Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 08 - Phần 1

Chương 8

Chỉ một mình tôi nhận thức thấu đáo kế hoạch đích thực và cách thức hoàn thành nó.

- Charles Fourier, nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng.

Ông ngoại của Eustace Conway thành lập Trại Sequoyah vào năm 1924 và ông đã điều hành lãnh thổ của mình với sự chỉ huy khắt khe cho tới lúc ông qua đời do đau tim ở tuổi tám mươi. Người ta kể lại, ông chết trong khi đang làm việc, không bao giờ mỏi gối chồn chân. Và ông không chỉ định người thừa kế di sản của mình. Sau đám tang của ông, mọi chuyện trở nên rõ ràng là chẳng có kế hoạch nào cho trại tiếp tục hoạt động khi không có ông. Mặc dù có một lực lượng đông đảo nhân viên làm việc cho mình, Tư lệnh không tin ai đủ để chuyển giao quyền quản lý hoạt động, chưa từng tìm được một ai khiến ông tin tưởng có thể điều hành Sequoyah thân yêu - “Trại Mục Tiêu” của ông nơi “Người Yếu Trở Nên Mạnh và Người Mạnh Trở Thành Vĩ Đại” - đạt tới những chuẩn mực khắt khe của ông.

Khi các trại viên và nhân viên đến Trại Sequoyah vào mùa hè, Tư lệnh coi sóc mọi mặt trong cuộc sống của họ. Ông chỉ thị cho họ phải mặc đồ ra sao, khi nào luyện tập, khi nào cầu nguyện, và ăn món gì. Một nhân viên tư vấn nhớ lại rằng Tư lệnh Johnson dẫn anh ta vào văn phòng của ông và làm một bài thuyết giảng tròn một tiếng đồng hồ về cách quét nhà tốt nhất. Một tư vấn viên khác có lần được một bài giảng về cách sử dụng kẹp giấy tốt nhất. (“Cái móc lớn vòng ra sau tập tài liệu; cái móc nhỏ thì ở phía trước.”) Đương nhiên là Tư lệnh cấm thuốc lá chửi bậy và rượu chè trên đất đai của ông. Nhưng không chỉ vậy, ông còn tuyệt đối nghiêm cấm Coca-Cola, giấm ớt và vải bông. Nghe đồn Tư lệnh đã cho diêm tiêu vào món táo thắng đường để “kiềm chế dục vọng” và giữ các chàng trai tránh khỏi ham muốn thủ dâm (“Chúng tôi thực sự đã ăn nhiều táo thắng đường,” một trại viên Sequoyah nay đã già nói khi tôi nêu chuyện này lên.) Tóc không được chạm tai. Vào Chủ nhật trại viên phải mặc áo trắng ủi thẳng. Y tá của trại, những người phụ nữ duy nhất trong lực lượng nhân viên ở đây, phải hết sức đoan trang và giản dị để không gây ra xao xuyến dục tình vì sự có mặt của họ. Nhân viên được xếp hạng trong suốt mùa hè dựa trên tiến bộ thể chất và xã hội của họ, với điểm cộng cho những nét tiêu biểu như Trung thành, sẵn sàng Gánh vác Nhiệm vụ, và Sức hút Cá nhân.

Ông không nhân nhượng. Ông không khen ngợi. Chưa một ai đủ tốt trong mắt Tư lệnh. Chưa ai làm việc chăm chỉ hay hiệu quả hơn Tư lệnh. Ông tạo nên khu trại đó từ vùng đất đai hoang dã chưa dấu chân người, tạo ra nó bằng sức mạnh và tài năng của bản thân ông. Ông đã chịu đựng qua những mùa đông đầu tiên ở Trại Sequoyah trong một lán gỗ, đã định ra mọi ý niệm triết học để biến khu trại này thành độc nhất, đã xây dựng mọi kiến trúc ở đó, và đã giữ cho hoạt động duy trì (và thịnh đạt) qua suốt những thời kỳ gian khó Đại suy thoái và Thế chiến Thứ hai. Thế thì ai được phép nói cho Tư lệnh Johnson cách thực hiện một điều gì đó? Không ai cả. Cũng giống như người cháu Eustace sẽ than phiền năm mươi năm sau trong nhật ký về những nhân viên bê trễ tại vương quốc của riêng anh, Đảo Rùa, “Tôi đã làm việc quần quật để làm cho nơi này được như ngày hôm nay. Còn họ làm được gì? Làm sao họ có thể coi trọng điều đó? Họ đã bỏ công sức vào thứ gì thực sự thử thách nào? Làm sao tôi có thể chịu đựng nổi họ?”

Ồ, anh có thể chịu đựng được họ bằng cách phủ chụp quyền lực tuyệt đối lên họ, cả thể xác lẫn tâm hồn. Đó là điều Tư lệnh đã làm. Tư lệnh có một loạt “cuộc trò chuyện” dành cho các trại viên vào nhiều thời điểm khác nhau trong quá trình họ sống trong trại, dựa theo tuổi tác của họ. Trong đó gồm những cuộc thảo luận về Thượng đế, Tự nhiên, Trung thực, Dũng cảm, Cách Trở thành Người Mang Sứ Mệnh, và đồng thời còn có các răn dạy về Thủ dâm và Hẹn hò. Ông nói chuyện với các chàng trai về “Ảnh hưởng của đời sống tình dục chừng mực đối với hôn nhân và con cái” (Cuộc trò chuyện số 5) và về “Bệnh lây qua đường tình dục” (Cuộc trò chuyện số 6). Khi các chàng trai của ông rời khỏi Trại Sequoyah, Tư lệnh vẫn giữ liên lạc với họ - với hàng nghìn người trong số họ - gửi những lời nhắn nhủ khích lệ vào mỗi dịp Giáng sinh, cũng như gửi những cuốn sách mỏng đầy tha thiết của chính ông, những cuốn sách mà ông gửi qua đường bưu điện cho họ vào những thời khắc quan trọng của cuộc đời:

Lá thư gửi các cậu bé về chuyện rời nhà đi học tiểu học

Lá thư gửi các chàng trai về chuyện bước vào đại học

Lá thư gửi các chàng trai nhân dịp sinh nhật hai mươi mốt

Lá thư gửi các chàng trai về việc kết hôn

Lá thư gửi các chàng trai vừa trở thành bố

Tất cả các cậu bé đều là con trai của Tư lệnh. Và các cậu bé của ông lớn lên đều trở thành bác sĩ, thẩm phán, giáo viên, người lính - trụ cột vững chắc của miền Nam nước Mỹ trong nhiều thập kỷ. Mỗi thành tựu của họ là thành tựu của chính ông. Vào thập niên 1950, một phụ nữ đã viết cho Tư lệnh một lá thư quả quyết với ông rằng con trai bà, vốn là trại viên Trại Sequoyah, đã trải qua hai năm trong Hải quân mà không bị nhiễm “thói hư tật xấu nào vốn hay thấy ở lính thủy. Tôi cảm thấy rằng cảnh mộng thằng bé đã được chứng kiến ở Sequoyah đã và sẽ mãi còn là ánh sáng dẫn dắt soi rọi suốt con đường của nó.”

Tất cả cậu bé đều là con của Tư lệnh, đúng thế. Nhưng ông cũng có hai người con ruột, Harold và Bill Johnson, anh của mẹ Eustace Conway, Karen.

“Lớp trẻ mỗi thế hệ nên nhận thức được vai trò mà một số trong họ sẽ được vinh dự đảm trách trong tiến trình của con người đạt tới một Sứ Mệnh Cao Hơn,” Tư lệnh viết, và không thanh niên nào chịu trách nhiệm này đè lên vai mình nặng hơn các con trai của Tư lệnh. Ấy thế nhưng Harold và Bill, có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết điều này, đều trở nên phản kháng lại người cha của họ. Họ hút thuốc và rượu chè từ năm mười lăm tuổi. Khi thì rầu rĩ khi thì ngang ngạnh. Nổ súng và đua xe. Bất phục tùng và phẫn nộ.

“Họ hoàn toàn trái ngược,” một trại viên Sequoyah cũ nhớ lại, “với những gì mà Tư lệnh vô cùng mong mỏi ở con trai. Ông ấy luôn hình dung họ sẽ là những cậu bé mẫu mực.

Tư lệnh chẳng tài nào hiểu nổi tại sao các con trai của ông lại trở nên hư hỏng. Có thể là do lỗi của bà mẹ. Bà Tư lệnh, người ta bao giờ cũng gọi bà với cái tên đó, luôn gây cản trở cho ông chồng bởi không nghiêm khắc và kỷ luật như ông mong đợi. Nhưng ta có thể mong đợi điều gì? Bà Tư lệnh không giáo điều như ông. Bà là một nghệ sĩ dương cầm tài năng, tốt nghiệp đại học, và là một người thời lưu thành thị bất đắc chí, nhiều cảm xúc và tâm trạng khó lường, và thường bất mãn vì phải sống cả đời trong rừng với hàng nghìn cậu bé. Bà có “khí chất nghệ sĩ”, là điều mọi người vẫn nói một cách hết mực tế nhị. Không giống ông chồng, lúc nào cũng xét những khía cạnh thuộc bản năng loài thú hằn trong bản tính con người từ góc độ logic, bà Tư lệnh nổi tiếng là đôi khi gào thét ầm ĩ trong những cơn tuyệt vọng và giận dữ. Bà cũng có tiếng là thỉnh thoảng trốn vào đâu đó để chơi những giai điệu ractim rạo rực dục tình trên đàn piano mỗi khi chồng bà không nghe thấy. Có lẽ bà còn rất thích ớt nữa.

Thế nên có thể những gì xảy ra với mấy cậu con trai đều do lỗi của bà Tư lệnh. Có lẽ Tư lệnh đã nghĩ vậy. Cứ hễ có cơ hội là cả hai cậu con trai đó trốn khỏi nhà. Harold, cậu con cả của Tư lệnh, là người gây cho ông nhiều phiền toái hơn cả. Con không thể nghe lời được sao? Không, Harold Johnson không thể nghe lời và phục tùng cha, không thể, ngay từ ngày đầu tiên. Và anh không thể chịu được sống ở nhà. Y như người cháu của Harold, Eustace, viết trong nhật ký thời niên thiếu nhiều thập kỷ sau: “Mặc dù bỏ trốn là điều rất ngớ ngẩn, tôi nghĩ chỉ cần tôi có thể trốn chạy thì ở bất cứ đâu trong rừng tôi cũng sẽ hạnh phúc hơn. Nếu thật sự ra đi, tôi sẽ nỗ lực hết mình để không quay lại, dù cho tôi có chết đói đi nữa. Bất cứ cái gì cũng đều tốt hơn thế này.”

Harold bỏ nhà đi Alaska khi anh mười bảy tuổi. Giống như những thế hệ thanh niên Mỹ thời trước anh, anh thẳng tiến tới vùng biên để thoát khỏi uy quyền của ông già. Anh không thể ở chung dưới một mái nhà với cha mình. Họ không có phương cách nào để trò chuyện. Người cha sẽ chẳng bao giờ khen ngợi Harold, chẳng bao giờ nương tay với anh, chẳng bao giờ cho anh một chút không gian nào để anh nhúc nhích hay phát triển. Nhưng Harold muốn trở thành một người đàn ông vĩ đại, và rõ ràng là chẳng có chỗ nào trong thành phố này cho cả hai người. Harold phải ra đi.

Anh đã đọc Jack London và cảm thấy rất khao khát.

Lúc anh tới được Seward chỉ có vỏn vẹn năm mươi xu trong túi. Anh đói, sợ hãi và đơn độc, nhưng anh chắc chắn một điều rằng sẽ không quay về Trại Sequoyah. Anh tìm được việc trong một đội làm đường. Rồi anh mua cho mình một chiếc mô tô và đi học sửa chữa động cơ. Và rồi khi Thế chiến II sắp nổ ra, anh gia nhập lực lượng lính thủy đánh bộ (gây nên nỗi khiếp sợ của người cha, vốn là một người hết lòng với hòa bình từ khi chứng kiến cảnh tàn sát trong những chiến hào ở Pháp). Harold đóng quân ở Hawaii, ở đó anh dạy cách sống sót trong rừng rậm cho các phi công của Lực lượng Không quân. Sau chiến tranh, anh từ chối quay trở lại miền Nam, và trên Alaska, anh mở hết cơ sở kinh doanh này đến cơ sở kinh doanh khác - một tiệm kem, một đại lý bán thuyền bè, một cơ sở phát triển kinh doanh bản kính dương màu theo đơn đặt hàng. Rồi anh làm và bán máy phát điện, một kế hoạch sinh lợi cao ở một bang mà lúc bấy giờ vẫn chưa có mạng lưới điện. Rồi anh gây dựng một doanh nghiệp buôn bán động cơ diesel và trở thành triệu phú. Anh cao gần hai mét, khỏe mạnh và bảnh bao. Và luôn nổi tiếng là một người đàn ông quyến rũ, lôi cuốn, to cao, mạnh mẽ và đầy uy lực, một người làm việc không ngừng không nghỉ, rất giỏi tự quảng bá bản thân, và không dễ gì khen ngợi hay hoan nghênh ý kiến của người khác.

Khi Tư lệnh Johnson qua đời ở tuổi tám mươi, không có ai tiếp quản Trại Sequoyah. Hai con trai ông chẳng ai muốn điều hành trại. Harold ghét miền Nam và đã có đế chế của riêng mình ở Alaska để quản lý. Bill, cậu con trai nhỏ tuổi hơn và rắc rối hơn, đã trở thành một tay chủ thầu bất động sản. Anh ta muốn bán một phần vương triều tươi đẹp giữa rừng già của Trại Sequoyah mà cha anh ta đã bảo tồn suốt nhiều thập kỷ, để làm nhà và đốn gỗ.

Có một điều cốt yếu về gia đình Johnson cần phải lưu ý ở đây. Khả năng cô con gái của Tư lệnh có thể tiếp quản Trại Sequoyah là điều dường như không bao giờ được bàn đến. Bất chấp sự tận tụy sâu sắc của Karen đối với mộng tưởng của người cha và khả năng sống nơi hoang dã của cô, cô không bao giờ được xem như một ứng viên cho cương vị lãnh đạo. Xem ra không đủ mạnh mẽ, có lẽ vậy. Nhưng chồng cô rất mong được điều khiển trại, khao khát có được cơ hội này. Và tất nhiên, như chúng ta biết, chồng cô là Eustace Robinson Conway.

Đó là Eustace Cha, người đã tới Trại Sequoyah sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts để được làm việc với lũ trẻ và sống giữa thiên nhiên. Là một trong những tư vấn viên sáng giá, thông minh, nghị lực, tận tụy, có thể chất phù hợp, Eustace Cha yêu thiên nhiên hoang dã, nắm giữ kỷ lục về khả năng đi bộ đường trường của toàn trại, và là một giáo viên tài năng, người dẫn dắt đầy kiên nhẫn các trại viên. Ông rất được yêu mến. (Một lần, tôi tới buổi họp mặt của Trại Sequoyah và gặp rất nhiều người đàn ông đã trưởng thành, khi tôi đề cập với Eustace Conway họ liền bảo, “Ông ấy có đến đây không? Chúa ơi, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để được gặp lại ông ấy! Ông ấy là nhà giáo dục về tự nhiên xuất sắc nhất tôi từng được học! Tôi tôn thờ ông ấy!” Mất một lúc làm tính nhẩm ước lượng tuổi tác tôi mới nhận ra những người đàn ông đứng tuổi này đang nói về bố của Eustace bạn tôi.) Với trí tuệ sắc bén và đam mê dành cho tự nhiên, Eustace Cha tin mình có bộ não và tinh thần để tiếp quản Trại Sequoyah một ngày nào đó. Và, như ông thoải mái thừa nhận với tôi, ông cưới Karen Johnson “nửa phần là vì con người của bà ấy, còn nửa phần là để đặt tay lên khu của cha bà ấy.”

Sự thật thì, ông hẳn sẽ rất xuất sắc trong việc điều hành nơi đó. Như một trại viên Sequoyah cũ nhớ lại, Eustace Cha “cũng nghiêm khắc, tận tâm, giỏi giang y như chính Tư lệnh vậy. Chúng tôi ai cũng cho rằng một ngày nào đó ông ấy sẽ tiếp quản trại. Ông ấy là người có khả năng hơn ai hết trong việc giữ cho khu trại đạt tới các tiêu chuẩn của Tư lệnh.” Nhưng khi Tư lệnh qua đời, ông không viết một lời nào như thế trong di chúc. Và Harold và Bill tuyên bố họ sẽ đấu tranh tới cùng để giữ không cho khu trại lọt vào tầm kiểm soát của người em rể. Họ không ưa gì chồng của cô em gái. Họ ghét ông bởi sự ngạo mạn về tri thức của ông và sự coi thường của ông đối với họ. Họ nghĩ ông là một kẻ cơ hội và sẽ không để ông được bén mảng tới nơi đó.

Thế là khu trại cứ lay lắt qua nhiều năm dưới sự quản lý không đạt chuẩn, được lãnh đạo bởi những người đàn ông kém cỏi hơn vốn không thuộc gia đình Tư lệnh. Còn với Eustace Cha, ông từ bỏ giấc mơ trở thành nhà giáo dục tự nhiên mà đến làm kỹ sư cho một nhà máy hóa chất. Sống trong một cái hộp, làm việc trong một cái hộp, lái từ cái hộp này tới cái hộp khác trong một cái hộp có bánh xe. Ông không bao giờ đặt chân tới gần Sequoyah nữa. Và khi Eustace Con lại thành ra một cậu bé hoang dã và ngang ngạnh, yêu thích rừng già hơn trường học, Eustace Cha thường xuyên tấn công cậu với lời lên án rằng cậu “vô nguyên tắc, bất thường, cứng đầu và khó chịu, y hệt như mấy ông cậu nhà Johnson vậy.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3