Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 09 - Phần 2
Anh ngừng lời. Ngồi dựa ra và mỉm cười.
Bản thân tôi chẳng biết phải nói gì.
Chẳng phải là tôi đang băn khoăn không biết Eustace có đã bao giờ nhặt lấy một tờ Architectural Digest chưa. Chẳng phải tôi kinh ngạc vì Eustace, người hàng mấy chục năm nay vẫn rao giảng rằng để sống hạnh phúc chúng ta chẳng cần nhiều môi trường vật chất bao quanh, vừa mới miêu tả mơ ước xây dựng một dinh thự miền quê với những tiêu chuẩn thẩm mỹ của một triệu phú dầu mỏ nghỉ hưu. Không phải tôi đang suy ngẫm rằng đột nhiên với tôi Eustace nói nghe mới giống Thomas Jefferson làm sao - một nhà mộng tưởng rất quan tâm đến lợi ích cộng đồng nhưng cũng rất cô độc, trong phút chốc rũ bỏ mọi bổn phận đối với nền Cộng hòa để chìm đắm vào sự mơ màng hoang tưởng về ngôi biệt thự được thiết kế mỹ mãn hoàn toàn rời xa xã hội. Thậm chí cũng chẳng phải tôi đang băn khoăn không biết mười ba đứa trẻ mà Eustace vẫn dự định sinh ra rồi đây sẽ ngủ ở đâu trong ngôi nhà chỉ có hai phòng ngủ còn trống đó. Tôi có thể xử lý được tất cả thắc mắc này. Chẳng làm tôi lúng túng chút nào.
Nỗi kinh ngạc của tôi căn bản hơn nhiều.
Đơn giản là, bất chấp tất cả những bước ngoặt tính cách lạ lùng mà rốt cuộc tôi đã đâm quen suốt nhiều năm qua ở kẻ sơn nhân hiện đại và phức tạp nhất trong mọi sơn nhân này, tôi vẫn không tài nào tin nổi mình vừa nghe Eustace Conway thốt ra cái cụm từ “những phòng đựng áo quần khổng lồ”.
***
Đây là Eustace Conway, nhìn xuống lòng khẩu súng săn đã bốn mươi năm tuổi. Nếu những biểu đồ thống kê của ngành kinh doanh bảo hiểm là đáng tin, anh đã sống hết nửa đời rồi. Anh đã đạt được nhiều thành tựu. Anh đã tận mục sở thị nhiều thứ trên thế giới này hơn những gì hầu hết chúng ta từng đọc được. Anh đã, khoảng bảy mươi lăm lần mỗi năm, hoàn thành những việc mà người ta bảo anh là không thể làm được. Anh đã giành và bảo vệ được mảnh đất mà anh luôn khao khát. Anh đã để tâm đến những luật lệ của tự nhiên, và sự chú ý đó đã tưởng thưởng anh bằng sự thành thạo đáng kinh ngạc trong hàng loạt công việc. Anh đã xây dựng một tổ chức giáo dục và truyền dạy dựa theo đúng hình tượng của anh. Anh đã trở thành một nhân vật tiếng tăm của công chúng. Anh được sùng bái và anh được kính sợ. Anh đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp của mình. Anh thậm chí tự gọi mình là Sơn Nhân Hạng Nhất, và quả thực anh đã trở thành một Người Mang Sứ Mệnh đang hành động, Ẩn Sĩ Nổi Tiếng Nhất Thế Giới, Tổng Giám Đốc Của Rừng Xanh.
Nhưng cũng tồn tại những kẻ nứt. Và anh có thể cảm nhận gió lùa qua đó. Cũng như hồi ba mươi tuổi, anh dường như không thể làm cho mối quan hệ với người khác diễn ra tốt đẹp như mong muốn. Những người mà anh làm việc cùng ở Đảo Rùa luôn giận anh hoặc hiểu lầm anh. Hầu hết những người học việc tôi gặp ở Đảo Rùa rốt cuộc đều rời bỏ Eustace rất lâu trước khi thời gian học tập của họ chính thức kết thúc, và thường là trong nước mắt. Ngay cả Candice, cô gái đã nhất quyết không trở thành một cựu thành viên bất mãn của Đảo Rùa nữa, cũng đã đột ngột bỏ núi mà đi như một DETI, thất vọng não nề vì Eustace từ chối trao cho cô thêm quyền trông coi khu vườn.
Và Eustace vẫn không gần gũi hơn với gia đình. Đứng hàng đầu trong mọi suy nghĩ của anh tất nhiên vẫn là người cha lúc nào cũng đầy khinh miệt - chế ngự từng hơi thở của anh, chỉ trích và kinh tởm và tức giận. Một câu chuyện diễn đi diễn lại bất tận trong cuộc đời Eustace Conway là mỗi khi anh tìm kiếm tình yêu và sự công nhận từ cha mình, anh luôn gần như chói mắt trước sự trống lốc anh thấy ở đó.
Tuy nhiên có một điều lạ thực sự thay đổi vào năm nay gọi cho tôi hôm sinh nhật thứ ba mươi chín của anh. Chúng tôi trò chuyện bình thường, nói chuyện khoảng một giờ đồng hồ về công việc ở Đảo Rùa và tán gẫu. Anh kể cho tôi nghe về những người học việc mới, về công việc ở chuồng trại và sự chào đời của một con ngựa non tên là Luna.
Và rồi anh nói, với một giọng rất lạ. “À, còn một chuyện nữa. Tuần này tôi nhận được một tấm thiệp chúc mừng sinh nhật.”
“Ồ, thế à?” tôi hỏi. “Từ ai vậy?”
“Từ bố tôi.”
Có một khoảng lặng dài. Tôi đặt cốc trà đang uống dở xuống và tìm cho mình một cái ghế.
“Kể tôi nghe,” tôi nói. “Kể tôi nghe mọi chuyện đi.”
“Tôi đang cầm tấm thiệp ngay trên tay đây này.”
“Đọc cho tôi nghe đi, Eustace.”
“Nó thú vị lắm, cô biết không? Bố tôi... ừm... ông ấy tự tay vẽ tấm thiệp. Nó là một bức vẽ ba quả bóng bay nhỏ trôi lên bầu trời. Ông ấy vẽ những quả bóng bay bằng bút đỏ và vẽ một cái nơ buộc quanh mấy sợi dây bằng bút xanh lục. Ông dùng bút xanh dương để viết lời nhắn.”
“Lời nhắn thế nào?”
Eustace Conway hắng giọng rồi đọc: “Thật khó tin được rằng ba mươi chín năm đã trôi qua kể từ khi con sinh ra và hình thành gia đình chúng ta. Cảm ơn bao nhiêu hạnh phúc con đã mang cho cả nhà qua chừng đó thập kỷ. Cả nhà ta mong thật nhiều hơn nữa. Yêu con. Bố.”
Lại thêm một khoảng im lặng dài.
“Đọc lại lần nữa đi,” tôi nói, và Eustace đọc
Chẳng ai trong hai chúng tôi nói gì trong một lúc lâu. Rồi Eustace nói với tôi rằng anh nhận được tấm thiệp này hai ngày trước. “Tôi đọc nó một lần rồi gấp lại bỏ vào phong bì. Nó khiến tôi buồn xa xót, tay tôi run rẩy. Đó là những lời tử tế đầu tiên bố từng nói với tôi. Tôi không nghĩ có ai hiểu nổi điều đó khiến tôi cảm thấy thế nào. Mãi đến giờ tôi mới nhìn lại tấm thiệp. Phải mất hai ngày tôi mới có đủ can đảm để mở nó ra lần nữa và đọc lại. Tôi thậm chí sợ chạm vào nó, cô hiểu không. Tôi không chắc nó có thật không. Tôi nghĩ biết đâu mình mơ thấy nó.”
“Anh ổn chứ?” tôi hỏi.
“Tôi không biết nữa. Ôi Chúa ơi, tôi không biết làm cách nào mở trái tim đầy sợ hãi của mình ra để dù chỉ để nghĩ về nó. Sao chứ, thứ này là có ý gì vậy? Thứ này có nghĩa gì hả bố? Bố đang làm cái quái quỷ gì vậy?”
“Có thể ông không có ý đồ gì đâu, Eustace.”
“Tôi nghĩ tôi sẽ giấu tấm thiệp này đi một thời gian.”
“Làm vậy đi,” tôi nói. “Có lẽ ngày mai anh có thể đọc lại.”
“Có lẽ tôi sẽ làm thế,” Eustace nói, rồi anh gác máy.
Chút băng tan tuy nhỏ xíu nhưng chấn động này trong mối quan hệ giữa hai Eustace làm tôi nghĩ đến một từ khó hiểu tôi vừa mới học được. Một hôm khi đang lật giở cuốn từ điển thì tôi tình cờ khám phá ra nó, khi cố tìm tên Eustace, để xem có biết được xuất xứ của nó không. Không có từ Eustace nào trong từ điển của tôi, nhưng tôi lại khám phá ra từ Eustasy, nó là một danh từ. Và đây là nghĩa của từ Eustasy: “sự thay đổi mực nước biển trên phạm vi toàn thế giới, xảy ra qua nhiều thiên niên kỷ do tác động của sự dâng lên hoặc hạ xuống của các sông băng.”
Dùng cách nói khác là, một sự tan chảy chầm chậm và hùng tráng. Tôi nghĩ đây sẽ là cách tạo ra dù chỉ một thay đổi nhỏ trong mực nước bi
***
Và rồi cũng phải xét đến những thành viên khác trong gia đình Conway. Các mối quan hệ của Eustace với họ cũng không ổn định. Anh yêu mẹ mình, nhưng anh khóc thương cho nỗi buồn cũng như cuộc sống hôn nhân khốn khổ của bà với một cảm xúc mãnh liệt tới độ bào mòn khả năng tìm kiếm hạnh phúc của chính bản thân anh. Anh quan tâm đến cậu em trai nhỏ Judson nhiều hơn quan tâm tới bất kỳ ai, nhưng ngay cả người quan sát tình cờ nhất cũng có thể thấy rõ mồn một rằng hai anh em không còn thân thiết như trước nữa. Không còn như vậy nữa kể từ hành trình Kỵ sĩ Đường trường. Giờ đây Judson sống gần Eustace, cư trú chỉ ngay bên kia thung lũng đối diện Đảo Rùa, trong một ngôi nhà gỗ nho nhỏ mà anh xây cho mình và giờ thì chia sẻ với cô vợ chưa cưới cực kỳ thú vị của mình (một cô gái tự chủ và bền bỉ, biết săn nai bằng cung tên, là thợ đốn gỗ, và có tên là - nghe nhé! - Eunice). Judson có thể dễ dàng phi ngựa lên thăm Eustace hằng ngày nếu anh thích thế, nhưng anh không thích. Hai anh em hiếm khi gặp nhau. Eustace muốn gần gũi với Judson hơn nhiều so với Judson đối với anh, nhưng Judson cẩn thận và lịch sự giữ khoảng cách không thân thiết giữa họ.
“Tôi thấy rõ điều đó khi chúng tôi cưỡi ngựa xuyên nước Mỹ,” Judson bảo tôi. “Eustace y hệt như bố tôi. Anh ấy dữ dội khủng khiếp và thật khó mà ở gần. Anh ấy và bố tôi đều hãnh diện tự cho mình là những người truyền đạt vĩ đại. Họ nghĩ họ hành xử ở trình độ trí tuệ và truyền đạt cao hơn bất kỳ ai khác. Eustace được một điều là anh thực sự cố gắng lắng nghe mọi người và đôi khi cũng hết sức nhẹ nhàng và công bằng, nhưng điểm căn bản thì chẳng khác gì nhau - anh ấy lúc nào cũng phải làm theo ý mình và không bao giờ bàn luận phải quấy gì hết. Này, tôi yêu anh mình, nhưng tôi không biết phải đối phó với chuyện này ra sao nữa. Đó là lý do tại sao tôi giữ khoảng cách. Tôi chẳng còn cách nào. Chuyện này khiến tôi thực sự buồn.”
Walton Conway, người em trai thứ, cũng sống gần đó, chưa đầy một giờ lái xe từ Đảo Rùa. Thông minh sáng láng, thông thạo nhiều ngôn ngữ và dè dặt, anh sống trong một ngôi nhà hiện đại thoải mái, giá sách của anh đầy ắp các tác phẩm của Nabokov và Dickens. Walton dạy Anh văn và viết thứ văn xuôi lặng lẽ. Anh điều hành một cơ sở kinh doanh ở ngoài nhà, nhập khẩu và bán hàng thủ công mỹ nghệ từ Nga. Vợ anh là một phụ nữ hoạt bát và phóng khoáng có hai con gái riêng từ cuộc hôn nhân trước, và hai vợ chồng họ vừa có thêm một cô con gái nữa. Cuộc sống của Walton hiện nay rất bình lặng, nhưng thời trẻ anh đã thực hiện nhiều cuộc hành trình gian khó. Hồi đó, anh thường xuyên viết thư về nhà c người anh cả Eustace, anh luôn ngưỡng mộ sâu sắc và rất mong mỏi có được sự xem trọng từ anh trai.
“Em chẳng thích nói thế này đâu,” Walton viết cho Eustace vào năm 1987, sau một thời gian dài sống trong một trang trại ở Đức noi anh đã tìm được công việc, “nhưng có thể anh sẽ tự hào về em. Khi em đang làm việc, hai bàn tay em sẽ trở nên rắn rỏi và đầy cáu ghét, và giờ đây em mới có vết chai sần ở những chỗ mà trước kia em chưa bao giờ thấy.”
Hoặc lá thư này từ Nga năm 1992: “Có một sự thay đổi lớn trong vận tốc đào thửa vườn dưa chuột ở ngoài thành phố cuối tuần vừa rồi. Làm việc với xẻng rất hiệu quả suốt cả ngày. Nghĩ về anh và Tolstoy và về cái mùa hè anh đi xây dựng ở dưới tiểu bang Alabama nóng hơn hỏa ngục. (Anh thấy đấy, em đã gián tiếp trải nghiệm mọi cuộc phiêu lưu của anh, thông qua những cái lỗ nhòm bé tí trên cánh cửa.) Tuy nhiên, nhìn chung thì có lẽ anh sẽ ghét ở Moscow này. Vây quanh em toàn cặn bã. Thật xót xa khi nhìn thành phố này, những gì con người đã làm với chính bản thân họ, những gì con người được bố thí khi lên được tới đầu dòng người xếp hàng chờ. Em không thể tưởng tượng anh có thể ở đây. Em mơ về Đảo Rùa.”
Nhưng giờ khi sống rất gần Đảo Rùa, Walton lại hiếm khi tới thăm anh trai. Điều này đánh gục Eustace, anh tha thiết muốn có thời gian bên Walton và cảm thấy tổn thương vì người em trai sẽ không đóng một vai trò quan trọng hơn trong cuộc đời anh.
“Là bởi bản ngã mà tôi phải tránh xa,” Walton giải thích. “Tôi không thể chịu đựng nổi. Có những buổi sáng thức giấc tôi chợt nghĩ, Chúa ơi, chẳng phải sẽ tuyệt vời lắm sao nếu có một người anh như Eustace với mọi kỹ năng và sự thú vị đó, nhưng đồng thời cũng khiêm tốn nữa? Tôi sẽ thích ở bên một ai đó như thế để được học hỏi. Tôi thích một ngày nào đó được đi bộ đường trường với Eustace và có một tương thông nhẹ nhàng, nhưng cái vấn đề bản ngã này thực sự khó mà tránh được. Tôi luôn muốn nói với anh ấy, 'Thử tưởng tượng có một ngày anh khởi hành một chuyến đi ngựa mà không phải nói với tất cả mọi người về điều đó xem? Mọi khoảnh khắc trong cuộc đời anh cứ phải luôn luôn là một trò công diễn thế à?'”
Còn với Martha cô em gái duy nhất của Eustace thì sao? À, tôi xem cô là nhân vật bí hiểm nhất trong cả gia đình Conway. Cô sống rất xa bên ngoài thế giới phiêu lưu và liều lĩnh của các anh em trai đến mức đôi khi thật dễ mà quên đi sự tồn tại của cô. Nhà Conway rất hay đùa rằng thần tiên đã bắt cóc đứa con thật của gia đình đi rồi để Martha thế chỗ nên chẳng có ai hiểu nổi tại sao cô “lại như thế”. Martha sống với chồng và hai con gái ở một khu ngoại ô mới khang trang, trong một ngôi nhà sạch sẽ vô trùng tới mức ta có thể sử dụng căn bếp của cô làm phòng mổ.
“Cô biết khi có con nhỏ thì hầu hết các ông bố bà mẹ phải giấu mọi thứ đồ dễ vỡ trong nhà đi để không có cái gì bị đổ bể như thế nào không?” Judson hỏi tôi, khi anh cố miêu tả về bà chị. “Ờ, trong nhà Martha thì mọi chuyện không giống vậy. Chị ấy bày những thứ đồ dễ vỡ ngay đó trên bàn uống nước rồi bảo hai cô con gái đừng có chạm vào. Và cô cứ việc tin chắc là chúng không chạm vào.”
Martha là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành, còn mộ đạo hơn nhiều so với cả bố lẫn mẹ cô. Cô cũng là một phụ nữ thông minh sắc sảo với tấm bằng thạc sĩ Đại học Duke. Tôi chắc chắn cô có thể điều hành hãng General Motors ngay lập tức nếu cô muốn, nhưng cô tập trung mọi khả năng nhạy bén và tài tổ chức vào làm một người nội trợ hoàn hảo, một bà mẹ nghiêm khắc và một thành viên quan trọng của nhà thờ nơi cô đi lễ. Tôi không biết nhiều về Martha; tôi chỉ ở bên cô có một buổi chiều. Nhưng tôi mến cô. Tôi thấy cô dịu dàng hơn tôi tưởng sau khi nghe các anh em trai cô kể về tính khắt khe nổi tiếng của cô. Tôi thật cảm động khi cô đón tôi vào nhà, bởi vì nơi đó vốn vô cùng thiêng liêng đối với cô. Tôi có thể thấy trong mắt cô rằng thật khó khăn biết bao cho cô khi để tôi vào nhà như thế. Tôi có thể thấy nỗi muộn phiền trong cô, nơi ý thức sâu sắc về lòng mến khách của người Thiên Chúa giáo đối chọi lại với ý thức về sự riêng tư mà cô vốn nâng niu.
Khi tôi đề nghị Martha kể về bản thân cô, cô nói, “Điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi là con đường đi bên Chúa Jesus. Điều đó phản ánh trong mọi việc tôi làm - cách tôi nuôi dạy các con, cách tôi tôn thờ lời cam kết với hôn nhân, cách tôi nỗ lực không đặt bản thân lên trước nhất, cách tôi kiểm soát các cảm xúc của mình và điều khiển giọng của mình. Mọi lựa chọn tôi đưa ra đều dựa trên đức tin của tôi. Tôi dạy các con ở nhà cũng bởi vì đức tin của tôi. Tôi không muốn các con học trường công. Tôi cảm thấy có rất nhiều điều xấu ở đó, kể từ khi người ta đưa cầu nguyện ra khỏi trường học. Tôi muốn các con tôi lớn lên với đức tin nghiêm cẩn, và chúng chỉ có thể nhận được điều đó ở đây bên tôi. Ở ngoài đời, mọi thứ đều dựa trên thuyết tương đối, và tôi không muốn các con tôi học điều đó. Ở ngoài kia, không còn gì là tuyệt đối nữa. Nhưng tôi vẫn tin vào những điều tuyệt đối. Tôi tin có một cách sống mà đúng và sai tuyệt đối tách bạch, và tôi có thể dạy các con điều đó, ngay ở đây trong
Chỉ ra Eustace và Martha khác nhau đến mức nào cũng là một câu chuyện vui thường xuyên của nhà Conway. “Cứ chờ cho đến khi thấy chị ấy sống như thế nào đi,” tôi được cảnh báo. “Cô sẽ không tin nổi chị ấy và Eustace là anh em đâu!” Nhưng tôi xin lễ phép không tán đồng. Ngay khi bước vào phòng khách nhà Martha, tôi nghĩ, Xin lỗi nhé, anh em. Hai con người này chính xác là một. Cả Eustace và Martha đều thấy thế giới “ngoài kia” thật suy đồi và bẩn thỉu, thế nên cả hai người đều thiết kế thế giới riêng của chính họ, những thế giới khăng khăng lánh mình khỏi xã hội rộng lớn hơn, riêng biệt đến như thể họ có thể sống dưới cái chao đèn cũng được. Họ điều khiển thế giới riêng tư của mình với quyền lực tuyệt đối, không bao giờ phải trải qua cảm khó chịu do thỏa hiệp. Thế giới của Eustace rộng một nghìn mẫu Anh còn thế giới của Martha chỉ gần một trăm mét vuông, tuy nhiên họ cai trị với cùng một động lực. Rốt thì đều là chủ nghĩa chuyên chế.