Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 08 - Phần 2
Trại Sequoyah rốt cuộc tàn lụi thành con số không. Những ngôi nhà gỗ tự làm vững chãi nằm im lìm trống trải. Khi cuối cùng trại bị bỏ hoang vào thập niên 1970, Eustace Conway Con đã bước vào tuổi thiếu niên. Cậu đã là một kẻ đi rừng thuần thục và một người chỉ huy đáng sợ, cậu bé đã bắt tất cả trẻ con xóm luân phiên làm việc theo ca suốt cả ngày trời để phục vụ bộ sưu tập rùa lớn của cá nhân
“Con muốn Trại Sequoyah,” Eustace Con nói. “Trao nó cho con! Hãy để con điều khiển nó! Con biết con làm được!”
Tất nhiên là chẳng ai nghe cậu. Cậu chỉ là một đứa trẻ.
***
Mùa hè năm 1999.
Khi trở về với hàng nghìn mẫu đất Đảo Rùa sau những chuyến phiêu lưu xuyên nước Mỹ trên lưng ngựa và trên xe ngựa, Eustace Conway thấy thiên đường của anh là, phải, một đống hỗn độn.
Sau nhiều năm dưới bàn tay mở mang và phát triển của Eustace, Đảo Rùa đã phong phú hơn rất nhiều; nơi này không còn là khu bảo tồn thiên nhiên thô mộc nữa mà đã trở thành một trang trại nguyên thủy vô cùng trật tự và hoạt động hiệu quả. Đây đó có những tòa nhà, tất cả đều được Eustace xây dựng với nhiều kiểu cách truyền thống khác nhau, vẫn còn đó văn phòng sử dụng năng lượng mặt trời của riêng anh, phải. Nhưng anh cũng đã xây nhiều công trình công cộng, trong đó có một khu nhà nghỉ thoải mái cho khách tham quan tên là “Nhà Cho Mọi Người”, được anh thiết kế theo nguyên mẫu là nhà kho truyền thống của một người hàng xóm.
Anh đã xây một kho chứa dụng cụ rất đẹp, làm thủ công một cách hoàn hảo giống hệt như những ngôi nhà thời Daniel Boone, với cánh cửa bằng gỗ sồi tự xẻ và bản lề tự làm và những khe hở trát đầy phân bón và đất sét. Anh dựng kiến trúc này dựa trên những ngôi nhà anh đã thấy tại các di tích lịch sử. Và một chuồng lợn từ những thanh gỗ lắp mộng đuôi én, khắc hình chữ V theo phong cách truyền thống của người Appalachia. Và một chuồng gà với phần móng bằng đá sâu hai mươi phân trong lòng đất để không cho bọn thú ăn thịt đào đất vào chuồng trộm. Một nhà kho đựng ngô với những tấm ván sàn rất đẹp, và mặc dù “một trăm năm sau có thể ai đó sẽ ước gì tôi đã không sử dụng gỗ thông thì cũng đành. Tôi cần phải làm cho xong việc.” Anh đã dựng một xưởng rèn từ gỗ bồ kết và gỗ sồi, ngay bên cạnh một xưởng rèn đã đứng đó từ cách đây hai trăm năm, khi nơi mà giờ đây là Đảo Rùa chỉ là con đường lớn duy nhất cho toàn bộ khu vực thuộc dãy Appalachia này. Anh dùng đá của xưởng cũ để làm lò luyện, nơi giờ đây anh làm mọi việc gò rèn. Anh còn tạo một khu bếp ngoài trời. Và, trong suốt một mùa hè, với một đội hơn mười vốn chưa bao giờ làm công việc xây dựng, anh đã dựng một nhà kho cao mười hai mét bằng cây dương, cây thông và bồ kết ghép lại với nhau mà không có lấy một tấm gỗ xẻ, có những thanh xà dài hai mươi mét và khoe ra một mái vỉa rộng, sáu ô chuồng ngựa, và hàng nghìn tấm ván xẻ thủ công.
Và vẫn còn nhiều nữa.
Giữa công cuộc xây dựng này, một giáo sư ngành nhân học ở Bắc Carolma được nghe về chàng thanh niên thiên tài sống trên núi, xây nhà không cần đinh, làm nông cùng gia súc, và hoàn toàn tự cấp tự túc. Tò mò, một hôm bà bảo một sinh viên lên Đảo Rùa hỏi Eustace xem liệu anh có vui lòng xuống núi trò chuyện với lớp của bà và giải thích làm sao anh thực hiện được tất cả việc này. Với tinh thần trách nhiệm, Eustace cân nhắc lời đề nghị. Rồi anh bảo cậu sinh viên trở xuống núi với một lời nhắn nhủ ngắn gọn cho vị giáo sư đáng mến đó. “Nói với bà ấy tôi làm được điều đó bằng cách làm bở hơi tai.”
Đảo Rùa giờ đây là một khu đất rộng lớn và phức hợp. Chưa kể việc tổ chức các chương trình giáo dục, chỉ điều hành trang trại không thôi cũng đã là một việc đồ sộ. Nào là trông nom ngựa và bò và gà tây, nào là giữ gìn chuồng trại, sửa chữa hàng rào, xới cỏ, trồng vườn, rồi còn đóng kiện cỏ khô. Giữ cho nơi này hoạt động là cả một khối lượng công việc khổng lồ, và Eustace đã phó mặc tất cả vào tay những người học việc. Anh làm thế mà lo lắng vô cùng. Trước khi thực hiện những hành trình cùng ngựa, anh đưa cho các học viên các danh sách và các bài giảng để đảm bảo họ hiểu chính xác cách trông coi khu đất này, nhưng cuối cùng, anh rút gọn yêu cầu của mình xuống còn hai điều căn bản: “Làm ơn,” Eustace khẩn nài. “Chỉ cần không làm chết một con vật nào và không làm cháy một ngôi nhà nào của tôi.”
Ồ, họ không làm chết con vật nào của anh. Họ cũng không làm cháy bất kỳ ngôi nhà nào của anh. Nhưng khi Eustace trở lại, anh thấy Đảo Rùa chìm trong hỗn độn kinh khủng. Vườn tược um tùm cỏ; cầu cống cần sửa chữa; dê thả không đúng bãi; lối đi cây cối rậm rì. Chẳng có ai lo việc quảng bá và xếp lịch, điều đó có nghĩa là chẳng có lấy một nhóm học sinh nào tới thăm Đảo Rùa vào mùa thu năm ấy, và điều này lại có nghĩa là tiền bạc sẽ eo hẹp suốt mùa đông.
Nhân công của Eustace đều là những người năng nổ và chăm chỉ, nhưng sự thực thì Eustace chưa bao giờ tìm được bất kỳ ai anh tin cậy giao quản lý Đảo Rùa để làm cho cơ sở này phát đạt khi anh đi vắng. Tất nhiên, thật khó mà tưởng được rằng có ai đó có thể hoặc sẵn lòng làm việc bằng số giờ Eustace vẫn thường làm. Anh có một số học viên biết đối nhân xử thế, một số rất yêu gia súc, một số giỏi lao động chân tay, một số khá thạo kinh doanh. Nhưng không ai có thể làm mọi việc như Eustace, nghĩa là mọi thứ. Và chẳng ai sẵn lòng xây dựng nhà kho suốt cả ngày rồi lại thức suốt đêm để gọi điện và viết chứng thư đất đai.
Cái anh cần là một bản sao của mình.
Thay vào đó, anh đã thuê một quản lý chương trình, nhà tự nhiên trẻ đầy tài năng có thể lãnh trách nhiệm điều hành trại và lo mặt giáo dục ở Đảo Rùa, để Eustace có thể tập trung vào con cưng của mình, chương trình học nghề. Eustace tin rằng thông qua chương trình dạy kèm tập trung này anh sẽ có được tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Từ rất lâu Eustace đã bắt đầu tự hỏi liệu lo cho hết nhóm này tới nhóm kia những trại viên bất kỳ thì có thực sự thay đổi được gì trong xã hội Mỹ hiện nay không.
“Tôi đang ngồi dưới cây óc chó trong bãi đỗ xe trên thảm cỏ vừa mới cắt,” anh đã viết vào nhật ký trong một lần khủng hoảng tâm lý như thế, không bao lâu sau khi Đảo Rùa mở cửa. “Tôi phải nấu bữa tối cho những kẻ biếng nhác thuộc nhóm 'thanh niên dễ sa ngã' ở đây. Tôi chẳng muốn đối mặt với họ. Cứ hễ đối diện với thái độ xấc láo của họ là chẳng mấy chốc tôi lại sinh ra cái thái độ như thể muốn họ cứ phải đau đớn mà chết quách đi cho rồi. Tôi cảm thấy mình yếu đuối... Tôi không biết liệu mình có thực sự muốn làm cho nơi này được như mình từng mơ ước không. Tôi biết tôi có thể. Tôi có thể khiến nó thành công, nhưng tôi có muốn điều đó không?”
Anh đã quyết định rằng câu trả lời là duy trì việc tổ chức trại và các chương trình trong ngày, nhưng để một người khác quán xuyến các hoạt động đó để anh có thể tập trung vào những người học việc. Anh muốn dồn sinh lực và khả năng của mình vào những mối quan hệ giảng dạy trực tiếp, lâu dài, thân mật với những đệ tử trực tiếp của anh. Rồi sau đó họ sẽ đem những kỹ năng của bản thân vào đời mà dạy dỗ người khác, những người khác ấy sẽ dạy những người khác nữa, và thế là sự thay đổi sẽ đến, có lẽ sẽ chậm hơn so với Eustace từng mơ mộng khi anh hai mươi, nhưng dù sao sự thay đổi cũng sẽ đến.
Anh hầu như chắc chắn về điều đó
***
Có một cô gái. Cô là một hippy. Tên cô là Alice. Alice yêu tự nhiên hơn bất cứ gì, và cô muốn sống trong rừng theo cách tự cấp tự túc, và chị gái cô, vốn có biết Eustace Conway, bảo rằng, “Này Alice, đây là người đàn ông dành cho em đấy”. Alice liên lạc với Eustace và bảo anh rằng cô muốn sống gần tự nhiên, như anh. Một chiều, cô tới thăm Đảo Rùa, và Eustace dẫn cô đi một vòng và đưa cho cô mấy tập sách hướng dẫn rồi bảo cô nghĩ xem liệu cô có thích làm người học việc không. Cô lướt nhìn những dòng suối chảy róc rách, những hàng cây rì rào, đàn gia súc nhởn nha gặm cỏ trên đồng, và tấm biển chào mừng đầy vẻ thanh bình ở cổng chính (Không Áo, Không Giày, Không Sao Cả!), và nghĩ chắc chắn mình đã lên tới thiên đường.
Ngay lập tức, Alice viết cho Eustace, cam đoan với anh rằng “bản năng của tôi bảo ĐỒNG Ý! Qua những điều ít ỏi tôi đã nhìn thấy và đọc được, Đảo Rùa có những phẩm chất dường như là gần gũi nhất với trái tim tôi. Giống như giấc mơ trở thành hiện thực vậy. Tôi cũng rất biết ơn trước sự chào đón cởi mở của anh và sẽ lấy làm vinh dự được đến sống, học tập, làm việc và vui chơi cùng anh và vùng đất ấy. Tôi nhớ khi còn bé xem phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên tôi đã thầm mơ một ngày nào đó sẽ được sống như thế thay vì chỉ được xem trên màn ảnh. Cống hiến cho gia đình, sống hài hòa với thiên nhiên. Ôi... cuộc sống ngọt ngào.”
Sau bảy tháng sống ở Đảo Rùa, Alice viết cho Eustace một lá thư theo kiểu hoàn toàn khác.
“Khi lần đầu đến đây, tôi đã đề nghị mỗi tuần một ngày nghỉ. Anh bảo tôi là tôi không xứng đáng với điều đó. Nhưng mới là dịp cuối tuần thứ hai của Jennie ở đây mà cô ấy đã có một ngày nghỉ. Anh chỉ cho cô ấy cách lột da nai trong khi tôi phải làm bở hơi chỉ để anh công nhận tôi là một học viên... anh bắt tôi làm quá cực nhọc... khiến tôi cảm thấy mình vô dụng... Tôi cảm thấy mình không được đánh giá đúng và thừa thãi... anh bảo càng hiểu được tôi anh càng thất vọng về tôi... anh bắt tôi làm việc mười đến mười hai tiếng mỗi ngày... có lẽ tôi không nên ở đây.”
Thế rồi Alice bị đuổi đi. Sa thải. Giải tán.
Có vấn đề gì vậy? Điều gì xảy ra trong bảy giữa “cuộc sống ngọt ngào” với “có lẽ tôi không nên ở đây” thế nhỉ?
À, theo Eustace, vấn đề ở chỗ Alice là một cô nàng hippy, một người mộng mơ, một kẻ lười biếng. Trong đời mình cô nàng đã dùng rất nhiều ma túy, và có thể vì thế mà não bộ hoạt động chậm chạp, cô đãng trí và gặp khó khăn trong việc học làm mọi thứ đúng cách. Cô làm việc không nhanh và không hiệu quả. Cô không thể hấp thụ được các kỹ năng, cho dù có được xem quy trình đúng bao nhiêu lần đi chăng nữa. Và cô làm hao tổn quá nhiều năng lượng cảm xúc của Eustace, lúc nào cũng muốn ngồi trong văn phòng của anh để nói về tự nhiên rồi những cảm nhận của cô rồi giấc mơ đêm qua rồi cả bài thơ cô vừa viết.
Và Eustace sợ rằng Alice có thể vô tình hại chết ai đó hoặc chính bản thân cô. Alice thường xuyên có những trò nguy hiểm vô cùng kỳ cục như bỏ mặc nến cháy bên bậu cửa sổ căn nhà gỗ mà chẳng buồn để ý. Nhiều lần cô nàng lang thang mơ mộng vào con đường chỗ cây cối đổ xuống khi Eustace phát rừng làm đồng cỏ. Tệ hại nhất, một hôm khi Alice làm việc với Eustace trong lúc anh lên xe ngựa để huấn luyện một con ngựa trẻ, chưa đưa dây cương cho Eustace thì cô nàng đã tháo dây buộc thả con ngựa ra. Con ngựa, trẻ và bất kham, bắt đầu phi như điên, và Eustace mắc kẹt trong chiếc xe ngựa, tay không, chẳng tài nào điều khiển nổi con vật. Con ngựa lao băng qua khu rừng trong khi Eustace bám chặt để thoát chết, cố gắng nghĩ xem chỗ nào mềm nhất để nhảy ra đặng cứu mạng mình. Cuối cùng anh lao đầu vào ngay một bụi rậm với vận tốc hai mươi lăm dặm mỗi giờ, đập mặt xuống và bị thương nghiêm trọng. Con ngựa đập tan chiếc xe vào bên hông xưởng rèn và bản thân nó cũng đầy thương tích.
“Phải mấy tháng ròng tôi mới sửa được chiếc xe ngựa đó nó là đồ cổ của người phái Mennonite,” Eustace nhớ lại “nó hỏng hoàn toàn. Tôi mất tới 2.000 đô. Đó là tôi chưa tính 10.000 đô bồi thường chấn thương tâm lý chuyện này đã gây ra cho con ngựa khi khiến nó phải ở trong tình trạng lồng lộn tồi tệ như thế lúc còn nhỏ tuổi tới vậy. Phải mất gần một năm tôi mới làm cho con ngựa có thể thoải mái kéo xe ngựa trở lại. Và tất cả là do sự bất cẩn của Alice.”
Hai tuần sau, cô nàng tái phạm đúng lỗi ấy. Đó là khi Eustace bảo là cô ta phải đi. Cô nàng quá thiếu lý tính và nguy hiểm không thể nào giữ lại, ngơ ngác như thể lúc nào cũng ở trong ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên thần tiên của mình vậy.
***
Đuổi người học việc không bao giờ là chuyện dễ dàng, nhất là khi đó là vấn đề tự trọng đối với Eustace Conway khi tuyên bố rằng bất kỳ ai cũng có thể học cách sống cuộc sống nguyên thủy này và anh là người có thể dạy cho bất kỳ ai. Giấc mơ sẽ sụp đổ khi phải nói với một ai đó, “Bạn phải rời khỏi đây bởi vì bạn không có khả năng tiếp thu.” Hoặc, “Bạn phải rời khỏi đây bởi vì bạn không thể thích ứng với nơi này.” Quả là một khoảnh khắc tệ hại khi điệp khúc của Eustace Conway chuyển từ “Bạn có thể!” sang “Bạn không thể!”
Một lần tôi hỏi Eustace bao nhiêu phần trăm người học việc rời khỏi Đảo Rùa trong tình cảnh tức giận hoặc cay đắng. Không chút chần chừ, anh nói, “Tám lăm phần trăm. Tuy nhiên người quản lý chương trình của tôi có lẽ sẽ nói là gần chín lăm phần trăm.”
OK, vậy hãy làm tròn là 90 phần trăm. Khi nhìn vào một tỉ lệ tiêu hao như vậy thì thật khó mà không gắn danh hiệu lãnh đạo tồi cho Eustace. Rốt cuộc, Đảo Rùa là thế giới của anh, và anh chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong thế giới của mình. Nếu anh không thể giữ được dân của mình thì rõ ràng có gì đó sai lầm trong chiến lược của anh. Nếu tôi là một cổ đông của một công ty hằng năm có tới 90 phần trăm nhân viên bỏ việc hoặc bị sa thải, có lẽ tôi sẽ nghĩ tới chuyện đặt ra cho giám đốc điều hành một số câu hỏi nghiêm túc về đường lối quản lý của anh ta.
Mặt khác, có lẽ bản thân con số đó cũng hết sức có ý nghĩa. Có lẽ chẳng dễ dàng gì trụ được ở Đảo Rùa. Có lẽ chỉ mười phần trăm dân số có thể làm được điều đó. Sẽ như thế nào nếu mẫu so sánh là chương trình luyện tập của Lực lượng Biệt Hải? Mỗi năm họ mất bao nhiêu người trong số các chàng trai đó? Và ai là người ở lại sau khi tất cả những người khác bỏ đi? Người mạnh nhất, phải không? Tuy nhiên, những người lên Đảo Rùa không nhất thiết phải là người phù hợp nhất cho nơi ấy.
“Hết lần này tới lần khác,” Eustace nói, “tôi mời mọc những người có mơ ước về thiên nhiên nhưng lại hoàn toàn không có kinh nghiệm với thiên nhiên. Họ lên đây, và câu so sánh duy nhất của họ là, 'Ôi, nơi này trông giống y như trên kênh Thiên Nhiên vậy.'”
Một trong những người học việc ở Đảo Rùa mà tôi yêu mến là Jason, một cậu thanh niên thông minh, ăn nói nhẹ nhàng. Cậu xuất thân từ một gia đình giàu có, lớn lên trong điều kiện đầy đủ, và được giáo dục cẩn thận trong những trường tư thục hạng sang. Khi tôi hỏi Jason tại sao cậu muốn dành hai năm tới trong đời mình theo học Eustace Conway, cậu nói, “Bởi vì tôi đã không hạnh phúc, và tôi không biết đi đến nơi nào khác để tìm hạnh phúc.”
Đau buồn trước cái chết bất ngờ của người cha thân yêu, giận mẹ vì đầu óc “Thiên Chúa giáo thiển cận”, bực mình với “những vị giáo sư vô dụng”, chán ghét đám bạn bè đồng trang lứa “ngu dốt không chịu lắng nghe những bài hát của tôi và lời cảnh báo trong những bài hát đó về sự hủy hoại môi trường”, Jason bỏ đại học giữa chừng. Khi nghe về Eustace, cậu nghĩ rằng ở Đảo Rùa một thời gian sẽ mang lại sự khai sáng mà cậu kiếm tìm. Cậu thấy Eustace là một người hùng phi thường “bước ra thế giới và đón nhận sứ mệnh của mình mà không hề sợ chướng ngại, và là người có thể làm mọi việc đâu ra đó khi mà hầu hết mọi người bằng lòng đứng chống mắt xem mọi thứ hỏng hoại.” Một cách đầy ấn tượng, Jason quyết định đi bộ một mạch từ Charlotte lên Đảo Rùa đúng vào dịp Giáng sinh, thế nhưng cậu chỉ đi được có năm dặm. Trời đổ mưa băng, cậu lại mang quá nhiều hành lý và không thể nghĩ ra chỗ nào để cắm trại đêm đó hoặc phải làm sao để được khô ráo. Nản chí và đói lả, cậu gọi cho bạn gái từ một trạm xăng, thế là cô gái lái xe tới chở cậu nốt phần đường còn lại tới Đảo Rùa.
Mơ ước của Jason là sống được lối sống hoàn toàn tự cấp tự túc. Cậu không muốn đối mặt với những người Mỹ rởm rít và sự mê muội vật chất của họ. Cậu dự định chuyển tới Alaska và xây nhà dựng cửa ở đó giữa vùng biên cuối cùng của nước Mỹ. Cậu muốn sống hoàn toàn dựa vào đất đai, và cậu hy vọng rằng Eustace sẽ dạy cho cậu cách làm điều đó. Cậu mong là cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn ở Alaska, nơi “một người đàn ông vẫn có thể săn bắn tìm kiếm thức để nuôi sống gia đình mà không cần phải chịu đựng sự quan liêu để có một giấy phép săn bắn.”
“Cậu đã bao giờ săn bắn chưa?” tôi hỏi Jason.
“À, chưa,” Jason nói, cười bẽn lẽn.
Jason chính là hình mẫu của những thanh niên đến với Eustace Conway để được dìu dắt. Cậu đang cố gắng tìm cách trở thành một người đàn ông trong cái xã hội đã không còn lấy một lối đi quang đãng dành cho cậu. Cũng hệt như Eustace Conway thời niên thiếu đã nỗ lực tìm kiếm những nghi thức dẫn anh vào tuổi trưởng thành, Jason đang nỗ lực tìm kiếm một nghi lễ hoặc ý nghĩa nào đó có thể giúp vạch định con đường tiến bước của chính cậu. Nhưng cậu không có hình mẫu, nền văn hóa của cậu không có nghi lễ bước vào tuổi trưởng thành nào vừa ý cho cậu, và nền tảng tri thức của cậu không cung cấp cho cậu những kỹ năng đàn ông vốn dĩ vô cùng lôi cuốn cậu. Như cậu thừa nhận, cậu lạc lối.
Đây cũng chính là câu hỏi về văn hóa gây bất an mà Joseph Campbell[1] đã đặt ra trong suốt bao nhiêu năm. Điều gì sẽ xảy ra với những người trẻ trong một xã hội đã đánh mất mọi dấu vết của nghi thức? Bởi vì thời niên thiếu là một giai đoạn chuyển tiếp, đó là một hành trình vốn dĩ mang nhiều hiểm họa. Nhưng văn hóa và nghi thức được cho là bảo vệ chúng ta qua những giai đoạn chuyển tiếp của cuộc đời, giữ chúng ta an toàn giữa hiểm nguy và trả lời những câu hỏi hóc búa về căn tính và về sự thay đổi, để giữ chúng ta không xa rời cộng đồng trong những hành trình gian khó nhất của bản thân.
[1] Joseph Campbell (1904 -1987): nhà thần thoại học, nhà văn và học giả người Mỹ.
Trong những xã hội nguyên thủy hơn, một cậu bé có thể phải trải qua một năm trời thực hiện các nghi thức kết nạp để đưa cậu vào tuổi trưởng thành. Cậu sẽ chịu sự đày đọa mang tính nghi thức hoặc những thử thách sức chịu đựng khắt khe, cũng có thể cậu sẽ phải rời khỏi cộng đồng để trải nghiệm một giai đoạn trầm tư và cô độc, sau giai đoạn đó cậu sẽ trở về với gia đình và mọi người sẽ nhìn cậu như một con người đã hoàn toàn thay đổi. Cậu sẽ chuyển tiếp an toàn từ thời thiếu niên sang tuổi trưởng thành, và cậu sẽ biết chính xác khi điều đó xảy ra và biết từ đấy người ta chờ đợi điều gì ở cậu, bởi vì vai trò của cậu đã được ghi thành điển lệ rõ ràng. Nhưng làm thế nào một thiếu niên Mỹ hiện đại biết được khi nào cậu bước qua ngưỡng cửa trưởng thành? Khi cậu nhận bằng lái xe chăng? Khi cậu hút ma túy lần đầu? Hay khi cậu trải nghiệm tình dục không an toàn với một cô gái trẻ mà bản thân chẳng biết giờ mình đã là phụ nữ hay chưa?
Jason không biết. Tất cả những gì cậu biết là cậu khao khát một kiểu thừa nhận nào đó đối với sự trưởng thành của cậu, và cuộc sống ở trường đại học không trao cho cậu điều ấy. Cậu chẳng biết phải tìm điều cậu đang tìm kiếm ở đâu, nhưng cậu bị thôi thúc bởi ý nghĩ Eustace có thể giúp được. Jason có một người bạn gái xinh đẹp, và cậu nuôi ý tưởng lãng mạn rằng một ngày nào đó hai người sẽ cùng nhau định cư ở Alaska, nhưng rõ ràng cô gái có những ý tưởng của riêng mình. Cô trẻ trung, giàu có, là một sinh viên xuất sắc, luôn bê vực nữ quyền như hầu hết những người thuộc thế hệ cô, và cô khao khát được thấy thế giới. Cô có những triển vọng bất tận trước mắt. Jason hy vọng cuối cùng cô sẽ “ổn định” với cậu, nhưng tôi cảm thấy nghi ngờ điều đó, và quả nhiên mấy tháng sau cô rời bỏ cậu. Và điều đó khó lòng khiến Jason cảm thấy dễ chịu hơn về bản thân mình như một người đang trong quá trình chuyển hóa thành đàn ông.
Đối với tôi thì dường như nỗi bức bối của Jason là điển hình cho rất nhiều nam thanh niên Mỹ, những người cứ nhìn các bạn gái đồng trang lứa bay vào một thế giới mới và thường khó mà bắt kịp được. Rốt cuộc, khi trông ra xã hội Mỹ, Jason thấy gì? Ngoài những khủng hoảng về tiêu thụ và về môi trường vốn gây bực mình sâu sắc cho sự nhạy cảm của cậu, cậu đang đối mặt với một thế giới đang trải qua biến chuyển toàn diện về văn hóa và về giới. Đàn ông chủ yếu vẫn nắm quyền, xin nhớ cho, nhưng họ đang tuột dốc rất nhanh. Nước Mỹ hiện đại là một xã hội mà đàn ông tốt nghiệp đại học đã chứng kiến thu nhập của họ giảm sút 20 phần trăm trong hai mươi lăm năm trở lại đây. Một xã hội mà tỉ lệ phụ nữ học xong trung học và đại học cao hơn nhiều so với nam giới, và những cánh cửa cơ hội mới mở ra cho họ mỗi ngày. Một xã hội mà một phần ba tổng số bà vợ kiếm được nhiều tiền hơn ông chồng. Một xã hội mà phụ nữ ngày càng kiểm soát được vận mệnh kinh tế cũng như số mệnh sinh học của họ, thường lựa chọn đơn thân nuôi con hoặc không sinh con hoặc hoàn toàn gạt bỏ một người đàn ông có danh tính cụ thể ra ngoài chuyện sinh nở, thông qua phép lạ của ngân hàng tinh trùng. Nói cách khác, một xã hội mà người đàn ông không còn thiết yếu theo cách nhân loại cần họ trước đây - để bảo vệ, để cung ứng, để truyền giống.
Gần đây tôi có tới xem một trận bóng rổ nữ nhà nghề ở New York. Thời thiếu nữ tôi từng là một vận động viên bóng rổ đáng mặt, nhưng hồi đó không có cái gì như WNBA[2], thế nên tôi rất quan tâm theo dõi liên đoàn này phát triển trong những năm gần đây. Tôi thích đến các trận đấu xem các vận động viên nữ xuất sắc thi đấu để giành những khoản lương không hề nhỏ. Tuy nhiên chủ yếu tôi thích quan sát khán giả, thường là những cô gái mười một mười hai tuổi đời đầy nhiệt tình và sung mãn. Vào một tối có đội New York Liberty thi đấu, tôi đã thấy một điều thật đáng ngạc nhiên. Một nhóm thiếu nữ mười hai tuổi chạy tới rào chắn trước ghế ngồi của các em và giăng ra một tờ giấy có viết:
W.N.B.A: WHO NEEDS BOYS, ANYHOW?
[2] Women's National Basketball Association: Hiệp hội Bóng rổ nữ nhà nghề Mỹ. Đoạn sau có chơi chữ; “Who needs boys, anyhow?” có nghĩa là, “Ai mà cần bọn con trai chứ?”
Khi tiếng reo hò cổ vũ dậy lên khắp khán đài, tất cả những gì tôi nghĩ được là ông ngoại của Eustace Conway hẳn đang quay cuồng đầu óc dưới nấm mồ.
Thế đấy, xét trên nền văn hóa đương đại, không có gì đáng ngạc nhiên khi một thanh niên như Jason muốn chuyển đến Alaska và giành lại ý niệm cổ xưa cao quý nào đó về chí nam nhi. Nhưng cậu có một khoảng cách mênh mông phải vượt - không phải về địa lý - trước khi cậu có thể nghĩ tới chuyện trở thành người khai hoang, trước khi cậu có thể hiểu một cách đúng đắn cậu sinh ra “để làm gì”. Jason rất thiết tha và, có trời chứng giám, rất chân thành. Cậu có nụ cười vô cùng dễ thương, và Eustace thích sự bầu bạn cũng như những bài hát cảnh báo nguy cơ hủy hoại môi trường của cậu. Nhưng Jason có bản tính yếu mềm và dễ tổn thương như một vết bầm tím vừa va đập, và cậu lại xử sự có phần tự kiêu thành thử rất khó mà dạy cậu. Và, xét trên nền tảng giáo dục thành thị luôn được bảo vệ che chở của cậu, cậu có một lỗ hổng lớn, rất lớn về thường thức. Chẳng bao lâu sau khi tới Đảo Rùa, cậu mượn một chiếc xe tải của Eustace để đi xuống Nam Carolina và vô tình chạy xe suốt cả chặng đường với vận tốc bảy mươi lăm dặm một giờ trong khi hệ dẫn động bốn bánh vẫn khóa.
Như về sau Eustace kinh ngạc nói, “Tôi không tin nổi là chiếc xe tải của tôi tồn tại được qua chặng đường đó trong tình trạng như thế.”