Khúc mưa tan - Chương III - Phần 05 - 06
KHÚC MƯA TAN – CHƯƠNG 3 – PHẦN 5
BÃO HÔN TIA NẮNG (Phần 5)
Tôi ngã ngửa ra trước câu trả lời của Nhân Mỹ. Sao một học sinh mà lại cư xử một cách thiếu tế nhị và lịch sử với người lớn hơn tuổi như thế chứ! Tôi dù cho không phải là giáo viên nhưng cũng là nhân viên của trường cơ mà.
Chưa kịp để tôi phản ứng, cậu nhóc đã nhướng người lên và đưa đầu mình sát mặt tôi. Lần này thì tôi không thể nào để yên được. Hành động này phải bị trừng trị. Một sự ngang ngược và thô lỗ quá đáng.
Nghĩ là làm, tôi đưa tay lên và đẩy cậu ta ra xa. Mặt tôi đã bắt đầu nóng và đỏ lên vì tức giận. Ấy vậy mà cậu ta còn dám cầm tay tôi nữa cơ đấy. Nụ cười đầy khiêu khích của Nhân Mỹ như thể hiện rằng cậu ta biết tất cả làm ruột gan tôi cứ gọi là lồng lộn cả lên.
- Mỹ! Em làm gì thế?
Thật may cho tôi khi cô Thi đã kịp thời xuất hiện. Nếu cô ấy tới chậm thêm phút nữa thì tôi không biết điều gì tồi tệ sẽ xảy ra.
Nhân Mỹ đành phải thả tay tôi ra. Tôi mừng rơn cười toe toét. Bây giờ ngay cả trường học cũng nguy hiểm với tôi.
- Càng lúc em càng quá đáng đấy! Em dám trêu chọc cả cô quản lý thư viện nữa à? – Cô Thi nói với giọng đầy giận dữ mặc dù vẫn giữ được sự tỉnh táo.
Nhân Mỹ chẳng thèm đáp lại, đưa đôi mắt ngang tàng nhìn cô ấy rồi bỏ đi. Tôi thật là bó phép với cái kiểu con trai mới lớn như thế rồi đấy.
Đợi đến lúc Nhân Mỹ đã đi xa, cô Thi mới nhẹ nhàng tiến lại và nói với tôi:
- Em không sao chứ! Thằng bé tính cách hơi quái dị chứ không phải người xấu đâu. Em bỏ qua cho nó nhé!
- Dạ… em cũng không sao…
Cô ấy đã nói thế thì tôi cũng chẳng biết nói làm sao nữa. Nhân Mỹ có người mẹ kế tuyệt vời như thế mà không biết quý trọng gì cả. Bây giờ kiếm đâu ra một phụ nữ vừa đoan trang vừa tốt bụng lại giỏi giang như cô Thi cơ chứ. Ngay cả cách cô ấy đi cũng khiến tôi ghen tỵ. Sao có thể đi một cách thanh thoát và nhẹ nhàng như vậy nhỉ?
***
Mọi hy vọng của tôi khi bước chân vào làm việc trong ngôi trường này ngày một ít dần đi. Vì tôi không thể tìm được bất kỳ một manh mối hay dấu vết gì cả. Hỏi ai họ cũng bảo là không biết. Mọi người cứ như bị xóa sạch ký ức trong khi chuyện đó chỉ mới xảy ra cách đây hai năm. Thật là buồn.
Ngồi hoài trong thư viện cũng chán, tôi chạy xuống và đi dạo trong sân vườn sau của trường. Mỗi lần bực dọc hay có điều gì đó không vui thì tôi lại thích đi dạo và nhìn ngắm bầu trời để mong muốn tìm lại chút gì đó yên bình trong tâm thức.
Đột nhiên tôi nghe tiếng quét lá xào xạc, nhìn lên thì thấy bác lao công của trường đang chăm chỉ quét dọn những chiếc lá đã rụng vào tối hôm qua. Không có họ thì ngôi trường đã không sạch sẽ và đẹp đẽ như thế này. Nhìn kỹ hơn một chút, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy đó chính là bác Kiên, người mà những lúc tôi học ở đây đã rất yêu quý. Bác đã giúp đỡ tôi những lần tôi đi học muộn và cho tôi mượn ô mỗi lúc trời mưa. Thế mà lâu nay tôi vẫn nghĩ là bác đã không còn làm việc ở đây nữa chứ.
- Bác Kiên!
Tôi chạy lại và gọi tên bác đầy trìu mến. Nhìn bác đã già hơn và ốm đi rất nhiều. Tuổi tác và công việc đã lấy đi của bác quá nhiều.
Hất chiếc mũ rộng vành, bác Kiên chầm chậm ngẩng mặt lên và nhìn tôi. Đôi mắt bác nhíu lại dường như để nhìn cho rõ và cố gắng nhớ ra điều gì đó. Vài giây sau thì bác mỉm cười hỏi tôi.
- Xin lỗi! Cô là ai?
Câu hỏi của bác làm tôi loạng choạng. Suýt nữa thì tôi đã bảo với bác tôi là Tử Quân, là cô học trò nhỏ tinh nghịch ngày xưa vẫn thường hay mè nheo với bác. Thật là ngớ ngẩn khi tôi lại mong muốn người khác nhận ra mình khi đang cải trang. Chắc giây phút đó tôi đã bị cảm xúc chi phối.
- Dạ… Cháu là nhân viên mới của phòng thư viện trường. – Tôi lấy lại tỉnh táo và bắt đầu giới thiệu mình.
- Thế à? Chào cô… Nhưng sao cô biết tên tôi? – Giọng nói của bác vẫn ấm áp như ngày nào.
- À… dạ… hồi cấp ba cháu có học ở đây. Cháu là bạn của Tử Quân đấy bác ạ! Bác còn nhớ Tử Quân không? – May mắn là tôi đã tìm được một lý do để tiếp cận với bác.
- Có chứ! Con bé ngày xưa vẫn hay làm nũng với tôi đây mà. Hóa ra cô cũng học ở đây và là bạn của nó à?
Nụ cười tươi của bác làm tôi ấm lòng. Bác vẫn chưa quên tôi. Thật là hạnh phúc. Tình cảm giữa người và người đúng là không chịu sự chi phối của thời gian.
Trò chuyện với bác một thôi một hồi về những ngày xưa cũ, đột nhiên tôi nhớ đến việc mà mình vẫn đang điều tra. Bác Kiên là người làm lâu năm ở đây, bác lại là người thật thà nên chắc là tôi sẽ có thêm nhiều thông tin.
- Bác ơi…
- Gì thế cháu?
- Bác có biết vụ cháy nhà kho ở trường này cách đây hai năm không ạ?
Bác Kiên trả lời câu hỏi của tôi bằng một nét mặt vừa ngạc nhiên vừa chua xót. Bác chẳng nói gì, chỉ cúi đầu trầm ngâm. Điều này càng khiến tôi hoang mang lo lắng.
- Sao thế ạ? Cháu hỏi chỉ vì tò mò thôi… – Tôi cố gắng nói bình tĩnh để bác không nghi ngờ.
- Đó là một thảm kịch…
- Dạ. Cháu cũng nghe người ta nói thế. Bác có chứng kiến được sự việc đó không?
- Có. Hôm đó là ca trực của bác. Cái nhà kho đó đã từ lâu lắm rồi không được sử dụng. Không ngờ lại là nơi xảy ra chuyện kinh hoàng như thế. Cũng may những đứa trẻ bị nhốt trong nhà kho đã được cứu ra hết. Không thôi thì…
Tôi ngỡ ngàng trước những gì vừa nghe. Những đứa trẻ đã được cứu ra hết ư? Không phải ngày trước chính báo chí đưa tin là toàn bộ những người có trong nhà kho lúc xảy ra vụ cháy đều đã mất mạng cả hay sao? Vậy là bé Trinh của tôi, bé Trinh của tôi vẫn còn sống? Tôi đang mơ hay tỉnh đây?
- Bác! Có thật là những đứa trẻ đã được cứu ra hết không ạ? Không phải tất cả đều bị chìm trong biển lửa hay sao? – Tôi cầm lấy tay bác Kiên và hỏi như chưa bao giờ được hỏi.
- Ừ. Chính bác nhìn thấy mà. Có một tốp người đã xông vào cứu bọn trẻ và đưa lần lượt chúng ra ngoài. Bác còn nhớ như in trong số những đứa trẻ ấy có một cô bé tóc rất dài với cái băng đô xanh trên đầu nữa.
- Dạ?
Tim tôi như vỡ ra từng mảnh vì không thể tin vào những gì vừa nghe. Cô bé mà bác Kiên nói chính là em Trinh của tôi. Không ai khác chính là em ấy. Ngày trước em đã một hai đòi tôi mua cho bằng được cái băng đô màu xanh nhân dịp sinh nhật. Và bé Trinh đã đeo chiếc băng đô đó vào ngày em bị bắt đi. Thế là những gì tôi tin tưởng bấy lâu nay là sự thật? Khi tất cả mọi người đều bảo tôi điên khi nghĩ rằng bé Trinh vẫn còn sống thì tôi vẫn đi tìm em gái mình. Và giờ đây tôi đã đúng. Ôi không! Thế là bé Trinh bé bỏng của tôi vẫn còn sống đâu đó trong thế giới rộng lớn này ư? Ôi không…
Tôi cứ suy nghĩ như thế với những giọt nước mắt ướt đẫm cả khuôn mặt. Bác Kiên nhìn và chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra với tôi. Nhưng có lẽ sự nhạy bén của một người đã đứng tuổi khiến bác hiểu và im lặng nhìn tôi khóc. Một niềm hạnh phúc quá lớn đối với trái tim quá nhỏ bé của tôi. Giờ đây tôi nhận ra rằng chỉ cần có niềm tin thì sẽ có tất cả. Sự thật em Trinh vẫn còn sống sẽ là động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy tôi trong việc đi tìm ra sự thật và lấy lại được đứa em gái thân yêu tội nghiệp của mình.
Vuốt nhanh những giọt nước mắt còn đọng lại trên mi, tôi ngẩng đầu nhìn bác Kiên và nở một nụ cười hiền:
- Bác ơi. Ngoài việc bác thấy những đứa trẻ được cứu thoát thì bác còn thấy được điều gì khác nữa không ạ?
- Lúc đó trời tối lắm cháu ạ. Không khí lại hỗn loạn nữa. Nếu lúc đó không phải bác để quên túi xách ở gần nhà kho rồi quay lại lấy thì bác không thể nhìn thấy việc mấy đứa trẻ được cứu ra đâu.
- Vậy bác có nhìn thấy người đã đưa mấy đứa trẻ ra ngoài không ạ?
- Bác không chắc lắm. Nhưng trong số đó có một người phụ nữ thì phải. Cô ta khá cao và mái tóc ngắn nhìn rất kỳ cục.
- Dạ? Tóc ngắn? Có phải mái tóc một bên ngắn một bên dài không ạ?
- Ừ. Đúng đấy!
Là Luca!
Không thể nào!
KHÚC MƯA TAN – CHƯƠNG 3 – PHẦN 6
BÃO HÔN TIA NẮNG (Phần 6)
Tôi cảm ơn và chào tạm biệt bác Kiên khi trời đã chuyển màu nắng. Giờ tan trường đã điểm. Những gì bác Kiên nói với tôi thật quý giá biết bao. Có lẽ ông trời đang giúp tôi để tôi có thể sớm tìm ra sự thật và tìm được em gái mình. Nhưng mọi chuyện vẫn còn bí ẩn và nhiều khúc mắc lắm. Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết vì sao những đứa trẻ lại bị bắt đi, không hiểu vì sao Luca lại tới nhà tôi làm việc rồi sau đó bỏ đi trong im lặng sau khi khiến cả công ty của ba tôi phá sản, không hiểu vì sao báo giới lại nói rằng những đứa trẻ đã không còn trong vụ cháy kinh hoàng hôm đó khi mà chúng đã được cứu thoát ra từ trước. Và còn một nghi ngờ nữa mà lâu nay vẫn nằm trong suy nghĩ của tôi. Đó chính là việc những người bạn thân làm ăn cũng với ba tôi trong phi vụ bí ẩn làm phá sản hàng loạt công ty năm đó, tất cả mọi người sau đó đều đột ngột biến mất trừ ba tôi. Có lẽ nào tất cả mọi chuyện đều liên kết với nhau? Có lẽ nào đằng sau những biến cố đó là những bí mật kinh khủng mà tôi cần phải tìm hiểu?
Càng nghĩ càng nhức đầu!
Nhưng tôi tin chắc một điều rằng Luca biết bé Trinh của tôi đang ở đâu. Và tôi cần phải khiến cho cô ta nói ra điều đó. Chắc chắn là như vậy! Dù cho đó không phải là điều dễ dàng…
***
Thẫn thờ bước ra cổng trường chờ Phong Trần tới đón, tôi suýt nữa văng tim ra ngoài khi Nhân Mỹ không biết từ đâu lại lù lù xuất hiện. Lúc này tôi đang cực kỳ không vui, và sự xuất hiện của cậu ta báo hiệu sẽ có điều gì đó không hay sắp sửa xảy ra.
Tôi dừng lại khi bị Nhân Mỹ đứng chặn trước mặt. Không hề nói một câu nào, tôi lạnh lùng bước sang một bên và đi tiếp, chiến lược tôi đang sử dụng là coi cậu ta như không khí và không thèm quan tâm.
- Tại sao lại phải cải trang như thế?
Câu hỏi của Nhân Mỹ làm tôi phải dừng lại. Một sự lo lắng bỗng ùa lên trong lòng tôi.
Tuy nhiên tôi thiết nghĩ mình cần phải giữ bình tĩnh trong trường hợp này, vì lẽ đó, tôi quyết định tiếp tục đi, mặc kệ cho cậu ta muốn nói gì thì nói.
Nhưng đôi khi dừng lại sẽ là một quyết định khôn ngoan!
Bước ngơ ngẩn với một đống suy nghĩ trong đầu như thế nên tôi hoàn toàn không để ý gì đến tình hình xung quanh. Đó cũng là lý do để tôi suýt trở thành nạn nhân của một vụ đâm xe nếu như không có cú nhảy kinh thiêng động địa của Nhân Mỹ khi chạy lại ôm tôi và ngã nhào qua một bên vệ đường. Lúc nằm dưới đất, tôi cứ mở tròn to mắt nhìn, hồn vía cứ bay tưng cả đi. Tôi không hiểu mình vừa trải qua chuyện gì nữa. Nhìn sang một bên, tôi thấy Nhân Mỹ đang nhăn nhó mặt mày. Hình như cậu nhóc đang đau lắm thì phải. Quay lui nhìn thì những vệt khói mờ của một chiếc xe máy nào đó đã khuất dần đi trong con hẻm phía trước mặt.
Nhân Mỹ đã cứu tôi!
- Này! Này! Cậu không sao chứ?
Tôi ngồi dậy và vội vã đỡ Nhân Mỹ, mồ hôi mồ kê cứ thế chảy tuôn ra.
Có vẻ như cậu ấy vẫn còn đau nên không nói năng gì. Tôi ngớ người đi khi Nhân Mỹ dùng tay ấn chặt lại một phần của chiếc mặt nạ bằng da mà tôi đang đeo khi nó bị hở ra ngoài. Có vẻ như cậu ta đã biết tôi là ai…
- Có cần đến bệnh viện không? Tôi thấy hình như cậu đau lắm. – Tôi cứ cuống quýt cả lên.
- Không cần. Ngồi chút là đỡ thôi.
Cuối cùng thì Nhân Mỹ cũng chịu mở miệng. Một vài người xung quanh tiến lại giúp tôi đỡ Nhân Mỹ vào ngồi trong quán nước gần trường. Tình hình cũng không nặng nề lắm thì phải. Ngoài vài vết xước trên mặt và tay ra thì hình như Nhân Mỹ không bị gì ở xương hay những bộ phận quan trọng trên cơ thể.
- Có thật sự là không sao không? Hay cứ tới bệnh viện cho chắc ăn? – Tôi cố gắng khuyên bảo cậu nhóc.
- Đã bảo là không cần mà.
Nhân Mỹ bực dọc nói lớn làm tôi ngậm miệng hoàn toàn. Dù sao cậu nhóc cũng là ân nhân cứu mạng tôi. Tôi không muốn tranh cãi với cậu ấy trong lúc này.
Hai chúng tôi ngồi im lặng như thế khoảng mười lăm phút. Hôm nay không hiểu sao Phong Trần lại tới đón tôi muộn. Thường thì lúc nào tôi tan trường là anh đã có mặt trước cổng rồi. Vừa gặp phải xui xẻo nên tôi cũng lo lắng không biết chồng mình đến muộn là vì lý do gì. Tôi sợ anh lại gặp chuyện gì đó…
Hix… Có nhiều thứ không may thường xảy đến bất ngờ…
- Ai tư vấn cho kiểu tóc và cái mặt nạ đó thế?
Câu hỏi từ trên trời rơi xuống của Nhân Mỹ làm tôi thộn mặt ra.
- Nói cái gì thế?
Dù biết là cậu ta đã nhận ra tôi là ai nhưng tôi vẫn cố gắng lờ đi.
- Quá xấu. Nhìn như yêu tinh!
Thực tình là tôi muốn cãi lại lắm nhưng biết là không nên nóng vội trong lúc này nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Chọc Nhân Mỹ nổi điên lên rồi cậu ta đi nói hết với mọi người trong trường tôi giả dạng tới đây làm việc thì mọi cố gắng của tôi coi như đổ sông đổ bể.Vì vậy một điều nhịn là chín điều lành. Tôi cần phải tập kiên nhẫn trước những nhóc con mới lớn như cậu ấy.
Nhưng làm sao Nhân Mỹ biết tôi là ai được nhỉ? Tôi cứ nghĩ mình hóa thân như thế là quá xuất sắc rồi chứ!
Thật là một câu hỏi khó.
***
Thêm mười lăm phút nữa mà chồng tôi vẫn bặt vô âm tín. Điện thoại gọi thì không thèm bắt máy. Sao anh ấy có thể để quên vợ của mình theo cách vô tư như thế này chứ? Thật là bực mình!
- Đi về không?
Tôi ngẩng mặt nhìn Nhân Mỹ khi cậu nhóc hất hàm hỏi tôi.
- Tôi đợi người tới đón. Cậu còn đau không? Có tự về được không?
Lòng tôi cứ cảm thấy xót xa khi nhìn những vết thương trên mặt Nhân Mỹ. Đôi khi chẳng thể hiểu nổi con người này nữa. Cậu ta đối với tôi là như thế nào đây?
- Tất nhiên là không. Đưa tôi về đi.
Câu nói mang tính chất ra lệnh của Nhân Mỹ làm tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy khó xử. Cậu ta vì tôi mà bị thương, nhưng tôi bây giờ lại phụ thuộc và Phong Trần. Nếu tôi đưa cậu nhóc về thì Phong Trần phải tính sao? Càng nghĩ càng thấy giận chồng tôi ghê gớm. Không biết sáng nay có việc gì mà anh ấy lại quên đi đón tôi. Bộ lẽ tôi cứ phải ngồi đợi mãi như thế này?
Thật không thể nào chấp nhận được!
- Có đưa tôi về được không?
Không hiểu cậu nhóc này ăn phải cái gì mà cứ mở miệng ra là toàn giọng đao búa.
- Thực tình thì tôi cũng muốn đưa cậu về… Nhưng mà…
Tôi khá lúng túng khi nhìn vào mắt Nhân Mỹ để nói. Cậu ta đang không khỏe, nếu để mặc cho Nhân Mỹ lái xe một mình về thì không ổn chút nào. Tay cậu nhóc vẫn còn đau thế kia mà.
Khó xử…
Thêm mười phút nữa, mọi chờ đợi của tôi vẫn chỉ là chờ đợi. Điện thoại của Phong Trần bây giờ không những không nghe máy mà còn không liên lạc được. Gọi về nhà thì cũng chẳng thấy ai nhấc điện thoai. Tôi cũng không có số của bà ngoại nữa. Chồng tôi, anh ấy rốt cuộc đang làm gì cơ chứ!
- Sao?
Lần thứ ba Nhân Mỹ cất giọng hỏi. Mức độ lúng túng của tôi lại tăng lên.
- Không biết nữa…
Giờ đã quá trưa rồi. Tôi cũng không thể cứ ngồi mãi ở đây mà đợi. Bụng dạ cũng đang biểu tình nhiệt liệt. Làm sao bây giờ?
- Cứ ngồi như vậy mãi à?
Tôi đã thấy sự bực bội trong câu nói của Nhân Mỹ. Mà cũng hay thật. Cậu ta muốn về thì cứ về đi. Sao cứ một hai bắt tôi phải đi theo vậy chứ!
Nhưng mà tay cậu ta đang đau… Aiza… Tôi quên mất chuyện đó…
Thêm vài giây đắn đo, tôi đứng bật dậy, kêu tính tiền và nói với âm lượng vừa phải:
- Đi nào. Tôi đưa cậu về!
Không biết tôi có nhìn nhầm hay không nhưng tôi đã thấy một nụ cười thoáng qua trên khuôn mặt ngang tàng của Nhân Mỹ. Cậu nhóc này đúng là vẫn chưa lớn. Chỉ có con nít mới xem chuyện này như một trò chơi mà thôi.
Sau khi vào nhà xe lấy xe giùm cho Nhân Mỹ, tôi quyết định sẽ đèo cậu nhóc về. May là hôm nay Nhân Mỹ đi xe máy điện, chứ nếu là xe đạp thì đó cũng là một vấn đề nan giải đối với tôi.
Chạy vù vù trên đường trưa với cái nắng quá sức oi ả, người tôi cứ như bốc hơi dần đi, chẳng còn chút sức nào nữa. Nhân Mỹ hình như hiểu được tôi đang ở trong tâm trạng như thế nào nên ngồi yên và không chọc ghẹo gì tôi cả.
- Còn xa không?
Tôi vừa nhăn mặt vừa cố gào to lên.
- Sắp tới rồi!
Từ “sắp” của cậu nhóc làm tôi thở phào phần nào. Gì chứ thời tiết này dù cho là đi xe máy hay xe đạp cũng là một cực hình.
Nhưng tôi thấy lạ. Đi theo đoạn đường mà Nhân Mỹ chỉ dẫn tôi cứ có cảm giác quen quen và kỳ kỳ sao đó. Cảm giác như tôi đang đi theo một… vòng tròn!
Phía trước kia chẳng phải là con đường mà ngôi trường cấp ba của tôi đóng đô sao?
- Tới rồi đó! Còn chút nữa thôi!
Tôi như một con ngố, cứ thể chạy tới và dừng lại trước ngôi nhà nằm ngay ngắn đầu đường. Như thế này là như thế nào?
- Tới nhà tôi rồi đó.
- Hả?
Nhân Mỹ xuống xe và bắt đầu cười khình khịch. Tôi cứ đơ ra như vừa mới bị điện giật. Sao thế này? Nếu nhà cậu nhóc ở đây thì chỉ cách trường có vài chục mét. Cớ sao lại bắt tôi chạy vòng vòng như diễu hành cả một chặng đường dài miên man thế kia?
Tôi đang bị troll ư?
Không phải chứ!
- Trò gì thế này?
Tôi bắt đầu xụ mặt và gầm gừ.
- Khờ thế! Bị lừa thôi! Mà cũng không hẳn. Con đường nào cũng dẫn tới thành Rome mà.
Nhân Mỹ nói như cười rồi nhìn tôi với ánh mắt lém lỉnh. Hai mắt tôi cụp xuống. Ôi thôi. Tôi chính thức đã bị lừa. Vừa bị leo cây vừa bị lừa. Còn điều gì tồi tệ hơn hôm nay nữa không?
Chẳng buồn mắng chửi lại Nhân Mỹ, tôi thả lại xe cho cậu ta rồi bỏ đi. Thực tình lúc này tôi đang rất mệt.Vì vậy nên dù giận tím ruột bầm gan nhưng tôi vẫn không muốn nổi đóa trong lúc này. Sức khỏe của tôi không cho phép. Bây giờ tôi thấy lo cho chồng tôi nhiều hơn. Có lẽ nào anh ấy đã gặp chuyện gì đó?
Thật là lo quá đi…
Tôi cứ thế đi bộ nặng nhọc trên đường. Lòng dạ cứ sôi lên ùng ục vì lo lắng. Tôi lo đến mức mà không biết có kẻ nãy giờ vẫn đi sau lưng mình.
- Làm cái gì thế? Về nhà đi!
Tôi dừng lại và gắt lên. Tôi không tài nào hiểu được cậu ta đang muốn giở trò gì nữa.
- Kệ tôi. Đường là của chung. Không của riêng ai cả.
Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến một kẻ điên có đẳng cấp như thế. Trời trưa nắng như đổ lửa mà cậu ta vẫn hí hửng bỏ tay vào bọc quần và đi dạo ư? Mặc kệ! Tôi không muốn để ý đến cái kẻ mang tên Nhân Mỹ đó nữa.
Đi ra đường lớn thì tôi bắt được taxi. Cuối cùng cũng có thể về nhà trong im mát. Còn điều gì kinh khủng bằng cái nắng ban trưa nữa. Ôi không. Da dẻ tôi cứ gọi là cháy đen như than cả rồi.
Lúc vào xe, tôi thấy Nhân Mỹ đã dừng lại công việc “đi dạo” của mình, đứng yên nhìn tôi rồi sau đó quay lưng đi. Dù tôi cũng biết là cậu nhóc đi theo tôi chỉ với mục đích là đưa tôi về nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy khó chịu và bực tức. Cái cách Nhân Mỹ thể hiện quá kỳ quái và điên rồ. Mà thường thì những điều kỳ quái và điên rồ là vô cùng nguy hiểm. Vì thế nên tôi mới luôn có cảm giác sợ Nhân Mỹ. Sợ cái khác người của cậu nhóc vẫn đang ở tuổi ăn tuổi lớn này.
***
Về đến nhà, từ ngoài cổng nhìn vào, tôi sững sờ khi thấy chiếc xe của chồng mình đang nằm lù lù trong đó. Không khí trong nhà thì có vẻ vô cùng sôi động và náo nhiệt. Tiếng cười đùa vang cả một góc sân.
Chuyện gì đang xảy ra thế này?
Mở cửa bước vào với nỗi uất nghẹn trong lòng, tôi từ từ thấy bà ngoại và Luca đang ngồi cười nói rôm rả với một ai đó. Tiến vào sâu hơn, tôi sững sờ khi thấy một cô gái trẻ xinh đẹp đang cầm tay Phong Trần. Cả hai nhìn vô cùng thân thiết. Như thế này là như thế nào đây?
Sự xuất hiện của tôi trong nhà dường như không gây được bất kỳ một sự chú ý nào nếu như tôi không mở miệng.
- Anh!
Cuộc trò chuyện vui vẻ đó tất nhiên đã bị hoãn lại vì tôi. Bà ngoại vẫn ngây thơ như ngày nào, nhìn thấy tôi thì ríu rít:
- Ô! Cháu dâu đi làm về rồi à?
Luca chẳng buồn nhìn tôi.
Cô gái đó đưa đôi mắt đầy nghi hoặc và lạ lẫm soi tôi từ trên xuống dưới. Có vẻ như trong mắt cô ta tôi chẳng khác nào người ngoài hành tinh.
Còn chồng tôi. Anh đứng vụt dậy. Khuôn miệng cách đây vài giây vừa cười toe toét bỗng dưng méo xệch. Đừng nói rằng lúc này đây anh mới nhớ là anh đã vứt bỏ tôi như thế nào.
- Anh… anh quên mất…
Trong tôi bây giờ chỉ còn hai chữ đổ vỡ. Cái này mà gọi là chồng sao? Cái này mà gọi là tình yêu sao?
Ôi…
Thật là khủng khiếp!