ một nông dân trong vùng và dùng con ngựa cái ấy cho các trại viên của mình cưỡi và để anh thực hành việc đồng áng với ngựa. Con ngựa chậm chạp ì ạch, nhưng thậm chí ở bên con vật u sầu đó cũng đủ khiến huyết quản của Eustace rần rật. Anh muốn nhiều hơn. Thế là anh mua cho mình một con ngựa kéo trẻ trung rắn rỏi tên là Bonnie và, với nàng ngựa ấy, học cách lường trước những mối lo cũng như trí năng của loài ngựa, cách có những quyết định ra lệnh chớp nhoáng, và cách tin tưởng hoàn toàn vào những mệnh lệnh của mình. Eustace cũng tìm được cho mình hai người thầy - một nông dân già miền núi tên Hoy Moretz, ông biết mọi điều về thuần gia súc theo phương thức truyền thống, và một thanh niên là tín đồ dòng Mennonite tên Johnny Ruhl, Eustace tin rằng anh chàng có khả năng trực giác với loài ngựa không ai bì kịp. Eustace thường dẫn ngựa qua chỗ hai người này để học hỏi và rồi quanh quẩn bên cạnh khi họ làm việc với gia súc của họ, quan sát và học tập. Hoy và Johnny thấy Eustace là một học trò lý tưởng - tập trung và xuất sắc, và dễ dạy, bởi vì dường như bằng trực giác anh hiểu rõ câu ngạn ngữ cũ của vùng này về chuyện tại sao Thượng đế cho con người hai cái tai nhưng chỉ một cái miệng: anh ta có thể im lặng và anh ta có thể lắng nghe.
Eustace liên tục sử dụng Bonnie vào việc đồng áng
và làm sức kéo, và nó sinh ra để dành cho điều đó. Nó là một con bò đội lốt ngựa, anh rất cảm kích nó. Nhưng anh cũng say mê với ý tưởng cùng một con ngựa rong ruổi trên đường cho một hành trình thật dài nào đó. Thế nên anh thường xuyên đóng yên cho con ngựa cái làm nông to lớn của mình và đi vào vùng núi mấy ngày liền, chỉ để biết cảm giác ra sao nếu chu du cùng bạn đồng hành là một con vật. Eustace yêu ý tưởng này, nhưng Bonnie rõ ràng không sinh ra để dành cho những cuộc phiêu lưu như thế. Nó quá chậm chạp. Thế là Eustace bắt đầu khao khát một con ngựa để cưỡi đích thực. Anh muốn một chiếc mô tô êm ru chứ không phải một chiếc xe ủi cồng kềnh là Bonnie. Và thế là, với lời khuyên và sự chấp thuận của các thầy, năm 1994 anh mua cho mình một con ngựa thuần chủng Morgan, một con ngựa đua đường trường vô địch tên là Hasty.
Hasty - Siêu tốc - đúng y như cái tên của nó. Hơn nữa, khi về tay Eustace thì Hasty đã được huấn luyện thuần thục. Trước đây Eustace phải dạy cho Bonnie cách xử sự thì giờ Hasty dạy cho Eustace cách xử sự. Eustace hết sức tập trung chú ý và học rất nhanh, cho đến khi anh và Hasty đạt trình độ ngang nhau, đều có thể trải qua nhiều ngày dài chỉ bảo lẫn nhau cách kết thành một đôi. Eustace bắt đầu thực hiện những hành trình trên chặng đường dài với Hasty, phi từ trên núi xuống bờ biển Bắc Carolina. Đúng như đã nghĩ, anh thực sự vô cùng yêu lối thử thách cơ thể này, duy trì tốc độ nhanh băng qua địa hình mấp mô khó đoán định với con ngựa đồng hành và không có sự đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, điều anh không nghĩ đến là mức độ tương tác mãnh liệt hơn với những người Mỹ bình thường mà anh trải nghiệm được khi trên lưng ngựa phi ngang qua đời họ. Có cái gì đó ở sự hiện diện và vẻ lãng mạn của con ngựa đã thu hút được mọi người.
Phản ứng đó vừa đặc biệt vừa phổ biến. Một ngày đầu năm mới, khi Eustace đang cưỡi Hasty ra biển, anh phi qua một xóm nghèo xơ xác ở vùng nông thôn Bắc Carolina. Nơi đó toàn những túp lều và những chiếc xe moóc điêu tàn và những khoảnh sân đầy ô tô gỉ sét. Khi phi qua một mái nhà xiêu vẹo, anh thấy có tiếng huyên náo ầm ĩ ở sân sau. Có lẽ cũng cả trăm người, tất cả đều là người da đen nghèo, tụ tập lại trong một buổi tiệc sum họp đại gia đình. Mùi thịt nướng ngào ngạt trong không khí tháng Giêng lạnh ngắt. Toàn bộ khu đất nghèo nàn đang rung chuyển và rộn ràng với sự náo nhiệt của buổi lễ. Khi mọi người nhìn thấy Eustace - anh chàng người rừng râu quai nón bộ dạng trông rất đáng ngờ này, gã công tử da trắng ngồi trên mình ngựa với một khẩu súng ngắn trên yên này - họ cười lớn và hoan hô và gọi to, “Phi vào đây!” Thế là Eustace quay ngựa đi ngay vào sân, ngay vào giữa buổi đoàn viên đại gia đình. Y như thể anh là người trong gia đình. Mọi người ôm hôn chào đón và tán dương anh như một người họ hàng xa. Cả gia đình xúm đông quanh anh và lần lượt đề nghị được cưỡi ngựa. Họ có cả triệu câu hỏi. Họ muốn biết mọi điều về Eustace và thông điệp không tưởng cũng như đích đến của anh. Họ tiếp đồ ăn cho anh cho tới khi anh khó lòng di chuyển nổi, nhồi anh no căng với đùi lợn muối, bánh ngọt, cải bẹ, bánh bột ngô và bia hảo hạng, và rồi để anh đi tiếp đoạn đường của mình, với một đoàn người nô nức chạy theo sau, chúc anh may mắn, rồi hình ảnh họ mờ dần cho đến khi biến mất hẳn
Đối với Eustace, người gần như suốt đời nghĩ ra những cách phá bỏ mọi tường ngăn mà đi vào tâm thức của mọi kiểu người Mỹ, đây quả là một phát lộ. Đó là một cuộc gặp gỡ tình cờ và mãn nguyện, và anh biết rõ rằng anh sẽ không bao giờ được chào đón ở một cuộc hội họp như thế nếu không có con ngựa làm tàu phá băng. Eustace đã chu du khắp nước Mỹ - đi bộ, đi nhờ xe, ngồi trong toa chở hàng, lái xe đường trường - nhưng không phương tiện nào trang bị cho anh tình ái hữu dân tộc mà một chú ngựa có thể trao cho anh. Đó là câu trả lời.
Rõ ràng, đã đến lúc lập kế hoạch cho một hành trình trên lưng ngựa xuyên lục địa.
Eustace muốn cưỡi ngựa xuyên nước Mỹ và anh muốn đưa cậu em trai Judson đi cùng. Judson Conway là người đồng hành tuyệt vời, là người bạn chu du đáng mơ ước cho một chuyến đi như thế này. Nhưng hơn thế, Eustace cảm thấy rằng anh và Judson, với tư cách anh em trai, cần chia sẻ một trải nghiệm hào hùng nào đó. Anh nhận ra rằng mình vẫn nghĩ về Judson như một cậu bé, như một thằng nhóc trốn trong phòng ngủ với những bức tượng nhỏ các nhân vật trong phim Star Wars, và anh muốn xóa bỏ hình ảnh đó. Judson giờ đây đã thành đàn ông. Judson là một tay thợ săn, một kỵ sĩ, một lữ khách dạn dày, một chàng cao bồi hăng say lao động. Eustace muốn chứng kiến Judson trong tất cả các khuôn dạng này, đồng thời cũng là để trải nghiệm một chặng phiêu lưu dài mà chắc chắn sẽ kéo hai anh em xích lại gần nhau như những người ngang tài ngang sức.
Judson, khỏi cần phải nói, mê tít kế hoạch này. Anh muốn biến khỏi xã hội hiện đại và cưỡi ngựa xuyên nước Mỹ như một kẻ lang bạt kiêu hùng đích thực trên cao nguyên như phim Hollywood ư? Chết tiệt, đúng thế! Judson cuồng si kế hoạch đó, khao khát cơ hội có “cuộc đời chênh vênh thử thách, được dịp sống tự do phóng khoáng”. Anh lao ngay vào thả mình chìm đắm trong ý tưởng ấy, tuyên bố rằng anh sẵn sàng khởi hành liền tức thì, nóng lòng sốt ruột với cuộc săn đuổi. Chỉ cần trỏ về hướng Tây và ra lệnh cho anh rồi hãy xem ngựa anh tung vó.
Vậy là chuyện đã được định đoạt. Họ còn đồng ý lấy cho chính mình một cái tên. Họ sẽ là nhóm Kỵ sĩ Đường trường. Eustace, tất nhiên, ngay lập tức đứng ra tổ chức. Anh tính xem họ cần bao nhiêu ngựa, nên mang theo bao nhiêu tiền, nên mang theo loại súng gì, và toàn bộ hành trình sẽ đòi bao nhiêu thời gian. Anh tập hợp bản đồ và những chuyện kể đó đây của những lữ khách dặm trường trên lưng ngựa khác, cố gắng tiên lượng mọi sự việc có khả năng xảy ra. Tất nhiên hầu như không thể mường tượng chính xác điều gì sẽ xảy ra với họ ngoài kia; điều quan trọng là có một lộ trình thông minh, ngựa tốt, và một khởi đầu thuận lợi.
Eustace chọn một tuyến đường miền Nam xuyên qua đất nước. Kỵ sĩ Đường trường sẽ khởi hành từ đảo Jekyll, ngoài bờ biển Georgia, vận hết tốc lực phi thẳng về hướng Tây, băng qua Alabama, Mississippi, Louisiana, Texas, New Mexico, Arizona, và vào ngay California. Kế hoạch tổng quát của Eustace là đi men quanh các thành phố chính để không bị tống giam hay bị xe tải đâm (mẹ anh bắt anh phải hứa không để Judson bé bỏng có mệnh hệ nào) - và đó là tất cả những gì mà trước mắt anh có thể dự trù một cách hợp lý. Bắt buộc phải tập trung vào tốc độ. Đây sẽ không phải là một chuyến lang thang suy tư thong thả. Anh muốn ép bản thân và cậu em trai cùng mấy con ngựa đạt tới giới hạn tận cùng, để thấy chính xác họ có thể vượt ngần ấy dặm đường một cách suôn sẻ đến mức nào trong khi trải nghiệm sự chỉ đạo gay gắt của thử thách thể chất.
Và rồi, đột nhiên họ có một bạn đồng hành nữa.
Judson, theo đúng phong cách Judson, đã khoe khắp chốn về chuyến đi và tin đó tới tai người bạn của anh là Susan Klimkowski, một người bản địa Bắc Carolina đã làm việc cùng Judson ở nông trại trên Wyoming. Xinh một cách đằm thắm, hết sức e thẹn, và bền bỉ lạ lùng, cô gái Susan hai mươi lăm tuổi đã có thâm niên kinh nghiệm trên lưng ngựa nhiều hơn cả Judson và Eustace cộng lại. Cô là một trong số những người biết cưỡi ngựa trước khi biết đi. Cô không phải là người tìm cảm giác mạnh và không khoe mẽ, và cô không vờ vịt là đứa con thiên mệnh, nhưng khi nghe về hành trình xuyên nước Mỹ, lòng cô dậy lên một quyết tâm mãnh liệt. Cô phải đi cùng.
Judson đã làm việc với Susan ở dãy Rocky đủ lâu để biết rằng cô có thể kham được các đòi hỏi thể chất của chuyến đi này, nhưng anh bảo cô sẽ phải nói chuyện trực tiếp với Eustace. Vừa tỏ ra hoàn toàn tôn trọng và đồng thời cũng do thôi thúc bản thân không cưỡng được, Susan hỏi Eustace Conway liệu cô có thể tham gia nhóm Kỵ sĩ Đường trường chăng, không phải bằng cách gọi điện cho anh để xin xỏ, mà bằng cách phi ngựa lên núi tới nhà anh và ngồi trên lưng ngựa để thảo luận vấn đề. Nói cách khác, cô trình diện trước Eustace như cô sẽ trình diện trước toàn bộ thử thách này - khăn gói sẵn sàng, rõ ràng đủ năng lực, và mong mỏi không gì khác ngoài một từ “Đồng ý”.
Eustace đã trao từ đó cho cô. Anh thực sự ấn tượng với sự trình diện của cô và có thể nói rằng cô rất giỏi điều khiển ngựa. Nếu cô theo được, cô có thể đi cùng. Và điều hấp dẫn cộng thêm vào là Susan đến cùng một chiếc xe tải xinh xắn và một chiếc xe moóc chở ngựa mới tinh rất đẹp, Eustace nghĩ những thứ này hẳn sẽ là một bổ sung tuyệt vời cho cuộc hành trình. Anh biết rằng có thể hoàn thành một chuyến đi như thế mà không cần phương tiện hỗ trợ, nhưng anh cũng biết rằng họ có quá nhiều khó khăn nghiêm trọng trước mắt chưa thể đoán định, và có thêm một không gian an toàn di động để chứa ngựa bị thương và chăn mùng tăng cường thì sẽ giảm bớt phần nào áp lực và nguy hiểm. Sẽ hơi trở ngại một chút - mỗi ngày Eustace và Judson và Susan sẽ phải thay phiên nhau lái chiếc xe moóc đi trước trên đường, rồi đi nhờ xe quay lại để bắt đầu cưỡi ngựa. Họ sẽ cùng nhau ra sức phi hết dặm đường tới chỗ chiếc xe moóc đậu và rồi tiếp tục lên đường vào sáng hôm sau. Đó sẽ là một gánh nặng, nhưng là rắc rối đáng giá.
Đâu đã vào đấy. Thế là giờ họ có ba người. Ba người và bốn con ngựa và một chiếc xe tải và một chiếc xe moóc và cả lục địa trải ra trước mặt họ. Giáng sinh năm 1995, họ khởi hành. Họ đội mũ ông già Noel, cười vang, tràn đầy sinh lực và phấn khích. Ngay lập tức, họ tìm thấy một chai Bacardi chưa khui bên vệ đường. “Phước lành từ Chúa, một món quà từ tự nhiên,” Eustace tuyên bố, và họ ném phịch chai rượu xuống chỗ cũ rồi khởi hành.
Eustace cưỡi Hasty. Susan cưỡi Mac, một con ngựa mười hai tuổi đen tuyền đáng tin cậy giống Tennessee Walker. Judson thay đổi giữa Spur, một con ngựa Ả rập lông bạc rất đẹp anh đã mua ở một cuộc đấu giá, và con Tư lệnh, vừa mua cho cuộc phiêu lưu này, nó được anh em nhà Conway đặt tên theo tên người ông huyền thoại của họ, Tư lệnh Johnson.
“Tội nghiệp Tư lệnh,” Judson nói, ngày họ mua chú ngựa. “Nó đã lang thang ngoài đồng cỏ cả đời rồi nên đâu có biết nó sắp bước vào cái gì. Nó đang trên đường vỡ vạc ra mọi điều về chuyện làm thân ngựa.”
Nói thế không phải là có bất kỳ ai trong họ, cả người lẫn ngựa, có một ý niệm rõ ràng về điều họ sắp bước vào. (“Chúng tôi đã không biết mình đang làm gì,” Eustace sau này sẽ nói thế. “Và đó là một thực tế.”) Eustace căng thẳng và lo lắng hơn nhiều so với Susan và Judson, hai người này lúc bấy giờ vẫn còn nghĩ rằng chuyến đi sẽ không gì hơn là niềm vui bất tận. Eustace đủ tỉnh táo để clo không biết liệu thậm chí họ có thể sống sót không. Tuy nhiên, bất kể có điều gì xảy ra, Eustace cũng đã sẵn sàng ghi lại- Anh mang một máy ghi âm nhỏ bên mình cùng mười tám cuộn băng, và anh ghi một cuốn nhật ký bằng lời trong khi họ phi ngựa. Một phần lý do anh làm thế là để tránh cái chuyện phải ghi lại hồi ức của mình bằng tay, quá chậm. Và quả thực, những lời nói không dứt theo lối dòng ý thức trong các cuốn băng ấy càng được tiếng chim, tiếng xe cộ và tiếng vó ngựa làm nền làm cho sống động hơn.
“Tôi đang một tay cầm máy ghi âm, một tay giữ ngựa,” anh nói vào Ngày Hai của hành trình. “Đã thấy một số cảnh tầm gửi Tây Ban Nha tuyệt đẹp, một bé gái mặc áo khoác sáng màu vắt vẻo trên cây thông già to, máy ép đường, lò luyện kim, những cây cọ lùn. Đường ở đây khá bừa bãi rác rưởi, cốc, thùng bia, bao thuốc, vỏ chai, giấy gói, lon hộp, giấy nhôm. Thật đáng kinh ngạc, rác rưởi. Tuy nhiên, đi thêm mươi mét nữa thì cảnh vật lại đẹp. Những thân cây ngược nắng, vườn thông. Một kiểu độc canh. Đất nhiều cát. Ngay lúc này đây, tôi tự do như bất kỳ người nào trên nước Mỹ. Thật mãn nguyện được ở đây, xa mọi trách nhiệm, tôi mong thêm nhiều người có cuộc đời giản dị.”
Thế đấy, anh ghi lại trải nghiệm của mình, nhưng trong anh còn tồn tại cả một nhà dân tộc học đang làm việc, Eustace háo hức phỏng vấn những người Mỹ bình thường mà họ gặp dọc đường. Trong mấy năm lại đây anh càng ngày càng suy nghĩ nhiều về sự biến mất của phương ngữ do ảnh hưởng sâu rộng của truyền thông đại chúng. Anh có thể nghe thấy điều đó diễn ra tại thung lũng quê nhà, nơi người già Appalachia dường như nói một thứ tiếng khác hẳn ngôn ngữ của cháu chắt họ. Bậc ông bà vẫn có giọng nói điệu đà kiểu thời Elizabeth (ví như, họ phát âm từ “sword” với âm w rất rõ) và gọi công cụ và gia súc bằng những từ cổ mà chẳng bao lâu nữa sẽ biến mất, bởi vì thế hệ hậu bối của họ đều đang bắt đầu nói giọng nghe như đám DJ ở thành phố New York. Eustace rất yêu thích những phương ngữ rõ ràng và đích thực, và anh cũng là một người có tài bắt chước rất giỏi. Anh biết đây sẽ là cơ hội
cuối cùng để anh có được hình dung bao quát về các giọng nói miền Nam nước Mỹ, bởi vì Kỵ sĩ Đường trường thường phi băng qua sân sau nhà mọi người theo đứng nghĩa đen. Họ có giấy thông hành khắp lục địa và phi ngựa băng qua ngay chính giữa lòng đời sống người Mỹ - không rào cản, không biên cương, không mép giới hạn. Gần như thể họ là ma, và mọi bức tường trước mặt họ đều trở thành phi thực. Họ có thể ngửi và chạm và với tới mọi người khi họ đi qua.
Eustace ghi â lại một cụ già da trắng nghèo khó người Georgia hỏi, “Anh có loại trang trại nào vậy?”
“Vâng, thưa ông,” Eustace cất tiếng, “cháu có khoảng một nghìn mẫu đất ở Bắc Carolina. Cháu nghĩ có thể nói là cháu trông coi một trang trại truyền thống và nguyên thủy trên đó, đồng thời cũng là một trung tâm giáo dục tự nhiên…”
Nhưng ông già da trắng cắt lời. Không, không. Ông không muốn biết Eustace có loại trang trại (farm) nào; ông muốn biết Eustace có loại súng (fire arm) nào cơ. Thế là trong cuốn băng ấy ta có thể nghe thấy Eustace cười mãi không ngớt và lịch sự trình bày rõ để đáp lời ông.
Và anh cũng rất yêu những giọng nói của người da đen ở Georgia, ví như cụ già ngồi trên xích đu bên hiên nhà nọ đã sử dụng băng ghi âm của Eustace để hồi tưởng về tuổi thơ của ông trong một gia đình nông dân lĩnh canh:
“Cha tôi thường đi khắp các phòng và nói, ‘Dị đi, các chàng trai’ Chúng tôi chẳng hiểu gì. Ông nói, ‘Dị đi, các chàng trai!’ rồi lần sau ông nói, ‘Cha nghĩ các con phải dị đi’... Thời ấy tuyệt không có cái gì gọi là ngược đãi trẻ em cả nên tốt nhất là ta nên ra khỏi giường thôi, bởi vì tôi nói anh nghe cái này - bố tôi là người đàn ông đích thực nặng 130 cân, và khi ông nói, ‘Dị đi, chàng trai,’ thì tốt nhất là ta nên bước xuống sàn nhà.”
Gợi chuyện mọi người là việc rất dễ. Tất nhiên, đó là nhờ những kỵ sĩ này có vẻ gợi cảm vô cùng lãng mạn. Eustace cao ráo và mảnh khảnh ngồi trên cái yên ngựa Kỵ binh Hoa Kỳ cũ, mình trần hoang dã và râu ria bờm xờm, cắm lông trên tóc và phi ngựa thuần thục nên điều khiển Hasty không tốn sức tí nào. Anh trông như một kẻ đào tẩu từ Đội biệt động Texas, một tay săn tội phạm nào đó được tự do sau khi lạc mất đơn vị rồi trở thành người bản xứ. Judson và Susan mặc đồ cao bồi bụi bặm thời xưa - đủ cả quần da, đinh thúc ngựa, mũ rộng vành, áo khoác dài và khăn quấn đầu lớn in hoa sặc sỡ. Dáng vẻ của họ chỉ phần nào mang tính khoe mẽ; đây đúng là trang phục mặc khi ta trên mình ngựa cả ngày, phơi ra trước nắng, mưa, tuyết, lùm cây, bụi bặm.